Nelson Mandela - Con đường dài đến tự do

<center><img
src="http://danluan.org/files/u1/sub02/nelson-mandela-francois-pienaar-aidan-caralight-2-southafricansports.jpg"
width="550" height="404"
alt="nelson-mandela-francois-pienaar-aidan-caralight-2-southafricansports.jpg"
/></center>
<center><em>Nelson Mandela, lúc đó là tổng thống Nam Phi, trao cúp
cho đội trưởng Francois Pienaar của đội bóng Ruby Nam Phi,
được coi là hình ảnh tiêu biểu cho sự hòa giải giữa
người da đen và da trắng tại Nam Phi sau những năm dài dưới
chủ nghĩa Apartheid.</em></center>

Ngày 10 tháng 5, bình minh rực rỡ. Trong mấy ngày vừa qua tôi
đã bận rộn với công việc tiếp các vị lãnh đạo quốc tế
và các vị khách quý đến chúc mừng chúng tôi trước lễ
tuyên thệ nhậm chức. Lễ nhậm chức sẽ là buổi gặp mặt
nhiều nhà lãnh đạo quốc tế nhất từ truớc đến nay trên
mảnh đất Nam Phi.

Các buổi lễ diễn ra tại khán đài lộ thiên do Tổ chức Union
Buidings xây bằng sa thạch ở Pretoria. Trong nhiều thập kỷ, nơi
đây là từng là vị trí tối cao của màu trắng, và bây giờ
nó là địa điểm của cây cầu vồng được kết từ nhiều
màu khác nhau, nhiều quốc gia khác nhau để lập nên chính phủ
dân chủ, không phân biệt chủng tộc đầu tiên ở Nam Phi.

Vào ngày thu đẹp trời đó, đi cùng với tôi là cô con gái
Zenani. Trên bục diễn thuyết, đầu tiên ông de Clerk lên tuyên
thệ nhậm chức phó thổng thống thứ hai. Rồi đến lượt ông
Thabo Mkebi tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống thứ nhất. Khi
đến lượt tôi, tôi tuyên thệ sẽ tuân theo và duy trì hiến
pháp, sẽ dâng trọn đời mình cho sự thịnh vượng của nền
cộng hòa và các thành viên của nó. Tôi nói với các vị khách
và với hàng triệu người khác trên thế giới đang chăm chú
theo dõi:

[I]'Hôm nay, tất cả chúng ta có mặt ở đây để ban tặng
vinh quang và hy vọng cho một nền tự do vừa mới chào đời.
Một xã hội sinh ra từ một thảm họa khủng khiếp của nhân
loại vốn đã kéo dài quá lâu phải là một xã hội mà tất
cả nhân loại lấy làm tự hào.

Hôm nay chúng tôi, những người vốn bị đặt ra ngoài vòng
pháp luật cách đây không lâu, đã được trao niềm vinh dự
hiếm hoi để làm chủ nhà đón tiếp các vị khách quốc tế
trên quê hương của chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn tất cả các
vị khách quốc tế đã đến đây để cùng tất cả nhân dân
đất nước chúng tôi đón nhận một chiến thắng chung cho công
lý, cho hoà bình, và cho nhân phẩm.

Cuối cùng chúng tôi đã được giải phóng về chính trị.
Chúng tôi cam kết sẽ giải phóng tất cả nhân dân chúng tôi
khỏi nghèo nàn, tước đoạt, chịu đựng...

Nạn người áp bức người sẽ không bao giờ, không bao giờ,
không bao giờ diễn ra trên đất nước tươi đẹp này lại
thêm một một lần nữa. Mặt trời sẽ không bao giờ lặn trên
những thành tựu chói sáng vinh quang của loài người.

Hãy để tự do được trị vì! Thượng Đế phù hộ cho châu
Phi!''[/I]

Ngay sau đó, tất cả chúng tôi đều kinh ngạc ngước nhìn lên
khi những chiếc máy bay phản lực, những chiếc trực thăng,
những máy bay chở quân gầm rú bay vút qua phía trên toà nhà
Union Buildings theo đội hình thật hoàn hảo. Đó không chỉ là
màn trình diễn về sự chính xác và sức mạnh quân sự mà còn
là một sự biểu dương cho sự trung thành của quân đội đối
với nền dân chủ, đối với một chính phủ vừa được bầu
lên một cách tự do và công bằng. Mới chỉ vài giây trước
đó, những vị tướng cấp cao nhất của quân đội và cảnh
sát Nam Phi trên ngực gài nơ hoa hồng và lấp lánh những huy
chương của những ngày qua đã lên chào và tuyên thệ trung
thành với tôi. Tôi không thể không nghĩ tới thực tế rằng
mới cách đây mấy năm thôi họ đâu có chào tôi mà lại đã
bắt tôi. Cuối cùng, một phi đội phản lực Impala bay qua,
trải ra một dải khói năm màu đen, đỏ, xanh lá cây, xanh da
trời, và vàng tượng trưng cho màu cờ của một nước Nam Phi
mới.

Ngày hôm đó đã được tượng trưng hóa cho tôi bằng việc
cử hai bài quốc thiều, những người da trắng thì hát bài
quốc thiều mới 'Nkosi Sikelel' iAfrica' còn những người da đen
thì hát bài 'Die Stem' vốn là bài quốc thiều của chế độ
cũ. Cho dù ngày hôm đó không bên nào thuộc lời bài quốc
thiều họ từng tởm lợm thì họ cũng sẽ nhanh chóng thuộc
lòng lời của chúng.

Vào ngày tuyên thệ nhậm chức, lòng tôi tràn ngập những ý
nghĩ về lịch sử. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này,
vài năm sau cuộc tương tàn Anh-Hà Lan kết thúc và trước khi
tôi chào đời, những người da trắng ở Nam Phi đã dựng lên
một chế độ phân biệt chủng tộc đối với những người da
màu ngay trên quê hương của họ. Bộ máy họ tạo ra đã làm
cơ sở cho một trong những xã hội hà khắc nhất, và phi nhân
đạo nhất mà loài người từng biết đến. Bây giờ, vào
thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, vàcũng là thập kỷ thứ
tám của đời tôi, chế độ đó đã bị lật đổ mãi mãi và
thay vào đó là một chế độ thừa nhận những quyền tự do
của tất cả các chủng tộc không phân biệt họ có màu da gì.

Cái ngày vinh quang đó đã đến được nhờ những sự hy sinh
vô bờ bến của hàng nghìn đồng bào tôi, những người mà
sự hy sinh và lòng cam đảm của họ sẽ không bao giờ có thể
đo đếm được hay đền đáp được. Ngày hôm đó, tôi cảm
thấy như đã từng cảm thấy với bao ngày khác rằng tôi chỉ
là kết quả của tất cả những người Phi yêu nước đã đi
trước tôi mà thôi. Chặng đường dài và vinh quang đó đã
kết thúc và nay lại bắt đầu với tôi. Tôi thật đau lòng là
tôi không thể cảm ơn họ, là họ đã không thể nhìn thấy
được những thành quả của những sự hy sinh của họ.

Chính sách phân biệt chủng tộc đã tạo ra một vết thương
sâu sắc và kéo dài trên quê hương và nhân dân chúng tôi. Tất
cả chúng tôi sẽ phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là
nhiều thế hệ, để hàn gắn vết thương này. Nhưng những
thập kỷ của áp bức và bạo tàn cũng đã đem lại một kết
quả ngoài ý muốn, đó là nó đã tạo ra những Oliver Tambo,
những Walter Sisulu, Chief Luthuli, những Yusuf Dadoo, những Bram
Fischer, những Robert Sobukwe của thời đại chúng ta, những con
người có lòng cam đảm, sự thông thái, và sự hào hiệp vô
song, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ tìm thấy những người như
họ nữa. Có lẽ chính sự áp bức sâu sắc đã tạo ra những
nhân cách có tầm cao như thế. Đất nước tôi rất giàu về
khoáng sản và các loại đá quí, nhưng tôi luôn biết rằng tài
sản vĩ đại nhất của chúng tôi chính là những con người,
còn thật hơn đẹp hơn cả những viên kim cương nguyên chất
nhất.

Chính từ những đồng chí này trong tranh đấu mà tôi đã học
được ý nghĩa của lòng cam đảm. Tôi đã luôn thấy những con
người đã liều mạng thậm chí hiến cả đời mình cho một
lý tưởng. Tôi đã luôn thấy những con người đã dám đứng
lên thách thức sự tấn công và tra tấn. Tôi đã nghiệm ra
rằng lòng can đảm không phải là sự vắng bóng của sự sợ
hãi mà chính là sự chiến thắng/vượt qua sự sợ hãi. Bản
thân tôi đã cảm thấy sợ hãi nhiều đến mức tôi không thể
nhớ là bao nhiêu lần nữa, nhưng tôi đã giấu nó phía sau một
bức màn quả cảm. Con người can đảm không phải là con
người không cảm thấy sợ hãi mà là con người biết chế
ngự sự sợ hãi.

Tôi luôn luôn tin rằng rằng sự chuyến biến vĩ đại này rồi
sẽ xảy ra. Không phải chỉ vì những người hùng vĩ đại mà
tôi vừa nhắc đến mà còn vì lòng can đảm của những con
người bình thường trên quê hương tôi. Tôi luôn biết rằng
sâu thẳm trong tim mỗi con người là lòng nhân từ và hào
hiệp. Không ai khi sinh ra đã hận thù những người khác chỉ
vì màu da, lai lịch hay tôn giáo của họ. Người ta phải học
thì mới biết hận thù, và nếu người ta có thể học hận
thù thì người ta cũng có thể học để biết yêu thương, vì
lòng yêu thương đến với trái tim con người tự nhiên hơn là
lòng hận thù. Thậm chí ngay cả những giây phút đen tối nhất
trong nhà tù khi những đồng chí của tôi và tôi bị đẩy tới
giới hạn tột cùng của sự chịu đựng, tôi cũng đã nhìn
thấy một tia le lói phảng phất chất con người nơi một trong
những viên cai ngục, có lẽ chỉ trong một giây thôi, nhưng
cũng là đủ để trấn an và giúp tôi đi tiếp. Lòng tốt của
con người là một ngọn lửa có thể bị che đi nhưng không bao
giờ có thể dập tắt được nó.

Chúng tôi chấp nhận đi theo con đường tranh đấu, mở to mắt
chứ không hề ảo tưởng rằng đó sẽ là con đường dễ
dàng. Hồi còn trẻ khi tôi gia nhập ANC, tôi đã thấy cái giá
mà những đồng chí của tôi phải trả cho niềm tin của họ,
và nó rất cao. Đối với bản thân tôi, tôi không bao giờ hối
tiếc mình đã gắn mình vào cuộc đấu tranh đó, và tôi luôn
sẵn sàng đương đầu với những sự gian khổ tác động đến
cá nhân tôi. Nhưng gia đình tôi thì đã phải trả một cái giá
kinh khủng, có lẽ là một cái giá quá đắt vì sự gắn mình
của tôi vào cuộc đấu tranh đó.

Trong cuộc đời, mỗi con người có hai bổn phận - bổn phận
với gia đình, cha mẹ, vợ con, và bổn phận với đồng bào và
với tổ quốc. Trong một xã hội dân sự và nhân đạo, mỗi
người đều được tạo điều kiện để thực hiện hai bổn
phận đó tuỳ theo thiên hướng và khả năng của mình. Nhưng
ở một đất nước như Nam Phi, việc đó là gần như không
thể với một người có màu da và nguồn gốc như tôi. Ở Nam
Phi, một người da màu muốn sống như một con người sẽ bị
trừng phạt và cô lập. Ở Nam Phi, một người muốn làm tròn
bổn phận với đồng bào của mình sẽ không thể tránh khỏi
bị tách khỏi gia đình và quê hương và buộc phải sống một
cuộc đời xé lẻ, một cuộc đời trong tranh tối tranh sáng
của sự bí mật và bạo loạn. Lúc đầu tôi đã không chọn
đặt đồng bào của tôi lên trên gia đình mình, nhưng khi tìm
cách phục vụ đồng bào, tôi thấy rằng tôi không thể thực
hiện được những bổn phận của mình với tư cách là người
con, người anh, người cha, và người chồng được nữa.

Theo cách đó, sự gắn mình của tôi với đồng bào với hàng
triệu người Nam Phi tôi chưa từng biết hay gặp mặt đã làm
tôi mất đi những người tôi biết rõ nhất và thương yêu
nhất. Nó chỉ đơn giản như thế nhưng lại cũng khó hiểu như
khi một cháu bé hỏi bố của mình rằng, 'Tại sao bố không ở
với chúng con?' Và ông bố phải bật ra những lời kinh khủng
nhất, 'Còn có nhiều đứa trẻ khác như con, rất nhiều...'
rồi giọng nghẹn lại.

Tôi không sinh ra với một khát khao tự do. Tôi sinh ra vốn đã
tự do - tự do theo mọi cách mà tôi có thể biết. Tự do chạy
nhảy tung tăng trên những cánh đồng gần túp lều của mẹ
tôi, tự do bơi lội trên dòng suối trong vắt chảy qua làng
tôi, tự do nướng ngô dưới các vì sao và cưỡi trên tấm
lưng rộng của những con bò đi đủng đà đủng đỉnh. Miễn
là tôi vâng lời bố và tuân theo những phong tục của bộ lạc
tôi thì tôi sẽ không bị luật pháp của con người hay Thượng
Đế gây phiền phức.

Chỉ khi tôi bắt đầu nhận thấy rằng cái tự do thời thơ
ấu chỉ là một ảo tưởng, chỉ khi một chàng trai trẻ như
tôi phát hiện ra rằng sự tự do của tôi đã bị lấy mất
thì tôi mới bắt đầu khao khát tự do. Lúc đầu khi còn là
sinh viên, tôi chỉ muốn tự do cho bản thân mình, những tự do
nhất thời kiểu được đi chơi khuya, được đọc những gì
mình thích, được đi những nơi mình muốn. Về sau, khi ở
Johannesburg, tôi lại khát khao có được những tự do căn bản
như đạt được những tiềm năng của mình, được kiếm
sống, được lấy vợ và xây dựng một gia đình - tự do không
bị cản trở trong một cuộc sống hợp pháp.

Nhưng rồi tôi dần nhận ra rằng không chỉ bản thân tôi không
có tự do mà anh chị em tôi cũng đều thế. Tôi nhận ra rằng
không chỉ sự tự do của bản thân tôi bị cắt xén đi mà là
sự tự do của tất cả những người trông giống như tôi. Đó
chính là khi tôi gia nhập ANC, và cũng là khi lòng khao khát tự
do cho bản thân tôi đã biến thành một lòng khát khát tự do
lớn hơn cho đồng bào của tôi. Chính lòng khao khát tự do cho
những đồng bào của tôi được sống trong nhân phẩm và tự
trọng đã làm cuộc sống của tôi trở nên sống động, đã
chuyển hoá một chàng trai trẻ đang sợ hãi thành một con
người can đảm, đã đẩy một luật sư luôn tuân thủ pháp
luật trở thành một tên tội phạm, đã biến một người
chồng tận tụy vì gia đình thành một người không quê
hương/không gia đình, đã buộc một người yêu cuộc sống
phải sống như một thầy tu. Tôi không đức hạnh hay xả thân
hơn ai, nhưng tôi thấy rằng tôi thậm chí không thể tận
hưởng những tự do nghèo nàn và hạn chế mà tôi có khi tôi
biết rằng đồng bào tôi không được tự do. Sự tự do là
không thể phân chia; những xiềng xích với bất kỳ đồng bào
nào của tôi cũng chính là những xiềng xích với tất cả
đồng bào tôi, và những xiềng xích với tất cả đồng bào
tôi cũng chính là những xiềng xích với tôi.

Chính trong những năm tháng dài đằng đẵng và đơn độc đó
lòng khát khao tự do cho những đồng bào của riêng tôi đã
biến thành lòng khát khao tự do cho tất cả mọi người, dù
họ là da đen hay da trắng. Tôi biết rõ hơn bất cứ điều gì
tôi từng biết rằng người áp bức cũng cần phải được
giải phóng như chính người bị áp bức. Ai lấy đi sự tự do
của người khác thì chính người đó là tù nhân của sự hận
thù, anh ta bị giam cầm sau song sắt của định kiến hẹp hòi
và sự thiển cận. Tôi không thể thực sự tự do nếu tôi
tước đi sự tự do của người khác, điều đó cũng chắc
chắn như tôi có không tự do khi sự tự do của tôi đã bị
lấy đi. Cả người áp bức và người bị áp bức đều bị
cướp mất nhân phẩm của họ.

Khi tôi bước ra khỏi nhà tù, đó là sứ mệnh của tôi, sứ
mệnh phải giải phóng cả người bị áp bức và người đi áp
bức. Một số người cho rằng bây giờ sứ mệnh đó thành
công rồi. Nhưng tôi biết không phải là như thế. Sự thực là
chúng ta vẫn chưa tự do; chúng ta mới chỉ giành được quyền
tự do để được tự do, quyền không bị áp bức. Chúng ta
chưa tiến hành bước cuối cùng của chặng đường mà là mới
đi bước đầu tiên của một chặng đường dài hơn và thậm
chí có thể gian khổ hơn. Vì để được tự do không phải
chỉ là việc bứt bỏ những xiềng xích mà còn là sống sao cho
tôn trọng và nâng cao được sự tự do của người khác. Thử
thách thực sự đối với sự cống hiến của chúng ta cho sự
tự do mới chỉ bắt đầu.

Tôi đã đi theo con đường dài đó để đến với tự do. Tôi
đã cố gắng sao cho khỏi mất phương hướng hay gục ngã; tôi
đã có những bước đi sai lầm dọc chặng đường đó. Nhưng
tôi đã phát hiện ra một bí quyết rằng sau khi leo được một
quả đồi lớn, người ta nhận ra rằng còn có nhiều quả
đồi nữa cần phải leo. Tôi đã dừng ở đây một lát để
nghỉ, để trộm nhìn viễn cảnh huy hoàng xung quanh tôi, và
nhìn lại chặng đường mà tôi đã đi qua. Nhưng tôi chỉ có
thể cho phép mình nghỉ một lát, vì đến cùng với tự do là
những trách nhiệm, và tôi không dám trù trừ thêm nữa, vì
chặng đường của tôi chưa kết thúc.

<strong>Nguồn:</strong> Chương cuối (115) cuốn hồi ký "Long Walk
to Freedom: The Autobiography of Nelson Mandela" (1995)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/13179), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét