hừng hực, nhạc chiến đấu giải phóng miền nam được phát
lên theo từng cuộc gọi trên những chiếc điện thoại di
động được cài đặt miễn phí hoặc giá khuyến mãi cho
"cuộc vui" dân tộc.
Các nhóm thân hữu được hưởng hương hoa của cuộc chiến
thắng – cựu chiến binh, những người cùng thế hệ, cùng
khoá học…ở các tỉnh miền nam, trừ thành phần "nguỵ
quân, nguỵ quyền", lại rủ rê nhau gặp mặt, để kỷ niệm
hoặc ăn mừng thắng lợi/ còn sống sót/ đã trưởng thành.
Trên các trang mạng và một vài tờ báo trong nước, người ta
lại sử dụng cụm từ "hoà hợp hoà giải" để cố gắng
cho một xúc cảm tập thể hoặc để chứng tỏ còn nhớ món
nợ lịch sử và và biết suy tư thời cuộc, quan tâm đến
đại mệnh dân tộc sau cuộc tang thương.
Vài năm gần đây, sau khi ông Võ Văn Kiệt qua đời, người ta
lại hay dùng hình ảnh của ông để làm giá đỡ cho những
phát biểu đầy suy tư và trách nhiệm đó. Câu nói có ý nghĩa
dàn hoà về triệu người vui và triệu người buồn trở thành
phù chú để vớt vát tính chất cần thiết, phổ quát, chính
nghĩa và chính thống của hoà hợp hoà giải ở buổi muộn
mằn. Có người còn tính được sự muộn mằn đó có trị số
2 thế hệ.
Nhưng ai cũng biết rằng cuộc hoà hợp hoà giải đúng ra là
không được muộn, không có chuyện muộn. Nếu đó là chuyện
tất yếu xét về giải pháp lịch sử cũng như truyền thống
dân tộc thì nó phải xảy ra tức thì, sau thời điểm kết
thúc chiến tranh, với những bước đi nào đó phù hợp và có
hứa hẹn cho sự hoàn tất triệt để, để không bao giờ muộn
cả. Còn khi đã có chuyện muộn thì sẽ không bao giờ có hoà
hợp hoà giải bình thường, trọn vẹn ngoài những phát ngôn
tự lừa mị, những cảnh diễn trò, đóng kịch có thể che
đậy cho những toan tính đầu cơ lịch sử vì những lợi ích
tập thể hoặc lợi ích của từng cá nhân trong ván bài đổi
mới đến hồi đục nước.
Tại sao khó? Nhiều lý do lắm, song có lẽ trước hết là nhận
thức thật sự, thành thật của người chiến thắng về bản
chất của cuộc chiến tranh, về chiến thắng và thất bại,
về bản chất của nhau và các lực lượng đứng đàng sau mỗi
bên và sự hành xử phù hợp với thái độ thành thật ấy.
Đó là cuộc chiến tranh giải phóng miền nam, chiến tranh để
thống nhất đất nước hay chiến tranh ý thức hệ? Nếu chiến
tranh giải phóng thí dứt khoát Việt Nam Cộng Hoà là kẻ thù
dân tộc, là kẻ xâm lược (vì sau 1973, xác chết trên chiến
trường chỉ còn là người Việt)? Nếu để thống nhất đất
nước, có nhất thiết phải tiến hành cuộc chiến tranh (mà
mầm mống của nó đã được chuẩn bị ngay sau 1954, khi Việt
Minh cài cắm hàng nghìn cán bộ ở lại mỗi tỉnh miền nam)?
Cuối cùng, mọi chiêu bài có tính chất biện minh cho chính
nghĩa đó không làm nhoà đi được yếu tố ý thức hệ và
được uỷ nhiệm đại điện ý thức hệ của cuộc chiến
tranh (thực ra là quyền lợi nước lớn trong chiến tranh lạnh
với sự có mặt của lực lượng mệnh danh là phe cộng sản
và các nước phụ thuộc vào một trong hai phe). Chính chiều sâu
ý thức hệ đó trong phía chiến thắng đã là cản ngại lớn
cho hoà hợp hoà giải sau 1975: sự tự phụ chiến thắng của
học thuyết đỉnh cao nhân loại và việc chuẩn bị cho những
âm mưu thực thi mô hình chủ nghĩa xã hội trong cả nước.
Nếu chỉ vì mục tiêu giải phóng miền nam, thống nhất đất
nước, việc hoà hợp hoà giải có lẽ đã dễ hơn. Nhưng song
song với nó, đàng sau nó – như cách nói giương cao hai ngọn
cờ, là chuẩn bị cho chủ nghĩa xã hội, là "đấu tranh giai
cấp", là xoá bỏ tư hữu, là khẳng định vai trò độc tôn
lãnh đạo của đảng cộng sản. Làm sao cuộc hoà hợp hoà
giải ngay sau năm 1975 có thể tạo an toàn cho việc hợp tác hoá
nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp liền sau đó.
Muốn an toàn, trước hết phải tập trung vào trại cải tạo
tất cả số quan chức có học, sĩ quan cao cấp và trí thức
văn nghệ sĩ thân chế độ cũ. Và nếu cuộc hòa hợp hòa
giải thành công, làm sao có thể kể công lãnh đạo của đảng
để sau đó tạo thành điều 4 của Hiến pháp, làm sao có thể
huy động tiền thuế của toàn dân tộc để chỉ giải quyết
chính sách đền bù xương máu, hy sinh cống hiến của chỉ một
phía dân tộc được? Sự trả thù vô tiền khoáng hậu đó
đã tạo nên cái thế khó của giải pháp lịch sử ngay từ
đầu, và càng về sau càng khó. Đến thời điểm này, không
thể tìm ra được chỗ nào là mối mạch của cuộn chỉ rối
lịch sử để bắt đầu cho một chính sách hòa giải, khi sự
vận hành của một hệ thống dựa trên sự khẳng định không
khoan nhượng tính chính nghĩa của chiến thắng đã áp đảo
toàn xã hội, kể cả khi bản chất kinh tế - chính trị - giai
cấp của hệ thống đó đã thay đổi 100%. Và cũng chính vì
phải thay đổi, vì sự xấu hổ do phải thay đổi – tức là
thất bại, nên lại càng khó hòa giải: không lẽ lại tự cho
rằng cuộc chiến tranh chống Mỹ, chống chế độ tư bản
miền nam, chống nền kinh tế thị trường, việc tịch thu
ruộng đất, tước quyền tư hữu của toàn dân cả nước là
sai sao?
Cho nên không thể dễ dàn hòa bằng cách tung hỏa mù triệu
người vui và triệu người buồn. Ai buồn? Ai vui? Có phải cả
người buồn và người vui cùng ngồi chung bàn tiệc hỉ hả
cụng ly sau một trò chơi, một vở kịch của lịch sử?
Không, vì buồn và vui ở đây có quan hệ nhân quả: vì có một
triệu người vui nên có một triệu người buồn và ngược
lại; những mất mát là không bù đắp được vì sự cao ngạo,
không khoan nhượng trong tâm thế và chính sách của người
"chiến thắng". Còn bao nhiệu triệu người không buồn không
vui thì đành ngửa mặt lên trời mà than rằng "Eli ! Eli ! lama
sabathani?".
Xích Tử
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8671), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét