Cảm giác ban đầu của tôi khá hồi hộp vì đây là lần đầu
tiên tôi thực sự dự khán chốn tụng đình. Song khi ra về,
trong tôi lại dấy lên nhiều băn khoăn.
Tôi cảm thấy dường như "chốn công đường"
chưa được chúng ta thật sự coi trọng – ngay cả đối với
những người học luật và làm luật. Mấy phiên tòa vừa qua
không đọng lại trong tôi nhiều điều phấn khởi, trái lại
là không ít những suy tư về việc xét xử của chúng ta.
Bạn sẽ hỏi tôi lý do vì sao? Tôi có thể kể ra cho
bạn cả tá, nhưng tôi ngẫm ra, chung quy lại chỉ vì một lý do
duy nhất thôi, chúng ta chưa coi trọng luật tố tụng.
Vì lẽ đó mà hôm nay bỗng dưng tôi muốn trò chuyện
một chút về ngành luật này, luật tố tụng hình sự.
<h2>1. Luật tố tụng hình sự đối với Nhà nước pháp
quyền và quyền tự do của con người</h2>
Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao việc xây dựng
Nhà nước pháp quyền. Tinh thần của pháp quyền có thể gói
gọn trong câu nói của Plato: "<em>Ta nhìn thấy sự diệt vong
của nhà nước, mà trong đó pháp luật không có sức mạnh và
ở dưới quyền lực của ai đấy. Còn ở đâu mà pháp luật
đứng trên nhà cầm quyền, họ chỉ là nô lệ của luật thì
ở đó ta nhìn thấy sự cứu thoát của Nhà nước.</em>" Đó là
một mô thức đặt pháp luật lên trên Nhà nước nhằm hạn
chế quyền lực khủng khiếp của Nhà nước, với mục đích
bảo vệ quyền tự do của con người. Lý thuyết về pháp
quyền ra đời trong bối cảnh nhân quyền bị xâm hại nghiêm
trọng bởi sự lạm dụng quyền lực của Nhà nước, do vậy
tôn chỉ của nó là hạn chế công quyền để bảo vệ nhân
quyền. Pháp luật, do vậy phải bắt nguồn từ các quyền tự
nhiên của con người, và phải được đặt trên Nhà nước,
điều chỉnh hoạt động của Nhà nước.
Vấn đề là, trong thực tiễn, những luật nào có
khả năng đó? (Khả năng đứng trên Nhà nước, thống trị và
điều chỉnh hoạt động của Nhà nước). Chúng ta dễ dàng
nhận thấy ngay, đầu tiên là Hiến pháp, bản khế ước của
toàn dân lập ra chính quyền, trao quyền lực quản lý quốc gia
cho chính quyền, quy định cụ thể về quyền công dân, cách
thức thành lập và hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Vậy ngoài Hiến pháp ra, còn đạo luật nào thể
hiện rõ nét điều đó nữa hay không? Để trả lời câu hỏi
này, hãy cùng tôi lắng nghe một câu chuyện:
<em>Vụ án xảy ra tại Mỹ: Cảnh sát Williams nhìn
thấy Peter Jones giật ví tiền của cô Virginia Spry và bỏ chạy.
Cảnh sát Williams đã đuổi theo, bắt được Jones và tiến hành
tra hỏi về vụ cướp. Jones thú nhận ngay hành vi phạm tội
của mình và với sự chứng thực của viên cảnh sát Williams,
chúng ta có thể khẳng định là Jones đã phạm tội. Nếu đối
chiếu với pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, tình huống
này có thể dẫn tới việc buộc tội và kết án một cách
nhanh chóng và dứt khoát đối Peter Jones. Tuy nhiên, pháp luật
tố tụng hình sự Mỹ lại nhấn mạnh cách thức mà các nhân
viên nhà nước (ở đây là viên cảnh sát Williams) sử dụng
quyền lực được nhà nước giao cho mình để can thiệp vào
cuộc sống của Peter Jones. Hành vi của viên cảnh sát sẽ
được rà soát lại để xem xét tính hợp pháp. Ví như, nếu
xác định được rằng, Jones thú tội mà không được nhắc
nhở trước về "quyền được im lặng" của anh ta thì lời
thú tội này sẽ không được sử dụng để chống lại chính
anh ta. Mà khi lời thú tội với tư cách là một bằng chứng
đã không có giá trị, thì vụ án xét xử Jones sẽ không thể
buộc tội được anh ta hoặc bị bác bỏ. Theo pháp luật Mỹ,
Jones không "phạm tội về mặt pháp lý" đối với tội cướp
ví tiền, vì pháp luật bảo vệ quyền được im lặng của anh
ta và như vậy, pháp luật bảo vệ tính hợp nhất của quá
trình tố tụng không được đưa vào áp dụng. Việc phạm tội
thực tế có thể là hiển nhiên hay được phát hiện một cách
hợp pháp, nhưng việc phạm tội về mặt pháp lý lại được
xác định thông qua quá trình như đã mô tả.</em>
<em>Quy trình tố tụng hình sự của Hoa Kỳ trong vụ
án Peter Jones nói trên đã làm không ít người ngạc nhiên, bởi
vì, một thực tế hiển nhiên là cảnh sát Williams đã "bắt
tận tay day tận trán" đối với hành vi giật ví tiền của
Peter Jones, nhưng khi đưa ra xét xử thì toà án tuyên bố vô
tội đối với Peter Jones chỉ vì lý do cảnh sát đã không
thông báo quyền được im lặng cho Jones.[1]</em>
Bạn thấy gì qua vụ án trên? Bạn có cho rằng đây
là một mô hình tố tụng kém hiệu quả khi để lọt một tội
phạm rõ rành rành hay không? Có lẽ đó là điều mà nhiều
người nhận thấy ngay trong vụ án này.
Song tôi lại muốn chúng ta nhìn sang một hướng khác.
Tôi thấy được rằng, trong vụ án này, công quyền không thể
tự tiện thực hiện việc truy tố, buộc tội một cách vô
tội vạ. Đó là bởi vì những quy định của luật tố tụng
hình sự đã buộc các cơ quan công lực phải hành động đúng
luật nếu muốn truy tố một công dân ra trước Tòa án. Quyền
tự do của công dân phải được đảm bảo không bị xâm hại
bởi sự lạm dụng quyền lực từ phía Nhà nước - ở đây là
cơ quan điều tra, công tố. Một khi cơ quan Nhà nước vi phạm
pháp luật tố tụng, hiển nhiên quyền công tố đối với một
công dân sẽ chấm dứt, và vì vậy người đó vô tội.
Nhiều người trong chúng ta vẫn chỉ quan niệm đơn
thuần rằng, Luật tố tụng nói chung và Tố tụng hình sự nói
riêng được ban hành đơn giản chỉ để quy định những thủ
tục cần thiết để tiến hành quá trình trấn áp tội phạm
của cơ quan Nhà nước – mà không thấy được rằng, đằng
sau nó là một chức năng cao cả hơn nhiều: bảo vệ cho công
dân khỏi bị xâm phạm trước sự thái quá của quyền lực
Nhà nước, chính bởi vì Luật tố tụng quy định và điều
chỉnh hành vi của cơ quan Nhà nước. Không nhận thức đầy
đủ chức năng này của Luật tố tụng, dễ hiểu vì sao không
ít người chưa quan tâm đúng mức tới những quy định của
nó. Quyền lực Nhà nước nếu bị tha hóa thì sẽ nguy hiểm
đối với quyền tự do của con người hơn bất cứ tổ chức
tội phạm nào, và chính nó là rào cản lớn nhất đối với
mong muốn đi lên một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và
vì dân mà chúng ta vẫn hằng mơ ước.
Vì vậy tôi dám khẳng định với bạn rằng, sau
Hiến pháp, thì Luật tố tụng nói chung và Luật Tố tụng hình
sự nói riêng, thể hiện tinh thần "đứng trên nhà nước"
của pháp luật một cách rõ nét nhất, do đó, không thái quá
khi chúng ta nhận định rằng, một Nhà nước có ngành luật
Tố tụng phát triển là Nhà nước mang đậm tinh thần của
pháp quyền.
Bạn vẫn hoài nghi? Vậy bạn hãy kiểm tra lời tôi
nói bằng cách, mở Hiến pháp ra bạn sẽ thấy trong Hiến pháp
quy định rất nhiều nguyên tắc quan trọng của Luật Tố
tụng.
<h2>2. Nguyên tắc Suy đoán vô tội trong Luật Tố tụng hình
sự và sự công bằng</h2>
"<em>Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình
phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu
lực pháp luật</em>"
Trước khi đi vào vấn đề này, tôi xin được phép
"lan man" ngoài đề một chút. Hẳn những người học luật
chúng ta (mà không chỉ những người học luật) không ai là
không biết qua bộ phim Đài Loan nổi tiếng "Bao Thanh Thiên".
Hình ảnh một vị quan tòa liêm minh, chính trực, thiết diện
vô tư đã in sâu vào tâm trí nhiều người như ước mơ về
công lý trên chốn pháp đường. Cái danh xưng "Thanh Thiên"
(Trời xanh) người ta đặt cho Bao Công hẳn mang nhiều ý nghĩa
lắm thay.
Cách đây không lâu, tôi có xem lại vài tập của bộ
phim này. Một bộ phim lấy bối cảnh thời Tống – tức cách
đây đã cả ngàn năm rồi – vẫn cho tôi những bài học quý
giá về luật học (trong đó có cả tư tưởng "Thiên tử
phạm tội xử như thường dân" mang đậm tinh thần pháp
quyền). Vậy hãy cùng tôi nghe câu chuyện này:
<em>Trong vụ án "Hiếu tử Chương Lạc", diễn
biến chính có thể tóm tắt như sau: một hôm không hiểu rõ vì
lí do gì, người ta thấy Chương Lạc, một anh đồ tể tính
khí nóng nảy, cục cằn thô lỗ, hầm hầm mang dao xộc thẳng
vào nhà của danh y Diệp Vân, con trai của một vị danh y nổi
tiếng đã từng chữa chạy cho nhiều thành viên trong hoàng cung.
Một lát sau người ta thấy có tiếng la lớn "Chương Lạc
giết người" vang lên trong nhà của Diệp Vân. Khi mọi người
đến hiện trường thì thấy người học trò của Diệp Vân
đã bị chết do bị đâm, và hung khí là con dao của Chương
Lạc. Người ta đi báo quan, và Trần đại nhân, Tri phủ Trịnh
Châu, một vị quan nổi tiếng có tài và cương trực, phán
Chương Lạc phạm tội giết người.</em>
<em>Bao Công nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết
cần được làm sáng tỏ hơn, nên đích thân đề nghị xử
lại vụ án này. Tại công đường, khi thẩm vấn Chương Lạc,
thấy Chương Lạc khăng khăng kêu oan, Bao Công hỏi Trần đại
nhân đại ý rằng vì sao ngài cho rằng Chương Lạc là kẻ
phạm tội, Trần đại nhân mới bảo: "Lời khai của Chương
Lạc quả thực hồ đồ, không thể tin. Dựa vào động cơ,
không lý nào Diệp Vân lại giết người học trò của mình.
Còn Chương Lạc thì có, dựa vào hành vi trước nay của hắn,
Chương Lạc có phẩm chất không tốt, hung dữ háo đấu. Còn
Diệp Vân là hương thân Nho y. Cho nên theo tình hình bấy giờ,
Chương Lạc xông vào nhà Diệp Vân lúc đó có động cơ giết
người, còn Diệp Vân lại đang bắt mạch chữa bệnh, ở vào
thế bị động, không thể gây án". Bao Công bỗng đập bàn
đánh sầm, nói rằng: "Thật uổng cho cái danh chính trực tài
năng của ngài. Ngay từ đầu ngài đã triệu Chương Lạc đến
phủ với tư cách nghi can, còn Diệp Vân là nhân chứng, bỏ
ngoài tai những lời khai của Chương Lạc, tại sao ngài lại có
thành kiến từ trước như vậy? Ngài cho rằng kẻ giết người
chỉ có thể là tên đồ tể chứ không thể là Nho sĩ được
hay sao? Trong những kẻ đội mũ ô sa kia không phải không có
những kẻ mặt người dạ thú, còn trong chốn phố chợ cũng
không thiếu những người nhân nghĩa. Ngài không biết, hay cố
tình không biết điều này?". Trần đại nhân cúi gằm mặt,
nói: "Bao đại nhân nói rất phải"…</em>
<em>Lát sau, Bao Công cho gọi Diệp Vân vào. Khi đến
công đường, thấy Diệp Vân không quỳ xuống, Bao Công hỏi:
"Nhà ngươi ra đến chốn công đường sao không quỳ xuống,
hay cố tình xem thường công đường?". Diệp Vân hỏi: "Vãn
sinh không phải là nhân chứng trong vụ án này hay sao?". Bao
Công mạnh tiếng: "Sai rồi, ai là nhân chứng, ai là nghi can
tới nay vẫn chưa thể đưa ra kết luận. Vừa rồi Chương Lạc
khai chính ngươi mới là hung thủ giết người. Nếu nói như
vậy, trước khi vụ án được làm sáng tỏ, ngươi cũng là
một nghi can. Nếu là nghi can, đứng trước công đường của
bản phủ tại sao lại không quỳ?" Diệp Vân phải quỳ
xuống.</em>
<em>Vậy là từ tư cách một nhân chứng, Diệp Vân
trở thành nghi can và cuối cùng vụ án được làm sáng tỏ,
Diệp Vân chính là hung thủ giết người.</em>
Điều mấu chốt để vụ án được sáng tỏ chính
là ở sự "đổi ngôi" tư cách này, qua đó thay đổi luôn
định kiến của một kẻ cầm cân nảy mực về những người
có liên quan trong vụ án mà từ đó từng bước, từng bước
đưa sự thật ra trước ánh sáng. Nếu không có điều đó, vụ
án có thể làm sáng tỏ được sao?
"Suy đoán vô tội" trong Tố tụng hình sự là
vậy.
Khi đứng trước tòa, không có điều gì đáng sợ
hơn đối với một nghi can hình sự rằng quan tòa có thành
kiến anh ta chắc chắn phạm tội. Cái thành kiến ấy của quan
tòa, nếu cộng thêm sự hồ đồ của quá trình điều tra, truy
tố, hẳn sẽ là một tai họa cho quyền tự do của con người.
Chính vì vậy, Suy đoán vô tội được đặt ra và trở thành
một trong những nguyên tắc tối quan trọng trong Tố tụng hình
sự.
Thực chất của nguyên tắc này, đó là trước khi
tiến hành định tội đối với một nghi can nào đó, phải
bắt đầu từ giả thiết: <em><strong>anh ta vô tội</strong></em>.
Ví dụ: Người ta tìm thấy một chiếc áo dính máu nạn nhân
bị sát hại trong nhà ông A. Rõ ràng ở đây có dấu hiệu tội
phạm và người phạm tội. Câu hỏi ông A có phạm tội hay
không là việc mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án
phải chứng minh. Nhưng trước khi thực hiện Suy đoán – định
tội, chúng ta phải bắt đầu bằng giả thiết rằng: ông A vô
tội. Trong quá trình chứng minh chừng nào chưa tìm ra được
những chứng cứ loại trừ giả thiết chứng minh ban đầu có
nghĩa là ông A luôn không phạm tội. Đó là thực chất của
nguyên tắc Suy đoán vô tội trong Tố tụng hình sự, rằng thay
vì trực tiếp chứng minh nghi phạm có tội (nghĩa là tạo ra
một định kiến trước khi định tội rằng nghi phạm chắc
chắn đã phạm tội), thì chúng ta phải bắt đầu bằng giả
thiết rằng nghi phạm vô tội, và nếu chứng cứ không đủ
sức mạnh thì anh ta luôn là người không có tội. Nguyên tắc
này sẽ loại bỏ mọi thành kiến của quan tòa trước đó –
rằng nghi can chắc chắn phạm tội, để quan tòa thực sự trở
thành một con người công minh nhất, không thiên vị khi phán
xét, từ đó, không làm oan người vô tội. Quyền tự do của
con người vì vậy mà được đảm bảo.[2]
Trong vụ án trên, cái cách mà Trần đại nhân suy
nghĩ cho thấy ông không phải là một kẻ bất tài, nhưng chỉ
vì ông có định kiến từ trước rằng nghi can Chương Lạc
chắc chắn phạm tội nên đã khiến một người tốt bị hàm
oan, còn kẻ phạm tội thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Nếu
Bao Công không đứng trên tinh thần của "Suy đoán vô tội"
mà phán xử, hẳn trên đời này còn có "Thanh Thiên" nữa hay
sao? Bao Công tỏ ra giận dữ trước sự hồ đồ của Trần
đại nhân là bởi, thành kiến nghi can chắc chắn có tội sẽ
làm sai lệch sự công bằng và chân lý khi quan tòa phán xét số
phận pháp lý của một người, nên ngài dùng những từ ngữ
khiển trách nặng nề: "thật uổng cho cái danh chính trực"
cũng là phải lắm.
Muốn có công bằng, tất phải có "Suy đoán vô
tội". Và Luật Tố tụng hình sự mới mang lại sự công
bằng này, chứ không phải là luật nội dung. Nếu chúng ta
không hiểu rõ về nguyên tắc này trước khi mở những văn
bản luật nội dung ra để tiến hành suy xét tội danh, nghĩa là
chúng ta đã hổ cho cái danh học luật của chúng ta lắm.
<h2>3. Luật Tố tụng hình sự đối với vị trí của các
luật gia và vấn đề giáo dục luật học</h2>
Tôi thấy rằng, ở những quốc gia coi trọng luật
nội dung hơn luật tố tụng (thường là những nước Civil law),
thì những học thuyết pháp lý của các giáo sư đại học đề
ra có ảnh hưởng lớn tới những phán quyết của quan tòa,
ngược lại, quốc gia nào coi trọng luật tố tụng hơn luật
nội dung (thường là những nước Common law), thì việc nghiên
cứu những án lệ mẫu mực của các thẩm phán là một điều
quan trọng trong chương trình đào tạo luật học, và các giáo
sư luật lấy làm vinh dự khi được giảng cho sinh viên những
án lệ này. Và luật tố tụng hình sự cũng không phải là
một ngoại lệ.
"Học thuyết pháp lý" - tập hợp các công trình
nghiên cứu, lý luận của nhiều giáo sư về một vấn đề
pháp lý – được xem là một nguồn luật rất được tôn
trọng ở những nước coi trọng luật nội dung, trong khi đó
đối với những nước coi trọng luật tố tụng thì án lệ
của các Thẩm phán lại đóng vai trò này. Vì vậy, không có gì
đáng ngạc nhiên khi các giáo sư vẫn giữ vai trò quan trọng
trong việc định nghĩa luật pháp ở các nước Civil law. Các
giáo sư trong hệ thống luật thông lệ không có được uy thế
như vậy, trái lại quyền giải thích luật thường được trao
vào tay các Quan tòa.[3]
Dĩ nhiên, những giáo sư đại học là những người
đáng được tôn kính. Nhưng trên thực tế, nếu quyền lợi
của tôi bị xâm phạm và tôi cần luật pháp bảo vệ, thì
điều tôi mong muốn hơn cả là những luật sư tài giỏi cùng
những vị thẩm phán công bằng, có chuyên môn nghiệp vụ cao.
Chúng ta đã có cái tâm lý tôn trọng các luật sư và thẩm
phán như chúng ta vẫn thường có đối với các giáo sư đại
học hay chưa? Nếu chúng ta chưa có điều này, làm sao luật
pháp có thể chiếm vị trí thượng tôn trong xã hội được?
Sinh viên học luật thành văn thường phải đọc các
học thuyết pháp lý hơn là án lệ. Việc học của họ thường
mang tính lý thuyết hàn lâm nhiều hơn. Phương pháp giảng dạy
thường là phương pháp quyền uy mà những giáo sư đại học
đóng vai trò trung tâm – chứ không phải là sinh viên. Chúng ta
không lạ khi có những phàn nàn về việc thiếu đi phần nào
bóng dáng của thực tiễn trong những buổi học trên lớp ở
các nước đặt luật nội dung lên trên luật tố tụng.
Ngược lại, làm sao để sinh viên tiếp cận càng
nhiều với thực tiễn càng tốt có lẽ là "tôn chỉ" ở
những hệ thống giáo dục tại các nước coi trọng luật tố
tụng. Phương pháp nghiên cứu án lệ và phương pháp đối đáp
được sử dụng thường xuyên trong chương trình học. Vì vậy
chúng ta không khó để nhận thấy, những luật sư ở các
nước coi trọng luật tố tụng thường có sở trường về
tranh tụng tốt hơn là những luật sư ở một quốc gia coi
trọng luật nội dung.
(còn tiếp)
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11963), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét