Robert Kagan - Chưa phai tàn

<em><strong>Phản biện huyền thoại về sự suy tàn của
Mỹ</strong></em>

<center><strong>I.</strong></center>

Phải chăng Mỹ đang suy tàn, như quá nhiều người tin hiện nay?
Hay liệu có phải người Mỹ có nguy cơ nhanh nhảu tự kết
liễu vị thế siêu cường quốc vì nỗi lo sợ huyễn hoặc về
sức mạnh đang suy giảm của mình? Rất nhiều điều tùy thuộc
vào câu trả lời cho những câu hỏi này. Trật tự thế giới
hiện nay – với đặc trưng là số lượng nhiều chưa từng
thấy các quốc gia dân chủ; thậm chí với cuộc khủng hoảng
hiện nay, thế giới ngày nay thịnh vượng nhất trong lịch sử;
và các đại cường quốc hòa bình với nhau trong thời gian dài
– phản ánh những nguyên tắc và sở thích của Mỹ, và
được xây dựng và duy trì bằng sức mạnh của Mỹ trong tất
cả các khía cạnh chính trị, kinh tế, và quân sự. Nếu sức
mạnh Mỹ suy tàn, trật tự thế giới này sẽ suy tàn theo nó.
Trật tự này sẽ bị thay thế bằng một kiểu trật tự khác
nào đó, phản ánh những ước muốn và những phẩm chất của
những cường quốc thế giới khác. Hay có lẽ trật tự này
chỉ đơn thuần sụp đổ, như trật tự thế giới của Châu
Âu đã sụp đổ trong nửa đầu của thế kỷ 20.

Nhiều người tin rằng ngay cả khi sức mạnh Mỹ suy giảm,
"những nền tảng cơ sở của trật tự quốc tế tự do sẽ
trường tồn", như nhà chính trị học G. John Ikenberry nhận
định; niềm tin đó quả là một ảo tưởng thú vị. Sự suy
tàn của Mỹ, nếu có thực, sẽ đồng nghĩa với một thế
giới khác cho tất cả mọi người.

Nhưng thực hư ra sao? Phần lớn những bình luận về sự suy
tàn của Mỹ hiện nay dựa trên phân tích sơ sài, trên những
cảm tưởng cho rằng Mỹ đã lạc lối, rằng Mỹ đã từ bỏ
những đức tính giúp họ thành công trong quá khứ, rằng Mỹ
thiếu ý chí giải quyết những vấn đề họ đang đối mặt.
Người Mỹ nhìn những quốc gia khác có nền kinh tế hiện nay
ổn định hơn kinh tế Mỹ, và dường như có tính năng động
mà nước Mỹ từng có, và họ ta thán rằng "trước đây
chúng ta cũng vậy", như trong tựa đề cuốn sách mới nhất
của Thomas Friedman, "That Used To Be Us."

Cảm nghĩ suy tàn hiện này đương nhiên dễ hiểu, với tình
hình kinh tế ảm đạm từ năm 2008 và những khoản thâm hụt
tài khóa lớn của Mỹ mà nếu kết hợp với mức tăng trưởng
liên tục của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và các
nền kinh tế khác thì dường như báo trước một sự dịch
chuyển quan trọng và không thể đảo ngược của sức mạnh
kinh tế toàn cầu. Tâm lý bi quan này một phần cũng là do niềm
tin cho rằng Mỹ đã thất sủng, và do vậy đánh mất tầm ảnh
hưởng, ở nhiều nơi trên thế giới, do những phản ứng khác
nhau của Mỹ đối với những vụ khủng bố 11/9. Những nhà tù
ở Guantánamo, việc tra tấn những kẻ bị tình nghi khủng bố,
và cuộc xâm lược Iraq hồi năm 2003 bị nhiều nước lên án,
tất thảy đều làm hoen ố "nhãn hiệu" Mỹ và làm suy
suyển "sức mạnh mềm" của nước Mỹ – tức là khả năng
thuyết phục những nước khác chú ý đến quan điểm của Mỹ.
Nước Mỹ đã tham gia những cuộc chiến gian truân ở Iraq và
Afghanistan, mà nhiều người nhận định đã chứng tỏ những
hạn chế về sức mạnh quân sự, khiến Mỹ oằn mình gồng
gánh gánh nặng quá sức của mình, và làm suy yếu rường cột
quốc gia. Có người so sánh Mỹ với Đế chế Anh vào cuối
thế kỷ 19, với những cuộc chiến khó khăn ở Iraq và
Afghanistan tương đương như Chiến tranh Boer gian truân và làm
nản lòng quốc gia của Anh.

Trong bối cảnh nhiều người cảm nhận về ngày tàn của
nước Mỹ, mỗi thất bại của Mỹ trong việc gây ảnh hưởng
trên thế giới thường khẳng định ấn tượng này. Người Ả
rập và người Israel không chịu giảng hòa với nhau, mặc cho
người Mỹ nhiều lần khẩn nài. Iran và Bắc Triều Tiên coi
thường những yêu sách của Mỹ đòi hai nước này ngừng các
chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Trung Quốc không chịu
để cho đồng nhân dân tệ lên giá. Tình hình biến động ở
thế giới Ả rập xoay chuyển vượt ra khỏi tầm kiểm soát
của Mỹ. Dường như mỗi ngày lại có thêm bằng chứng cho
thấy đã qua rồi cái thời Mỹ có thể dẫn dắt thế giới và
buộc các nước khác làm theo chỉ đạo của mình.

Tuy nhiên, bất kể cảm tưởng về ngày tàn của nước Mỹ có
mạnh đến đâu, cảm tưởng đó đáng được suy xét thấu
đáo hơn. Đo lường những thay đổi về sức mạnh tương đối
của một quốc gia là điều khó, nhưng có một số chỉ số cơ
bản: quy mô và ảnh hưởng của nền kinh tế nước đó so với
nền kinh tế của những cường quốc khác; tầm cỡ của sức
mạnh quân sự so với những kẻ thù khả dĩ; mức độ ảnh
hưởng chính trị mà nước đó tạo được trong hệ thống
quốc tế – tất cả những điều đó làm nên điều mà
người Trung Quốc gọi là "sức mạnh quốc gia toàn diện".
Rồi còn chuyện thời gian nữa. Nếu phán xét chỉ dựa vào
bằng chứng của một vài năm thì chưa ổn. Sự suy tàn của
một đại cường quốc là sản phẩm của những thay đổi căn
bản về sự phân phối quốc tế của nhiều hình thức sức
mạnh khác nhau, mà những thay đổi đó thường xảy ra trong
những quãng thời gian dài. Những đại cường quốc hiếm khi
đột ngột suy tàn. Một cuộc chiến tranh có thể khiến họ
sụp đổ, nhưng ngay cả điều đó thường là một triệu
chứng, và là cực điểm, của một quá trình lâu dài hơn.

Ví dụ, sự suy tàn của Đế chế Anh diễn ra trong mấy chục
năm. Năm 1870, người Anh chiếm hơn 30 phần trăm sản xuất công
nghiệp toàn cầu. Năm 1900, tỉ phần đó là 20 phần trăm. Đến
năm 1910 là dưới 15 phần trăm – thấp hơn nhiều so với Mỹ
đang vươn lên với tỉ phần tăng từ hơn 20 phần trăm lên
đến hơn 25 phần trăm trong cùng thời kỳ; và cũng ít hơn
Đức, vốn tụt hậu khá xa so với Anh trong suốt thế kỷ 19
nhưng đã bắt kịp và qua mặt Anh trong thập niên đầu tiên
của thế kỷ 20. Trong cùng thời kỳ đó, hải quân Anh đi từ
vị thế thống lĩnh vô song của các vùng biển đến chỗ phải
chia sẻ quyền kiểm soát các đại dương với những cường
quốc hải quân đang vươn lên. Năm 1883, Anh có nhiều tàu chiến
hơn tất cả các cường quốc khác cộng lại. Đến năm 1897,
sự thống lĩnh của Anh đã suy giảm. Giới chức Anh nhận
định hải quân của mình "hoàn toàn thua xa" Mỹ ở Tây bán
cầu, Nhật ở Đông Á, và sức mạnh hải quân của Nga và Pháp
cộng lại ngay tại Châu Âu – và đó là trước khi có sự
lớn mạnh đầy hăm dọa của hải quân Đức. Đây là những
trường hợp suy tàn rõ rệt, có thể đo lường được và
diễn ra từ từ của hai trong số những thước đo quan trọng
nhất về sức mạnh trong quá trình nửa thế kỷ.

MỘT SỐ LẬP LUẬN hiện nay về sự suy tàn tương đối của
nước Mỹ sẽ có tính thuyết phục hơn nếu đã không xuất
hiện ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cũng như
một con én không làm nên mùa xuân, một đợt suy thoái, hay
thậm chí một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, không
nhất thiết đồng nghĩa với việc khởi đầu của sự kết
liễu một đại cường quốc. Mỹ đã chịu những cuộc khủng
hoảng nặng nề và kéo dài trong những thập niên 1890, 1930, và
1970. Mỗi lần như thế, nước Mỹ hồi phục trong thập niên
tiếp theo và thực sự lại đạt đến vị thế mạnh hơn so
với các cường quốc khác hơn trước thời khủng hoảng.
Những thập niên 1910, 1940, và 1980 đều là những cao điểm
của sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu.

Cách đây chưa đầy mười năm, phần lớn giới quan sát không
phải bàn về sự suy tàn của Mỹ mà là về thế độc tôn
bền bỉ của Mỹ. Năm 2002, sử gia Paul Kennedy, người đã viết
vào cuối thập niên 1980 một cuốn sách được bàn luận nhiều
về "sự hưng thịnh và suy vong của những đại cường
quốc" trong đó có Mỹ, đã tuyên bố rằng trong lịch sử
chưa bao giờ có "sự chênh lệch sức mạnh" lớn như vậy
giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Ikenberry đồng ý
rằng "không có đại cường quốc nào khác" đã có "những
ưu thế đáng nể như vậy về năng lực quân sự, kinh tế,
công nghệ, văn hóa, hay chính trị … Sự vượt trội của sức
mạnh Mỹ" là "vô tiền khoáng hậu". Năm 2004, nhà bình
luận Fareed Zakaria nhận định Mỹ đang tận hưởng "thế đơn
cực (uni-polarity) toàn diện" chưa từng thấy kể từ thời La
Mã. Nhưng chỉ bốn năm sau Zakaria lại viết về "thế giới
hậu Mỹ" và "sự vươn lên của phần còn lại [của thế
giới]", còn Kennedy thuyết giảng về sự suy tàn tất yếu
của nước Mỹ. Chẳng lẽ những yếu tố căn bản của sức
mạnh tương đối của nước Mỹ lại thay đổi quá lớn như
vậy chỉ trong vài năm ngắn ngủi?

Câu trả lời là không. Ta hãy bắt đầu bằng những chỉ số
cơ bản. Về kinh tế, và thậm chí bất chấp những năm suy
thoái và tăng trưởng chậm hiện thời, vị thế của Mỹ trên
thế giới chưa thay đổi. Tỉ phần của Mỹ trong GDP thế giới
vẫn ổn định đáng kể, không chỉ trong thập niên vừa qua mà
cả trong bốn thập niên qua. Năm 1969, Mỹ sản xuất khoảng
một phần tư sản lượng kinh tế của thế giới. Ngay nay tỉ
phần đó vẫn là khoảng một phần tư, và Mỹ vẫn giữ vị
trí nền kinh tế không chỉ lớn nhất mà còn giàu nhất thế
giới. Cũng hợp lý khi thiên hạ bị mê hoặc bởi sự vươn
lên của Trung Quốc, Ấn Độ, và những nước Châu Á khác với
tỉ phần sản lượng kinh tế toàn cầu đã và đang tăng đều
đặn, nhưng đến nay điều đó xảy ra gần như hoàn toàn chỉ
thiệt hại cho Châu Âu và Nhật với tỉ phần giảm dần trong
nền kinh tế thế giới.

Giới lạc quan về sự phát triển của Trung Quốc tiên đoán
rằng Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ để chiếm vị trí nền kinh
tế lớn nhất thế giới vào một thời điểm nào đó trong hai
thập niên đến. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ đối mặt với
một thách thức ngày càng lớn về vị thế kinh tế của mình
trong tương lai. Nhưng chỉ riêng quy mô của một nền kinh tế
tự than nó không phải là một thước đo chính xác về sức
mạnh tổng quát trong hệ thống quốc tế. Nếu quả vậy, thì
Trung Quốc vào đầu thế kỷ 19, với nền kinh tế lớn nhất
thế giới lúc đó, đã là cường quốc thống lĩnh thế giới,
chứ không phải là nạn nhân kiệt quệ phủ phục trước
những nước Châu Âu nhỏ hơn. Cho dù Trung Quốc có thực sự
vươn lên đỉnh cao này một lần nữa – và giới lãnh đạo
Trung Quốc đối mặt với những chướng ngại vật lớn lao
trong việc duy trì mãi mãi mức tăng trưởng của đất nước
– Trung Quốc sẽ vẫn còn tụt hậu khá xa so với cả Mỹ và
Châu Âu về GDP bình quân đầu người.

Năng lực quân sự cũng quan trọng, như Trung Quốc vào thế kỷ
19 đã hiểu và giới lãnh đạo Trung Quốc ngày nay biết. Như
Diêm Học Thông (Yan Xuetong) nhận định gần đây, "sức mạnh
quân sự là nền tảng cho bá quyền". Về mặt này, Mỹ vẫn
không ai sánh bằng. Mỹ chắc chắn là quốc gia hùng mạnh nhất
mà thế giới từng biết, và năng lực quân sự tương đối
của Mỹ không suy tàn – ít nhất là chưa. Người Mỹ hiện nay
chi tiêu chưa đến 600 tỉ đô-la mỗi năm cho quốc phòng, nhiều
hơn những đại cường quốc khác cộng lại. (Con số này chưa
tính đến việc đưa quân sang Iraq, mà hoạt động này đang
kết thúc, hay các lực lượng tham chiến ở Afghanistan, mà có
thể giảm từ từ trong vài năm đến.) Ngoài ra, chi tiêu quốc
phòng đó ở mức xấp xỉ 4 phần trăm GDP hàng năm – tỉ lệ
cao hơn những đại cường quốc khác, nhưng xét về lịch sử
thì thấp hơn tỉ lệ 10 phần trăm GDP mà Mỹ chi tiêu cho quốc
phòng vào giữa thập niên 1950 và 7 phần trăm vào cuối thập
niên 1980. Những khoản chi tiêu cao hơn chưa đánh giá đúng tính
ưu việt thực sự của Mỹ về năng lực quân sự. Các lực
lượng trên bộ và trên không của Mỹ được trang bị vũ khí
tối tân nhất và dày dạn kinh nghiệm nhất về tham chiến
thực sự. Họ có thể đánh bại bất kỳ đối thủ nào trong
một trận đánh đối đầu. Sức mạnh hải quân Mỹ vẫn
chiếm ưu thế vượt trội ở mọi khu vực trên thế giới.

Theo những thước đo quân sự và kinh tế này, Mỹ ngày nay ít
ra cũng chẳng giống gì với nước Anh khoảng năm 1900, khi sự
suy tàn tương đối của đế chế đó bắt đầu lộ rõ. Nước
Mỹ ngày nay giống với nước Anh khoảng năm 1870 hơn, khi đế
chế đó đang ở đỉnh cao sức mạnh. Có thể tưởng tượng ra
một thời điểm khi mà điều này không còn đúng nữa, nhưng
thời khắc đó hiện chưa đến.

NHƯNG CÒN "sự vươn lên của phần còn lại [của thế
giới]" – tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của các
quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, và Thổ Nhĩ Kỳ –
thì sao? Chẳng phải điều đó giảm bớt sức mạnh và ảnh
hưởng của Mỹ hay sao? Câu trả lời là: còn tùy. Việc các
quốc gia khác trên thế giới đang tận hưởng những thời kỳ
tăng trưởng cao không có nghĩa là vị thế cường quốc thống
lĩnh của Mỹ đang suy tàn, hay thậm chí nghĩa là "phần còn
lại của thế giới" đang đuổi kịp về sức mạnh và ảnh
hưởng tổng quát. Tỉ phần của Brazil trong GDP toàn cầu chỉ
hơn 2 phần trăm vào năm 1990 và hiện nay vẫn chỉ ở mức hơn
2 phần trăm. Tỉ phần của Thổ Nhĩ Kỳ là dưới 1 phần trăm
vào năm và hiện nay vẫn ở mức dưới 1 phần trăm. Người ta,
và đặc biệt là giới doanh nhân, hẳn nhiên phấn khích về
những thị trường mới trỗi dậy này, nhưng chỉ vì một
quốc gia là một cơ hội đầu tư hấp dẫn không có nghĩa là
quốc gia đó là một đại cường quốc đang vươn lên. Của
cải có ý nghĩa quan trọng trong chính trị quốc tế, nhưng
không có mối tương quan đơn giản giữa tăng trưởng kinh tế
và ảnh hưởng quốc tế. Chưa rõ là liệu một nước Ấn Độ
ngày nay giàu có hơn gây ảnh hưởng trên trường quốc tế
lớn hơn một nước Ấn Độ nghèo vào thập niên 1950 dưới
thời Nehru, khi Ấn Độ là lãnh tụ của Phong trào Không Liên
kết, hoặc liệu Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp tính độc lập và
kiểu phô trương của Thủ tướng Recep Tayyip Erdoğan, có thực
sự gây ảnh hưởng nhiều hơn cách đây một thập niên hay
không.

Về tác động của những nền kinh tế đang lớn mạnh này
đối với vị thế của Mỹ, điều đó tùy thuộc vào việc ai
đang lớn mạnh. Vấn đề của Đế chế Anh vào đầu thế kỷ
20 không phải là sự suy tàn đáng kể của họ so với Mỹ,
một cường quốc nhìn chung hữu hảo có những lợi ích không
mâu thuẫn về căn bản với những lợi ích của Anh. Thậm chí
ở Tây bán cầu, thương mại của Anh tăng lên khi họ nhường
vị thế thống lĩnh cho Mỹ. Vấn đề là sự suy tàn của Anh so
với Đức vốn muốn giành ưu thế trên lục địa Châu Âu, và
tìm cách cạnh tranh với Anh trên biển cả, và ở cả hai khía
cạnh này đều tỏ ra đe dọa an ninh cốt lõi của Anh. Trong
trường hợp của Mỹ, sự vươn lên mạnh mẽ và nhanh chóng
của kinh tế Đức và Nhật trong thời Chiến tranh Lạnh đã
giảm thế độc tôn của Mỹ trên thế giới nhiều hơn "sự
vươn lên của phần còn lại [của thế giới]" gần đây. Tỉ
phần của Mỹ trong GDP thế giới từ mức gần 50 phần trăm sau
Chiến tranh Thế giới thứ hai đã giảm xuống còn khoảng 25
phần trăm vào đầu thập niên 1970, và giữ nguyên ở mức ấy
từ đó cho đến nay. Nhưng "sự vươn lên của phần còn
lại" đã không làm suy yếu Mỹ. Thậm chí điều đó còn
củng cố nước Mỹ. Đức và Nhật đã và đang là những
đồng minh dân chủ thân thiết, những cột trụ chủ chốt của
trật tự thế giới kiểu Mỹ. Sự tăng trưởng của nền kinh
tế hai nước đó thực sự đã dịch chuyển một cách không
thể đảo ngược cán cân theo hướng bất lợi cho khối Xô
viết và góp phần làm sụp đổ khối đó.

Khi đo lường tác động của những kinh tế đang lớn mạnh
của những nước khác hiện nay, ta phải làm những phép tính
toán kiểu tương tự. Liệu sự tăng trưởng của kinh tế
Brazil, hay của kinh tế Ấn Độ, có làm suy giảm sức mạnh
toàn cầu của Mỹ hay không? Cả hai quốc gia này đều thân
thiện, và Ấn Độ đang ngày càng là một đối tác chiến
lược của Mỹ. Nếu đối thủ cạnh tranh tương lai của Mỹ
trên thế giới có khả năng là Trung Quốc, thì một nước Ấn
Độ giàu hơn và mạnh hơn sẽ là một thế mạnh, chứ không
phải một tác hại, cho Mỹ. Nhìn chung, việc Brazil, Ấn Độ,
Thổ Nhĩ Kỳ, và Nam Phi đang tận hưởng thời kỳ tăng trưởng
kinh tế – mà có thể hoặc không thể kéo dài mãi – hoặc
chẳng can hệ gì đến hoặc chỉ có lợi cho vị thế chiến
lược của Mỹ. Hiện tại, chỉ có sự tăng trưởng của kinh
tế Trung Quốc có thể được xem là có tác động đến sức
mạnh của Mỹ trong tương lai, và chỉ trong chừng mực mà
người Trung Quốc biến đủ sức mạnh kinh tế đang gia tăng
của họ thành sức mạnh quân sự.

<center><strong>II.</strong></center>

NẾU MỸ không đang bị suy tàn về những thước đo cơ bản
này của quyền lực, chẳng phải ảnh hưởng của họ đã
giảm sút, họ gặp khó khăn hơn trong việc thuyết phục thế
giới theo ý mình hay sao? Giả định gần như của mọi người
là Mỹ quả thực đã mất ảnh hưởng. Bất luận lý giải
cách nào – sự suy tàn của Mỹ, "sự vươn lên của phần
còn lại", thất bại rành rành của mô hình tư bản Mỹ, bản
chất lệch lạc của chính trị Mỹ, tính phức tạp ngày càng
tăng của hệ thống quốc tế – nhìn chung người ta chấp
nhận rằng Mỹ không còn khả năng định hình thế giới để
thỏa mãn những lợi ích và lý tưởng của mình như trước
kia. Mỗi ngày dường như lại có thêm bằng chứng, với diễn
biến tình hình trên thế giới dường như đi ngược lại các
lợi ích của Mỹ và vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Mỹ.

Và hẳn nhiên Mỹ không thể đạt điều mình muốn trong phần
lớn các trường hợp. Nhưng xưa nay Mỹ có bao giờ làm được
như thế đâu. Hầu hết những cảm tưởng hiện nay về ảnh
hưởng Mỹ đang giảm sút đều dựa vào một ảo tưởng hoài
niệm quá khứ: rằng đã có thời nước Mỹ có thể định
hình cả thế giới để thỏa mãn những ước muốn của mình,
và có thể khiến những nước khác làm những gì Mỹ muốn họ
làm, và, như nhà chính trị học Stephen M. Walt nhận xét, "cai
quản những dàn xếp chính trị, kinh tế và an ninh cho gần như
toàn địa cầu."

Nếu muốn đánh giá vị thế tương đối của Mỹ ngày nay, ta
cần công nhận rằng hình ảnh quá khứ là một ảo tưởng.
Chưa bao giờ có một thời như thế. Ta thường có khuynh hướng
nhớ lại những năm đầu của Chiến tranh Lạnh như một thời
điểm Mỹ hoàn toàn thống lĩnh thế giới. Không hề có chuyện
đó. Mỹ đã đạt những thành tựu phi thường trong kỷ nguyên
đó: Kế hoạch Marshall, liên minh NATO, Liên Hiệp Quốc, và hệ
thống kinh tế Bretton Woods tất thảy đã định hình thế giới
mà ta biết hiện nay. Tuy nhiên với mỗi thành tựu lớn lao trong
thời gian đầu của Chiến tranh Lạnh, luôn có ít nhất một
thất bại cũng ê chề không kém.

Trong thời tổng thống Truman, Cách mạng Cộng sản thắng lợi
ở Trung Quốc vào năm 1949, mà giới chức Mỹ xem là thảm họa
cho những lợi ích của Mỹ trong khu vực và quả thực sự
kiện đó đã tỏ ra tai hại cho Mỹ; nếu không phải gì khác,
đó chính là yếu tố quan trọng khiến Bắc Triều Tiên tấn
công Nam Triều Tiên vào năm 1950. Nhưng như Dean Acheson[1] kết
luận, "kết quả đáng ngại của cuộc nội chiến ở Trung
Quốc" đã tỏ ra "nằm ngoài tầm kiểm soát của … Mỹ",
đó là sản phẩm của "những thế lực mà nước này cố
gắng gây ảnh hưởng nhưng không thể". Một năm sau đó xảy
ra cuộc tấn công bất ngờ và không ai chuẩn bị trước của
Bắc Triều Tiên đánh vào Nam Triều Tiên, và sự can thiệp của
Mỹ mà sau khi 35.000 lính Mỹ chết và gần 100.000 bị thương
đã để lại tình hình gần như giống hệt trước khi xảy ra
cuộc chiến này. Diễn biến thời sự trong năm 1949 có lẽ
thuộc hàng xấu nhấu: Liên Xô có được bom nguyên tử và
chấm dứt sự độc quyền hạt nhân từng là nền tảng của
chiến lược quân sự và hoạch định ngân sách quốc phòng
của Mỹ.

Một năm sau, báo cáo chiến lược nổi tiếng NSC-68[2] cảnh báo
về khoảng cách ngày càng tăng sức mạnh quân sự và những cam
kết chiến lược toàn cầu của Mỹ. Theo tuyên bố của báo
cáo đó, nếu những xu hướng hiện tại tiếp diễn, kết quả
sẽ là "sự sút giảm trầm trọng về sức mạnh của thế
giới tự do so với Liên Xô và những nước chư hầu của Liên
Xô". "Tính toàn vẹn và khả năng sống còn của hệ thống
của chúng ta," báo cáo đó nhận định, "gặp nguy hiểm hơn
bao giờ hết trong lịch sử của chúng ta". Trong bài phát biểu
chính tại Hội nghị Toàn quốc Đảng Cộng hòa vào năm 1952,
Douglas MacArthur[3] ta thán về "thay đổi đáng báo động về
cán cân sức mạnh thế giới", "gánh nặng ngày càng tăng
của những cam kết tài khóa của chúng ta", sức mạnh đang
tăng lên của Liên Xô, "và sự suy tàn tương đối của chính
chúng ta". Năm 1957, Ủy ban Gaither báo cáo[4] rằng nền kinh tế
Nga đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn kinh tế Mỹ và
đến năm 1959 Nga sẽ có thể đánh trúng Mỹ với một trăm tên
lửa đạn đạo liên lục địa, khiến Sam Rayburn, chủ tịch
Hạ viện, đặt câu hỏi: "Một nền kinh tế vững vàng và
ngân sách cân bằng thì ích gì nếu chúng ta để đồng bào
mất mạng và đồng rúp Nga thành đồng tiền của đất
nước?"

Mỹ cũng không luôn luôn thuyết phục được các nước khác,
kể cả những đồng minh gần gũi nhất của mình, làm điều
mình muốn, hoặc kiềm chế không làm điều mình không muốn.
Năm 1949, Acheson cố gắng và thất bại trong việc ngăn cản các
đồng minh Châu Âu, trong đó có Anh, công nhận Trung Quốc cộng
sản. Năm 1954, chính quyền Eisenhower không đạt được ý định
của mình tại Hội nghị Geneva về Việt Nam và không chịu ký
các thỏa ước cuối cùng. Hai năm sau, Mỹ cố gắng ngăn cản
Anh, Pháp và Israel xâm lăng Ai Cập do nước này đóng Kênh đào
Suez, nhưng vô ích, để rồi ba nước đó tiến hành một cuộc
xâm lược mà không thèm báo trước với Washington. Khi Mỹ đối
đầu với Trung Quốc về các quần đảo Kim Môn và Mã Tổ[5],
chính quyền Eisenhower đã cố gắng nhưng không đạt được sự
ủng hộ của các đồng minh Châu Âu, khiến John Foster Dulles[6]
lo ngại rằng NATO "đang bắt đầu tan rã". Đến cuối thập
niên 1950, Mao tin rằng Mỹ là một siêu cường quốc đang suy
tàn, "e ngại không dám tham gia và những công cuộc ở Thế
giới Thứ ba và ngày càng không có khả năng duy trì bá quyền
của họ đối với các nước tư bản".

THẾ CÒN "sức mạnh mềm" thì sao? Chẳng phải đúng như nhà
chính trị học Joseph S. Nye Jr.[7] đã nhận định rằng Mỹ
trước đây đã có thể "đạt điều mình muốn trên thế
giới" nhờ "những giá trị được biểu hiện" bằng văn
hóa Mỹ như phản ánh qua truyền hình, điện ảnh và âm nhạc,
và nhờ tính hấp dẫn của những chính sách đối nội và
đối ngoại của Mỹ hay sao? Những yếu tố này của sức mạnh
mềm đã khiến những dân tộc khác trên thế giới muốn theo
gương Mỹ, "ngưỡng mộ những giá trị của Mỹ, noi gương
Mỹ, mong ước đạt được mức độ thịnh vượng và cởi mở
của Mỹ".

Một lần nữa, sự thật lịch sử phức tạp hơn thế. Trong ba
thập niên đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, nhiều
nơi trên thế giới không ngưỡng mộ Mỹ mà cũng không muốn
noi gương Mỹ, và không đặc biệt hài lòng với cách hành xử
của Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Phải, đúng là truyền
thông Mỹ truyền bá văn hóa Mỹ, nhưng họ truyền bá những
hình ảnh không phải lúc nào cũng tâng bốc Mỹ. Trong những
năm 1950, thế giới có thể xem những hình ảnh được truyền
hình về chuyện Joseph McCarthy[8] và cuộc truy lùng người cộng
sản trong Bộ Ngoại giao và Hollywood. Phim Mỹ mô tả kiểu tuân
thủ tư bản cứng nhắc đến ngột ngạt của văn hóa doanh
nghiệp Mỹ mới. Những tiểu thuyết ăn khách nhất như The Ugly
American (Người Mỹ xấu xí) khắc họa tính cách hung hăng và
thô lỗ của người Mỹ. Trong thập niên 1950 và 1960 có những
cuộc đấu tranh về nạn phân biệt chủng tộc, những hình
ảnh được truyền đi khắp thế giới cho thấy người da
trắng nhổ nước bọt vào học sinh da đen và cảnh sát thả
chó tấn công những người da đen biểu tình. (Cái này cũng là
"trước đây chúng ta cũng vậy".) Nạn phân biệt chủng tộc
của nước Mỹ đã thực sự "hủy hoại" hình ảnh Mỹ trên
toàn cầu, như Dulles lo ngại, đặc biệt ở những nước gọi
là Thế giới Thứ ba. Cuối thập niên 1960 và đầu thập niên
1970 có những cuộc bạo động Watts[9], các vụ ám sát Martin
Luther King Jr. và Robert Kennedy, vụ bắn người ở Đại học Kent
State[10], rồi vụ xì căng đan Watergate làm rúng chuyển chính
quyền. Đó không phải là những kiểu hình ảnh có thể khiến
thế giới yêu mến Mỹ, bất luận có bao nhiêu bộ phim Jerry
Lewis và Woody Allen được chiếu tại những rạp chiếu bóng ở
Paris.

Phần lớn thế giới cũng không thấy chính sách đối ngoại
của Mỹ đặc biệt hấp dẫn trong những năm đó. Eisenhower mong
ước "khiến một số người ở những quốc gia bị áp bức
này yên mến chúng ta, chứ không phải thù ghét chúng ta",
nhưng những vụ lật đổ Mohammed Mossadegh ở Iran và Jacobo Arbenz
ở Guatemala với bàn tay đạo diễn của CIA không giúp ích gì.
Năm 1957, người biểu tình tấn công đoàn xe hộ tống phó
tổng thống Mỹ ở Venezuela, hô lớn "Nixon, cút về nước!"
"Đồ chó, xéo đi!" "Chúng tôi sẽ không quên Guatemala!"
Năm 1960, Khrushchev hạ nhục Eisenhower bằng cách hủy bỏ một
hội nghị thượng đỉnh khi một máy bay do thám của Mỹ bị
bắn hạ trên bầu trời Nga. Cuối năm đó, trên đường đi
thăm "thiện chí" Tokyo, Eisenhower buộc phải cho máy bay quay
về giữa chừng khi chính quyền Nhật cảnh báo là họ không
thể đảm bảo cho an ninh của ông trước những sinh viên biểu
tình chống "chủ nghĩa đế quốc" Mỹ.

Những đảng viên Đảng Dân chủ kế tục Eisenhower cũng chẳng
khá hơn. John F. Kennedy và vợ ông được yêu mến một thời
gian, nhưng hào quang của Mỹ phai tàn sau khi ông bị ám sát.
Việc Lyndon Johnson xâm lăng Cộng hòa Dominic vào năm 1965 bị
nhiều người lên án không chỉ ở Mỹ La tinh mà còn bởi các
đồng minh Châu Âu. De Gaulle cảnh báo giới chức Mỹ rằng Mỹ,
giống như "tất cả những nước đã có sức mạnh vượt
trội", đã đi đến chỗ "tin rằng vũ lực sẽ giải quyết
mọi thứ" và sẽ sớm hiểu ra rằng "không đúng" như
vậy. Rồi sau đó tất nhiên phải kể đến Việt Nam – sự
tàn phá, những cảnh bom napan, vụ thảm sát Mỹ Lai, cuộc xâm
nhập bí mật vào Campuchia, đợt đánh bom Hà Nội, và cảm
nhận chung về một siêu cường quốc thực dân phương Tây
trấn áp buộc một quốc gia nhỏ nhưng ngang ngạnh ở Thế
giới Thứ ba quy phục. Khi Hubert Humphrey, phó tổng thống của
Johnson thăm Tây Berlin vào năm 1967, trung tâm văn hóa Mỹ bị
tấn công, hàng ngàn sinh viên biểu tình phản đối những chính
sách của Mỹ, và có nhiều tin đồn về những âm mưu ám sát.
Năm 1968, khi hàng triệu thanh niên Châu Âu xuống đường, họ
không bày tỏ lòng ngưỡng mộ văn hóa Mỹ.

Đại đa số các quốc gia trên thế giới cũng đã không cố
gắng noi gương hệ thống Mỹ. Trong những thập niên đầu sau
Chiến tranh Lạnh, nhiều người thích thú những nền kinh tế do
nhà nước kiểm soát của Liên Xô và Trung Quốc, những nền
kinh tế đó dường như hứa hẹn tăng trưởng mà không có
những vấn đề rối beng của dân chủ. Nền kinh tế của các
nước khối Xô Viết đã có tỉ lệ tăng trưởng cao bằng tỉ
lệ ở phương Tây trong phần lớn thời kỳ này, chủ yếu là
nhờ việc phát triển mạnh công nghiệp nặng do nhà nước chỉ
đạo. Theo Allen Dulles, giám đốc CIA, nhiều lãnh tụ ở Thế
giới Thứ ba tin rằng hệ thống Xô Viết "có thể mang lại
nhiều kết quả nhanh chóng hơn hệ thống Mỹ". Những nhà
độc tài như Nasser của Ai Cập và Sukarno của Indonesia thấy mô
hình nhà nước đóng vai trò chủ đạo đặc biệt hấp dẫn,
mà cả Nehru của Ấn Độ cũng thấy vậy. Giới lãnh đạo Phong
trào Không Liên kết mới nổi lên – gồm Nehru, Nasser, Tito,
Sukarno, Nkrumah – chẳng hề tỏ vẻ khâm phục những đường
lối của Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi Stalin chết, cả Liên Xô và Trung Quốc đua tranh
khốc liệt với nhau để thu phục Thế giới Thứ ba, tiến hành
"những chuyến công du thiện chí" và thực hiện những
chương trình viện trợ của chính họ. Eisenhower nghĩ rằng
"đường lối mới của Cộng sản tỏ vẻ hữu hảo thân
thiện có lẽ nguy hiểm hơn sự tuyên truyền của họ dưới
thời Stalin". Các chính quyền Eisenhower, Kennedy, và Johnson
thường xuyên lo lắng về chiều hướng thiên tả của những
nước này, và vung tiền viện trợ phát triển cho họ với hy
vọng giành được cảm tình của họ. Các vị tổng thống này
hiểu ra rằng viện trợ tuy được các nước hồ hởi đón
nhận nhưng chẳng bảo đảm rằng họ sẽ trung thành hay cảm
kích. Một kết quả của tình trạng thù địch của Thế giới
Thứ ba là Mỹ dần dần đánh mất ảnh hưởng ở Liên Hiệp
Quốc sau năm 1960. Từng là nơi cuộc chiến của Mỹ ở Triều
Tiên được hợp thức hóa, từ thập niên 1960 đến lúc kết
thúc Chiến tranh Lạnh, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc trở
thành một diễn đàn để các nước bày tỏ tinh thần bài Mỹ.

Vào cuối thập niên 1960, Henry Kissinger tuyệt vọng về tương
lai. "Tình trạng sức mạnh ngày càng chia nhỏ, sự phân tán
ngày càng rộng của hoạt động chính trị, và những mẫu hình
phức tạp hơn của xung đột và liên kết quốc tế", ông
viết cho Nixon, đã giảm đáng kể năng lực của cả hai siêu
cường quốc trong việc gây ảnh hưởng đến "những hành
động của các chính phủ khác". Và trong thập niên 1970 tình
hình chỉ dường như càng khó khăn hơn. Mỹ bại trận rút lui
khỏi Việt Nam, và thế giới theo dõi sự từ chức đầu tiên
trong lịch sử của một tổng thống Mỹ sa lầy trong xì căng
đan. Và rồi, có lẽ cũng quan trọng như tất cả những biến
cố khác, giá dầu thế giới tăng cao ngất ngưỡng.

VẤN ĐỀ GIÁ DẦU TĂNG CAO cho thấy một khó khăn mới: Mỹ
không có khả năng gây ảnh hưởng thực sự ở Trung Đông.
Hiện nay người ta xem việc Mỹ không giúp được người Israel
và người Palestine đi đến một cách dàn xếp thông qua đàm
phán, hoặc không quản được làn sóng nổi dậy Mùa xuân Ả
rập đầy biến động, như một dấu hiệu thể hiện sự yếu
kém và suy tàn. Nhưng vào năm 1973, Mỹ thậm chí không thể ngăn
chặn các cường quốc ở Trung Đông tham gia vào chiến tranh
toàn lực. Khi Ai Cập và Syria bất ngờ tấn công Israel,
Washington cũng bị bất ngờ. Mỹ rốt cuộc phải vào tình
trạng báo động hạt nhân để ngăn cản sự can thiệp của
Liên Xô vào cuộc xung đột này. Cuộc chiến tranh đó đã dẫn
đến cấm vận dầu hỏa, sự thành lập OPEC như một thế lực
quan trọng trong các vấn đề quốc tế, và sự đột ngột khám
phá ra rằng, theo lời của sử gia Daniel Yergin, "bản thân Mỹ
giờ đây rốt cuộc cũng dễ bị tổn thương". "Siêu cường
quốc hàng đầu của thế giới" đã bị "một vài nước
nhỏ đẩy vào thế phòng thủ và hạ nhục". Nhiều người
Mỹ "lo sợ rằng sắp đến hồi kết thúc của một kỷ
nguyên".

Trong thập niên 1970, giá dầu tăng mạnh, cộng với những chính
sách kinh tế của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, đã đẩy nền
kinh tế Mỹ vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Tổng sản
phẩm quốc dân giảm 6 phần trăm từ năm 1973 đến 1975. Tỉ
lệ thất nghiệp tăng gấp đôi từ 4,5 phần trăm lên đến 9
phần trăm. Người Mỹ lâm cảnh khốn khổ phải xếp hàng mua
xăng, và chịu đựng hiện tượng kinh tế mới gọi là đình
lạm (stagflation), tức là kinh tế vừa đình trệ vừa có lạm
phát cao. Nền kinh tế Mỹ trải qua ba cuộc suy thoái trong thời
kỳ từ 1973 đến 1982. "Cuộc khủng hoảng năng lượng"
đối với người Mỹ thời đó cũng như "cuộc khủng hoảng
tài khóa" hiện nay. Trong bài phát biểu với nước Mỹ được
truyền hình đầu tiên của mình, tổng thống Jimmy Carter gọi
đó là "thách thức lớn nhất mà đất nước chúng ta đối
mặt trong cuộc đời chúng ta". Điều đặc biệt đáng tủi
nhục là cuộc khủng hoảng này bị gây ra một phần bởi hai
đồng minh thân thiết của Mỹ là hoàng gia Ả rập Saudi và
Quốc vương Iran. Như Carter kể lại trong hồi ký của ông,
người Mỹ "vô cùng phẫn nộ vì quốc gia vĩ đại nhất trên
thế giới đã bị một vài nhà nước sa mạc lật lọng".

Thời điểm xấu nhất của Mỹ là năm 1979, khi Quốc vương Iran
bị lật đổ, cách mạng Hồi giáo cực đoan do Ayatollah Khomeini
lãnh đạo lên cầm quyền, và năm mươi hai người Mỹ bị bắt
làm con tin và bị giam giữ trong hơn một năm. Theo quan sát của
Yergin, cuộc khủng hoảng con tin "đã truyền đạt một thông
điệp mạnh mẽ: rằng sự dịch chuyển sức mạnh trong thị
trường dầu thế giới vào thập niên 1970 chỉ là một phần
trong một màn kịch lớn hơn đang diễn ra trong sân khấu chính
trị thế giới. Thông điệp đó dường như muốn nói rằng Mỹ
và phương Tây quả thực đang suy tàn, đang ở thế phòng thủ,
và có vẻ như không thể làm được gì để bảo vệ những
lợi ích của họ, dù là lợi ích kinh tế hay chính trị".

NẾU AI MUỐN đưa ra luận cứ chứng minh Mỹ suy tàn, thì thập
niên 1970 có lẽ là thời điểm để làm điều đó; và nhiều
người đã làm vậy. Theo Kissinger, Mỹ rõ ràng "đã qua đỉnh
cao lịch sử của mình giống như quá nhiều nền văn minh
trước kia … Mỗi nền văn minh từng tồn tại rốt cuộc rồi
cũng sụp đổ. Lịch sử là một câu chuyện về những nỗ
lực đã thất bại". Chính thập niên 1970 là thời kỳ nền
kinh tế Mỹ đánh mất vị thế hàng đầu áp đảo của mình,
khi thặng dư thương mại của Mỹ bắt đầu biến thành thâm
hụt thương mại, khi chi tiêu cho các khoản trợ cấp chính phủ
và các chương trình phúc lợi xã hội đã tăng vọt, khi dự
trữ vàng và tiền tệ của Mỹ cạn kiệt.

Những khó khăn kinh tế đưa đến tình trạng mất an ninh về
chính trị và chiến lược. Thứ nhất là xuất hiện niềm tin
cho rằng trào lưu lịch sử đang thuận cho Liên Xô. Bản thân
giới lãnh đạo Liên Xô tin rằng "sự tương quan của các
thế lực" thuận lợi cho chủ nghĩa cộng sản; việc Mỹ bại
trận và rút quân khỏi Việt Nam khiến giới chức Liên Xô,
lần đầu tiên, tin rằng họ có thể thực sự "thắng lợi"
trong cuộc đấu tranh Chiến tranh Lạnh dai dẳng. Một thập niên
sau, vào năm 1987, Paul Kennedy mô tả cả hai siêu cường quốc
này đang chịu tác hại của "tầm ảnh hưởng đế quốc dàn
trải quá rộng" (imperial overstretch), nhưng cho rằng hoàn toàn
có khả năng Mỹ sẽ sụp đổ trước, tiếp nối một truyền
thống lịch sử lâu đời của những đế chế kiệt quệ và
khánh tận. Mỹ là tự làm mình lụn bại do chi tiêu quá nhiều
vào quốc phòng và đảm nhận quá nhiều trách nhiệm toàn cầu
ở những nơi xa xăm. Nhưng chỉ trong vòng hai năm Bức tường
Berlin sập đổ, và hai năm sau đó đến lượt Liên Xô sụp
đổ. Sự suy tàn hóa ra lại diễn ra ở nơi khác.

RỒI PHẢI KỂ ĐẾN nền kinh tế kỳ diệu của Nhật. "Sự
vươn lên của phần còn lại" bắt đầu vào cuối thập niên
1970 và tiếp tục trong một thâp niên rưỡi tiếp theo, khi
Nhật, cùng với "những con hổ Châu Á" khác (Nam Triều Tiên,
Singapore, và Đài Loan) dường như bắt đầu làm lu mờ Mỹ về
mặt kinh tế. Năm 1989, nhà báo James Fallows nhận định rằng
nền kinh tế do nhà nước chỉ đạo của Nhật rõ ràng ưu
việt hơn chủ nghĩa tư bản thị thường tự do của Mỹ, và
chắc chắn sẽ qua mặt kinh tế Mỹ. Nhật có triển vọng thành
siêu cường quốc tiếp theo. Trong khi Mỹ tự làm mình khánh
tận do tham gia Chiến tranh Lạnh, người Nhật bận rộn với
việc gom hết mọi món lợi. Như nhà phân tích Chalmers Johnson
nhận định vào năm 1995, "Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, và
Nhật đã thắng". Thậm chí ngay khi Johnson viết những lời
này, kinh tế Nhật đang sa vào vòng xoáy trượt dài vào một
thời kỳ đình trệ mà đến nay Nhật vẫn chưa hồi phục
được.

Liên Xô nay đã biến mất, còn Trung Quốc chưa thể hiện
được sức mạnh lâu bền của sự bùng nổ kinh tế, Mỹ bỗng
nhiên dường như là "siêu cường quốc độc nhất" của
thế giới". Tuy nhiên, ngay cả khi đó, thật đáng lưu ý là
Mỹ cũng không thành công khi xử lý nhiều vấn đề toàn cầu
nghiêm trọng. Người Mỹ thắng Chiến tranh Vùng Vịnh, mở
rộng NATO về hướng đông, cuối cùng đã mang lại hòa bình cho
vùng Balkan, sau khi quá nhiều máu đã đổ, và, trong phần lớn
thập niên 1990, khiến nhiều nước trên thế giới chấp nhận
"đồng thuận Washington" về kinh tế học – nhưng một số
thành công này bắt đầu hết tác dụng, và đi kèm với những
thất bại cũng không kém phần quan trọng. Đồng thuận
Washington bắt đầu sụp đổ với cuộc khủng hoảng tài chính
năm 1997, trong đó những toa thuốc của Mỹ bị nhiều người
xem là sai lầm và gây tác hại. Mỹ thất bại trong việc ngừng
hay thậm chí trì hoãn đáng kể những chương trình vũ khí hạt
nhân của bắc Triều Tiên và Iran, dù nhiền lần tuyên bố ý
định làm như vậy. Chế độ trừng phạt áp đặt lên Iraq
của Saddam Hussein tỏ ra vô ích, và đến cuối thập niên đó
đã sụp đổ. Mỹ, và thế giới, chẳng làm gì để ngăn chặn
nạn diệt chủng ở Rwanda, một phần là do một năm trước đó
Mỹ đã bị đẩy ra khỏi Somalia sau một đợt can thiệp quân
sự thất bại. Một trong những công cuộc quan trọng nhất của
Mỹ trong thập niên 1990 là nỗ lực hỗ trợ tiến trình chuyển
tiếp sang dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do ở
nước Nga hậu Xô viết. Nhưng mặc dù cấp hàng tỉ đô-la và
đóng góp vô vàn lời tư vấn và ý kiến chuyên môn, Mỹ thấy
diễn biến tình hình ở Nga một lần nữa vuột ra khỏi tầm
kiểm soát của mình.

Ngay cả trong giai đoạn được xem là thời hoàng kim của vị
thế thống lĩnh thế giới, giới lãnh đạo Mỹ cũng chẳng
thành công trong việc giải quyết vấn đề Israel-Palestine hơn
là bao so với hiện nay. Thậm chí với một nền kinh tế bùng
nổ và một tổng thống được nhiều người yêu mến nỗ lực
hết mình để đạt được một giải pháp, chính quyền Clinton
cũng trắng tay. Như cựu chuyên gia đàm phán hòa bình Trung Đông
Aaron David Miller nhớ lại, Bill Clinton "quan tâm đến và đầu
tư nhiều thời gian và sức lực cho hòa bình Ả rập-Israel trong
thời gian dài hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào", và được
cả Israel lẫn Palestine khâm phục và đánh giá cao – thế nhưng
ông đã tổ chức "ba hội nghị thượng đỉnh trong vòng sáu
tháng và lần nào cũng thất bại". Nhiệm kỳ của Clinton kết
thúc với sự sụp đổ của những cuộc thương thảo hòa bình
và sự bắt đầu của cuộc khởi nghĩa Palestine lần thứ hai
[chống Israel].

Thậm chí trong thập niên 1990 Mỹ cũng chưa chắc chiếm được
cảm tình của thế giới. Năm 1999, Samuel P. Huntington gán cho Mỹ
danh hiệu "siêu cường quốc đơn độc", bị thù ghét ở
nhiều nơi trên địa cầu vì hành vi "có tính xâm phạm, can
thiệp, lợi dụng, đơn phương, bá quyền, đạo đức giả".
Ngoại trưởng Pháp lên án "siêu cường quốc cực
đoan"(hyperpower) và công khai mong ước một thế giới "đa
cực" trong đó Mỹ không còn thống lĩnh nữa. Một nhà ngoại
giao Anh nói với Huntington: "Chỉ ở Mỹ người ta mới thấy
thế giới mong muốn vai trò lãnh đạo của Mỹ. Ở tất cả
những nơi khác người ta thấy Mỹ ngạo mạn và hành động
đơn phương."

ĐIỀU ĐÓ HẲN NHIÊN là vô lý. Trái với nhận định của nhà
ngoại giao Anh, nhiều nước khác quả thực đã mong Mỹ đóng
vai trò lãnh đạo, mong được Mỹ bảo vệ và ủng hộ, trong
thập niên 1990 và trong suốt thời Chiến tranh Lạnh. Vấn đề
không phải là Mỹ luôn luôn thiếu ảnh hưởng toàn cầu. Kể
từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Mỹ quả thực là cường
quốc thống lĩnh trên thế giới. Mỹ gây ảnh hưởng lớn lao,
lớn hơn bất cứ cường quốc nào kể từ thời La Mã, và Mỹ
đã đạt nhiều thành tựu. Nhưng Mỹ không phải là toàn năng
– còn lâu mới được vậy. Nếu muốn đánh giá chính xác
liệu Mỹ hiện có đang suy tàn hay không, ta cần có một chuẩn
mực hợp lý để dựa vào đó mà đo lường. So sánh ảnh
hưởng của Mỹ ngày nay với vị thế thống lĩnh vượt trội
trong một quá khứ hoang đường chỉ có thể khiến ta lầm lạc
mà thôi.

Ngày nay Mỹ thiếu khả năng đạt được ý muốn của mình về
nhiều vấn đề, nhưng điều này cũng không ngăn cản Mỹ đạt
nhiều thành công, cũng như chịu nhiều thất bại, như trong quá
khứ. Tuy còn gây tranh cãi, Mỹ đã thành công ở Iraq hơn ở
Việt Nam trước đây. Mỹ xưa nay không thể kiềm chế những
tham vọng hạt nhân của Iran, hiện nay cũng như trong thập niên
1990, nhưng bằng nỗ lực của hai đời tổng thống, Mỹ đã
thiết lập một mạng lưới chống phổ biến hạt nhân toàn
cầu hữu hiệu hơn. Những nỗ lực của Mỹ nhằm loại trừ
và tiêu diệt Al Qaeda đã thành công đáng kể, đặc biệt nếu
so với những thất bại trong việc tiêu diệt những mạng
lưới khủng bố và ngăn chặn những vụ tấn công khủng bố
trong thập niên 1990 – những thất bại với đỉnh điểm là
các vụ khủng bố 11/9. Khả năng sử dụng máy bay không người
lái là một bước tiến về các loại vũ khí – tên lửa tầm
thấp điều khiển từ xa và các vụ oanh tạc – đã được
dùng để tấn công bọn khủng bố và các cơ sở của chúng
trong những thập niên trước. Trong khi các liên minh của Mỹ ở
Châu Âu vẫn còn vững vàng, chắc chắn không phải lỗi của
Mỹ khi bản thân Châu Âu dường như yếu hơn trước đây. Các
liên minh của Mỹ ở Châu Á có thể nói lớn mạnh hơn trong
vài năm qua, và Mỹ củng cố được quan hệ với Ấn Độ vốn
trước đây có căng thẳng.

Vậy là có thành có bại, nhưng xưa nay vẫn có thành có bại
như vậy. Mỹ có lúc có ảnh hưởng nhiều hơn hiện nay, có
lúc có ít ảnh hưởng hơn. Việc gây ảnh hưởng luôn là một
cuộc đấu tranh; điều đó có thể giải thích tại sao trong
từng thập niên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới
Thứ hai, người Mỹ lại lo lắng về ảnh hưởng giảm sút
của họ và bồn chồn theo dõi khi những cường quốc khác
dường như đang vươn lên làm ảnh hưởng tới vị thế của
Mỹ. Việc định hình môi trường quốc tế ở bất kỳ thời
kỳ nào cũng vô cùng gian truân. Hiếm có cường quốc nào thậm
chí cố gắng làm điều đó, và ngay cả quốc gia hùng mạnh
nhất ít khi đạt được tất cả hay thậm chí phần lớn
những mục tiêu của họ. Chính sách đối ngoại giống như
đánh bóng chày: nếu ta đánh 10 lần mà trật 7 lần, thì cũng
đủ để tên tuổi ta được đưa vào Nhà Lưu Danh.

<center><strong>III.</strong></center>

Những thách thức hiện nay rất lớn, và sự vươn lên của
Trung Quốc là thách thức hiển nhiên nhất. Nhưng chúng cũng
không lớn hơn những thách thức mà Mỹ gặp phải trong Chiến
tranh Lạnh. Chỉ khi hồi tưởng lại mới thấy Chiến tranh
Lạnh có vẻ dễ dàng. Người Mỹ vào cuối Chiến Tranh Thế
giới Thứ hai đối mặt với một cuộc khủng hoảng chiến
lược quan trọng. Liên Xô, nếu chỉ xét về quy mô và địa
thế của họ, dường như đe dọa những trung tâm chiến lược
ở Châu Âu, Trung Đông, và Đông Á. Ở tất cả những vùng
này, Liên Xô đối đầu với những quốc gia điêu tàn và kiệt
quệ vì chiến tranh. Để giải quyết thách thức này, Mỹ đã
phải vận dụng sức mạnh của chính mình, tuy lớn nhưng cũng
hạn chế, vào mỗi vùng đó. Mỹ đã phải thành lập các liên
minh với những quyền lực địa phương, một số trong đó là
kẻ thù cũ, và hỗ trợ về kinh tế, chính trị, và quân sự
để giúp họ đứng vững trên đôi chân của mình và chống
lại sức ép của Liên Xô. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô gây
ảnh hưởng và tạo áp lực đối với những lợi ích của Mỹ
chỉ bằng cách ngồi yên, trong khi Mỹ phải tất tả ngược
xuôi. Nên nhớ rằng chiến lược "ngăn chặn" (containment)
này tuy hiện nay được đề cao nhờ thành công rõ rệt của nó
nhưng vào thời đó bị một số nhà quan sát có ảnh hưởng
chê là hoàn toàn không có tác dụng. Walter Lippmann chỉ trích
chiến lược đó là "sai lầm", dựa trên "hy vọng",
nhường "thế chủ động chiến lược" cho Liên Xô trong khi
Mỹ dốc hết nguồn lực của mình để cố gắng thiết lập
"những nhà nước chư hầu, những chính phủ bù nhìn" yếu
kém, không hữu hiệu, và không đáng tin cậy.

Hiện nay, trong trường hợp Trung Quốc, tình thế đã đảo
ngược. Mặc dù Trung Quốc hiện đang và sẽ giàu hơn nhiều,
và sẽ gây ảnh hưởng kinh tế trên thế giới lớn hơn ảnh
hưởng mà Liên Xô từng có. Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã
đẩy Trung Quốc vào một vị thế tương đối yếu mà từ đó
Trung Quốc đã và đang cố gắng hết sức để hồi phục.
Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc là những quốc gia
mạnh có quan hệ gần gũi với Mỹ. Trung Quốc sẽ khó trở
thành một nước bá quyền trong khu vực chừng nào Đài Loan
vẫn còn độc lập và có quan hệ chiến lược với Mỹ, và
chừng nào những cường quốc trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc
và Úc tiếp tục có quân Mỹ đồn trú và còn căn cứ quân sự
của Mỹ. Trung Quốc sẽ cần ít nhất vài đồng minh mới mong
có cơ hội đẩy Mỹ ra khỏi thành trì của Mỹ ở tây Thái
Bình Dương, nhưng ngay bây giờ chính Mỹ mới là nước có
những đồng minh đó. Chính Mỹ hiện có quân triển khai ở
những căn cứ tiền đồn. Chính Mỹ hiện chiếm thế thống
lĩnh hải quân ở những vùng biển và đường thủy mà hoạt
động thương mại của Trung Quốc phải đi qua. Nhìn tổng thể,
với tư cách là một đại cường quốc đang vươn lên, nhiệm
vụ của Trung Quốc (đẩy Mỹ ra khỏi vị thế hiện tại), khó
khăn hơn nhiều so với nhiệm vụ của Mỹ (chỉ cần duy trì
vị thế mình đang có).

Liệu Mỹ có thể làm vậy hay không? Với tâm trạng bi quan
hiện nay, một số người Mỹ nghi ngờ khả năng đó. Thực
vậy, họ ngờ vực liệu Mỹ có đủ khả năng tiếp tục đóng
vai trò thống lĩnh ở bất cứ nơi nào trên thế giới như đã
từng trong quá khứ. Có người lập luận rằng tuy có thể đã
không đúng hồi năm 1987, lời cảnh báo của Paul Kennedy về
"tầm ảnh hưởng đế quốc dàn trải quá rộng" (imperial
overstretch) mô tả chính xác hiện trạng bất ổn của Mỹ.
Cuộc khủng hoảng tài khóa, hệ thống chính trị bế tắc,
những vấn nạn khác nhau của xã hội Mỹ (trong đó có tình
trạng mức lương dậm chân tại chỗ, bất bình đẳng thu
nhập), những nhược điểm của hệ thống giáo dục, cơ sở
hạ tầng xuống cấp – tất cả những vấn đề này hiện nay
được xem là những nguyên nhân tại sao Mỹ cần cắt giảm
hoạt động quốc tế, rút lui bớt từ một số cam kết ở
nước ngoài, tập trung vào việc "xây dựng đất nước ở
quốc nội", chứ đừng cố gắng tiếp tục định hình thế
giới như đã từng trong quá khứ.

MỘT LẦN NỮA, những giả định phổ biến này gần được
cân nhắc ít nhiều. Trước hết, Mỹ đã "dàn trải quá
rộng" đến đâu? Câu trả lời là, xét về mặt lịch sử,
không hề quá rộng như thoạt tưởng. Thử xét đến vấn đề
dễ hiểu là số quân mà Mỹ triển khai ở nước ngoài. Theo
dõi cuộc tranh luận hiện nay, ta có thể tưởng rằng số quân
Mỹ tham gia các hoạt động ở nước ngoài nhiều hơn bao giờ
hết. Nhưng còn lâu mới đúng như vậy. Năm 1953, Mỹ có gần
một triệu quân triển khai ở nước ngoài – 325.000 tham chiến
ở Triều Tiên và 600.000 đồn trú ở Châu Âu, Châu Á, và
những vùng khác. Năm 1968, Mỹ có hơn một triệu quân ở nước
ngoài – 537.000 ở Việt Nam và thêm một nửa triệu quân đóng
ở những nơi khác. Trái lại, vào mùa hè 2011, vào lúc cao trào
của số quân triển khai trong hai cuộc chiến của Mỹ, có
khoảng 200.000 quân tham chiến ở Iraq và Afghanistan tính chung, và
khoảng 160.000 quân đóng ở Châu Âu và Đông Á. Tính chung, và
bao gồm những lực lượng khác đóng trên khắp thế giới, có
khoảng 500.000 triển khai ở nước ngoài. Con số này thậm chí
còn thấp hơn những đợt triển khai thời bình trong Chiến tranh
Lạnh. Ví dụ, năm 1957, có hơn 750.000 quân đóng ở nước
ngoài. Thời gian mười năm từ khi đế chế Xô viết sụp đổ
cho đến lúc xảy ra những vụ khủng bố 11/9 là giai đoạn duy
nhất mà con số những lực lượng triển khai ở nước ngoài
thấp hơn hiện nay. Phép so sánh này càng tương phản hơn nếu
ta xét đến mức gia tăng dân số của Mỹ. Khi Mỹ có một
triệu quân triển khai ở nước ngoài vào năm 1953, tổng dân
số của Mỹ chỉ là 160 triệu. Hiện nay, khi có nửa triệu
quân triển khai ở nước ngoài, dân số Mỹ là 313 triệu. Đất
nước có số dân đông gấp đôi, với số quân triển chỉ
bằng một nửa so với 50 năm trước.

Vậy còn phí tổn tài chính thì sao? Nhiều người hình như tin
rằng chi phí của những đợt triển khai này, và của các lực
lượng vũ trang nói chung, là một yếu tố chính góp phần làm
tăng vọt những khoản thâm hụt ngân sách đe dọa đến khả
năng trả nợ của nền kinh tế quốc dân. Nhưng điều này cũng
không đúng. Theo nhận định của nguyên giám đốc cơ quan ngân
sách Mỹ Alice Rivlin, những dự báo đáng sợ về thâm hụt trong
tương lai không phải là do "chi tiêu quốc phòng gia tăng",
huống gì là do chi tiêu cho viện trợ nước ngoài. Những khoản
thâm hụt bất kham dự báo cho những năm sắp đến chủ yếu
là kết quả của chi tiêu phân bổ bắt buộc theo luật định
(entitlement spending) ngày càng nhiều. Ngay cả những khoản cắt
giảm mạnh tay nhất về ngân sách quốc phòng cũng chỉ tiết
kiệm được từ 50 tỉ đến 100 tỉ đô-la mỗi năm, một tỉ
lệ nhỏ – từ 4 đến 8 phần trăm – trong con số 1,5 ngàn tỉ
đô-la thâm hụt hàng năm mà Mỹ đang đương đầu.

Năm 2002, khi Paul Kennedy sửng sốt về việc Mỹ vẫn còn khả
năng duy trì vị thế "siêu cường quốc độc nhất của thế
giới với giá rẻ", Mỹ chi tiêu khoảng 3,4 phần trăm GDP cho
quốc phòng. Hiện nay, mức chi tiêu đó thấp hơn 4 phần trăm
một chút, và trong những năm sắp đến, con số đó có thể
lại giảm xuống – vẫn còn "rẻ" theo các chuẩn mực trong
lịch sử. Chi phí cho việc duy trì sức mạnh thống lĩnh thế
giới không đến nỗi đắt quá.

Ngoài ra, nếu ta thật sự nghiêm túc về chuyện hạch toán này,
chi phí của việc duy trì vị thế đó không thể đo lường
được nếu không xét đến chi phí của việc đánh mất vị
thế đó. Tất nhiên, trong những chi phí của việc giảm vai trò
của Mỹ trên thế giới, có những chi phí không thể định
lượng được. Nếu người Mỹ được sống trong một thế
giới với chủ yếu là các nước dân chủ, thay vì các chế
độ chuyên quyền, thì điều đó có giá trị ra sao đối với
người Mỹ? Nhưng một số trong những chi phí khả dĩ này có
thể đo lường được, nếu như có người muốn thử. Nếu sự
suy tàn của sức mạnh quân sự Mỹ dẫn đến sự tan rã trật
tự kinh tế quốc tế mà sức mạnh Mỹ từ trước đến nay
đã giúp duy trì; nếu những con đường mậu dịch và đường
thủy không còn an toàn như trước, vì Hải quân Mỹ không còn
khả năng bảo vệ chúng; nếu những cuộc chiến tranh khu vực
bùng nổ giữa các đại cường quốc vì họ không còn bị siêu
cường Mỹ chế ngự; nếu những đồng minh của Mỹ bị tấn
công vì Mỹ tỏ ra không còn khả năng ứng cứu bảo vệ cho
họ; nếu bản chất nhìn chung tự do và cởi mở của hệ
thống quốc tế trở nên bớt tự do và cởi mở – nếu tất
cả những điều này xảy ra, thì sẽ có những chi phí có thể
đo lường được. Và cũng chẳng phải viển vông nếu hình dung
rằng những chi phí này sẽ lớn hơn nhiều so với những khoản
tiết kiệm thu được nhờ cắt giảm 100 tỉ đô-la mỗi năm
trong ngân sách quốc phòng và ngân sách viện trợ nước ngoài.
Ta có thể tiết kiệm bằng cách mua xe cũ không có bảo hành và
không có một số đặc tính an toàn, nhưng chuyện gì xảy ra
nếu ta bị tai nạn? Sức mạnh quân sự Mỹ giảm rủi ro xảy
ra các tai nạn bằng cách ngăn cản xung đột, và giảm chi phí
của các tai nạn thực sự xảy ra bằng cách giảm xác suất
thua trận. Những khoản tiết kiệm này cũng cần được đưa
vào phép tính. Chỉ riêng về khía cạnh tài chính, việc duy trì
hoạt động quốc tế của Mỹ ở mức độ hiện tại có thể
rẻ hơn nhiêu so với việc giảm bớt hoạt động đó.

CÓ LẼ MỐI QUAN NGẠI lớn nhất đằng sau tâm lý lo sợ suy tàn
hiện diện trên khắp đất nước hiện nay không hẳn là liệu
Mỹ có đủ khả năng đảm nhận vai trò của mình trên thế
giới hay không. Mà là liệu người Mỹ có giải quyết được
vấn đề nào trong những khó khăn kinh tế và xã hội cấp bách
nhất của họ. Như nhiều chính khách và bình luận viên đã
hỏi, liệu người Mỹ có thể làm điều cần phải làm để
cạnh tranh hiệu quả trên thế giới trong thế kỷ 21 hay không?

Câu trả lời trung thực là: ai mà biết được? Tuy nhiên, nếu
lấy lịch sử Mỹ làm chỉ dẫn, chí ít cũng có lý do để hy
vọng. Người Mỹ trước kia từng có cảm giác bất an này, và
nhiều thế hệ trước đây cũng đã có cảm tưởng đánh mất
sức sống mãnh liệt và mất hiệu lực: như hồi năm 1788,
Patrick Henry[11] than vãn về chuyện đất nước sa sút từ vinh
quang trong quá khứ, "khi tinh thần Mỹ đang ở thời thanh
xuân". Trong hai thế kỷ qua đã có nhiều lần hệ thống chính
trị trở nên vô dụng, bế tắc đến tuyệt vọng, và dường
như không thể tìm ra các giải pháp những vấn nạn trầm
trọng của quốc gia – từ nạn nô lệ và rồi thời kỳ Tái
thiết sau Nội chiến, đến những xáo trộn về công nghiệp
hóa vào cuối thế kỷ 19 và cuộc khủng hoảng phúc lợi xã
hội trong cuộc Đại Khủng hoảng, đến những hỗn loạn và
tâm lý hoang tưởng trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh.
Bất cứ ai trung thực nhớ lại thập niên 1970, với vụ
Watergate, cuộc chiến Việt Nam, kinh tế vừa đình trệ vừa
lạm phát cao, và khủng hoảng năng lượng, không thể thực sự
tin rằng những khó khăn hiện nay của chúng ta là không có gì
sánh bằng.

Thành công trong quá khứ không bảo đảm thành công trong tương
lai. Nhưng dường như bằng chứng lịch sử cho thấy rõ một
điều: hệ thống Mỹ tuy có những đặc tính thường khiến nó
vô dụng nhưng cũng đã chứng tỏ có khả năng thích ứng và
hồi phục từ những khó khăn tốt hơn nhiều nước khác, trong
đó có những đối thủ địa chính trị. Điều này hẳn nhiên
có liên quan đến quyền tự do tương đối của xã hội Mỹ
tưởng thưởng cho những người đổi mới sáng tạo, thường
bên ngoài cơ cấu quyền lực hiện có, vì có công tạo ra
những cách làm mới; và liên quan đến hệ thống chính trị
tương đối cởi mở của Mỹ cho phép các phong trào có động
lực tiến triển và tác động đến hành vi của giới chóp bu
quyền lực chính trị. Hệ thống Mỹ chậm chạp và vụng về
một phần bởi vì những vị Quốc phụ (Founding Fathers) thiết
kế hệ thống theo cách đó, với một cơ cấu liên bang, tam
quyền phân lập, và một Hiến Pháp và Tuyên Ngôn Dân Quyền
thành văn – nhưng hệ thống đó cũng có năng lực đặc biệt
để thực hiện những thay đổi ngay khi nồi nước sôi có vẻ
như sắp sửa bật tung nắp. Thỉnh thoảng có "những cuộc
bầu cử tới hạn"[12] tạo điều kiện diễn ra những chuyển
biến [hệ trọng], mang lại những giải pháp chính trị mới cho
những vấn đề cũ và dường như không thể giải quyết
được. Dĩ nhiên không có gì bảo đảm cả: hệ thống chính
trị đã không giải quyết được vấn đề nô lệ mà không có
chiến tranh. Nhưng về nhiều vấn đề lớn trong suốt tiến
trình lịch sử của mình, người Mỹ đã tìm ra cách đạt
được và thực hiện một giải pháp đồng thuận quốc gia.

Khi Paul Kennedy trầm trồ thán phục thành công liên tục của
siêu cường Mỹ hồi năm 2002, ông nhận xét rằng một trong
những nguyên nhân chủ yếu là người Mỹ có khả năng vượt
qua hoàn cảnh mà hồi năm 1987 ông cứ tưởng là một cuộc
khủng hoảng kinh tế dài hạn không giải quyết được. Giới
doanh nhân và giới chính khách Mỹ "đã phản ứng mạnh mẽ
trước cuộc tranh luận về "suy tàn" bằng cách ra tay hành
động: cắt giảm chi phí, tinh giản các công ty cho gọn nhẹ và
hiệu quả hơn, đầu tư vào những công nghệ mới hơn, thúc
đẩy cách mạng thông tin liên lạc, giảm thâm hụt chính phủ,
tất thảy những việc đó đã giúp tạo nên những bước tiến
đáng kể hàng năm về năng suất". Có thể hình dung rằng
người Mỹ cũng có thể đương đầu được với thách thức
kinh tế mới đây nhất. Cũng hợp lý nếu nghĩ rằng giống như
trong quá khứ, những quốc gia khác sẽ gặp phải những khó
khăn của chính họ. Trong số những quốc gia hiện đang tận
hưởng các phép lạ kinh tế, không có nước nào không có vấn
đề. Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nga đều có những lịch
sử đầy gian truân cho thấy con đường trước mắt sẽ không
phải là đường thăng hoa đơn giản và suôn sẻ. Có một câu
hỏi thực sự: liệu mô hình chuyên quyền của Trung Quốc, vốn
có thể rất hữu hiệu trong việc đưa ra một số quyết định
chiến lược về nền kinh tế trong ngắn hạn, về dài hạn có
thể đủ linh hoạt để thích ứng với một môi trường kinh
tế, chính trị, và chiến lược quốc tế đang biến đổi hay
không?

Tóm lại: không phải chỉ nhờ có may mắn mà trong quá khứ Mỹ
đã vượt qua những cuộc khủng hoảng và trỗi dậy mạnh mẽ
hơn và vững vàng hơn những nước khác trong khi nhiều đối
thủ của Mỹ đã suy sụp. Và có thể chỉ bằng khấn nguyện
thôi thì chưa đủ để tin rằng Mỹ lại có thể làm được
như vậy.

NHƯNG CÓ một nguy cơ. Đó là trong lúc này, trong khi đất nước
tiếp tục chật vật, người Mỹ có thể tự nhủ rằng suy tàn
quả thực là điều tất yếu, hoặc tin rằng Mỹ có thể tạm
rút lui khỏi những trách nhiệm toàn cầu trong khi xử lý những
vấn đề nội địa. Đối với nhiều người Mỹ, chấp nhận
suy tàn có thể là một lối thoát đáng hoan nghênh để trốn
khỏi những gánh nặng đạo đức và vật chất đã đè lên vai
họ kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Nhiều người trong
tiềm thức có thể mong ước trở lại với tình hình hồi năm
1900, khi Mỹ giàu có, hùng mạnh, nhưng không phải chịu trách
nhiệm cho trật tự thế giới.

Giả định đằng sau một hướng đi như vậy là trật tự thế
giới hiện tại dù sao sẽ vẫn tồn tại mà không cần sức
mạnh Mỹ, hay ít ra là cần ít sức mạnh Mỹ hơn; hoặc những
nước khác có thể điền khuyết vào những việc chưa có ai
đảm nhận; hoặc đơn giản là những lợi ích của trật tự
thế giới luôn hiện diện và chẳng cần hành động đặc
biệt của bất cứ ai. Đáng tiếc là trật tự thế giới hiện
tại – với những quyền tự do phổ biến rộng rãi, tình hình
nhìn chung thịnh vượng, và không có xung đột giữa các đại
cường quốc – vừa mỏng manh vừa độc nhất vô nhị. Gìn
giữ trật tự đó xưa nay là một cuộc đấu tranh trong mỗi
thập niên, và sẽ vẫn là một cuộc đấu tranh trong những
thập niên sắp đến. Việc gìn giữ trật tự thế giới hiện
tại đòi hỏi vai trò lãnh đạo thường xuyên của Mỹ và cam
kết thường xuyên của Mỹ.

Suy cho cùng, quyết định nằm trong tay người Mỹ, Sự suy tàn,
như Charles Krauthammer nhận xét, là một lựa chọn. Suy tàn không
phải là một định mệnh không thể tránh khỏi – ít nhất là
chưa phải vậy. Các đế chế và đại cường quốc hưng thịnh
rồi suy vong, và câu hỏi duy nhất là khi nào. Nhưng câu hỏi
"khi nào" quả thực rất quan trọng. Liệu Mỹ sẽ bắt đầu
suy tàn trong hai thập niên sắp đến hay không sẽ có ý nghĩa
rất hệ trọng trong hai thế kỷ đến, với cả người Mỹ
lẫn bản chất của thế giới họ đang sống.

<em>Robert Kagan là nghiên cứu viên cao cấp về chính sách đối
ngoại ở Brookings Institution, và bình luận viên cho báo The
Washington Post. Một phiên bản của tiểu luận này sẽ in trong
cuốn sách mới của ông, The World America Made (Thế giới mà
nước Mỹ tạo ra), sẽ được nhà Knopf xuất bản vào tháng
này. Việc ấn hành tiểu luận này được sự hỗ trợ của
Quỹ Phân tích Chính sách Hertog/Simon. Bài báo này đăng trong số
ngày 2 tháng 2 năm 2012 của tạp chí The New Republic.</em>

<strong>Bản tiếng Anh:</strong> <a
href="http://viet-studies.info/kinhte/NotFadeAway_Kagan_TNR.htm">Not Fade
Away</a>, The New Republic, 2/2/2012. Toàn văn lấy từ trang của GS
Trần Hữu Dũng.

<strong>Bản tiếng Việt:</strong> Phạm Vũ Lửa Hạ, <a
href="http://phamvuluaha.wordpress.com/">Blog lên đông xuống đoài</a>.

_____________________________

[1] Dean Acheson (1893–1971): Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, trong
chính quyền tổng thống Harry Truman (1949-1953). (N.D.)

[2] National Security Council Report 68 (NSC-68): Báo cáo của Hội
đồng An ninh Quốc gia số 68, soạn ngày 14/4/1950 dưới thời
tổng thống Harry Truman, giúp định hình chính sách đối ngoại
của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. (N.D.)

[3] Douglas MacArthur (1880 –1964): tướng Mỹ, từng giữ chức
Tổng Tham mưu Lục Quân Mỹ trong thập niên 1930. (N.D.)

[4] Báo cáo "Ngăn chặn & Tồn tại trong Thời đại Hạt
nhân" (Deterrence & Survival in the Nuclear Age), do Ủy ban Tư vấn
Khoa học của Tổng thống đệ trình lên Tổng thống Eisenhower
vào ngày 7/11/1957, cảnh báo về khiếm khuyết của quốc phòng
Mỹ và khuyến nghị tăng cường đáng kể năng lực tấn công
và phòng thủ chiến lược của Mỹ. Văn bản này được gọi
là Báo cáo Gaither, theo tên của chủ tịch Ủy ban Horace Rowan
Gaither.

[5] Kim Môn (Quemoy, Kinmen, 金門) và Mã Tổ (Matsu, 馬祖) nằm
trong cụm quần đảo ở Eo biển Đài Loan, bị Đài Loan và Trung
Quốc tranh chấp. (N.D.)

[6] John Foster Dulles (1888 –1959): Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ,
trong chính quyền tổng thống Dwight D. Eisenhower (1953-1959). (N.D.)

[7] Joseph S. Nye Jr. (1937-): Nhà chính trị học, Giáo sư Đại
học Harvard, người tiên phong về lý thuyết sức mạnh mềm
(soft power); ông từng giữ nhiều chức vụ trong và Hội đồng
Tình báo Quốc gia, và các bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ,
trong đó có chức Thứ trưởng Quốc phòng dưới thời tổng
thống Clinton. (N.D.)

[8] Joseph McCarthy (1908-1957): Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa,
đại diện cho tiểu bang Wisconsin từ năm 1947 đến 1957. Ông
được biết nhiều do từ năm 1950 dẫn đầu hoạt động truy
lùng, bắt bớ và thẩm vấn những người bị tình nghi là có
cảm tình với Cộng sản và/hoặc làm gián điệp cho Cộng
sản. Vì những hành động này, ông bị Thượng viện Mỹ bỏ
phiếu kỷ luật với hình thức khiển trách vào ngày 2/12/1954.
(N.D.)

[9] Diễn ra ở khu Watts của thành phố Los Angeles, từ ngày 11/8
đến 15/8/1965, là cuộc bạo động nghiêm trọng nhất trong
lịch sử thành phố cho đến khi xảy ra cuộc bạo động năm
1992. (N.D.)

[10] Diễn ra ngày 4/5/1970 tại Đại học Kent State, thành phố
Kent, tiểu bang Ohio, với 4 người chết và 9 người bị thương.
(N.D.)

[11] Patrick Henry (1736-1799): chính khách lãnh đạo phong trào độc
lập ở Virginia trong những năm 1770, là một trong những vị
Quốc phụ (Founding Fathers) của Mỹ, và sau này là thống đốc
đầu tiên và thứ sáu của tiểu bang Virginia. (N.D.)

[12] "Những cuộc bầu cử tới hạn" (critical elections) là
thuật ngữ chỉ tiến trình chuyển biến chính trị ở Mỹ
thông qua nhiều cuộc bầu cử (thường trong thời gian dài) trong
đó những nhóm cử tri chuyển lá phiếu ủng hộ từ đảng này
sang đảng khác, và những chuyển biến đó không đảo ngược
được. Thuật ngữ này được nhà chính trị học người Mỹ
Vladimir Orlando Key Jr. (1908-1963) đặt vào năm 1955 để mô tả
những kỳ bầu cử tổng thống Mỹ từ 1928 đến 1932, trong đó
nhiều nhóm xã hội (đặc biệt là sắc dân thiểu số ở thành
thị và người da đen) chuyển từ ủng hộ Đảng Cộng hòa sang
ủng hộ Đảng Dân chủ. (N.D.)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11108), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét