Nguyễn Sỹ Phương - Ai trị được tham nhũng và lạm dụng chức quyền?

<div class="special_quote">Trong một thể chế dân chủ, Tổng
thống, Thủ Tướng, không phải Vua đồng nhất với nhà nước,
quốc gia, có quyền trấn áp mọi chỉ trích từ dư luận, mọi
phản kháng từ các quan điểm khác biệt, mà phải chấp nhận,
thích nghi với nó, bởi họ cũng là nhân dân, "đất nước
không của riêng ai"! Chân lý đơn giản vậy, nhưng nước Đức
đã phải trả giá bằng cả một trang lịch sử đen tối của
dân tộc họ, khi bầu đảng NSDAP, do Hitler đứng đầu, lên
cầm quyền, cuồng tín theo đuổi lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa
Dân tộc (Nationalsozialismus), cầm tù những người cộng sản,
cấm mọi đảng phái khác, truy đuổi tiêu diệt người nước
ngoài, giết mọi người Đức thiểu năng, tàn tật; gây chiến
tranh thế giới, nhằm đưa dân tộc Đức lên thượng
đẳng.</div>

Ai lo lắng cho tiền đồ của đất nước không thể không trăn
trở với thời cuộc, khi chỉ một quan chức cấp tỉnh như Phó
giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, lương tất tận chỉ dăm ba
triệu đồng, nhưng đánh bạc mỗi ván cờ tới 5 tỷ đồng,
nhiều gấp trên nghìn lần tiền lương. Số tiền tới nghìn
lần đó lấy đâu ra, nếu không phải từ tham nhũng?

Còn nếu vay mượn thì chắc chắn phải liên quan tới chức vụ
Phó Giám đốc bảo đảm. Dù lý giải từ nguồn gì đi nữa
thì khoản tiền đen trên tựu trung lại đều do chức vụ mà
có, nghĩa là tham nhũng và lợi dụng chức quyền. Nghịch lý
còn ở chỗ, vụ đánh bạc kéo dài nhiều năm, cơ ngơi tài
sản lừng lững giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng mãi tới lúc
nợ đến 22 tỷ bị đe doạ tính mạng, phải khai báo, nhà
chức trách mới biết hoặc buộc phải biết; đã thế công
luận, chính trường và nhà chức trách hầu như không lên
tiếng báo động cho cả xã hội, ngoài 1 vài tin tức trên báo
chí.

Ở đây không còn là vấn đề của một cá nhân vốn một khi
vi phạm pháp luật đã có cơ quan tư pháp xử lý, mà liên quan
đến toàn xã hội: Liệu cả nước còn bao nhiêu trường hợp
như thế, hay hơn thế, và tương lai có lặp lại? Chỉ khi công
luận, chính trường, nhà chức trách lên tiếng, để trả lời
được những câu hỏi từ thực tế đó, thì mới có thể nói
tới khả năng chống tham nhũng lạm dụng chức quyền và cũng
chỉ khi đó mới có thể kỳ vọng về một bộ máy nhà nước
trong sạch!

Cùng thời gian trên, ở Đức, Tổng thống Wulff, rơi vào 1 vụ
bê bối kém xa mức độ, tính chất, nhưng có thể khảo sát
làm đối chứng, để thấy hết vai trò của công luận, chính
trường và nhà chức trách, cùng cơ sở pháp lý cho nó vận
hành, đóng vai trò quyết định chống tham nhũng lợi dụng
chức quyền như thế nào.

Wulff, 53 tuổi, trở thành Tổng thống thứ 10 CHLB Đức ngày
30.6.2010, trước đó giữ chức Thủ hiến Tiểu bang Niedersachsen
từ 2003 tới 2010, đồng thời Chủ tịch đảng CDU Tiểu bang
từ 1994 đến 2008.

Vụ bê bối khởi đầu cách đây hơn 3 năm, trước tiên liên
quan đến tín dụng. Ngày 25.10.2008, khi đang giữ ghế Thủ
hiến, để mua nhà riêng, Wulff vay tín dụng vợ 1 doanh nhân,
bạn của ông, Egon Geerkens, hơn 500.000 Euro, với lãi suất ưu
đãi 4% so với mức bình quân 5%, không cần thế chấp như thông
lệ. Gần 2 năm sau, ngày 18.2.2010, bị chất vấn miệng trước
Quốc hội Tiểu bang, liệu trong 10 năm qua có mối quan hệ làm
ăn gì giữa 2 người không?

Wulff trả lời dứt khoát: không. Đây là một câu hỏi được
phép, chiểu theo Luật công chức Đức, trong khi mọi câu trả
lời khẳng hay phủ định trước Quốc hội đều được coi là
tuyên thệ; nếu thực tế sau này trớ trêu chứng tỏ ngược
lại, quốc hội có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm, dù người
trả lời chức vụ cao tới đâu, tài năng đức độ tới mấy,
bởi ở họ tài năng đức độ không thiếu. Một tháng sau đó,
ngày 21.3.2010, Wulff vay tín dụng nhà băng BW ở mức ưu đãi hơn
nữa chỉ 0,9-2,1%, hoàn trả lại tín dụng cá nhân.

Tưởng mọi việc đi vào quên lãng, bất ngờ gần 2 năm sau,
thực tế trớ trêu đến với Wulff, khi ngày 13 tháng trước,
báo Bild cho công bố vụ Wulff vay tín dụng của vợ doanh nhân
Egon Geerkens lẫn nhà băng BW hoàn toàn không đúng như Wulff phủ
định, nghĩa là Wulff tuyên thệ sai, đồng nghĩa lừa dối Quốc
hội. Trước hết, Egon Geerkens có mặt cùng vợ trong mọi cuộc
đàm phán cho vay tín dụng cá nhân ngay từ khởi đầu. Tiếp
đó, báo chí còn phát hiện được, số tiền trên tuy của vợ
nhưng nguồn gốc lại từ người chồng, doanh nhân Egon Geerkens.
Ngoài ra, từ 2008 đến 2009, Egon Geerkens 3 lần nằm trong phái
đoàn kinh tế du ngoại do Wulff đứng đầu. Liệu giữa du ngoại
và vay tín dụng ưu đãi có mối liên hệ gì không, chính là
bản chất của vụ bê bối, gây tranh cãi có hay không Wulff vụ
lợi chức quyền?

Tiếp theo, tháng 4.2009, Wulff với tư cách Thủ hiến nằm trong
hội đồng quản trị tập đoàn ô tô VW có cổ phần Tiểu bang
20%, đã thoả thuận tiếp nhận hãng ô tô Porsche, để cứu
hãng này bên bờ vực phá sản, nhờ đó ngân hàng BW chủ nợ
lớn của Posche tránh được mất vốn. Tới tháng 12, Wulff thông
qua trung gian, cũng lại doanh nhân Egon Geerkens, ký vay được tín
dụng ưu đãi của BW. Một bằng chứng nữa, ngờ vực có mối
quan hệ làm ăn giữa Wulff và Egon Geerkens, đồng thời đưa
đến câu hỏi tiếp theo: Liệu mức ưu đãi tín dụng có liên
quan gì đến vai trò Wulff giải cứu Posche mang lại lợi ích cho
ngân hàng BW?

Chưa hết, ngày 19.12.2011, báo Bild đăng tin tiếp, doanh nhân
Carten Maschmeyer, bạn của Wulff, đã chi tiền phóng sự quảng
cáo 42.000 Euro cho cuốn sách của Wulff xuất bản mang tên "Sự
thật tốt hơn" đúng dịp Wulff tranh cử cấp Tiểu bang năm 2007,
gây nên ngờ vực, liệu Wulff có vi phạm Luật Đảng phái?

Cái sảy nảy cái ung, 2 ngày trước khi đăng vụ bê bối, ngày
11.12.2011, lúc Wulff đang công du vùng vịnh, báo Bild gửi E-Mail
cho Phát ngôn viên Tổng thống, trong đó đề nghị trả lời 6
điểm liên quan tới vụ bê bối tín dụng của Tổng thống.
Phát ngôn viên trả lời nhưng đã rút lại trước khi chưa kịp
in. Ngày hôm sau, Tổng thống gọi điện cho Tổng biên tập,
định thương lượng dời ngày công bố, trớ trêu lại đúng
lúc Tổng biên tập vắng mặt. Wulff liền để lại tin nhắn
với ngôn từ đe doạ sẽ "chiến đấu", và răn tác giả bài
viết sẽ phải lãnh hậu hoạ pháp lý, bị báo Bild đưa ra công
luận. Tổng thống từ bê bối tín dụng nhân thêm bê bối
truyền thông.

* <strong>Nước Đức sôi sục:</strong> Nước Đức bị chấn
động kép, Wulff cùng lúc vướng nhiều bê bối, làm công luận
sôi sục, bởi ở họ, không phải đảng phái, cơ quan công
quyền, hay chính khách, quan chức, mà người dân đóng vai trò
quyết định cuối cùng đối với nền chính trị đất nước,
họ phải lên tiếng, được coi là công luận. Đến lượt
đảng phái, cơ quan công quyền, chính khách, quan chức, trước
mọi bê bối của bộ máy nhà nước, bức xúc của người dân,
muốn được chủ nhân người dân tín nhiệm, cũng buộc phải
lên tiếng, phải bạch hoá giải trình nếu liên quan.

Chỉ sau vụ bê bối tín dụng công bố 3 ngày, ngày 16.12.2011,
Egon Geerkens ra tuyên bố thừa nhận vai trò tham gia và môi giới
của mình, và giải thích hoàn toàn với tư cách bạn bè.

Liên đới tới ngân hàng BW, ngày 27.12.2011, Chủ tịch Hội
đồng quản trị, cũng là Chủ tịch thành phố Stuttgart cho
biết, Hội đồng quản trị không được báo cáo về tín
dụng cấp cho Wulff, và tuyên bố, Ban giám đốc sẽ giải trình
trước Hội đồng Quản trị, dự kiến vào ngày 30.4.2012 tới.

Hãng xe VW còn trầm trọng hơn, ngày 6.1.2012, các cổ đông gồm
70 ngân hàng, bảo hiểm và qũy đầu tư đòi Wulff phải đàm
phán ngoại toà (nghĩa là nếu không được sẽ viện đến toà
phán xét) bồi thường cho họ thiệt hại 1,8 tỷ Euro trong vụ
sáp nhập hãng xe Porsche vào VW, với lý do không cho cổ đông
biết kịp thời kế hoạch sát nhập, và làm ngơ khi Posche báo
cáo lừa dối thị phần cao của mình. Hậu qủa khi sát nhập,
vụ lừa dối bị vỡ lở dẫn đến sụt giảm cổ phiếu VW,
tổng cộng thiệt hại lên tới 1,8 tỷ Euro.

Với vụ bê bối viết phóng sự quảng cáo cho Wulff, ông Hugo
Müller-Vogg tác giả bài viết phát biểu: Nếu biết trước bê
bối như vậy thì ông đã không làm vì điều đó có thể vi
phạm luật tài chính đảng phái.

Viện Kiểm sát Tiểu bang cũng buộc phải vào cuộc kiểm tra
tính pháp lý 4 đơn kiện Wulff gửi tới tố cáo Tổng thống
lúc còn giữ chức Thủ hiến đã lạm dụng chức vụ vay tín
dụng ưu đãi, đi máy bay giá rẻ, tuyên bố trước Quốc hội
Tiểu bang sai với thực tế có quan hệ làm ăn với Egon Geerkens.

Wulff trở thành tâm điểm truyền thông từng ngày, báo
Süddeutsche zeitung cho rằng Wulff là 1 Tổng thống giữ cương vị
với một khả năng yếu. Theo Hiến pháp, Tổng thống có quyền
ân xá. Wulff là Tổng thống đầu tiên tự ân xá cho mình. Báo
Stern.de: Từ lâu rồi, Wulff không còn vì chức năng Tổng thống,
mà chỉ vì sự nghiệp chính trị của ông ta, và chỉ mỗi ông
ta. Báo Münchner Merkur: Wulff không muốn thừa nhận tình hình
thực tế, tự cứu mình bằng xin lỗi. Báo Basische Neueste
Nachrichten: Vấn đề cơ bản nằm ở chỗ: Wulff trước hết
phải học cách làm tổng thống. Điều đó có nghĩa: Ở Phủ
Tổng thống đang có một học sinh học nghề tổng thống. Kết
cục, vụ bê bối làm dân chúng nhiều tầng lớp phẫn nộ,
thứ 7 trước, hàng trăm người biểu tình trước Phủ Tổng
thống Bellevue, giương cao biểu ngữ đòi Wulff phải từ chức.

Ở Đức hầu như bất kỳ vụ bê bối bức xúc chính khách nào
cũng như các sự kiện chính trị đều được các viện điều
tra xã hội học tổng hợp ý kiến từ dân chúng, kết quả
được coi là lòng dân. Theo viện Forsa, tới ngày 3.1.2012 với
1005 ý kiến được hỏi, Tổng thống nhận được 46% tin ở
ông và 46% ngược lại. Đến ngày 13.1.2012, theo ZDF, con số tin
ông chỉ còn 1/3 và số bất tín lên gần 2/3.

* <strong>Cơ sở pháp lý giải quyết bê bối.</strong> Ở Đức,
đã là người cầm quyền thì lòng tự trọng đặt hàng đầu;
từ chức chính nhằm bảo vệ nhân cách đó, nên họ luôn sẵn
sàng, trước khi quá muộn. Nhiệm kỳ trước, ngày 31.5.2010
Tổng thống Horst Köhler đã phải từ chức để bảo vệ nhân
cách của mình, khi bị chính trường chỉ trích kịch liệt,
bởi ông phát ngôn sai lúc trả lời phỏng vấn tại buổi gặp
mặt quân đội Đức đồn trú ở Afghanistan: "Trường hợp
khẩn cấp, can thiệp quân sự là cần thiết để bảo vệ lợi
ích của nước Đức như tự do thương mại chẳng hạn". Thôi
chức nhưng ông vẫn được dân chúng kính trọng vì đã sẵn
sàng từ chức trước sai phạm, bản lĩnh cần có của một
chính khách "không cố đấm ăn xôi".

Hay Bộ trưởng Quốc phòng Đức Zu Guttenberg, Tổng thư ký
đảng CSU Đức ở tuổi 36, Bộ trưởng Kinh tế, rồi Bộ
trưởng Quốc phòng ở tuổi 37, có uy tín bậc nhất chính
trường lúc đó, từ chức ngày 3.3.2011, chỉ vì bị cáo buộc
đạo văn từ hồi làm luận án Tiến sỹ. Sang đầu năm nay,
đảng CDU đang ráo riết vận động ông quay lại chính trường.
Khác với Köhler và Zu Guttenberg, vụ bê bối của Tổng thống
Wulff liên quan đến câu hỏi có hay không vụ lợi chức quyền,
ngăn cản báo chí, tranh cử không lành mạnh. Để trả lời
không thể không viện dẫn các văn bản pháp lý vốn là nền
tảng vận hành cho bất kỳ quốc gia pháp trị dân chủ nào,
thiếu nó khó có thể phát hiện và giải quyết mọi bê bối
trong quốc gia đó.

Ở Đức, thủ tướng, bộ trưởng không thể tự quyền với
người dân, như thượng thư, bộ lại trong chế độ quân chủ,
mà bị giới hạn bởi Luật Bộ trưởng Liên bang BminG, gồm 24
điều, trong đó có điều 5 yêu cầu phải trình báo khi có
người tặng qùa và do chính phủ quyết định. Các Tiểu bang
cũng vậy, Luật Bộ trưởng Tiểu bang Niedersachsen, cấm nhận
thưởng công, quà cáp liên quan tới chức vụ.

Bộ trưởng cả Liên bang lẫn Tiểu bang còn bị điểu chỉnh
bởi Bộ luật quan chức Đức, dài tới 147 điều, điều 71 quy
định: (1) Kể cả sau khi mãn nhiệm, không được phép hay ủy
quyền cho người khác nhận quà, hay lợi ích từ những người
có liên quan đến chức vụ của mình... (2) Ai vi phạm, trong
trường hợp chưa tới mức truy tố, phải thực hiện trách
nhiệm trình báo với cơ quan chức năng về toàn bộ sự việc.
Bê bối tín dụng của Wulff chính liên quan tới 3 luật trên.
Đảng Grüne Tiểu bang lên tiếng chỉ trích Wulff có thể vi
phạm luật Bộ trưởng.

Phát ngôn Chính phủ Tiểu bang, Enste, đòi cần phải kiểm tra
xem có thực Wulff đưa Geerkens 3 lần đi du ngoại để trả công
tín dụng ưu đãi cá nhân hay không? Còn chuyên gia Hiến pháp
ông Von Arnim thì lý giải đó là hành vi trả công, bởi 3 lần
du ngoạn, 1 lần sát lịch ký hợp đồng tín dụng, 2 lần trong
thời gian đang nợ.

Luật Đảng phái Đức PartG, tổng số 41 điều, về tài chính
được quy định chi tiết, để tránh sử dụng sức mạnh tiền
bạc tranh cử không lành mạnh. Từ Luật này, một Nghị sỹ
Liên bang của đảng Xanh phát biểu với báo giới, nếu Wulff
thực sự biết được khoản chi quảng cáo tranh cử, thì Wulff
đã vi phạm Luật đảng phái cấm dùng tiền đen để tranh cử
không lành mạnh, đồng thời ngờ vực, lẽ ra Wulff biết
được có quảng cáo miễn phí cho mình thì phải tìm hiểu xem
ai làm và với lý do gì, vì quảng cáo là tiền.

Wulff vướng vào bê bối truyền thông, chỉ vì bị dư luận cáo
buộc vi phạm quyền tự do báo chí, một quyền cơ bản của
công dân được quy định tại điều 5 Hiến pháp Đức: "Bất
cứ ai cũng có quyền tự do thể hiện ý kiến của mình bằng
lời nói chữ viết hình ảnh... Tự do báo chí và tự do đưa
tin qua truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, được bảo đảm.
Không có kiểm duyệt". Trong một nhà nước pháp quyền, đã là
quyền cơ bản hiến định thì được coi là bất khả xâm
phạm, miễn viện bất cứ luật nào trái với nó, được Toà
án Hiến pháp bảo vệ, phán xét. Giải thích tại sao Wulf phải
lập tức ra tuyên bố, thừa nhận sai lầm của mình với
truyền thông.

* <strong>Wulff xử sự trước các cáo buộc.</strong> Tổng thống
Đức được bầu bởi Hội nghị Liên bang bao gồm toàn bộ
nghị sỹ Quốc hội Liên bang cộng với cũng ngần ấy số
lượng được cử từ quốc hội 16 tiểu bang, được coi là
đại diện cho toàn dân tộc đất nước Đức, tức linh hồn,
biểu tượng của họ. Vì vậy, thông thường sau khi nhậm
chức, Tổng thống thường nghỉ tham gia đảng của họ trước
đó.

Trong một thể chế dân chủ, Tổng thống, Thủ Tướng, không
phải Vua đồng nhất với nhà nước, quốc gia, có quyền trấn
áp mọi chỉ trích từ dư luận, mọi phản kháng từ các quan
điểm khác biệt, mà phải chấp nhận, thích nghi với nó, bởi
họ cũng là nhân dân, "đất nước không của riêng ai"! Chân
lý đơn giản vậy, nhưng nước Đức đã phải trả giá bằng
cả một trang lịch sử đen tối của dân tộc họ, khi bầu
đảng NSDAP, do Hitler đứng đầu, lên cầm quyền, cuồng tín
theo đuổi lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa Dân tộc
(Nationalsozialismus), cầm tù những người cộng sản, cấm mọi
đảng phái khác, truy đuổi tiêu diệt người nước ngoài,
giết mọi người Đức thiểu năng, tàn tật; gây chiến tranh
thế giới, nhằm đưa dân tộc Đức lên thượng đẳng.

Wulff vướng bê bối lần này không phải duy nhất. Năm 2009, lúc
đương chức Thủ hiến, Wulff cùng vợ và 2 con gái đi nghỉ
phép Giáng sinh ở Florida, Mỹ, đăng ký hãng hàng không
Air-Berlin hạng vé bình thường, giá 2759 Euro. Trước khi bay,
trong một lần dự sinh nhật cùng với Giám đốc hãng Air Berlin
chỗ quen biết, vợ Wulff kể kế hoạch du lịch, liền được
giám đốc hãng Hunold đề nghị chuyển qua hạng thương gia
không cần trả tiền thêm, nếu còn chỗ trống, để bảo đảm
an ninh. Wulff cho rằng đó là chuyện thường tình cho bất cứ
ai, khi trống chỗ, nên đồng ý. Ngày 12.1, báo Spiegel gửi câu
hỏi phỏng vấn sự việc trên tới Văn phòng Thủ hiến. Biết
mình sai phạm, ngày 14.1.2010, Wulff lập tức chuyển trả chênh
lệch giữa 2 hạng vé 3056 Euro cho hãng Air Berlin.

Tại phiên họp Quốc hội, vẫn bị nghị sỹ đảng SPD chất
vấn, Wulff phải tuyên bố nhận khuyết điểm: "Lẽ ra tôi không
được phép hưởng lợi như vậy. Đó là 1 sai lầm nặng nề,
không được viện bất cứ lý do gì. Một chính trị gia phải
tránh mọi biểu hiện vụ lợi". Mặc dù vậy, Viện kiểm sát
vẫn phải vào cuộc, bởi nghị sỹ đảng SPD cho rằng, Bộ
trưởng vụ lợi dù đã hoàn trả và nhận khuyết điểm vẫn
có thể bị điều tra hình sự, dựa theo Luật Bộ trưởng.
Wulff cũng đồng tình, vì cho rằng, Viện kiểm sát độc lập
có thể dựa tin tức báo chí điều tra để quyết định xem
xử lý thế nào. Wulff được báo Spiegel lúc đó cảm phục coi
ông là một con người thực tế và biết điều.

Tới vụ bê bối lần này, chỉ sau khi báo Bild công bố 2 ngày,
ngày 15.12.2011, Wulff ra tuyên bố cá nhân nhận khuyết điểm
trong việc xử lý thông tin, liên quan đến tín nhiệm đối với
cá nhân mình, và lý giải: "Tôi nhận thấy rằng không phải
tất cả những gì mình làm hợp pháp đều đúng". Ông khẳng
định sẽ không để tình bạn cá nhân ảnh hưởng tới công
việc, lấy làm tiếc vì đã để bị đánh giá lệch lạc, hưá
công khai mọi khoản thu nhập.

Ngày 18.12.2011, Wulff tuyên bố tiếp tự chịu trách nhiệm với
mọi hành vi của mình, đồng thời cho biết đã có 6 lần nghỉ
phép tại các doanh nhân kết bạn, để khẳng định bản lĩnh
lãnh đạo dám làm dám chịu trách nhiệm do người dân phán
xét. Ngày 31.12.2011, báo Spiegel đăng toàn bộ vụ tập đoàn VW
tiếp nhận Posche, đặt ra các câu hỏi về vai trò của Wulff,
buộc Tổng thống phải lập tức giải trình. Ngày 2.1.2012, báo
chí cho công bố số các cuộc gọi của Wulff tới Tổng Biên
tập báo Bild, tới Tổng giám đốc tập đoàn xuất bản nổi
tiếng Springer và cả người nắm giữ đa số cổ phần tập
đoàn này, để ngăn chặn họ đưa tin bất lợi.

Tổng thống lập tức ra tuyên bố: "Đối với Tổng thống,
quyền tự do ngôn luận báo chí là quyền bất khả xâm phạm".
Tới ngày 4.1.2012, Tổng thống cho mở một cuộc trả lời
phỏng vấn của 2 đài truyền hình nhà nước ARD và ZDF, thừa
nhận cuộc gọi điện thoại cho báo Bild là một sai lầm rất
nặng nề, và giải thích không nhằm ngăn cản báo chí mà chỉ
muốn lùi ngày đăng sau khi ông ngoài nước trở về. Tới buổi
tối, Phó Tổng biên tập báo Bild trả lời đài phát thanh Đức
phản bác lại ý kiến của Tổng thống cho dù với động cơ
lùi ngày xuất bản, nhưng thực tế cuộc gọi thể hiện rõ
ràng muốn ngăn chặn đăng bài viết, và đặt Tổng thống vào
tình thế nan giải, khi ngày 6.1.2012, báo Bild chuyển tới cho
tổng thống bản sao lời nhắn của Tổng thống vào điện
thoại hôm 12.12.2011, đồng thời tuyên bố sẽ không công bố
nếu không có sự chấp thuận của Tổng thống. Wulff tiến
thoái lưỡng nan, đồng ý thì sự thật sẽ bị dân chúng phán
quyết theo góc nhìn từng người, mà từ chối thì chứng tỏ
khuất tất mất tín nhiệm.

Tổng thống cho biết, đã trả lời hơn 400 câu hỏi về vụ bê
bối được chuyển tới, và hứa sẽ thông báo chi tiết để ai
cũng nắm được sự việc. Đảng CDU trước đây của ông hy
vọng nhờ đó bê bối sẽ được sáng tỏ. Tuy nhiên ngay sau
đó Wulff lại từ chối, luật sư của ông giải thích, không
thể đưa lên Internet vì phải bảo mật quyền của người
hỏi, làm dư luận càng thêm sôi sục. Trước sức ép đó, tối
ngày 13.1.2012, Wulff phải cung cấp toàn bộ hơn 400 câu hỏi và
trả lời cho báo chí với tuyên bố họ được toàn quyền sử
dụng. Trước đó, hai đảng liên minh cầm quyền, Thủ tướng
Merkel, Chủ tịch đảng CDU và Phó Thủ tướng Rösler Chủ tịch
đảng FDP đã hội đàm tìm người kế nhiệm trong trường hợp
Wulff phải từ chức.

Mới đây nhất, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng dư luận sẽ
còn nhiều câu hỏi nữa đặt ra cho Wulff, và chờ đợi ông
công khai thoả đáng. Còn đảng đối lập SPD ra tuyên bố:
"Những gì mà Tống thống Đức đã hoàn thành trong lịch sử 60
năm qua, Wulff hiện không thể tiếp tục, và sẽ không thể
tiếp tục". Tiếp đó, đại diện giới kinh doanh Đức, ông
Jürgen Abraham đoàn chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức BDI,
lần đầu tiên ra tuyên bố: "Nước Đức cần một Tổng thống
mới".

Chính trường Đức đang thấp thỏm chờ đợi ! Còn ở ta, vụ
Phó Giám đốc Sở đánh bạc 5 tỷ đồng mỗi ván, công luận,
chính trường đã quên lãng ? Vậy, ai sẽ trị tham nhũng lạm
dụng chức quyền đây? Thế giới chưa bao giờ và ở đâu tự
nó chống được nó cả!

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11360), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét