Bùi Tín - Tết Nhâm Thìn: Vài tin vui

<div class="boxleft300"><img
src="http://danluan.org/files/u1/sub02/Reuters%2BBurma%2BAung%2BSan%2BSuu%2BKyi%2B10Jan12%2B480.jpg"
width="480" height="364" alt="Reuters+Burma+Aung+San+Suu+Kyi+10Jan12+480.jpg"
/><div class="textholder">Hình: Reuters</div></div>
Ngày Tết bạn bè gặp nhau thường hỏi: có gì vui? Xin thưa
ngay, vâng, có nhiều niềm vui, vui thật là vui.

Từ Moscow, từ nước Nga vốn thân thiết một thời với Việt
Nam, tin vui mới là hàng trăm ngàn nhân dân các thành phố lớn
xuống đường đòi bầu lại nghị viện Duma, đòi cuộc bầu
tổng thống tháng 3/2012 phải được thực hiện một cách dân
chủ và công bằng, không gian lận. Từ khi Liên Xô tan vỡ, đây
là những cuộc đấu tranh đông đảo, mạnh mẽ và quyết liệt
nhất - nhưng ôn hòa và có trật tự - đòi tự do dân chủ,
với yêu cầu chính là đòi ông Putin rút lui sau 3 nhiệm kỳ làm
tổng thống và thủ tướng, chấm dứt một chế độ độc
đoán. Báo chí Pháp và Hoa Kỳ bình luận rằng những thành tựu
của quá trình dân chủ hóa ở Ðông Âu như Ba lan, Tiệp,
Ðức... và phong trào Mùa Xuân Bắc Phi đã là động lực thúc
đẩy sự bừng tỉnh của con Gấu Liên bang Nga giàu tiềm năng
ở Châu Âu. Nếu có dân chủ thật sự, có xã hội dân sự
trưởng thành, thì Liên bang Nga sẽ là một chuyển biến lớn
rất sâu sắc trên bản đồ chính trị thế giới.

Ở Châu Á, Miến Ðiện vừa có những bước đi khá mạnh theo
hướng dân chủ hóa. Hàng trăm tù nhân chính trị, trong đó có
những nhà lãnh đạo tôn giáo, công đoàn, sinh viên, nhà văn,
nhà báo được tự do. Bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử, Liên minh
toàn quốc vì dân chủ hoạt động công khai. Quan hệ ngoại giao
Miến Ðiện - Hoa Kỳ và Miến Ðiện - Liên Âu được nối
lại. Vị trí Miến Ðiện trong khối Ðông Nam Á được nâng
cao, có tác động quan trọng đến so sánh lực lượng trong
khối Ðông Nam Á. Trong số 10 quốc gia thành viên của ASEAN, đã
có nhiều nước thực hiện dân chủ đa đảng như Thái Lan,
Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia và nay thêm Miến Ðiến;
đây là những nước có tiềm năng kinh tế phát triển mạnh
mẽ nhất.Thế và lực của khối này sẽ khác hẳn. Thế thì
Việt Nam nên ở trong nhóm nào, dân chủ hay độc đoán?

Theo tin từ Washington DC và New Delhi, Hoa Kỳ và Ấn Độ đã
thỏa thuận cùng với chính phủ Nhật Bản chuẩn bị một
cuộc thao diễn hải quân lớn phối hợp giữa 3 nước vào năm
2012, tiêu biểu cho mối liên minh toàn diện Hoa Kỳ - Ấn Độ -
Nhật Bản đang được thắt chặt, trong khi châu Á nổi lên là
khu vực chiến lược trọng điểm của toàn thế giới.

Chỉ 3 tin tức nói trên cũng đủ mang thêm niềm vui sâu đậm
cho hương vị Tết Nhâm Thìn, bánh chưng như ngon hơn, cốc
rượu thêm nồng, cành đào cành mai thêm hương sắc, những
cuộc đàm luận sôi nổi đầu Xuân về các chủ đề này có
tác dụng khơi dậy niềm tin.

Vì 3 tin sốt dẻo trên đều có ảnh hưởng thuận lợi đến
cuộc đấu tranh giành tự do của nhân dân ta, cũng là 3 tin rất
chẳng lành cho thế lực bành trướng Trung Quốc đang bị ngăn
chặn và bị cô lập hơn bao giờ.

Con Gấu Liên bang Nga to lớn ngủ đông lâu ngày đang bừng tỉnh
vươn dậy để sớm hòa nhập trọn vẹn với thế giới dân
chủ, vĩnh biệt những di sản bi thảm của chế độ cộng
sản. Đây là một bước tiến lịch sử, có tác động chính
trị sâu rộng đến đảng cộng sản Việt Nam từng coi Liên Xô
là thần tượng.

Bộ Chính trị và đảng viên đảng cộng sản Việt Nam không
thể không suy nghĩ khi thấy những người cầm quyền cao nhất
ở Miến Điện biết đi những nước cờ quả đoán theo hướng
hòa hợp dân tộc, hòa giải với những người bất đồng
chính kiến, công nhận chính thức và công khai một tổ chức
chính trị từng bị ngăn cấm và giải tán. Nhân dân Miến
Điện ghi công họ đã biết đặt quyền lợi dân tộc lên cao
nhất, bằng hành động chứ không ở đầu lưỡi. Sao người ta
có dũng khí để dám làm việc ích nước lợi dân mà nhà cầm
quyền ở Việt Nam lại không dám làm như họ? Đây là câu hỏi
cay nghiệt sẽ còn chất vấn lương tâm của tổng bí thư và 14
ủy viên Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam, cho đến khi
nào dân chủ thực sự và hòa hợp dân tộc trở thành hiện
thực trên đất nước ta. Tình hình mới ở Miến Điện gần
sát nước ta cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta kiên quyết đòi tự
do và dân chủ trong thời gian sớm nhất, không thể trì hoãn.

Liên minh tay ba Hoa Kỳ - Nhật Bản - Ấn Độ được thắt chặt
là sự tiếp nối của việc củng cố các trục liên minh tay
đôi Hoa Kỳ - Indonesia, Hoa Kỳ - Úc, Hoa Kỳ - Nhật Bản, Hoa Kỳ
- Ấn Độ trong năm qua. Đó là sự hợp tác giữa 3 nước lớn
có tiềm nâng hùng hậu về quân sự, đặc biệt có hải quân
và kỹ thuật công nghiệp về biển rất phát triển. Đúng vào
lúc Trung Quốc công khai mưu đồ phát triển hải quân thành
lực lượng nòng cốt của một cường quốc đại dương, thì
cuộc thao diễn hải quân phối hợp 3 nước trên là sự trả
lời rõ ràng cho mưu toan của Trung Quốc. Vành đai ngăn chặn,
bao vây Trung Quốc đang khép chặt.

Sự kiện trên đây thúc đẩy chính quyền nước ta đáp ứng
gấp sự chìa tay hữu nghị của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn
Độ; sự đáp ứng cần rõ ràng, ngay thật, chân thành, không
thể cứ lấn cấn, nửa vời, dấm dớ như vừa qua. Không thể
vừa bắt tay hẹn hò kết bạn chiến lược và toàn diện với
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ xong lại đi chầu thiên triều, dở
trò bắt tay lắc đi lắc lại hàng chục lần, bá vai bá cổ
hôn hít, rồi xưng tụng nhau đồng chí đồng chóe "Bốn
Tốt" lại còn xoen xoét "16 chữ vàng". Mà ông "Đồng chí
tốt" nhất trên đời này của họ lại đang là đối tượng
chính nguy hiểm nhất mà 3 ông bạn nói trên đang ra sức ngăn
chặn và kiềm chế công khai.

Thử hỏi làm chính trị mà cứ úp mở, không nhất quán, lộ
trò hai mặt như thế thì làm sao tạo được niềm tin trong quan
hệ quốc tế rất phức tạp và tinh tế hiện nay. Ai còn muốn
làm bạn, chưa nói gì đến kết liên minh. Hãy nhìn rộng ra
ngoài. Tại sao Miến Điện dám mạnh dạn nói không với Bắc
Kinh, đình lại việc xây đập khổng lồ Mytsone trị giá hơn 5
tỷ đôla? Tại sao Ấn Độ dám bác bỏ lập tức đe dọa của
Bắc Kinh cấm không được tham gia việc thăm dò và khoan dầu
trong vùng biển quốc tế mà Bắc Kinh nhận xằng là của họ?
Tất cả vấn đề là chọn bạn liên minh tốt đáng tin cậy,
không có dã tâm bành trướng xâm lược. Thời cơ đang thuận
lợi cho sự lựa chọn mới, rõ ràng sòng phẳng. Bộ Chính trị
hãy dựa vào ý chí của nhân dân, có dũng cảm chính trị đi
một nước cờ đối ngoại mới dựa trên quyền tự quyết
thiêng liêng của dân tộc.

Ba tin vui từ Liên bang Nga, Miến Điện, Hoa Kỳ, Nhật Bản và
Ấn Độ chứng minh một nét khởi sắc sang năm mới. Thế giới
đang chuyển động phức tạp nhưng vẫn theo chung một hướng:
hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc, hợp tác quốc tế,
phát triển và phân phối công bằng thành quả phát triển. Đây
là những giá trị và yêu cầu phổ quát của cộng đồng toàn
thế giới ngày nay.

Những khó khăn kinh tế tài chính toàn cầu không làm lu mờ
được nét son tươi đẹp trên đây.

Những tin vui đầu Xuân, vui thật là vui, làm ấm lòng các anh
chị em dân chủ đang bị giam cầm phi lý.

Chúng ta nhớ đến các bạn Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức,
Nguyễn Tiến Trung, Bùi Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn
Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải…cùng nhiều thanh niên Công
giáo đang phải ăn Tết xa gia đình. Mọi người Việt Nam yêu
nước cảm phục luôn nghĩ đến các bạn.

Lời cầu mong khẩn thiết và thiêng liêng đầu Xuân là nhóm
lãnh đạo tự dành quyền cai trị đất nước hãy tỉnh táo
nhận rõ thời cơ mới, nghe cho thật rõ nguyện vọng của nhân
dân, cải cách có hệ thống đường lối cai trị, thực hiện
dân chủ chân thực, hòa nhập trọn vẹn vào thế giới dân
chủ, cùng dân tộc mở ra kỷ nguyên Dân chủ vẻ vang có thực
chất trong lịch sử của nước ta.

Bùi Tín


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11362), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét