Trương Đình Trung - Một vài phản biện về bài Theo Lộ Trình Nga Một Lần Nữa của ông Nguyễn Gia Kiểng

Thật tình tôi không dám có ý phản bác toàn bộ ý kiến trong
bài Theo Lộ Trình Nga Một Lần Nữa? (TLTN) của của ông Nguyễn
Gia Kiểng, bởi vì một cách căn bản tôi đồng ý với ông
Kiểng rằng Việt Nam chúng ta không thể đi theo lộ trình của
người Nga hiện nay. Nhưng vì sự đồng ý ấy của tôi lại
xuất phát từ một lý do khác, đơn giản và tổng quát hơn,
nên sau đây tôi xin được trình bày vắn tắt những khác biệt
ấy để rộng đường dư luận về đề tài khá thích thú này
mà ông Kiểng đã đưa ra.
<div class="special_quote"><strong>Tin liên quan:</strong>

<ul>
<li><a href="http://danluan.org/node/10954">Nguyễn Gia Kiểng - Theo lộ
trình Nga một lần nữa?</a></li>
</ul></div>

Trước hết, xin tạm gác lại nhận định về <em>"Công thức
Putin đang phá sản"</em> của báo TQ số 125, sẽ bàn sau, trong
một dịp khác, để xem thế nào là <em>"Công thức Putin"</em> và
có thật sự công thức đó có <em>"đang phá sản"</em> không. Ở
đây chỉ xin đi vào từng điểm trong bài TLTN.

Trong đoạn đầu ông Kiểng viết rằng: <em>"Việt Nam càng ngày
càng có dấu hiệu tiến gần đến mô hình Nga"</em>. Thú thật
câu đó không thuyết phục tôi, hay nói nôm na như người Mỹ
là <em>"I don't buy it"</em>. Không hiểu ông Kiểng đã căn cứ vào
thực tế phát triển nào của hai nước Nga - Việt trong những
năm qua để đi đến một nhận định có tính chất khẳng
định như đinh đóng vậy. Không hiểu những <em>"dấu
hiệu"</em> mà ông Kiểng nói đó là những <em>"dấu hiệu"</em>
nào. Nếu hiểu <em>"mô hình Nga"</em> của ông Kiểng là cơ cấu
chính trị - kinh tế của nước Nga từ năm 1991 đến nay thì mô
hình đó, một cách đại thể, có những điểm chính như:
đảng CS không còn cầm quyền, mà chỉ còn là một chính đảng
thông thường, chiếm cao nhất được chừng 17% số phiếu trong
kỳ bầu cử vừa qua. Nga theo Tổng Thống Chế, có tự do báo
chí, tuyển cử theo hệ thống đa đảng, theo kinh tế thị
trường, vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh không
còn.v.v... Trong khi đó thì Việt nam, chính danh vẫn là một
nước theo chế độ CS, đảng CSVN độc quyền lãnh đạo, kinh
tế thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa,
kinh tế quốc doanh vẫn là chủ đạo.v.v... So sánh tổng quát
như vậy thì chẳng thấy ở đâu <em>"dấu hiệu"</em> của Việt
Nam đang tiến gần đến mô hình Nga cả. Người đọc như tôi
không tránh khỏi nghĩ rằng ông Kiểng, có lẽ, đã <em>"chỉ
kết luận trên một cảm giác"</em>!

Kế đến, khi đề cập đến lịch sử hình thành nước Nga,
ông Kiểng đã tỏ ra có định kiến, không giữ được thái
độ khách quan cần thiết khi nhận định về nước Nga: người
dân, lịch sử và văn hóa. Chẳng hạn Ông viết, trong một
đoạn (paragraph) trường thiên, rằng <em>"một nước thường có
nhiều chủng tộc khác nhau, với những ngôn ngữ và phong tục
khác và không hội nhập được với nhau, có khi còn thù ghét
nhau."</em>, hoặc <em>"Các quốc gia ở đây không phải là những
quốc gia như người ta thường hiểu, nghĩa là một tập thể
những con người nhiều hay ít chia sẻ cùng một ngôn ngữ, một
văn hoá, và một lịch sử"</em>. Những nhận định đó được
ông Kiểng dùng để nói về nước Nga, ám chỉ rằng sự hình
thành quốc gia Nga chẳng có gì tốt đẹp. Nhưng trình bày như
vậy, ông Kiểng quên rằng không chỉ nước Nga là quốc gia duy
nhất chịu tình trạng đó, mà nhiều quốc gia hiện đại khác
cũng có tình trạng tương tự, như các quốc gia Ả Rập ở
Trung Đông chẳng hạn là nơi mà sự phân chia ranh giới quốc
gia là rất tuỳ tiện, hoặc như Thuỵ Sĩ, Malysia.v.v.... Đáng
nói nhất là Mỹ, một quốc gia hỗn chủng nổi tiếng, ở đó
các sắc dân tứ phương, có nguồn gốc lịch sử, văn hoá khác
biệt chung sống với nhau. Điều đó có nghĩa rằng sự ám chỉ
của ông Kiểng về nguồn gốc hình thành không mấy tốt đẹp
của nước Nga rõ ràng nặng tính chất thiên vị, không khách
quan.

Cũng trong paragraph trường thiên đó, ông Kiểng, để nêu lên
một khía cạnh xấu khác của nước Nga, đã cho rằng:
<em>"việc Nga tấn công Georgia không thể nhân danh một chính
nghĩa nào - thí dụ như một tình cảm dân tộc hay một chủ
quyền lịch sử-ngoài ý đồ bá quyền khu vực"</em>, và Ông cho
rằng dân cư hai lãnh thổ tự trị Abkhazia và South Ossetia
<em>"không phải là dân Nga, người Nga hầu như không có"</em>.
Việc người Nga có hay không, đông hay ít ở hai tỉnh tự trị
đó, thiết nghĩ không quan trọng và cũng dễ xác nhận thực
hư. Nhưng còn việc Nga tấn công Georgia mà không <em>"nhân danh
được một chính nghĩa nào"</em> cũng chỉ là một việc bình
thường, bởi vì cũng như Mỹ tấn công Iraq, hay khối NATO do
Mỹ lãnh đạo không tập, và lén đưa chuyên viên - vũ khí vào
Libya để lật đổ Gadhafi vậy, người sáng suốt có ai màng
đem vấn đề chính nghĩa ra mà bàn đâu, người ta đều hiểu
rằng trong chính trị quốc tế chỉ có những ai ngây thơ, hay
yếu thế, mới bám víu vào công lý, còn kẻ mạnh và cường
quốc thì chỉ tin vào sức mạnh và khả năng áp dụng vũ lực
cho việc thành đạt mục tiêu của mình mà thôi. Chưa kể là
trên thực tế, Georgia do TT Saakashvili lãnh đạo, đã do cậy
trông quá nhiều vào sự hậu thuẫn của Mỹ, ỷ lại rằng
Georgia đã gởi 2000 quân tham chiến ở Iraq, nên chủ động tấn
công vào Nam Ossetia trước, giết hại hàng ngàn thường dân,
trong đó có nhiều công dân Nga, và giúp cho chính phủ Nga có lý
cớ để xua quân qua đánh trả. Về mặt này thì dường như, do
thiên kiến, ông Kiểng đã không trình bày đầy đủ sự thật
như đã xảy ra, rằng Georgia, do tính toán sai lầm, đã vô tình
trở thành con chốt thí trong tay siêu cường trên bàn cờ quốc
tế. Đáng ra ông Kiểng nên khách quan tường trình sự thật,
giúp giới lãnh đạo các quốc gia nhỏ yếu rút ra bài học là
đừng quá trông mong vào những cam kết suông của siêu cường
mà có lúc mang hoạ, như VNCH trước đây từng phú thác vận
mệnh mình vào tay Mỹ; đừng vội tin rằng hễ nước mình bắt
tay thực hiện Dân Chủ <em>"một cách thực sự và quả
quyết"</em> là ngay tức khắc sẽ đương nhiên trở thành đồng
minh của cường quôc lãnh đạo thế giới tự do và được
bảo vệ khỏi mọi hiểm hoạ ngoại xâm. Georgia của Saakashvili,
mặc cho mọi cam kết suông của Mỹ, đã bị quân Nga đập phá
tan hoang, trong khi chính phủ Bush, và khối NATO, chỉ phản đối
bằng... miệng! Đơn giản chỉ vì Saakashvili, tuy tốt nghiệp
Luật ở Mỹ, đã quên một điểm hết sức sơ đẳng rằng
nền tảng của bang giao quốc tế không phải là lý tưởng hay
đạo đức, mà chỉ có quyền lợi quốc gia. Nước Mỹ sẽ
không đổ xương máu ra để bảo vệ một nước Georgia nhỏ
bé, xa xôi chỉ vì Georgia là quốc gia Dân Chủ, mà chỉ can
thiệp khi Georgia, bất kỳ thuộc chính thể nào, hứa hẹn đem
lại những lợi ích quốc gia cho Mỹ lớn hơn hậu quả gây ra
do một sự can thiệp như vậy.

Ở những đoạn kế tiếp, ông Kiểng tiếp tục phê phán cá
nhân ông Putin và chế độ chính trị hiện nay của nước Nga.
Bản thân tôi rất mong đợi có những phân tích sâu sắc, với
chứng liệu cụ thể và lối lập luận vững chắc về hiện
tình nước Nga để có thể học hỏi thêm được thực chất
của những diễn biến đã xảy ra tại một cường quốc quan
trọng của thế giới trong suốt mấy thập niên qua kể từ
ngày chế độ cộng sản ở đó sụp đổ. Tiếc rằng, cũng
như những đoạn trước, ông Kiểng với thái độ chủ quan,
thiên vị như cũ, đã chỉ liên tiếp đưa ra những lời công
kích mà không hề trưng dẩn lấy được số liệu hay chứng
cứ nghiên cứu có giá trị nào về thực trạng các mặt của
xã hội Nga để chứng minh, hay chí ít support cho sự công kích
của Ông. Chứng cứ nhiều nhất mà ông Kiểng có liên quan
đến nhân thân của Putin là việc Putin là cựu sĩ quan tình báo
cao cấp dưới thời CS. Còn lại những điều như Đảng Nước
Nga Thống Nhất của Putin, tham nhũng và cướp bóc gấp nhiều
lần đám CS trước kia, hay tài sản của Putin đến 40 tỉ
dollars, hoặc chế độ Dân Chủ ở Nga hiện nay là chế độ
trong đó băng đảng xã hội đen trở thành cánh tay nối dài
của nhà nước, một chế độ DC đạo tặc, v.v...Tất cả
những phê phán đó, ông Kiểng đã toàn đưa ra dưới dạng
statements, lập lại luận điệu của giới truyền thông Âu -
Mỹ, mà không trưng dẩn lấy bất kỳ một số liệu hay nguồn
tin nào để support hết. Có thể nói rằng ông Kiểng đã tin
tưởng mạnh mẽ rằng nước Nga trước đây là xấu, thời CS
cũng xấu, và hiện nay cũng xấu luôn,không có gì đáng cho
người Việt Nam chúng ta noi theo cả. Phải nói rằng Ông đã
tuyên xưng đức tin của Ông về tình hình nước Nga khá mạnh
mẽ; giống như một tín hữu vậy, Ông không thấy cần thiết
chứng minh điều mình tuyên xưng, cứ viết ra là đủ rồi!

Nhưng độc giả, sau khi đọc những khẳng định trên của ông
Kiểng, chắc sẽ trở nên lúng túng khi đọc từ những nguồn
khác, những nguồn tương đối đứng đắn, về tình hình
nước Nga, kể từ năm 1991, đến nay. Nhìn chung thì thông tin
từ những nguồn đó cho thấy tình hình của nước Nga không
phải là hoàn toàn tồi tệ như ông Kiểng khẳng định, xét
về mức độ xây dựng Dân Chủ và cải thiện kinh tế.

Về chính trị, một cách tổng quát, việc chuyển từ một chế
độ độc tài, do đảng CS cầm quyền,qua một chế độ đa
đảng và phân quyền, tuy chưa đạt được mức độ cao như
các quốc gia Âu - Mỹ, chắc chắn phải được đánh giá, một
cách công bằng, là một bước tiến lớn, nếu không nói là
rất lớn, so với những quốc gia trước đó thuộc khối CS,
như so với Trung Quốc và Việt Nam chẳng hạn.

Nói đến Dân Chủ thì một trong những sinh hoạt quan trọng
luôn được chú ý là sự tuyển cử. Về mặt này thì nước
Nga đã có những tiến bộ đáng kể. Kết quả tuyển cử vào
viện Duma tháng 12/2003 cho thấy rằng nước Nga có nhiều chính
đảng tham gia, trong đó đảng CS chỉ đứng ở hàng thứ 2 và
chỉ chiếm được 52 ghế trên tổng số 450 ghế của Viện.
Chỉ nội một kết quả đó thôi cũng đủ để thấy rằng VN
chẳng có được "dấu hiệu" gì tiến gần đến mô hình Nga
cả.

<h2><center>Table 1. Kết quả bầu cử Viện Duma tháng
12/2003</center></h2>

<center><table>
<tr>
<td>
Chính Đảng</td>
<td>% Vote List</td>
<td>Tổng số ghế</td>
</tr>
<tr>
<td>United Russia</td>
<td>37.57</td>
<td>224</td>
</tr>
<tr>
<td>Communist</td>
<td>12.61</td>
<td>52</td>
</tr>
<tr>
<td>Motherland</td>
<td>9.02 </td>
<td>36</td>
</tr>
<tr>
<td>Liberal Democratic </td>
<td>11.45 </td>
<td>36</td>
</tr>
<tr>
<td>Independents </td>
<td>Unknown </td>
<td>32</td>
</tr>
<tr>
<td>
Other parties </td>
<td>24.65 </td>
<td>67</td>
</tr>
<tr>
<td>Total </td>
<td>100% </td>
<td>450</td>
</tr>
</table></center>

<center><em>Nguồn: Trích từ CRS Report for US Congress năm
2006</em></center>

Ngoài ra, cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2008 của Nga cũng tỏ ra
có những chỉ dấu rất tích cực của nền Dân Chủ đang còn
phôi thai của nó. Đó là bách phân cử tri tham gia đầu phiếu
(voter turnout) khá cao so với các nước Dân Chủ tiên tiến khác;
bách phân của Nga hơn hẳn bách phân tham gia bầu cử của Mỹ
cùng trong năm đó: Ở Nga có đến 69% ; trong lúc ở Mỹ chỉ có
56.8% . Điều đó cho thấy rằng công dân Nga đã thể hiện ý
thức Dân Chủ và tích cực thực hiện quyền đầu phiếu của
mình. Sự thể hiện ý thức đó của cử tri, cộng với cơ
cấu chính đảng hiện nay trong sinh hoạt bầu bán ở Nga, diễn
đạt mạnh mẽ sự tiến bộ đáng kể của nước Nga trong quá
trình xây dựng Dân Chủ.

Trong những ngày này dư luận, do hệ thống truyền thông của
Mỹ tạo ra, đã dựa vào kết quả bầu cử viện Duma hôm 4/12
và vào những cuộc biểu tình trên nhiều thành phố ở Nga,
đưa ra một số dự đoán tiêu cực về tương lai chính trị
của ông Putin, và phê phán đường lối lãnh đạo của ông ta
và chế độ Dân Chủ của Nga. Kết quả cuộc bầu cử ấy
được tóm tắt theo bảng sau đây:

<center><h2>Table 2.- Kết quả bầu cử Viện Duma
4/12/2011</h2></center>

<center><table>
<tr>
<td>Chính đảng </td>
<td>Seats (Số ghế)</td>
<td>% số phiếu</td>
</tr>
<tr>
<td>United Russia </td>
<td>238 </td>
<td>49.5%</td>
</tr>
<tr>
<td>Communist (CPRF)</td>
<td>92 </td>
<td>19.16%</td>
</tr>
<tr>
<td>Liberal Democratic </td>
<td>56</td>
<td>11.66%</td>
</tr>
<tr>
<td>A Just Russia </td>
<td>64 </td>
<td>13.22%</td>
</tr>
<tr>
<td>Yabloko </td>
<td>0 </td>
<td>3.3%</td>
</tr>
<tr>
<td>Các đảng nhỏ khác </td>
<td>0 </td>
<td>1.6%</td>
</tr>
<tr>
<td>Tổng cộng </td>
<td>450 </td>
<td>100%</td>
</tr>
</table></center>

Kết quả trên cho thấy rằng đảng United Russia của Putin vẫn
tiếp tục chiếm đa số ở viện Duma, tuy không còn giữ được
đa số 2/3 như trước; trong khi đó đảng Cộng Sản lại chiếm
thêm nhiều ghế hơn, còn đảng Liberal Democratic lại tỏ ra sa
sút. Và tuy đảng Cộng Sản chiếm thêm 35 ghế, nhưng đảng
đó không đòi hỏi sự phục hồi các điều kiện độc tài
của thời Soviet, mà chỉ tập trung vào những đòi hỏi về an
sinh xã hội, hưu bổng và tái quốc hữu hoá một số lãnh vực
của nền kinh tế. Riêng đảng A Just Russia thì lại là một
đảng thân chính quyền. Ngoài ra, một số chính đảng nhỏ
biến mất trên chính trường, thay thế bằng những đảng mới.
Những biến thiên trong kết quả bầu cử của các giai đoạn,
cũng như sự hình thành hay mất đi một chính đảng do sự thay
đổi của tình hình kinh tế - chính trị của các giai đoạn
đó, là một điều bình thường và là triệu chứng lành mạnh
của một nền Dân Chủ đang tiếp tục phát triển.

Chỉ dựa trên sinh hoạt bầu bán mà xét một cách khách quan,
có lưu ý đến quá khứ lịch sử, thì phải thừa nhận rằng
người dân Nga đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây
dựng DC, dần dần đi vào nề nếp sinh hoạt của một quốc gia
DC bình thường như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tiến
bộ đó cho thấy rằng nước Nga hiện nay không quá xấu như
ông Kiểng liên tiếp khẳng định trong bài viết của mình.
Trái lại những biến chuyển ở đó đáng cho chúng ta theo dõi,
quan sát và học hỏi. Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là
Việt Nam nên rập theo khuôn mẫu của Nga.

Việc giới truyền thông Âu - Mỹ cứ tìm cách công kích chính
tình nước Nga có những lý do chính trị quốc tế riêng của
nó, chứ không hẳn là xuất phát từ những nhận định khách
quan mang tính xây dựng. Xin mở ngoặc ở đây là nhiều người
trong chúng ta vẫn luôn giả định (assume) về sự trung thực
của truyền thông Tây Phương, và vì vậy hay nhắm mắt nghe
theo. Những công kích đó không giúp ích cho người Việt Nam
chúng ta trong việc tìm hiểu sự thật về nổ lực xây dựng DC
của nước Nga. Tiếc rằng nhiều người VN, cả ở trong Nước
lẫn ở hải ngoại, vẫn còn nặng mang não trạng của thời
chíến tranh lạnh (The Cold War mentality), bị chi phối bởi định
kiến rằng ngoài Tây Phương, Âu - Mỹ ra, không dân tộc nào có
chế độ chính trị tốt, kể cả những dân tộc lớn, như dân
Nga, vốn đã cống hiến nhiều nhân tài lừng lẫy cho nhân
loại trong các lãnh vực văn học (Leon Tolstoy, Ivan Turgenev,
Solzhenitsyn...), khoa học - kỹ thuật (Pavlov, Mendeleev...), âm
nhạc (Tchaikovsky, Vavilov...), điêu khắc (M. Antokolsky...) , v.v...

Những ai theo dõi tình hình Nga đều nhớ rằng cũng chính giới
truyền thông Tây Phương trước đây đã không ngớt lời tán
tụng dành cho Boris Yeltsin, mặc dầu chính dưới thời của
Yeltsin mà đặc quyền của giới Oligarch Nga lên đến mức cao
nhất, và mức độ thối nát là vô cùng trầm trọng, nếu
không nói là tệ hại hơn những năm sau này dưới thời Putin
và Medvedev. Chính Borsi Yeltsin đã dùng tiền ủng hộ của các
Oligarch để tạo ra gian lận trong các cuộc bầu cử. Sự thối
nát của tập đoàn Yeltsin đã bị ứng cử viên đảng CS, ông
Gennady Zyuganov, trong cuộc bầu cử hồi năm 1996 vạch trần.
Cũng chính dưới thời Boris Yeltsin mà nguồn tài nguyên dầu
hoả và khí đốt của Nga đã bị tư bản Tây Phương thao túng,
và vùng ảnh hưởng của Nga bị khối NATO thu hẹp dần. Có lẽ
đó là lý do khiến truyền thông Tây Phương đã ca ngợi Yeltsin!

Trong một đoạn văn khác, ông Kiểng đã viết nguyên văn:
<em>"Trong suốt bốn thế kỷ rưỡi, từ đầu thế kỷ 16 đến
thế chiến II người phương Tây đã là những kẻ xâm lược
ức hiếp, dầy xéo và làm nhục phần còn lại của thế giới.
Chỉ từ cuối thập niên 1970 trở đi, sau một giai đoạn
chuyển tiếp kéo dài hơn ba thập niên và chủ yếu là nhờ
chính sự trỗi dậy phản kháng của thế giới, họ mới trở
thành khối chuyên chở những giá trị dân chủ, nhân quyền,
hợp tác và thị trường."</em> Đó là một câu rất đáng chú
ý vì hai điểm. Thứ nhất là nó nêu lên thắc mắc tại sao sau
<em>"bốn thế kỷ rưỡi"</em> xâm lăng, bóc lột Á - Phi và Mỹ
Latin tàn tệ, mà rồi đùng một cái, chỉ vì sự trỗi dậy
phản kháng trong vòng có mấy mươi năm của thế giới, từ
thập niên 1970 đến nay người Phương Tây lại trở thành kẻ
chuyên chở những giá trị dân chủ, nhân quyền,hợp tác và
thị trường. Thứ hai là ông Kiểng đã có chủ ý gì khi viết
ra câu đó sau khi đã dùng cả một đoạn rất dài để chê bai
nước Nga và tình hình chính trị ở đó hiện nay.

Cho rằng <em>"nhờ chính sự trỗi dậy phản kháng của thế
giới"</em> mà người Tây Phương thay đổi hành vi thống trị
của họ thì chắc chắn là không đúng, bởi lẽ không có phép
lạ nào của Chúa hoặc của Phật có thể giúp kẻ chuyên đi
ăn cướp lại tức thời "<em>đốn ngộ"</em> mà buông dao đồ
tể cả. Hình thái bên ngoài có thể thay đổi, nhưng bản chất
của kẻ mạnh lấn hiếp kẻ yếu thì vẫn nguyên vẹn. Phương
thức của những thuyền chiến nổ đại bác thị uy bắt
người ta phải mở cửa giao thương, hay mang quân và quan cai
trị đến chiếm cứ xứ người để khai thác tài nguyên nhân
lực phục vụ cho sự phát triển kỹ nghệ mẫu quốc đã không
còn. Nhưng điều ấy không có nghĩa là Phương Tây đã trở nên
nhân đạo hơn, tôn trọng nhân quyền hơn trước. Tất nhiên
sự phản kháng của kẻ bị áp bức có vai trò của nó. Nhưng
chính yếu là vì có những phương thức mới tinh vi hơn, với
hiệu năng cao hơn thay thế cho những phương thức đã cũ, không
còn thích hợp. Việc đem quân chiếm đóng, cử người cai trị,
là rất tốn kém; ngay cả với chế độ thuộc điạ hiệu năng
cao nhất như của Anh Quốc: chỉ cần 100,000 quân sĩ và viên
chức, mà cai trị được cả một Ấn Độ đông đến 300
triệu, cũng không còn được xem là phương thức tối ưu. Bằng
cách nào mà không cần chiếm đóng, nhưng vẫn khai thác được
tài nguyên - nhân lực của nước khác phục vụ cho nền kinh
tế của chính quốc thì đó mới là giải pháp cao nhất. Đó
chính tư tưởng nền tảng làm xuất phát điểm cho sự ra đời
một trật tự thế giới mới, thay cho chế độ thuộc địa cũ
trước Đệ Nhị Thế Chiến.

Thử nhìn về Việt Namthôi sẽ thấy sự thay đổi vưà nêu.
Mỹ không cần phải chiếm đóng Việt Nam, nhưng dầu thô, hải
sản, lâm sản của Việt Nam, do người Việt Nam khai thác, vẫn
bằng cách này hay cách khác tuôn vào thị trường của Mỹ,
phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ ở đó. Không cần có đốc công
Mỹ, người thợ may Việt Nam vẫn cần cù ngày đêm may những
bộ áo quần thật đẹp cho người dân Mỹ, đổi lấy những
đồng tiền công ít ỏi. Đã vậy, người Việt Nam còn cảm
thấy sung sướng được bán hàng vào nước Mỹ, cảm thấy
hảnh diện rằng càng ngày nước mình càng có quan hệ kinh tế
chặt chẻ hơn, khối lượng mậu dịch gia tăng, càng bán
được nhiều cho Mỹ, mà mua về thì ít. Nhưng có lẽ không
mấy ai đặt ra câu hỏi rằng, trong mối quan hệ mậu dịch Mỹ
- Việt ấy, như với dầu thô chẳng hạn, ai là kẻ định giá,
hoặc có thật sự là <em>"thuận mua, vừa bán"</em> chăng, hay là
có một cơ chế định giá phức tạp mà ở đó phía Việt Nam,
tuy có sự <em>"lãnh đạo tài tình của Đảng bách chiến"</em>,
vẫn chỉ đóng vai phụ thuộc? Để suy tư thêm về vấn đề
đó xin lưu ý rằng dollars là tiền tệ quốc tế, dù rằng chế
độ kim bản vị (giá dollar căn cứ trên vàng) đã không còn,
và mọi quốc gia trên thế giới, kể cả VN, đều luôn luôn
dự trữ một lượng lớn dollars trong ngân hàng trung ương của
mình, xem đó không khác gì vàng; hơn nữa có những hàng hoá,
như dầu hỏa chẳng hạn, bị bắt buộc phải bán và mua bằng
dollars, không mua được bằng bất kỳ một loại tiền tệ nào
khác. Ngoài ra, bốn chữ <em>"tiền tệ quốc tế"</em>, còn có
nghĩa rằng hầu hết mọi giao dịch, thanh toán quốc tế: vay
nợ, trả nợ, mua bán, v.v... đều bằng dollars.Và khỏi nói ai
cũng biết Mỹ là quốc gia có toàn quyền in thêm dollars; nghĩa
là có quyền làm giảm giá trị số lượng dự trữ ngoại hối
của mọi quốc gia trên thế giới! Như vậy quyền lực tài
chánh thuộc về ai thì đã rõ. Và quyền lực tài chánh ấy,
cùng với cơ chế gồm 3 trụ cột: IMF, World Bank, và WTO, chính
là phương thức tối ưu hiện đại thay thế cho chế độ
thuộc địa xưa cũ kia. Thiết nghĩ việc tìm hiểu sâu hơn về
ba định chế quốc tế đó là đề tài đáng cho các bạn trẻ
trong Nước quan tâm nghiên cứu để có một cái nhìn đúng
đắn hơn về chính trị quốc tế.

Trình bày những điểm như trên, một cách sơ lược, để thấy
rằng nhận định của ông Kiểng rằng <em>"nhờ chính sự trỗi
dậy phản kháng của thế giới"</em> mà Tây Phương thay đổi
hành vi thống trị thế giới là không chính xác; có vẻ như
Ông đã lờ đi mặt tiêu cực nhất, mặt thống trị, của Tây
Phương để dễ dàng hơn cho Ông trong việc ca tụng và đề cao
vai trò " chuyên chở những giá trị Dân Chủ, nhân quyền, hợp
tác và thị trường" của khối các quốc gia đó. Thật ra, Tây
Phương đã xây dựng chế độ Dân Chủ trong nội bộ mỗi
nước của họ đồng thời với việc xâm chiếm thị trường
ở Á - Phi và Mỹ Latin để phát triển kỹ nghệ. Nghĩa là một
mặt Tây Phương xây dựng Dân Chủ, nhân quyền cho dân của
họ, nhưng lại cùng lúc bóp chết DC và chà đạp nhân quyền
của dân thuộc điạ.

Đến đây có lẽ chúng ta đã hiểu được lý do của những
phê phán ông Kiểng viết dành cho chế độ Dân Chủ ở Nga
hiện nay. Mục đích duy nhất của sự phê phán đó là để
củng cố cho sự tán tụng Tây Phương như là mẫu mực của
Dân Chủ và Nhân quyền, và chính yếu là để chứng minh cho
luận điểm toàn bài viết của Ông: Việt Nam không nên noi theo
mẫu mực Dân Chủ của Nga!

Trước khi bàn tiếp về một đoạn quan trọng khác trong bài
viết của ông Kiểng xin đề cập một chi tiết nhỏ ở câu
ông Kiểng viết rằng: <em>"Trước Thế Chiến II chúng ta ở
một mức độ phát triển tương đương với Hàn Quốc và Thái
Lan và hơn hẳn Mã Lai"</em>. Điểm đáng thắc mắc là trước
Thế Chiến II thì VN chúng ta là một thuộc điạ của Pháp,
chứ không là một nước độc lập như Thái Lan, vậy thì làm
thế nào để xác định mức phát triển kinh tế của tình
trạng lệ thuộc đó. Và nếu nói như vậy thì sự độc lập
của Thái Lan lại chẳng có ý nghĩa gì hơn một Việt Nam thuộc
địa sao? Và không hiểu ông Kiểng đã dùng chữ Phát triển ở
đây theo nghĩa nào? Hơn nữa, ở đây một lần nữa ông Kiểng
cũng đã chỉ nhận định mà không có chứng liệu gì đi kèm.

Trong một đoạn khác, ông Kiểng đã khẳng định một điều
rất thú vị; đó là Ông cho rằng so với TQ và Nga thì
<em>"Việt Namcó thể trở thành một nước DC đúng nghĩa"</em>,
nhưng <em>"Nga cũng như TQ có rất nhiều khả năng sẽ tan vỡ
nếu dân chủ hoá thực sự"</em>. Nếu đúng như vậy, thì không
hiểu tại sao chúng ta lạ mất thì giờ phê phán chế độ Dân
Chủ của Nga hiện nay? Bởi vì nếu Nga sẽ bị tan vỡ nếu đi
vào Dân Chủ hoá thật sự thì đúng rồi tốt nhất họ đừng
có bày đặt đa đảng và bầu bán làm gì cho mất công, cứ
trở lại thời CS Soviet không hay hơn sao? Và cả Trung Quốc cũng
vậy, nếu nhận định của ông Kiểng là đúng thì không trách
đảng CSTQ, và cả nhân dân TQ, cứ cố sống cố chết bám theo
chế độ toàn trị. Với khẳng định như vậy, ông Kiểng đã
vô tình bào chữa cho chế độ hiện thời ở Trung Quốc. Điều
này thật khó hiểu đối với tôi, một độc giả trung bình.

Cũng cùng trong đoạn đó, ông Kiểng nêu lên những điều kiện
thuận lợi của Việt Nam trong việc xây dựng Dân Chủ. Trước
hết Ông nêu lên yếu tố về thuần nhất ngôn ngữ và văn
hoá. Đúng là Việt Nam chúng ta có ưu điểm về đồng nhất
ngôn ngữ. Nhưng còn về văn hoá, một yếu tố quan trọng nhất
trong sự định hình một nền Dân Chủ, thì có nhiều điểm
phải bàn. Cho đến nay người Việt Nam chúng ta dường như chưa
có những thảo luận, nghiên cứu kỹ càng về mối tương quan
giữa Văn hoá - Dân Chủ. Ở Á Châu, người nêu lên mối tương
quan Văn hoá - Dân Chủ được biết đến nhiều là ông Lý Quang
Diệu. Một số tác giả Tây Phương đã không đồng ý với ông
Diệu, cho rằng Ông đã dùng đặc trưng văn hoá Trung Hoa để
bào chửa cho một số bất cập trong nền DC của Singapore. Tóm
lại tương quan văn Văn hoá - Dân Chủ là một đề tài lớn
vượt rất xa khuôn khổ kiến thức của một cá nhân, một bài
viết; nhưng một cách vắn tắt, dựa vào kinh nghiệm của Miền
Nam trước đây cũng như sinh hoạt của cộng đồng người
Việt trên đất Mỹ, thì văn hoá Việt Nam e rằng chính là một
trong những trở ngại cho tiến độ của quá trình xây dựng
Dân Chủ, chứ không là một thuận lợi như ông Kiểng đã
khẳng định.

Sự khẳng định của ông Kiểng rằng Việt Nam chúng ta đã
<em>"tiếp xúc nhiều và lâu với các nước Dân Chủ lớn"</em>
và <em>"đã có kinh nghiệm Dân Chủ"</em> và xem đó như những
thuận lợi nghe có vẻ như <em>"chỉ kết luận trên một cảm
giác"</em> hơn là những luận cứ được chứng minh vững vàng,
có sức thuyết phục. Vắn tắt thì chúng ta đã bị Pháp đô
hộ trong hơn 80 năm, và có lẽ không ai nghĩ rằng thời kỳ
thuộc điạ đó có thể giúp dân ta học hỏi được gì về
Dân Chủ, dù rằng người Phú-Lang-Sa đã không ngớt tuyên
truyền về công lao <em>"khai hóa"</em> của họ dành cho đám
An-nam-mit. Còn người Mỹ thì đã đến Miền Nam trong tình
trạng chiến tranh, họ cũng không dạy cho chúng ta bao nhiêu về
DC nhiều hơn là dạy đảo chánh và ám sát lãnh tụ, sau đó là
cách mua phiếu <em>"thân chính"</em> và thực hiện việc <em>"Mỹ
cử, dân bầu"</em> (Hội Đồng Quân Lực đã phải tham khảo ý
kiến của các giới chức Mỹ trong việc nên chọn ai trong hai
người Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ ra ứng cử Tổng
Thống) không khác gì kiểu <em>"Đảng cử, dân bầu"</em> hiện
nay, rồi cuối cùng thì <em>"Đồng Minh tháo chạy"</em>. À quên
người Mỹ có giúp chúng ta sao chép hiến pháp của họ với
Lưỡng viện Quốc Hội, Tối Cao Pháp Viện, và Tổng Thống;
tiếc rằng chúng ta đã sao chép nguyên xi cơ cấu đó mà không
chú ý gì đến những khác biệt về địa lý, lịch sử, văn
hoá của hai quốc gia: Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa cả!

Tóm lại, mặc dù với những điểm bất đồng được trình
bày ở trên, tổng quát tôi đồng ý với ông Kiểng rằng Việt
Nam chúng ta không thể "noi theo lộ trình Nga một lần nữa"
được. Nhưng lý do của tôi về sự không thể noi theo lộ
trình của Nga trong việc xây dựng Dân Chủ không phải là vì
cho rằng mô hình Dân Chủ của Nga thì xấu, không bằng mô hình
Dân Chủ của Tây Phưong, nhưngchỉ đơn giản như sau.

Trước hết, chúng ta không thể noi theo Nga vì giữa Việt Nam và
Nga có quá nhiều khác biệt về văn hoá, lịch sử, địa lý,
trình độ khoa học kỹ thuật và mức độ phát triển kinh tế.
Chúng ta có thể quan sát, theo dõi và rút tiả kinh nghiệm từ
người Nga, nhưng do những khác biệt vừa nói, quá trình xây
dựng Dân Chủ của Việt Nam chắc chắn sẽ không giống với
của Nga. Mặt khác, Tây Phương tuy có lịch sử Dân Chủ lâu
dài, cũng không giúp cung cấp cho VN một khuôn mẫu Dân Chủ
để rập theo. Vắn tắt thì nền Dân Chủ của một quốc gia
là nét đặc thù của quốc gia đó, kết tinh do mối tương quan
của các yếu tố văn hoá, lịch sử, địa lý, kinh tế, tâm
lý, dân số và bối cảnh chính trị quốc tế của từng thời
kỳ nhất định. Do sự khác biệt giữa các quốc gia về những
yếu tố định hình Dân Chủ ấy, sẽ không có hai nền Dân
Chủ hoàn toàn giống nhau ở hai quốc gia khác nhau; ngay cả khi
hai quốc gia đó cùng ở chung trên một lục điạ và chia sẻ
biên giới với nhau. Vì vậy, việc mong đợi để noi theo một
mô hình Dân Chủ nào đó làm mẫu mực cho việc xây dựng Dân
Chủ cho quốc gia mình là điều không thực tế. Mỗi dân tộc,
mỗi quốc gia phải tự mình kiến tạo riêng nền Dân Chủ cho
mình, dựa trên chính những đặc điểm văn hoá, lịch sử,
điạ lý, và kinh tế của mình.

Đó là lý do khiến tôi đồng ý với ông Kiểng rằng chúng ta
không nên theo lộ trình Nga một lần nữa.

Sunnyvale, 22/12/2011

<strong>Trương Đình Trung</strong>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11012), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét