Lê Hoàng Hải - Nợ công, chuyện nhức nhối

<center><img
src="http://danluan.org/files/u1/sub02/20110901165615_043_1314860284.jpg"
width="480" height="505" alt="20110901165615_043_1314860284.jpg" /></center>

(TuanVietNam) - Mấy tuần lễ gần đây, chuyện nợ công của
chúng ta đã trở thành dòng chủ lưu thu hút sự chú ý của
không chỉ người trong nước mà cả các định chế quốc tế
và dư luận nước ngoài.

Thông tin về nợ công được sự cộng hưởng tình hình nợ
của các nước trên thế giới một lần nữa khiến các nhà
phân tích phải quan tâm nhiều hơn đến những cố gắng của
Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, vực dậy nền kinh
tế chưa thấy dấu hiệu khả quan, bởi điều này liên quan
đến khả năng trả nợ của chúng ta.

Thật ra thì mắc nợ không phải là vấn đề quá lớn đối
với một cá nhân, doanh nghiệp hay quốc gia khi cần đồng vốn
cho việc phát triển. Điều lớn nhất và quan trọng hơn cả là
làm sao phát huy hiệu quả các khoản tiền vay để trả được
nợ đúng thời hạn và tạo niềm tin để chủ nợ sẵn sàng
đến với con nợ; nhất là đối với các khoản vay của Chính
phủ hoặc của doanh nghiệp được chính phủ bảo lãnh,
thường được hiểu là nợ công để phân biệt với nợ quốc
gia bao gồm nợ công và các khoản vay thương mại các doanh
nghiệp tự vay.

Nói đến nợ công, người ta nghĩ đến tỷ lệ của các khoản
vay so với GDP và thường tỷ lệ an toàn được cho là dưới
50%. Thế nhưng, đây không phải là điều tuyệt đối vì còn
tùy thuộc vào tiềm năng của nền kinh tế cũng như tỷ lệ
nợ vay trong nước, nước ngoài, nợ ngắn hạn, dài hạn là bao
nhiêu.

Trong hai tuần qua, có một số thông tin liên quan đến tình hình
nợ công của Việt Nam được dư luận chú ý.

<strong>Thứ nhất</strong> là, trong bản tin nợ nước ngoài năm
2010 của Việt Nam vừa được Bộ Tài chính công bố chính
thức, nợ nước ngoài của chính phủ và các khoản vay của
doanh nghiệp được chính phủ bảo lãnh lên đến 32,5 tỉ USD,
tăng 4,6 tỉ USD so với năm trước. So với GDP, nợ nước ngoài
của chúng ta chiếm 42,2%, cao hơn con số 39% của năm 2009 và
tăng cao nhất kể từ năm 2006.

Điều đáng nói là với khoản nợ này, căn cứ vào thời
điểm đáo hạn thì từ nay đến 2015 mỗi năm chúng ta phải
trả nợ gốc và lãi cho nước ngoài gần 1,5 tỉ USD và mức
trả nợ cao nhất sẽ rơi vào năm 2020 với con số lên đến 2,4
tỉ USD.

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính
dự kiến trong năm 2011, nợ công bao gồm cả vay nước ngoài
lẫn trong nước sẽ lên đến mức 1.375 tỉ đồng, tương
đương 58,7% GDP. Tính ra từ năm 2007 đến cuối năm 2011, nợ
công của chúng ta đã tăng khoảng 25%, đạt mức trung bình
5%/năm, và với đà này thì trong vòng tám năm nữa, nợ công
của Việt Nam sẽ lên 100% GDP theo cách tính của chúng ta, nếu
tính theo WB và IMF sẽ còn cao hơn nữa.

Đây là một thách thức lớn về công nợ trong tình hình nền
kinh tế vẫn chưa vượt qua khó khăn do các biện pháp kiềm
chế lạm phát vẫn chưa phát huy tác dụng.

<strong>Thứ hai</strong> là, Hãng định mức tín nhiệm
Standard&Poor's (S&P) vừa hạ một bậc điểm tín nhiệm nợ công
của Việt Nam bao gồm nợ trong nước và nước ngoài. Trong
tuyên bố phát đi ngày 19-8, S&P cho biết điểm tín nhiệm nợ
dài hạn bằng đồng nội tệ của Việt Nam đã bị giảm về
BB- từ mức BB trước đó. Điểm tín nhiệm nợ dài hạn bằng
đồng ngoại tệ của Việt Nam được S&P giữ ở mức BB-,
điểm tín nhiệm dành cho nợ ngoại tệ ngắn hạn cũng được
duy trì ở mức B.

Tuy việc hạ điểm xuất phát từ phương pháp đánh giá tín
nhiệm mới nhưng hãng này cho biết, triển vọng tín nhiệm
đối với các xếp hạng trên của Việt Nam là mức tiêu cực.
Điều này phản ánh tình trạng Việt Nam đang đối mặt với
những rủi ro về bất ổn kinh tế và tài chính trong ngắn
hạn. S&P cho biết có thể hạ điểm tín nhiệm của Việt Nam
nếu những áp lực đối với cán cân thanh toán hoặc những
rủi ro trong lĩnh vực tài chính gia tăng. Và nếu điều này
xảy ra sẽ là khó khăn lớn cho chúng ta trong việc vay nợ
nước ngoài.

Thế nhưng mối lo về nợ công không hẳn nằm ở tỷ lệ nợ
trên GDP mà là việc sử dụng những khoản tiền vay ấy sao cho
có hiệu quả, nghĩa là phải nâng cao chất lượng đồng tiền
vay qua các dự án đầu tư thực sự hữu ích. Trong thực tế,
đầu tư công kém hiệu quả lâu nay và các biện pháp hỗ trợ
vốn cho doanh nghiệp nhà nước chính là nguyên nhân quan trọng
nhất gây ra tình trạng bội chi ngân sách khiến chính phủ
phải đi vay tiền để bù vào chi tiêu.

Có thể dẫn chứng một vài thông tin minh họa cho tình hình
này. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến
31-12-2008, tổng dư nợ nội địa của các tập đoàn, tổng
công ty nhà nước là 287.000 tỉ đồng. Nếu tính cả nợ nước
ngoài thì đến cuối 2008, tổng nợ của khu vực doanh nghiệp
nhà nước khoảng 23,9% GDP.

Trong năm 2009, theo báo cáo của Chính phủ thì nợ của 81/91
tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 813.435 tỉ đồng, tương
đương với 49% GDP. Nếu tính cả nợ của Vinashin là 86.000 tỉ
(theo báo cáo của Bộ Tài chính) thì nợ của khu vực công
đến cuối năm 2009 đã lên tới 54,2% GDP (đó là chưa kể đến
phần của chín tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu).

Rõ ràng, nợ của cả doanh nghiệp nhà nước và chính phủ
đều tăng rất nhanh trong một thời gian rất ngắn, trong đó
mức tăng nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước thật sự
đáng lo ngại.

Nếu nhìn vào con số tuyệt đối, sau khi trừ đi các khoản nợ
nước ngoài và với những tính toán thận trọng nhất thì trong
năm 2009, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm không dưới 60%
trong tổng tín dụng nợ nội địa tăng thêm của toàn nền kinh
tế.

Cho dù hiện nay tổng khối lượng nợ công vẫn được cho là
nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng rõ ràng chúng ta đang đứng
trước nhiều rủi ro phải cố gắng vượt qua.

<span class="underlined-text">Rủi ro thứ nhất</span> là nguồn dự
trữ ngoại tệ, trong đó phần được dành để trả nợ nước
ngoài - mà theo thống kê của Bộ Tài chính là rất khiêm tốn.

<span class="underlined-text">Rủi ro thứ hai</span> là vấn đề tỷ
giá. Do những khoản nợ nước ngoài của Việt Nam chủ yếu
được quy đổi theo đồng đôla Mỹ, nên tỷ giá hối đoái
giữa VNĐ và USD biến động sẽ tạo ra chi phí trả nợ rất
lớn. Khi tiền đồng càng mất giá, thì có nghĩa tiền trả nợ
càng lớn hơn.

Xu hướng mất giá của đồng Việt Nam hiện đang được xem là
nghiêm trọng. Theo số thống kê từ Bộ Tài chính, nếu năm 2007
VNĐ mất giá hơn 2% so với USD, thì đến hết năm 2010 tiền
đồng mất giá hơn 10%, chưa kể hồi đầu năm nay, đồng Việt
Nam còn bị phá giá thêm hơn 9% nữa.

Với sự mất giá của tiền đồng, cộng với lạm phát tăng
mạnh, dù những khoản đi vay nợ nước ngoài được hưởng
lãi suất ưu đãi thấp từ 1% đến 3%, thì các khoản vay cũng
có thể bị đội giá lên nhiều lần. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa,
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nhận định
"chúng ta đã từng vay những khoản tiền với tỷ giá khi đó
chỉ chừng 11.000 đồng/1 USD thì nay tỷ giá quy đổi đã lên
đến trên 20.000 đồng/1 USD. Rủi ro lớn nhất của chúng ta
chính là tỷ giá hối đoái".

<span class="underlined-text">Rủi ro thứ ba</span> thuộc về khách
quan, đó là chúng ta đã bước vào ngưỡng cửa nước có thu
nhập trung bình nên lãi suất vay không còn hưởng chế độ ưu
tiên của các nhà tài trợ như lâu nay.

Trong thực tế chúng ta đang ở mức đầu tiên của khối thu
nhập trung bình (1.000 USD lên đến gần 10.000 USD), nếu chuyển
ngưỡng thì các luồng hay các lượng cho vay hỗ trợ như ODA
hoặc các loại tiền khác, thì các lượng sẽ giảm xuống, còn
nếu muốn giữ các khoản vay đó, thì chúng ta phải chấp nhận
lãi suất tăng lên.

Theo thống kê, hiện nay tổng giá trị vay ưu đãi ODA năm 2010
của Việt Nam chiếm khoảng 75% tổng số nợ nước ngoài. Ngoài
ra, có một số khoản vay ưu đãi khác dành cho các nước có thu
nhập thấp, lãi suất bình quân dưới 3% một năm. Vì thế, khi
đổi sang vị thế mới, Việt Nam sẽ gặp bất lợi cả về
lãi suất cao hơn và khối lượng ít hơn đối với các khoản
nợ ưu đãi này.

Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất chính là bởi rủi ro từ nội
tại của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Những bất ổn như lạm
phát cao, sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả, tham nhũng...
khiến giá của đồng vốn (lãi suất tiền vay) cao hơn.

Có thể nói, trách nhiệm giải quyết các khoản nợ nước
ngoài rất cao đòi hỏi trách nhiệm không chỉ của Bộ Tài
chính mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp được Chính
phủ bảo lãnh vay vốn hoặc tự vay. Về phía Chính phủ, cần
có sự cân nhắc đối với các dự án đầu tư công, đặc
biệt là các dự án của địa phương. Cũng cần thiết có
biện pháp mạnh đối với các doanh nghiệp ù lì trong việc
trả nợ để rồi "trăm dâu đổ đầu tằm", ngân sách phải
chịu thiệt hại đồng nghĩa với việc người dân phải đóng
thuế cho những phung phí và sai phạm trong quản lý của khu vực
quốc doanh.

Lê Hoàng Hải (DNSG cuối tuần)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9668), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét