Bùi Công Tự - Về một phong trào tự phát tụ tập khác

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg6xHfKKaI6nTfXoDPXpg-VACVHSjybRm1h_Im8owv6CwQDehPGFOw3371q2RNFwjKW_BjHr8mrsH8mkqy4t7YjEofn6-UoFWTc-rxgQOk31DjMEV5ZV6Ux-DjwWkioKOY1v_oMejCNFkW8/s1600/khai-thac-khoang-san-chua-song-hanh-voi-giam-ngheo-0.jpg"
/></center>

<h2>VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO TỰ PHÁT TỤ TẬP KHAI THÁC KHOÁNG
SẢN</h2>

Người Việt mình là một dân tộc rất hay tự phát. Một trong
những phong trào tự phát xảy ra nhiều năm gần đây là việc
tự phát tụ tập khai thác khoáng sản ở khắp nơi. Từ các
tỉnh trung du phía Bắc, miền núi Việt Bắc, Tây Bắc đến
Thanh-Nghệ Tĩnh, từ Tây Nguyên đến Nam Trung Bộ (Quảng Nam,
Bình Định). Các khoáng sản được nhắm tới là thiếc,
wonfram, vàng, sắt, chì – kẽm, đồng – Niken, than, titan, đá
quý, … thậm chí cả đất hiếm. Những địa danh nổi tiếng
như thiếc, wonfram ở Thái Nguyên Tuyên Quang, Nghệ An; vàng ở
Bồng Miêu (Quảng Nam), Thần Sa (Thái Nguyên); đá quý ở Lục
Yên (Yên Bái) và Quỳ Hợp (Nghệ An).

Từ thuở truyền thuyết thánh Gióng dân mình đã biết rèn
thép, tức là biết khai thác và chế biến quặng sắt. Theo ghi
chép của nhà bác học Lê Quý Đôn thì từ xa xưa dân ta đã
biết những dấu hiệu tìm kiếm khoáng sản như căn cứ vào
loài cây mọc trên đất tự nhiên mà biết dưới lòng đất có
khoáng sản gì ? Cho nên bà con mình tuy "chân đất mắt toét"
nhưng về lĩnh vực này thông minh lắm. Chỉ cần có người
đến làng bản đưa ra những mẫu quặng nói: "cục này là
thiếc, cục này là antimoon, cục này là wonfram", thế là dân
tan kéo nhau đi đào bới bằng được mang về để bán. Những
địa điểm phát hiện có quặng liền bị hàng trăm, hàng ngàn
người kéo tới đào bới. Có người trúng "ục" tức là
đào được vào vỉa quặng lớn nhưng cũng có nhiều người tay
trắng. Một cảnh tang thương xảy ra nơi những thung lũng núi
đồi vốn bình yên heo hút. Ruộng nương bị tàn phá, sông
suối bị vùi lấp. Những hóa chất độc hại như xianua bị
thải ra môi trường. Trong khi lợi nhuận vào túi một ít
người thì con em nhân dân bị bóc lột sức lao động, những
tai nạn thảm khốc xảy ra vì sập hầm, vì sử dụng chất
nổ. Một số ông chủ còn dùng ma túy để kìm kẹp, giữ chân
những thanh niên làm thuê. Những chuyện kể trên báo chí chính
thống đều đã phản ánh.

Nói rằng các cấp chính quyền buông lỏng việc quản lí khai
thác khoáng sản thì cũng không đúng. Tất cả đều không qua
mắt chính quyền. Từ UBND các tỉnh co khoáng sản đến bộ Tài
nguyên môi trường, hàng vạn giấy phép khai thác khoáng sản
đã được cấp phép. Ai là người được cấp? Trước hết là
các công ty nhà nước với những vùng mỏ lớn, sau đó là rất
nhiều công ty tư nhân với những mỏ có trữ lượng nhỏ hơn.

Xin nói về câu về các ông chủ tư nhân này.

Chúng ta đều biết việc điều tra tài nguyên khoáng sản ở
Việt Nam được người Pháp tiến hành từ những năm đầu TK
XX. Có lẽ người Hà Nội ít ai để ý đến khu nhà số 6 Phạm
Ngũ Lão, đối diện Bảo tàng Lịch sử (Viện Bác Cổ). Khu nhà
ấy chính là Sở địa chất Đông Dương thời Pháp thuộc, nơi
tập trung nhiều nhà bác học địa chất nổi tiếng của nước
Pháp và cả thế giới lúc bấy giờ. Nhờ thế mà không chi
vùng mỏ than Quảng Ninh ở gần Hà Nội mà cả các mỏ kim
loại ở những nơi xa xôi như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc
Cạn, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, … đã được người Pháp phát
hiện ra. Toàn quyền Đông Dương đã bán nhiều mỏ khoáng sản
của ta cho các công ty khai khoáng của Pháp.

Năm 1956 ngành Địa chất được thành lập với tên gọi Tổng
cục địa chất, trụ sở chính là nhà số 6 phố Phạm Ngũ
Lão. Với sự giúp đỡ của các nhà địa chất Liên Xô và
một số nước XHCN khác, chúng ta đã thành lập được các tờ
bản đồ địa chất phủ khắp đất nước, đã điều tra
đánh giá được trữ lượng của nhiều vùng mỏ. Kết quả
thể hiện trong các báo cáo địa chất được nhà nước lưu
trữ.

Các ông chủ tư nhân hiểu rằng khoáng sản là nguồn lợi rất
béo bở. Họ mọc nối, mọc nối, mọc nối. Cùng với sự tư
vấn của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý được họ đối
xử hậu hĩnh, họ moi được các tài liệu về kết quả tìm
kiếm thăm dò các mỏ (các bản đồ), các bảng tính toán. Sau
khi có các thông tin này họ xúc tiến xin giấy phép khai thác
bằng … tiền. Rất hợp pháp họ được chính quyền các địa
phương giúp đỡ về đền bù, giải tỏa đất đai, có khi là
cưỡng chế.

Họ đã khai thác như thế nào? Xin thưa là rất bừa bãi, bất
chấp mọi quy trình kỹ thuật. Trong các báo cáo địa chất
của từng vùng mỏ, tác giả của các báo cáo đó (trong đó có
người viết bài này) đều đã chi ra phương pháp khai thác (lộ
thiên hay hầm lò), đất thải mang đổ ở đâu, sau khi lấy
hết khoáng sản thì hoàn thổ như thế nào, vv… Nhưng tất cả
những đề xuất ấy đều không được những người khai thác
hiện nay thực hiện. Họ khai thác theo kiểu ăn cướp, chỗ nào
ngon ăn là lấy trước, bỏ phí rất nhiều khoáng sản, đất
đá thải thì đổ ngay nơi bờ moong. Tất nhiên không có chuyện
hoàn thổ sau khai thác. Sự hủy hoại môi trường những nơi
khai thác đang ở mức nguy hiểm. Các nhà khoa học trong đó có
các nhà địa chất chúng tôi cảm thấy cay đắng. Các nhà báo
cũng rất quan tâm (như loạt bài báo động nguy cơ khai thác
khoáng sản hủy diệt hồ Ba Bể - Hồ nước ngọt lớn thứ hai
của thế giới). Nhưng các chính khách salon máy lạnh là người
phải chịu trách nhiệm và co quyền lực trong tay thì lại vô
cảm. Vì vậy việc khai thác khoáng sản đã diễn ra hỗn loạn
trong nhiều năm.

Không biết thuế tài nguyên nạp cho quốc gia được bao nhiêu ?
Nhưng lợi nhuận vào tay các ông chủ (cả quốc doanh và dân
doanh) chắc chắn là lớn lắm. Tất cả đều là bán khoáng
sản thô cho nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Ở những nơi
rất tù mù, các cơ quan chức năng làm sao biết được họ khai
thác được bao nhiêu, ngoài số liệu họ báo cáo.

Lĩnh vực khai thác khoáng sản thật sự là mảnh đất phì
nhiêu cho tham nhũng phát triển. Xin giấy phép ở cấp TW thì khó
khăn và tốn kém hơn. Họ lách luật bằng cách chia một mỏ
lớn ra thành nhiều mỏ nhỏ để xin giấy phép ở cấp tỉnh.
Với cấp tỉnh, huyện thì sau khi nhận "cảm ơn", doanh
nghiệp (thường là tư nhân) muốn làm gì thì làm, miễn là
đừng để dân khiếu kiện. Nhiều người nhanh chóng trở thành
đại gia vì chiếm được các mỏ khoáng sản béo bở, đầu tư
ít mà lợi nhuận nhiều.

Đa số các mỏ khoáng sản của ta là nhỏ bé, cho nên khả năng
đã bị khai thác hết là rất có thể. Năm ngoái TKV đã thông
báo về sự cạn kiệt của vùng mỏ than Quảng Ninh. Đó là hệ
lụy của việc khai thác vô tội vạ, thiếu tầm nhìn đối
với chiến lược phát triển lâu dài của đất nước. Có ai
phải chịu trách nhiệm không nhỉ, thưa bạn đọc?

Tôi viết bài này sau khi được tin chính phủ đã quyết định
tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản, cả ở cấp bộ và
địa phương (HNM ngày 04/09/2011). Bài báo viết: "Chính phủ
đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo dự
thảo quyết định phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dự thảo chiến lược khẳng
định khoáng sản là tài sản quan trọng của quốc gia, phải
được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết
kiệm và có hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc khai
thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải phù hợp với
tiềm năng tài nguyên của từng loại khoáng sản và đặt lợi
ích quốc gia làm trọng; tăng cường công tác bảo vệ khoáng
sản chưa khai thác. Xuất khẩu khoáng sản phải theo nguyên tắc
cân đối, bảo đảm nhu cầu sản xuất trong nước và phù hợp
với từng thời kỳ".

Xin thưa với bạn đọc, tất cả những nội dung như trên
người ta đã nói đến từ lâu, ở rất nhiều văn bản, ở
luật khoáng sản, chứ không phải bây giờ mới nói. Có điều
là người ta nói nhưng người ta không làm nên tình trạng khai
thác khoáng sản mới hỗn loạn như thế, tài nguyên đất
nước mới bị ăn cướp như thế, môi trường mới bị hủy
hoại như thế!

Thôi thì cứ tin là lần này chính phủ chấn chinh, chúng ta kiên
nhẫn chờ đợi xem kết quả ra sao?

TPHCM, 04/09/2011.
[*] Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho NXD-Blog.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9854), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét