PGS Đào Công Tiến - Không sửa lỗi hệ thống không “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” được

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/sub02/clip_image002_thumb1.jpg"
width="446" height="340" alt="clip_image002_thumb1.jpg" /></center>

Là người Việt Nam có trách nhiệm với tiền đồ của dân
tộc, tất phải quan tâm đến việc "xây dựng, chỉnh đốn
Đảng" vì dù muốn hay không muốn, một điều hiển nhiên
hầu như ai cũng biết, là Đảng Cộng sản Việt Nam, trong
quá trình vận động khách quan của lịch sử, đã và đang
đứng ở vị trí lãnh đạo đất nước. Do đó, không "xây
dựng, chỉnh đốn Đảng" một cách đúng hướng thì
không chỉ hại cho Đảng, mà lớn hơn nữa còn là hại cho
đất nước, dân tộc.

Sự nặng lòng đó, cũng gắn liền với những điều bức xúc,
trăn trở về những chuyện dân, chuyện nước, mà công cuộc
đổi mới nói chung và "xây dựng, chỉnh đốn Đảng" nói
riêng, không thể quay lưng lại với nó được:

<strong>1. Đảng "xây dựng, chỉnh đốn Đảng" vì Đảng, vì
ý thức hệ cộng sản của Đảng, hay vì lợi quyền của đất
nước, của dân tộc?</strong>

Tiếp cận các văn kiện của Hội nghị lần thứ tư BCH TW Khóa
XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện
nay", mặc dù không ngạc nhiên nhưng tôi vẫn cảm nhận bị
hẫng hụt vì Đảng vẫn cứ vì "sinh mệnh của Đảng và
sự tồn vong của chế độ" hoặc vì "sự sống còn của
Đảng ta, chế độ ta"[1] chứ không phải vì nước, vì dân
với những nỗi trăn trở cần nhận được những chia sẻ
từ việc "xây dựng, chỉnh đốn Đảng". Yêu cầu và
nguồn lực từ đất nước, dân tộc đối với "xây
dựng, chỉnh đốn Đảng" chẳng lẽ mờ nhạt đến thế
sao? Như vậy, Đảng với tư cách là người lãnh đạo Nhà
nước ta, xã hội ta, có vượt qua được những rào cản bởi
ý thức hệ cộng sản của mình, để tạo nhiều cơ hội cho
sự phát triển và hoàn thiện xã hội vì mục tiêu tối
thượng là "bảo tồn nền độc lập, thống nhất và toàn
vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công
bằng và văn minh"?. Những câu hỏi đó mà không có lời
giải hoặc giải không đủ sức thuyết phục thì Nghị
quyết TW4 không đi vào cuộc sống được và công cuộc
"xây dựng, chỉnh đốn Đảng" sẽ không thể thành công.

<strong>2. Nếu Đảng, từ Đảng của quốc tế vô sản trở
về với dân tộc, trở thành Đảng của dân tộc và vì dân
tộc Việt Nam, thì Đảng là đứa con của dân tộc, đứng trong
lòng dân tộc.</strong> Vai trò, sức lớn mạnh và năng lực lãnh
đạo của Đảng gắn liền với yêu cầu và nguồn lực của
đất nước, của dân tộc cũng có nghĩa là không thể
tách rời với nguồn lực của nền dân chủ và pháp quyền
Việt Nam đang và sẽ phát triển và hoàn thiện như một
quá trình tất yếu. Công cuộc "xây dựng, chỉnh đốn
Đảng" làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh do vậy chỉ có
thể đạt kết quả tốt, nếu nó được đặt bên trong
tiến trình phát triển và hoàn thiện tất yếu đó. Còn
nếu vẫn tiếp tục đứng bên ngoài, thậm chí đứng trên
những nguyên tắc cơ bản về dân chủ và pháp quyền, thì
Đảng tất yếu sẽ tiếp tục bị tha hóa – tha hóa từ
sự tập trung quyền lực thái quá mà thiếu chế tài
cảu dân quyền và pháp quyền và hệ lụy khôn lường từ
sự tha hóa đó sẽ là một bế tắc – Đảng sẽ là rào
cản của tiến trình phát triển dân chủ và pháp quyền. Về
phần mình, dân chủ và pháp quyền vì sự phát triển tất
yếu của nó, buộc nó phải phá bỏ tất cả các thứ rào
cản, và như vậy phá luôn cả những rào cản từ Đảng, do
Đảng tạo ra, và phá luôn cả Đảng vì Đảng là tác nhân
của những rào cản đó. Sự bế tắc đó không chỉ là cảnh
báo, mà trong chừng mực không nhỏ đã là hiện thực.

Trên tinh thần đó, tôi tiếp tục bị hẫng hụt và khó có
thể chia sẻ một cách đầy đủ với sự "đặc biệt nhấn
mạnh" trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng Bí
thư về "tự rèn luyện, tự củng cố, chỉnh đốn" và coi
đó như là việc riêng của Đảng "không ai có thể làm thay
được"[2]. Vậy, vai trò của nhân dân ở đâu và do dân
ở chỗ nào đối với việc "xây dựng, chỉnh đốn
Đảng"?

Phải chăng, "xây dựng, chỉnh đốn Đảng" là chuyện độc
quyền của Đảng, như Đảng đã và đang "độc quyền chân
lý, áp đặt tư duy ..."; độc quyền chọn lựa và giới
thiệu nhân sự cho các tổ chức dân cử theo kiểu "Đảng cử
dân bầu". Chuyện mới còn nóng hổi – vụ cưỡng chế thu
hồi đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng – chuyện của Nhà
nước và công dân, Đảng cũng coi như là chuyện của riêng
mình và tự làm hầu như tất cả... Sự độc quyền đó
được nuôi dưỡng trong môi trường không có cạnh tranh, không
có đối thoại, bởi quyết sách cấm đa nguyên, đa đảng của
Đảng Cộng sản. Quyết sách đó đã đến lúc phải thay đổi,
vì nếu không thay đổi được thì không "xây dựng, chỉnh
đốn Đảng" được.

<strong>3. Đảng Cộng sản ở nhiều nước, trong đó có Việt
Nam đã chọn học thuyết Mác – Lê Nin và chủ nghĩa xã hội
làm nền tảng chính trị tư tưởng và kim chỉ nam cho tư duy và
hành động của Đảng.</strong>

Nhiều kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn
cho biết – học thuyết Mác - Lê Nin có cái trước đúng nay
vẫn đúng, có cái trước đúng nay không còn phù hợp vì bối
cảnh xã hội đã có quá nhiều thay đổi, có cái trước và nay
đều không đúng. Còn về CNXH, các nhà sáng lập ra nó, đã
đưa vào đó những ý tưởng rất nhân văn, rất đáng trân
trọng. Nhưng mô thức tổ chức xã hội XHCN trên thực tế,
lại có không ít những nội hàm quá lạc hậu, nhất là lạc
hậu so với yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại vốn
mang những đặc tính cơ bản đã được sàng lọc, lựa
chọn trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại,
bao gồm nền kinh tế thị trường, sức mạnh văn hóa, xã
hội dân chủ và nhà nước pháp quyền.

Nếu vẫn cứ tuyệt đối trung thành và kiên định một cách
máy móc với những gì đã cũ kỹ, lạc hậu đó, và cứ duy
trì mãi những rào cản từ đó, thì không thể nào cải thiện
được tình trạng suy giảm lòng tin với Đảng, bởi nền
tảng chính trị tư tưởng của Đảng quá lạc hậu, vốn đã
bị cuộc sống loại bỏ. Sự lựa chọn đó đã không còn đủ
sức thuyết phục thì làm sao giữ được lòng tin. Sự lạc
hậu của lý luận và những rào cản từ đó đã đến lúc
phải thay đổi, vì nếu không thay đổi được thì không "xây
dựng, chỉnh đốn Đảng" được.

Thiết nghĩ, đã đến lúc phải cương quyết đoạn tuyệt
với những gì không còn phù hợp của học thuyết Mác - Lê
Nin và CNXH để thực sự trở về với chủ nghĩa yêu nước,
với khát vọng giữ vững độc lập, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng
văn minh.

<strong>4. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng là
vấn đề cấp thiết trong "xây dựng, chỉnh đốn
Đảng".</strong>

"Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"
– nói dễ nhưng làm không dễ. Có những điểm nghẽn trong
vận hành "công thức" này là: (1) tập trung thái quá quyền
lãnh đạo của Đảng làm cho Đảng bị tha hóa và cũng làm cho
các bộ phận quyền lực khác trong hệ thống chính trị bị vô
hiệu hóa, trở thành hữu danh vô thực; (2) nội hàm của
"Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"
thiếu cụ thể, rõ ràng, thiếu thể chế hóa bằng pháp
luật, dẫn đến tùy tiện, lạm dụng, làm hư vai trò, vị trí
và mối quan hệ của "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản
lý, nhân dân làm chủ"; (3) còn quá nhiều khiếm khuyết của
yếu tố con người trong lãnh đạo, quản lý và làm chủ, bởi
những căn bệnh không thể coi thường được là quan liêu xa
rời dân, làm việc tắc trách, kèn cựa địa vị, cậy
chức cây quyền, tham ô lãng phí,… vì thiếu tầm trí
tuệ và thiếu cái tâm trong sáng. Điều đáng quan ngại
là những khiếm khuyết đó không những không bị đẩy
lùi, mà còn phát triển phức tạp hơn với những liên
kết theo kiểu "nhóm lợi ích", "băng nhóm tội phạm",
nhất là trong "chạy chức chạy quyền", "mua quan bán
chức" và tham nhũng . . .

Trong "xây dựng, chỉnh đốn Đảng", thiết nghĩ nên: (1)
thiết lập một trật tự mới cho hệ thống quyền lực –
"quyền làm chủ của dân, quyền quản lý của Nhà nước,
quyền của đảng cầm quyền" phải đi liền với thể chế
"dân quyền, pháp quyền và quyền của Đảng, trong đó dân
quyền và pháp quyền được đặt lên trên quyền của
Đảng"; (2) kêu gọi "từ tâm" và cách hành xử có văn hóa
trong vận hành của hệ thống quyền lực là cần thiết,
nhưng chưa đủ, phải thực sự coi trọng việc kiểm tra,
giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân, coi
trọng tư vấn, phản biện từ dân, vì ý nguyện và sự
chọn lựa với trách nhiệm đầy đủ của công dân theo
luật định; (3)tạo điều kiện và khuyến khích sử dụng
người tốt, người tài cho hệ thống chính trị; (4) Đảng còn
có cơ hội để được chọn vào vị trí của đảng cầm
quyền hay không phụ thuộc một phần không nhỏ ở chỗ,
Đảng có từ bỏ siêu quyền lực, nhất là quyền lực cứng
để trở lại với chủ yếu là quyền lực mềm như thời
chiến tranh giải phóng.

<h2>Thay lời kết</h2>

Mặc dù chỉ là "một số vấn đề cấp bách về xây dựng
Đảng" như giới hạn của Nghị quyết Hội nghị Trung ương
4, nhưng vì cuộc sống sinh ra những cái mà Hội nghị Trung
ương quan tâm (suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống; đội ngũ cán bộ cấp cao chưa được xây dựng
một cách cơ bản; thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người
đứng đầu chưa được xác định rõ), đâu phải chỉ sinh ra
từ những lỗ hổng đơn lẻ, mà còn từ, thậm chí chủ yếu
từ lỗi hệ thống, phải có sự nhìn nhận và xử lý hệ
thống, chứ không thể cắt khúc, bóc tách đơn lẻ mà giải
quyết được.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 04/03/2012

Đ. C. T.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN.

_____________________

[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Xây dựng,
chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức
tạp, vì nó liên quan đến xây dựng tổ chức, xây dựng
con người, là công tác con người, dễ đụng chạm đến
danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không
thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng
và sự tồn vong của chế độ" hoặc "công tác xây
dựng Đảng luôn luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan
trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế
độ ta" (Xem lời phát biểu khai mạc Hội nghị lần
thứ tư của BCH TW khóa XI về một số vấn đề cấp
bách về xây dựng Đảng hiện nay).

[2] Trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư
của BCH TW khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:
"Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn có được sức
mạnh và uy tín thì Đảng phải tự rèn luyện, tự củng
cố, đổi mới, chỉnh đốn, không ai có thể làm thay
được".

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11914), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét