chắc các bạn ngỡ rằng tôi lại bàn về mối tình hữu nghị
Việt – Trung môi hở răng lạnh? Không đâu, đó chỉ là cách
nói vui để dẫn nhập, còn nội dung bài viết này tôi bàn về
vấn đề "tái cấu trúc" hay là "cơ cấu lại" nền kinh
tế đang mang căn bệnh trầm kha tác động tiêu cực đến tất
cả mọi người dân. Vậy thì chuyện đó quá là "đại
cục" ấy chứ!
Các bạn sẽ căn vặn tôi rằng, đại cục này là công việc
của các vị cầm lái quốc gia, các vị TW, các nhà nghiên cứu,
cố vấn của chính phủ và các ông bà đại gia các cỡ…
Chúng ta là nhân dân thì chi là kẻ thừa hành thôi. Vâng, tôi
cũng biết như vậy, nhưng kinh tế nước ta nói lịch sự là
"thiếu minh bạch", nói dân dã là "tù mù" thì dân chúng
làm gì có thông tin mà bàn với chả bạc. Tuy nhiên xã hội bao
giờ cũng tồn tại những kẻ nói leo mà một trong số những
kẻ ngứa miệng ấy chính là tôi đây. Cũng bởi còn có câu
"… sất phu hữu trách".
Những ngày qua thông tin về các chuyến ngoại giao con thoi của
các vị lãnh đạo cấp cao nhất đã đem lại cho nhân dân ta ít
nhiều niềm tin về một sự ổn định cho khu vực. Cầu mong
đừng có căng thẳng, đụng độ để chúng ta dành tâm sức cho
đổi mới chính trị, cải tổ nền kinh tế, phát triển văn
hóa giáo dục… theo mục tiêu hiện đại hóa đất nước. Hy
vọng một ngày không xa, trên đất nước Việt Nam yêu dấu, ai
còn đang khổ thì được hết khổ, ai hết khổ rồi thì
được sung sướng, quý vị nào đã sung sướng rồi thì sung
sướng hơn nữa. Một khi nước ta giàu mạnh như Nhật Bản hay
chỉ như là Hàn Quốc thôi (kinh tế xếp thứ 14 thế giới) thì
chẳng những không có kẻ nào đe dọa được mà có khi còn
đòi lại được quần đảo Hoàng Sa như ý kiến của vị đại
biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng phát biểu trước nghị
trường hôm nào. Mong ước lắm thay!
Nhưng, lại phải nhưng rằng, giấc mộng hoàng huy ấy sẽ chỉ
là ảo mộng, thậm chí là ác mộng nếu dân tộc ta không tìm
ra con đường sáng gia nhập hoàn toàn vào nhân loại tiến bộ,
dũng cảm từ bỏ cái lỗi thời, lạc hậu, xây dựng một xã
hội dân chủ, công bằng, minh bạch và tiến bộ.
<strong>Trở lại câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế.</strong>
Theo tôi, từ ngữ "cấu trúc" là kết hợp của hai từ cấu
tạo và kiến trúc. "Cấu tạo" chủ yếu là chỉ cái thành
phần còn kiến trúc nói lên sự sắp xếp phân bổ các thành
phần đó, ở đây là các thành phần của nền kinh tế. Nhiều
người dùng từ cơ cấu có lẽ muốn nhấn mạnh sự vận hành
của nền kinh tế. Tái cấu trúc hay cơ cấu lại nền kinh tế
là tiến trình quy hoạch lại, bố trí sắp xếp lại, chữa
trị các căn bệnh, bồi bổ cho nó khỏe mạnh, chỉ rõ các
mối quan hệ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững,
hiệu quả.
Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, các nhà nghiên cứu
kinh tế hàng đầu của đất nước như TS Lê Đăng Doanh, bà
Phạm Chi Lan và nhiều vị học giả uy tín khác từ 3, 4 năm nay
đã đọc ra căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam và đề xuất
yêu cầu cải tổ nền kinh tế.
TS Lê Đăng Doanh nhận định: "<em>Không nghi ngờ gì nữa, tình
hình kinh tế - xã hội nước ta đang ở tình trạng xấu nhất
kể từ năm 1991 tới nay</em>". Ông là người luôn nhìn trực
diện vấn đề, không né tránh, không ngại nhạy cảm cho nên
những vấn đề ông nêu ra đều là sự thật trần trụi. Có
lẽ vì thế mà ông từng chịu nhiều phen sóng gió (lời ông
bộc bạch). Lần này TS Lê Đăng Doanh kêu gọi "đổi mới
lần thứ hai" và ông đề nghị Quốc hội thảo luận, ra
nghị quyết về vấn đề này.
Để bài viết "không đi chệch đường lối của Đảng" tôi
xin trích dưới đây phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng kết
luận hội nghị lần thứ III BCH TW Đảng (khóa XI) đoạn nói
về hiện trạng nền kinh tế và nguyên nhân những yếu kém.
"<em>Cho đến nay, kinh tế - xã hội nước ta vẫn đứng
trước nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô chưa thật
ổn định; lạm phát vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng
phát; nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài tăng nhanh; dự
trữ ngoại hối mỏng, áp lực đối với tỉ giá còn lớn;
thị trường tài chính, thị trường bất động sản giảm sút,
tiềm ẩn nhiều rủi ro</em>".
TBT cũng chỉ rõ: "<em>Tình hình nêu trên có nguyên nhân khách
quan là do tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh
tế toàn cầu; nguyên nhân chủ quan là do những yếu kém của
nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu
kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ kéo dài từ lâu,
chậm được khắc phục và do những hạn chế, khuyết điểm
trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành,
đặc biệt là trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá;
quản lý quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài nguyên, thị
trường bất động sản...</em>".
Đọc bài phát biểu nói trên của TBT tôi có nhận định là
ông đã có những đánh giá chính xác về thực trạng nền kinh
tế hiện nay nhưng phần nhận khuyết điểm của lãnh đạo thì
còn nhẹ nhàng quá. Nàng Kiều xưa đã chỉ mặt "chính danh
thủ phạm tên là Hoạn Thư" còn TBT Nguyễn Phú Trọng thì
chưa làm việc ấy, chưa chỉ ra "chính danh thủ phạm" (mặc
dù ông rất hay lẩy Kiều).
Cũng tại hội nghị nói trên, BCH TW Đảng chỉ rõ rằng tái
cấu trúc nền kinh tế với ba lĩnh vực trọng tâm đột phá
là:
+ Tái cấu trúc đầu tư, trọng tâm là đầu tư công.
+ Cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân
hàng thương mại, các tổ chức tài chính.
+ Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập
đoàn kinh tế nhà nước, các Tổng cty nhà nước.
<strong>Tôi xin đặt câu hỏi:</strong> Vậy thì các Tập đoàn
kinh tế tư nhân, các Tổng Cty tư nhân cũng rất lớn, cũng có
nhiều vấn đề thì có cần cơ cấu lại không? Nếu cần cơ
cấu lại thì Đảng và nhà nước chỉ đạo theo hướng nào?
Hiện nay kinh tế tư nhân có tỉ lệ trong GDP lớn hơn kinh tế
nhà nước, đóng góp cho ngân sách cũng lớn hơn, sử dụng lao
động nhiều hơn.
Theo tôi nếu cứ theo 3 nội dung trọng tâm đột phá nêu trên
thì tiến trình cơ cấu lại này có khả năng vẫn là "sửa
chữa, chấn chỉnh, khắc phục, hoàn thiện, …" như chúng ta
vẫn đã làm từ trước đến nay. Và nếu như vậy thì nhiều
khả năng là không thành công rực rỡ, có nguy cơ "đánh bùn
sang ao"?
Tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế chỉ có thể thành công
nếu coi đó là một cuộc cách mạng hay nói như TS Lê Đăng
Doanh là "cuộc đổi mới lần thứ 2". Tôi nói là một cuộc
cách mạng vì tôi cho rằng phải cải tổ toàn diện (chính
trị, kinh tế, văn hóa …), sáng tạo, triệt để không ngại
đau đớn, huy động được tổng lực của dân tộc. Tiến
trình này sẽ gặp những trở ngại rất lớn từ các nhóm lợi
ích cũng đồng thời là những nhóm quyền lực, họ không chịu
để mất những món lợi chia chác khổng lồ từ các dự án,
các tập đoàn kinh tế sân sau.
Việc tái cấu trúc tập đoàn Vinashin với một ban chỉ đạo
đầy quyền lực diễn ra đã hơn 15 tháng qua mà chưa thấy tín
hiệu khả quan. Theo bà Phạm Chi Lan thì còn có hai Vinashin nữa
nhưng hai Vinashin này liên quan mật thiết đến đời sống xã
hội nên được nhà nước bảo vệ khỏi sự đổ bể.
Về phía Đảng và nhà nước, tại thời điểm này, ngoài
những nội dung đưa ra từ hội nghị TW3 và một vài hội thảo
chưa thấy có những văn bản chi tiết ban hành cũng như chưa có
kế hoạch cơ cấu lại cụ thể ra sao?
Chắc chắn còn nhiều lúng túng? Đầu tiên là về lý luận. Ví
dụ nghị quyết Đảng nói rằng kinh tế nhà nước là chủ
đạo trong khi đóng góp không bằng kinh tế dân doanh. Bà Phạm
Chi Lan cho rằng theo kinh tế thị trường thì phải công bằng
giữa các thành phần kinh tế. Nguyên Phó Thủ tướng Trần
Phương thì nói đại ý "tôi cũng chẳng hiểu định hướng
XHCN là gì? Đồng chí nào giỏi thì giải thích cho tôi đi".
Ông Nguyễn Đức Kiên (đầu bạc) ủy viên thường trực Ủy
ban kinh tế của Quốc hội thì bảo rằng phải tìm ra "một
chủ thuyết riêng cho Việt Nam" tôi cho đó là một câu hài
hước. Còn có vấn đề là sự lãnh đạo của Đảng, có ý
kiến nói rằng Đảng đã lấn át dân quyền và pháp quyền.
Vấn đề tiếp theo là nguồn nhân lực, liệu trong guồng máy
chính trị hiện nay có đủ người có đủ tư cách và năng
lực để đảm nhiệm những trọng trách khi cơ cấu lại? Đặc
biệt bộ máy nhà nước hiện nay rất cồng kềnh và kém hiệu
quả. Nhiều bộ luật cần sửa chữa, bổ sung như luật ngân
sách, luật đầu tư công, luật mua sắm công (đề xuất của TS
Lê Đăng Doanh). Vai trò giám sát của Quốc hội và các tổ
chức nhân dân như thế nào để bảo đảm nền kinh tế công
khai minh bạch?
Không có mô hình nào để Việt Nam bắt chước cả. Tiến trình
tái cấu trúc nền kinh tế nên bắt đầu từ nhân sự. Cái gì
khó thì giải quyết dần dần, cái gì dễ thì nên làm ngay. Ví
dụ những cái vớ vẩn như "hội chứng lễ hội, kỷ
niệm", "hội chứng huân chương", "hội chứng giải
thưởng", "hội chứng TS", … thì tôi mong rằng bớt ngay
đi cho. Xây thêm trường học, bệnh viện nhất là ở những
nơi đang quá tải là việc cần làm ngay. Đồng thời đầu tư
nhiều hơn cho nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực,
xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội.
Tôi cũng mong sớm đoạn tuyệt với kiểu tư duy đấu thầu giá
rẻ, tư duy vay được thì cứ vay sau này con cháu tài giỏi sẽ
trả, tư duy đi đâu cũng nhờ giúp đỡ …
Cuối cùng người Việt ta đã dám cả gan cắt nhiều cái vòi,
kể cả cái đau đớn nhất nhưng liệu có dám cắt được
những cái vòi bạch tuộc đang hút máu nền kinh tế quốc dân ?
TPHCM, 18/10/2011.
*Bài viết do tác giả gửi riêng NXD-Blog. Xin chân thành cảm ơn
tác giả!
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/10302), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét