Hẳn bạn sẽ tinh ý nhận thấy ngay rằng, trong bài
viết, cách nhìn về Luật Tố tụng hình sự của tôi thiên về
cách nhìn của các nước Common law, những nước rất coi trọng
luật hình thức. Xin bạn đừng ngạc nhiên, bởi mục đích
của tôi ở đây là muốn chúng ta tập làm quen dần với tâm
lý coi trọng luật Tố tụng như họ.
Chúng ta vẫn thường được nghe, "luật nội dung có
trước, luật hình thức có sau, luật nội dung quyết định
luật hình thức" trong các bài giảng lý luận về luật học,
có lẽ vì thế nhiều khi chúng ta quá đề cao vai trò của luật
nội dung mà quên đi vai trò của luật Tố tụng. Song đã đến
lúc chúng ta cần những thay đổi để thực sự có được một
xã hội mà pháp luật đóng vai trò thượng tôn nhưng chúng ta
vẫn mơ ước xây dựng.
<h3> a. Luật Tố tụng hình sự và vấn đề cải cách Tư pháp
hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền</h3>
"Luật hình sự là luật dành cho kẻ bất lương,
luật tố tụng hình sự dành cho người lương thiện". Nếu
luật hình sự - tức luật nội dung – được xây dựng với
mục đích bảo vệ xã hội khỏi sự xâm phạm của hành vi
phạm tội, thì luật Tố tụng hình sự cần được hiểu là
nhằm mục đích bảo vệ cá nhân nghi can – người bị buộc
tội – chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía các
cơ quan công quyền. Thể hiện được tinh thần của pháp
quyền, những định chế của Luật tố tụng hình sự cần
được chú trọng nhiều hơn trong quá trình cải cách nhằm xây
dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân mà
Đảng và Nhà nước đề ra.
Có ba vấn đề quan trọng trong Tố tụng hình sự mà
chúng ta nhắc nhiều tới khi đề cập tới việc cải cách Tư
pháp trong thời gian gần đây:
- Kỹ thuật lập pháp trong Bộ luật Tố tụng hình
sự ở nước ta, luật quy định rằng Tòa án là cơ quan tiến
hành tố tụng cùng với Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra.
Quy định như vậy dễ bị hiểu sang nghĩa rằng Tòa án đứng
về phía công quyền khi xét xử, không phù hợp với tôn chỉ
của Luật TTHS rằng pháp luật phải bảo vệ quyền tự do của
con người trước sự lạm dụng quyền lực Nhà nước. Bởi
vậy, chúng ta có thể học tập kỹ thuật lập pháp của các
nước Common law, khi chỉ quy định bên buộc tội và bên gỡ
tội, còn Tòa án đứng ở vị trí giữa hai bên, hoàn toàn
độc lập, vô tư và chỉ tuân thủ luật pháp khi phán xử. Quy
định như vậy mới thể hiện rõ tính chất bảo vệ nhân
quyền của nghi can trước các hành vi của Nhà nước.
- Bỏ chức năng Kiểm sát các hoạt động Tư pháp,
chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố - Viện Công tố
trực thuộc Chính phủ và chỉ thực hiện chức năng Công tố
mà thôi. Quy định Viện kiểm sát vừa thực hiện chức năng
Công tố - tức là bên buộc tội, lại vừa thực hiện chức
năng Kiểm sát Tư pháp – Kiểm sát hoạt động của Quan tòa,
thì có khác nào công quyền vừa đá bóng vừa thổi còi. Từ
đó mà nhân quyền của nghi can bị đe dọa bởi hai chức năng
đáng ra không được phép nằm trong một cơ quan này. Chuyển
Viện kiểm sát thành Viện Công tố trực thuộc Chính phủ là
một giải pháp khắc phục tình trạng trên.
- Nâng cao tính tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm
bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng với nhau trước tòa.
Luật Tố tụng hình sự giúp đem đến sự cân bằng trong hoạt
động xét xử giữa một bên là nhà nước với bộ máy điều
tra, truy tố xét xử hùng mạnh được hậu thuẫn bằng quyền
lực nhà nước với một bên yếu thế hơn là người bị tình
nghi, bị can, bị cáo. Cùng với vị trí độc lập của Tòa án,
tính tranh tụng bình đẳng tại phiên tòa cần được thể
hiện mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp
của nghi can.
Đó là những nội dung tôi cho là tối quan trọng nếu
chúng ta thực sự muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền trên
tinh thần hiểu đúng chức năng và sức mạnh của Luật Tố
tụng hình sự. Không hiểu được những điều này, viễn cảnh
xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh quả thật còn xa vời.
<h3>b. Hãy tập làm quen với "Suy đoán vô tội"</h3>
Tôi không dám lạm bàn tới cái vấn đề sửa đổi
luật Tố tụng hình sự như thế nào để thể hiện rõ hơn
nguyên tắc suy đoán vô tội này. Nhiều vị giáo sư, tiến sĩ
mà kiến thức của họ có lẽ đủ để tôi dùng đến ba đời
cũng còn đang tranh cãi nảy lửa, huống gì là tôi. Nhưng hãy
lắng lại một chút, thử đi cùng tôi đến vài phiên tòa nhé.
Mới đây, tại một phiên xử hình sự diễn ra ở
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét kháng cáo kêu oan của
một bị cáo phạm tội giết người, một cảnh tượng đã
khiến người dự khán khó tin được. Trong khi vị chủ tọa
đưa ra chứng cứ cho thấy bị cáo cầm dao đâm, thì vị thẩm
phán ngồi cạnh, từ đầu phiên xử đã ngửa cổ tựa đầu ra
thành ghế, bỗng bật dậy gắt: "Cãi gì nữa". Xong ông
đập đập tay lên chồng hồ sơ nói: "Chứng cứ rành rành
thế này mà còn cãi. Về chỗ đi. Loanh quanh chối tội...".
Nghe như vậy bị cáo tiu nghỉu, nhưng rõ ràng trên gương mặt
tỏ vẻ không phục.
Hôm khác, tại phòng xử A cũng của tòa này, người
dự khán cũng chứng kiến một vị thẩm phán thuyết phục bị
cáo ngay khi vừa mở phiên tòa: "Chứng cứ rõ ràng rồi, kháng
cáo cũng vậy thôi". Lúc này, các luật sư phía dưới chỉ
biết nhìn nhau to nhỏ "án chưa xử mà đã biết kháng cáo
"cũng vậy", bó tay".[4]
Bản thân tôi mấy ngày vừa qua, trực tiếp lên tòa
xem xử án, tôi mới thấy cái ước mơ công bình từ nguyên
tắc <em>Suy đoán vô tội</em> vẫn còn xa lắm. Các quan tòa của
chúng ta chưa hề quen – tôi nhấn mạnh chữ "chưa hề" –
với nguyên tắc tiến bộ này. Chưa nói đến chuyện gì cao xa,
ngay những câu hỏi mà thẩm phán đưa ra đối với bị cáo hay
những người bị hại vẫn mang đậm cái tính mà chúng ta
thường gọi là "mớm cung", thể hiện rõ ràng ngay rằng
trong tâm trí của quan tòa bị cáo chắc chắn là người phạm
tội. Nếu có ai đó chưa tin tôi, cho rằng dẫn chứng tôi đưa
ra chỉ là câu chuyện tiếu lâm, thì một lần nào đó xin mời
bạn bỏ chút thời gian đến xem một phiên tòa xét xử…
Vì vậy, tôi chưa đặt ra vấn đề sửa đổi luật
như thế nào, mà trước hết tôi đặt ra vấn đề, các luật
gia, các quan tòa và thậm chí là người dân, "hãy tập làm
quen với suy đoán vô tội" cái đã. Cũng giống như muốn xây
dựng một cái xã hội thượng tôn pháp luật, thì trước hết
hãy làm người dân "tập làm quen với việc thấy đèn đỏ
trên đường là tự giác dừng lại". Chúng ta có sửa đổi
luật bao nhiêu đi nữa, nhưng ngay trong suy nghĩ của các vị
thẩm phán, tư tưởng suy đoán vô tội vẫn chưa có chỗ trong
họ, thì nó cũng chỉ là một nguyên tắc trên giấy mà thôi.
Để làm cho các quan tòa không có định kiến ngay từ
đầu với nghi can, có lẽ đầu tiên cần phải thay đổi hình
ảnh của nghi can khi xuất hiện trước Tòa. Không nên bắt nghi
can đeo còng tay hay mặc áo tù khi đứng trước vị thẩm phán.
Đồng thời, cùng với đó cần tiến hành những thay đổi căn
bản về vị trí của Tòa án cũng như Viện kiểm sát như đã
phân tích ở trên, để làm sao quan tòa ý thức được rằng,
vị trí của mình không phải đứng về phía công quyền để
buộc tội nghi can, mà là đem lại sự phán xét công bằng nhất
cho họ…
<h3>c. Về vấn đề đào tạo luật học</h3>
Tôi luôn dành cho những người thầy, người cô trong
trường luật, những người đã tận tình chỉ dạy kiến thức
luật học cho tôi, sự kính trọng và biết ơn lớn lao
Nhưng tôi cũng thấy buồn lòng khi một vị luật sư
có tiếng nhận định: "Sinh viên luật mới ra trường không
viết nổi một lá đơn, một tờ di chúc"
Tôi cũng không thể vui nổi khi sếp của tôi bảo
với tôi: "Là sinh viên mới ra trường, dù cháu có tốt
nghiệp loại giỏi chăng nữa, nhưng tiếp xúc với một hay vài
hồ sơ vụ án, cháu sẽ thấy mình dốt nát ngay"
Và đó không phải những lời nói đùa của họ.
Tôi cũng còn nhớ có một đợt, một đoàn thanh tra
(hình như vậy) giáo dục về trường tôi, gặp gỡ một số
sinh viên để hỏi nguyện vọng của họ về chương trình đào
tạo hiện nay. Tôi vinh dự được là một trong số những
người đó, và tôi đã nói với đoàn rằng: "Em mong muốn có
thêm nhiều những phiên tòa giả định, nhiều tình huống thực
tiễn hơn nữa trong chương trình học của chúng em". Tôi tin
rằng không phải không có nhiều sinh viên có cùng suy nghĩ với
tôi.
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên chú ý học tập
phương pháp giáo dục ở những nước nơi mà họ coi trọng
luật tố tụng, coi trọng việc làm sao để sinh viên tiếp cận
càng nhiều với thực tiễn càng tốt. Tôi mong muốn có những
giờ thầy và trò cùng nhau nghiên cứu những bản án nổi
tiếng của các vị quan tòa, có những tranh luận y như tại
một phiên tòa giả định trong giờ học từ cách xưng hô cho
đến trình tự tranh tụng, xét hỏi, và kể cả cái cảm giác
hoan hỉ như vừa thắng một vụ kiện y như trên thực tế sau
giờ tranh luận của các sinh viên vậy… để sau này khi đi
làm, đến một phiên tòa cụ thể xem xử án, các tân cử nhân
sẽ không cảm thấy nó quá xa lạ so với những gì mình được
học trong nhà trường.
Những bạn khóa sau tôi đã tiếp cận nhiều hơn với
phương pháp học tín chỉ. Có người chê, cũng có người khen.
Người khen thì nói rằng tiếp xúc với bài tập thì kiến
thức sẽ nhớ lâu hơn. Người chê thì bảo phải làm bài ngay
khi chưa tìm hiểu vào bài học, rằng thời gian học một môn
học là quá ngắn chưa đủ để tìm hiểu về nó…
Đó là một điều đáng suy nghĩ nếu chúng ta muốn
đưa thực tiễn vào trường học. Tôi nghĩ lẽ ra nên tìm hiểu
thật thấu đáo mô hình học tập này trước khi triển khai ở
nước ta, tránh đem sinh viên ra làm "chuột bạch" thử
nghiệm một cách vô tội vạ như vậy. Việc nghiên cứu mô
hình đào tạo luật ở các nước common law không phải là việc
quá khó khăn đối với chúng ta. Vậy hãy làm sao để áp dụng
nó, sao cho sinh viên cảm thấy vui thích khi tham gia một buổi
học, để sau này mang niềm yêu thích đó vào một phiên tòa
thật sự.
Và còn một vấn đề nữa, như lời của PGS. TS.
Phạm Duy Nghĩa, một người thầy đáng kính đã tâm sự:
"Trong Luật Luật sư nước ta có một quy định là cấm những
người giảng dạy được hành nghề Luật sư. Đây chưa hẳn
là một quy định thông minh bởi lẽ giống như một ông bác sĩ
phải có nhiều thực tế, thì ông luật sư là thầy trong
trường hiện nay lại không được làm những việc ấy." Có
lẽ trong tương lai chúng ta nên xem xét lại tính đúng đắn
của quy định này, hoặc chí ít nên quy định tiêu chuẩn để
thi tuyển giảng viên là phải có vài năm kinh nghiệm làm luật
sư trước…
Tôi thật mừng khi nghe một số sinh viên luật khóa
dưới tôi nói rằng: "em yêu thích môn luật Tố tụng hình
sự". Tôi biết rằng có thể các em ấy yêu thích môn học
chỉ từ một người thầy, người cô với những bài giảng hay
trên lớp, chứ chưa hẳn là do các em hiểu rõ tầm quan trọng
của Luật Tố tụng nói chung cũng như Luật tố tụng hình sự
nói riêng trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Song tôi mong
muốn các em sẽ giữ nguyên tình yêu ấy khi bước ra tòa với
tư cách một thẩm phán, kiểm sát viên hay luật sư, hoặc khi
đứng lên phát biểu tại Quốc hội với tư cách một nghị
sĩ. Bởi Luật Tố tụng không đơn thuần chỉ là những thủ
tục, hơn thế nó mang trong mình tôn chỉ và ước mơ về công
lý và quyền tự do.
_____________________
[1] Hai mô hình Tố tụng hình sự đặc trưng trên thế giới,
Nguyễn Hà Thanh
(http://luatviet.net/Home/nghien-cuu-trao-doi/phap-luat-the-gioi/2010/8867/Hai-mo-hinh-to-tung-hinh-su-dac-trung-tren-the-gioi.aspx)
[2] Suy đoán vô tội, Đinh Thế Hưng
(http://dinhthehung.wordpress.com/2010/08/05/suy-doan-vo-t%E1%BB%99i-2/)
[3] Truyền thống pháp luật Mỹ trong hệ thống pháp luật
phương Tây, Gary F. Bell
[4] Bi hài văn hóa pháp đình
(http://www.baomoi.com/Bi-hai-van-hoa-phap-dinh/104/4991639.epi)
<strong>Các tài liệu khác:</strong>
- Tố tụng tranh tụng và Tố tụng thẩm vấn trong Tư
pháp hình sự thế giới, Ths Nguyễn Hải Ninh; Nguyễn Hà Thanh
– Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
- Những vấn đề đặt ra khi đổi mới tố tụng theo
hướng tranh tụng, Nguyễn Quốc Việt – Tạp chí Nghiên cứu
lập pháp
- Quyền được xét xử công bằng trong pháp luật
quốc tế, ThS. Lã Khánh Tùng
(http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2011/11/12/quy%E1%BB%81n-d%C6%B0%E1%BB%A3c-xt-x%E1%BB%AD-cng-b%E1%BA%B1ng-trong-php-lu%E1%BA%ADt-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/)
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11964), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét