Minh 2 hoạt động cách bờ biển nước ta 120 hải lý đã gây
phản ứng mạnh mẽ của Chính phủ và nhân dân ta . Lần đầu
tiên các báo Việt Nam đã có những bình luận với những từ
ngữ thích đáng như "Trung Quốc có tính toán", "họ ngang
ngược bất chấp luật pháp", "họ hành động rất man
rợ"…
Căng thẳng dường như đã được hóa giải đối với Chính
phủ ta? Sau khi tại Diễn đàn an ninh khu vực mang tên Shangri-La
Dialogue, hai Bộ trưởng quốc phòng Việt, Trung gặp nhau, tướng
Lương Quang Liệt nói "Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc
không có hoạt động nào can dự vào sự việc vừa qua" và
ông ta "nhất trí đánh giá của đại tướng Phùng Quang
Thanh". Phải chăng từ đó mà có văn thư của Trường Đại
học Công nghiệp, với chỉ đạo của Ban giám hiệu: "Đoàn
Thanh niên phổ biến đến tất cả các cơ sở Đoàn yêu cầu
học sinh sinh viên không tham gia vào việc biểu tình ngày
5-6-2011" và "Báo cáo Ban giám hiệu nếu có thông tin ảnh
hưởng an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội liên quan
đến sinh viên."?!
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc tường thuật cuộc gặp này
khác với chúng ta, họ không nhắc gì chuyện Bộ Trưởng ta nêu
sự kiện Bình Minh 2; họ khen ở cuộc họp này Việt Nam đã
tỏ ra biết điều hơn, họ tường thuật " Phùng Quang Thanh
nói vấn đề Biển Đông cần được giải quyết song phương
không có can thiệp của nước thứ ba" (Tức là đã chịu theo
quan điểm Trung Quốc). Người phát ngôn Hồng Lỗi của họ
tiếp tục luận điệu "Các cáo buộc Trung Quốc nổ súng uy
hiếp ngư dân Việt Nam là hoàn toàn bịa đặt".
Có thể nói, lần này Chính phủ và nhân
dân ta phản ứng mạnh mẽ và chúng ta đã giành được thắng
lợi bước đầu, khiến họ "mềm nắn, rắn buông". Tuy
nhiên, quan hệ Việt - Trung về chủ quyền biển đảo chưa hề
biến mất! Hãy giữ trong tim mình ngọn lửa của những người
dân Việt đang bị mất một phần lãnh thổ và hiện nay đang
thường xuyên có kẻ cướp rình rập sát bên hè nhà,chúng chỉ
đợi thời cơ để ngoạm thêm. Chúng tôi muốn nhân đây cùng
nhau nghiêm túc tiếp tục suy ngẫm một vấn đề ở tầm tồn
vong của Tổ quốc.
<h2>BẮC KINH CÓ CHIẾN LƯỢC NHẤT QUÁN KIỀM CHẾ VÀ BÀNH
TRƯỚNG ĐỐI VỚI TA</h2>
Chúng ta đều biết năm 1954, Chu Ân Lai không
đồng ý chúng ta đòi giới tuyến tạm thời quá vĩ tuyến 17.
Năm 1956 lợi dụng thời gian Pháp rút khỏi
Việt Nam và Chính Quyền Sài Gòn chưa ổn định, Bắc kinh đánh
chiếm một phần Hoàng Sa.
Năm 1974, lợi dụng thế bí của Mỹ, và sự suy
yếu của Chính quyền Sài Gòn, họ mặc cả với Mỹ trên lưng
chúng ta để đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa.
Năm 1975, họ mưu toan ngăn chặn chiến dịch
Hồ Chí Minh kết liễu chế độ Sài Gòn, vì sợ một Việt Nam
thống nhất sẽ mạnh lên. Nhà báo Lý Quý Chung, thành viên của
nội các Dương văn Minh đã kể với tôi chuyện cựu tướng
Pháp Vanuxem hiến kế ông Minh cầu cứu Bắc kinh. Nhưng trong
hồi ký của mình anh Chung chỉ viết "nên lên tiếng kêu gọi
sự can thiệp của một cường quốc", "nước này không
muốn cho Bắc Việt kiểm soát cả Việt Nam"... Nhà báo Dương
văn Ba, cũng là người rất thân cận với ông Minh, đã ghi lại
sự kiện này trong hồi ký "Những ngã rẽ" của anh (chưa
xuất bản). Xin phép anh được trích đoạn ấy:
"Ngày 30-4-1975 tại dinh Độc lập.
"8 giờ 40 phút : Có một ông già người
Pháp, tướng hơi thấp, to béo, mặc "complet"thắt cà vạt
đến tiền sảnh phủ Thủ tướng. Tôi đích thân ra tiếp.
Ông ta tự giới thiệu là đại tướng
Vanuxem trong quân đội Pháp, từng là bạn thân của đại
tướng Dương văn Minh, ông ta muốn gặp tướng Minh có việc
gấp. Tôi vào phòng Thủ tướng báo cáo sự việc. Tướng
Dương văn Minh và Thủ tướng Vũ văn Mẫu đồng ý tiếp.
Tướng Vanuxem được tiếp kiến khoảng 15
phút. Ông ta nói với Tổng thống Dương văn Minh: "Bắc kinh
sẵn sàng có hành động quân sự để cứu lấy Việt Nam Cộng
hòa khỏi rơi vào tay quân đội BắcViệt. Ông là sứ giả mật
của Bắc kinh. Nếu Tổng thống Minh đồng ý cứ lên truyền
hình kêu gọi quốc tế can thiệp, vì quân đội Bắc Việt đã
xé hiệp định Pari. Tướng Vanuxem đảm bảo lập tức Bắc Kinh
sẽ đổ bộ vào Việt Nam".
Tổng thống Dương văn Minh đã phản ứng:
"Cám ơn, cám ơn bạn. Đây là chuyện riêng của người Việt
Nam, tôi không muốn có bất cứ người nước ngoài nào can
thiệp vào".
Điều Vanuxem nói đã được chứng thực bằng cuộc tiến công
xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam của Bắc kinh
năm 1979. Sau đó là cuộc tập kích bất ngờ cao điểm 1509
(thuộc xã Thanh Thủy, huyện Yên Minh, Hà Giang) giết 3700 chiến
sĩ ta, dùng súng phun lửa đột xác, đốt luôn cả thương binh
còn sống vùi xuống mồ tập thể, biến cao điểm này thành
địa danh Lão Sơn của họ. Năm 1988, chúng tập kích đảo
Gạc-Ma ( thuộc Trường Sa) giết 70 chiến sĩ hải quân Việt
Nam. Từ đó đến nay, những hành động ngăn cấm ngư dân Việt
Nam đánh cá, tịch thu tàu thuyền đòi tiền chuộc, bắt, giết
ngư dân ta lien tục xảy ra. Tham vọng và hành vi độc chiếm
Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông của chúng ngày càng điên
cuồng hơn. Họ đang đợi thời cơ thuận lợi để ra tay .
Sự kiện Bình Minh 2, một lần nữa chứng minh
Bắc kinh có chiến lược nhất quán kiềm chế và bành trướng
của họ đối với nước ta. Phải nhận thức như vậy để
soát xét đường lối của chúng ta đối với họ có những
điểm nào đúng và chưa đúng để khắc phục.
<h2>CHÚNG TA KHÔNG CÓ CHIẾN LƯỢC NHẤT QUÁN ĐỐI VỚI BẮC
KINH</h2>
Những thập niên 50, 60, chúng ta hoàn
toàn tin theo Trung Quốc, mời họ làm cố vấn, gây ra nhiều
thảm họa như cải cách ruộng đất, cải tạo công thương
nghiệp, nông nghiệp. Thậm chí còn có Nghị quyết 09 theo quan
điểm của họ, chống lại Liên Xô với tên gọi là "chống
chủ nghĩa xét lại hiện đại".
Đến những thập niên 70, 80 ta chuyển
sang chống chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh. Rồi đầu thập
niên 90, bất chấp Bắc Kinh không hề thay đổi chủ nghĩa bành
trướng, chúng ta quay ngoắt 180 độ, xin cầu hòa vô điều
kiện. Tức là không đòi họ phải trả lại những vùng đất
lấn chiếm khi gây ra chiến tranh biên giới 1979 (như cao điểm
1509 nói trên).
Họ khôn ngoan và ma mãnh đưa ra "16
chữ vàng", và "4 tốt" nhằm mục đích buộc tay, khóa
miệng chúng ta. Trong khi đó họ vẫn viết báo, viết sách ca
ngợi tướng lãnh, quân nhân của họ đã "dạy Việt Nam một
bài học". Còn chúng ta thì 30 năm qua không dám kỷ niệm cuộc
chiến bảo vệ Tổ quốc của mình, không dám tuyên dương
những anh hùng của mình. Tệ hại hơn là sự vô tâm đến nỗi
đã có tờ báo viết bài ca ngợi Hứa Thế Hữu, tư lệnh cuộc
chiến xâm lược biên giới, trên báo điện tử của Ban chấp
hành Trung ương Đảng đăng bài tập trận của quân Trung Quốc
trên quần đảo Hoàng Sa là để tự vệ! Ngay sau khi chúng bắt
ngư dân ta đánh cá trên vùng biển của mình, những người
Việt Nam phẫn nộ kéo đến cơ quan ngoại giao Trung Quốc biểu
tình ôn hòa đã bị công an Việt Nam bắt (sợ bị tù tội mà
đạo diễn Song Chi bỏ chạy xin nhà nước Na Uy cho được tị
nạn chính trị!).
Trong quan hệ giữa hai nước, phần
thua thiệt luôn luôn ở phíaViệt Nam, nguyên nhân là do:
1 - Bị ru ngủ bởi quá tin ở "Đồng
chí tốt", cho nên rút ruột rút gan cho người ta mà không hề
cảnh giác đề phòng, quên mất rằng đó chính là kẻ đang
chiếm giữ một phần máu thịt của Tổ quốc mình!
- Do " Đảng bao biện làm thay nhà nước" và do thiếu kiên
thức không đủ trình độ đề xử lý những vấn đề mà
phía Bắc Kinh đã tính toán kỹ và mưu toan gài bẫy, dành phần
lợi cho họ.
3 - Do cán bộ tham nhũng bị họ mua
chuộc trong quá trình đàm phán, giao dịch.
Ba nguyên nhân đó đưa tới những
hậu quả vô cùng tai hại là: Rước hổ vào nhà, đưa họ
đứng chân vào những vùng đất hiểm yếu mà nếu có biến
thì họ đưa gươm kề cổ chúng ta, như cùng họ khai thác bô
xít Tây nguyên, cho thuê những vùng rừng đầu nguồn rộng lớn
ở các tỉnh biên giới. Nhiều bộ ngành giúp họ trúng thầu
nhiều công trình quan trọng khắp cả nước. Kết quả là chúng
ta nhận của họ những thiết bị lỗi thời lạc hậu, năng
suất chất lượng sản phẩm đều thấp, giá thành cao hơn hàng
hóa nhập khẩu. Tài nguyên đất nước bị bòn rút không ngăn
chặn được, hằng năm có cả chục triệu tấn than xuất lậu
sang Trung Quốc, trong khi trữ lượng than chúng ta cạn kiệt sắp
phải nhập khẩu.
<h2>VẤN ĐỀ LỚN NHẤT LÀ ĐOÀN KẾT DÂN TỘC, NUÔI DƯỠNG
LÒNG YÊU NƯỚC</h2>
Đó là bài học lịch sử, ai cũng
biết, nhưng do những sai lầm
kể trên mà lâu nay bị mai một, cần phải được nhắc lại
trong bối cảnh mới và có những giải pháp mới.
1- Cần nhất là tổ chức
phổ biến học tập sâu rộng, trước hết là trong toàn Đảng
về lịch sử hình thành lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là các
quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thềm lục địa trên Biển
Đông. Toàn Đảng phải cùng với toàn dân một ý chí "một
tấc đất thấm máu cha ông quyết không để mất".
Nhớ lại năm 2009, trong
bài "Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ", tôi có viết
điểm yếu thứ nhất của Đảng là "nhầm lẫn chọn bạn
đồng minh" và "Thật ra thì bọn bành trướng Bắc Kinh đâu
có xem Đảng cộng sản Việt Nam là đồng chí". Tôi hết sức
đau lòng khi bị những đồng chí của mình trong cấp ủy hằn
học hỏi: "Bài này không phải của một mình đồng chí Công,
đằng sau là những kẻ nào" và "Toàn là những luận điệu
thù địch nhằm chia rẽ hai nước xã hội chủ nghĩa anh em".
Càng kinh ngạc hơn khi một chi ủy viên nói: "Hoàng
Sa,Trường Sa là bãi hoang chim ỉa". Vậy mà hai ủy viên
Thường vụ quân ủy đang có mặt không ai có ý kiến uốn nắn
những ý kiến lệch lạc rất nguy hiểm đó!
2- Nhiều năm nay, việc
tổ chức kỷ niệm ngày chống Bắc kinh gây chiến tranh xâm
lược 6 tỉnh biên giới, kỷ niệm ngày bị chiếm Hoàng Sa,
ngày bị tấn công chiếm đảo Gạc Ma đều do người dân làm
một cách âm thầm thậm chí lén lút!
Hình như chúng ta sợ tổ
chức kỷ niệm sẽ làm phật lòng Bắc Kinh! Thiết nghĩ, chúng
ta chỉ nên sợ khi mình làm những điều sai trái, không đúng
với sự thật lịch sử, hoặc trong sự thật đó phần sai trái
thuộc về chúng ta. Nhưng đây chúng ta là nạn nhân, hằng vạn
sinh mạng của dân ta phải hy sinh để chống xâm lược tàn
bạo với lý lẽ ngông cuồng "dạy cho Việt Nam một bài
học". Hơn nữa kẻ kia lại còn ngang nhiên tự ca ngợi chiến
công của chúng dối với chúng ta. Vậy thì cách hành xử của
chúng ta như thời gian qua đối với bên ngoài là thiếu tự
trọng, nuông chiều thói trịch thượng vô lối của ngoại bang,
là vong ơn đối với các anh hùng liệt sĩ vì nước quên mình.
Bài học cổ kim đều cho thấy nếu thiếu tự trọng thì không
bao giờ được tôn trọng!
3- Những cuộc biểu tình
hòa bình trước cơ quan ngoại giao Trung Quốc phản đối chúng
bắt bớ ngư dân Việt Nam cũng bị ngăn chặn. Sau sự kiện
Bình Minh 2, cư dân trên mạng xôn xao: Liệu lần này có được
phép tổ chức biểu tình phản đối Bắc Kinh gây hấn ? Hôm
qua,chủ nhật ngày 5-6-2011, ở TP.HCM, một thanh niên biểu tình
hỏi anh cảnh sát ngăn chặn mình: "Anh có phải người Việt
Nam hay không?" Anh cảnh sát trả lời nhẹ nhàng: "Tôi cũng
là người Việt Nam.Nhưng tôi phải làm nhiệm vụ theo lệnh
cấp trên". Sự việc diễn ra không nặng nề đáng tiếc như
năm 2007. Tuy nhiên cần phải tìm phương thức cho tiếng nói
chung, thể hiện triệu triệu người Việt Nam bao gồm người
đi biểu tình hòa bình chống xâm lược, người cảnh sát và
người cấp trên có quyền "ra lệnh". Giải pháp ấy những
người lãnh đạo đất nước có trách nhiệm phải tìm ra!
Có ý kiến cho rằng: Nhà nước cần quản lý liều
lượng phản ứng đối ngoại sao cho đúng liều lượng. Nhân
dân cần tuân thủ sự quản lý của Nhà nước để tạo ra
sức mạnh đạt hiệu quả . Nói như vậy có phần đúng, nhưng
lại dồn hết gánh nặng trách nhiệm cho Nhà nước và cũng là
không tôn trọng, không khuyến khích, không khơi dậy sức mạnh
năng động sáng tạo của nhân dân. Chúng ta đã từng đánh
giặc bằng "3 thứ quân", đã từng "ba mũi giáp công",
từng khuyến khích ngoại giao nhân dân. Chẳng lẽ trong cuộc
đấu tranh này lại quên?
Lại có ý kiến cho rằng:
Nếu không quản lý việc biểu tình thì sẽ có nguy cơ kẻ
địch lợi dụng kích động quần chúng, hoặc nắm quyền lãnh
đạo quần chúng. Chúng tôi e rằng ý kiến này đã lệch lạc
nghiêm trọng. Thứ nhất là không tin quần chúng Việt Nam từng
trải qua thử thách trong đấu tranh cách mạng lâu dài, chỉ
cần thoáng qua họ đã phân rõ yêu nước hay bán nước, xây
dựng hay phá hoại. Cũng có thể trong khi quá phấn khích quần
chúng hơi lố một chút, sau đó chỉ cần góp ý uốn nắn thì
họ dễ tiếp thu và khâm phục lãnh đạo. Ngược lại nếu cứ
áp đặt o ép quần chúng thì sẽ xảy ra 2 tình trạng: hoặc
là quần chúng sợ sệt ỉu xìu; hoặc là mất niềm tin ở lãnh
đạo. Cả hai dạng này đều rất nguy hiểm. Sự cấm đoán
bắt bớ những người biểu tình những năm qua đã tạo thành
một dư luận bất lợi và đẩy không ít những người nhiệt
tâm ra khỏi quỹ đạo bảo vệ chế độ. Kẻ địch lợi dụng
ư? Hãy thách thức mọi kẻ địch nào muốn tranh giành quần
chúng bằng những chủ trương gây dựng phong trào yêu nước,
chứ sao lại đi sợ chúng?
4- Mấy năm qua có những
triệu chứng đe dọa sự ổn định. Nhiều nhà nghiên cứu cho
rằng nguyên nhân là do đổi mới chưa đồng bộ, đổi mới
chính trị chưa theo kịp với đổi mới kinh tế. Đại hội 11
cũng đã nhìn thấy: "Kiên trì và quyết liệt thực hiện
đổi mới. Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi
mới kinh tế theo lộ trình thích hợp" (Văn kiện Đại hội
11). Điều có thể gây ra trì trệ chính là 4 chữ "theo lộ
trình thích hợp"! Thước đo nào cho sự thích hợp? Đó chính
là một chế độ dân chủ, pháp quyền. Điều đó rất dễ
thấy: Ở một Quốc hội không chờ ý kiến chỉ đạo của
Bộ chính trị; Ở mọi người dân từ Tổng bí thư đến
người bình thường đều bình đẳng trước pháp luật; Không
có người dân nào bị chết vô cớ khi bị giam giữ; "Mọi
người dân đều được mở miệng ra nói" đúng với suy nghĩ
của mình, dù trái với quan điểm của lãnh đạo…Được như
vậy là chúng ta đã có một xã hội dân chủ và khi đó sẽ có
đồng thuận xã hội làm cơ sở cho hòa hợp và đoàn kết toàn
dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước mọi kẻ
xâm lược.
<h2>HÒA BÌNH HỮU NGHỊ, BÌNH ĐẲNG VỚI BẮC KINH</h2>
1- Đây là một bài toán rất khó. Tuy
nhiên nếu chúng ta có cách ứng xử hợp với xu thế thời
đại thì sẽ thực hiện được. Nhìn lại 100 năm qua nhân
loại không ngừng tiếp tục những phong trào dân chủ hóa.
Cách đây 20 năm một đợt dân chủ hóa vĩ đại sau khi bức
tường Berlin sụp đổ. Nhân loại tiến bộ nhất trí đáng giá
sự kiện này thúc đẩy mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa. Tuy
nhiên bài học này chúng ta còn rất ngập ngừng. Mới đây một
"Mùa xuân nhân dân" nổi lên từ Bắc Phi xô đổ hằng loạt
những chế độ độc tài tưởng đâu đã vững như bàn thạch.
Hình như chúng ta chưa cảm nhận đầy đủ sức mạnh của mùa
xuân dân chủ Bắc Phi để thu nhận sức xuân ấy cho Việt Nam
mình.Tôi nghĩ rằng, Đảng cộng sản Việt Nam có sứ mạng tìm
tòi học hỏi vận dụng sức xuân từ những phong trào dân chủ
không ngừng phát triển đó để vun xới chăm bón cho mầm xuân
dân chủ Việt Nam. Được như vậy nhân dân ta sẽ đứng vững
trong lòng nhân loại tiến bộ như những năm xa xưa, sẽ không
có kẻ địch nào dám ngông cuồng lấn lướt.
Hiện nay, nhiều quốc gia trong vùng
bị Bắc kinh tranh chấp lãnh thổ như Ấn Độ, Nhật Bản,
Philipin, Indonexia… Cách hành xử của các quốc gia này rất
thẳng thắn, theo đúng luật pháp quốc tế và được quốc tế
hậu thuẩn mạnh mẽ. Bài học đó chúng ta cần nghiên cứu trao
đổi.
2- Vừa qua có ý kiến cho rằng đã
đến lúc phải vứt đi "16 chữ vàng" và "4 tốt", hoặc
mâu thuẫn đã lên đến cấp chính phủ thì tình hữu nghị
không còn. Có lẽ suy nghĩ đó là do mất bình tỉnh chăng? Tôi
nghĩ khác.
Chúng ta tin rằng nhân dân Trung
Quốc theo đạo đức nhân nghĩa họ cũng muốn sống hiếu hòa
với lân bang. Nhiều tin tức cho biết nhân dân Trung Quốc đang
là nạn nhân của chế độ, nạn phân biệt giàu nghèo đã xảy
ra rất khủng khiếp. Cũng có tin cho rằng nhà cầm quyền gây
sự với Việt Nam là nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp
hòi của người dân quá bất mãn, toan gây bạo loạn khắp nơi.
Đối với lãnh đạo Trung Quốc,
chúng ta biết họ đưa ra "16 chữ vàng" chỉ nhằm để ràng
buộc ta, còn họ không hề thực hiện. Tuy vậy cũng phải
thấy chúng ta cũng có lỗi là không đấu tranh đòi họ phải
bình đẳng cùng thực hiện. Họ đưa ra "16 chữ vàng" là
tỏ ra thiện chí, ta phải nắm lấy và đòi hỏi hai bên cùng
thực hiện thiện chí ở từng điểm một: về tôn trọng chủ
quyền, về hợp đồng kinh tế, trao đổi văn hóa… Ngược
lại nếu ta tuyên bố vứt bỏ "16 chữ vàng", vứt bỏ
"tình hữu nghị", như vậy có phải là hành động thiếu
thiện chí thuộc về chúng ta hay không? Thiết nghĩ nếu hai bên
cùng thực hiện được "16 chữ vàng" thì đó sẽ là đại
phúc cho cả hai dân tộc. Chỉ khi nào họ cố tình vứt bỏ
"16 chữ vàng" thì ta phải trình bày cho nhân dân Trung Quốc
phán xét họ.
Tuy nhiên không phải vì bảo vệ
"16 chữ vàng" mà không thể đưa vấn đề Biển Đông, Hoàng
Sa, Trường Sa ra tòa án quốc tế. Khi hai bên không nhất trí
được với nhau sẽ dễ gây ra cãi vã, không khéo lại có hành
động nóng nảy không kiềm chế. Thực tế những năm qua đã
chứng tỏ điều đó. Không chỉ tranh cãi mà máu đã đổ,liên
tục đổ, đổ rất nhiều mà chủ yếu là máu Việt Nam! Vậy
thì tốt hơn là đưa ra trọng tài phán xử cho công bằng, giữ
được hòa khí giữa nhau. Lý lẽ rất đơn giản, ngay chuyện
chơi thể thao cũng vẫn cần có trọng tài đó thôi. Lần này
sau sự kiện Bình Minh 2, rất nhiều ý kiến của nhân dân, trí
thức, luật gia đều cho rằng Nhà nước ta nên đưa vấn đề
ra Quôc tế . Mong rằng vấn đề trọng đại này không bị
tiếp tục "ngâm cứu".
3- Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung
Quốc Lương Quang Liệt nói quân giải phóng nhân dânTrung Quốc
không can dự vào vụ tàu Bình Mình 2 chứng tỏ họ khôn khéo
và có tính toán kỹ từng hành động. Trong khi đó người phát
ngôn Nguyễn Phương Nga của ta đã tuyên bố " Hải quân Việt
Nam sẽ…" Chúng ta thiếu một sách lước khôn ngoan để ứng
phó với một đối tượng ranh mảnh, có tính toán chu đáo cách
tiến thoái, việc chuẩn bị từng bước để thực hiện các
phép thử, chờ thời cơ… Rất nên học họ!
Nên xúc tiến nhanh chóng việc hình thành
những hình thức tổ chức hải giám, dân quân, tự vệ biển.
Phát động một phong trào toàn dân Việt Nam cả trong và ngoài
nước đóng góp 10 chiếc tàu, 100 chiếc tàu xây dựng lực
lượng dân quân tự vệ biển. Chắc chắn đồng bào ta sẽ
nhiệt liệt hưởng ứng.
Ngày 6-6-2011
TVC
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8963), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét