<h2>Phần 4: Chuyển Thể Xã Hội</h2>
Hơn nửa thế kỷ sống trong chế độ độc tài toàn trị đã
khiến cho đất nước Việt Nam bị kìm hãm và khủng hoảng về
mọi lĩnh vực. Việc tìm kiếm một con đường để đưa dân
tộc thoát ra khỏi thể chế độc tài và xác lập chế độ
dân chủ là nỗi trăn trở và bế tắc của nhiều tầng lớp
người Việt Nam cho đến nay. Quan trọng hơn thế nữa, chúng ta
cần một giải pháp chuyển thể xã hội toàn diện và an toàn
để phát triển đất nước trong giai đoạn kế tiếp của
cuộc cách mạng dân chủ.
"Đề cương Việt Nam mới" đã đưa ra ba nội dung chính trong
phương án chuyển thể xã hội của mình như sau:
1. Chuyển thể guồng máy nhà nước: Giải thể tức thời cơ
chế "Chính ủy" của đảng cộng sản Việt Nam trong toàn
bộ cơ quan nhà nước, kể cả quân đội, cảnh sát và công an;
toàn bộ guồng máy nhà nước phải được đặt dưới sự
điều hành của chính phủ mới – một cơ chế đa thành phần.
Sự chuyển thể guồng máy nhà nước là yếu tố cơ bản để
thực thi dân chủ từ guồng máy điều hành quốc gia.
2. Lưu dụng thành phần quân cán chính chuyên ngành: Ngoại trừ
một số bộ phận nhân sợ cần được thuyên chuyển tức
thời để bảo đảm an ninh cho chính phủ mới, thành phần quân
nhân, cảnh sát, công an, công chức các ngành các cấp nên
được cứu xét cho tiếp tục phục vụ nhà nước, để đảm
bảo sự liên tục trong việc điều hành guồng máy chính quyền
các cấp.
3. Bảo đảm sự sinh hoạt liên tục của xã hội: Tiến trình
dân chủ hóa đất nước phải đảm bảo sự sinh hoạt của xã
hội trong giai đoạn chuyển tiếp, và chứng minh được khả
năng làm tốt hơn xã hội ngay sau đó.
Các biện pháp và phương án được cụ thể hóa ở 23 điểm
dưới đây:
<div class="special_quote">1. Trả tự do hoàn toàn và tức thời cho
tất cả tù nhân chính trị đang bị giam cầm hay quản chế
dưới mọi hình thức.
2. Hủy bỏ ngay các hình thức sắc luật mang nội dung đàn áp
tôn giáo và chính trị do nhà nước CHXHCH Việt Nam ban hành.
3. Thực thi quyền tự do báo chí, ngôn luận. Tư hữu hóa toàn
bộ cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình và truyền thanh.
4. Nghiêm cấm và nghiêm trị các hành động trả thù, báo oán
cá nhân hoặc những hành vi làm xáo trộn xã hội.
5. Công nhận và tưởng thưởng cả tinh thần và vật chất cho
tất cả những người đã có quá trình đấu tranh dân chủ hóa
đất nước, đang sống hay đã hy sinh, không phân biệt tổ
chức hay thành phần, ở trong hay ngoài nước.
6. Đền bù xứng đáng cho những người hay gia đình đã thực
sự có những đóng góp, hy sinh to lớn trong quá trình tranh đấu
giành dân chủ, tự do, độc lập và thống nhất cho đất
nước, kể cả thành phần thương phế binh, tử sĩ và gia
đình; không phân biệt quá trình, xuất xứ hay chế độ phục
vụ.
7. Phối hợp với chính quyền các nước lân bang để thiết
lập các chính sách yểm trợ cấp thời và đặc biệt cho số
kiều bào sinh sống ở những nước này.
8. Phục hồi công thổ, tài sản quốc gia đã bị tiếm dụng
dưới mọi hình thức; cứu xét hoàn trả các tài sản đoàn
thể, cá nhân bị ép buộc sung công trước đây. Tái thẩm
định các hiệp định, hiệp ước, văn kiện quốc tế đã
được nhà nước CHXHCN Việt Nam ký kết, để tìm biện pháp
thương lượng với các quốc gia liên hệ, hay vô hiệu hóa các
trường hợp cần thiết.
9. Cấp thời vận động ngoại giao truy hồi phần lãnh hải và
lãnh thổ đã bị nhượng đi bởi nhà nước CHXHCN Việt Nam;
tái khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa. Hồi hương cấp thời số phụ nữ, trẻ em
bị ép buộc hành nghề mãi dâm và có các chương trình trợ
giúp đặc biệt để giúp thành phần này sớm phục hồi cuộc
sống bình thường.
10. Yểm trợ đặc biệt cho các chương trình trợ giúp dành cho
số kiều bào gặp hoàn cảnh khó khăn ở các nước láng
giềng.
11. Thực hiện chương trình trợ giúp cấp thời cho các thành
phần nông dân và công nhân nghèo.
12. Thực hiện chính sách giảm thuế đặc biệt cho thành phần
lao động nghèo và công chức cấp thấp.
13. Nâng đỡ đời sống của thành phần cảnh sát, quân nhân,
công chức cấp thấp thuộc mọi thành phần chính quyền.
14. Ưu tiên xây dựng thêm trường ốc, bệnh viện, bệnh xá
để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
15. Chăm lo một cách nhân đạo cho tất cả gia đình cô nhi,
quả phụ, thương phế binh, tử sĩ không phân biệt chế độ
phục vụ trước đây.
16. Cứu xét giảm án cho tất cả tù nhân đang thụ án để
tạo cơ hội làm lại cuộc đời cho những người lỡ phạm
tội lần đầu.
17. Tình nguyện giải quyết tận gốc vấn đề MIA của Hoa Kỳ
và các nước đồng minh một cách nhanh chóng và vô điều
kiện.
18. Chỉnh trang nghĩa trang quân đội cho tử sĩ thuộc cả hai
chế độ Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Cộng Sản.
19. Bảo đảm sự sinh hoạt và phát triển liên tục của xã
hội trong mọi lĩnh vực một cách hợp hiến và hợp pháp.
20. Nghiêm cấm và nghiêm trị các hoạt động mãi dâm trẻ em
vị thành niên.
21. Giải quyết cấp thời các trường hợp gây ô nhiễm môi
sinh hay hủy hoại sinh thái. Thi hành luật bảo vệ môi sinh,
đặc biệt là trong lĩnh vực Công kỹ nghệ.
22. Thực hiện hệ thống thông tin công cộng trên toàn lãnh
thổ để tạo điều kiện phổ biến các chương trình thông
tin, giáo dục đến toàn dân.
23. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thiện nguyện
nước ngoài (kể cả cơ quan thiện nguyện của người Việt
sống ở nước ngoài) vào Việt Nam để trực tiếp giúp đỡ
những người nghèo khổ và tiếp tay với chính quyền mới để
giải quyết những khó khăn của xã hội.</div>
Với một cách nhìn toàn diện, đề cương đã đưa ra được
toàn bộ nội dung chuyển thể xã hội một cách rộng lớn và
cụ thể. Các điểm trên bao hàm những ý nghĩa nhân bản trên
tinh thần phục vụ con người, lấy con người làm trọng tâm
của công cuộc chuyển thể xã hội. Toàn thể nhân dân Việt
Nam và mọi thành thành phần xã hội khác có thể yên tâm cho
một sự chuyển đổi dân chủ tốt đẹp cho dân tộc. Một sự
chuyển đổi mà sẽ mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người
dân Việt Nam bằng việc đảm bảo những lợi ích tốt đẹp
về tinh thần và vật chất, bằng việc thực thi các quyền dân
chủ và khôi phục sự đoàn kết toàn dân tộc.
<h2>Phần 5: Điều kiện thiết yếu để chuyển đổi Dân
Chủ</h2>
Để quá trình chuyển đổi từ thể chế chính trị độc tài
sang thể chế dân chủ được thành công mà không gây tổn hại
đến tiến trình phát triển đất nước, toàn thể các thành
phần chính trị tại Việt Nam cần hướng tới những mục tiêu
sau đây:
<em>- Không dẫn đến sự khủng hoảng chính trị, khả dĩ làm
phương hại đến nền an ninh quốc gia;</em>
<em>- Không gây ra những xáo trộn nghiêm trọng có thể làm suy
yếu sinh hoạt xã hội;</em>
<em>- Không gây trở ngại cho tiến trình phát triển kinh tế và
xây dựng đất nước của toàn dân.</em>
Những mục tiêu trên nhằm điều hướng đất nước vào một
lộ trình chuyển đổi Dân chủ an toàn và không gây xáo trộn
cho hiện tình đất nước. Các thành phần chính trị cần có
một giải pháp để tiến trình đàm phán và thỏa thuận
được diễn ra tốt đẹp trên tinh thần xây dựng, vì mục
tiêu Dân chủ hóa nước nhà.
Đây là giai đoạn quan trọng nhất của tiến trình Dân chủ
hóa, cần được thực hiện một cách thận trọng, nghiêm túc
và nhìn xa trông rộng vì tương lai đất nước, vì một Việt
Nam Dân chủ - tiến bộ. Sự thỏa thuận và thương lượng trong
hòa bình là điều kiện tối ưu cho giải pháp Dân chủ hóa
Việt Nam. Tiến trình này cần phải được thực hiện bởi
những nội dung then chốt sau:
<strong>1. Xây dựng giải pháp chính trị</strong>: <em>Đại diện
Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam cùng các nhân vật,
đoàn thể chính trị đối lập ở trong nước hội đàm và
thương lượng về một số giải pháp chính trị thích hợp cho
Việt Nam.</em>
<strong>2. Thành hình Hiến Pháp Lâm thời</strong>: <em>Tổ chức
bầu cử "Hội đồng Lập Hiến" để soạn thảo bản Hiến
Pháp lâm thời, làm nền tảng pháp lý cho tiến trình Dân chủ
hóa và ổn định xã hội.</em>
<em>
<strong>3. Tổ chức bầu cử địa phương</strong>: Tổ chức bầu
cử chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần bản Hiến
Pháp mới.</em>
<strong>4. Tổ chức tuyển cử quốc gia</strong>: <em>Tổ chức
tổng tuyển cử tự do cấp quốc gia để bầu chọn thành phần
lãnh đạo ba cơ chế Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp với sự
giám sát của Quốc tế.</em>
Các tổ chức chính trị trong và ngoài nước cũng như các quốc
gia Dân chủ cần tạo một áp lực đủ mạnh để Bộ Chính
trị đảng Cộng Sản Việt nam phải chấp nhận một tiến
trình dân chủ hóa đất nước trong ôn hòa để có thể làm
điều kiện tiến hành các bước trên. Các thành phần chính
trị cần chấp nhận đối thoại trên tinh thần xây dựng, để
tìm cách tháo gỡ những bế tắc chính trị.
Việc đối thoại dân chủ nhằm mục đích tìm ra những giải
pháp chính trị thích hợp mà nội dung chính là thỏa thuận các
nguyên tắc để đi đến thành lập một "Hội đồng Lập
Hiến" với nhiệm vụ soạn thảo bản Hiến Pháp mới. Bản
Hiến pháp này tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho những sinh
hoạt chính trị dân chủ sau này, đây là nhiệm vụ hết sức
quan trọng của sự nghiệp dân chủ. Vì vậy cần có sự thỏa
thuận đầy đủ và nghiêm chỉnh giữa các đoàn thể chính
trị hiện hữu, kể cả đảng Cộng sản Việt nam.
Để tiến trình Dân chủ hóa được diễn ra thuận lợi, các
thành phần chính trị cần yêu cầu nhà cầm quyền phải trả
tự do ngay cho các tù nhân chính trị đang bị giam giữ trái
phép, chấm dứt sự đàn áp đối với các thành phần đối
lập. Các quyền tự do căn bản của con người như: Tự do ngôn
luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do sinh hoạt chính
trị, v.v… phải được tôn trọng thực sự.
Các tổ chức chính trị trong và ngoài nước cũng như các quốc
gia dân chủ tiến bộ cần tạo một áp lực đủ mạnh để
Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt nam phải chấp nhận một
tiến trình dân chủ hóa đất nước thay vì ngăn cản và đàn
áp. Ngoài sự nỗ lực của các thành phần chính trị dân chủ
tiến bộ thì việc nhà cầm quyền Cộng sản có được một
cái nhìn đúng đắn về tiến trình dân chủ là điều hết
sức quan trọng cho công cuộc chuyển đổi Dân chủ được
diễn ra trong hòa bình và tốt đẹp. Đảng Cộng sản cần
phải vì tương lai của đất nước, vì hạnh phúc của toàn
dân mà chấp từ bỏ thể chế chính trị độc tài mà họ đang
nắm giữ. Chỉ khi đó thì tất cả các đoàn thể chính trị
mới có thể dẹp bỏ những bất đồng vốn có mà cùng nhìn
về một hướng: Đó là sự nghiệp dân chủ hóa nước nhà.
Các cuộc bầu cử sẽ được diễn ra ngay sau đó theo các quy
định của bản Hiến pháp Dân chủ mới. Các thành phần chính
trị sẽ tham chính qua hình thức ứng cử vào các chức vụ Dân
Cử, theo tinh thần của nội dung Hiến pháp mới, góp phần
thực thi tiến trình Dân chủ hóa một cách văn minh và tiến
bộ. Người dân thực sự được tham gia bầu cử tự do và dân
chủ, họ có quyền lực hoàn toàn trong việc lựa chọn cho mình
những đại biểu xứng đáng mà không bị ai ép buộc. Chính
quyền địa phương sẽ được thiết lập thông qua bầu cử
dân chủ, thay vì cơ cấu và dàn xếp như nhà cầm quyền Cộng
sản vẫn làm. Từ sự thay đổi dân chủ đó, chính quyền sẽ
thực sự là của dân: người dân có quyền lực tuyệt đối
trong việc lựa chọn cho mình những đại biểu xứng đáng, và
sẽ phế truất khi các đại biểu đó không làm được việc
hay đi ngược lại ý nguyện của người dân.
Chế độ chính trị Dân chủ và một cuộc bầu cử tự do là
ý nguyện thiết tha của cả dân tộc Việt Nam suốt mấy mươi
năm nay, kể từ khi người dân bị chế độ độc tài Cộng
sản cướp hết mọi quyền lực. Hạnh phúc và tự do – dân
chủ sẽ thực sự đến với nhân dân Việt Nam một khi mà lộ
trình Dân chủ hóa được thực hiện. Tất cả các thành phần
đảng phái cũng như những cá nhân có tâm huyết xây dựng
đất nước đều có thể tham gia vào tiến trình phụng sự dân
tộc, phụng sự nhân dân. Toàn thể các tổ chức chính trị và
nhân dân Việt Nam hãy cùng hướng tới một tương lai tốt
đẹp, hướng tới sự chuyển đổi Dân chủ vì hạnh phúc của
toàn thể dân tộc.
<h2>Phần 6: Giải pháp cho tình huống cấp thiết</h2>
Trong tình huống mà Đảng Cộng Sản bị mất quyền lãnh đạo
bất ngờ bởi một biến cố chính trị thì các tổ chức chính
trị có thực lực trong nước cần hội đàm để đi đến một
giải pháp cấp thiết nhằm ổn định tình hình. Đó là thực
hiện nhanh chóng những biện pháp tức thời để đưa tiến
trình xã hội vào một giai đoạn chuyển tiếp theo lộ trình
dân chủ. Những biện pháp đó sẽ bao gồm:
<strong>Ổn định tình hình:</strong>
- Các tổ chức chính trị trong nước cần thỏa thuận cấp
thời về một chủ trương và nguyên tắc lãnh đạo quốc gia
trong giai đoạn chuyển tiếp. Những nguyên tắc này đảm bảo
cho quá trình chuyển tiếp dân chủ được thực thi một cách
đúng mức và hợp lệ, giúp cho tình hình đất nước sớm
được đi vào ổn định. Nhờ vậy mà quá trình dân chủ hóa
sẽ được thực hiện nhanh chóng và phù hợp với các thông
lệ quốc tế. Tránh những đổ vỡ và mất mát không cần
thiết cho đất nước và nhân dân. Các phương án phải được
soạn thảo một cách công khai và được sự thừa nhận rộng
rãi của các tổ chức, đảng phái cũng như đông đảo nhân
dân. Vì mục tiêu và nhiệm vụ của giai đoạn chuyển tiếp là
thực thi chế độ dân chủ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
- Các lực lượng quân đội, cảnh sát và công chức hành chính
cần được duy trì nhiệm vụ đang có để đảm bảo sự ổn
định và liên tục của sinh hoạt xã hội. Trường hợp cần
thiết có thể cần đến sự hiện diện của lực lượng Bảo
An Liên Hợp Quốc để đảm bảo an ninh trật tự, giúp ngăn
ngừa tình trạng khủng hoảng quân sự có thể xảy ra. Tuy
nhiên trong thời điểm lịch sử này, vai trò chủ động của
nhân dân đối với vận mệnh dân chủ của chính mình là chính
yếu, sự trợ giúp và can dự của quốc tế chỉ là thứ yếu.
Đa số nhân dân Việt Nam hãy phát huy quyền làm chủ xã hội
đã bị tước đoạt lâu nay để xây dựng xã hội tương lai
ngay từ thời điểm này. Đó là điều cần thiết và quan
trọng cho lịch sử Việt Nam giai đoạn này, tránh được những
khủng hoảng không cần thiết có thể gây thiệt hại cho đất
nước.
<strong>Xây dựng chính quyền lâm thời:</strong>
- Thống nhất để đi đến thành lập một cơ chế "Chính
phủ Lâm thời";
- "Chính phủ Lâm thời" có trách nhiệm hậu thuẫn cho việc
thành hình một bản Hiến Pháp Dân chủ mới, thiết lập một
cơ chế có đủ tư cách và thẩm quyền để lãnh đạo quá
trình chuyển tiếp dân chủ.;
- Soạn thảo Hiến Pháp Lâm thời: Hội đồng lập hiến có
nhiệm vụ soạn thảo bản Hiến pháp lâm thời. Sau khi quá
trình này đã thực hiện và được chấp thuận thì Hội đồng
lập Hiến sẽ tự giải tán;
- Tổ chức tuyển cử Quốc gia;
- Tổ chức bầu cử địa phương.
Tất cả những nội dung của phương án trên nhằm tiến tới
mục tiêu chấm dứt tình trạng độc tài toàn trị hiện nay
tại nước ta, thay vào đó là một chính quyền dân cử tự do.
Tiến trình này ngắn hay dài, tốt đẹp hay nhiễu nhương là do
thiện chí của các lực lượng chính trị tại Việt Nam và ý
thức dân chủ của toàn thể nhân dân.
Người dân cần đóng vai trò then chốt để chủ động thực
thi quyền làm chủ xã hội của mình. Điều này giúp giảm
thiểu sự can thiệp quốc tế nếu tình hình chuyển đổi xét
thấy không cần thiết. Ngay từ thời điểm này, người dân
đã có thể bắt tay vào công việc kiến thiết xã hội dân
chủ mà nền tảng là xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh
và đúng nghĩa. Điều vốn bị cấm đoán và làm sai lệch ý
nghĩa của chính quyền độc tài trước đây.
Lộ trình này nhằm thiết lập và đảm bảo việc thực thi
một chế độ dân chủ, tự do đích thực và công bằng. Chúng
ta kiên quyết không chấp nhận một sự thay đổi quyền lực
đơn thuần bằng việc thay thế sự lãnh đạo của đảng Cộng
Sản bằng một đảng hay một liên minh chính trị khác mà không
thông qua một cuộc tổng tuyển cử tự do – dân chủ. Vì chỉ
có một cuộc bầu cử tự do, công bằng mới có thể thiết
lập nên một chính quyền dân cử hợp pháp.
Giải pháp trên đây được nêu ra đã được dự liệu cặn
kẽ tiến trình cách mạng dân chủ sẽ xẩy ra tại Việt Nam
trong trường hợp cấp thiết, đó là sự sụp đổ bất ngờ
và nhanh chóng của đảng Cộng sản thông qua một cuộc chính
biến hay đảo chính quân sự. Tuy nhiên chúng ta sẽ áp dụng
lộ trình này theo diễn tiến và tình hình cụ thể xã hội lúc
bấy giờ. Nhưng một cuộc tổng tuyển cử tự do là con
đường tất yếu phải đi để đưa dân tộc Việt Nam tiến
bước trên con đường dân chủ hóa. Bởi đó là một giải
pháp dân chủ nhằm thực thi quyền bình đẳng và tự do của
người dân.
Sự tự do, dân chủ là mục tiêu của tất cả các tổ chức
đấu tranh cho dân chủ và toàn thể nhân dân Việt Nam. Vì vậy
sự ổn định của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp là
điều kiện quan trọng để thực thi tiến trình dân chủ. Để
làm được điều này, toàn thể nhân dân Việt Nam hãy đoàn
kết cùng với các Tổ chức đấu tranh Dân chủ xây dựng và
xác lập một thể chế dân chủ cho đất nước, tất cả vì
hạnh phúc của toàn dân hôm nay và mai sau. Sự đoàn kết và
chủ động của nhân dân sẽ đưa tình hình đất nước sớm
đi vào ổn định trong tình trạng có biến cố. Vì cuộc cách
mạng dân chủ với đối tượng và mục đích phục vụ cuối
cùng là toàn thể nhân dân Việt Nam, vì sự làm chủ của họ
đối với vận mệnh dân tộc và chính bản thân mình.
<strong>Hoàng Minh</strong> (Hà nội, VN)
(<em>còn tiếp</em>)
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11336), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét