Nguyễn Tường Tâm - Từ Vụ Án Casey Anthony tới Cù Huy Hà Vũ (2)

Trong bài trước, độc giả đã thấy được những biện
pháp rất cẩn thận và chặt chẽ của một nhà nước văn minh
bảo vệ các công dân, cho dù công dân đó là một cựu tù hình
sự. Trong bài này quí độc giả sẽ được thấy toàn bộ hệ
thống pháp lý văn minh sẽ bảo vệ quyền bào chữa và các
quyền khác của một nghi can như thế nào. Ở một nước văn
minh, PHÁP TRỊ, tất cả mọi công dân đều vô tội cho tới khi
có một bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Cho
tới lúc đó, dù ở trong nhà giam, dù đứng trước tòa, cho dù
nghi can đó có bị toàn thể cộng đồng lên án, thì mọi
quyền con người của họ vẫn được bảo vệ, đặc biệt là
QUYỀN BÀO CHỮA. Thế nhưng hệ thống tư pháp Việt Nam hiện
nay đang là một ĐE DỌA TRẦM TRỌNG CHO CHÍNH CÔNG DÂN CỦA
MÌNH cho nên cần phải học hỏi để CẢI TỔ TỨC KHẮC mới
có thể làm NỀN TẢNG CHO MỌI CÔNG CUỘC CẢI TỔ VÀ BẢO VỆ
ĐẤT NƯỚC.

Vụ án đề cập trong bài trước xét xử cô Casey Anthony, ở
thành phố Orlando, tiểu bang Florida là vụ án ly kỳ thứ nhì
trong lịch sử tòa án Hoa Kỳ, đứng sau vụ án tình nghi giết
vợ của bị can O.J. Simpson cách nay khoảng 15 năm. Vụ án O.J.
Simpson được báo giới Hoa Kỳ gọi là "vụ án của thế
kỷ" (Trial of the Century). Vụ án Casey Anthony cũng ly kỳ bởi
vì trong lúc tất cả mọi người theo dõi vụ án đều nghĩ bị
can phạm tội giết con thì bất ngờ vào ngày 7/7/2011 kết thúc
phiên xử, bồi thẩm đoàn đã đi tới kết luận NGHI CAN VÔ
TỘI VỀ PHƯƠNG DIỆN PHÁP LÝ (not guilty). Kết luận này đã
khiến tất cả mọi giới ngạc nhiên, kể cả giới phân tích
luật học và đặc biệt cũng khiến ngay chính toàn thể bồi
thẩm đoàn đưa ra quyết định đó thấy ÁY NÁY! Tại sao vậy?

Không kể thời gian điều tra, chỉ riêng phiên tòa xét xử vụ
án Casey Anthony này đã phải kéo dài một tháng và kết thúc sau
tới 11 tiếng đồng hồ thảo luận của bồi thẩm đoàn, với
đầy đủ các tranh cãi giữa các luật sư biện hộ và các vị
đại diện VKS (prosecutors); hai bên cùng viện dẫn các chuyên gia
giảo nghiệm quốc tế và cả một lý thuyết pháp y (forensic)
mới nhất.

Em bé Caylee 2 tuổi, con gái nghi can Casey bị mất tích vào ngày
16/6/2008 nhưng mãi tới tháng 12/2008 nhà chức trách mới tìm
được bộ xương của nạn nhân vứt trong khu rừng cách nhà
nghi can Casey 1/4 dậm (khoảng 0,4 km). Nhà chức trách bắt giam cô
ngay lập tức vì những nghi ngờ sau đây: Mãi 31 ngày sau khi con
gái cô mất tích cô mới trình báo. Những lời khai của cô về
sự mất tích của con gái cô tiền hậu bất nhất. Sau đó cô
lại có cuộc sống hết sức vui chơi với bạn trai một cách
đáng ngờ. Thêm hai yếu tố nữa khiến VKS nghi ngờ cô là
cạnh bộ xương của con gái cô có 3 miếng băng keo (duct tape)
dài từ 6 tới 8 incs (tức khoảng 15 cm 2 tới 20 cm 3) và trong
thùng sau xe hơi của cô có mùi hôi được cho là mùi xác chết
sình thối.

Ông Jeff Ashton, vị đại diện VKS lâu năm, tham dự vụ án, nói
rằng những hành vi của bị can Casey sau đây đã khiến nhà
chức trách nghĩ đó là một số bằng chứng vững chắc nhất
(strongest evidence) để kết tội cô như là sau khi con gái cô ta
mất tích cô ta liên tục nói dối với gia đình, bạn bè, và
cảnh sát về chỗ ở của con gái cô ta. Đồng thời thay vì
đau khổ hay tránh gặp gỡ mọi người như mọi bà mẹ có con
mất tích khác thì bị can lại sống hưởng thụ ngày đêm
với người tình, tham gia cuộc thi thân hình nóng bỏng (hot body
contest) ở hộp đêm, đi chơi xa sắm sửa, và tới Ý xâm mình
với hàng chữ "Đời đẹp biết bao". Công tố viên Ashton
nói với đài NBC rằng các hành động của bị can "hoàn toàn
không phù hợp với bất cứ sự giải thích nào cho cái chết
của bé Caylee là do tai nạn."

Dựa vào tất cả những chứng cứ trên, luận chứng buộc tội
của VKS có nội dung là, bị can Casey đã giết con gái 2 tuổi
của mình, em bé Caylee, vào ngày 16/6/2008, bằng cách dán miếng
băng keo (duct tape) vào mồm và mũi em bé để làm nghẹt thở bé
Caylee sau khi đã dùng chất chloroform làm mê man em. Sau đó bị
can đã dấu thi hài em trong thùng sau xe hơi của mình chở đi
vòng vòng nhiều ngày và cuối cùng ném xác em vào khu rừng cách
nhà nghi can ¼ dậm (khoảng 0,4 km). Như thế theo luận chứng này
thì vũ khí giết người là miếng băng keo. Và chất Chloroform
là một yếu tố phụ trợ cần thiết để làm mê nạn nhân.
Bởi vì hai tay nạn nhân không bị trói, nếu không có chất
thuốc mê Choroform thì em có thể đã đưa bàn tay lôi miếng
băng keo ra khỏi mặt.

Tuy nhiên ngay cả các chuyên viên giảo nghiệm y khoa do VKS triệu
dụng, mặc dù nhận định cái chết của em bé là một vụ án
mạng, cũng không thể quyết định nạn nhân bị giết cách
nào.

Sau khi đã kiểm tra chéo (cross examination) và triệu dụng chuyên
viên giảo nghiệm pháp y đối nghịch với chuyên viên pháp y
của VKS, các luật sư biện hộ đã bác bỏ các luận chứng
của VKS. Các luật sư biện hộ cho rằng, VKS đã không có bằng
chứng cụ thể (physical evidence) của việc bị can Anthony ấn
cái miếng băng keo vào mặt em bé nạn nhân. Cũng không có bằng
chứng cho thấy miếng băng keo vừa bịt kín mũi vừa bịt kín
mồm em bé. Nếu miếng băng keo đó không bịt kín cả mồm lẫn
mũi em bé thì đó không thể là vũ khí giết người như ý
kiến của VKS.

Sang phần giảo nghiệm DNA đã được tìm thấy. Ngay cho dù sau 6
tháng ở trong rừng ẩm ướt, các phân tích gia pháp y của FBI
cũng có thể tìm ra một phần DNA trên miếng băng keo. Nhưng
một chuyên gia giảo nghiệm của FBI đã cho rằng kết quả phân
tích DNA không mang lại kết luận chính xác (inconclusive). Vậy
DNA đó là của ai? Nó không phải của nạn nhân Caylee và cũng
không phải của nghi can Casey. Nhưng một chuyên gia và cũng là
người tiên phong trong việc xác định một lượng DNA rất bé
nhỏ của Hà Lan (Dutch) đã khai trước tòa rằng đáng lẽ đã
có thể thu được nhiều đặc tính của DNA từ miếng băng keo
bị phơi sương gió lâu ngày đó qua phương pháp thử nghiệm gia
tăng (enhanced test) thường được dùng ở Âu châu. Nhưng ở
đây người ta không thực hiện cuộc thử nghiệm gia tăng nào
như thế.

Một số vật dụng trong thùng sau xe hơi của nghi can đáng lẽ
cũng mang lại bằng chứng khoa học vững chắc liên hệ bị can
với cái chết của em bé đó là một nắm nhỏ giấy vệ sinh
được tìm thấy trong một bao rác trong xe hơi của nghi can. Nắm
giấy vệ sinh đó đầy những con dòi (maggots). VKS cho rằng nắm
giấy vệ sinh đó đã được dùng để chùi các chất nước
chẩy từ thi hài thối rữa của nạn nhân.

Tuy nhiên, các nhà côn trùng học (entomologists) đã khai chứng
rằng người ta có thể tìm thấy DNA từ các con dòi để chứng
minh rằng chúng đã ăn thi hài của nạn nhân. Đồng thời
chuyên gia DNA của Hà Lan này nói rằng nếu DNA chưa bị hủy
hoại được lấy ra từ những con dòi đó thì có thể cung cấp
đủ thông tin xem có sự trùng hợp nào không với DNA của nạn
nhân. Nhưng vì những lý do nào không giải thích được, những
thử nghiệm này chưa bao giờ được làm.

Một điều lý thú nữa là đây là lần đầu tiên trong tòa án
Hoa Kỳ một bồi thẩm đoàn được nghe bằng chứng từ một
khoa học gia nghiên cứu (a research scientist) thử nghiệm một mùi
hôi trong xe hơi của bị can và nói rằng mùi đó phù hợp với
mùi chất thải ra từ thi hài con người thối rữa. Nhưng các
chuyên gia giảo nghiệm khác thì lại nói rằng loại thử
nghiệm đó vẫn còn là một đề án nghiên cứu và không đủ
tin cậy để dùng trong vụ án có thể đưa tới án tử hình
như vụ này.

Bồi thẩm đoàn cũng được nghe khai chứng của một người
chỉ huy con chó tìm xác người rằng con chó của ông ta báo cho
ông ta biết có thể đã có một xác người trong xe của bị
can. Nhưng cuộc khai chứng này là khác thường vì không thể
kiểm chứng lời khai với con chó (cross-examine a dog).

Cùng với việc thiếu các bằng chứng trực tiếp (physical
evidence), VKS đã làm hỏng luận chứng của mình qua chiến
thuật buộc tội quá mạnh bạo (extremely aggressive trial tactics)
của Phó Viện Trưởng VKS tiểu bang (Assistant State Attorney), ông
Jeff Ashton, một trong ba đại diện VKS trong vụ án. Có thể
đại diện VKS, ông Ashton, đã làm bồi thẩm đoàn bực mình khi
đã quá tấn công các nhân chứng, thường xuyên ngắt lời
luật sư biện hộ, và cười tỏ vẻ nhạo báng bản kết luận
(closing argument) của luật sư biện hộ Jose Baez. Ông Ashton đã
cười lớn và trợn tròn mắt khi nghe lời biện hộ đặc biệt
nhiệt tình của luật sư Baez. Chắc chắn là bồi thẩm đoàn
đã trông thấy vị đại diện VKS cười có vẻ nhạo báng
luận chứng của luật sư biện hộ vào thời điểm quan trọng
ngay trước khi các vị bồi thẩm vào phòng nghị án. Điều này
ảnh hưởng không tốt tới luận chứng vốn đã thiếu bằng
chứng vững chắc của VKS.

Sau khi nghe các luật sư biện hộ và các vị đại diện VKS
tranh luận, bồi thẩm đoàn đã đi tới kết luận nghi can vô
tội (not guilty). Kết luận này đã làm đại diện VKS ngỡ
ngàng, làm ngỡ ngàng hàng triệu người thường theo dõi các
phiên xử trong suốt một tháng, và điều ngạc nhiên là, theo
một vị bồi thẩm, kết luận đó "làm đắng họng chính
bồi thẩm đoàn." Bồi thẩm Jennifer Ford đã nói rằng các
vị bồi thẩm đều khóc và cảm thấy chán nản sau khi quyết
định tha bổng bị can. Bồi thẩm Ford cho hay các bồi thẩm
đều thấy xúc động và không sẵn sàng phát biểu, "Lý do là
vì chúng tôi đều cảm thấy đắng họng khi đạt tới phán
quyết đó."

Khi được hỏi tại sao bồi thẩm đoàn lại đi tới một kết
luận lạ kỳ như vậy, bồi thẩm Huekler cho biết VKS đã không
trưng ra được phương cách nghi can hành động, tức là không
chứng minh được nghi can có hành động giết con, không chứng
minh được vai trò của bị can trong cái chết của bé Caylee.
Ông nói nguyên văn, "Và rồi VKS đã không cho chúng tôi thấy
bé Caylee chết cách nào."

Đồng thời VKS cũng không đưa ra được động cơ giết con
của nghi can. Bồi thẩm Huekler nói rằng, "VKS chưa bao giờ
giải thích được động cơ thực sự khiến bị can giết con
gái của bà ta." Ông bác bỏ ý kiến (của VKS) cho rằng bị
can giết con của mình chỉ vì muốn được sống thoải mái
không bị áp lực của gánh nặng làm mẹ.

Trong khi đó vị bồi thẩm này cho biết bồi thẩm đoàn thấy
lý luận của các luật sư biện hộ thuyết phục hơn. Các
luật sư biện hộ nói rằng bé Caylee bị chết đuối vì tai
nạn trong hồ bơi sau nhà và rằng thay vì trình báo về cái
chết của bé Caylee thì gia đình lại che dấu.

Vị bồi thẩm này giải thích, "nhiệm vụ của bồi thẩm
đoàn là phải bỏ sang một bên những tình cảm của mình để
chỉ dựa theo pháp luật mà xem xét." Vị bồi thẩm này nói
với đài ABC rằng, "Tôi không nói rằng bà ta vô tội
(innocent: vô tội về phương diện đạo đức). Tôi chỉ nói
rằng không có đủ bằng chứng buộc tội". Và vị bồi thẩm
này nói rõ thêm, bồi thẩm đoàn chỉ kết luận nghi can "vô
tội theo pháp luật" chứ không kết luận nghi can vô tội theo
lương tâm và đạo đức (not guilty but not innocence).

Nghiên cứu vụ án sát nhân này rồi so sánh với các vụ án
hình sự tại Việt Nam, đặc biệt là các vụ án có tính cách
chính trị mà điển hình là vụ xét xử sơ thẩm Tiến Sĩ Cù
Huy Hà Vũ vừa qua (phiên phúc thẩm sẽ diễn ra vào ngày 2/8
này), người ta thấy có nhiều nguyên tắc pháp lý để giới
Chánh Án, Bồi Thẩm và Viện Kiểm Sát Việt Nam học hỏi nếu
không muốn bị đánh giá là một đám người vô học mượn
danh pháp lý đàn áp người dân vô tội không tiền bạc đút
lót và đàn áp những người yêu nước chỉ vì họ dùng quyền
tự do ngôn luận được qui định trong Hiến Pháp để phát
biểu ý kiến xây dựng tổ quốc đối lập với ý kiến của
giới cầm quyền.

<h2>1- THỜI GIAN PHIÊN XỬ</h2>

Điều đầu tiên tòa án Việt Nam cần học tập là thời gian
diễn ra phiên tòa phải không bị giới hạn. Một vụ án hình
sự có thể mang lại những thiệt hại cho người dân không sao
phục hồi được đó là sự mất tự do; và có khi đưa cả
tới mất mạng (trong các vụ án tử hình). Cho nên việc xét
xử phải hết sức thận trọng. Chừng nào còn có tranh cãi
giữa luật sư biện hộ và VKS thì chánh án phải cho phiên tòa
tiếp tục cho tới khi cả hai bên đều cạn lý chứng. Một vụ
án quan trọng như vụ xét xử Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ mà chỉ
kéo dài kể cả thời gian nghị án tổng cộng có 4, 5 tiếng
đồng hồ thì quả thực là một phiên tòa bịp bợm.

<h2>2- VAI TRÒ CHÁNH ÁN</h2>

Điều thứ nhì chánh án cần phải học hỏi là phải biết vai
trò của mình là người trọng tài công bình giữa VKS và luật
sư biện hộ. Trong vai trò đó người chánh án cần phải lắng
nghe tất cả các nhân chứng và xem xét mọi bằng chứng do hai
bên trình bày, đánh giá sự khả tín của các nhân chứng và
vật chứng cũng như các luận điểm của hai bên, để rồi
cuối cùng dựa trên sự giải thích và áp dụng luật pháp của
mình cùng với lương tâm của mình để tuyên phán một bản án
cho vụ án. Chẳng cần phải được đào tạo chuyên môn người
ta cũng biết chánh án là phải công bằng, không được thiên
vị VKS hay luật sư biện hộ. Nhưng trong hiện trạng tòa án
Việt Nam tất cả mọi người đều chứng kiến chánh án luôn
luôn đứng về phe VKS. Trong đại đa số các vụ án có tính
cách chính trị, đại diện VKS chỉ ngồi làm vì, mọi việc
đương đầu với các luật sư biện hộ đã có chánh án lo
hết. Và với quyền hạn duy trì trật tự phiên tòa, chánh án
thường xuyên lạm quyền, rung chuông liên tục để ngắt lời
luật sư biện hộ, không cho luật sư biện hộ lên tiếng. Bởi
thế có điều nực cười phổ biến trong các phiên tòa hình
sự ở Việt Nam là các luật sư, thay vì tranh luận với đại
diện VKS thì họ lại không tranh luận mà đọc một mạch một
"bài cãi" tràng giang đại hải, có khi tới 20 hay 30 trang. Khi
được hỏi tại sao lại làm như vậy thì luật sư được hỏi
cho biết chánh án họ thường không cho nói cho nên cứ một
mạch đọc bài cãi, chánh án rung chuông vẫn cứ cố gắng
đọc càng nhiều càng tốt cho tới khi nào chánh án rung chuông
ngắt lời tới nỗi không thể đọc được nữa thì nạp bài
cãi cho chánh án. Chẳng biết chánh án có thèm xem không, vì ngay
cả các luật sư đều rõ bản án luôn luôn đã được định
sẵn rồi.

Sau phiên tòa sơ thẩm, trả lời một cuộc phỏng vấn của
truyền thông hải ngoại, Ls. Nguyễn Thị Dương Hà phát biểu,
"Rất tiếc là anh ấy (Cù Huy Hà Vũ) đã không được nói
nhiều, bởi vì ông thẩm phán chủ toạ phiên toà không cho anh
ấy nói. Cứ động nói đến đâu thì nói là "thôi được
rồi, được rồi, được rồi"… mà chỉ được quyền trả
lời "có" hay "không", chứ không được nói nhiều và cái
gì ông ấy cũng nói là ông ấy "biết rồi", ông ấy
"hiểu rồi"…, cho nên chồng tôi không nói được nhiều."
và ls Dương Hà nói tiếp, "cuối cùng anh ấy cũng muốn nói
rất nhiều điều nhưng mà không được nói; và ông Nguyễn
Hữu Chính đã tuyên bố là "hết phần để được nói",
rồi "hết thời gian", "không được nói nữa" v.v. và
v.v…" Đây là một hành vi vượt thẩm quyền của chánh án,
vi phạm trầm trọng quyền biện hộ của bị can.

<h2>3- TRƯNG DẪN BẰNG CHỨNG</h2>

Trong vụ án Casey Anthony, độc giả thấy hai bên VKS và luật sư
biện hộ đã thay nhau đưa ra những bằng chứng để hỗ trợ
cho luận điểm của mình. Trái lại trong phiên sơ thẩm xử Cù
Huy Hà Vũ, luật sư Dương Hà tiết lộ, "chủ toạ phiên toà
Nguyễn Hữu Chính ngày hôm nay đã không làm đúng trách nhiệm
của mình là công bố các tài liệu khi được đưa ra xét hỏi
tại phiên toà."

<h2>4- BẰNG CHỨNG KẾT TỘI</h2>

Một khi đã không đưa ra được bằng chứng phạm tội thì
không thể kết tội bị can. Đó là điều sơ đẳng của luật
học (và cũng chẳng cần phải học luật mới hiểu được
điều này).

Trong vụ án cô Casey Anthony, bồi thẩm đoàn đã nhận xét là
VKS không trưng ra được phương cách nghi can hành động. Bồi
thẩm Huekler nói nguyên văn, "VKS đã không cho chúng tôi thấy
bé Caylee chết cách nào." Thêm nữa, bồi thẩm Huekler nói
rằng, "VKS chưa bao giờ giải thích được động cơ thực sự
khiến bị can giết con gái của bà ta."
Trong vụ án cô Casey, bồi thẩm đoàn đã dùng ngôn từ thông
thường là VKS đã không trưng ra được phương cách nghi can
hành động và động cơ hành động của nghi can. Nói cách khác,
theo ngôn từ của luật hình sự, để kết án một người về
một tội phạm nào đó thì phải có hai yếu tố: Hành vi tội
phạm và ý chí phạm tội (guilty act =actus reus và criminal intent =
mens rea). Cả hai yếu tố này đều thiếu trong bản án kết
tội Cù Huy Hà Vũ. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị truy tố tội tuyên
truyền xuyên tạc nhà nước. Nhưng trong tất cả các bài báo
và phát biểu được VKS dùng làm căn bản khởi tố, tiến sĩ
Hà Vũ đều đã dẫn chứng những điều ông nói và viết đều
là sự thực. Như vậy bị can "KHÔNG CÓ HÀNH VI PHẠM TỘI
TUYÊN TRUYỀN XUYÊN TẠC".

VKS cũng không chứng minh được động cơ phạm tội, bởi vì
nhân thân của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cho thấy sẽ thực là vô
lý nếu cho rằng ông có động cơ để tuyên truyền xuyên tạc
nhà nước. Bố của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là cụ Cù Huy Cận,
Bộ trưởng trong Chính phủ của nền Dân chủ cộng hòa non
trẻ, là người đã tiếp ký chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản
Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, sau là Bộ trưởng đặc trách Văn
hóa nghệ thuật của Hội đồng Bộ trưởng, Huân chương Sao
Vàng. Như vậy có thể nói bố của tiến sĩ Hà Vũ đã cùng
với Hồ Chủ Tịch và các nhà cách mạng lão thành cùng thời,
là trụ cột xây dựng nên nhà nước này, một nhà nước Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa có nhiều thành phần đảng phái và có
bản Hiến Pháp qui định bảo vệ tất cả mọi quyền tự do,
dân chủ cho nhân dân mà giới lãnh đạo ngày nay đã xóa bỏ.
Thực là không thuyết phục nếu tin theo VKS bảo rằng tiến sĩ
Hà Vũ có chủ đích tuyên truyền xuyên tạc một chế độ tốt
đẹp do chính bố ông cùng với Hồ Chủ Tịch xây dựng nên.

<h2>5- NHIỆM VỤ BỒI THẨM</h2>

Thêm một bài học cho các vị bồi thẩm rút từ vụ án cô
Casey Anthony là bồi thẩm đoàn hoàn toàn quyết định độc
lập với quan điểm của VKS và chánh án. Chánh án chỉ là
người đưa ra những hướng dẫn về nguyên tắc pháp lý mà
bồi thẩm đoàn phải theo khi xem xét, đánh giá các bằng chứng
và luận chứng của hai bên VKS và luật sư biện hộ, chứ bồi
thẩm đoàn không phải tuân theo quyết định của chánh án hay
kết luận của VKS. Một vị bồi thẩm trong phiên xử đã giải
thích, "nhiệm vụ của bồi thẩm đoàn là phải bỏ sang một
bên những tình cảm của mình để chỉ dựa theo pháp luật mà
xem xét." Trong vai trò của một chánh án hay bồi thẩm, "Cho
dù thâm tâm mình có ghét bị can, có nghĩ rằng bị can đã
phạm tội, NHƯNG MỘT KHI KHÔNG ĐỦ BẰNG CHỨNG PHÁP LÝ ĐỂ
KẾT TỘI BỊ CAN THÌ VẪN PHẢI TUYÊN BỐ THA BỔNG." Bồi
thẩm đoàn và Chánh án trong các vụ án hình sự tại Việt Nam
nói chung và trong vụ Cù Huy Hà Vũ nói riêng, đều KHÔNG ĐƯỢC
HỌC TẬP NGUYÊN TẮC NÀY.

<h2>6- KẾT LUẬN</h2>

Sau khi so sánh vụ án Cù Huy Hà Vũ trong phiên sơ thẩm, với vụ
án xét xử cô Casey Anthony, người ta thấy rằng Thẩm phán -
Chánh tòa và các vị bồi thẩm trong vụ án Cù Huy Hà Vũ đều
không làm đúng chức năng luật pháp trao phó và do đó đã kết
tội oan uổng một trí thức yêu nước mà quá trình gia đình
và bản thân đã một đời theo đảng, theo Hồ Chủ Tịch tạo
dựng lên một nhà nước Việt Nam Độc Lập, Dân Chủ và Đa
Đảng. Ngay cả thời thực dân Pháp trước 1954 hay thời
"Ngụy" ở miền Nam trước 1975, các phiên tòa xét xử các
nhà cách mạng và các đảng viên cộng sản cao cấp cũng không
tệ hại như vậy. Liệu toàn dân chúng ta cứ phải chịu đựng
một nền tư pháp bịp bợm và bất công mãi thế này đến bao
giờ?

Kỳ tới: Vụ án Casey Anthony, bài học cho các luật sư Việt Nam
(3)

<h2>Tham khảo: </h2>

1.
http://news.yahoo.com/jurors-cried-felt-sick-acquitting-anthony-012228871.html
Jurors cried, felt sick after acquitting Anthony
By Colleen Jenkins | Reuters – 9 hrs ago-2011-7-7

2.
http://news.yahoo.com/case-against-casey-anthony-slam-dunk-wasn-t-222739019.html
The case against Casey Anthony: The slam dunk that wasn't
From the start the case against Casey Anthony lacked direct physical evidence
tying the defendant to her daughter's death. And the prosecution's demeanor
and tactics may have alienated the jury.

3.
http://lenguyenhuytran.com/2011/04/05/ls-nguy%E1%BB%85n-th%E1%BB%8B-d%C6%B0%C6%A1ng-ha-len-ti%E1%BA%BFng-sau-v%E1%BB%A5-x%E1%BB%AD-ts-cu-huy-ha-vu/
Ls. Nguyễn Thị Dương Hà lên tiếng sau vụ xử Ts. Cù Huy Hà Vũ


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9400), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét