Nguyễn Gia Kiểng - Một thời điểm trọng đại trong lịch sử thế giới và Việt Nam (TL 270)

<div class="rightalign"><em>"...Dân chủ thắng không phải
vì có bạo lực, mà vì không gì mạnh
bằng một ý kiến đã chín muồi..."</em></div>

Thưa quí vị và các anh chị em,

Để mở đầu phần thảo luận hôm nay trước hết xin chia sẻ
với quí vị và các anh chị em một cảm giác của anh em chúng
tôi trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và của chính tôi. Đó là
rất có thể người Việt Nam chúng ta chưa ý thức được rằng
chúng ta đang đứng trước một vận hội lịch sử rất lớn.
Một làn sóng dân chủ mới rất mãnh liệt đang dâng lên. Nó
sẽ thay đổi hẳn bộ mặt của thế giới và cho chúng một cơ
hội để bước vào kỷ nguyên thứ hai của lịch sử nước ta,
kỷ nguyên dân chủ.

Sở dĩ chúng tôi có cảm giác đó là vì chúng tôi chưa nhận
thấy một khí thế phấn khởi, bồn chồn, lo lắng, hy vọng
đáng lẽ phải có. Nhiều người hình như không thấy rằng
một làn sóng dân chủ mới đang dâng lên. Trong số những
người nhìn thấy thì phần đông tự hỏi không biết là sóng
dân chủ đó có tràn tới Việt Nam hay không và câu trả lời
không hẳn là lạc quan.

Câu hỏi làn sóng dân chủ mới có tràn tới Việt Nam hay không
chỉ có thể trả lời một cách thỏa đáng nếu chúng ta hiểu
như nhau thế nào là một làn sóng dân chủ, bản chất và tác
động của nó ra sao. Vậy thì tôi xin phép quí vị và các anh
chị em trình bày lại một lần nữa thế nào là một làn sóng
dân chủ.

Lịch sử thế giới xét cho cùng là cuộc hành trình cùa con
người về tự do. Lịch sử cũng là cuộc hành trình của các
dân tộc về dân chủ, vì dân chủ là phương thức tổ chức
xã hội đặt nền tảng trên cá nhân và các quyền tự do cá
nhân. Dân chủ là cách thể hiện tự do trong đời sống xã
hội. Đây là cuộc hành trình rất khó khăn bởi vì cho tới
cuối thế kỷ 18, trừ một vài ngoại lệ nhỏ, nhân loại đã
chỉ biết đến các chế độ chuyên chính, thông thường là
các chế độ quân chủ thần quyền. Dân chủ từ khi ra đời
đã không ngừng bị sự phản công của các thế lực chuyên
chính để dập tắt dân chủ bằng bạo lực và phủ nhận dân
chủ bằng lý luận. Hai mặt trận chống dân chủ này luôn luôn
và bắt buộc đi đôi với nhau, vì chế độ chính trị nào
cũng phải đặt trên hai cột trụ thuyết phục và khuất phục,
trong đó thuyết phục là chính. Thuyết phục để khỏi phải
dùng tới bạo lực, bạo lực chỉ dùng để khuất phục những
phần tử không thể thuyết phục.

Do sự chống đối gay gắt đó, dân chủ không tiến triển một
cách đều đặn mà theo từng đợt, mỗi đợt nhắm bác bỏ
một chủ nghĩa và đánh đổ một số chế độ độc tài lấy
chủ nghĩa đó làm nền tảng hoặc nhờ chủ nghĩa đó mà tồn
tại. Ngược lại, các chế độ độc tài cũng chống trả một
cách dai dẳng, chúng không ngừng tìm kiếm những lập luận
mới để thích nghi tối đa nền tàng lý thuyết với thực tại
mới để tiếp tục tồn tại. Lịch sử đã chứng kiến các
chế độ độc tài nhiều khi phản ứng một cách khá sáng tạo
để từ khước dân chủ. Thí dụ như sau khi các chế độ quân
chủ thần quyền sụp đổ, các chế độ Quốc Xã Đức, Phát
Xít Ý và Quân Phiệt Nhật đã khai thác tối đa lòng tự hào
dân tộc, trong khi các chế độ cộng sản khai thác chênh lệch
giàu nghèo để tự cho mình vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh
giai cấp. Trước mỗi đợt phản công của các thế lực chuyên
chính như vậy dân chủ cần chứng tỏ sự đúng đắn của
mình và cũng cần một thời giờ để tự cải tiến và thuyết
phục. Cuộc đấu càng khó khăn vì đặc tính của dân chủ là
từ khước chiến tranh và bạo lực. Vũ khí của dân chủ là
thuyết phục chứ không phải là chiến tranh, vì vậy mà các
làn sóng dân chủ chỉ dâng lên khi tâm lý thế giới đã chín
muồi cho một thay đổi. Dân chủ thắng không phải vì có bạo
lực, mà vì không gì mạnh bằng một ý kiến đã chín muồi.

Như vậy mỗi làn sóng dân chủ sẽ chỉ dừng lại sau khi ý
thức hệ mà nó nhắm đánh đổ đã hoàn toàn sụp đổ cùng
với các chế độ lấy nó làm nền tảng. Cũng có một số
chế độ độc tài sống sót. Đó là những chế độ biết
thích nghi với tình huống mới theo một trong hai kịch bản.

Kịch bản thứ nhất là chuyển hóa thực sự về dân chủ. Đó
đã trường hợp của phần lớn các nước cộng sản Đông Âu
sau 1990.

Kịch bản thứ hai là chấp nhận cởi mở một phần, từ bỏ
một cách quan trọng ý thức hệ cũ và khai thác một khuynh
hướng chính trị mới. Đó đã trường hợp của Trung Quốc và
Việt Nam; cả hai chế độ đã theo phương châm "mèo trắng mèo
đen" của Đặng Tiểu Bình, bớt đề cao chủ nghĩa Mác- Lênin
và chấp nhận "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa". Trước đó các chế độ độc tài Tây Ban Nha, Bồ Đào
Nha và Châu Mỹ La Tinh cũng đã chuyển hướng lấy lập trường
chống cộng sản làm lý do tồn tại sau thế chiến II. Kịch
bản thứ hai này chỉ có thể diễn ra với điều kiện là vào
lúc đó chế độ tìm được chỗ dựa ý thức hệ ở một
khuynh hướng mới.

Trong lịch sử thế giới đã có ba làn sóng dân chủ. Chúng ta
đang ở cao điểm của là sóng dân chủ thứ tư.

Làn sóng dân chủ thứ nhất, khởi đầu cuối thế kỷ 18 với
cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ và cuộc Cách Mạng Pháp đánh đổ các
chế độ quân chủ thần quyền, bắt đầu bằng các chế độ
đặt nền tảng trên Thiên Chúa Giáo.

Làn sóng dân chủ thứ hai bùng lên cùng với Thế Chiến II
đánh gục chủ nghĩa dân tộc sô vanh và các chế độ lấy nó
làm cứu cánh.

Làn sóng dân chủ thứ ba xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản và chấm
dứt chiến tranh lạnh. Nó bắt đầu bằng cách loại bỏ các
chế độ độc tài sống nhờ chiêu bài chống cộng, sau đó
đánh sập chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế
giới.

Để hiểu làn sóng dân chủ thứ tư mà chúng ta đang chứng
kiến trước hết cần hiểu tại sao làn sóng dân chủ thứ ba
đã khựng lại. Đó là vì thế giới đã quá vui mừng sau khi
chủ nghĩa cộng sản sụp đổ năm 1989 và nghĩ rằng dân chủ
đã thắng. Nhiều người còn cho rằng lịch sử sắp chấm
dứt; một trong những tác phẩm chính trị bán chạy nhất lức
đó có tựa đề "<em>Hồi kết thúc của lịch sử</em>" (1).
Thế giới cảm thấy quá nhẹ nhõm và mất cảnh giác. Điều
này có thể hiểu được. Chiến tranh lạnh đã quá gay go và
nguy hiểm. Lần đầu tiên nhân loại bị đặt trước nguy cơ
có thể bị tiêu diệt trong kinh hoàng bằng vũ khí nguyên tử
nếu chiến tranh lạnh biến thành chiến tranh thực sự.

Chính trong hơi thở phào nhẹ nhõm sau một giai đoạn quá căng
thẳng đó chủ nghĩa thực tiễn (realism) đã nhanh chóng trở
thành luật chơi trong bang giao quốc tế. Chủ nghĩa thực tiễn
không mới. Nó là một thái độ chính trị đã có từ ngày có
lịch sử. Nó có thể được định nghĩa một cách giản dị
nhưng chính xác như một chọn lựa chính trị dành cho quyền
lợi chỗ đứng trước hết và trên hết, nghĩa là mỗi khi có
mâu thuẫn giữa quyền lợi và các giá trị đạo đức thì
quyền lợi phải được dành ưu tiên. Nó đã từng mang những
tên gọi giai đoạn khác nhau, tại các nước phương Tây trong
thời kỳ chiến tranh lạnh nó là chủ nghĩa "<em>thà đỏ còn
hơn chết</em>" (Plutôt rouge que mort, rather red than dead). Quyền
lợi ở đây phải được hiểu là quyền lợi cụ thể và
ngắn hạn, bởi vì mọi hành động xét cho cùng đều nhắm
một lợí ích nào đó. Nhưng những lợi ích dài hạn có thể
mâu thuẫn với quyền lợi ngắn hạn, điều mà những chính
khách mị dân không nhìn thấy hoặc muốn nhìn thấy.

Đặc tính của chủ nghĩa thực tiễn là nhắm những quyền
lợi trước mắt. Nó chỉ là một tên gọi khác của sự thiển
cận. Chủ nghĩa thực tiễn đã bị các nhà lãnh đạo chính
trị lớn nhận diện từ lâu và gạt bỏ một cách khinh bỉ;
tuy vậy nó vẫn tồn tại vì có sự cám dỗ của một giải
pháp dễ dàng. Và nó đã hồi sinh vì thế giới đã quá mệt
mỏi sau chiến tranh lạnh và quá nhẹ nhõm sau khi bức tường
Berlin sụp đổ.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 tại Mỹ Bill Clinton,
một thanh niên trốn lính, đã đánh bại George Bush, một anh
hùng của Thế Chiến II và một tổng thống lỗi lạc đã góp
phần quyết định đánh gục khối cộng sản và chấm dứt
chiến tranh lạnh. Khẩu hiệu của Clinton là "chỉ biết có kinh
tế" (Economy, stupid !). Đó cũng là tên gọi mới của chủ nghĩa
thực tiễn. Tại Pháp, từ năm 1993 đảng Tập Hợp Cộng Hòa
của Jacques Chirac giành được đa số trong quốc hội và nắm
chính quyền, năm 1995 Chirac đắc cử tổng thống. Chirac không
những chỉ thực tiễn mà còn ve vãn các chế độ bạo ngược
bằng cách công khai chống lại các đòi hỏi dân chủ tại các
nước chưa phát triển.

Trong gần 20 năm áp dụng, chủ nghĩa thực tiễn đã bỏ qua các
giá trị đạo đức và nhân quyền để bình thường hoá các
chế độ độc tài bạo ngược đã rất chao đảo sau khi bức
tường Berlin sụp đổ. Các chế độ này không những được
củng cố nhờ trao đổi thương mại với các nước dân chủ
phát triển, mà còn liên kết với nhau và trở thành một đe
dọa cho dân chủ và hòa bình. Quan hệ thương mại với các
nước dân chủ đã không khiến các chế độ độc tài trở
thành cởi mở và thân thiện, trái lại chỉ giúp chúng thêm
sức mạnh để đối đầu. Lý do là vì ý thức hệ bao giờ
cũng quyết định sự chọn lựa bạn và thù.

Về mặt kinh tế, ba đặc tính của chủ nghĩa thực tiễn là:
nó tự nhiên dẫn tới chọn lựa kích thích tăng trưởng kinh
tế bằng tiêu xài; nó tự nhiên dẫn tới thâm thủng mậu
dịch và nợ công tại các nước phát triển; và nó là thả
lỏng đầu cơ tài chính. Cuối cùng sau khi đã cứu vãn và tăng
cường các chế độ cộng sản đáng lẽ phải sụp đổ nó
dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế.

Làn sóng dân chủ thứ tư mà chúng ta đang chứng kiến chính là
sự bác bỏ giận dữ, dứt khoát và vĩnh viễn chủ nghĩa thực
tiễn. Nó sẽ chỉ dừng lại khi tất cả các chế độ độc
tài sống nhờ chủ nghĩa thực tiễn đã chuyển hóa về dân
chủ hoặc sụp đổ. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng nó
không thể dừng lại ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc mà
sẽ cuốn đi cả hai chế độ độc tài này bởi vì cả hai
đều đã chỉ sống sót và tồn tại nhờ chủ nghĩa thực
tiễn.

Làn sóng dân chủ mới này đã bùng nổ một cách ngoạn mục
và dữ dội tại các nước Hồi Giáo Bắc Phi và Trung Đông.
Trong tương lai rất gần, chế độ độc tài Al-Assad sẽ bị
đánh đổ và cả khối Ả Rập sẽ bước vào kỷ nguyên dân
chủ. Tuy vậy sẽ là một sai lầm lớn nếu coi nó là một
hiện tượng Hồi Giáo. Sở dĩ nó ngoạn mục và dữ dội tại
các nước này là vì, ngoài vấn đề chung của các nước chưa
có dân chủ các nước Hồi Giáo, còn có một vấn đề đặc
biệt đáng lẽ đã phải giải quyết từ lâu nhưng vẫn chưa
được giải quyết, đó là đưa Hồi Giáo ra khỏi chính trị
và về địa vị của một tôn giáo. Mùa Xuân Ả Rập chỉ là
một phần của một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ
đích thực nhất và toàn cầu nhất trong lịch sử thế giới.

Tại các nước dân chủ phát triển, nhất là Mỹ và Châu Âu,
qua phong trào phẫn nộ (Mouvement des Indignés, Occupy Wall Street),
nó đòi hỏi một cách cai trị lành mạnh hơn, đặt chính trị
lên trên kinh tế và đặt kinh tế lên trên tài chính, tôn vinh
sản xuất thay vì đầu cơ, giảm bớt chênh lệch giàu nghèo,
chấm dứt thâm thủng mậu dịch và giảm nợ công; nó không
chấp nhận đồng hóa quyền lực với mãi lực và đòi hỏi
quyền lực phải thuộc về những người được dân bầu ra
chứ không thể ở trong tay các ngân hàng. Tóm lại là vất bỏ
chủ nghĩa thực tiễn và chọn lựa cho mọi vấn đề những
giải đáp đúng đắn, dài hạn.

Tại Nga, Putin cho đến gần đây tưởng chừng như không lay
chuyển được vì không hề gặp một sự chống đối nào, đang
bị chống đối ngày càng mạnh. Tình hình có thể thay đổi
rất nhanh chóng vì Putin là sản phẩm của chủ nghĩa thực
tiễn. Một cách thực tiễn, sau quá nhiều năm bê bối và rối
loạn dưới thời Yeltsin, người Nga đã mong muốn trước hết
sự ổn định. Ngày nay họ đòi tự do và dân chủ.

Tại Trung Quốc, chủ nghĩa thực tiễn, ấn bản kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã tích lũy đủ mâu
thuẫn nội bộ để không thể tiếp tục. Vả lại chế độ
cộng sản Trung Quốc đã chỉ sống sót nhờ chính sách đối
ngoại thực tiễn Hoa Kỳ và Châu Âu. Cũng như các tập đoàn
cầm quyền bạo ngược khác, nó đã được mặc sức đàn áp
những tiếng nói phản kháng, tha hồ bóc lột công nhân và bất
chấp môi trường để sản xuất thật nhiều với giá thật
rẻ và xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Châu Âu.

Đó là hậu quả của chính sách đối ngoại thực tiễn của
các nước dân chủ trong hơn hai mươi năm qua. Người ta hy sinh
các giá trị đạo đức và nhân quyền, bỏ mặc hàng tỷ
người dưới những ách thống trị dã man nhân danh kinh tế.
Nhưng cuối cùng chủ nghĩa thực tiễn đã chỉ đem đến cuộc
khủng hoảng kinh tế lớn nhất, dài nhất và trầm trọng nhất
trong lịch sử thế giới. Ngày nay nó đã phơi bày sự độc
hại và bị bác bỏ.

Chế độ Trung Quốc sẽ thích nghi như thế nào? Bài toán dân
chủ hóa Trung Quốc sẽ rất gay go vì gắn liền với sự thống
nhất của Trung Quốc. Điều chắc chắn là Trung Quốc không còn
chọn lựa nào khác hơn là dân chủ hóa.

Cũng cần nhận định là làn sóng dân chủ thứ tư đã bắt
đầu tại Đông Á trước khi bùng lên tại Bắc Phi.

Nước Đông Á ổn vững nhất gần đây là Indonesia, nước Hồi
Giáo lớn nhất và cũng là nước Đông Á đông dân thứ nhì.
Lý do là vì Indonesia đã là một nước dân chủ ổn vững từ
gần 15 năm qua.

Sinh hoạt chính trị đã sôi động tại Singapore ngay từ năm
2007 khi đối lập giành được trên 33% số phiếu trong cuộc
bầu cử quốc hội. Trong cuộc bầu cử tháng 7-2011 đối lập
dành được trên 40% số phiếu.

Tại Mã Lai, Liên Minh Vì Bầu Cử Lương Thiện, Bershi, đã thành
hình ngay từ cuối năm 2006; trong hai năm 2007 và 2008 họ đã tổ
chức được các cuộc biểu tình bất bạo động chống bầu
cử gian trá với hàng chục ngàn người tham gia. Kết quả là
trong cuộc bầu cử quốc hội 2008 đảng cầm quyền Mặt Trận
Quốc Gia mất đa số 2/3 mà nó vẫn có từ 1969. Có rất nhiều
triển vọng nó sẽ mất luôn đa số quá bán trong cuộc tổng
tuyển cử năm tới.

Tại Mã Lai cũng như tại Singapore, dân chủ hình thức đang
nhường chỗ cho dân chủ thực sự. Vào lúc này không ai còn có
thế nói Singapore và Mã Lai là những chế độ không dân chủ.
Cũng nên lưu ý là hai chính quyền Singpore và Mã Lai đã từng
đề cao cái mà họ gọi là "những giá trị Châu Á" để từ
chối thực hiện dân chủ một cách toàn diện. Chi tiết này
quan trọng ở chỗ không còn ai nhắc đến "những giá trị Châu
Á" này nữa.

Tại Thái Lan, dân chủ đã được thiết lập từ 1997 sau cuộc
khủng hoảng Châu Á. Năm 2006 quân đội đảo chính và cầm
quyền nhưng đã gặp sự chống trả mạnh mẽ và liên tục
của các lực lượng dân chủ. Năm 2008 họ đã phải trao lại
phần lớn quyền lực cho một chính quyền dân sự, để rồi
phải triệt thoái hoàn toàn khỏi chính trị sau cuộc bầu cử
tháng 7- 2011.

Nhưng biến cố ngoạn mục gần đây nhất đã xảy ra tại
Miến Điện như chúng ta đều đã thấy. Một cách đột ngột
chính quyền quân đội Miến đã tách hẳn khỏi ảnh hưởng
Trung Quốc, phóng thích các tù nhân chính trị, bắt tay với
Liên Minh Dân Chủ của Aung San Suu Kyi và tổ chức bầu lại
một phần quốc hội trong đó Liên Minh Dân Chủ đại thắng,
giành được 33 trong tổng số 34 đơn vị được bầu lại.

Biến chuyển tại Miến Điện không phải tình cờ, nó là thành
quả phối hợp của áp lực thế giới, của nỗ lực mở rộng
ảnh hưởng của Ấn Độ và của chiến lược tái khẳng
định của Hoa Kỳ tại Châu Á. Điều này đặc biệt có ý
nghĩa bởi vì Obama vốn theo chủ nghĩa thực tiễn, việc ông
đổi thái độ chứng tỏ Hoa Kỳ đã có những lý do quan trọng
để thay đổi chính sách đối ngoại.

Cũng thế, Ấn Độ cho tới nay vẫn theo đuổi một chính sách
đối ngoại dè dặt, nay trở nên tích cực và thách thức đối
với Trung Quốc, chắc chắn họ phải thấy được rằng bối
cảnh thế giới đã thay đổi. Miến Điện chưa phải là một
nước dân chủ nhưng trong một năm họ đã đi một đoạn
đường dân chủ hóa dài và tiến trình dân chủ hóa không thể
đảo ngược được nữa.

Còn Việt Nam?

Sau những chuyển biến vừa rồi Việt Nam trở thành nước
độc tài duy nhất có tầm vóc trong khối ASEAN và sẽ ngày càng
bị cô lập, có triển vọng còn bị lên án vì những vi phạm
nhân quyền.

Ngoài sự kiện bị nhân dân thù ghét chính quyền cộng sản
còn có những mâu thuẫn nghiêm trọng khác. Họ thách thức thế
giới khi chà đạp các giá trị dân chủ và nhân quyền, nhưng
lại lệ thuộc rất nặng nề vào thế giới. Tổng số xuất
và nhập khẩu của Việt Nam gần bằng hai lần GDP (chính xác
là 167%), một mức độ lệ thuộc ngoại thương chỉ thấy ở
một vài nước rất nhỏ.

Đã thế kinh tế Việt Nam lại còn lệ thuộc vào thế giới
một cách rất bênh hoạn vì, tuy là một kinh tế hướng ngoại
dựa vào xuất khẩu, Việt Nam thâm thủng mậu dịch kinh niên.
Thâm thủng mậu dịch sớm muộn cũng biến thành nợ nước
ngoài nên con số nợ nước ngoài thực sự của Việt Nam chắc
chắn phải nhiều lần lớn hơn con số chính thức 50 tỷ USD.

Chính quyền cộng sản Việt Nam dựa vào Trung Quốc nhưng Trung
Quốc lại chính là nước chèn ép và gây thiệt hại cho Việt
Nam nhất. Thâm thủng mậu dịch của Việt Nam chủ yếu là thâm
thủng đối với Trung Quốc. Và dù muốn hay không cũng không
thể dựa vào Trung Quốc được nữa bởi vì chính Trung Quốc
đang sắp chao đảo, và chao đảo mạnh.

Ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách toàn
trị nhưng họ lại chỉ có những cấp lãnh đạo mờ nhạt. Con
người nhiều quyền lực nhất, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
lại cũng là người bị thù ghét và khinh thường nhất. Họ
cố bưng bít và xuyên tạc nhưng trong nước lại có tới 120
triệu điện thoại di động và 35 triệu người sử dụng
internet và con số này tiếp tục tăng hơn 20% mỗi năm.

Những mâu thuẫn đó trong một bối cảnh kinh tế nguy ngập và
nhân dân phẫn nộ vì tham nhũng, bất công và cướp đoạt;
hàng triệu thanh niên tốt nghiệp đại học và cao đẳng không
tìm được việc làm và hàng triệu dân oan bị cướp đất
cướp nhà. Việt Nam có tất cả mọi yếu tố cần có cho một
cuộc cách mạng. Và đàng nào thì làn sóng dân chủ này cũng
không thể dừng lại ở biên giới Việt Nam. Logic của nó là
quét sạch chủ nghĩa thực tiễn và đánh đổ mọi chế độ
sống nhờ chủ nghĩa thực tiễn, mà chế độ cộng sản Việt
Nam là một trường hợp điển hình. Nó chỉ có chọn lựa
giữa thích nghi hoặc sụp đổ. Thay đổi nhất định phải
đến.

Nhưng bao giờ dân chủ mới đến còn là một câu hỏi mà câu
trả lời chủ yếu tùy thuộc trí thức Việt Nam. Cần nhắc
lại một lần nữa là cuộc cách mạng đúng nghĩa nào cũng
phải do trí thức khởi xướng và lãnh đạo. Chân lý này lại
càng đúng trong kỷ nguyên tri thức này. Tất cả mọi điều
kiện khách quan đã hội đủ cho cuộc cách mạng dân chủ, dân
trí cũng đã chín muồi. Tiến trình dân chủ hóa Việt Nam
giống như một con tầu mà tất cả đều đã sẵn sàng để
khởi hành trừ đầu tầu. Đầu tầu đó là trí thức. Thảm
kịch của chúng ta là thiếu một tầng lớp trí thức chính
trị. Đó là một di sản văn hóa. Chủ nghĩa truyền thống của
trí thức Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử chính là chủ
nghĩa thực tiễn, nghĩa là đặt quyền lợi lên trên các giá
trị đạo đức, sẵn sàng cúi đầu trước những kẻ có
quyền lực, vì an ninh và lợi lộc. Đó chính là chủ nghĩa mà
làn sóng dân chủ mới này muốn quét đi để làm sạch thế
giới.

Giải pháp nào khi bắt buộc phải có đầu tầu nhưng đầu
tầu lại không chạy? Có lẽ phải có một đầu tầu nhỏ để
kéo cái đầu tầu này cho đến khi nó chuyển động và kéo
đoàn tầu đi tới. Một cách cụ thể, đó là một đội ngũ
nhỏ của những người dân chủ có quyết tâm và bản lãnh,
những trí thức chính trị, kết hợp với nhau để động viên
và lãnh đạo trí thức Việt Nam và buộc họ đảm nhiệm vai
trò lịch sử. Với điều kiện là trí thức Việt Nam chấp
nhận để được động viên và lãnh đạo, nghĩa là từ bỏ
ít nhất một phần tập quán cúi đầu trước kẻ có quyền
nhưng lại cứng đầu với kẻ có lý.

<em><strong>Nguyễn Gia Kiểng</strong></em>

(1) Francis Fukuyama - The end of history and the last man.

(Trích Phát biểu trong buổi hội luận "Đông Á và Việt Nam
giữa làn sóng dân chủ thứ tư" do phân bộ Paris THDCĐN tổ
chức ngày 17-06-2012 tại Paris).

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/13039), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét