<h2>Phần 7: Xây dựng Xã hội Mới</h2>
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần có một cuộc cách mạng
xã hội thực sự với phạm vi rộng lớn. Một cuộc cách mạng
xuất phát từ các tầng lớp nhân dân, đấu tranh cho quyền
lợi trực tiếp của người dân, đó là: Tự do, dân chủ, nhân
quyền và ấm no hạnh phúc. Từ đó sẽ tiến tới xây dựng
một xã hội Việt Nam mới với nền tảng dân chủ và nhân
bản.
Trước thực trạng đất nước đầy rẫy những bất công và
nghịch lý hiện nay, xã hội Việt Nam chúng ta cần phải có
một sự lột xác triệt để nhằm cải thiện tình hình, làm
cơ sở cho bước phát triển mạnh mẽ tới dân chủ. Công cuộc
cách mạng xã hội đó sẽ thúc đẩy những cải cách cần
thiết nhằm tái tổ chức xã hội, đặt nền tảng cho xã hội
dân chủ mới. Đó là nhiệm vụ cấp thiết và cao cả của
mọi tầng lớp nhân dân trước sứ mệnh lịch sử, vì hạnh
phúc của toàn dân. Nhiệm vụ đó là: Làm cuộc cách mạng để
xoá bỏ chế độ độc tài toàn trị, xác lập chế độ dân
chủ trên đất nước Việt Nam.
Một khi cách mạng đã thành công, thì nhiệm vụ của toàn thể
dân tộc Việt Nam là cùng nhau xây dựng một xã hội mới: Tự
do, dân chủ và tiến bộ. Để có một xã hội tốt thì nhà
nước phải có những chính sách đúng đắn, kịp thời và hữu
hiệu. Những chính sách có khả năng đáp ứng được các nhu
cầu phát triển Xã hội của đất nước. Chủ trương đó
phải được quyết định bởi một chính phủ dân cử. Bộ máy
nhà nước mới phải thực hiện một cách đúng đắn vai trò
của các cơ quan: Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp. Đảm bảo
được tính độc lập (Tam quyền phân lập) của các cơ quan
này. Có như vậy thì mới đảm bảo được tính dân chủ của
thể chế mới của dân, vì dân.
Xã hội mới phải được xây dựng trên nền tảng nhân bản,
tôn trọng nhân quyền và thực thi nhân ái. Mọi chính sách của
quốc gia đều vì mục tiêu phục vụ con người, bởi con
người là chủ thể của xã hội, chủ thể của cách mạng dân
chủ. Chính quyền hoạt động với tôn chỉ phụng sự nhân
dân, phụng sự dân tộc. Tư tưởng dân tộc là nền tảng và
niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam. Người Việt xây
dựng đất trước trên cơ sở nền tảng dân tộc mình, chứ
không phải tôn thờ một thứ chủ nghĩa không tưởng và hư vô
như chế độ Cộng sản. Trước đây, vì đi theo con đường
Cộng sản mà nhà nước độc tài đã chà đạp lên mọi giá
trị dân tộc, trở thành những kẻ mất gốc và chạy theo chủ
nghĩa hư vô. Nay dân tộc Việt Nam sẽ xây dựng lại một đât
nước Việt Nam mới, một xã hội dựa trên nền tảng vững
bền của những giá trị dân tộc.
Khác với chế độ độc tài trước đây, cơ chế dân chủ
mới coi Chính quyền, Quân đội, Công an là công cụ phục vụ
quốc gia, trực thuộc quyền quản lý của chính phủ dân cử.
Ba lực lượng này có nhiệm vụ phục vụ đất nước và nhân
dân, không trực thuộc quyền quản lý của riêng một đảng
phái hay tổ chức nào. Không một đảng phái, cá nhân hay đoàn
thể nào được phép sử dụng ba cơ cấu này để phục vụ cho
quyền lợi của đoàn thể một cách riêng tư.
Xã hội mới sẽ là một xã hội dân chủ, vì vậy bộ máy nhà
nước hoạt động trên nền tảng của nguyên tắc pháp quyền.
Mọi đảng phái, tổ chức và cá nhân đều tuân thủ nguyên
tắc thượng tôn pháp luật. Do đó mà mọi khuynh hướng chính
trị không được đi ngược lại với những nguyên tắc của
bản Hiến pháp mới.
Trong bối cảnh phát triển hội nhập toàn cầu hiện nay, quốc
gia nào có cấu trúc bộ máy nhà nước khoa học và tiến bộ
thì có ưu thế hơn trong cạnh tranh. Vì vậy mà bộ máy nhà
nước càng đơn giản thì càng đáp ứng kịp thời sự thay
đổi của xã hội. Từ đó mà làm việc có hiệu quả và tránh
được tình trạng lãng phí nhân lực và tài lực của quốc
gia. Các cơ cấu của bộ máy nhà nước làm việc trên tinh
thần tuân thủ pháp luật và chịu sự giám sát của người
dân. Do đó nâng cao tính trách nhiệm và động lực hoạt động
cho bộ máy nhà nước. Bộ máy đó sẽ tự động chọn lọc và
thay thế nhân sự trên tinh thần tuân thủ những nguyên tắc
đã được nêu ra.
Chúng ta xây dựng một nền kinh tế hiện đại, dựa trên nền
tảng phát triển kinh tế thị trường tự do, được chi phối
bởi quy luật cung cầu. Phân phối địa bàn kinh tế một cách
hợp lý và công bằng trên cơ sở thực tế và khả thi. Tạo
điều kiện cho sự phát triển đồng đều cho nhân dân trên
toàn địa bàn, lãnh thổ.
Mọi hoạt động của bộ máy nhà nước tương lai đều dựa
trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc dân chủ, chấp hành Hiến
pháp. Hành vi của mọi cá nhân đều được điều chỉnh bởi
hệ thống pháp luật dân chủ. Bởi vậy mà tính dân chủ và
công bằng được đảm bảo, không có tổ chức hay cá nhân nào
đứng trên pháp luật, lợi dụng pháp luật để thủ lợi một
cách bất hợp pháp. Vì rằng pháp luật là tài sản của toàn
dân, là công cụ để phát triển dân chủ, phát triển xã hội.
Trong chế độ độc tài toàn trị thì pháp luật là công cụ
của nhà nước, là phương tiện để đàn áp và vi phạm nhân
quyền. Bản thân chính phủ độc tài lại đứng trên pháp
luật, coi pháp luật chỉ là trò đùa, vì rằng pháp luật là do
chúng làm ra chứ không phải là ý nguyện của nhân dân. Trong
chế độ dân chủ thì pháp luật được làm ra bởi một Quốc
hội dân cử, đại biểu quốc hội thực sự là những người
đại diện cho nhân dân, do người dân lựa chọn.
Xã hội mới là xã hội của tự do, dân chủ, công bằng và
nhân ái. Một xã hội đại diện cho mọi ý nguyện của người
dân, do nhân dân làm chủ. Những thế lực độc tài và ích kỷ
sẽ không còn chỗ đứng trong xã hội dân chủ. Những ý
tưởng cho một chế độ độc tài cũng sẽ không còn chỗ dung
thân. Xã hội độc tài sẽ bị đẩy lùi vào quá khứ, giống
như bản chất tăm tối và bạo tàn của chúng. Xã hội dân
chủ là xã hội của toàn dân, những gì thuộc về nhân dân
sẽ được trả lại một cách xứng đáng. Những quyền và
lợi ích chính đáng của chúng ta đã bị nhà nước độc tài
cướp đi mấy chục năm nay bây giờ sẽ về với chủ nhân
đích thực. Chế độ độc tài tàn bạo và lựa mị sẽ qua
đi, nhường chỗ cho một xã hội tự do dân chủ do chính bàn
tay của người dân xây dựng.
<h2>Phần 8: Chính sách kinh tế và văn hóa</h2>
Để vượt qua một hệ thống kinh tế yếu kém, lạc hậu và
bị biến dạng bởi nền kinh tế định hướng XHCN do chế độ
cũ đề xướng chúng ta cần phải xây dựng lại một hệ
thống kinh tế hiện đại, phù hợp với các tiêu chuẩn kinh
tế thị trường của quốc tế. Một nền Văn hoá tiến bộ,
có thể bắt kịp thế giới nhưng đồng thời vẫn giữ gìn
được bản sắc văn hoá dân tộc cũng sẽ được chúng ta
thiết lập. Điều cần thiết là phải nhanh chóng xây dựng
một chính sách Kinh tế - Văn hoá phù hợp với thời đại và
tôn vinh được các giá trị Việt.
<strong>Về chính sách phát triển Kinh tế:</strong>
- Việt Nam cần có hai hệ thống kinh tế song hành: Nền kinh tế
Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ cần được duy trì và phát
triển hiện đại để tạo công ăn việc làm cho đa số dân
chúng. Các ngành Công nghiệp nặng, kỹ thuật, thông tin, dịch
vụ được chú trọng. Đào tạo và thu hút lực lượng chuyên
viên giỏi để phục vụ cho các ngành này.
- Đầu tư cấp tốc để xây dựng các công trình hạ tầng cơ
sở: Đường bộ, đường sắt, hải cảng, phi trường, hệ
thống điện nước, điện thoại nội địa, viễn liên và
mạng lưới internet toàn cầu. Tạo điều kiện cho phát triển
kinh tế và đầu tư quốc tế.
- Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ở các
địa phương. Từ đó tạo công ăn việc làm ổn định cho lực
lượng lao động địa phương.
- Thiết lập "Viện nghiên cứu phát triển kinh tế Quốc gia",
với trách nhiệm nghiên cứu chiều hướng kinh tế thế giới,
của khu vực và các nước láng giêng cũng như nền kinh tế
nội địa. Đồng thời cung ứng cho các giới kinh doanh, thương
mại những dữ kiện, thông tin cần thiết cho việc đầu tư,
sản xuất, buôn bán hay xuất nhập cảng.
- Giảm thuế một cách đặc biệt cho những địa phương thiếu
sự ưu đãi của thiên nhiên, nhằm hấp dẫn đầu tư của các
doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Thiết lập hệ thống trường quản trị kinh doanh ở mỗi
tỉnh để tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn cho
thành phần chuyên viên địa phương và khả năng tiếp nhận
dự án kinh tế.
- Soạn thảo Luật Đầu tư và chính sách thuế hợp lý, có
khả năng thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế nội địa
và đầu tư, mậu dịch từ các công ty nước ngoài.
- Soạn thảo Bộ Luật Lao động tương đồng với các nước
phát triển để đảm bảo quyền lợi của thành phần Công
nhân.
- Soạn thảo bộ luật Ngân hàng để khuyến khích đầu tư
của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để phát triển
lĩnh vực kinh doanh với ngoại quốc.
- Thiết lập trục lộ kinh tế giáp ranh với các nước láng
giềng để phát triển kinh tế khu vực cận biên.
<strong>Về Chính sách Văn hóa:</strong>
Văn hoá không chỉ là những di sản tinh thần mang tính truyền
thống, mà nó được thể hiện sinh động qua cách suy nghĩ,
lối sống và ứng xử của con người. Vì vậy mà nó mang tính
tiêu biểu cho một cộng đồng dân tộc. Nhiệm vụ của chúng
ta là phải phát triển một nền văn hoá tiến bộ cho các thế
hệ tương lai, đồng thời kế thừa một cách xuất sắc những
di sản văn hoá của tiền nhân:
- Lập danh sách bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá của
quốc gia. Lập chương trình giới thiệu văn hoá Việt Nam với
cộng đồng quốc tế.
- Phục hồi các sinh hoạt văn hoá truyền thống, đặc biệt
trên các phương tiện thông tin, bào chí của quốc gia.
- Xuất bản các tác phẩm nghiên cứu có giá trị về văn hoá
nước nhà. Tài trợ các công trình nghiên cứu và phát huy văn
hóa nước nhà một cách đặc sắc.
- Khích lệ những sáng tạo mới có khả năng đóng góp vào
nguồn văn hoá dân tộc, từ mặt tinh thần đến vật chất.
- Tuyên dương và tài trợ các hoạt động bảo tồn, phát huy
văn hóa dân tộc.
- Tiếp nhận và bổ sung những cải tiến để nền văn hoá
nước nhà ngày một thêm phong phú, song vẫn giữ được bản
sắc dân tộc.
Với những chính sách phát triển tiến bộ và mang tính thời
đại trên, chúng ta tin tưởng rằng Nền Kinh tế và Văn hóa
Việt Nam sẽ được phát triển một cách lành mạnh. Xứng tầm
với các giá trị và tiêu chuẩn của thời đại, đưa đất
nước tiến lên và hội nhập thành công với cộng đồng quốc
tế tiến bộ. Đồng thời xoá bỏ được nền văn hoá tuyên
truyền, áp đặt và mị dân của chế độ độc tài. Văn hóa
là tự do, tự do là văn hoá. Điều đó sẽ được minh chứng
trong một xã hội Tự do, dân chủ trên đất nước Việt Nam
chúng ta ở một tương lai gần. Điều đó cần có sự chung tay
góp sức xây dựng của mọi tầng lớp nhân dân, vì đó là
trách nhiệm cao quý của tất cả mọi người dân Việt Nam.
Chúng ta cần xây dựng và phát triển một đất nước Việt Nam
giàu mạnh, văn minh và tiến bộ. Mà trong đó các giá trị Văn
hoá tốt đẹp của cha ông được thế hệ hôm nay phát triển,
để được cộng đồng quốc tế biết đến và tôn vinh.
<h2>Phần 9: Phát triển các lĩnh vực khác</h2>
Để đưa đất nước phát triển và tiến lên bắt kịp với
các quốc gia dân chủ - tiến bộ khác, nhiệm vụ của chính
phủ dân cử mới là phải đưa ra được những chính sách
thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Những chính
sách vì mục tiêu phục vụ đất nước, phục vụ dân tộc và
phục vụ nhân dân. Dựa trên tinh thần dân chủ, tiến bộ và
tôn trọng ý nguyện của toàn dân:
<strong>Lĩnh vực Quốc Phòng</strong>
- Thành lập Quân đội tinh nhuệ, đa năng và có khả năng di
động cao. Để vừa đảm bảo được sự toàn vẹn lãnh thổ,
vừa có thể cắt giảm tối đa quân số thường trực;
- Thực hiện quy chế "Quân dịch trừ bị" để giảm thiểu
quân số chính quy trong thời bình, song có thể đáp ứng được
nhu cầu quốc phòng khi cần thiết;
- Thiết lập một quốc lộ mới chạy dọc theo biên giới Việt
– Lào và Việt – Campuchia để làm hàng rào chiến lược
thường trực phòng thủ mạn Tây lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng
là một quốc sách di dân nội địa để giải quyết nạn quá
tải dân số ở các thành phố lớn, đồng thời tận dụng
đất đai cho nhu cầu phát triển của nhân dân;
- Phối hợp với các cơ quan hữu trách của chính phủ để
thực hiện các chính sách ngoại giao, kinh tế, giáo dục, xã
hội...với các nước láng giềng để xây dựng các mối tương
giao tốt đẹp và chặt chẽ, giảm thiểu tối đa nguy cơ bị
đe dọa an ninh quốc gia;
- Gia nhập các tổ chức quốc phòng quốc tế để tạo mối
quan hệ tốt, vận dụng mối tương quan để củng cố chính
sách quốc phòng trong thời bình.
<strong>Lĩnh vực Y Tế</strong>
- Thiết lập chính sách y tế miễn phí cho dân nghèo, thông qua
một hệ thống cơ sở y tế công cộng từ trung ương đến
cấp phường xã ở địa phương;
- Lập chương trình giáo dục y tế thường thức để quãng bá
các kiến thức phổ thông cho quần chúng nhân dân;
- Thực hiện tốt và công bằng chính sách bảo hiểm y tế
cộng đồng;
- Đảm bảo sự bình đẳng giữa các cơ sở y tế tư nhân và
cơ sở y tế nhà nước, cùng hoạt động trong khuôn khổ pháp
luật.
<strong>Lĩnh vực Tôn giáo</strong>
- Phục hồi trọn vẹn quyền tự do tín ngưỡng và sinh hoạt
tôn giáo theo tinh thần bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền;
- Phát huy đạo thờ Ông Bà như một tôn giáo tự nhiên của
dân tộc và coi như một phần của bản sắc văn hóa;
- Quy định cụ thể các điều khoản để giúp tôn giáo có
điều kiện đóng góp xây dựng xã hội và đất nước;
- Phối hợp chặt chẽ với các tôn giáo để phát triển các
sinh hoạt văn hóa, xã hội và giáo dục.
<strong>Lĩnh vực Sắc tộc</strong>
Dân tộc Việt Nam bao gồm tổng thể các dân tộc tồn tại
thống nhất trên cùng một lãnh thổ lịch sử. Tuy ngôn ngữ và
quy mô khác nhau nhưng các dân tộc đều được bình đẳng về
mọi mặt trong một cộng đồng dân tộc Việt. Công dân của
mọi sắc tộc thiểu số đều được quan tâm để tạo điều
kiện tiến kịp người Kinh. Từ đó mà cùng chung vai đóng góp
cho tiến trình phát triển của đất nước, là mái nhà chung
của các dân tộc Việt Nam:
- Ban hành các chính sách ưu đãi dành cho các sắc tộc thiểu
số. Đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội;
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các công dân sắc tộc
được phát triển một cách bình đẳng với các sắc tộc khác
trong cộng đồng dân tộc Việt Nam;
- Thiết lập chương trình giáo dục đặc biệt cho từng cộng
đồng sắc tộc thiểu số, bảo đảm quyền được bảo tồn
văn hóa và sinh hoạt đặc thù của mỗi sắc tộc;
- Thực thi quyền bình đẳng trên mọi lĩnh vực giữa các dân
tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Các chính sách trên được đề ra dựa trên tinh thần dân chủ,
bình đẳng và vì lợi ích dân tộc. Trên cơ sở bảo vệ đất
nước, bảo vệ và phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Nhằm đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi tình trạng đói nghèo
và lạc hậu, tiến lên cùng với các quốc gia tiến bộ khác.
Phát triển tối đa những điều kiện tích cực của bối cảnh
lịch sử đất nước vừa mới thoát ra khỏi chế độ độc
tài. Đó là những chính sách mở, nhằm làm nền tảng cho các
bước phát triển kế tiếp. Trên tinh thần tự do, dân chủ,
bình đẳng và nhân ái. Giúp cho mọi người dân được giải
phóng để phục vụ đất nước, phục vụ bản thân một cách
chính đáng và toàn diện nhất. Phát huy mọi khả năng tích
cực của con người -- điều vốn bị kìm hãm và cấm kỵ trong
xã hội độc tài Cộng sản. Những chính sách trên là nhằm
mục tiêu: <strong>giải phóng dân tộc và giải phóng nhân
dân.</strong>
<h2>Phần 10: Nhận định tổng quan</h2>
Qua những nội dung đã nêu để xác định một giải pháp cho
cách mạng Việt Nam trong bối cảnh lịch sử hiện tại, chúng
ta có thể đưa ra những nhận định tổng quan như sau:
<strong>1. Đây là một giải pháp toàn diện và mang tính thời
đại</strong>: Nội dung mà giải pháp đưa ra đã bắt kịp xu
thế tiến bộ của thời đại, đó là tính dân chủ. Giải
pháp cổ xuý cho một cuộc cách mạng dân chủ ôn hoà, dựa
trên mục tiêu lấy lợi ích dân tộc và lợi ích của con
người làm trọng tâm. Trên cơ sở đó mà các tổ chức chính
trị cùng với đảng Cộng sản cầm quyền đối thoại để
tìm ra một giải pháp cho công cuộc chuyển đổi dân chủ.
Giải thể chế độ độc tài đã rệu rã và hết vai trò lịch
sử để xác lập một chế độ tự do, dân chủ cho đất
nước Việt Nam. Đồng thời giải pháp cũng khẳng định tính
tất yếu của một cuộc chuyển thể dân chủ sẽ diễn ra
đối với xã hội Việt Nam trong thời gian sắp tới.
<strong>2. Một giải pháp ôn hoà, nhằm thực thi công bằng và
nhân ái</strong>: Biện pháp cho một cuộc cách mạng xã hội
được đưa ra là đấu tranh ôn hoà và bất bạo động. Qua đó
mà hạn chế đến mức thấp nhất những mất mát và đổ vỡ
cho đất nước, để có thể phục hồi và phát triển nhanh
chóng trên lộ trình dân chủ mới. Xây dựng một xã hội dân
chủ, của dân và vì quyền lợi của nhân dân. Phục hồi các
quyền tự do căn bản của người dân đã bị đảng cầm
quyền độc tài trước đây cướp mất, nhằm thực thi công
bằng xã hội. Dựa trên nền tảng của các quyền con người
để xây dựng một đất nước tự do, bình đẳng và nhân ái.
<strong>3. Lộ trình dân chủ tốt đẹp</strong>: Một lộ trình
dân chủ chi tiết được vạch ra trên cơ sở nền tảng hiện
tình xã hội Việt Nam đương thời, giúp cho công cuộc thực thi
dân chủ thuận tiện và phát triển đúng hướng. Lộ trình đó
được xây dựng với mục tiêu xiển dương nhân bản, ngăn
chặn những điều kiện bất lợi cho dân chủ và sự quay trở
lại nắm quyền của chế độ độc tài. Hòng lựa chọn một
phương án tối ưu cho cách mạng dân chủ Việt Nam. Để đất
nước có thể tiến nhanh và vững vàng trên con đường chuyển
thể dân chủ. Nội dung mà lộ trình dân chủ vạch ra cho thấy
tầm nhìn chiến lược và sáng suốt đối với sự nghiệp dân
chủ nước nhà. Đó là một lộ trình mà mọi tầng lớp nhân
dân và tổ chức chính trị trong nước cần hướng tới và
thực hiện trên tinh thần nền tảng cơ bản.
<strong>4. Cách mạng là để thiết lập một chế độ dân chủ,
chứ không phải là thay thế đảng lãnh đạo này bằng một
đảng lãnh đạo khác</strong>: Đó là tinh thần chủ đạo của
"Giải pháp cho cách mạng Việt Nam", dựa trên tinh thần của
bản "Đề cương Việt Nam mới". Điều đó cho thấy mục
tiêu của cuộc cách mạng dân chủ là cao đẹp và vì đất
nước và nhân dân. Một cuộc cách mạng đặt lợi ích của
người dân lên trên lợi ích của mọi tổ chức, đảng phái.
Và cho thấy tính chính nghĩa của cuộc cách mạng Dân chủ,
trái ngược với sự tàn bạo và ích kỷ của chế độ độc
tài. Nhà nước độc tài hiện thời chỉ biết đặt lợi ích
của đảng Cộng sản lên trên mọi lợi ích dân tộc và nhân
dân. Vì mục tiêu đó mà họ đàn áp và cấm đoán mọi tiếng
nói dân chủ và phong trào hoạt động chân chính khác.
<strong>5. Nhìn xa trông rộng cho tình thế cách mạng</strong>:
Một giải pháp cho tình thế cấp thiết cho cách mạng Việt Nam
được đưa ra. Điều này giúp cho tình hình xã hội không bị
rơi vào khủng hoảng trong mọi hoàn cảnh. Điều hướng đất
nước theo đúng lộ trình dân chủ, tránh những bất lợi cho
đất nước và nhân dân. Giảm thiểu những mất mát và đổ
vỡ có thể có, nhằm nhanh chóng phục hồi đất nước và
vững bước trên con đường dân chủ mới.
<strong>6. Đưa ra các chính sách phát triển xã hội</strong>:
Những chính sách lớn đã được vạch ra cho đất nước sau khi
cách mạng dân chủ thành công. Dựa trên tinh thần dân chủ,
nhân bản và nhân ái – để xây dựng một đất nước Việt
Nam Dân chủ và văn minh. Các chính sách mang nội dung tiến bộ,
làm nền tảng cho những bước tiếp theo. Những nội dung nhằm
thực thi dân chủ và quyền con người, giúp xây dựng một xã
hội Việt Nam mới sau khi đã thoát khỏi chế độ độc tài
kìm kẹp trước đây.
<strong>7. Xây dựng Xã hội mới</strong>: Một mô hình xã hội
mới đã được vạch ra cho tiến trình dân chủ hóa nước nhà.
Một xã hội phát triển trên tinh thần dân chủ và bác ái,
không còn bóng dáng độc tài. Xã hội của chính nhân dân, do
người dân làm chủ và xây dựng. Giữ vững bản sắc dân
tộc, lấy tư tưởng dân tộc làm nền tảng cho sự phát triển
đất nước. Tôn trọng mọi quyền cơ bản của công dân. Tạo
điều kiện tốt nhất để mọi cá nhân phát huy được khả
năng tốt nhất của mình để đóng góp cho xã hội, nhằm giúp
ích cho bản thân và đất nước. Xây dựng con người mới dân
chủ và văn minh.
<strong>8. Mô hình dân chủ</strong>: Một mô hình dân chủ tiến
bộ và phù hợp với hoàn hoàn cảnh lịch sử Việt Nam được
lựa chọn, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước. Trên
cơ sở nhìn nhận tình hình thế giới mà đưa ra một mô hình
lý tưởng cho xã hội dân chủ Việt Nam, phù hợp với người
Việt Nam. Hạn chế những sai lầm có thể trong quá trình thực
thi lộ trình dân chủ. Mang lại sự ổn định cho đất nước.
<strong>9. Một giải pháp nhân ái</strong>: Với phương châm cách
mạng là để xây dựng dân chủ, mang lại hạnh phúc cho con
người và thực thi nhân ái. Từ đó mà nghiêm cấm mọi hành vi
trả thù báo oán, mặc dù chế độ cũ đã gây ra bao nỗi bất
công và nghịch lý. Đó là tinh thần nhân ái của một cuộc
cách mạng dân chủ chính nghĩa, vì đất nước và nhân dân.
<strong>10. Đây là giải pháp mở làm nền tảng cho tương
lai</strong>: Trên tinh thần dân chủ và nhân bản mà giải pháp
đã đưa ra những nội dung chủ yếu là nền tảng cho sự
nghiệp dân chủ hóa nước nhà. Không bị bó buộc trong một
khuôn khổ tư tưởng nào, chỉ có mục tiêu dân chủ và nhân
bản là yếu tố trọng tâm hàng đầu. Trên cơ sở những nội
dung này, mà các bước kế tiếp theo có thể được thực hiện
vì mục tiêu dân chủ và tiến bộ.
Các tổ chức chính trị trong và ngoài nước, cùng toàn thể
nhân dân hãy chung tay cho một đất nước Việt Nam mới dân
chủ, hạnh phúc và văn minh. Để có thể đưa đất nước
chúng ta thoát khỏi chế độ độc tài và tiến lên cùng với
thế giới tự do – tiến bộ. Hãy đưa ra những giải pháp
của mình, đóng góp cho sự nghiệp vinh quang và cao cả đó.
Ngày 17/01/2012
<strong>Hoàng Minh</strong> (Hà nội, Việt Nam)
______________________________
Bài này kết thúc loạt bài nghiên cứu Giải Pháp cho Cách Mạng
Việt Nam - một nghiên cứu dựa trên tinh thần Đề Cương Việt
Nam Mới của Đảng Vì Dân Việt Nam (www.vidan.info). Xin cảm ơn
sự quan tâm, chia sẻ và yểm trợ quảng bá của quý Thân hữu
ở khắp nơi.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11337), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét