Đỗ Trường - Kẻ giết người

Bốn thằng chúng tôi được liệt vào nhóm học sinh cá biệt
trong lớp, nghịch ngợm, chểnh mảng việc học hành. Ấy vậy
chẳng hiểu thế quái nào, ba thằng bạn tôi thi đại học
đều đủ điểm du học nước ngoài. Ngày đấy những năm
cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, nhà thằng nào
cũng nghèo đói, bố mẹ đều thất học, tin được du học có
khác gì trúng xổ số độc đặc. Riêng tôi trượt thẳng cẳng
"chó chạy cùng sào" chuyển sang học sư phạm. Hôm tiễn ở
sân bay, chúng nó còn trêu tôi như vậy.
Học xong, tôi vào làm việc ở ty giáo dục Gialai-KonTum. Được
mấy tháng, can tội cãi lộn với trưởng phòng tổ chức cán
bộ, tôi bị kỷ luật chuyển về phòng giáo dục Sa Thầy. Dù
rất yêu - phố núi cao, phố núi đầy sương… và em Pleiku má
đỏ môi hồng - của thi sĩ Vũ Hữu Định, nhưng tôi đành từ
giã Pleiku trở về Hà Nội. Lang thang đúng một năm, tôi ngứa
ngáy nên thi vào trường ngoại ngữ. Học được mấy tháng,
tôi lại thấy chán nên bỏ. Thế rồi cái nghề xóc chảo ở
Đức, nó lại vận vào tôi, quần quật từ sáng đến đêm úp
mặt vào chảo, chợt có lúc giật mình thấy tóc trên đầu đã
nửa trắng, nửa đen. Có đêm trở mình, trằn trọc không ngủ,
nhớ về mấy thằng bạn học cũ làm cho bà vợ nhiều lúc sinh
nghi.

Ba thằng bạn này, nếu đứng trên quan điểm của đảng ta mà
nói, là mất lập trường tư tưởng, hạnh kiểm yếu kém. Học
xong chẳng thằng nào chịu về nước, mỗi thằng còn ẵm thêm
một em mắt xanh mũi lõ, trông đến ngứa cả mắt. Năm ngoái
tôi có nhờ nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ở Nga tìm được một
thằng, hắn đang sống và làm việc ở quê vợ, cách Moskva cả
ngàn cây số. Nhưng thường phải đi công tác dài ngày xa nhà,
không rõ cuộc sống tình cảm vợ chồng hắn ra sao?. Chứ cái
thằng ở Ba Lan, tôi nhờ chị Việt Hồng (ĐCV) truy tìm, chẳng
biết hắn bỏ vợ, hay vợ hắn bỏ, năm ngoái thấy sách vali
đến ở ké anh chị em người Việt bán hàng ngoài chợ rồi.

Còn thằng cựu sinh viên trường đại học kỹ thuật
Praha, tôi thường xuyên sang thăm, vợ chồng dáng vẻ trí thức,
con cái ngoan ngoãn trưởng thành cả, thấy đầm ấm hạnh phúc
lắm. Đánh đùng một phát, tháng trước nó gọi điện bảo,
vợ chồng sống ly thân chờ ngày ra tòa ly dị. Thật chẳng
hiểu ra sao nữa cả. Thằng này quái thai và may mắn hơn thằng
ở Ba Lan, nó ki kóp riêng được khỏan tiền, và mua được căn
nhà đang trả góp. Vợ nó làm giấy tờ không quan tâm đến
ngôi nhà đó vì là con một, chỉ còn mẹ già ốm yếu có nhà
riêng, nên chuyển về ở với mẹ tiện bề chăm sóc. Nó chỉ
lo cầy, vài năm nữa trả xong nợ. Nghe tin, cuối tuần tôi sang
thăm, nhìn nó rầu rĩ, vỗ vai rủ vào chợ người Việt mua
đồ về nhậu giải sầu.

Chiều thứ bẩy khu giao hàng xe cộ ra vào rầm rập. Vòng vèo
một lúc, tôi mới tìm được chỗ để xe. Tôi và ông bạn đi
được mấy bước, nghe tiếng rầm phía sau. Ngoảnh lại thấy
chiếc xe tay đẩy hàng đâm thẳng vào đít xe của tôi, những
bọc quần áo lăn lông lốc dưới đất. Người đẩy xe cuống
quýt kéo vội xe ra giữa lối đi, nhìn chúng tôi miệng lắp
bắp không thành tiếng. Tôi vùng vằng, định to tiếng nhưng
đã kịp dừng lại vì nhìn khuôn mặt người đẩy xe quen quen
như đã gặp ở đâu đó. Vết sẹo dài như con đỉa nằm vắt
ngang má, làm đuôi mắt bên phải như bị kéo sệ xuống, khửu
tay trái cong cong có khấc hình đốt mía, nhìn như bị thương
hay thọt. Tôi nhắm mắt cố hình dung người kéo xe là ai?

Có lẽ đã nhặt và xếp xong những bao quần áo lên xe, người
kéo xe quay lại phía chúng tôi, thanh minh, nằng nặng giọng xứ
Thanh:

- Xin các bác, tay em bị thương… tật….

Đúng, đúng rồi! tôi chợt nhận ra hắn, vẫn câu nói ấy cách
nay đã ba mươi năm…

Sau khi bỏ việc, từ Pleiku tôi đi xe đò xuống Qui Nhơn, rồi
mua vé tầu thống nhất về Hà Nội với giá chợ đen. Gần
sáng tới ga Thanh Hóa tầu dừng, trả và đón khách. Lúc tầu
chuẩn bị chuyển bánh, thấy người đàn ông cõng một bà cụ
trèo lên, trải mảnh vải bạt cạnh cửa nhà vệ sinh, đặt bà
cụ xuống. Dưới ánh đèn vàng vọt của con tầu, nhìn mặt bà
cụ xanh mướt, hai mắt nhắm nghiền, cổ và vai nhiều lúc co
rút lại, hình như bà đang nén những cơn đau. Hàng hóa nhét
lên chật cứng lối đi, người qua lại có khi đạp chân vào
mặt người đang ngồi dưới sàn. Người đàn ông ngồi xoay
lưng ra phía lối đi, khòng lưng xuống che cho bà cụ. Trong
tiếng rên rỉ của bà đòi về nhà để chết, tôi biết họ
là hai mẹ con đưa nhau ra Hà Nội chữa bệnh. Tầu rời sân ga,
các cửa sổ được đóng lại vì sợ nạn ăn cắp và ném đá.
Người ta xếp hàng dài chờ vào nhà vệ sinh. Mỗi lần cửa
nhà vệ sinh mở, mùi thối xộc ra như đập vào mặt, và hắn
lại phải bế mẹ lên để lấy lối ra vào. Thấy vậy, tôi
đứng dậy bảo hắn:

- Anh đưa cụ ngồi vào chỗ của tôi, chứ thế này cụ chịu
sao nổi!

Nhưng hắn từ chối:

- Bác cứ ngồi đi, chúng em không có vé.

Nhìn bà cụ ai cũng cảm thấy ái ngại, mọi người nói vào,
hắn mới chịu đưa mẹ ngồi vào ghế.

Trời sáng rõ, các cửa sổ đã được kéo lên, gió ùa vào
làm không khí đỡ ngột ngạt đi phần nào. Lúc này tôi nhìn
rõ mặt hắn bị một vết sẹo dài đến mang tai, làm khuôn
mặt hơi méo nên khó đoán tuổi. Tay hắn hình như cũng bị
thương tật. Người ta bắt đầu soát vé, ai không có vé đều
phải mua bổ xung và nộp tiền phạt. Những người đi thường
xuyên, chỉ việc dúi tiền vào tay người kiểm soát không cần
lấy vé. Khi người kiểm vé hỏi, hắn nói như van xin:

- Em xin các bác, em thương binh nặng, bố và anh trai đều là
liệt sỹ chống Pháp và Mỹ, mẹ em già, bệnh nặng phải đưa
ra Hà Nội chữa trị, không có tiền... Các bác giúp mẹ con em
với.

Rồi hắn kéo tuốt tuồn tuột, thẻ thương binh, giấy chứng
nhận cha, anh liệt sỹ, và giấy giới thiệu của bệnh viện
tỉnh ở bọc vải giắt trong bụng ra. Nhưng người soát vé
không thèm xem, mặt lạnh tanh, giọng xách mé:

- Thương binh, liệt sỹ cũng phải có vé, nếu không đến ga
Nghĩa Trang chúng tôi buộc các người phải xuống.

Mọi người xúm vào nói, nhưng người soát vé ngúng nguẩy bỏ
đi. Tưởng rằng đã yên, nhưng khi tầu dừng ga Nghĩa Trang,
người soát vé quay lại thật, dứt khoát bắt mẹ con hắn
phải xuống. Lúc này người lên kẻ xuống, nhộn nhạo không ai
còn để ý đến mẹ con hắn nữa. Tôi bảo người soát vé:

- Anh ta là thương binh, hình như được giảm nửa vé, tôi chỉ
còn ít tiền trả cho anh ta, còn bà cụ ốm nặng có chồng con
là liệt sỹ, anh thông cảm cho.

- Không được! Thương binh chỉ được giảm khi mua ở quầy,
vợ con liệt sỹ cũng phải mua vé.

Không để tôi nói tiếp, anh ta đẩy mẹ con hắn xuống sân.
Tầu lại hú còi chuẩn bị rời sân ga. Đứng ở cửa toa,
lòng tôi se se buồn, nhìn hắn đang cõng mẹ lệu dệu đi về
phía cuối con tầu.

Mới sáng sớm mà ánh nắng đã chiếu rát mặt. Tầu đã lướt
nhanh qua những ngôi nhà tường đất, lợp rạ, mái bị tốc
như vừa trải qua một trận bão. Tôi không hiểu nhiều về xứ
Thanh, cũng không hiểu cái danh từ Nghĩa Trang còn có nghĩa gì
khác và tai sao nơi đây có tên này? Nhưng với tôi lúc này cái
tên Nghĩa Trang nghe chết chóc đến rợn cả người.

Về lại chỗ, chưa kịp ngồi xuống đã nhìn thấy hắn đang
lò dò từ toa cuối về chỗ tôi. Chưa kịp đặt mẹ xuống,
hắn đã bảo: Có chết em phải đưa mẹ em tới Hà Nội chữa
bệnh bác ạ. Tôi giúp hắn đỡ bà cụ ngồi vào ghế. Gần
đến Bỉm Sơn, người soát vé quay lại, nhưng lần này hắn
gặp may. Có mấy người thương binh trẻ từ chiến trường
Camphuchia về Bắc an dưỡng đi qua, biết hắn cũng là thương
binh nặng, mắng dọa sẽ xử lý nguội người soát vé. Sau đó
họ đưa mẹ con hắn về toa thương binh.
Về đến Hà Nội tôi không gặp lại hắn. Nhưng tháng sau tôi
có người bạn, học nội trú trong bệnh viện kể, bác sỹ
Tịnh mổ chính của khoa ngoại bị một thương binh người Thanh
Hóa đâm trọng thương, vì mổ nhầm dẫn đến cái chết của
mẹ anh ta. Không hiểu sao lúc đó tôi nghĩ ngay đến hắn.
Người thương binh có cái tên Phạm Hữu Trội cứ ám ảnh tôi
mãi, dù chỉ quen hắn trên một chuyến tầu….

Thấy tôi đuột mặt nhìn người đẩy xe, ông bạn hỏi: Quen
hả?

Tôi gật đầu:

- Anh có phải là Phạm Hữu Trội?

Người đẩy xe ngơ ngác nhìn tôi:

- Bác là... Em tên Phạm Hữu Trội.

- Tôi đi chuyến tầu từ Thanh Hóa cùng với anh đưa bà cụ ra
Hà Nội chữa bệnh năm 1981. Anh còn nhớ không?

Ký ức dường như vỡ òa, hắn chạy lại nắm chặt tay tôi:

- Bác Trường! Bây giờ thì nhớ ra rồi, trông to cao phốp pháp
thế này, bác mà không nhắc, bố nhà em nhận cũng chẳng ra.
Bác đang ở Tiệp hay ở đâu mà đi xe biển số của Đức thế
này?

Rồi hắn cứ áy náy việc làm trầy đít xe của tôi. Định
kéo nhau vào quán nào đó ngồi, hắn bảo đang phải bốc hàng
cho người ta. Hắn hỏi tôi đang ở đâu, tối đến. Cầm cái
địa chỉ do ông bạn tôi ghi, hắn còn ngoái cổ dặn đừng
nấu nướng, hắn sẽ mua đồ ăn đặc biệt mang về nhậu
chơi.

Trong bữa nhậu, rượu wodka thấy hắn cứ tì tì nhát một. Tôi
đề nghị nên ăn đệm một chút đã, nhưng hắn bảo quen rồi,
từ ngày sang Tây mới biết uống vì công việc ngoài trời
lạnh lắm. Hắn hỏi tôi có tin, đã sống hàng chục năm ở
Tiệp, nhưng hắn chỉ biết đường từ nhà tới chợ và quanh
quẩn đi lại khu vực nơi ở. Tôi tin lời hắn, vì ngoài cuốn
hộ chiếu Việt Nam hết hạn đã nhiều năm, hắn chẳng có
một thứ giấy tờ nào khác. Hắn sụt sùi kể, ra tù mới
biết đứa con gái đầu lòng ở nhà ngã xuống ao chết đuối,
sau mấy tháng hắn vào tù. Nhìn vợ héo như tầu lá hắn lại
càng ân hận. Lúc đầu hắn định bán nhà đưa vợ vào Tây
Nguyên, nhưng bên nhà vợ gàn, nên thôi. Hắn chỉ để vợ làm
đồng tính công điểm với hợp tác xã, còn hắn quyết tâm
làm kinh tế vườn, chăn nuôi lợn gà, ao cá. Năm sau vợ hắn
đẻ một phát cho hắn hai thằng con trai. Lúc này lợn gà đã
đầy chuồng, cá cũng đầy ao, hắn cho vợ nghỉ đẻ cả năm
ở nhà trông con.

Cậy cục đấm bóp mãi hắn cũng xin lại được tiền trợ
cấp thương binh, nên cuộc sống vợ chồng hắn cũng đỡ vất
vả. Hắn còn bảo, nếu như không phải vào tù, mẹ hắn có
lẽ được truy phong bà mẹ anh hùng ấy chứ. Năm hai thằng con
lên trung học chi phí nhiều, hắn bàn với vợ bán hết đất
ruộng vì rục rịch qui hoạch khu công nghiệp đất đang được
giá. Có tiền hắn tìm đường sang Tiệp làm thuê cho mấy đứa
em họ của vợ. Hắn bảo, đường đi mấy tháng sang đến
Tiệp còn gian khổ nguy hiểm hơn những ngày vượt rừng hành
quân đánh Mỹ. Hơn chục năm nay hắn tần tảo cóp nhặt gửi
tiền về cho vợ, nuôi hai thằng con đã tốt nghiệp đại học,
còn xây được ngôi nhà khang trang ra phết. Hôm rồi thằng con
làm bác sỹ ở bệnh viện tỉnh gọi điện giục hắn về, nó
bảo ở nhà không cần tiền của bố nữa. Hắn lẩm bẩm
chửi, nó làm bác sỹ có nhiều tiền chắc từ phong bì, lót tay
của những bệnh nhân nghèo khổ, làm như vậy là thất đức.
Hắn còn dọa, về thấy đúng như vậy, hắn sẽ từ mặt nó.
Khật khà khật khừ hắn rỉ tai tôi, có lẽ tết này em tìm
đường về thật bác ạ. Con vợ kém em năm, sáu niên, chạc
tuổi hai bác đây, hôm rồi nó gửi ảnh sang đẫy đà nhìn cứ
phây phây, nghe nói xắp tới nó còn thuê con ở, thằng ở nữa
đấy. Thế có bỏ mẹ em không cơ chứ! Bác bảo có phải nó
hồi xuân rửng mỡ, lại thì hay không?

Tôi hỏi, muốn biết về cái chết của mẹ hắn, dẫn đến
hắn phải vào tù ra sao. Hắn bảo, không muốn nhắc lại vết
đau đó nữa, nhưng với bác không sao cả, nếu như muốn viết
lách, xin bác đổi cho em cái tên làng, tên xã.

... Nắng đã lên đến đỉnh đầu, nóng, nước dưới ruộng
như muốn bốc hơi, hắn đang bốc những gồi rạ cuối cùng,
để lên bờ cho ráo nước. Vợ hắn hớt hải chạy ra bảo,
về xem đưa bà(tức mẹ hắn) đi viện, bà không đi tiểu
được, đau buốt lắm. Về đến nhà thấy mẹ nằm co quắp
trên chõng tre, mặt nhợt nhạt, hắn vội chuẩn bị võng cáng
và giục vợ ra trạm xá xin giấy giới thiệu lên bệnh viện
huyện. Tầm trưa, trạm xá không có một bóng người. Vợ hắn
sục sạo một lúc thấy người y tá kê ghế nằm ngủ ở
đầu hồi. Bị đánh thức, dụi dụi con mắt chị y tá bảo,
trạm trưởng mang cả con dấu đi họp, mai kia mới về, cần
ngay sang ủy ban xã họ viết cũng được.

Đã đầu giờ chiều nhưng uỷ ban xã vẫn còn khóa cửa, tần
ngần vợ hắn đang định quay về, chợt thấy vợ chủ nhiệm
Hải tay cầm chai rượu đi ngang. Vợ hắn gọi lại hỏi, vợ
Hải bảo, các bố đang nốc rượu ở nhà tôi say bí tỉ rồi.
Theo chân vợ Hải vào nhà, thấy đầy đủ các ban bệ, mặt
ông nào cũng phừng phừng, vợ hắn chưa kịp lên tiếng, chủ
tịch Phán đã lè nhè:

- Vợ Hải bảo đi mua thêm rượu không thấy, còn dẫn con nào
về đây!

- Mua rồi! Vợ Trội qua xin ông giấy giới thiệu, đưa bà cụ
lên bệnh viện huyện cấp cứu đấy.

- Ốm đau gì? Đang mùa màng, chờ hết vụ gặt hãy ốm, hãy
đi cấp cứu.
Vợ Hải bực mình, giật mạnh xà cột đựng con dấu treo trên
tường, cái móc làm bằng đinh thuyền cũ rơi cắm phập vào
đĩa lòng lợn.

- Giấy tờ và con dấu đây! Ông viết nhanh lên bà cụ đang
quằn quại ở nhà kia kìa.

Chủ tịch Phán hất tay:

- Cần gì mai ra ủy ban làm việc, không biết ông đang bận
đánh chén sao?

Có lẽ sợ vợ phá ngang bữa nhậu, nên chủ nhiệm Hải vội
chặn lời, mở xà cột viết giấy giới thiệu ép chủ tịch
Phán ký.

Đường từ nhà lên huyện gần chục cây số, vợ chồng hắn
ì ạch gần hết giờ chiều mới cáng mẹ tới nơi. Sau khi nghe
hắn trình bày bệnh tật, người bác sỹ khám qua quýt, phán
luôn, bà cụ bị thận và sỏi thận nặng, chắc chắn phải
mổ, bệnh viện tuyến huyện không đủ trang thiết bị, chuyển
cụ lên bệnh viện tỉnh. Hắn dặn vợ về nhà bằng mọi cách
bán con lợn trong chuồng, hắn cõng mẹ, đón xe lên tỉnh, khi
nào có tin nhắn về, hãy gửi tiền lên.

Vật vờ cả đêm ở hành lang bệnh viện, sáng hắn xếp vào
hàng đầu tiên, lúc sau mọi người đến đông đẩy đi đẩy
lại, chẳng hiểu thế nào hắn bị đẩy xuống thứ mười
mấy. Rồi cũng đến lượt, bác sỹ khám cho mẹ hắn xong, nhìn
hắn từ đầu đến chân, bảo, bà cụ bị thận nặng dứt
khoát phải mổ... nhưng chúng tôi hiện đang thiếu chỉ khâu,
nên phải chờ, tốt nhất đưa cụ lên tuyến trên. Nhìn thấy
mẹ nhăn nhó, hắn gặng hỏi, phải chờ bao lâu, người bác
sỹ nhún vai. Hắn lại năn nỉ người bác sỹ gắt, đã nói
chúng tôi chưa có chỉ, chả lẽ mổ xong, không khâu lại. Chị
người nhà bệnh nhân bên cạnh kéo hắn ra ngoài bảo, bác sỹ
ra giá thế mà ông không hiểu gì hả? Hắn lắc đầu. Tức là
ông có chỉ vàng, có tiền không? Ở đây ai cũng phải có phong
bì khi vào khám đấy.

Giời đất ạ! Từ lúc sinh ra hắn chỉ biết cắm mặt xuống
đất chổng mông lên trời, lớn lên hành quân mãi vào Nam đánh
cho Mỹ cút, Ngụy phải nhào thương tích đầy mình đã bao giờ
hắn được nhìn thấy vàng đâu. Cực chẳng đã, hắn lại
cõng mẹ ra ga chờ tầu, để tìm đến trung ương.

Mấy ngày đầu chưa được nhập viện ở Hà Nội, hàng ngày
hắn gửi mẹ cho mấy người cùng cảnh nằm ngoài hành lang, ra
bến xe may có gặp người làng nhắn về cho vợ, và xem có ai
thuê làm việc vặt lấy tiền ăn cho mẹ. Tuần sau hắn la cà
quán nước quanh bệnh viện, biết hắn thật thà, lại có thẻ
thương binh nên hàng ngày các bà phe sai hắn đi cùng mua gạo,
tem phiếu thực phẩm. Hắn được trả công ngày hai bữa ăn.

Thì thụp mãi, vợ hắn cũng tìm được người mua con lợn trong
chuồng. Nhưng chẳng hiểu kẻ thối mồm, thối miệng nào
biết, báo với thuế vụ, dân quân xã, rình đúng lúc chuẩn
bị chọc tiết xông vào bắt. Người mua sợ quá, chuồn mất.
Buộc vợ hắn hôm sau phải mang lợn ra xe, bán cho ty thương
nghiệp với giá chỉ bằng hai phần ba.

Nhận được tiền vợ gửi, hắn mang trả mấy bà hàng nước
vì mượn mua thuốc cho mẹ, còn lại hắn cho vào trong bọc
giấu trong bụng. Tối hôm đó người y tá bảo, đã có lịch
tuần tới mổ cho mẹ hắn, sáng mai được nhận giường. Thật
ra nhận giường, nhận phòng với mẹ con hắn chẳng quan trọng,
nằm dưới đất ngoài hành lang còn sướng hơn nằm giường
bệnh ghép hai người, trong góc tối, hôi nóng, đầy ruồi
muỗi. Hắn mừng vì mẹ hắn sẽ được mổ, sắp hết bệnh,
hết đau đớn. Đôi khi sướng cỡn lên, miệng hắn còn lẩm
bẩm, thế mới bõ công, gian khổ ra đến tận ngoài trung ương
chứ.

Mẹ hắn được nằm giở đầu quay đít trên một chiếc
giường sắt, tróc sơn nham nhở cùng với một bà bị bệnh dạ
dày sẽ được mổ cùng ngày với mẹ hắn, người Hòa Bình.
Bà này còn khổ hơn mẹ hắn, vì chẳng có người thân bên
cạnh, chăm sóc. Thấy tội, trong bữa ăn nhiều khi hắn cũng san
sẻ chút ít cho bà. Phòng riêng bác sỹ Tịnh lúc nào hắn cũng
thấy người nhà bệnh nhân ra vào, có khi còn phải chờ ngoài
cửa. Sáng sáng ông thường đi thăm bệnh, ông khám, cười nói
với mọi người khá vui vẻ. Nhưng với mẹ hắn và bà cùng
giường, hình như ông lạnh lùng khoảng cách hơn. Nhìn ông
đạo mạo nhiều lúc hắn cũng hơi hoảng. Có lúc nghĩ đến
lời chị người nhà bệnh nhân ở bệnh viện tỉnh - ở đây
ai cũng phải có phong bì khi vào khám đấy- hắn tin điều đó
chỉ đúng với bệnh viện dưới quê, dưới tỉnh thôi. Nhìn
bác sỹ Tịnh, cao đạo, cử chỉ như tiên ông trong truyện cổ
tích thế kia, thèm gì phong bì bẩn thửu của những thằng khố
rách áo ôm, thấp hèn như hắn.

Buổi sáng, mẹ hắn và bà bệnh dạ dầy được
hai xe đẩy đưa vào phòng mổ. Ở ngoài, người hắn rựt rựt
như lửa đốt. Đứng trực ngoài cửa chán, hắn chạy ra chỗ
mấy bà hàng nước quen ngồi. Theo lời phán của mấy bà này,
bệnh thận của bà cụ là nhỏ như cóc ghẻ, yên tâm ngồi
chờ đi. Nhưng hắn vẫn lo, thỉnh thoảng chạy vào, gặp ai
cũng hỏi. Đến gần trưa hắn thấy thấp thoáng bác sỹ Tịnh
người mổ cho mẹ hắn đi vào phòng. Hắn chạy đến nhưng
không dám gõ cửa. Cùng lúc có mấy bác sỹ vào phòng bác sỹ
Tịnh, thấy họ thì thầm bàn luận, sau đó họ đi ra. Hắn
níu tay bác sỹ Tịnh hỏi, ông chỉ bảo mẹ hắn yếu quá đang
ở phòng hồi sức. Hắn loạng choạng đi ra hàng nước. Có bà
rỉ tai hắn, vừa nghe được tin sáng nay có hai ca mổ nhầm,
hiện hai bà đang ở phòng hồi sức cấp cứu, không biết có
phải bà cụ nhà cậu hay không. Thực hư chưa biết, nhưng tinh
thần hắn đã sụp đổ. Hắn đi tìm bác sỹ Tịnh nhưng không
thấy, về buồng bệnh gặp người bác sỹ trẻ, mấy cô y tá
hỏi, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu và những
ánh mắt nhìn hắn ái ngại.

Tối hôm đó, hắn được bà hàng nước thông báo chắc chắn,
nạn nhân là mẹ hắn. Sai lầm, lẫn lộn từ việc y tá đưa
bệnh nhân vào phòng mổ, nghiêm trọng hơn nữa là các bác sỹ
mổ không kiểm tra lại bệnh nhân, dẫn đến tình trạng bệnh
nhân dạ dầy bị mổ thận, bệnh nhân mổ thận đè ra mổ dạ
dầy. Lúc các bố biết nhầm đã quá muộn, sức khỏe hai cụ
quá yếu, nên phải chuyển sang phòng chăm sóc đặc biêt. Cậu
phải chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất. Nói xong
một thôi một hồi, bà nước còn chép miệng ca cẩm, mạng
người chứ phải gà chó đâu, sao họ làm ăn ẩu tả đến
thế là cùng.

Cả đêm đó hắn ngồi bó gối chân cầu thang. Hai mắt hắn
đỏ ngầu, vết sẹo cắt trên mặt ngọ ngoạy hình như đang
tấy lên. Hắn cứ ngồi như vậy, gần trưa có người đến
bảo, lãnh đạo viện đang tìm. Người đàn ông xưng là lãnh
đạo khoa, ra đón hắn ngoài cửa. Sau cái bắt tay ông ta hỏi
thăm gia quyến, rồi chia sẻ cũng như thông báo tin buồn cùng
hắn, mẹ hắn đã qua đời, vì sức khỏe quá yếu sau khi mổ,
dù đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa. Hắn chẳng còn
nghe được gì nữa, mặc dù người trưởng khoa vẫn đang
nói... Chỉ đến lúc người nhân viên kéo hắn vào phòng nhận
xác, nhìn thấy mẹ nằm bất động cứng ngắc hắn mới bật
khóc. Tiếng khóc giữa ban trưa của hắn tru lên từ khu nhà xác
(sau này nghe mấy bà hàng nước kể lại) nghe như tiếng thú
hoang trúng đạn.

Buổi chiều hôm ấy, cuộc họp giữa lãnh đạo viện và kíp
mổ của bác sỹ Tịnh đang đến hồi gay cấn, người ta thấy
hắn đạp cửa xông vào, tay cầm dao đâm thẳng vào bác sỹ
Tịnh. Hắn rút dao, máu phụt vào mặt, vào người. Mọi người
dạt vào góc phòng, hắn vọt ra cửa, lao ra cổng viện, cắm
đầu chạy. Chẳng hiểu sao nhìn thấy đồn công an, hắn dừng
lại, đi vào phòng trực ban. Người cảnh sát mặt phừng phừng
không biết bị cháy nắng hay vừa nhậu đâu đó về, hất hàm
hỏi, cần gì. Hắn đặt con dao lên bàn nói, tôi vừa giết
người. Người cảnh sát giật mình ngả người ra phía sau,
rút còng số tám, miệng lập bập... Mày... mày là... là kẻ
giết... giết người.

Đỗ Trường
Đức Quốc - ngày 30-12-2011


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11115), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét