Trang bìa <a href="http://www.thoibao.com/">Thời Báo USA</a>, số
328, ra ngày 08/04/2011, là hình chụp mười cô gái Nhật
(tươi như hoa, trong bộ đồng phục trang nhã của Grand Prince
Hotel Akasaka) đang kính cẩn nghiêng mình tiễn khách. Từ
nay, khách sạn này sẽ được dùng làm nơi tạm trú cho
những cư dân ở Fukushima, sau khi lò máy điện nguyên tử
nơi đây bị nổ.
Tôi nhìn tấm hình, và thấy nó (hơi) kỳ! Coi: đón khách
mà trang trọng quá cỡ như vậy thấy đã... khó coi rồi.
Tiễn khách thì mắc (mẹ) gì mà phải ân cần quá xá
vậy chớ? Lẽ ra, chỉ cần phất tay (nói "bye bye") là
kể như xong. Khỏi nói gì luôn, cho nó khoẻ, cũng đâu có
sao – tiền đã thu rồi – đúng không?
Mà Nhật Bản không phải là dân tộc duy nhất hay chào
kính theo kiểu đó. Tụi Đại Hàn cũng có cái tật (lôi
thôi) y chang như vậy.
Bữa rồi, tôi đi lạc vô một cái <em>Koreatown</em> ở
California. Thấy có tiệm ăn lạ, quảng cáo mấy loại bia
mình chưa biết bao giờ nên bèn ghé lai rai uống (thử)
vài chai. Trên đường về, tôi tự hứa là sẽ không bao
giờ bước chân trở lại nơi này thêm lần nào nữa.
Thiệt là phiền hết sức. Đi nhậu kiểu này, ngó bộ,
không vui!
Họ niềm nở chào đón khi thực khách bước vào nhà
hàng, tươi tỉnh vui vẻ chăm sóc suốt bữa ăn, và cúi
đầu trang trọng tiễn khách khi ra đến cửa. Cách tiếp
đãi lễ phép và lịch sự hơn mức cần thiết này
khiến một thằng Việt Nam (tha phương cầu thực, khố
rách áo ôm) như tôi vô cùng bối rối, và không khỏi
trạnh lòng chợt nhớ đến những cửa hàng quốc doanh
ở đất nước mình – vào những ngày tháng cũ:
"<em>Những ngày ấy, hắn dậy từ lúc còn tối đất..... Cửa
hàng mậu dịch lúc hắn đến còn vắng tanh. Nhưng ngoài khung
cửa đóng im ỉm, những khuôn cửa bảo vệ kho tàng của cải,
niềm vui hạnh phúc mà mỗi người sẽ được chia theo khẩu
phần và thang bậc xã hội đã được tiêu chuẩn hoá bằng các
loại phiếu bao giờ cũng có sẵn những cái lốt: Gạch vỡ, mũ
nón rách, bát mẻ, ống bơ gỉ, mảnh cạp rá gẫy, niêu đất
thủng, mảnh giấy xi-măng, đá củ đậu, cán ô gẫy… Mỗi
thứ ấy là một sổ, một hộ, một người. Có khi là hai ba
sổ, hai ba người. Nhấc cái nón mê. bên trong bốn hòn gạch
vỡ. Vậy là năm người tất cả.</em>"
"<em>Đấy là những lốt người ta xếp từ tối hôm trước.
Hắn tìm nhặt một hòn gạch để vào cuối hàng rồi đứng
sát cục gạch đó. ... Chờ. Lâu. Lâu lắm. Trời rạng dần.
Rồi sáng bạch. Rồi mặt trời lên. Rồi người đi làm.
Đường đông. Rồi vắng. Mới thấy những người mình mong
đợi đến. Ôi! Những thiên thần. Những cô gái, có cả những
bà đã đứng tuổi, ý thức được tầm quan trọng của mình,
phẩm giá đức hạnh cao quí của mình, vị trí chót vót trong
xã hội của mình, nghiêm nghị dắt xe lên hè, mở khoá. Không
thèm nhìn ai, họ gọi nhau, họ dựng xe, họ đi mua nước uống,
họ bật quạt, họ cười nói oang oang.</em>"
"<em>Thấy họ đến đám đông đang bồn chồn nôn nóng, sốt
ruột, cau có, làu bàu trong miệng tự nhiên thay đổi hẳn. Họ
chỉnh đốn lại hàng ngũ. Họ giấu biệt vẻ mặt lúc nãy,
làm ra vui vẻ tươi tắn, thú vị vì được xếp hàng để
'các cô mậu' khỏi phật ý. Dừng để các cô ấy mếch
lòng. Đừng để các cô ấy thấy mình sốt ruột. Cũng có
người không kìm được, ngọt ngào:</em>
<em>- Tới giờ rồi, bán thôi chị ơi…</em>
"<em>Thật là một sai lầm tai hại. Không ai thèm trả lời kẻ
hỗn xược ấy. Người ta lại giờ sổ ra,cộng trừ. Người ta
lại ra uống nước và cười nói to hơn. Cứ phải nén cái gì
từ cổ xuống. Cứ chờ. Mãi cũng phải được chứ.</em>
<em>Thế rồi tất cả mở cờ trong bụng, reo lên từ đáy lòng
khi thiên thần bước ra ghế ngồi trước bàn ngay chỗ cửa
ghi-sê. Tiếng reo ấy làm thiên thần khó chịu. Bằng chứng là
thiên thần lại quay vào phía trong một lúc rồi mới ra, lật
sổ xem xét, im lặng, chăm chú hệ trọng, trang nghiêm. Thiên
thần ngẩng lên nhìn vào đám đông vô liêm sỉ, hay quấy rầy,
không để ai yên nhưng đã biết lỗi và đứng im phăng
phắc:</em>
<em>- Lào! Đưa sổ đây! Lăm người một. Từ từ chứ lào. Đã
bảo lăm sổ một. Ai là Tẩm!</em>
<em>Một ông già móm mém bật trả lời không chậm một
giây:</em>
<em>- Em đây! Dạ! Em là Tẩm đây.</em>
<em>Tất cả nhìn cô mậu dịch viên. Cô lật sổ gốc. Cô ghi
định lượng. Cô ký vào sổ gạo của ông già. Cô không nói
một câu. Ông già khe khẽ:</em>
<em>- Cô cho em đong 6 ký được không? Em vay nhiều quá rồi.
Tháng vừa rồi 1ắm khách quá. Có chú em ở Hà Nội về chơi,
lại có mấy đứa cháu từ quê ra.</em>
<em>- Sang kỳ chỉ bán mỗi sổ một phần ba định lượng.</em>
<em>Ông im lặng. Sổ của ông, hộ độc thân có 13 ký rưỡi
(các con ông đã đi chiến trường cả). Được đong bốn ký
rưỡi. Một phần ba ngô là ký rưỡi. Ba ký gạo. Cô mậu nhìn
vào ba rem tính tiền và nói: l đồng 47. Ông già đưa ra hai tờ
giấy một đồng.</em>
<em>- Có tiền nẻ không?</em>
<em>- Dạ. Em không ạ. – Ông già nói như người có lỗi.</em>
<em>Ba bốn người chạy từ dưới lên:</em>
<em>- Tiền lẻ đây ạ.</em>
<em>Một em bé trạc tuổi con Thương nhanh chân đến trước
tiên. Nó đưa cho cô mậu dịch viên những đồng một xu hai xu
năm xu bằng nhôm và những đồng tiền giấy một hào. Tiền
lẻ hơn thẻ thương binh. Nó sẽ được đong trước. Chẳng ai
dám ghen tỵ với nó. Hắn sợ nhất những sổ ưu tiên, những
bao tải có buộc túi ni-lông đựng sổ gạo kèm theo tiền. Hắn
sợ nhất những cái túi vải có đựng phiếu thịt và tờ
giấy xin mua bao nhiêu thịt. Những suất ấy được cắt
trước. Lại toàn chỗ ngon. Có khi đến lượt mình chỉ còn ít
bạc nhạc.</em>" ( Bùi Ngọc Tấn. <a
href="http://buingoctan.wordpress.com/2009/05/11/chuy%e1%bb%87n-k%e1%bb%83-nam-2000/?n-k?-nam-2000/?n-k?-nam-2000/#40">Chuyện
Kể Năm 2000</a>, tập II. CLB Tuổi Xanh, Hoa Kỳ: 2000, 62-64).
Đó là chuyện của thời bao cấp. Thời đó đã qua nhưng
"di sản và di tích" của nó vẫn còn nổi bật trong
nếp sống hàng ngày. Thái độ, và ngôn ngữ, của một
số chủ hàng ăn hay công nhân viên nhà nước bây giờ (e)
còn quá quắt hơn "những cô mậu dịch viên" ngày
trước nữa:
"<em><a href="http://vnn.vietnamnet.vn/bvkh/2009/02/831359/">Người ta
mách nhau</a>, chớ có vào hàng quán hay chợ (nhất là ở Hà
Nội) nếu không biết tự bưng bê, lấy ghế, tự trông giữ xe,
tự đi tính tiền. Ai ngây thơ đòi được phục vụ tận răng,
rất có thể bị chủ quán tương cả bát nước dùng vào
mặt.</em>"
"<em>Nếu không có bản lĩnh, càng không nên vào chợ buổi
sáng bởi rất có thể bị người bán cằn nhằn, đốt vía,
quát tháo, thậm chí <a
href="http://vnn.vietnamnet.vn/bvkh/2009/02/829501/">sỉ nhục</a>,
'thượng cẳng chân hạ cẳng tay.' Chẳng riêng ở chợ búa
bình dân, mua hàng hiệu ở những nơi sang trọng như các trung
tâm thương mại, cũng đừng dại nghĩ mình là thượng đế.
Hỏi han nhiều, thử hàng lắm, lại trót mở miệng kì kèo giá
cả, chê bai chất lượng, rất dễ bị nhân viên bán hàng liếc
xéo khinh khi và chỉ tay ra cửa.</em>"
"<em>Những cô bán hàng làm nhiệm vụ đuổi khách và những
cửa hàng chẳng cần khách quay lại không chỉ nhiều ở Hà
Nội, mà nhan nhản khắp nơi trên đất nước ta. Người ta còn
mách nhau: Phải cẩn thận khi đến bưu điện, ngân hàng, uỷ
ban. Ở những 'chốn công quyền' này, để giao dịch suôn
sẻ, phải biết xin xỏ. Nếu không, tông giọng của các nhân
viên sẽ cao dần, ánh mắt sắc lạnh dần; hoặc ngược lại,
bạn có thể lãnh một trận mắng như trút lửa vì tội
'không biết gì cả!?'; và kết cục, bạn phải đi lại một
số lần may ra mới xong việc...</em>"
"<em>Nạn bán hàng chửi, đuổi, doạ khách tồn tại được
chính bởi thói quen chấp nhận và tâm lý nhẫn nhục của hàng
triệu người tiêu dùng Việt Nam, rơi rớt lại từ thời bao
cấp, khi mà quan hệ cung - cầu buộc phải dựa trên cơ chế xin
- cho.</em>"
Hơn nửa thế kỷ qua, người Việt không chỉ "nhẫn
nhục" ở nơi cửa hàng buôn bán, chốn công quyền. Họ
phải cúi mặt ở tất cả mọi nơi và mọi lúc khác
nữa, kể cả lúc đã ngồi vào ghế Đại Biểu Quốc
Hội, hay đứng trước diễn đàn quốc tế – với tư
cách là phát ngôn viên của Bộ Ngọai Giao.
Di sản "nhẫn nhục" này, may thay, đã bị khước từ
bởi nhiều người dân Việt đang ở lớp tuổi ba mươi:
Phạm Thị Thanh Nghiên, Lê Trí Tuệ, Lê Thị Công Nhân,
Nguyễn Tấn Hoành, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc
Hùng, Nguyễn Tiến Trung, Ngô Quỳnh, Bùi Chát ... Họ đều
đang bị tù tội hay hay không chế.
Tuy thế, những bản án khắc nghiệt hay những phương
thức sách nhiễu đê tiện mà nhà đương cuộc Hà Nội
dành cho những nhân vật kể trên – xem ra – không ảnh
hưởng gì (nhiều) với lớp người thuộc lứa tuổi
đôi mươi, kế tiếp:
- <a
href="http://www.danchimviet.info/archives/author/huynhthucvygbcpuv-nhwqmdhvx5jn2mx-7grrvgg">Huỳnh
Thục Vy</a>: Im lặng trước nghịch lý là thiếu trách nhiệm
với bản thân mình, chủ động hay bị động hợp tác với cái
cơ chế phản tiến bộ là một gánh nặng tội lỗi.
- <a href="http://www.danchimviet.info/archives/34268">Huỳnh Trọng
Hiếu</a>: Đứng trước hành động tội ác, sự im lặng
được hiểu là đồng thuận, và sự thỏa hiệp với tội ác
là một hành động tội ác.
- <a
href="http://boxitvn.wordpress.com/2011/05/21/th%c6%b0-ng%e1%bb%8f-c%e1%bb%a7a-sinh-vin-nguy%e1%bb%85n-anh-tu%e1%ba%a5n/#more-23983">Nguyễn
Anh Tuấn</a>: Cũng bởi chúng ta tham lam quá: vừa muốn những
điều tốt đẹp – tự do hơn, dân chủ hơn – lại vừa muốn
yên lành, an toàn để hưởng những điều tốt đẹp ấy.
Nhưng, không có hạnh phúc nào giá rẻ cả. Tôi vẫn hằng tin
thế.
- <a
href="http://boxitvn.wordpress.com/2011/05/25/nh%e1%bb%afng-tran-tr%e1%bb%9f-c%e1%bb%a7a-m%e1%bb%99t-sinh-vin/#more-24103">Nông
Hùng Anh</a>: Gặp phải điều gì không đúng thì phải lên
tiếng, sống đúng lương tâm con người, thấy điều phải thì
bênh vực, thấy điều trái cần lên án và đấu tranh xóa bỏ
nó, mọi người đều như vậy thì xã hội mới tốt lên
được.
- <a
href="http://boxitvn.wordpress.com/2011/05/26/th%c6%b0-b%e1%ba%a1n-d%e1%bb%8dc-th%e1%ba%bf-th-h-c%e1%bb%9b-g-mnh-ph%e1%ba%a3i-s%e1%bb%a3/">Nguyễn
Thanh Linh</a>: Thế thì hà cớ gì mình phải sợ?
Tưởng Năng Tiến
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9096), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét