Năm con Mèo quãng ba phần tư thế kỷ 20, tình hình Xóm Nam làng
A-na-mit (Anamité) rõ thật là nguy kịch. Duyên do: Sau khi đã tốn
khá nhiều nhân tài vật lực cho chiến cuộc và cũng cảm thấy
đã đạt được mục đích chính - chặn đứng sự lan tràn
của Hồng quân Mã đạo ở tổng Ây-zi-en (Asean), dân
Phờ-lâu-phờ-léc (Flower flag) quyết định sẽ rút hết ra khỏi
làng A-na-mit.
Điều họ vẫn còn hơi lăn tăn do dự là không lỡ nhẫn tâm
bỏ rơi đồng minh trong cơn nguy khốn. Lý trưởng làng
Phờ-lâu-phờ-léc trấn an lý trưởng Xóm Nam bằng một lá thư
cam kết nhất định sẽ tăng cường sự hỗ trợ về vũ khí,
nhiên liệu và tài chính sau khi rút quân đi. Tuy nhiên, sau đó
ít ngày, các thầy dùi ở đình làng Phờ-lâu-phờ-léc tính
rằng, thay vì mất nhiều công của duy trì Xóm Nam A-na-mit thì
nên tập trung quan hệ với làng Chai-nơ (China), kéo họ tách xa
làng Rù-Xiến (Russian), từ đó phá vỡ làng Rù-Xiến - thành
trì của đạo Mã quân Đỏ. Chiến lược này được nhiều
đầu lĩnh làng Phờ-lâu-phờ-léc ủng hộ nhiệt tình, khiến
cho ông lý Pho thương bạn mà không làm sao được.
Để quyết sách trên được thực thi suôn sẻ không bị cản
trở, các đầu lĩnh làng Phờ-lâu-phờ-léc ra sức ép ông Xích
Thẹo (Six Thẹo), lý trưởng Xóm Nam, nhất định phải từ
chức. Ban đầu, ông lý Xích cũng chống đối dữ lắm, nhưng
sau khi có lời nhắc nhở ông hãy bớt chút thời gian vàng ngọc
để nhớ lại chuyện anh em nhà Cô-rừn (Corn) thì ông cũng
thấy chờn. Trong tâm trạng rối bời, ông lý cho gọi cô ca sĩ
Chen - Li Cam đến ca cho ông nghe bài hát mà ông yêu thích nhất
(1), hy vọng lời ca tiếng hát giúp ông xả xì trét, bớt căng
thẳng mà tĩnh tâm nghĩ ra được phương cách tối ưu.
Nghe tiếng đàn ghi ta vang lên giai điệu quen thuộc, <em>"...tim em
như ngừng thở từ sau ân tình đó, anh nghe chăng mùa
đông..."</em>, ông Xích lim dim mắt, đắm chìm trong những kỷ
niệm đẹp, khi ông từ một cai tuần nhờ gặp thời, được
quý nhân phù trợ, lần lần lên đến đầu lĩnh, rồi lý
trưởng. Khi cô Chen - Li Cam ca đến câu <em>"... những cuộc tình
dương gian, cho dù không nghĩa lý, nhưng người vẫn tìm nhau
trong vòng tay tình ý, nhưng đôi ta tình yêu xưa chỉ còn mình
vì sao em lẻ loi..."</em> thì ông rưng rưng rớm lệ trở lại
thực tại phũ phàng, ông và quân Xóm Nam đã từng bước bị
người ta bỏ rơi, và nay, đang đứng trước nguy cơ sập tiệm.
Lúc lời cuối của bài hát ngân lên <em>"... có phải tình băng
giá là tình đẹp trên thế gian !!!"</em>, cũng là lúc ông lý
Xích không ngăn được cảm xúc tủi thân, ông khóc tu tu và
quyết định đến đài vô tuyến truyền hình đọc diễn văn
từ chức.
<center>* * *</center>
<h2>Tuyết Trắng</h2>
Cũng thời gian đó, ở tổng hành dinh không quân Xóm Nam, ông Hai
Chít (High Chess) đi đi lại lại tưởng như nát cả óc. Từng
có thời nổi đình nổi đám với chức Phó Lý, ông thừa hiểu
hoàn cảnh Xóm Nam giờ đây là vô phương cứu chữa. Tuy nhiên,
non nửa lãnh địa vẫn còn cùng khá đông quân sĩ và phương
tiện chiến tranh, sớm bó tay thúc thủ thì hèn quá. Với suy
nghĩ <em>"còn nước còn tát, đã làm thì làm đến chót"</em>,
ông Hai Chít tuyên bố trước quân chúng và đồng bào
<em>"quyết tử thủ đến cùng"</em>. Hy vọng, dù là rất mong
manh, sẽ có một cơ may nào đó giúp cho Xóm Nam qua được cơn
đại nạn không lối thoát.
Nhưng không có cơ may nào cả. Một ngày cuối tháng Tư, khi
thấy không thể làm gì được nữa, ông Hai Chít lên máy bay
cùng vài chiến hữu rời Xóm Nam trong tâm trạng thật khó tả.
Sợ ông Chít mất bình tĩnh, điều khiển máy bay không an toàn,
một người chiến hữu bật cát-xét mở một sáng tác của
nhạc sĩ Gờ - rin Chen (Green Tran) (2) với giọng ca của ca sĩ
nổi tiếng Đắc Bờ - Lu (Dark Blue).
<em>"...Ngả nghiêng cánh chim, con tàu thét gầm rời xa thành phố
rồi ..."</em>. Từ trên máy bay nhìn xuống, ông Hai Chít và các
chiến hữu thấy rõ năm tập đoàn quân Xóm Bắc rầm rập
tiến vào đình Xóm Nam trong khí thế phấn chấn ngút trời. ...
<em>"Vượt cao vút cao, mây trời kết thành một vùng tuyết
trắng ngần "</em>... , máy bay băng lên trên tầng mây dày đặc,
không còn nhìn thấy gì ở bên dưới nữa. Ông Hai Chít thở
dài, làm dấu thánh và khẽ khàng khấn nguyện "Xin Chúa ban
phước lành để Mùa Đông Thương Khó sớm qua đi, mùa xuân ấm
áp mau trở lại mảnh đất này, cho con sớm được trở về
Núi Tây, cưỡi trâu ra ruộng ngọc đón ánh bình minh như ngày
còn niên thiếu".
<center>* * *</center>
<h2>Gom Hết Cho Lần Yêu Cuối & Mình Mãi Bên Nhau</h2>
Từ hồi hai xóm Bắc, Nam còn mải đánh nhau, làng Chai-nơ đã
thừa cơ chiếm cồn Gôn - Sen (Gold Sand) ở hồ Đông Trì, mặt
thủy chiến lược của làng A-na-mit. Sau đó, họ lại xúi làng
Miên đánh xóm Nam và họ trực tiếp đánh thẳng vào xóm Bắc.
Nhân lúc làng A-na-mit căng mình trong cảnh Bắc chiến Nam chinh,
làng Chai-nơ mang thủy quân chiếm thêm một phần cồn Lông - Sen
(Long Sand). Tiếp sau đó, chúng không ngừng lấn ép cướp đất
và nước của làng A-na-mit. Vì lực yếu, thế cô, làng A-na-mit
tức lắm nhưng đành nhịn thua. Đến nay, mặc dù đã hòa hoãn
với nhau nhưng hai làng bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Nhiều
người làng A-na-mit, trong đó có không ít các cước sắc gạo
cội giàu kinh nghiệm, đã tính đến việc liên thủ với làng
Phờ-lâu-phờ-léc để có thế giữ yên bờ cõi.
Một ngày cuối tháng Tư đầu thế kỷ 21, những người gốc
A-na-mit ở làng Phờ-lâu-phờ-léc tổ chức kỷ niệm <em>"ngày
quốc phá gia vong"</em> như hơn ba mươi năm qua họ vẫn thường
làm vậy. Năm nay, điều đặc biệt là có bà La-ry Hai (Lary Hi)
đầu lĩnh ngoại vụ của làng Phờ-lâu-phờ-léc và một số
khách trong nước, đại diện cho phe cấp tiến của họ nhà
Côm-mu-nit, cùng đến dự. Sau khi những nghi thức lễ lạt đã
xong, có tiệc thân mật kèm chương trình hát giao duyên theo như
phong tục ở các lễ hội truyền thống lâu đời của dân
A-na-mit.
Bà La-ry Hai được mời hát trước. Dù đã ở tuổi lục tuần
nhưng vẫn còn khá duyên với dáng đi nhanh nhẹn, bà cầm micro
mỉm cười quay sang ông Hai Chít và cất lời ca <em>"Trời vào
thu, người Nam buồn lắm anh ơi, mây tím đang dâng cao vời mà
tình yêu chưa lên ngôi..."</em>. Mọi ánh mắt đổ dồn về ông
Hai Chít xem ông đối đáp ra sao.
Hiểu ý bà La-ry muốn nhắc rằng khí thế dân chủ nhân quyền
đã trào dâng khắp nhiều làng mà hình như ông và các chiến
hữu còn ít có sự thúc đẩy để phong trào ở làng A-na-mit
mạnh lên như các làng khác. Ông Hai Chít với phong độ mã
thượng không khác hồi trẻ là mấy, ý nhị đối đáp lại
<em>"Ngày mình yêu, anh đâu hay tình ta gian dối, để bước phong
trần tha hương, anh khóc cho đời viễn xứ, về làm chi, rồi
anh lại vẫn ra đi, gom góp yêu thương quê nhà, dâng hết cho
người tình xa ..."</em>. Cả phòng tiệc rào rào vỗ tay tán
thưởng.
Bà La-ry e ấp vẻ như nhận lỗi <em>"Em đâu ngờ, có ngày đàn
đứt dây tơ, một phút ba em tính nhầm, trọn kiếp ta đành
sầu nhớ "</em>. Ông Hai Chít chộp ngay cơ hội, tiếp lời
<em>"Nói đi em, cả đời mình đã đi tìm, cả đời cùng nhau
ước mơ, xây làng quê đẹp như thơ, lẽ nào nay lại bơ vơ
"</em>. Không khí bữa tiệc trầm hẳn xuống như đồng cảm
với lời ca của ông.
Để xốc lại khí thế, bà La-ry vội nắm tay ông Chít <em>"Cho
em xin, cho em xin một đêm trăn trối, TỪ ĐỐNG TRO TÀN NĂM XƯA
GOM HẾT CHO LẦN YÊU CUỐI"</em>. Tất cả mọi người đều vỗ
tay hết sức, sự vui tươi phấn khích tưởng chừng tung đến
tận trời cao.
Dường như muốn nhắc nhở mọi người rằng chúng ta đã và
đang ở một thời cuộc mới, bà La-ry giơ tay ra hiệu mọi
người tạm yên lặng, rồi nói: <em>"Nãy giờ tôi và ông Hai
Chít đã hát rồi. Cần một đại biểu từ trong nước sang dự
cùng hát mới xôm tụ chớ"</em>. Mọi người quay sang hò reo
mời ông Literature Yên, cựu chánh hội làng Anamite lên sân
khấu. Ông Yên đứng dậy đáp lễ và phát biểu rằng <em>"tôi
cũng muốn hát cùng quí vị lắm, nhưng tuổi già rồi, hát
không được tốt, e lỡ nhịp mất vui. Nhưng để đáp lại
thịnh tình của quí vị, tôi sẽ cử anh trợ lý trẻ của tôi
hát thay. Cậu này từng là sĩ quan chính trị xóm 2, nơi địa
đầu giáp ranh với làng Chai-nơ"</em>.
Khi anh trợ lý trẻ bước lên, mọi người ồ lên vỗ tay reo
thích thú vì đã từng thấy anh này trong các hội diễn văn
nghệ mừng xuân. Đại úy Victory cảm ơn sự động viên của
các vị khách dự tiệc, rồi quay qua ra hiệu cho ban nhạc nổi
nhạc và cất giọng hát khá hay. Mọi người như chìm sâu trong
giai điệu của bản tình ca lãng mạn <em>"... bên nhau ta thầm
hứa, quên đi chuyện năm xưa. Em biết chăng em, thương em nhớ
em thao thức nhiều đêm ..."</em> (3)
Khi Victory vừa ngừng lời hát, bà La - ry bấm mạnh vào tay ông
Hai Chít ngầm ý rằng hãy quên đi chuyện không vui đã qua, tin
tường vào sự thành công sắp tới. Rồi bà quay sang ông
Literature Yên, <em>"tôi cũng rất thích một câu nói của cụ Lake
"tuổi trẻ là chủ nhân tương lai, là mùa xuân của đất
nước", để tiếp nối chương trình vui hôm nay, tôi xin cử cô
trợ lý thân tín nhất của tôi, America Dung, thay tôi hát đáp
lễ bài hát vừa rồi"</em>. America Dung nhanh nhẹn bước lên sân
khấu <em>"Mưa ngừng rơi, cầu vồng lung linh tỏa sáng, phút
giây này mình đã yêu nhau tự bao giờ .... Mình bên nhau mãi mãi
sẽ cho nhau nhiều hơn đã mất, dù bão tố phong ba đến theo
ngàn cơn sóng gió, mình bên nhau với những yêu thương, những
giấc mơ êm dịu, vượt qua bao gian khó, mình bên nhau suốt
đời ..."</em>. (4)
<center>* * *</center>
Sau buổi lễ kỷ niệm ấy ít lâu, bà La - ry Hai công du đến
làng A-na-mit. Trước sự chứng kiến của nhiều cước sắc,
đầu lĩnh đến từ nhiều làng, bà La-ry tuyên bố "Làng tôi có
những quyền lợi ở hồ Đông Trì, chúng tôi không thể không
can dự". Những cước sắc của các làng thuộc tổng Ây - zi -
en (Asean) không giấu được sự vui mừng, còn đầu lĩnh ngoại
vụ làng Chai-nơ thì ngỡ ngàng giận đến tím mặt, đùng đùng
bỏ họp ra về. Không biết lần yêu cuối này có làm nên cơm
cháo gì không.
<strong>Lưu Trần Sinh</strong>
__________________________________________
(1) Quý vị có thể nghe lại bài hát này ở đây:
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Mua-Dong-Cua-Anh---Cam-Ly-Cam-Ly/IW8Z97WA.html
(2) Bài hát ấy thế này:
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Tuyet-Trang-Thanh-Tuyen/IW7CB67E.html
(3) Địa chỉ bài hát này là thế này:
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Minh-Ben-Nhau-Mai-My-Dung/IW6E06CD.html or
http://videos.vietgiaitri.com/People/phim-video-clip-minh-ben-nhau-mai-id.sxYVTP3Ikgk.vgt
(4) Videoclip ấy đây:
http://clip.vn/watch/Thao-Thuc-Vi-Em-Danh-hai-Chien-Thang,hNpC
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11180), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét