Vivian Vu - Hãy cứu lấy hồ Thành Công

<h2>LÒNG THAM VÔ ĐÁY</h2>

<h2>Từ Văn Giang… </h2>

Mấy ngày hôm nay chứng kiến sự đàn áp của công an, chính
quyền trang bị đến tận răng đối với bà con nông dân Văn
Giang nghèo đói, yếu đuối để cưỡng đoạt đất đai, hoa
màu của bà con mà lòng tôi đau xót, phẫn nộ đến trào nước
mắt.

Tôi đã từng được mời đến thăm khu đô thị Ecopark cách
đây ít lâu với tư cách là nhà đầu tư tiềm năng của các
căn hộ và biệt thự tại đây. Khi nghe thuyết minh quảng cáo
cho khu đô thị sinh thái, lòng tôi dấy lên cảm giác buồn nôn
và tức giận. Thật đau lòng khi cái gọi là "khu dân cư sinh
thái đẹp nhất và rộng nhất miền Bắc" được xây dựng
trên một vùng đất canh tác ven sông màu mỡ, trù phú nhất,
vốn mang lại nguồn nông sản và hoa màu lớn cung cấp cho khu
vực Hà Nội.

Mỉa mai hơn nữa là khu "sinh thái" được trang điểm bởi
hàng trăm, hàng ngàn gốc cây cổ thụ to vài người ôm bị
bứng từ rừng về. Nhìn các gốc cây sần sùi có tuổi thọ
đến hàng trăm năm, đường kính rộng đến hàng 1-2 mét bị
chặt sạch cành lá trơ trụi ở nơi đây tôi liên tưởng chúng
như những đứa con của đại ngàn hùng vĩ bị chặt hết sức
mạnh mang về cung điện làm trò vui cho vua chúa xưa kia. Nếu
nói được, chắc mỗi gốc cây đang rên xiết, nhỏ máu vì
nỗi đau, nỗi cô đơn bị xa rời đại ngàn và mẹ thiên nhiên
của chúng. Biết bao nhiêu những khu rừng già nguyên sinh bị
chảy máu, bị phá huỷ tàn khốc bởi cái dự án "ma quỉ"
này.

Rồi đây, khi những cư dân lắm tiền nhiều của đổ nhau về
ở tại những khu biệt thự, căn hộ cao cấp nơi đây liệu
họ có thanh thản không khi hàng đêm nghe tiếng hét oán hờn
của những chủ nhân cũ của mảnh đất này và cũng sẽ nghe
tiếng thở dài oan nghiệt của những gốc cây cổ thụ ngàn
năm?

<h2>… đến Hồ Thành Công</h2>

Người dân thủ đô hẳn còn nhớ cách đây khoảng 30 năm, hàng
ngàn cán bộ, sinh viên các trường đại học đã bị huy động
lao động công ích đào hồ Thành Công. Một dự án đào hồ
nằm ở phía nam thành phố, lúc đó chứa đầy rác thải gọi
là khu bãi rác. Là một người trong số đó, suốt mấy tháng
trời, chúng tôi đã phải xắn quần lội bùn đến đầu gối
để vận chuyển từng hòn đất sét ra khỏi lòng hồ. Tuy mỗi
ngày chỉ được bồi dưỡng với những chiếc bánh mì không
nhân khô cứng, những lời tuyên truyền mĩ miều đã khiến
chúng tôi vô cùng hào hứng và tự hào vì được góp phần xây
dựng thủ đô XHCN.

Cả chục năm sau, chiếc hồ mới được mọc lên trong một
quần thể chật hẹp, bởi lúc này nơi đây đã trở thành một
khu dân cư đông đúc và một vị trí đắc địa của thủ đô.
Và, ngay lập tức mảnh đất vốn là bãi rác bỗng biến thành
"vàng miếng" thu hút sự thèm muốn của không ít tổ chức
và con người.

Đầu tiên, góc phía Đông Nam của hồ bị quây lại để cho
một dự án xây dựng hoành tráng được dựng nên. Khi bị một
làn sóng người dân và báo chí lên tiếng phản đối, dự án
đã phải đắp chiếu dừng lại đến 4,5 năm nhưng cuối cùng
vẫn sừng sững dựng lên thách thức sự phản đối của dư
luận. Toà nhà đó là trụ sở của Tập đoàn Dầu khí VN và
thời đó do Đinh La Thăng làm chủ tịch.

Tiếp theo, mảnh đất phía Đông của hồ bị quây lại chia cho
Nhà hát Ca Múa Nhạc.

Việt Nam xây nhà hát có tên là Âu Cơ với công dụng chính
hiện nay là làm dịch vụ cho thuê địa điểm lấy tiền. Bên
cạnh đó, một mảnh đất rộng đến hàng ngàn m2 được quây
lại cho thuê làm sân tập đánh golf trong hàng chục năm trời,
không ai biết tiền thuê đã đi đâu và ai cho phép thuê.

Gần đây, khi toà nhà dầu khí được dựng lên hoành tráng thì
người ta cũng thấy sân tập golf bị dọn đi và một tấm
biển ghi cải tạo khu đất trên thành dự án hầm gửi xe và
phía trên là công viên. Người dân hồ hởi phấn khởi vì một
mảnh đất lớn của hồ Thành Công sắp được giải phóng.
Vậy nhưng, niềm vui không kéo dài được bao lâu khi những bức
hàng rào kiên cố được dựng lên quây xung quanh mảnh đất
này và một khu nhà 3 tầng với tên gọi là Lộc Việt - một
khu cà phê, thư giãn dành cho chủ nhân của những chiếc Lexus
và Mecedes đắt tiền khánh thành. Hầm gửi xe chẳng thấy đâu,
và công viên cũng biến mất nốt.

Mới đây nữa, góc phía Bắc của hồ là dự án văn phòng cho
thuê to tướng của BRG, tập đoàn kinh doanh sân golf và BĐS rất
lớn của bà Nguyễn Thị Nga. Khi xây xong, chắc chắn khu nhà
này sẽ án ngữ toàn bộ hướng Bắc của hồ. Điều đáng nói
là cách đây khoảng 2 tuần, hàng rào của dự án bỗng được
"di chuyển" lấn vào đất của hồ đến hơn 1m chiều rộng
mà không hề có ai có ý kiến. Nếu tính mỗi mét vuông đất
ở khu vực này có giá đến 500 triệu đồng/m2 thì sự lấn
chiếm này mang lại cho bà Nga đến hàng chục tỷ đồng.
Được biết bà Nga đã sở hữu đến 3 sân golf, khách sạn
Hilton, hàng chục dự án BĐS vàng ở khắp nơi miền Bắc. Hàng
chục tỷ đồng từ mấy chục mét đất lấn chiếm này chỉ
là "muỗi" so với khối tài sản khổng lồ của bà nhưng
với cảnh quan của hồ thì mấy chục mét đất này vô cùng
quí báu.

Sự kiện gần nhất và nóng hổi nhất là một bức tường rào
đang được dựng lên chiếm nốt toàn bộ mảnh đất khoảng
5000 m2 phía Tây Bắc của hồ, nơi đây hiện là nơi có bể bơi
và khu vực bãi đất rộng làm sân bóng đá, bóng chuyền, cầu
lông cho rất nhiều thanh niên, trẻ em và ngưòi già. Chắc chắn
nơi đây trước mắt sẽ trở thành bãi đỗ xe ô tô lấy tiền
và sau đó sẽ được "biến hoá" để trở thành một khu
"cao ốc vàng" cho những kẻ có tiền và có quyền nào đó.

Khi chúng tôi đi ngang qua đây, người dân chủ yếu là các bác
lớn tuổi về hưu đang bức xúc lớn tiếng bất bình trước
câu chuyện Tiên Lãng, Văn Giang và bây giờ là chính nơi mảnh
đất mình đang sống. Nếu bức tường này hoàn thành thì toàn
bộ khu hồ Thành Công sẽ trở thành một cái ao tù, với bốn
bề là hàng rào và các ngôi nhà cao ốc. Công sức, thành quả
lao động của hàng ngàn người dân bị cướp đoạt ngang nhiên
như thế này sao?

Ôi, điều gì đang diễn ra trên đất nước của tôi đây? Công
bằng ở đâu? Công lý ở đâu? Thiên đường, miền đất hứa
XHCN đâu? Ai cho chúng tôi nói? Nói với ai? Lòng tham của thứ
chủ nghĩa vô đạo đã như một cơn gió độc càn quét tận
cùng đất nước tôi, phá tan sự công bằng, chính trực, liêm
sỉ, đạo đức, lòng tốt, sự bao dung,…

Trước mắt tôi là một tiền đồ đen tối và xám xịt…
… nhưng đằng xa đã le lói một khoảng trời xanh.

<img
src="http://danluan.org/files/u1/sub02/buc_tuong_dang_duoc_xay_phia_xa_la_nha_hat_au_co.jpg"
width="600" height="450"
alt="buc_tuong_dang_duoc_xay_phia_xa_la_nha_hat_au_co.jpg" />

<center><em>Bức tường đang được xây, ở phía xa là nhà hát
Âu Cơ</em></center>

<img src="http://danluan.org/files/u1/sub02/buc_tuong_moi_xay.jpg"
width="600" height="450" alt="buc_tuong_moi_xay.jpg" />

<center><em>Bức tường mới xây</em></center>

<img
src="http://danluan.org/files/u1/sub02/lan_chiem_den_sat_duong_di_phia_trong_la_cac_xe_oto_dang_gui_trong_cong_vien.jpg"
width="600" height="450"
alt="lan_chiem_den_sat_duong_di_phia_trong_la_cac_xe_oto_dang_gui_trong_cong_vien.jpg"
/>

<center><em>Bức tường lấn ra sát đường đi, phía trong là các
xe ôtô đang gửi trong công viên</em></center>

<img
src="http://danluan.org/files/u1/sub02/tuong_rao_du_an_brg_mau_xanh_xay_lan_1m_vao_khu_ven_ho.jpg"
width="600" height="450"
alt="tuong_rao_du_an_brg_mau_xanh_xay_lan_1m_vao_khu_ven_ho.jpg" />

<center><em>Tường rào dự án BRG màu xanh lá cây xây lấn 1m vào
khu ven hồ.</em></center>

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/sub02/loc_viet.jpg" width="600"
height="450" alt="loc_viet.jpg" /></center>

<center><img
src="http://danluan.org/files/u1/sub02/khu_caphe_thu_gian_loc_viet.jpg"
width="600" height="450" alt="khu_caphe_thu_gian_loc_viet.jpg" /></center>

<center><em>Khu cà phê, thư giãn Lộc Việt</em></center>


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/12465), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét