Điều 88 Luật Hình Sự: Vũ khí diệt trí thức Việt Nam (3)

<h2>Phần 3 - Điều 88: Công cụ chuyên dụng diệt trí thức</h2>

<h3>Điều luật đặc thù chống trí thức</h3>

Theo khái niệm gốc, "có học" chỉ là điều kiện CẦN. Còn
phải dám phê phán bất công và bất cập trong xã hội, để xã
hội tốt đẹp lên…) mới là điều kiện "ĐỦ" để
người "có học" trở thành trí thức.

Trong xã hội độc tài, nguyên nhân tiêu cực là từ bản chất
chế độ mà ra (lỗi hệ thống).

- Nếu người "có học" chưa động tới bản chất chế
độ, mà chỉ phê phán những hiện tượng bề nổi, rồi lễ
phép "thỉnh cầu" đảng và nhà nước "quan tâm" khắc
phục thì vẫn an toàn, thậm chí được khen. Điều 88 Luật
Hình Sự chưa chống người "có học" nói chung, nếu họ
vẫn biết sợ.

- Nhưng nếu muốn triệt để xoá bỏ những tiêu cực "gốc"
trực tiếp sinh ra từ hệ thống chính trị - do vậy phải phê
phán cả nguyên nhân mới đủ - thì xin cứ… liệu hồn: Điều
88 sẽ lù lù hiện ra. Bởi, nó ra đời chỉ có một việc:
Chống lại trí thức ngay từ mầm mống.

- Sản phẩm của người "có học" nói chung và của trí
thức nói riêng chỉ là chữ nghĩa, văn bản. Mà người "có
học" nào cũng vậy - từ vĩ đại như cụ Mác, ông Hồ… cho
tới ông Cù Huy Hà Vũ hay Mẹ Nấm… - đều muốn sản phẩm
của mình lan toả (để thiên hạ khen hoặc chê; hoan nghênh
hoặc tẩy chay) - miễn là sản phẩm không nói sai sự thật.
Nhưng cẩn thận đấy: có thể bị điều 88 gán cho cái tội
"tuyên truyền".

- Cụ Mác, ông Hồ… muốn tạo sản phẩm đều phải lưu trữ
những tài liệu tham khảo (cả của "ta" và của
"địch"). Nhưng xin 2 vị hãy cẩn thận: Điều 88 có thể
kết tội "tàng trữ".

- Cùng là án hình sự, nhưng chứng cứ vụ án giết người là
con dao, khẩu súng, lọ thuốc độc… Còn chứng cứ trong vụ
án do điều 88 kết tội lại là các văn bản. Khác nhau quá.

Nói điều 88 chống trí thức vì – cho tới nay - bị cáo đứng
trước toà toàn là trí thức; chứng cứ mà toà đưa ra toàn là
sản phẩm của trí thức phê phán chính quyền (y như Bản Án
Thực Dân của Nguyễn Ái Quốc). Thời phong kiến, có người
bị tội chỉ vì đã làm một bài thơ bị người khác suy luận
ra những ý tứ… chống vua. Hú vía, pháp luật tư bản không
có điều 88 để bỏ tù "mục xương" các vị Mác, Hồ…
về tội "chống nhà nước".

Có gì giống nhau và khác nhau giữa 3 toà: tư bản, phong kiến
và XHCN?

<h3>Đặc điểm số 1 của điều 88: Con, cháu chửi vô mặt cha
mẹ, ông bà</h3>

Hiến pháp là "luật mẹ" của một quốc gia, từ đó đẻ ra
hệ thống pháp luật. Như vậy, hiến pháp quy định pháp luật
chứ không phải ngược lại, theo lối "con cái chửi cha
mẹ".

Thế mà, ngay trong hiến pháp Việt Nam hiện hành đã đầy rẫy
những câu "con chửi mẹ" - dễ gặp ở những điều nói về
quyền tự do.

Ví dụ, điều 69 Hiến Pháp 1992: "Công dân có quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội
họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".

Rõ ràng, gắn thêm cái đuôi "theo quy định của pháp luật"
là hành vi có chủ đích của đảng CSVN, xuất phát từ ý đồ
bất lương, bất hiếu. Cái đoạn đuôi này (con) dám quy định
đoạn đầu (mẹ) – trên thực tế đã cấm đoán cha mẹ (tức
nhân dân) tự do ngôn luận, tìm kiếm thông tín v.v… Từ năm
1946 tới nay, hầu hết các quyền tự do vẫn "chưa được
pháp luật quy định".

Nếu một quốc gia ký kết thực hiện những tuyên ngôn toàn
cầu của Liên Hợp Quốc – như Tuyên Ngôn Nhân Quyền – thì
đó là "mẹ", khiến những điều liên quan của hiến pháp
quốc gia phải tự xử sự như "con". Luật pháp (ví dụ
Luật Hình Sự) phải xử sự như "cháu", còn điều 88 phải
xử sự như "chắt" đối với ông bà và tổ tiên. Đọc
lại điều 88, rất dễ nhận ra đảng CSVN đã để thằng chắt
phóng uế vô mặt ông bà và tổ tiên nó.

<h3>Đặc điểm số 2 của điều 88: nội dung chung chung và mù
mờ có chủ ý</h3>

Người "có học" muốn phê phán xã hội đều phải coi kỹ
điều 88 – dù chỉ vẻn vẹn trên 100 từ - để khỏi vi phạm.
Chỉ điều, dù huy động trí não đến đâu, họ vẫn không
thể có cách hiểu phù hợp với đầu óc những vị nghĩ ra
luật và thi hành luật. Rất nhiều trường hợp người "có
học" tưởng (bở) rằng hành vi phê phán của mình vẫn trong
ngưỡng an toàn, thậm chí đó là quyền ngôn luận của mình,
nhưng khi bị lôi cổ ra toà thì mới té ngửa.

<div class="special_quote"><strong>Điều 88 Luật Hình Sự</strong>

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt
tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao
tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm
có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị
phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.</div>

Câu chữ của điều 88 rất chung chung, có thể hiểu rất tuỳ
tiện. Vậy mà suốt 20 năm nay không có một văn bản nào giải
thích cho rõ. Đây là sự cố ý. Ví dụ điểm a và b: "tuyên
truyền" gồm những hành vi gì; thế nào là "xuyên tạc và
"phỉ báng"… vân vân.

Đến điểm c cũng vậy: "Tài liệu" và "văn hoá phẩm"
như thế nào, có nội dung gì… thì bị coi là "chống nhà
nước". Và nhà nước bị thiệt hại tới mức nào, đo bằng
gì… để có thể truy tố bị can…

Cứ theo từng chữ, từng ý của điều 88 thì các hành vi quy
định ở điều a, b, c chỉ bị kết tội nếu xuất phát từ
động cơ: <span class="underlined-text">nhằm chống</span> nhà
nước. Trách nhiệm chứng minh "động cơ" là của công tố.
Phê phán nhà nước – dù nghiêm khắc đến đâu – cũng không
phải là kêu gọi "lật đổ" nhà nước. Rồi, mức án trải
ra quá rộng: từ 3 đến 12 năm, thậm chí 20 năm, quả là tuỳ
tiện, mù mờ để định mức án mà không có bất cứ hướng
dẫn nào.

<h3>Đặc điểm số 3 của điều 88: Cho phép toà "vận dụng"
tuỳ ý và vi phạm</h3>

Luật mù mờ, giúp cho quan toà và công tố tha hồ vi phạm. Khi
luật sư vạch ra những vi phạm, thì các vị này "không thèm
tranh luận"… Luật sư giải trình, rồi căn vặn, chất vấn
một đoạn dài, nhưng công tố chỉ đáp một câu cụt lủn:
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm!

Khoảng năm chục phiên xử các nhà bất đồng chính kiến, với
hàng trăm bị cáo. Sơ sơ, có thể kể 3 vi phạm lớn nhất, lộ
liễu nhất ngay ở các phiên toà sơ thẩm.

<span class="underlined-text">1. Toà sơ thẩm không xử đúng vào
tội trạng ghi trong cáo trạng</span> mà khi phát biểu tại toà,
các quan toà cứ tự ý mở rộng ra những "tội" khác một
cách chủ quan, tuỳ tiện.

Ví dụ, hành vi "trả lời phỏng vấn" – qua lời lẽ của
quan toà - đã bị hàm ý đó là "tội chống nhà nước" mà
không cần xét tới nội dung trả lời. "Trả lời phỏng
vấn" còn bị hàm ý "tội tuyên truyền" dù người trả
lời và người phát tán là hai thực thể khác nhau. Luật sư
Trần Lâm nói: toà sơ thẩm vụ Lê Thị Công Nhân đã vi phạm
nguyên tắc "Truy tố đến đâu xét xử đến đó" – nghĩa
là tại toà, quan toà tự ý thêm tội trạng mới cho nạn nhân
(không ghi trong cáo trạng).

Tuy nhiên, việc dùng những khái niệm và câu chữ "mù mờ"
để kết người ta vào những tội rất "thật" mới là mối
nguy hiểm cho bị cáo.

<div class="special_quote">Hầu hết người bất đồng chính kiến
bị kết tội theo điểm c, khoản 1 của điều 88:

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có
nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.

Ví dụ, dưới đây là 3 tài liệu mà bị cáo đã viết ra, có
nêu trong Cáo Trạng như những chứng cứ để kết tội bà Lê
Thị Công Nhân:

• Tình trạng và đòi hỏi phải giải quyết tình trạng của
giai cấp công nhân.
• Về việc không cho phép có báo chí tư nhân.
• Về việc bãi bõ Nghị định 31CP</div>

Khi luật sư bào chữa đọc kỹ 3 bài nói trên, ông đi đến
kết luận rằng: 1) đó là những bài nghiên cứu khoa học; 2)
nội dung đều là sự thật.

Vậy thế nào là "chống" nhà nước? "Chống nhà nước"
gồm những hành vi cụ thể nào? Phê phán nhà nước có gọi là
"chống"? Rút ra những kết luận nghiên cứu khoa học không
vừa ý với nhà nước có gọi là "chống"?

Luật sư Trần Vũ Hải từng bào chữa cho hàng chục bị cáo do
điều 88 quy tội, khi trả lời phỏng vấn của VOA cũng nói:
…chúng tôi đã nghiên cứu về mặt pháp luật chưa có nghị
quyết nào của các Hội đồng thẩm phán Toà án Tối cao
hướng dẫn về điều luật này, cũng không có định nghĩa
thế nào là chống.

<span class="underlined-text">2. Toà sơ thẩm không đưa ra đầy đủ
mọi chứng cứ</span>

Luật đòi hỏi phải làm như vậy (điều 214) để hai bên
(buộc tội và gỡ tội) xác nhận lần cuối - trước khi chính
thức tranh tụng: chúng có thật là "chứng cứ để kết tội
hay không". Rất có thể, đó không phải chứng cứ, hoặc chỉ
là thứ ngụy tạo. Nhưng toà sơ thẩm không đưa ra đầy đủ
mọi chứng cứ. Lẽ ra, việc này cần tranh biện rất căng
thẳng để tránh oan sai.

<div class="special_quote">Thật là bất minh, nếu cáo trạng kết
tội bị cáo là "giết người" - vì đã chém rơi đầu nạn
nhân - mà lại không trưng ra hung khí.

Và thật khôi hài, độc ác, nếu "hung khí" trưng ra chỉ là
cái lông… vịt(!).

Cũng tương tự, LS Lê Thị Công Nhân bị kết tội
"tuyên truyền lật đổ" với chứng cứ là "bản tài liệu
phát cho học viên" mà công an thu được "tại chỗ" khi vị
luật sư này sắp mở đầu một bài giảng về dân chủ. Nếu
"chứng cứ" này được đưa ra trước toà để tranh luận
thì mọi người sẽ thấy đó là một tài liệu công khai trên
mạng, do các nhà Luật Học quốc tế biên soạn, dành cho bất
cứ đối tượng nào muốn có những hiểu biết phổ cập về
dân chủ, trong đó tịnh không có dòng nào, ý nào nói đến
Việt Nam. </div>

Theo nguyên tắc đánh giá chứng cứ tội phạm thuộc điều 88
(chứng cứ dạng văn bản) thì Toà phải trích dẫn câu nói,
chữ viết, hình ảnh có dấu hiệu phạm tội để minh định
sai phạm; và hai bên phải tranh luận… để minh định là có
phạm tội hay không?

Trong các vụ án hình sự nói chung, người ta rất tốn công
sức, trí óc, tiền của và thời gian để minh định chứng
cứ: nào là pháp y, kiểm toán, kinh tế, tài chính, DNA, khôi
phục hiện trường, diễn lại hành vi của bị cáo… nghĩa là
rất tốn công, rất trầy trật để xác định sự thật. Sự
thật lại phải đạt đến mức: mọi người phải thừa nhận
là có vụ việc đó, nội dung, thực chất là có vi phạm…
mới coi là đủ.

Trong các vụ bất đồng chính kiến (nguỵ trang thành vụ án
hình sự) thì toà chỉ nêu hiện tượng và coi luôn đó là
chứng cứ, không chấp nhận tranh cãi thêm nữa. Thì ra, chỉ khi
kết tội trí thức thì việc tranh luận để minh định chứng
cứ mới được toà sơ thẩm cho phép làm qua loa, sơ sài mà
thôi. Chả lẽ nó không nói lên điều gì?

Toà còn một sai phạm nghiêm trọng là đánh giá chứng cứ một
chiều: Phạm Văn Trội được Toà gọi, là nhân chứng. Trội
đã hứa trước Toà khai báo đúng sự thật. Toà không đếm
sỉa gì đến Trội trong suốt phiên Toà. Trội đã phản ứng
sau phiên Toà. Ai cũng biết Trội là người của bên những
người bị kết tội, được triệu tập tới toà; nhưng không
được nói gì hết.

Người ta coi việc đánh giá chứng cứ như trên là phiến
diện, một chiều. Thẩm tra chứng cứ một chiều là một sai
phạm nghiêm trọng.

<span class="underlined-text">3. Xét xử sơ thẩm có sai phạm là đã
hạn chế đến mức ngăn cản việc tranh luận</span>

Đánh giá chứng cứ cần tranh luận nhưng không được thực
hiện.

Tới bước định tội, cũng không cho tranh luận

Cuối cùng, khi định mức án (lượng hình) cũng như vậy nốt.

Nếu là một vụ án trong phạm vi văn học, nghệ thuật, với
thơ ca, hội hoạ thì việc tranh luận càng phức tạp và kéo
dài…, có khi hàng tháng. Sắp tới, xử tiếp bị cáo vụ PMU
toà dự tính 1 tuần mới xong. Duy nhất, các vụ xử bất đồng
chính kiến chỉ cẩn 1-2 ngay là kết thúc "gọn".

Với 3 sai phạm trên về mặt hình thức, có thể kết luận là
án xử sơ thẩm xử người bất đồng chính kiến ở Việt Nam
chưa đủ tiêu chuẩn để được xét xử phúc thẩm, vì lẽ án
xử phúc thẩm phải có trọng tâm, sửa là sửa điểm cơ bản
chứ không phải xử lại lần 2 bằng cách làm lại từ đầu…
(ý kiến LS Trần Lâm)


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9070), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét