thư Huyện ủy Từ Liêm, một tiền lệ xấu, đủ để dập
tắt mọi ý định chống tham nhũng của người dân.
<center>* * *</center>
Ngày hôm nay (14/3/2012) TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên phúc
thẩm theo yêu cầu kháng cáo của hai bị can Hoàng Đình Trọng
và Ngô Quang Anh. Bốn tháng trước, tại phiên tòa sơ thẩm, họ
đã bị kết tội vu khống. Hai bị can này đều là người học
luật, một người là Trưởng văn phòng công chứng, một
người là luật sư, họ đều cho rằng mình bị oan, và vụ án
của họ đã trải qua một quá trình tố tụng bị vi phạm
nghiêm trọng.
Trong bài viết nhỏ này, chưa bàn đến mức độ oan sai của
các ông Hoàng Đình Trọng và Ngô Quang Anh, cũng chưa bàn đến
những sai phạm trong quá trình tố tụng, chỉ nhìn ở bản
chất cái gọi là "tội vu khống" mà các bị can đang được
kết án, có thể khẳng định vụ án này sẽ là một tiền lệ
xấu, đủ để dập tắt mọi ý định chống tham nhũng của
người dân.
Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 3/2011, những người dân sống bên
tuyến đường Lê Đức Thọ (Từ Liêm, Hà Nội) bất ngờ thấy
khoảng đất công, được quy hoạch làm vườn hoa gần nhà mình
xuất hiện một nhóm người lạ mặt đổ bộ và dựng một
ngôi nhà bằng vỏ contener. Bức xúc trước hành vi ngang nhiên
chiếm đất công này, một số hộ dân đã làm đơn kêu cứu
gửi các cơ quan chức năng huyện Từ Liêm. Sau một tháng không
có hồi âm, các hộ dân đã nhờ ông Ngô Quang Anh, trưởng văn
phòng công chứng Mỹ Đình làm hộ đơn. Do không có chức năng
tư vấn, ông Quang Anh đã gửi lá đơn kêu cứu cho người quen
của mình là ông Hoàng Đình Trọng, là trưởng văn phòng luật
sư PGVN. Ông Trọng đã giúp các hộ dân soạn đơn với nội
dung tố cáo việc lấn chiếm đất công, và tố cáo ông Lê
Xuân Trường, Bí thư huyện ủy Từ Liêm đã bảo kê những kẻ
lấn chiếm. Sau khi những người dân ký đơn, ông Trọng đã
thay mặt họ gửi đến các cơ quan chức năng. Đây là một
việc làm hoàn toàn bình thường của một văn phòng luật sư,
và cũng phù hợp với quy trình khiếu nại, tố cáo. Lẽ ra, sự
việc sẽ được giải quyết theo quy trình giải quyết khiếu
nại tố cáo. Song, vì người bị tố cáo là đương kim bí thư
huyện ủy nên câu chuyện đã diễn ra không bình thường.
Ngày 5/5/2011, những lá đơn được gửi đi. Ngày 07/5/2011 Công
an huyện Từ Liêm nhận được đơn tố cáo việc lấn chiếm
đất công và hành vi bảo kê của ông Trường. Ngay ngày hôm
sau, 8/5/2011, ông Trường có đơn yêu cầu Công an huyện Từ
Liêm khởi tố vụ án, làm rõ hành vi vu khống của những
người đã ký tên vào lá đơn tố cáo sự việc. Ba ngày sau,
11/5/2011, công an huyện Từ Liêm quyết định khởi tố vụ án.
Ngày 13/5/2011 các ông Ngô Quang Anh và Hoàng Đình Trọng bị bắt
tạm giam, để rồi ngày 22/5/2111 họ bị khởi tố về tội
"vu khống". Sau đó, như đã đề cập, ngày 21/11/2011 họ bị
kết án với tội danh vu khống tại phiên tòa sơ thẩm.
Vê tội danh vu khống, hồ sơ vụ án không thể hiện được
các yếu tố cấu thành tội phạm. Họ không phải người ký
tên trên lá đơn (vật chứng). Và, cho dẫu cơ quan tố tụng
cố tình suy diễn theo hướng bất lợi, rằng họ khởi xướng
việc tố cáo ông Trường, thì cũng chưa đủ căn cứ để
khẳng định nội dung lá đơn đó là vu khống. Nội dung lá
đơn tố cáo của người dân đề cập hai vấn đề: Thứ nhất
là tình trạng ngang nhiên chiếm đất công của một nhóm thanh
niên lạ mặt; thứ hai là ông Lê Xuân Trường đứng đằng sau
bảo kê cho sự việc này. Về nội dung thứ nhất, việc chiếm
đất công là có thật, và người dân có đầy đủ bằng
chứng. Về nội dung thứ hai, hành vi lấn chiếm ngang nhiên xảy
ra giữa ban ngày, và người dân đã có đơn tới các cơ quan
chức năng huyện Từ Liêm nhưng không được giải quyết, như
vậy, dấu hiệu bảo kê là có, và người dân có quyền nghi
ngờ người đứng đầu địa phương là ông bí thư Lê Xuân
Trường. Như vậy, không thể khẳng định việc tố cáo của
người dân là vu khống khi cơ quan chức năng chưa chứng minh
được nội dung tố cáo của người dân là bịa đặt.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao các cơ quan tố tụng huyện
Từ Liêm lại vội vàng khởi tố, bắt giam, xét xử và kết án
những người dân với tội vu khống khi chưa làm rõ được các
yếu tố cấu thành tội phạm? Câu trả lời nằm ở cái chức
danh Bí thư huyện ủy của ông Lê Xuân Trường, với tư cách
là người bị hại.
Trong vụ việc này, ông Trường là đối tượng bị tố cáo,
tuy nhiên, ngày 7/5/2011 khi các cơ quan chức năng vừa nhận
được đơn tố cáo của người dân thì ông Trường đã lập
tức được biết nội dung tố cáo mình, để ngày hôm sau có
đơn yêu cầu các cơ quan chức năng khởi tố người tố cáo.
Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định giữ bí mật danh tính
người tố cáo, theo Luật Khiếu nại tố cáo.
Không những thế, ngay sau khi nhận được đơn tố cáo, ông
Trường, trên cương vị là Bí thư huyện ủy đã tự kết
luận mình bị oan sai, để yêu cầu công an khởi tố vụ án. Ai
cho ông Trường cái quyền tự phán xét mình, để buộc tội vu
khống cho người tố cáo mình. Và khi mà vụ án chưa được
khởi tố, chưa phân công cán bộ điều tra mà lá đơn yêu cầu
của ông Trường lại được một điều tra viên đóng dấu, ký
tên. Điều này thể hiện rõ sự thiếu khách quan của cơ quan
điều tra.
Một sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án này cũng
được thể hiện tại bút lục 424, được ghi ngày 05/8/2011, là
lời khai của ông Bạch Đăng Tân, Chánh văn phòng huyện ủy
Từ Liêm. Theo đó, ông Tân cho biết: Ngày 10/5/2011 (tức là 1
ngày trước khi có quyết định khởi tố vụ án) ba ngành nội
chính huyện Từ Liêm đã họp và thống nhất quan điểm xử lý
nghiêm theo quy định của pháp luật đối với vụ việc này.
Như vậy, nếu lời khai của ông Tân là đúng thì vụ án đã
không được điều tra, truy tố và xét xử độc lập như quy
định tại Hiến pháp. Còn nếu đây là lời khai bịa đặt
của ông Tân, rõ ràng ông Tân mới là người cần bị khởi
tố vì tội danh vu khống, làm ảnh hưởng đến uy tín của
"ba ngành nội chính huyện Từ Liêm".
Ngày hôm nay, phiên tòa phúc thẩm đã diễn ra từ sáng đến
chiều, song hội đồng xét xử đã chưa thể tuyên án, mà phải
hoãn sang một tuần nữa. Rõ ràng, đây là một vụ án có quá
nhiều uẩn khúc, một vụ án mà dường như các quan tòa đang
bị "làm khó" vì sự mong manh của lời buộc tội đối với
những công dân đang tin tưởng vào công cuộc đấu tranh chống
tham nhũng của đất nước. Khó, vì trên lý thuyết thì mọi
công dân đều bình đẳng trước pháp luật, song lá đơn gửi
cơ quan pháp luật của công dân bị tố cáo trong vụ án này
lại ghi rõ chức danh khá quan trọng của mình.
Lão Phạm
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/12014), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét