Đào Tuấn - Tù binh của bệnh thành tích

Cuộc tổng điều tra các hộ nghèo trên toàn quốc đã công bố
còn hơn 3 triệu hộ nghèo, và 1,6 hộ cận nghèo. Con số này,
chiếm khoảng 14% số hộ được thống kê dựa trên mức chuẩn
nghèo mới sắp được ban hành, với 400 ngàn vnd/người/tháng
ở nông thôn và 500 ở thành phố. Cần phải nhấn mạnh đây
là những con số chính thức để căn cứ vào đó, các chính
sách giảm nghèo cho các giai đoạn được hoạch định. Nhưng
liệu chuẩn mới, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2011 đã tính
đến yếu tố lạm phát, tăng giá? Thậm chí tính đủ chi phí
thực để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho một người
dân, dẫu là nghèo?

Kể từ thời điểm chuẩn nghèo được ban hành năm
2005, con số tuyệt đối 200 ngàn/người/tháng ở nông thôn và
260 ở thành phố dùng để đo lường mức độ nghèo khó, mà
thực chất là tồn tại của người nghèo được giữ suốt
từ đó đến nay. Có quá nhiều ý kiến đã nói tới việc
chuẩn nghèo thiếu một cơ chế mềm để có thể điều chỉnh
nhanh chóng, bù đắp phần nào, chứ không nói san lấp hết
những giá trị chất lượng mà lạm phát phi mã và sự phá giá
vnd gây ra hàng năm. Nhưng cho đến nay, chuẩn nghèo, dù đã 3
lần "nâng lên đặt xuống" vẫn chưa hề thay đổi. Liệu
con số 400-500 ngàn đồng/người/tháng mà mức chuẩn nghèo mới
dự kiến sẽ áp dụng có tránh được thực trạng "chuẩn
nghèo chạy theo lạm phát"? Có thực sự là "nâng" chuẩn
nghèo"? Có phải là con số đủ đảm bảo người nghèo có
thể sống? Trong thực tế, vẫn còn có những công dân có mức
thu nhập ít hơn mức độ 400-500 ngàn mỗi tháng nhưng thực tế
cũng cho thấy với mức thu nhập này, người ta chỉ có thể
tồn tại chứ không thể sống trong điều kiện kinh tế ổn
định, chưa tính tới những thời điểm "bạo bệnh của nền
kinh tế". Để cho dễ định lượng, mức bất biến, thậm
chí thụt lùi của chuẩn nghèo mới có thể khẳng định vào
dựa vào mức độ tăng giá của lương thực. Theo tổng cục
Thống kê, thời điểm ban hành chuẩn nghèo năm 2005, giá gạo
tẻ bình quân là 3.200 đồng/kg. Sau 6 năm, giá gạo tẻ thường
đã tăng lên 12.500 đ/kg, mức độ tăng trên 400%. Cũng không
thể không nhắc đến thực tế là trong 5 tháng đầu năm, giá
lương thực tăng bình quân 2% mỗi tháng. Có lẽ không khó để
có thể khẳng định "chuẩn 400-500" thậm chí còn chưa đủ
bù đắp giá trị, hay còn gọi là trượt giá trước tốc độ
lạm phát và tăng chỉ số giá tiêu dùng liên tục ở mức 2 con
số. Chỉ tính 3 trong 4 năm qua: 2007, 2008, và 2010, CPI đã tăng
gần 60%... Chuẩn nghèo, vì thế, có thể tăng ở giác độ con
số nhưng thực chất lại giảm giá trị.

Thứ trưởng Bộ Lao động-thương binh và xã hội, ông Nguyễn
Trọng Đảm hôm qua đã trả lời báo chí: Thời gian qua có quá
nhiều chương trình giảm nghèo "chồng chéo" lên nhau (thậm
chí) khiến một số cán bộ cấp xã không nhớ được hết tên
chương trình". Nhưng nhiều chương trình giảm nghèo có ý
nghĩa gì khi chuẩn nghèo mới đang quá thấp so với chuẩn chung
của thế giới và khu vực!

Trong khi ngay từ đầu năm 2008, chuẩn nghèo thế giới đã
được nâng lên mức 2 USD/người/ngày và chuẩn của Châu Á
cũng đã được nâng lên mức 1,25 USD thì chuẩn nghèo ở Việt
Nam, thậm chí mới ở giai đoạn chuẩn bị ban hành vẫn đo
mức thu nhập theo tháng, và vẫn ở mức thấp dưới đáy. Và
người nghèo ở Việt Nam có lẽ là những người nghèo nhất
trong số những người nghèo trên thế giới chưa nói tới việc
chuẩn nghèo ở Việt Nam không những không đuổi theo được
đà tăng giá, không đuổi kịp tốc độ lạm phát mà còn không
theo kịp với mức độ nghèo khổ của dân chúng. Bộ LĐ-TB và
XH hôm qua cũng đã công bố các chỉ tiêu giảm nghèo, tăng thu
nhập cho tầng lớp dân chúng nghèo khổ nhưng những điều đó
liệu có ý nghĩa gì khi chuẩn nghèo chưa ban hành đã lạc hậu,
chưa ban hành đã thiếu thực tế khi không ai có thể sống
được nổi với giá trị tuyệt đối của chuẩn nghèo.

Phát biểu với Tuổi trẻ, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề
xã hội của Quốc hội, ông Đặng Như Lợi cho rằng: Toàn bộ
các mức sống thực tế mà biểu hiện bằng tiền để tính ra
mức chuẩn thì đó chỉ là chuẩn trên danh nghĩa. Rõ ràng:
"Không thể dùng cái chuẩn là danh nghĩa (tính ra bằng tiền)
tại một thời điểm để quy định cho cả giai đoạn, mà
không tính đến yếu tố trượt giá" bởi vì "cái chuẩn
nghèo đó không phản ánh thực chất của giảm nghèo". Cái
cần của người nghèo chính là một mức nghèo khổ không quá
thấp. Còn cái cần của chuẩn nghèo chính là một cơ chế linh
hoạt để có thể điều chính, để có thể bù đắp sự
trượt giá hàng năm.

Rất khó để nói chuẩn nghèo là tù binh của những con số
tuyệt đối cứng ngắc và bất biến. Cũng khó kết luận nó
bị cầm tù bởi bệnh thành tích của những người không
nghèo. Chỉ biết là với một chuẩn nghèo thấp lè tè như
vậy, cơ hội thoát nghèo của những người đã và đang sống
bên lằn ranh của sự tồn tại sẽ bị tước đoạt đi thêm
nhiều lần.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8927), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét