Trần Huỳnh Duy Thức - Bàn về nhân quyền, pháp quyền và pháp chế

<div class="special_quote">Kính gửi: Dân Luận

Tôi là Trần Văn Huỳnh. Hôm nay tôi xin được gửi đến quý
báo một trích đoạn từ quyển sách còn dang dở: <em>Con
đường Việt Nam</em> do con tôi - Trần Huỳnh Duy Thức - viết,
cùng với Lê Công Định và Lê Thăng Long. Chính quyển sách này
đã bị qui kết là "một kế hoạch tổng thể hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" dẫn đến việc kết án
24,5 năm tù và 11 năm quản chế cho những người tham gia vào
quyển sách này.

Tựa đoạn này do tôi đặt, được trích từ chương 3 (Cải
cách pháp luật) của phần IV (Các sách lược tập trung). Nội
dung của nó đề cập đến những vấn đề rất thiết thực
đối với người dân và cũng rất sống còn đối với đất
nước hiện nay.

Do vậy tôi rất mong quý báo giúp phổ biến nội dung này.

Xin cảm ơn và kính chào.

Trần Văn Huỳnh</div>


<center><strong>CON ĐƯỜNG VIỆT NAM</strong></center>

<center><strong>BÀN VỀ NHÂN QUYỀN - PHÁP QUYỀN - PHÁP
CHẾ</strong></center>


Vì sao việc cải cách tư pháp (CCTP) và cải cách hành chính
(CCHC) được chú trọng bằng rất nhiều nghị quyết và chỉ
thị trong hàng chục năm qua nhưng lại không đạt được những
tiến bộ đáng kể, mà có chỗ còn đi thụt lùi? Do thiếu
quyết tâm chính trị thực lòng hay thiếu động lực cho cải
cách thực chất?

Không có động lực của con người thì sẽ không có sự thay
đổi xã hội. Các cuộc cách mạng bạo lực có thể tạo ra
động lực cưỡng bức nhưng không bền vững. Còn cải cách
thì luôn cần phải có động lực tự nhiên - những cuộc cải
cách thành công đều phải dựa trên những giải pháp hướng
được những động lực này đến những mục tiêu lành mạnh.
Tạo ra động lực lành mạnh là đòi hỏi thiết yếu của cải
cách tốt đẹp. Không chú trọng đến việc này thì mọi cuộc
cải cách sẽ rất vất vả và hầu hết là thất bại. Do vậy
muốn CCTP và CCHC thành công thì việc đầu tiên phải phân tích
hiện trạng của các động lực tự nhiên của con người Việt
Nam đang hướng đến các đối tượng và mục tiêu nào trong
các hoạt động tư pháp và hành pháp quốc gia.

Sẽ không quá khó, chỉ cần thẳng thắn và dũng cảm thừa
nhận, để thấy rằng động lực của người dân hiện nay
hầu hết không được tạo ra bởi niềm tin vào công lý để
hướng đến một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Môi
trường pháp lý và chính trị hiện nay đang làm cho các động
lực này hướng tập trung đến các kết cục trái ngược hẳn
với các chuẩn mực của một xã hội như vậy: tham nhũng,
cường quyền và lạc hậu. Điều này đang diễn ra ngày càng
trầm trọng, bất chấp các mong muốn khác đi theo chủ trương
của nhà nước và lý tưởng của đảng Cộng sản Việt Nam
đang cầm quyền. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề là:

(i) Tính cách luôn mưu cầu lợi ích là một động lực phổ
quát và tự nhiên của con người. Dù không phải tất cả mọi
người đều như thế nhưng xu thế chung áp đảo sẽ luôn là
như vậy - như một thực tế khách quan và không phải là điều
xấu. Thiếu loại động lực này thì xã hội loài người đã
không thể hình thành và phát triển.

(ii) Những động lực này không cần biết đến các giá trị
tốt đẹp trên danh nghĩa được quy định trong các văn bản
luật, chỉ thị, nghị quyết hay lý tưởng mà nó chỉ chịu
tác động và vận hành theo các giá trị đang tồn tại trong
thực tế (theo đúng thực chất của hiện trạng) của các mặt
kinh tế, chính trị, xã hội. Đây chính là sự vận động theo
các quy luật tự nhiên khách quan: Kết quả được tạo ra dựa
trên vấn đề thực chất và giá trị thực tế mà thôi.

(iii) Cuộc sống ở Việt Nam đang tạo ra một thứ niềm tin
của người dân vào việc đưa hối lộ như là cách tốt nhất,
thực tế nhất để mưu cầu lợi ích cho mình - từ những
việc nhỏ nhặt như chứng giấy tờ đến những chuyện to tát
như các loại giấy phép béo bở, từ những mục đích chính
đáng như kiếm tiền sinh sống hoặc tự khẳng định mình
đến những mong muốn làm giàu bất chính hoặc vươn lên bằng
cách chà đạp người khác. Hầu hết đều phải dựa vào tham
nhũng, tin nó và thậm chí còn bao che cho nó. Niềm tin đi ngược
lại nó không chỉ bị xem là ngớ ngẩn, không thức thời mà
còn đầy rủi ro. Tin vào công lý ngày càng trở nên phi thực
tế và tốn kém mà lại không hiệu quả.

Thứ niềm tin như vậy đang tồn tại áp đảo trong thực tế
làm cho động lực tự nhiên của người dân hướng đến phục
vụ nhu cầu hoặc thỏa mãn yêu cầu của những kẻ xấu nắm
quyền tại các bộ máy tư pháp và hành pháp ở mọi cấp, cả
bộ máy của đảng cầm quyền. Môi trường pháp lý đã không
thể ngăn chặn được những cái xấu mà đạo đức xã hội
cũng không còn đủ sức để lên án chúng. Thậm chí có nhiều
lúc, nhiều nơi đã hình thành nên các chuẩn mực đạo đức
làm cho người tốt dám đấu tranh với cái xấu trở nên "lập
dị" và trở thành "kẻ phá bĩnh". Không thể không xót xa khi
phải chứng kiến các hiện tượng như vậy đang ngày càng phổ
biến.

Nếu không có một cuộc cải cách xã hội, bao gồm cả CCTP và
CCHC để thay đổi hiện trạng này, hướng các động lực tự
nhiên của người dân đến các mục tiêu lành mạnh thì tình
trạng suy thoái xã hội hiện nay sẽ mau chóng biến thành suy
đồi chỉ trong vòng một vài năm nữa. Đến lúc đó mọi nỗ
lực chỉnh đốn đều sẽ bất khả thi, và một sự sụp đổ
xã hội dẫn đến suy thoái chính trị là không thể tránh
khỏi. Điều này sẽ diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh
tế toàn diện từ 2010 đến 2011 như đã phân tích ở chương
IV.1 nếu không có một cuộc cải cách toàn diện và hiệu quả
ngay từ bây giờ. Hậu quả sẽ là những sự khốn khổ đến
cùng cực của người dân. Nhưng chính quyền cũng sẽ không
thể tránh khỏi những hậu quả tồi tệ. Đây là những nguy
cơ mà Con đường Việt Nam, như đã nhiều lần từ đầu quyển
sách, muốn cảnh báo cho cả người dân lẫn chính quyền,
đồng thời đề ra những sách lược khắc phục. Chương này
bàn về sách lược cải cách pháp luật, mà trọng tâm là CCTP
và CCHC. Các vấn đề về hiến pháp cũng sẽ được đề cập
ở khía cạnh cốt lõi.

<h2>NGUYÊN LÝ VÀ HIỆN TRẠNG</h2>

Nguyên lý vận hành của một hệ thống pháp luật trong một xã
hội dân chủ dựa trên 3 yếu tố cốt lõi: Nhân quyền, Pháp
quyền và Pháp chế như đã trình bày ở phần II. Chương này
sẽ xem xét các yếu tố này trong thực tế của Việt Nam để
nhìn thấy những vấn đề và giải pháp chiến lược.

<h2>Nhân Quyền tại Việt Nam</h2>

Tuyên ngôn độc lập 1945 đã thừa nhận rằng mọi người sinh
ra đều có sẵn các quyền con người căn bản, đều bình
đẳng và tự do. Năm 1977, Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc
cũng có nghĩa là sự công nhận của nhà nước Việt Nam đối
với các quyền bất di bất dịch này của con người được qui
định và trịnh trọng tuyên bố tại Tuyên ngôn Toàn cầu về
Nhân quyền của LHQ vào năm 1948. Đến 1982 thì Việt Nam đã
chính thức gia nhập hai Công ước Quốc tế về các Quyền Dân
sự và Chính trị; và về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn
hóa. Tại đây, nhà nước Việt Nam đã long trọng cam kết tôn
trọng, bảo vệ các quyền này cho công dân Việt Nam, và đồng
thời cũng thúc đẩy các quyền này trên toàn thế giới. Trên
tinh thần đó, Hiến pháp hiện hành (1992) của Việt Nam cũng
đã hiến định tất cả các quyền thiêng liêng này của con
người Việt Nam. Với những văn bản pháp lý như vậy thì mọi
công dân Việt Nam từ lúc sinh ra đời đều được hưởng bình
đẳng tất cả các quyền con người như bất kỳ công dân nào
khác trên thế giới mà không phân biệt quốc gia, màu da, chủng
tộc, xuất thân, địa vị, quan điểm chính trị, trình độ
phát triển, lịch sử hình thành, v.v..., <span
class="underlined-text">và cũng không phải chờ sự cho phép của
bất kỳ luật hoặc văn bản nào dưới hiến pháp</span>.

Tuy nhiên, các giá trị tốt đẹp trên danh nghĩa này còn rất xa
so với thực tế trong việc thực thi quyền con người trên
đất nước ta. Đại đa số người dân lẫn quan chức hiện nay
đều nghĩ rằng chỉ có những quyền nào có luật qui định
thì công dân Việt Nam mới được sử dụng. Quan điểm vi hiến
như vậy lại tồn tại phổ biến ngay tại Quốc hội trong
việc lập pháp. Sự xâm phạm tự do và các quyền cơ bản của
người dân lại xảy ra phổ biến tại các cơ quan hành pháp.
Còn các cơ quan tư pháp thì lại trừng phạt không thương
tiếc những công dân nào dám tự do sử dụng các quyền làm
người căn bản của mình đã được hiến định. Cần hiểu
rằng các hành động như vậy không chỉ vi hiến mà còn vi
phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại với các chuẩn
mực văn minh của thế giới.

Dân ta cần hiểu rằng theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam cam
kết tôn trọng thì các quyền con người là không thể phân
chia, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan với nhau. Năm 1993, Đại
Hội đồng LHQ đã ra Tuyên bố Viên và Chương trình hành động
tái khẳng định lại các tính chất này của các quyền con
người bao gồm từ quyền được bú, được ngủ lúc mới sinh
ra; được ăn, được học khi lớn lên; rồi quyền được có
việc làm để sinh sống; quyền hôn nhân và nuôi dạy con cái;
quyền đảm bảo sự riêng tư như chỗ ở, bí mật thư tín,
điện thoại; quyền tự do ngôn luận, sáng tác, sáng chế, lập
hội, biểu tình; quyền bình đẳng trước pháp luật, v.v...
Nếu không hề cần có những luật để cho phép được bú
được ăn được ngủ được học được làm thì cũng không
cần phải có luật để cho phép được nói được bày tỏ quan
điểm được sáng tác phê bình được biểu tình, v.v... Đó
chính là tính nguyên vẹn không thể phân chia của các quyền con
người mà nếu bị xâm phạm thì người sống sẽ không trở
thành con người đầy đủ. Sự xâm phạm này nếu rất nghiêm
trọng sẽ biến con người trở thành không khác gì con vật như
trong các chế độ nô lệ. Chỉ khi nào người dân có thể tự
do sử dụng đầy đủ các quyền con người thì mới thực sự
làm người.

Những sự xâm phạm như vậy cũng là nguyên nhân của sự chậm
tiến của Việt Nam trong một thời gian dài và của sự tăng
trưởng bất ổn như hiện nay vì đã vi phạm hoặc không tôn
trọng đầy đủ các quy luật tự nhiên khách quan như đã phân
tích ở phần II

<h2>Pháp quyền tại Việt Nam</h2>

Như đã trình bày ở phần II, bản chất hay tính chất bất
biến của pháp quyền là sự bảo vệ các quyền con người
bằng pháp luật. Đây cũng là nguyên tắc qui định bởi Tuyên
ngôn Toàn cầu về Nhân quyền: "<em>Nếu không muốn con người
buộc phải sử dụng sự nổi dậy như một biện pháp cuối
cùng để chống cường quyền và áp bức thì việc bảo vệ
các Quyền con người bằng nhà nước pháp quyền là thiết
yếu</em>". Do vậy, bản chất của một nhà nước pháp quyền
là sự uỷ trị hợp pháp để đại diện cho <span
class="underlined-text">mỗi công dân</span>, không phân biệt bất
kỳ yếu tố nào để bảo vệ mọi quyền con người của họ
bằng pháp luật. Lưu ý rằng, sự ủy trị chỉ hợp pháp khi
nó đại diện cho mọi công dân, <span class="underlined-text">từng
người một</span> mà không phân biệt thành phần, giai cấp cho
dù người đó không bỏ phiếu cho những người được bầu
chọn thực hiện sự ủy trị đó, cho dù quan điểm chính trị,
kinh tế, xã hội, văn hóa, ... của người đó có khác biệt
với những người được bầu chọn đến thế nào đi nữa.
Một nhà nước không đảm bảo được những tính chất này
thì không thể là một nhà nước pháp quyền.

Nhà nước pháp quyền lần đầu tiên được Việt Nam hiến
định vào năm 2001 khi sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 tại
điều 2: "<em>Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân</em>". Còn điều 50 thì ghi rõ: "<em>Ở
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con
người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội
được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân được quy
định trong Hiến pháp và luật</em>". Như vậy, theo đúng bản
chất của nhà nước pháp quyền ở điều 2 và ý nghĩa rõ ràng
của điều 50 này thì công dân Việt Nam không chỉ có đầy
đủ các quyền con người đã được Hiến pháp hiện hành qui
định theo đúng nguyên tắc của Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân
Quyền và hai Công ước Quốc tế kèm theo mà còn có thể
được hưởng thêm những quyền khác nếu có luật qui định.
Giá trị trên danh nghĩa rõ ràng là như vậy.

Tuy nhiên, thực tế của việc thực thi các điều khoản này
của Hiến pháp thì lại khác xa. Thuộc tính phụ "xã hội chủ
nghĩa" trong "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" được
tùy tiện vận dụng và áp đặt để diễn giải sai lệch bản
chất bất biến của thuộc tính chính "pháp quyền". Điều này
không những tạo ra rất nhiều các phạm trù mơ hồ được
gắn với cụm từ "xã hội chủ nghĩa" mà còn dẫn đến sự
tước đoạt các quyền con người bất khả xâm phạm của công
dân bằng cách cho rằng chữ "luật" trong điều 50 của Hiến
pháp có nghĩa là khi nào có luật qui định về những quyền
nào (đã được ghi ở Hiến pháp) thì công dân mới được
thực hiện những quyền đó. Cách hiểu này trao cho Quốc hội
cái quyền ban phát các quyền con người cho người dân chứ
không phải là nhận sự ủy nhiệm của nhân dân để bảo vệ
cho họ thực hiện đầy đủ các quyền vốn có của họ mà
Tạo hóa ban cho, theo đúng thuộc tính "của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân" của Nhà nước pháp quyền được ghi tại
điều 2 của Hiến pháp.

<span class="underlined-text">Khi nào mà Quốc hội của nước ta
chưa làm được bổn phận bảo vệ quyền con người như vậy
cho công dân ta thì nó chưa có tính hợp pháp vì đã vi
hiến</span>, cho dù nó có được hình thành bằng các hình thức
phổ thông đầu phiếu đi nữa. Đây là vấn đề thực chất
mà bất kỳ một quốc hội nào trong một nhà nước pháp quyền
cũng phải đảm bảo, cho dù đó là pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, pháp quyền cộng hòa đại nghị, pháp quyền quân chủ
lập hiến, v.v... đi nữa. Đó là chưa kể người dân có quyền
đòi hỏi thuộc tính bổ sung "xã hội chủ nghĩa" phải làm hay
hơn, tốt hơn, ưu việt hơn cho tính chất "pháp quyền xã hội
chủ nghĩa" như lý tưởng cao đẹp mà đảng Cộng sản Việt
Nam luôn tuyên truyền và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam luôn khẳng định, chứ không phải là làm cho thực
tế bảo vệ quyền con người tại Việt Nam ngày càng xấu đi
như hiện nay. Thực tế này thuộc về trách nhiệm lãnh đạo
của đảng Cộng sản Việt Nam mà Con đường Việt Nam đã đưa
ra những đề nghị cần thay đổi trong Phần III về cách thức
lãnh đạo của đảng cầm quyền hiện nay nếu không muốn một
sự sụp đổ toàn diện, kéo theo những hậu quả nặng nề cho
dân chúng.

<h2>Pháp chế tại Việt Nam</h2>

Do trách nhiệm tối thượng của một nhà nước pháp quyền là
phải bảo đảm cho công dân thực hiện đầy đủ các quyền
con người của từng người nên nó phải ngăn cản sự xâm
phạm các quyền này từ bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào.
Cũng do tính chất pháp quyền của nó, nên nó phải thực hiện
việc ngăn cản này bằng luật pháp. Đây chính là nguyên tắc
pháp chế - tức là chế tài bằng pháp luật - của một nhà
nước pháp quyền. Đây cũng là nguyên tắc được qui định
tại Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân Quyền: "<em>Khi thực hiện
các quyền và tự do của mình mỗi người chỉ phải chịu
những hạn chế nào được luật qui định nhằm một mục
đích duy nhất là để đảm bảo sự thừa nhận và bảo vệ
đúng đắn các quyền và tự do của người khác và đáp ứng
các yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng
và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ</em>".

Mọi phạm vi chế tài (bao gồm hạn chế và xử phạt) phải do
luật qui định. <span class="underlined-text">Không có luật hạn
chế điều gì thì làm điều đó là không phạm luật và không
phải xin phép nơi nào hết</span>. Hoàn toàn không cần phải có
luật cho phép làm điều đó. Chỉ có quan chức mới chỉ
được làm những gì mà luật cho phép để hạn chế sự lạm
dụng quyền hành của họ mà thôi. <span
class="underlined-text">Không ai hay tổ chức nào được quyền nhân
danh vì bất kỳ lợi ích chung nào để áp đặt các hạn chế
đối với các quyền con người của công dân mà không được
thông qua bằng luật bởi một quy trình lập pháp hợp
hiến</span>. Lý do và mục đích của những sự hạn chế như
vậy cũng phải được ghi rõ.

Điều 12 Hiến pháp 1992 ghi "<em>Nhà nước quản lý xã hội
bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội
chủ nghĩa</em>". Điều này rõ ràng là tuân theo nguyên tắc pháp
chế đúng đắn của một nhà nước pháp quyền như trên, phù
hợp với chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thực
tế thì khác hẳn. Không hiểu dựa trên cơ sở nào mà rất
nhiều vị đại biểu Quốc hội - những người được gọi là
những nhà lập pháp đại diện của dân - lại hồn nhiên phát
biểu trước công chúng đại ý là phải cố gắng nhanh chóng
xây dựng luật để người dân có thể thực hiện các quyền
của mình. Còn các cơ quan hành pháp thì ban hành đầy rẫy các
nghị định, quyết định hạn chế, cấm đoán các quyền con
người của công dân một cách vi hiến. Còn các cơ quan tư pháp
thì chưa bao giờ ra bất kỳ phán quyết nào liên quan đến sự
vi hiến, đơn giản vì chúng không có được quyền hạn đó
trên danh nghĩa và cũng không có đủ quyền lực tư pháp độc
lập trên thực tế.

Thuộc tính xã hội chủ nghĩa đúng ra phải thể hiện được
sự ưu việt hơn cho nguyên tắc pháp chế của một nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì thực tế lại trở thành
cái để lợi dụng nhằm tước đoạt rất nhiều quyền con
người của công dân bằng cách đặt sự bảo vệ chế độ
lên trên hết - vi phạm nguyên tắc "<em>Tất cả quyền lực nhà
nước thuộc về nhân dân</em>" của Hiến pháp (điều 2). Thực
tế này lại tiếp tục bị lợi dụng để bảo vệ đặc
quyền cho các nhóm lợi ích nhỏ, tạo ra một thực tế càng
tệ hại hơn nữa.

<h2>Trách nhiệm của công dân</h2>

Cách biệt giữa danh nghĩa và thực tế của môi trường pháp
lý Việt Nam đang rất nghiêm trọng và ngày càng xấu đi nên
gây ra bất ổn nặng nề. Trách nhiệm này đương nhiên là
thuộc về chính quyền, nhưng nếu người dân không ý thức
được các quyền con người và vai trò làm chủ đất nước
của mình thì cách biệt này không bao giờ được thu hẹp theo
hướng tốt đẹp. Dân ta cần hiểu cốt lõi bản chất của
các khái niệm Nhân quyền, Pháp quyền, Pháp chế. Thực ra chúng
rất đơn giản: Nhân quyền là các Quyền con người của mỗi
người chúng ta vốn có từ lúc sinh ra mà không ai có quyền ban
phát cả và chúng ta cần tự tin sử dụng ngay các quyền này
mà không phải đợi ai cho phép. Pháp quyền là trách nhiệm trên
hết của nhà nước phải bảo vệ cho công dân thực hiện
đầy đủ các quyền bất khả xâm phạm này của mình, và Nhà
nước Việt Nam hiện nay là một nhà nước pháp quyền được
khẳng định tại Hiến pháp. Pháp chế nghĩa là chúng ta chỉ
bị hạn chế làm những gì có luật qui định rõ, không có
luật hạn chế tức là không có hạn chế, chứ không phải là
chưa được phép. Mối liên hệ của bản chất và nguyên tắc
của 3 khái niệm này tạo nên một nguyên lý cốt lõi của dân
chủ: công dân có quyền làm bất cứ điều gì mà luật không
hạn chế và không cần phải xin phép để làm điều đó.

Ở các nước dân chủ và thịnh vượng, thay vì làm ra nhiều
luật để hạn chế thì nhà nước ở đó xây dựng rất nhiều
luật khuyến khích và tạo động lực cho công dân của mình
làm nhiều việc tốt để hướng xã hội phát triển theo những
lý tưởng tốt đẹp. Chúng ta hoàn toàn đủ quyền và đủ lý
do chính đáng để đòi hỏi có được một nhà nước pháp
quyền với các nguyên tắc pháp chế như trên. Đó cũng là
những tiêu chuẩn mà công việc CCTP và CCHC phải đạt đến.
Không có những áp lực từ dưới lên thì sẽ khó có thể có
được những thay đổi từ trên xuống. Đó là trách nhiệm
của công dân đối với việc cải cách.

Trách nhiệm của chính quyền

Tuy nhiên, trách nhiệm trên hết vẫn thuộc về chính quyền.
Nếu nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam không nhận rõ
được hiện trạng như trên và nhanh chóng thực hiện các giải
pháp cải cách thành công thì sự thất bại của chúng sẽ dẫn
đến các cuộc cách mạng. Liên Xô sụp đổ sau khi đã tiến
hành cải cách muộn màng và thất bại.

Với tinh thần như vậy, Con đường Việt Nam đã nghiên cứu
để đề nghị với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam các sách lược CCTP và CCHC được trình bày cụ thể
dưới đây.

<div class="rightalign"><em>(Đang viết vào tháng 4/2009)</em></div>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11486), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét