À, thì trả lời cho câu hỏi của tôi ấy mà. Chẳng là cách
đây ít lâu, chính xác là vào ngày 29 tháng 8, tôi có viết
loạt bài có tựa đề "Yêu nước như thế nào mới là đúng
cách?", trong đó tôi câu kết đại khái rằng câu hỏi của
tôi cho đến lúc ấy vẫn chưa có câu trả lời. Ít ra là đối
với tôi.
Viết như vậy, là bởi vì quả thật hôm ấy tôi thực sự
chưa tìm được câu trả lời cho phù hợp với hoàn cảnh và
cá tính của mình – một bà già (hic!) đã "ngoại ngũ
tuần" (tức là quá năm mươi tuổi ấy mà, phải dùng từ
Hán-Việt thế để cho nó … phù hợp với thời đại 16 chữ
vàng hiện nay), không có khả năng nhảy nhót trên sân khấu
để thể hiện lòng yêu nước có tổ chức theo đúng kiểu
ngày 21/8 người ta đã tổ chức tại Hà Nội cho các nam thanh
nữ tú (lại tiếng Hán-Việt nữa này, để mà chào mừng sự
kiện "đồng chí" Đới Bỉnh Quốc sang thăm VN chứ, mặc dù
tôi không phải là đảng viên Đảng CSVN hay Đảng CSTQ gì ráo.
Thì tôi thấy báo nhà nước dùng từ như thế mà lại).
Nhưng hôm nay thì tôi đọc được một bài viết đã đăng trên
báo An Ninh Thủ Đô từ trước khi tôi viết loạt bài "yêu
nước như thế nào …" của tôi. Mặc dù bài ấy viết
trước bài của tôi, nhưng vì bây giờ tôi mới đọc (hic!) nên
tôi cứ cảm thấy hình như tác giả của bài viết đã viết
chỉ để trả lời cho câu hỏi của tôi thôi, thực thế.
Thì cái tựa như thế này đây, đúng là một sự "đáp
trả" cho câu hỏi của tôi còn gì nữa? "Cần thể hiện
lòng yêu nước đúng cách!" Các bạn xem <a
href="http://www.anninhthudo.vn/Thoi-su/Can-the-hien-long-yeu-nuoc-dung-cach/411539.antd">ở
đây này</a>.
Tôi cũng vừa mới đọc, thậm chí đọc kỹ là khác. Và, mặc
dù khả năng tiếp thu có thể còn hạn chế, nhưng tôi cũng cứ
mạnh dạn chia sẻ ở đây những gì tôi hiểu được qua bài
viết đó. Chắc chắn là sẽ có chỗ tôi hiểu sai, và cũng có
chỗ chưa hiểu nổi thâm ý (tức là ý tứ sâu xa – lại
tiếng Hán-Việt nữa đấy) của tác giả, và rất mong nhận
được góp ý của các bạn để tôi có thể hiểu đúng hơn.
<strong>1. Lòng yêu nước không phải chỉ có thể thể hiện ra
bên ngoài bằng cách biểu tình.</strong> Điều này được khẳng
định ở cuối đoạn thứ hai (2) của bài viết, và tôi hoàn
toàn đồng ý, không thắc mắc gì cả. Chẳng phải các cụ ta
đã nói: "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" đó sao?
Tất nhiên câu ấy có lẽ không nhằm vào việc biểu lộ lòng
yêu nước, nhưng mà, tôi cũng có thể "suy rộng ra ..." chứ
nhỉ?
<strong>2. Yêu nước là một việc của cả Đảng, Nhà nước,
lẫn toàn dân chứ không phải của riêng ai.</strong> Ý này nằm
ở phần đầu đoạn số thứ bốn (4) của bài viết. Cũng
vậy, tôi đồng ý hoàn toàn. (Ơ mà hình như đây cũng là ý
được nêu trong một biểu ngữ của những người tụ tập tự
phát để biểu tình chống TQ hay sao ấy nhỉ? Hóa ra là không
hẹn mà hai bên gặp nhau ư? Nếu thế thì tốt lắm, vì "ý
Đảng, lòng dân" đã nên một rồi, hay quá!)
<strong>3. Biểu hiện lòng yêu nước một cách tự phát có thể
có tác dụng lúc này và phản tác dụng lúc khác.</strong> Tôi
cũng đồng ý luôn, và hơn thế, còn hoàn toàn tin tưởng rằng
nhà nước chắc chắn luôn biết rõ lúc nào có tác dụng lúc
nào không.
Vậy, liệu tôi có thể suy đoán như thế này không nhỉ: Ban
đầu nhà nước lờ đi cho người dân phản đối TQ để... gây
sức ép lên TQ chẳng hạn. Nên lúc đầu mới không cấm biểu
tình. Nhưng sau đó, khi hai bên đã đạt được một số thỏa
thuận nào đó mà nhà nước thấy rằng có lợi, với điều
kiện là dân VN không được biểu tình nữa, thì nhà nước bèn
cấm việc biểu tình. Cũng được thôi, chính trị mà.
Nhưng tôi có một câu hỏi nhỏ ở đây: những thỏa thuận có
lợi ấy là gì, và có lợi cho ai? Tôi tin là phải có lợi cho
đất nước VN, cho dân VN. Chỉ có điều, tại sao nhà nước
không cho công bố những thỏa thuận này để dân an lòng một
chút, khỏi phải biểu tình nữa, để đến nỗi nhà nước
phải cho công an đàn áp, tạo thành scandal cho báo chí nước
ngoài và các thế lực thù địch nó lợi dụng nhỉ?
Gì chứ trong những lúc như thế này, nhà nước cần phải tranh
thủ sự ủng hộ của toàn dân chứ, nếu không thì chắc chắn
kẻ thù sẽ lợi dụng cho mà xem (ngu gì mà không lợi dụng,
phải không, ấy là bọn phản động nó nghĩ thế, chứ không
phải tôi!)
<strong>4. Tụ tập đông người mà không xin phép là trái
luật.</strong> Điều này được khẳng định trong các đoạn
còn lại của bài viết, trừ đoạn cuối là phần kết luận.
Luật thì đúng là đã có, và tôi chẳng bao giờ có ý định
làm trái luật cả. Nhưng riêng đoạn này thì tôi chưa đồng
ý, dù rằng vẫn giữ nguyên vẹn niềm tin đối với nhà
nước. Vì tụ tập đông người là thế nào nhỉ? Ví dụ như
hôm tôi đi Đà Lạt chơi nhân dịp lễ vừa qua, buổi tối
thấy ở khu phố đi bộ có biểu diễn văn nghệ (sân khấu
ngoài trời), số người qua đường tự phát dừng lại xem cũng
vài chục người, đâu cũng bằng số người tôi thấy hôm 17/7.
Gia đình tôi đi ngang đấy cũng đứng lại một lúc, mà gia
đình tôi đã 4 người rồi, lại thêm một người bạn là 5.
Như vậy, 5 người chúng tôi đứng lại "tự phát" xem văn
nghệ, liệu có phải là tụ tập trái phép không, vì chưa xin
phép?
5. Đoạn kết luận, theo tôi là đoạn hay nhất, và cũng rõ
ràng, dễ hiểu nhất trong bài: <strong>Dân Việt ai cũng yêu
nước, và những lúc như thế này </strong>(nhưng như thế này
là như thế nào?) <strong>thì cần phải đoàn kết</strong>, chứ
đừng để bất cứ ai lợi dụng gây chia rẽ, mất đoàn kết,
vì như thế sẽ làm cho ta suy yếu đi.
Và tất nhiên đoạn này thì tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng vẫn
có một thắc mắc: tôi thấy hình như đài truyền hình Hà Nội
và một số báo, kể cả tờ ANTĐ, dường như cũng vô tình gây
ra sự mất đoàn kết trong dân chúng đấy. Chứ gì nữa, bây
giờ đâm ra những người yêu nước theo kiểu "biểu tình"
(mà có lúc cũng đã phát huy tác dụng, xem ý thứ ba ở trên)
thì giờ đây đã bị báo lề phải làm cho mọi người nhìn
bằng con mắt ngờ vực như những người phản động.
Nhưng phản động mà lại dám xúi giục người khác và cả
mình nữa, chường mặt ra một cách công khai để cho nhà nước
dễ dàng cho công an hốt đi, chỉ với mục đích phản đối
việc TQ xâm lược VN sao? Còn tôi, thì tôi đã từng nghe có
những người nói như thế này cơ, xin thề có chúa: "Cầu cho
TQ đánh VN đi, cho chết! Hai nước XHCN anh em cơ đấy!"
Những người như vậy, họ không hề đi biểu tình, cũng không
hề căm phẫn về việc TQ có xung đột với VN. Chính những
người này tôi mới thấy là phản động. Nhưng hình như không
thấy ai đụng chạm gì đến họ cả?
Và cuối cùng, sau khi đọc xong bài viết thì tôi vẫn chưa có
câu trả lời về việc có thể biểu hiện lòng yêu nước như
thế nào, ngoài việc không được biểu tình.
Ô, thế ra biểu hiện lòng yêu nước bây giờ khó đến vậy
hay sao?
___________________________
<h2>Nguyễn Việt - Cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách</h2>
ANTĐ - Hơn 2 tháng qua, cứ đến ngày chủ nhật là mấy hãng tin
nước ngoài lại xúm vào khai thác việc một số người tụ
tập dưới danh nghĩa bảo vệ chủ quyền quốc gia, phản đối
những hành vi gây hấn của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền
biển đảo của nước ta.
<center><img
src="http://www.anninhthudo.vn/Uploaded/hoangson/2011_08_18/05.jpg"
/></center>
<center><em>Thầy giáo Phạm Gia Huy với các học sinh trong giờ
học vi tính ở đảo Trường Sa</em></center>
Đáng chú ý là các phương tiện thông tin của các thế lực
phản động thường khai thác vài khuôn mặt quen thuộc từng
bị pháp luật xử lý về âm mưu tuyên truyền chống phá sự
ổn định của đất nước, chống Nhà nước Cộng hoà XHCN
Việt Nam. Họ đưa tin đậm về các hoạt động ngăn cản hành
động thể hiện lòng yêu nước, cứ như là chỉ có một nhóm
người này thật sự yêu nước còn lại Nhà nước và lực
lượng giữ gìn trật tự là không yêu nước.
Đã đến lúc cần phải nhận rõ những người khởi xướng và
tổ chức các cuộc tụ tập đông người này. Động cơ của
họ là gì?
Động cơ thứ nhất của một số người là lợi dụng việc
biểu thị thái độ yêu nước, phản đối hành động tàu Trung
Quốc gây hấn trên biển vừa qua để đánh bóng cá nhân, khỏa
lấp tội lỗi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà XHCN
Việt Nam. Bằng cách làm này, họ hy vọng lôi kéo được một
số người ngây thơ về chính trị, hoặc nhận thức chưa đầy
đủ đi theo họ. Thậm chí một số chuyên gia trong các lĩnh
vực chuyên ngành cũng có mặt. Có người trong số họ vẫn
nghĩ rằng việc mình tham gia bày tỏ thái độ chống hành
động sai trái này của Trung Quốc là giúp ích cho Nhà nước,
cho đất nước.
Nhưng thật ra không như vậy. Bảo vệ chủ quyền quốc gia là
một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng, Nhà
nước cũng như của toàn dân ta. Công việc khó khăn này đòi
hỏi phải có các giải pháp tiến hành đồng bộ và phải dựa
trên cơ sở luật pháp quốc tế. Một mặt, sử dụng dư luận
quốc tế đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, mặt khác phải
tăng cường sức mạnh quân đội để đủ sức bảo vệ lãnh
thổ và quyền lợi quốc gia, đồng thời đẩy mạnh tuyên
truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền quốc
gia. Do tính chất phức tạp của vấn đề, nên quá trình tiến
hành đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất, vừa kiên
quyết về nguyên tắc, vừa mềm dẻo, linh hoạt trong phương
thức. Các biểu thị thái độ tự phát có thể phù hợp lúc
này và phản tác dụng lúc khác, thậm chí nhiều khi góp phần
phá hỏng những cố gắng của Chính phủ trong thương lượng
đấu tranh ngoại giao. Nói như vậy là để những người còn
nhận thức chưa đầy đủ hoặc phiến diện về chính trị
cần nhận rõ đâu là bản chất của vấn đề phức tạp và
nhạy cảm này. Còn những khuôn mặt đã cố tình lợi dụng
việc này thì cần vạch rõ ý đồ của họ.
Động cơ thứ hai của những kẻ khởi xướng và tụ tập
những nhóm đông người vào ngày chủ nhật còn thâm độc hơn
nhiều. Đó là hành vi lợi dụng biểu thị tinh thần yêu nước
để vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tạo tiền đề
cho các cuộc gây rối đông người. Đã có những ý kiến cho
rằng họ muốn từ các cuộc tụ tập này biến thành "tiền
đề cách mạng đường phố".
Nghị định 38/2005/CP của Chính phủ đã ghi rõ: Việc tụ tập
đông người tại nơi công cộng phải đăng ký với UBND có
thẩm quyền trước 7 ngày và phải thực hiện đúng nội dung
đăng ký. Bản đăng ký phải có nội dung cơ bản: nội dung,
mục đích của việc tập trung đông người, địa điểm tập
trung, đường đi, sơ đồ lộ trình sẽ đi qua, số người dự
kiến tham gia, phương tiện mang theo, nội dung biểu ngữ, khẩu
hiệu nếu có. Sau 7 ngày kể từ khi nhận được bản đăng ký,
UBND cùng cấp có thẩm quyền và có trách nhiệm xem xét giải
quyết việc đăng ký tập trung đông người. Nghị định
38/2005/CP cũng quy định: Chủ tịch UBND cấp cho phép và cấp
trên trực tiếp có quyền đình chỉ hoặc hủy bỏ việc tập
trung đông người khi xét thấy các hoạt động đó gây ảnh
hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc vi phạm
nội dung đã cho phép.
Cũng theo Nghị định 38/2005/CP, khi tập trung đông người mà
xảy ra tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự
công cộng hoặc vi phạm nội dung cho phép tùy theo tình hình cụ
thể cơ quan chức năng có trách nhiệm thực hiện các biện
pháp sau để ổn định tình hình, bảo đảm trật tự và xử
lý người vi phạm: thuyết phục, yêu cầu mọi người chấp
hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đảm bảo
trật tự công cộng và chấm dứt ngay hành vi vi phạm, cưỡng
chế người có hành vi vi phạm rời khỏi địa điểm tập trung
đông người trái pháp luật, sử dụng công cụ hỗ trợ và
các công cụ, phương tiện khác để đảm bảo trật tự công
cộng.
Nghị định 73/2010/ND-CP ngày 12-7-2010 về Quy định xử phạt
hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội quy
định:
Điều 7, khoản 3, mục m, n quy định: Tập trung đông người
trái pháp luật tại các khu vực cấm, thực hiện không đúng
quy định của pháp luật về việc tập trung đông người ở
nơi công cộng, bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu
đồng.
Như vậy các quy định của pháp luật xử lý việc tập trung
đông người trái pháp luật đã có và đầy đủ. Việc thành
phố yêu cầu chấm dứt ngay các cuộc tụ tập, biểu tình,
tuần hành tự phát trên địa bàn là việc làm cần thiết. Nó
không chỉ bảo đảm giữ gìn trật tự an toàn xã hội của
Thủ đô, chấn chỉnh những việc làm sai pháp luật, mà còn
góp phần vào tạo sự đồng thuận cao trong vấn đề đấu
tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Trong dòng máu của mỗi người dân nước Việt luôn cuộn chảy
lòng yêu nước, thương nòi, sẵn sàng đứng lên chiến đấu hy
sinh vì danh dự - toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhưng lòng
yêu nước cần phải thể hiện đúng cách. Ngay lúc này đây,
chúng ta càng thấm thía sự đoàn kết, tỉnh táo, đồng lòng
của mỗi con dân nước Việt là điều quan trọng nhất để
bảo vệ, xây dựng đất nước.
Nguyễn Việt
<a
href="http://www.anninhthudo.vn/Thoi-su/Can-the-hien-long-yeu-nuoc-dung-cach/411539.antd">Theo
An Ninh Thủ Đô</a>
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9856), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét