Nguyễn Gia Kiểng - Mùa xuân Ả Rập?

Cụm từ "cách mạng hoa lài" đã nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Những biến động làm sụp đổ hoặc lung lay các chế độ
đôc tài Bác Phi và Trung Đông được gọi là "cuộc cách mạng
Ả Rập" và gần đây "mùa xuân Ả Rập", một cách gọi có hàm
ý rằng các biến động này sẽ chỉ nhất thời và giới hạn
trong thế giới Ả Rập. Trí thức Việt Nam sau lúc đầu phấn
khởi ít còn nhắc tới nữa.

Họ sẽ còn thất vọng hơn trong những ngày sắp tới vì những
khó khăn của các nước Ả Rập đã đang hoặc đang chuyển hóa
về dân chủ chỉ mới bắt đầu. Lịch sử đã chứng tỏ
không có cuộc cách mạng nào lập tức mở ra một kỷ nguyên
tươi sáng, như ý tưởng "mùa xuân" có thể khiến ta mường
tượng. Trái lại mọi cuộc cách mạng đều trải qua một giai
đoạn rối loạn và suy thoái, thậm chí những thảm kịch,
trước khi đem lại những phúc lợi chờ đợi. <strong>Giai
đoạn chuyển tiếp có thể rất dài và những thiệt hại rất
lớn nếu một giải pháp thay thế - bao gồm một lực lượng
chính trị và một dự án chính trị- không xuất hiện nhanh
chóng.</strong> Viện Tài Chính Quốc Tế (IIF – International
Institute of Finances) ước lượng tỷ lệ tăng trưởng trung bình
4.4% trong khối Ả Rập trong năm 2010 sẽ nhường chỗ cho suy
thoái -0.5% trong năm 2011. Riêng Ai Cập thay vì tăng trưởng 6%
sẽ suy thoái -2.5%. Theo một ước lượng khác, hơn 30 tỷ USD
đã đào thoát khỏi Ai Cập. Tình trạng các nước Ả Rập đang
chuyển hóa về dân chủ sẽ còn bi đát hơn nhiều nếu khối
tám nước phát triển G8 không chấp nhận trợ giúp 20 tỷ USD
trong hai năm và 60 tỷ USD trong vòng năm năm.

<strong>Nếu có một bài học mà chúng ta có thể rút ra từ
cuộc cách mạng Ả Rập, sau cuộc cách mạng Đông Âu năm 1989,
thì đó là trước khi bắt đầu một cuộc cách mạng dân chủ
phải có sẵn một tổ chức dân chủ và một dự án xây dựng
dân chủ.</strong>

Các chuyển động này sẽ chỉ giới hạn trong thế giới Ả
Rập hay đang báo hiệu một làn sóng dân chủ cho cả thế
giới?

Ta chỉ có thể trả lời câu hỏi này sau khi đã quan sát các
chế độ độc tài xưa và nay.

Trước đây chúng đều nhân danh một lý tưởng nào đó. Lý
tưởng có thể sai, thậm chí độc hại, nhưng vẫn là xi măng
gắn bó các tập đoàn cầm quyền, đồng thời cho họ một sự
chính đáng trước các dân tộc mà họ cai trị. Các chế độ
cộng sản có chủ nghĩa Marx được tôn xưng như là đỉnh cao
trí tuệ và chân trời lịch sử không thể vượt qua. Các chế
độ độc tài Ả Rập xuất hiện sau Thế Chiến II nhân danh
giấc mơ một "quốc gia Ả Rập" đặt nền tảng trên Hồi
Giáo. Các chế độ độc tài quân phiệt tự gán cho mình sứ
mạng ngăn chặn hiểm họa cộng sản để bảo vệ tự do dân
chủ, hoặc đức tin Thiên Chúa Giáo. Tuy khác nhau về cứu cánh,
chúng đều giống nhau ở chỗ là đều có một cứu cánh để
lấy làm lý do hiện hữu.

Các chế độ độc tài hiện nay khác hẳn trước, và giống
hệt nhau. Sau khi chủ nghĩa Marx bị lố bịch hóa và chính khái
niệm chủ nghĩa trở thành lỗi thời, đồng thời các tôn giáo
mất sức lôi kéo, chúng không còn một lý tưởng nào, thậm
chí một ảo tưởng nào làm biện minh. Chúng đều chỉ có một
mục đích là dùng bạo lực để kéo dài và bóc lột. Không
còn những lãnh tụ hùng biện và lôi cuốn, chỉ còn những tay
anh chị lì lợm. Tham nhũng trở thành luật chơi, quan hệ giữa
chính quyền và nhân dân là quan hệ đàn áp và thù ghét. Trong
suốt lịch sử thế giới chính quyền nào cũng phải đứng
trên hai chân, thuyết phục và khuất phục, trong đó thuyết
phục là chính, bạo lực chỉ dùng đến để khuất phục một
thiểu số không thể thuyết phục. Các chế độ độc tài
hiện nay như vậy chỉ có một chân, và một chân yếu. Chúng
không thể đứng lâu, chưa nói đứng vững.

Hậu quả đầu tiên và quan trọng nhất, cho chính chế độ,
của sự thiếu vắng tư tưởng chính trị là sự phân hóa và
suy sụp của đảng cầm quyền. Bởi vì một chính đảng chỉ
có lý do tồn tại và chỉ có thể tồn tại như là một dụng
cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị. Người ta đã
thấy đảng Tập Hợp Dân Chủ Hiến Định tại Tunisia và
Đảng Quốc Gia Dân Chủ tại Ai Cập tan rã ngay sau khi Ben Ali và
Mubarak bị truất phế dù mới ngày hôm trước chúng còn hàng
triệu đảng viên và có hàng chục tỷ USD. Lý do là vì từ lâu
chúng chỉ còn là những hư cấu. Không có tư tưởng chính trị
thì không thể có đảng, và một cách tự nhiên nhưng bắt
buộc độc tài đảng trị sẽ biến dần thành độc tài cá
nhân. Đó là điều đang xẩy ra tại Việt Nam với thực quyền
chuyển dần từ bộ chính trị sang Nguyễn Tấn Dũng.

Sau đó là xung đột không tránh khỏi giữa quân đội và công
an. Quân đội mạnh và có thể tiêu diệt công an nhưng lại thua
thiệt so với công an về quyền lợi trong một chế độ mà
quyền lợi là tất cả. (Người ta thường nói trong các chế
độ cộng sản không thể có đảo chính. Nhưng đó là giai
đoạn đã qua rồi, khi chủ nghĩa cộng sản còn là một lý
tưởng gắn bó các đảng viên và đảng cộng sản còn thực
sự cầm quyền). Mâu thuẫn tích lũy giữa công an và quân đội
là nguyên nhân trực tiếp đưa đến sự sụp đổ của chế
độ dù chính nó chỉ là hậu quả của sự suy thoái của
đảng cầm quyền. Không có mâu thuẫn này thì những cuộc
biểu tình tại Tunisia và Ai Cập đã bị đàp áp nhanh chóng. Nó
là một thùng thuốc nổ chỉ chờ một cây diêm quẹt trước
sau gì cũng đến. Trong trường hợp cuộc cách mạng Ả Rập,
cây diêm quẹt đó là việc chàng thanh niên bán rau Bouazizi tự
thiêu. Biến cố này đã có thể khởi động cả một làn sóng
dân chủ trên khắp các nước Bắc Phi và Trung Đông vì tình
hình đã chín muồi. Chín muồi đến nỗi Mỹ và Châu Âu đã
phải tiếp tay lật đổ các đồng minh trung thành như Ben Ali và
Mubarak để khỏi bị gạt ra ngoài lề một diễn biến không
trì hoãn được nữa.

Các chế độ đọc tài còn lại đều giống nhau và vì thế
sẽ có chung một số phận. Thực ra chúng là những chế độ
đáng lẽ không thể có. Chúng chỉ đã tồn tại được vì
thế giới cần một thời gian để tiêu hóa những thắng lợi
của dân chủ sau khi các chế độ cộng sản Liên Xô và Đông
Âu sup đổ. Thời gian đó đã chấm dứt.

"Mùa xuân Ả Rập" sẽ không giới hạn ở Trung Đông và Bắc
Phi. Chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của một làn sóng
dân chủ toàn cầu mới, làn sóng thứ tư, cuốn đi mọi chế
độ độc tài còn lại.

Nguyễn Gia Kiểng
(6-2011)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9071), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét