thắc mắc và tiếc nuối. Dẫu biết rằng "<em>với một chữ
"nếu", người ta có thể nhét cả Paris vào một cái
chai</em>", nhưng cũng không thể ngăn cản các thế hệ ngày nay
hỏi: Tại sao lại như thế? Có cách nào tốt hơn không? Câu
chuyện Hiệp định Geneva chia cắt đất nước năm 1954 đã làm
nảy sinh ra những câu hỏi như vậy.
Ông Lý Văn Sáu, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt
Nam, vốn là cán bộ Ủy ban Liên hợp Đình chiến Liên khu V giai
đoạn "hậu Geneva". Ở cương vị của mình, ông đã chứng
kiến gần như toàn bộ bối cảnh xã hội thời gian ấy –
những cảm xúc buồn vui, âu lo, thắc mắc, và cả nỗi đau chia
cắt. "<em>Hiệp định Geneva đến với đồng bào Liên khu V
giữa lúc bà con đang phấn khởi, tinh thần chiến đấu và khí
thế của nhân dân rất cao</em>" – ông Sáu kể lại trong một
bài viết hồi tưởng về những ngày đầu thực hiện Hiệp
định Geneva. "<em>Tuy nhiên, ngay cả chúng tôi, những cán bộ
của Liên khu, cũng không có trong tay bản Hiệp định này, chỉ
được thông báo những nét chính. Còn đối với đồng bào,
sự hiểu biết còn sơ lược hơn nữa</em>". (*)
Trong bối cảnh thiếu thông tin như vậy, một cuộc chạy đua
trong tuyên truyền đã bắt đầu để vận động quần chúng
"<em>ra sức đấu tranh để thực hiện tổng tuyển cử tự do
trong toàn quốc, đặng thống nhất nước nhà</em>" như lời
kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Được biết về thời hạn hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển
cử rồi, nhưng bà con vẫn rất lo lắng trước một tương lai
bất định. Câu hỏi lớn nổi lên là tại sao phải chia cắt
đất nước, tại sao phải tập kết, tại sao Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa không tận dụng lợi thế sau chiến thắng Điện Biên
Phủ?
Đã có nhiều người băn khoăn như thế - ông Lý Văn Sáu viết
- "<em>nhưng rồi tự nói với nhau rằng: Trung ương hiểu hơn
chúng ta, Liên Xô, Trung Quốc hiểu hơn chúng ta, những người
"anh lớn" tán thành như vậy là cần thiết, không nên thắc
mắc. Tuyệt nhiên không có một ai cho rằng ta "buộc" phải
ký Hiệp định vì đã "kiệt quệ vì chiến tranh" và
"không còn đủ sức để tiếp tục chiến đấu"</em>".
<h2>Sau một cuộc chiến 3.000 ngày…</h2>
Hội nghị Geneva khai mạc chỉ một ngày sau khi tập đoàn cứ
điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ thất thủ. Ngay cả cho
đến bây giờ, nhiều người vẫn thắc mắc vì sao Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa không nhân đà chiến thắng mà đấu tranh
trên bàn đàm phán để giành được một nước Việt Nam độc
lập, thống nhất?
Theo số liệu do Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực
thuộc Bộ Chính trị công bố, trong chiến dịch Điện Biên
Phủ, bộ đội Việt Nam đã tiêu diệt, làm bị thương và bắt
sống 16.200 lính Pháp và quân quốc gia (trong đó phần lớn là
những người thuộc phía bên kia), chiếm chưa đầy 4% tổng binh
lực Pháp - quân quốc gia ở Đông Dương. Quân Pháp vẫn còn
tới hơn 330.000 lính, trong khi bộ đội chủ lực của Việt Nam
chỉ có 290.000, đó là chưa tính số thương vong trong chiến
cục Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.
Một ý kiến khác từ chính Tướng Navarre - Tổng chỉ huy quân
đội Pháp ở Đông Dương - cho rằng Việt Minh dồn hết sức
vào chiến dịch Ðiện Biên Phủ và đã kiệt quệ sau chiến
thắng. Navarre nói lính Pháp chết khoảng 1.500 người, 4.000
người bị thương, trong khi phía Việt Minh mất 10.000 người,
15.000 người bị thương.
Những con số thống kê này nói lên một khả năng là, sau một
cuộc chiến 3.000 ngày, "<em>tuy ta thắng lớn, tinh thần quyết
chiến quyết thắng đang dâng cao, nhưng do dốc toàn lực cho
trận Điện Biên Phủ nên sức lực của bộ đội ta đã phần
nào mỏi mệt</em>", theo nhận định của Đại tá, Tiến sĩ
Nguyễn Mạnh Hà (tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam). Đó là
chưa kể, sau lưng Pháp còn có Mỹ, lúc đó đã hỗ trợ cho
Pháp và sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương để ngăn cản ảnh
hưởng của khối XHCN tại đây.
Một khó khăn lớn khác cho Việt Nam là các cuộc đàm phán
Geneva không diễn ra song phương giữa Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa và Pháp như thời 1945, mà đã bị quốc tế hóa theo vấn
đề Đông Dương. Trong các cuộc thương lượng đó, Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa chỉ là một nước nhỏ.
<h2>Đơn độc Việt Nam Quốc gia </h2>
Phái đoàn Việt Nam Quốc gia, mặc dù đại diện cho một chính
quyền do Pháp dựng lên và được phương Tây công nhận, nhưng
đã đến Geneva với một vị thế có vẻ như nhạt nhòa. Do
được Pháp dựng lên nên họ khó mà tránh khỏi việc bị
động theo Pháp. Chiều 20 tháng 7, Trưởng đoàn Liên Xô Molotov
tổ chức họp tại biệt thự riêng, đã không mời đại diện
phía Mỹ và phái đoàn Bảo Đại. Tại cuộc họp này, Pháp và
các nước lớn quyết định việc chia cắt Việt Nam và ấn
định thời điểm tổng tuyển cử, mà không đếm xỉa gì tới
cái chính quyền mà chính Pháp đã dựng lên.
Hay tin này, Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Quốc gia, bác
sĩ Trần Văn Đỗ, đã đứng lên nghẹn ngào phản đối giữa
Hội nghị, không chấp nhận chia cắt đất nước ở bất cứ
đâu. Nhưng cho dù Việt Nam Quốc gia có phản đối, thì mọi
sự vẫn diễn ra như chúng ta đã biết.
Đất nước chia hai miền. Ông Lý Văn Sáu kể lại chuyện ở
Liên khu V ngày ấy trong những dòng cảm động: "<em>… Có
những cặp thanh niên nam nữ vội tổ chức đám cưới "cho
kịp ngày tập kết" rồi ngồi nắm tay nhau trên bến tàu Quy
Nhơn, thức suốt cả đêm sau lễ cưới trước lúc người
chồng, hoặc người vợ, lên tàu. Người ta nói với nhau trong
nụ cười, trong nước: chờ nhau, hai năm nhé! Hai năm thôi, có
bao lâu! Suốt dọc đường ta chuyển quân, đồng bào treo cờ
đỏ sao vàng, đỏ rực như một lời nguyền mãi mãi giữ ngọn
cờ này trong lòng mình</em>".
Không ai trong những con người ấy nghĩ rằng cuộc chiến sẽ
kéo dài, không phải hai năm mà 21 năm.
<h2>Với tất cả những cái "giá như…"</h2>
Một số người sau này đặt vấn đề: Giá như hai miền Việt
Nam có thể đoàn kết làm một khối để tăng sức mạnh. Giá
như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có những cuộc vận động hành
lang, đàm phán và thỏa hiệp trực tiếp với Pháp để gạt
bỏ sự can thiệp của tất cả các phe phái khác.
Nhưng điều đó là bất khả vì nhiều lẽ. Trước hết là
những hạn chế về kinh nghiệm ngoại giao. Theo nhà nghiên cứu
lịch sử ngoại giao Nguyễn Phúc Luân, chúng ta đã "<em>quá tin
tưởng vào nước bạn, để bạn chi phối cả diễn đàn. Thậm
chí đoàn ta chưa chủ động tiếp cận với đối phương, cho
đến khi ở nhà nhắc nhở Trưởng đoàn Việt Nam mới gặp
Mendès-France (ngày 13 tháng 7)</em>".
Thêm vào đó là sự khó khăn trong công tác thông tin liên lạc.
Do kỹ thuật không cho phép, toàn bộ việc liên lạc của phái
đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều phải thông qua hệ
thống điện thoại của Trung Quốc, điều này cản trở mọi
sự phối hợp ra bên ngoài hoặc liên hệ về nước.
Cuối cùng, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh,
mâu thuẫn ý thức hệ giữa hai khối đang sâu sắc. Ảnh
hưởng của các cường quốc lên kết quả đàm phán là điều
không thể tránh khỏi.
Nói cách khác, trước sức ép của các nước lớn, cả hai
miền Việt Nam đều đã không thể đấu tranh cho một tương lai
chung của dân tộc.
Không thay đổi được lịch sử, nhưng chúng ta có thể lấy
từ câu chuyện Geneva nhiều bài học có giá trị. Chẳng hạn,
cần phải hết sức tích cực, chủ động, vừa hợp tác vừa
đấu tranh trong quan hệ với nước lớn. Với bài học này rút
ra từ Hội nghị Geneva, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bước
vào bàn đàm phán trực tiếp với Mỹ tại Hội nghị Paris 1973,
nơi chúng ta phối hợp kết quả đấu tranh trên cả mặt trận
ngoại giao lẫn quân sự, và tranh thủ rất tốt dư luận quốc
tế. Có nhà nghiên cứu đã gọi việc kết hợp hợp tác và
đấu tranh là "một phong cách linh hoạt đặc sắc của ngoại
giao Việt Nam".
Tuy nhiên, bài học lớn nhất có lẽ là: không thể mơ hồ về
động cơ, mục đích của mỗi nước lớn trên bàn cờ quốc
tế; và khi phải lựa chọn, chỉ có thể đặt lợi ích dân
tộc lên cao nhất. (Thực tế cho thấy các quốc gia ở Hội
nghị Geneva đều đã làm như vậy. Chính vì thế mà đồng minh
của chúng ta trong khối XHCN lại trở thành trung gian đàm phán
giữa hai khối và áp đặt số phận đất nước ta).
Hơn nửa thế kỷ sau Hiệp định Geneva, bài học lớn ấy vẫn
còn nguyên tác dụng nhắc nhở: Lợi ích dân tộc (độc lập
dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ) là giá trị
bất biến, là ngọn cờ để huy động người dân Việt Nam góp
phần trong mỗi dự án tương lai chung của đất nước.
_________________
(*) Tư liệu trong cuốn "Hiệp định Geneva - 50 năm nhìn lại",
Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2004
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9389), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét