Huy Đức - Gửi Tuổi Trẻ (II)

Số người phản đối bài "Gửi Tuổi Trẻ" không nhiều
như tôi tiên liệu. Khi xưa, làm báo Nhà nước, đương đầu
với ban biên tập với tuyên giáo để đưa được những điều
mà mình tin là sự thật đến với người đọc. Giờ đây, khi
viết blog, cũng không phải là không có những e ngại khi nói ra
những điều mình nghĩ khác với cách nghĩ, mà báo Tuổi Trẻ
cho biết, là của số đông.

Nhưng, có lẽ do tôi khá vội - "Gửi Tuổi Trẻ" được
viết lúc 0 giờ ngày 23-10-2011 ngay sau khi đọc bài "Tinh thần
Đinh La Thăng" và sau một ngày dài khá mệt – nên trong số
hơn 300 phản hồi của ngày đầu tiên trên Anhbasam và trên
facebook.com/Osinhuyduc, cả ý kiến phản đối hay ủng hộ, đều
không có nhiều người bàn ý chính mà tôi muốn nói:
<strong>Một nhà nước chỉ có thể được coi là có pháp quyền
khi luật pháp và các hành vi nhà nước bảo vệ được những
người thiểu số, ngay cả trong trường hợp đám đông căm
ghét họ.</strong>

Tôi không ngạc nhiên mà chỉ buồn khi Tuổi Trẻ cho đến ngày
nay vẫn bày tỏ thái độ với người giàu như thời "đấu
tranh giai cấp". Mâu thuẫn giàu-nghèo là câu chuyện muôn
đời. Các nhà nước chân chính đều phải làm những gì tốt
nhất để những người kém may mắn không trở thành những
người cùng khổ. Nhưng, không thể san bằng khoảng cách giàu
nghèo bằng cải cách ruộng đất, bằng cải tạo tư sản và
bằng cách kích động lòng căm ghét người giàu. Hãy đọc lại
những bài báo được đăng trên Tuổi Trẻ và các báo Sài Gòn,
trên các số báo tháng 9-1975 và tháng 3-1978, để thấy rằng,
nhiều khi, nhà báo chúng ta đã được tung hô bởi những việc
làm rất xấu hổ.

Sự nghèo khó mà Việt Nam đã từng phải trải qua trong thập
niên 1970s và 1980s là do những chính sách của Đảng được báo
chí Nhà nước tụng ca nhân danh "ý chí của đại đa số nhân
dân". Vào thời điểm đó không phải là không có những
người nhận ra nhưng chỉ có một số ít dám lên tiếng và
nhanh chóng bị dập tắt. Hãy đọc lại phát biểu của Bí thư
thứ Nhất Lê Duẩn trong Hội nghị Trung ương 25, khóa III, tháng
10-1976: "<em>Nhất thiết phải xóa bỏ giai cấp bóc lột, xóa
bỏ sản xuất cá thể, xác lập quan hệ sản xuất xã hội
chủ nghĩa. Đường lối đó là đường lối của giai cấp công
nhân, không được ai chống lại. Ai chống lại là bắt. Đó là
chuyên chính</em>". Khi đọc lại bài phát biểu này tôi cảm
nhận được khát vọng nhanh chóng đưa đất nước đi lên của
ông Lê Duẩn. Đôi khi, "<em>con đường đi tới địa ngục
được đắp bởi những ý định tốt</em>". Cách duy nhất
để tránh là cho dù nhân danh đa số, nhân danh những khát vọng
lớn lao, không một ai có quyền đứng trên pháp luật, không
một ai có quyền buộc một cá nhân nào đó phải hy sinh những
nhu cầu hợp pháp của mình, chỉ vì những người nhân danh số
đông không muốn.

Khi dẫn một vài ví dụ về tennis và golf, tôi muốn nói rằng,
chúng ta không thể cấm golf kể cả cấm cán bộ chơi golf, bởi
tự thân những môn thể thao này không phải là "tệ nạn".
Câu hỏi "tiền đâu", nên được đặt với cả tư nhân
chứ không chỉ là quan chức. Nên đặt ra với những hành vi
tiêu xài khác chứ không chỉ đánh golf. Những tư nhân đang
mất khả năng chi trả trước các khoản nợ khổng lồ ở ngân
hàng mà mua xe hơi xịn, mua máy bay và tặng bồ những món hàng
hiệu hàng chục nghìn USD cũng cần phải được giám sát. Bởi
những khoản tiền mất đi khi các tư nhân này phá sản cũng,
phần lớn, có nguồn gốc từ tiền Nước, tiền dân. Các quan
chức mua nhà mua đất, con cái nay tiệc tùng, mai thay xe cũng
cần phải được những tờ báo dấn thân như Tuổi Trẻ điều
tra và lần lượt công khai. Lương bộ trưởng mà phải nuôi
vợ, nuôi con thì, thưa Tuổi Trẻ, chỉ có thể sắm chiếc xe
Wave Alpha mà đi thôi.

Không ủng hộ cấm chơi golf không có nghĩa là ủng hộ xây
dựng sân golf như vừa qua. Tháng 6-1992, tôi đã viết bài trên
Tuổi Trẻ, phản đối việc lấy Lâm viên Thủ Đức, nơi
được quy hoạch làm rừng phòng hộ, xây dựng sân golf đầu
tiên của Việt Nam. Vấn đề chính yếu trong việc xây dựng
sân golf, theo tôi, không chỉ là vấn đề môi trường hay quy
hoạch mà là Chính quyền đã tiếp tay cho các doanh nghiệp lấy
đất của nông dân rồi đền bù cho họ với giá vô cùng rẻ
mạt. Điều này xảy ra không chỉ với việc xây dựng sân golf.
Nhân danh lợi ích chung, người ta đã đuổi không ít nông dân
ra khỏi mảnh đất của cha ông rồi chỉ đền bù với một
giá gần như tước đoạt. Đừng theo số đông mà chống những
cán bộ đánh golf, Tuổi Trẻ hãy sát cánh với những người
nông dân thiểu số, đang lang thang trên đường Võ Thị Sáu,
trên đường Lê Duẩn, để bảo vệ những điều cao cả hơn:
<span class="underlined-text">Quyền thiêng liêng của người dân về
tài sản</span>.

Nếu pháp lý không được lưu ý thì sai lầm mà Tuổi Trẻ có
thể mắc phải còn nằm ngay cả những bài báo ít ai để ý
như là việc "đánh xe dù", những tư nhân nhỏ bé bị số
đông các hợp tác xã xe bus và xe du lịch tìm cách chèn ép rồi
báo chí ném đá thêm. Tuổi Trẻ rất hăng hái ủng hộ các
hiệp sỹ mà không đặt vấn đề tính hợp pháp trong những
vụ bắt người này. Sự hy sinh của các hiệp sỹ thật đáng
ngưỡng mộ. Nhưng, nếu trong một xã hội mà những người
không có thẩm quyền, thấy nghi ai trộm cắp là bắt thì phải
được coi là loạn. Công an là cơ quan công lực mà nếu không
được giám sát chặt chẽ thì cũng có thể bắt bớ oan sai.
Nói chi những người chỉ có lòng tốt mà không được huấn
luyện và không được ủy quyền hợp pháp. Kêu gọi người
dân không thờ ơ với cái ác, hỗ trợ chính quyền chống tội
phạm là cần thiết. Nhưng, khuyến khích họ bắt cướp thì
không chỉ đem lại nguy hiểm cho chính họ mà còn đe dọa cả
cộng đồng. Chính Tuổi Trẻ cũng biết: Sự hăng hái của đám
đông đã từng gây ra những cái chết cho những người vô tội
bị nghị là "trộm chó".

Trong một xã hội mà pháp quyền chưa có, báo chí lại càng
phải đứng về những người thiểu số có ý kiến khác, ngay
cả khác với số đông. Không phải tự nhiên mà GS Ngô Bảo
Châu, một người được Chế độ khá biệt đãi lại lên
tiếng chỉ trích các quan chức chính quyền khi bảo vệ Chế
độ trong vụ Cù Huy Hà Vũ theo cách mà Giáo sư cho là
"<em>cẩu thả và sợ hãi</em>". Tuổi Trẻ có thể không
đồng quan điểm của Cù Huy Hà Vũ hay với nhiều bloggers khác.
Nhưng, nếu muốn xác lập uy tín thực sự trong công luận,
không thể không lên tiếng phản đối những quan chức trong hệ
thống hành chính cũng như tư pháp đã "<em>cẩu thả và sợ
hãi</em>" mỗi khi thi hành công vụ. Cũng như các báo Nhà
nước, Tuổi Trẻ không thể thoát khỏi thân phận "báo chí
công cụ". Nhưng, nếu làm công cụ một cách có trách nhiệm
thì không thể nào ủng hộ những hành vi đứng trên pháp luật
của chính quyền cho dù những hành vi đó nhắm vào những
người Tuổi Trẻ có thể không thích, không đồng tình và
Chính quyền thì gọi họ là phản động.

Thật thú vị khi chính trường có những chính khách như Đinh
La Thăng và Vương Đình Huệ. Nếu như Tuổi Trẻ tin rằng các
vị bộ trưởng đang mang đến một làn gió mới thay vì PR cho
bản thân thì cũng nên ủng hộ bằng những bài báo có suy
nghĩ. Làm chính trị giỏi là phải tạo ra cảm hứng cho công
chúng. Nhưng niềm cảm hứng ấy phải thông qua những chính
sách khả thi của mình chứ không phải trút sự căm hờn lên
những người có điều kiện vật chất hơn số đông công
chúng. Sau những màn tung hô, người dân sẽ phải chuyển mối
quan tâm từ sân golf trở về với việc đi chợ, đón con…
Chính họ chứ không phải ai khác sẽ quay lưng với ông Đinh La
Thăng nếu như họ vẫn phải ì ạch xê dịch từng mét đường
trong tiếng ồn và khói bụi.

Sáng nay, nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển cho tôi email của
một nữ bạn đọc, chị Dư Khánh Hằng, sau khi đọc bài viết
Gửi Tuổi Trẻ, chị nhắc: "<em>Hitler, Mao, Stalin, Pinoche,
Hussein, Gaddfi, etc… trước khi cầm quyền luôn được đa số
đi theo và ủng hộ. Chỉ vì họ không bảo vệ mà còn tiêu
diệt người thiểu số/chống đối cho nên họ đã trở thành
độc tài</em>". Đinh La Thăng có thể chưa trở thành nhà độc
tài và mị dân như lo ngại của chị Hằng, nhưng không biết
điều gì sẽ xảy ra nếu báo chí tiếp tục nhân danh số đông
để bảo vệ những hành vi không hợp pháp. Tôi có niềm tin
chắc chắn rằng, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, thượng tôn
pháp luật vẫn là một nguyên tắc bất di, bất dịch.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/10354), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét