Nguyễn Gia Kiểng - Một bài học lịch sử

Lý do vẫn thường được viện dẫn để giải thích tại sao
chúng ta bị người Pháp thôn tính là: vì ta thiếu vũ khí và
kỹ thuật tối tân. Chúng ta có vẻ hài lòng với giải thích
đó, nhưng khi sự thôn tính đó diên ra một cách quá dễ dàng
thì vũ khí không giải thích tất cả. Vũ khí ngay cả thêm kỹ
thuật tổ chức quân đội, cũng không thể giải thích thất
bại quá hổ nhục của ta.

Để đánh thành Hà Nội do Nguyễn Tri Phương có chuẩn bị
trước để phòng vệ, người Pháp đã chỉ cần 170 quân và
họ hạ thành Hà Nội trong nháy mắt, bắt sống Nguyễn Tri
Phương. Lần thứ hai, họ đem một số quân đông gấp ba, gần
500 người, nhưng lần này Hoàng Diệu không kháng cự mà tự
tử để quân Pháp chiếm thành. Để chiếm Hải Dương, quân
Pháp đã chỉ cần 15 người lính bắn vài phát súng là xong.
Quân nhà Nguyễn đã không kháng cự chứ không phải đã thua
trận. Tại Ninh Bình chúng ta còn nhục nhã hơn nhiều. Một viên
thiếu úy dẫn bảy tên lính tới thành. Tổng đốc Nguyễn
Đức Tuân và toàn bộ quân sĩ Việt nam phải hạ khí giới,
quì xuống hai bên đường đầu hàng.

Trước đó, Jean Dupuis, một lái buôn với vài tên lính đánh
thuê do y tuyển dụng đã có thể làm mưa làm gió mỗi lần
đưa tàu buôn ra Bắc. Các quan lại Việt nam tại Hà Nội mỗi
khi thấy tàu Dupuis tới gần phải chạy trước, sợ y bắt và
nọc ra đánh.

Nếu bảo rằng ta thua vì không có vũ khí thì tại sao vài ngàn
quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc lại hai lần đánh bại quân
Pháp một cách dễ dàng, chém đầu viên chỉ huy Pháp? Mà Lưu
Vĩnh Phúc có đánh lén đâu. Trong lần Henri Rivière ra Hà Nội,
cũng là lần Pháp đem lực lượng hùng hậu nhất, trên 500
người, Lưu Vĩnh Phúc đem quân đến sát Hà Nội, đóng doanh
trại, gởi chiến thư gọi Rivière ra đánh. Cách đối địch
này chẳng có gì là độc đáo. Henri Rivière đem quân ra. Quân
Cờ Đen xông tới tàn sát quân Pháp, chém Henri Rivière, đem bêu
đầu. Năm đó là năm 1872.

Trước đó, đầu thế kỷ 19, giữa lúc Pháp hùng mạnh nhất
về quân sự, với hoàng đế Napoléon I làm bá chủ cả châu
Âu, thì những người nô lệ da đen trên đảo Haiti nổi dậy
thành lập một quốc gia độc lập thách thức đế quốc Pháp.
Napoléon I đã cử một hạm đội hùng hậu gồm 86 chiến
thuyền và 34.000 lính thủy dưới sự chỉ huy của đô đốc
Leclerc, em rể Napoléon I, sang chinh phạt. Dưới quyền đô đốc
Leclerc là 13 trung tướng và 27 thiếu tướng. Đạo quân hùng
hậu và tinh nhuệ này còn mang theo một đàn chó trận được
tập luỵện để săn người da đen. Chúng sử dụng những
biện pháp cực kỳ tàn bạo, treo cổ, nhận nước cho chết,
thả tù nhân cho chó ăn thịt, v.v... Nhưng những người da đen
đơn sơ đã chống trả, họ đã đánh tan đạo quân này trong
thời gian không đầy hai năm, buộc quân Pháp phải đầu hàng.
Lúc đó tổng số người da đen tại Haiti chưa tới nửa triệu
người.

Thành tích này thật nổi bật so với Việt nam. Lúc đó chúng ta
đã có khoảng xấp xỉ mười triệu dân, đã có một lịch sử
dài với nhau quá khứ chống ngoại xâm và mở mang bờ cõi rất
oanh liệt. Quân Pháp sang chiếm nước ta cũng chỉ vài ngàn
người với phương tiện thô sơ, mỗi lần ra Bắc họ chỉ đem
vài trăm lính dưới sự chỉ huy của những sĩ quan trung cấp.

Vũ khí kỹ thuật tổ chức, ngay cả số đông cũng không phải
là tất cả. Chúng ta thua, và thua rất nhục nhã, chỉ vì tinh
thần dân tộc của chúng ta không còn. Mỗi lần quân Pháp ra
đánh Bắc Hà, dân chúng kéo nhau đi xem quân Tây và quân Nam
đánh nhau như những người bàng quan. Các vua nhà Nguyễn đã
chỉ coi miền Bắc và miền Nam như những vùng đất xa xôi. Các
chính sách hà khắc, giết hại công thần, cấm đạo đã làm
tan vỡ hoàn toàn đồng thuận dân tộc. Nước Việt nam vào giai
đoạn đó chỉ còn là một hư cấu và vì thế nó đã mất
hết sức tự vệ.

Từ đó đến nay chúng ta có xây dựng cho lòng yêu nước mạnh
hay không? Một cách ngược đời, giai đoạn Pháp thuộc đã làm
tăng trưởng tinh thần quốc gia và lòng yêu nước. Ba yếu tố
đã đóng góp vào sự tăng trưởng này. Một là sự hổ nhục
vì bị đô hộ bởi một số ít thực dân, thuộc một chủng
tộc khác và đến từ phương xa, đã gây ra một phản ứng
liên đới giữa những người cùng chung nòi giống và văn hóa.
Hai là do tiếp xúc với phương Tây, chúng ta đã tiếp thu
được ý thức quốc gia, một ý thức trước đó chúng ta chỉ
có một cách mơ hồ và người phương Tây cũng chỉ khám phá
trước chúng ta không bao lâu; tôi sẽ còn trở lại vấn đề
này trong những trang sắp tới. Ba là thời Pháp thuộc đã đem
lại phồn vinh, và do đó một sinh lực mới cho cộng đồng dân
tộc.

Sức mạnh mới đó đã khiến dân ta quật khởi vùng lên giành
chủ quyền. Đảng cộng sản đã vận động được lòng yêu
nước đó để dựa vào chiêu bài giải phóng dân tộc mà tranh
đấu cho chủ nghĩa cộng sản và họ cũng đã giáng một đòn
chí tử vào lòng yêu nước vừa mới có được một sức
mạnh. Lần đầu tiên ở nước ta xuất hiện một lực lượng
không kêu gọi đoàn kết dân tộc mà kêu gọi hận thù giữa
dân tộc. Tiếng gọi đấu tranh giai cấp về thực chất là
một tiếng gọi nội chiến, một tiếng gọi giải thể quốc
gia, thay thế tinh thần quốc gia bằng tinh thần giai cấp. Sau
đó chính sách toàn trị của họ đã biến đất nước thành
của riêng một đảng - như ngày trước nó là của riêng một
dòng vua - và trục xuất đại khối dân tộc khỏi định mệnh
đất nước. Đã thế, đảng cầm quyền lại còn áp dụng vô
số biện pháp phân loại dân chúng và phân biệt đối xử.
Những đỗ vỡ và thất vọng kéo dài quá lâu đã làm sụp
đổ lòng yêu nước của người Việt.

Ngày trước, chính sự suy sụp của tinh thần dân tộc đã
khiến chúng ta thua một cách hỗ nhục dưới tay người Pháp
chứ không phải vì người Pháp mạnh. Ngày nay cũng chính sự
suy sụp tinh thần dân tộc đã khiến chung la không tự giải
phóng được khỏi tay đảng cộng sản chứ không phải vì chế
độ cộng sản mạnh. Có những lúc mà những bài học lịch
sử thật đáng suy ngẫm.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8957), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét