Trong ba định nghĩa về quyền, chiếu theo nội dung của các qui
phạm pháp luật, tức là các qui phạm qui định và giới hạn
quyền tự do (trường phái quyền tự nhiên và các nhà triết
học duy tâm Đức) - qui phạm giới hạn quyền lợi (Ihering), và
cuối cùng là qui phạm tạo ra sự thoả hiệp giữa các đòi
hỏi khác nhau (Адольф Меркель[1]), thì định nghĩa thứ
ba đáng được chú ý hơn cả, nếu xét về mặt xã hội học.
Trong nhà nước hiến định hiện đại, bất kì đạo luật
mới được ban hành nào, đấy là nói những đạo luật có
một chút giá trị nào đó, cũng đều là kết quả của sự
thoả hiệp giữa các đảng phái, tức là những tổ chức biểu
đạt yêu cầu của các nhóm xã hội hoặc giai cấp mà họ làm
đại diện. Chính nhà nước hiện đại cũng được xây dựng
trên cơ sở của thoả hiệp và hiến pháp của mỗi nhà nước
cũng là sự thoả hiệp nhằm dung hoà khát vọng của những
nhóm xã hội khác nhau của quốc gia. Vì vậy mà nhà nước
hiện đại, nếu xét từ quan điểm kinh tế-xã hội thì
thường là chế độ tư bản, nhưng cũng có thể là quí tộc,
thí dụ như nước Anh trước cuộc cải cách về bầu cử
được thực hiện vào năm 1832 vốn là nhà nước hiến định
nhưng lại do tầng lớp quí tộc nắm quyền; còn Phổ, mặc dù
đã có hiến pháp cách đây 60 năm, nước này vẫn mang bản
chất quí tộc nhiều hơn là tư bản. Nhà nước hiến định
cũng có thể là của nông dân hoặc công nhân, như chúng ta
thấy ở New Zealand hay Na Uy. Cuối cùng, nhà nước có thể không
có mầu sắc giai cấp nhất định, đấy là khi đạt được
sự quân bình giữa các giai cấp, không có giai cấp nào chiếm
được ưu thế. Nhưng nếu nhà nước hiến định hiện đại
được xây dựng trên sự thoả hiệp ngay cả về mặt tổ
chức xã hội thì nó lại càng như thế về mặt tổ chức
chính trị và pháp luật. Điều đó cho phép ngay cả những
người xã hội chủ nghĩa, tức là những người phủ nhận nhà
nước hiến định về mặt nguyên tắc vì họ coi đấy là là
nước tư bản, dễ dàng an cư lạc nghiệp và tham gia vào hoạt
động lập pháp, dễ dàng sử dụng nhà nước như phương tiện
của mình. Vì vậy mà Kavelin và Mikhailovski có lí khi cho rằng
nhà nước hiến định ở nước Nga sẽ là quí tộc hay tư
bản; nhưng họ đã sai khi rút ra kết luận rằng không thể
đội trời chung với nó và không thể chấp nhận nó ngay cả
như một sự thoả hiệp, trong khi những người xã hội chủ
nghĩa khắp thế giới sẵn sàng thoả hiệp với nhà nước
hiến định.
Nhưng quan trọng nhất là, như đã nói bên trên, Kaverin và
Mikhailovski cũng như toàn thể giới trí thức theo đuôi họ đã
hoàn toàn bỏ qua bản chất pháp quyền của nhà nước hiến
định. Nhưng nếu chúng ta tập trung chú ý vào khía cạnh tổ
chức pháp luật của nhà nước hiến định thì để làm rõ
bản chất của nó chúng ta phải chú ý đến khái niệm pháp
quyền dưới dạng thuần khiết của nó, nghĩa là nội dung
thật sự của nó, chứ không phải rút ra từ các quan hệ kinh
tế và xã hội. Lúc đó nói rằng pháp quyền phân định rõ
quyền lợi hoặc tạo ra thoả hiệp là chưa đủ mà phải dứt
khoát khẳng định rằng pháp quyền chỉ có khi có tự do cá
nhân mà thôi. Theo ý nghĩa này thì trật tự pháp luật là hệ
thống các quan hệ trong đó tất cả các thành viên của xã
hội đều có quyền tự do hành động và tự quyết cao nhất.
Nhưng cũng theo ý nghĩa này thì chế độ pháp quyến không
được đối lập với chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngược
lại, hiểu một cách sâu sắc cả hai sẽ đưa ta đến kết
luận rằng chúng liên kết mật thiết với nhau và chế độ xã
hội chủ nghĩa, xét về mặt luật học, chính là chế độ
pháp quyền được thực hiện một cách nhất quán hơn cả.
Mặt khác, chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ có thể trở thành
hiện thực khi tất cả các cơ quan của nó đều có một định
nghĩa hoàn toàn chính xác về mặt pháp lí.
Giới trí thức Nga vốn có nhận thức yếu kém về pháp quyền,
cũng như các lãnh tụ của nó là Kavelin và Mikhailovski, không
thể đưa ra được định nghĩa về pháp quyền – cho chế độ
dân chủ, đối với Kavelin và cho chế độ xã hội chủ nghĩa,
đối với Mikhailovski. Họ còn từ chối bảo vệ ngay cả trật
tự pháp lí tối thiểu, Kaverin thì chống lại hiến pháp, còn
Mikhailovski thì có thái độ hoài nghi đối với quyền tự do
chính trị. Nói cho ngay, các sự kiện hồi cuối những năm 70
đã buộc những người dân tuý tiến bộ, trong đó có
Mikhailovski, đứng lên đấu tranh cho quyền tự do chính trị.
Nhưng đây là cuộc đấu tranh mà những người dân tuý buộc
phải làm vì hoàn cảnh và nhu cầu lịch sử chứ không phải
là do sự phát triển tư tưởng của chính họ cho nên không
thể dẫn tới thành công được. Chủ nghĩa anh hùng cá nhân
của các đảng viên Đảng Ý dân không thể bù đắp được
những khiếm khuyết căn bản về tư tưởng không những của
phong trào dân tuý mà của cả giới trí thức Nga nói chung. Giai
đoạn phản động hồi nửa sau những năm 80 còn ảm đạm và
tăm tối hơn vì trong khi không có bất kì căn cứ và bảo đảm
pháp lí nào cho một đời sống xã hội bình thường thì trí
thức nước ta thậm chí còn không nhận thức được một cách
rõ ràng vực thẳm của sự vô quyền của nhân dân Nga nữa.
Không hề có một định thức lí thuyết nào đủ sức xác
định được sư vô quyền đó.
Chỉ sau khi có một làn sóng hướng về phương Tây cùng với
chủ nghĩa Marx nổi lên vào đầu những năm 90 thì nhận thức
pháp quyền của giới trí thức Nga mới bắt đầu mở mang thêm
được một chút. Giới trí thức Nga bắt đầu tiếp thu những
chân lí sơ đẳng của người châu Âu, và lúc đó các chân lí
sơ đẳng này đã có tác động với họ chẳng khác gì những
mặc khải vĩ đại nhất. Cuối cùng, giới trí thức nước ta
đã nhận ra rằng mọi cuộc đấu tranh xã hội đều là đấu
tranh chính trị cả, rằng tự do chính trị là tiền đề cho
chế độ xã hội chủ nghĩa, rằng nhà nước hiến định, dù
nằm dưới sự cai trị của giai cấp tư sản đi nữa, sẽ cung
cấp cho giai cấp công nhân không gian rộng lớn hơn cho cuộc
đấu tranh vì quyền lợi của mình, rằng giai cấp công nhân
cần trước hết là quyền bất khả xâm phạm về thân thể,
quyền tự do ngôn luận, tự do đình công, tự do hội họp và
lập hội, rằng cuộc đấu tranh vì quyền tự do chính trị là
nhiệm vụ đầu tiên và thiết yếu nhất của bất kì đảng
xã hội chủ nghĩa nào..v.v.. và ..v..v.. Có thể hi vọng rằng
cuối cùng thì giới trí thức của chúng ta cũng công nhận
những giá trị bất biến của cá nhân và đòi phải thực
hiện các quyền và quyền bất khả xâm phạm của cá nhân.
Nhưng hoá ra là những khiếm khuyết trong nhận thức pháp quyền
của giới trí thức của chúng ta là rất khó khắc phục. Mặc
dù đã trải qua trường mác-xít nhưng thái độ của nó đối
với pháp quyền vẫn y như cũ. Có thể nhận thấy điều đó
qua những tư tưởng đang giữ thế thượng phong trong đảng dân
chủ-xã hội mà cách đây chưa lâu đa số trí thức đã hùa
theo. Về mặt này thì các biên bản của cái gọi là đại hội
II Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga họp tại Bruxelles vào
tháng 8 năm 1906 để soạn ra cương lĩnh và nội qui của Đảng
là những tài liệu rất đáng được quan tâm. Đại hội lần
thứ nhất tại Minsk vào năm 1898 không để lại biên bản nào;
tuyên ngôn được công bố sau đó cũng không được Đại hội
thông qua mà do P. B. Struve[2] soạn theo đề nghị của một uỷ
viên Ban chấp hành Trung ương. Như vậy là Toàn tập biên bản
Đại hội II Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga xuất bản ở
Geneva vào năm 1903 là di sản đầu tiên, nếu tính về thời gian
và vì vậy mà đặc biệt đáng chú ý, về tư duy của một bộ
phận giới trí thức Nga, những người đã tự động đứng
vào hàng ngũ của Đảng dân chủ-xã hội, về vấn đề pháp
quyền và dân chủ. Việc các biên bản này thể hiện ý kiến
của giới trí thức chứ không phải là của các đảng viên
"đảng công nhân" theo đúng nghĩa của từ này đã được
một người tham gia đại hội và là một trong các lãnh tụ tinh
thần của phong trào dân chủ-xã hội Nga thời đó, tức là ông
Starover[3] (A. H. Potresov) viết trong bài báo "Bàn về chủ nghĩa
Marx trong các nhóm và về phong trào dân chủ-xã hội của giới
trí thức[4]".
Ở đây, chúng ta không thể ghi nhận hết các trường hợp
thảo luận, khi mà sự thiếu vắng ý thức pháp quyền và sự
thiếu hiểu biết ý nghĩa của sự thật pháp lí của một số
đại biểu đã làm người ta phải kinh hoàng. Chỉ cần nói
rằng ngay cả các lãnh tụ tinh thần và lãnh đạo đảng củng
thường bảo vệ những quan điểm trái trược với các nguyên
tắc pháp quyền. Thí dụ như ông G. V. Plekhanov[5], người đã
có đóng góp nhiều nhất trong việc tố cáo các ảo tưởng dân
tuý của giới trí thức Nga, người có công soạn thảo ra các
nguyên tắc dân chủ-xã hội trong suốt hai mươi năm qua và
được công nhận một cách xứng đáng là lí thuyết gia nổi
tiếng của Đảng, đã phát biểu trước Đại hội về tính
tương đối của tất cả các nguyên tắc dân chủ, tức đồng
nghĩa với việc phủ nhận trật tự pháp luật ổn định và
bền vững và phủ nhận ngay chính chế độ lập hiến. Theo ông
thì "từng nguyên tắc dân chủ phải được xem xét không
phải theo lối trừu tượng mà phải xem xét trong quan hệ với
nguyên tắc có thể gọi là nguyên tắc căn bản của dân chủ,
mà cụ thể là nguyên tắc nói rằng salus populi suprema lex[6].
Dịch sang ngôn ngữ của nhà cách mạng, câu đó có nghĩa là:
thắng lợi của cách mạng là trên hết. Và sẽ là có tội
nếu không tạm thời giới hạn hiệu lực của một nguyên tắc
dân chủ nào đó nếu việc giới hạn đó có ích cho sự
nghiệp của cách mạng. Xin nói ý kiến cá nhân tôi rằng ngay
cả nguyên tắc phổ thông đầu phiếu cũng phải được xem xét
từ nguyên tắc dân chủ căn bản mà tôi vừa nói bên trên. Có
thể giả định trường hợp, khi chúng ta, những người dân
chủ-xã hội đưa ra ý kiến phản đối quyền phổ thông đầu
phiếu.
Giai cấp tư sản Ý đã từng tuớc bỏ quyền chính trị của
những người thuộc giới quí tộc. Gai cấp vô sản cách mạng
cũng có thể giới hạn quyền chính trị của các đẳng cấp
trên tương tự như các đẳng cấp bên trên đã từng hạn chế
quyền chính trị của vô sản vậy. Lợi ích của biện pháp
trên chỉ có thể được xem xét từ nguyên tắc salus revolutiae
suprema lex[7]. Chúng ta phải đứng trên quan điểm này ngay cả
khi nói về vấn đề thời hạn của quốc hội. Nếu nhân dân,
trong cao trào cách mạng, bầu được một quốc hội tốt –
theo kiểu chambre introuvable[8] - thì chúng ta cần phải làm cho nó
sống lâu, còn nếu các cuộc bầu cử tỏ ra là không thành
công thì chúng ta phải tìm cách giải tán, không phải sau hai
năm mà nếu có thể thì sau hai tuần[9]".
Tư tưởng về thế thượng phong của bạo lực và quyền lực
cướp đoạt được chứ không phải tư tưởng về sự thượng
tôn của nguyên tắc pháp quyền được tuyên xưng trong bài phát
biểu này quả là một tư tưởng cực kì quái đản. Ngay cả
một số đại biểu Đại hội, những người đã quen khuất
phục những lực lượng xã hội, cũng tỏ ra bất mãn với cách
đặt vấn đề như thế. Một số người chứng kiến kể lại
rằng sau bài phát biểu, một số người thuộc phái Bund[10],
tức là những đại diện cho các thành phần xã hội thân
phương Tây hơn, đã hô lớn: "Đồng chí Plekhanov có tước
quyền tự do ngôn luận và quyền bất khả xâm phạm của tư
sản không?". Nhưng đây không phải là những lời phát biểu
chính thức nên không được ghi vào biên bản. Tuy nhiên cần ghi
nhận rằng một vài diễn giả, những người thuộc phái thiểu
số, sau đó đã tuyên bố phản đối bài phát biểu của
Plekhanov. Ông Egorov, một đại biểu của Đại hội, đã nhận
xét rằng "qui luật của chiến tranh là một chuyện, còn qui
luật của hiến pháp lại là chuyện khác, đồng chí Plekhanov
quên là những người dân chủ xã hội thiết lập cương lĩnh
của mình trên cơ sở của hiến pháp". Ông Goldblat, một đại
biểu khác, thì cho rằng bài phát biểu của Plekhanov là "sự
thất bại của chiến thuật tư sản. Nếu là người nhất
quán, theo Plekhanov, ta phải loại bỏ đòi hỏi quyền phổ thông
đầu phiếu ra khỏi cương lĩnh của phong trào dân chủ-xã
hội".
Dù sao mặc lòng, bài phát biểu nói trên của Plekhanov, không
nghi ngờ gì nữa, là chỉ dấu chứng tỏ không chỉ mức độ
nhận thức pháp quyền cực kì thấp của giới trí thức của
chúng ta mà còn cho thấy xu hướng muốn xuyên tạc nó nữa. Ngay
cả các lãnh tụ lỗi lạc nhất của nó cũng sẵn sàng nhân
danh những lợi ích ngắn hạn mà từ bỏ những nguyên tắc
hiển nhiên của chế độ pháp quyền. Dễ hiểu là với nhận
thức pháp quyền như thế, giới trí thức Nga trong giai đoạn
đấu tranh giải phóng trên thực tế đã không thể thực hiện
được ngay cả những quyền sơ đẳng nhất của con người,
đấy là tự do ngôn luận và tự do hội họp. Trong các cuộc
mít tinh của chúng ta, chỉ những diễn giả được lòng đám
đông mới có quyền tự do ngôn luận, những người có tư duy
khác biệt với đám đông thường bị bịt miệng bởi những
tiếng hò hét, huýt sáo, tiếng kêu "đủ rồi", thậm chí
đôi khi còn bị tác động vào thân thể nữa. Việc tổ chức
các cuộc mít tinh đã trở thành đặc quyền của một vài nhóm
người và vì vậy mà đa số các cuộc mít tinh đã mất một
phần ý nghĩa và cuối cùng thì chẳng còn ai coi trọng nữa. Rõ
ràng là, từ đặc quyền tổ chức mít tinh và quyền tự do
ngôn luận của một số ít người trong những cuộc mít tinh
như thế không thể nào hình thành được tự do ngôn luận
thật sự trong việc thảo luận những vấn đề chính trị; từ
đó chỉ có thể hình thành một kiểu đặc quyền khác, tức
là đặc quyền của các nhóm đối lập trong việc xin phép tổ
chức mít tinh mà thôi.
Nhận thức què quặt về pháp quyền cũng là nguyên nhân dẫn
đến kết quả yếu kém đáng kinh ngạc về mặt lập pháp trong
những năm cách mạng. Trong những năm đó, giới trí thức Nga
đã thể hiện sự mù tịt về quá trình lập pháp; họ không
biết ngay cả chân lí cơ bản là không thể bãi bỏ một cách
đơn giản pháp luật cũ được vì việc bãi bỏ chỉ có hiệu
quả khi nó được thay bằng pháp luật mới. Ngược lại, việc
bãi bỏ một cách đơn giản chi có thể dẫn tới sự kiện là
tạm thời dường như nó không có hiệu lực nhưng sau đó nó
sẽ được phục hồi hoàn toàn. Điều này thể hiện rõ ở
việc thực hiện một cách tuỳ tiện quyền tự do hội họp.
Giới trí thức của chúng ta hoá ra đã không có khả năng
thiết lập ngay lập tức khuôn khổ pháp lí cho quyền tự do
này. Thậm chí, như những cuộc tranh luận tại Duma quốc gia
thứ nhất về "dự luật" về tự do hội họp, người ta
còn định nâng sự thiếu vắng bất kì hình thức pháp lí nào
về tự do hội họp thành luật nữa. Nhân những vụ tranh luận
này, một đại biểu Duma cũng là một luật sư nổi tiếng đã
có nhận xét hoàn toàn đúng rằng "việc tuyên bố một cách
trụi lủi quyền tự do hội họp trên thực tế có thể dẫn
đến kết quả là trong một số trường hợp nhân dân có thể
đứng lên chống lại việc lạm dụng quyền này. Dù các cơ
quan hành pháp có chưa hoàn thiện đến đâu thì giao cho nó
việc bảo vệ các công dân khỏi sự lạm dụng này vẫn an
toàn hơn và đúng hơn là để mặc cho các cá nhân trấn áp
lẫn nhau". Theo ông thì "chính những người, về mặt lí
thuyết, đứng ra bảo vệ việc sự không can thiệp của quan
chức chính phủ, trên thực tế lại phàn nàn và trách cứ các
bộ trưởng vì chính quyền không can thiệp để bảo vệ quyền
tự do và cuộc sống của những cá nhân riêng lẻ". "Sự
thiếu nhất quán như thế", ông nói thêm, "là do thiếu kiến
thức pháp luật mà ra[11]". Bây giờ thì chúng ta được chứng
kiến ngay tại kì họp thứ III của Duma quốc gia mọi người
cũng không được hưởng hoàn toàn quyền tự do ngôn luận vì
trong khi thảo luận cùng một vấn đề thì đảng cầm quyền
và đảng đối lập đã không có quyền tự do ngôn luận như
nhau. Điều này còn đáng buồn hơn nữa vì cơ quan đại diện
của nhân dân, không phụ thuộc vào thành phần của nó, ít
nhất cũng phải thể hiện được lương tâm của toàn dân,
tối thiểu là thể hiện được đức hạnh của nó.
<h2>V.</h2>
Nhận thức pháp quyền của bất cứ dân tộc nào cũng được
thể hiện trong khả năng tạo ra các tổ chức và thiết lập
các hình thức hoạt động cho các tổ chức đó. Không thể có
các tổ chức và hình thức hoạt động của chúng nếu không
có các qui phạm pháp luật điều chỉnh chúng, vì vậy việc
hình thành các tổ chức nhất thiết phải đi kèm với việc
soạn thảo các qui phạm pháp luật như thế. Nhân dân Nga nói
chung không phải là không có tài tổ chức, không nghi ngờ gì
rằng họ còn cố tạo ra những tổ chức cực kì chặt chẽ
nữa, ước muốn sống theo lối công xã, ruộng đất công xã,
tập đoàn sản xuất… đã chứng tỏ điều đó. Nhận thức
về đúng và sai trong tâm hồn người dân quyết định đời
sống và cách xây dựng các tổ chức này. Bản chất nội tại
của nhận thức pháp quyền của nhân dân Nga là nguyên nhân
của quan niệm sai lầm về thái độ của dân chúng đối với
pháp luật. Nó tạo cớ cho trước tiên là những người thân
Slav và sau đó là những người dân tuý cho rằng nhân dân Nga xa
lạ với các "nguyên tắc pháp lí"; rằng dựa vào nhận
thức nội tâm, họ chỉ hành động theo các tiêu chuẩn đạo
đức mà thôi. Dĩ nhiên là trong nhận thức của nhân dân Nga,
các tiêu chuẩn luật pháp và tiêu chuẩn đạo đức vẫn còn
chưa được tách biệt và vẫn còn liên kết chặt chẽ với
nhau. Đấy cũng là nguyên nhân của sự khiếm khuyết trong luật
thông thường của nhân dân Nga; nó không có sự thống nhất và
hơn nữa còn xa lạ với tiêu chuẩn của bất kì luật pháp
thông thường nào: một cách áp dụng duy nhất cho mọi hoàn
cảnh.
Nhưng chính vì thế mà giới trí thức phải giúp đỡ nhân dân,
thúc đẩy cho sự phân hoá các tiêu chuẩn của luật pháp thông
thường cũng như áp dụng luật một cach ổn định và phát
triển luật pháp một cách có hệ thống. Chỉ khi đó giới trí
thức dân tuý mới có thể thực hiện được nhiệm vụ đặt
ra là củng cố và phát triển các nguyên tắc của công xã,
đồng thời tạo điều kiện để nâng nó lên thành những hình
thức cao hơn, tiến dần lên chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan
niệm sai lầm, tức là ý kiến cho rằng nhận thức của nhân
dân ta hoàn toàn theo hướng đạo đức là trở lực cho việc
thực hiện nhiệm vụ này và dẫn ước mơ của trí thức đến
chỗ phá sản. Không thể xây dựng được một hình thức xã
hội cụ thể nào nếu dựa trên cơ sở luân lí như thế. Đấy
là quan niệm trái tự nhiên, nó sẽ dẫn tới việc tiêu diệt
và làm mất uy tín của đạo đức và sẽ làm cùn mòn thêm
nhận thức pháp quyền.
Bất kì tổ chức xã hội nào cũng cần các tiêu chuẩn pháp
lí, nghĩa là cần những qui định điều chỉnh không phải
phẩm hạnh của con người, vốn là nhiệm vụ của luân lí mà
là những qui định điều chỉnh hành vi bên ngoài của họ.
Mặc dù các tiêu chuẩn pháp lí điều chỉnh hành vi bên ngoài
của chúng ta nhưng chúng không sống ở bên ngoài mà sống
trước hết trong nhận thức của chúng ta và là thành tố nội
tại của tâm hồn con người, giống như các tiêu chuẩn đạo
đức vậy. Chỉ khi được thể hiện trong các điều khoản
luật pháp hoặc được áp dụng vào đời sống thì chúng mới
có đời sống ngoại tại mà thôi. Nhưng khi bỏ qua nhận thức
bên trong hay như bây giờ người ta gọi là luật trực giác,
giới trí thức của chúng ta đã coi luật pháp chỉ là các tiêu
chuẩn bên ngoài, thiếu sức sống, tức là các tiêu chuẩn
được đưa một cách dễ dàng vào các điều khoản, các mục
của luật pháp hay qui định thành văn nào đó. Điều đặc
biệt là bên cạnh ước muốn xây dựng những hình thức xã
hội phức tạp chỉ trên cơ sở các nguyên tắc đạo đức thì
trong các tổ chức của mình, giới trí thức của chúng ta lại
tỏ ra cực kì say mê các qui tắc mang tính hình thức và những
qui định rất cụ thể; trong trường hợp này họ đã thể
hiện sự tin tưởng quá đáng vào các điều và các khoản của
nội qui của tổ chức. Hiện tượng này, chứng tỏ một sự
mâu thuẩn rất khó hiểu, có nguyên nhân ở chỗ giới trí
thức của chúng ta coi tiêu chuẩn pháp lí không phải là nhận
thức mà chỉ là các nguyên tắc được viết ra giấy mà thôi.
Chúng ta bắt gặp ở đây một trong những biểu hiện điển
hình nhất của trình độ nhận thức pháp quyền yếu kém. Như
mọi người đều biết, xu hướng đưa ra các qui định chi
tiết và điều chỉnh toàn bộ đời sống xã hội bằng những
điều luật thành văn là bản chất của nhà nước cảnh sát,
nó chính là chỉ dấu phân biệt với nhà nước pháp quyền. Có
thể nói rằng nhận thức pháp quyền của giới trí thức của
chúng ta đang ở trong giai đoạn phát triển tương đương với
các hình thức của nhà nước cảnh sát. Tất cả các đặc
điểm phổ biến của nhà nước cảnh sát đều được thể
hiện trong các xu hướng hướng đến chủ nghĩa hình thức và
quan liêu của giới trí thức của chúng ta. Người ta thường
đặt chế độ quan liêu đối lập với giới trí thức và về
mặt nào đó thì đúng là như thế. Nhưng sẽ xuất hiện một
loạt câu hỏi trong sự so sánh như thế: giới quan liêu có xa
lạ với giới trí thức đến như thế hay không, giới quan liêu
của chúng ta chẳng phải là hậu duệ của giới trí thức hay
sao, giới quan liêu không sống bằng nguồn sữa từ giới trí
thức hay sao và cuối cùng, liệu giới trí thức có lỗi không
khi mà ở nước ta đã hình thành nên một bộ máy quan liêu
hùng mạnh đến như thế? Không còn nghi ngờ nữa rằng toàn
bộ giới trí thức của chúng ta đã nhiễm thói quan liêu trí
thức. Thói quan liêu này được thể hiện trong tất cả các
tổ chức của trí thức, đặc biệt là trong các đảng phái
chính trị của nó.
Các chính đảng của chúng ta xuất hiện trong giai đoạn trước
cách mạng (1905-1907 – ND). Tham gia vào các đảng đó là những
người chân thành, với những mơ ước đầy lí tưởng, những
người không có thành kiến và đã phải chịu nhiều hi sinh.
Tưởng rằng những người này có thể đưa được một phần
lí tưởng của mình vào các tổ chức tự do của họ. Nhưng
thay vì thế chúng ta lại được chứng kiến sự bắt chước
chẳng khác gì nô lệ các lề thói quái gở điển hình của
đời sống quốc gia Nga.
Xin lấy ngay đảng dân chủ-xã hội làm thí dụ. Như đã nói,
điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội lần thứ II.
Điều lệ đối với tổ chức cũng tương đương như hiến
pháp đối với nhà nước. Điều lệ quyết định tổ chức
của đảng là cộng hoà hay quân chủ, nó quyết định tính
chất quí tộc hay dân chủ cho các cơ quan trung ương, và xác
định quyền của các đảng viên thường trong quan hệ với
toàn đảng. Có thể cho rằng điều lệ đảng của những
người tuyệt đối tin tưởng vào chế độ cộng hoà chắc
chắn sẽ bảo đảm cho các đảng viên sự đảm bảo tối
thiểu đối với quyền tự do ngôn luận và thể chế pháp
quyền. Nhưng như đã thấy, đối với các đại diện của
giới trí thức của chúng ta, khi cần không phải là tuyên bố
các nguyên tắc mà là thực thi các nguyên tắc trong cuộc sống
thì quyền tự quyết của cá nhân và thể chế cộng hoà chỉ
là chuyện vặt, không đáng để tâm. Trong điều lệ được
thông qua tại Đại hội Đảng, chẳng có một cơ quan tự do
nào được thành lập hết. Martov[12], lãnh tụ của nhóm thiểu
số tại Đại hội đã nói về điều lệ như sau: "cùng với
đa số thành viên Ban biên tập Ngọn lửa nhỏ, tôi nghĩ rằng
Đại hội sẽ chấm dứt "tình trạng phong toả" trong nội
bộ Đảng và thiết lập một trật tự bình thường. Trên
thực tế tình trạng phong toả với những điều luật đặc
biệt nhằm chống lại một số nhóm vẫn tiếp tục, thậm chí
còn gay gắt hơn[13]". Nhưng điều này không làm cho Lenin, lãnh
tụ phe đa số, người đòi phải thông qua điều lệ với
"tình trạng phong toả", lúng túng. Ông ta đã phát biểu như
sau "Tôi hoàn toàn không sợ những ngôn từ khủng khiếp như
"tình trạng phong toả", như "những điều luật đặc
biệt" nhằm chống lại một vài cá nhân hay một vài nhóm
..v..v… Đối những phần tử bấp bênh và dao động, chúng ta
không chỉ có thể mà phải tạo ra "tình trạng phong toả"
và toàn bộ điều lệ của chúng ta, chủ nghĩa tập trung
được Đại hội thông qua chính là "tình trạng phong toả"
đối với các nguồn gốc chính trị mơ hồ. Muốn chống lại
sự mơ hồ thì cần phải có các điều luật đặc biệt và
bước đi mà Đại hội đưa ra đã xác định đúng phương
hướng chính trị, đã tạo cơ sở vững chắc cho những điều
luật và biện pháp như thế[14]". Nhưng nếu cái Đảng gồm
toàn những người trí thức theo tư tưởng cộng hoà mà còn
không thể không dùng tình trạng phong toả và các điều luật
đặc biệt thì dễ hiểu là vì sao cho đến nay nước Nga vẫn
còn bị cai trị bởi cảnh sát đặc biệt và tình trạng chiến
tranh.
Để thấy được các khái niệm pháp quyền đang ngự trị trong
giới trí thức cấp tiến của chúng ta cần phải chi ra rằng
điều lệ với "tình trạng phong toả" được thông qua chỉ
với hai phiếu quá bán. Như vậy là trái với nguyên tắc pháp
lí căn bản, nói rằng điều lệ cũng như hiến pháp phải
được thông qua trên cơ sở quá bán tuyệt đối. Lãnh đạo phe
đa số của Đại hội đã không thoả hiệp ngay cả khi mọi
người đều thấy rằng việc thông qua điều lệ với tình
trạng phong toả như thế sẽ dẫn đến việc chia rẽ đảng,
một tình trạng buộc người ta phải thoả hiệp. Kết quả đã
dẫn đến sự chia rẽ giữa những người "bolshevik" và
những người "melshevik". Nhưng thú vị nhất là cái điều
lệ vốn là nguyên nhân của sự chia rẽ cũng hoàn toàn không
thể áp dụng được trên thực tế. Vì vậy, chưa đến hai năm
sau, tức là vào năm 1905, tại Đại hội III, gồm toàn những
người "bolshevik" (những người "melshevik" từ chối tham
gia để phản đối cách bầu đại biểu dự Đại hội), điều
lệ thông qua năm 1903 bị huỷ bỏ, một điều lệ khác, có
thể chấp nhận được với cả những người "melshevik",
đã được thông qua. Nhưng điều này đã không dẫn đến sự
thống nhất của Đảng. Xuất phát điểm chỉ là vấn đề tổ
chức, "melshevik" và "bolshevik" đã đẩy sự thù địch
đến mức cao nhất, tức là sang tất cả các vấn đề sách
lược. Ở đây các qui luật tâm lí-xã hội đã bắt đầu có
hiệu lực, và kết quả sẽ là một khi mâu thuẫn và sự thù
nghịch giữa con người với nhau đã xuất hiện thì vì bản
chất nội tại của chúng mà chúng sẽ mở rộng và tự khoét
sâu thêm mãi ra. Nói cho ngay, những người có nhận thức cao
về pháp quyền sẽ đè nén được các tình cảm đó và không
cho chúng mở rộng được ảnh hưởng. Nhưng chỉ có những
người nhận thức một cách rõ ràng rằng mọi tổ chức và
nói chung mọi sinh hoạt xã hội chỉ có thể diễn ra trên cơ
sở thoả hiệp mới làm được như thế mà thôi. Giới trí
thức của chúng ta dĩ nhiên là không có khả năng đó vì trình
độ nhận thức pháp quyền của họ chưa đủ để có thể
công khai thừa nhận nhu cầu của thoả hiệp, những người có
tính nguyên tắc ở nước ta rất khó thoả hiệp, nếu có thì
cũng hoàn toàn dựa trên quan hệ cá nhân.
Niềm tin vào sức mạnh toàn năng của điều lệ và các biện
pháp cưỡng ép không phải là tính chất của riêng những
người dân chủ-xã hội Nga. Đấy là căn bệnh của toàn thể
giới trí thức của chúng ta. Tất cả các chính đảng của
chúng ta đều thiếu nhận thức pháp quyền sống động và có
hiệu lực thực sự. Chúng tôi có thể dẫn thêm những thí dụ
tương tự từ một đảng xã hội chủ nghĩa nữa, tức là
Đảng của những người xã hội cách mạng hay các tổ chức
tự do khác, như Liên minh giải phóng, nhưng đáng tiếc không
thể làm được vì có quá nhiều sự kiện. Chỉ xin lưu ý
một tính chất đặc thù nhất của các chính đảng của chúng
ta. Đấy là, không thấy ở đâu người ta nói nhiều về kỉ
luật đảng như ở nước ta, trong tất cả các đảng, tại
tất cả các đại hội đều có những buổi thảo luận không
dứt về các yêu cầu tuân thủ kỉ luật. Dĩ nhiên là nhiều
người nói rằng các tổ chức công khai là công việc mới mẻ
và quả là có một phần sự thật trong những lời biện hộ
như thế. Nhưng đấy không phải là toàn bộ và không phải là
điểm chính. Nguyên nhân chủ yếu nhất là giới trí thức của
chúng ta còn xa lạ với các quan điểm pháp quyền, tức là các
quan điểm tạo ra kỉ luật ngay từ bên trong. Chúng ta cần các
biện pháp kỉ luật bên ngoài vì chúng ta không có kỉ luật
từ bên trong. Ở đây chúng ta cũng quan niệm pháp luật không
phải là nhận thức mà là các biện pháp cưỡng bức. Và một
lần nữa điều đó chứng tỏ trình độ nhận thức pháp
quyền của chúng ta còn thấp.
<h2>VI.</h2>
Trong khi nhận xét về nhận thức pháp quyền của giới trí
thức Nga, chúng ta đã xem xét thái độ của nó trên hai bình
diện: quyền cá nhân và thái độ đối với trật tự luật
pháp khách quan. Chúng ta đã thử xác định nhận thức pháp
quyền thể hiện trong việc giải quyết các vấn đề tổ
chức, nghĩa là các vấn đề căn bản của quyền hiến định
theo nghĩa rộng nhất của từ này. Dựa vào thí dụ là các tổ
chức của trí thức chúng ta đã cố gắng tìm hiểu xem liệu
trí thức của chúng ta có khả năng tham gia vào việc tái tổ
chức nhà nước về mặt pháp luật, nghĩa là chuyển quyền
lực nhà nước từ quyền lực của sức mạnh sang quyền lực
của luật pháp hay không. Nhưng nhận xét của chúng ta sẽ không
đầy đú nếu bỏ qua thái độ của giới trí thức Nga đối
với toà án. Toà án là cơ quan trong đó pháp luật được viện
dẫn và được thiết lập. Mọi dân tộc, trước khi các tiêu
chuẩn pháp luật được xác định bằng con đường lập pháp
thì các tiêu chuẩn này đã được tìm kiếm và thiết lập
thông qua các quyết định của toà án. Các bên, trong khi đưa
những vấn đề tranh chấp lên cho toà án giải quyết nhằm
bảo vê quyền lợi của mình; mỗi bên đều dựa vào tiêu
chuẩn pháp lí khách quan để chứng minh là "mình đúng".
Trong phán quyết của mình, quan toà, dựa trên nhận thức pháp
lí chung, đưa ra quyết định có uy tín về tiêu chuẩn pháp lí.
Quan toà chỉ có thể giữ vững được ngọn cờ pháp luật và
đưa được điều luật mới vào cuộc sống khi ông ta được
nhận thức pháp lí sống động và tích cực của nhân dân trợ
giúp mà thôi. Sau này, hoạt động lập pháp của toà án và quan
toà đã bị hoạt động lập pháp của nhà nước lấn át. Các
chế độ lập hiến đã tạo ra cơ quan lập pháp dưới hình
thức cơ quan đại diện của nhân dân, tức là cơ quan có trách
nhiệm thể hiện một cách trực tiếp nhận thức pháp quyền
của dân chúng. Nhưng ngay cả hoạt động lập pháp của cơ quan
đại diện cũng không thể loại bỏ được giá trị của toà
án trong việc giữ vững tinh thần thượng tôn pháp luật trong
quốc gia. Trong nhà nước hiến định hiện đại, toà án chính
là người bảo vệ pháp luật hiện hành; nhưng trong khi áp
dụng luật pháp, toà án còn tiếp tục là thực thể sáng tạo
ra luật mới nữa. Trong mấy chục năm gần đây, chính các nhà
luật học đã lưu ý đến sự kiện là toà án vẫn giữ vai
trò đó mặc dù hệ thống lập pháp hiện hành đã làm cho vai
trò của toàn án thành có ý nghĩa cao hơn. Quan điểm mới về
toà án như thế đã bắt đầu thâm nhập vào những bộ luật
mới nhất. Luật dân sự của Thuỵ Sĩ được cả hai Viện
thống nhất ban hành ngày 10 tháng 12 năm 1907 đã thể hiện quan
điểm đó bằng các thuật ngữ hiện đại; điều thứ nhất
của bộ luật này nói rằng trong những trường hợp khi tiêu
chuẩn pháp luật còn chưa có thì quan toà phán xét trên cơ sở
qui định mà ông tự đặt ra "nếu ông là một nhà lập
pháp". Như thế nghĩa là ở các nước dân chủ và tiến bộ,
quan toà cũng được công nhân là người thể hiện nhận thức
pháp quyền của nhân dân giống như đại biểu của cơ quan
luập pháp vậy; đôi khi quan toà còn có nhiều quyền hơn vì
ông ta có thể tự mình quyết định, mặc dù không phải là
quyết định chung cuộc vì nhờ hệ thống đa cấp mà vụ việc
có thể được đưa lên toà án cấp trên. Tất cả điều đó
chứng tỏ rằng nhân dân với nhận thức pháp quyền cao cần
phải quan tâm đến và kính trọng toà án vì đấy là cơ quan
bảo vệ và thể hiện trật tự pháp luật của mình.
Giới trí thức của chúng ta có thái độ với toà án như thế
nào? Xin ghi nhận rằng việc tổ chức toà án của chúng ta
được thực hiện theo Qui chế Toà án do Aleksander II ban hành
ngày 20 tháng 11 năm 1864 theo các nguyên tắc hoàn toàn phù hợp
với các yêu cầu đối với toà án trong một nhà nước pháp
quyền. Toà án với cách tổ chức như thế có thể dùng để
phổ biến trật tự pháp luật chân chính. Những người hoạt
động trong lĩnh vực cải cách toà án đã mong ước dùng những
toà án kiểu mới để chuẩn bị đưa nước Nga vào thể chế
pháp quyền. Những toà án được cải cách với thành phần
nhân sự của mình đã gây được những niềm hi vọng tươi
sáng nhất. Ban đầu xã hội đã tỏ ra có thiện cảm và yêu
mến các toà án kiểu mới. Nhưng nay, sau bốn mươi năm chúng ta
phải công nhận rằng đấy chỉ là áo tưởng và chúng ta vẫn
chưa có các toà án tốt. Nói cho ngay, người ta đã chỉ ra
rằng ngay sau khi được đưa vào áp dụng và cho đến nay Qui
chế đã bị sửa đổi mấy lần. Đúng là như thế, việc sửa
chữa chủ yếu được thực hiện theo hai hướng: thứ nhất,
một loạt vụ án, thường là các vụ án chính trị phải theo
các hình thức điều tra và toà án đặc biệt; thứ hai, sự
độc lập của các quan toà ngày càng giảm và toà án càng ngày
càng rơi vào tình trạng lệ thuộc hơn. Chính phủ làm việc
đó để theo đuổi các mục tiêu chính trị. Và điều đặc
biệt là nó đã thôi miên công luận và làm cho công luận chỉ
còn chú trọng đến vai trò chính trị của toà án nữa mà
thôi. Ngay cả toà hội thẩm cũng chỉ có hai quan điểm: chính
trị hay là nhân đạo chung chung; trong trường hợp tốt nhất
thì trong các phiên toà hội thẩm ta có thể gặp toà án lương
tâm theo nghĩa nhân đạo tiêu cực chứ không phải là nhận
thức pháp quyền tích cực. Dĩ nhiên là trong những điều kiện
xã hội của chúng ta quan điểm chính trị đối với toà hình
sự là không thể tránh được. Cuộc đấu tranh bảo vệ pháp
luật nhất định biến thành cuộc đấu tranh cho một lí
tưởng chính trị nào đó.
Nhưng thái độ bàng quan của xã hội đối với toà dân sự
làm người ta phải ngạc nhiên. Các tầng lớp xã hội rộng
lớn không hề quan tâm tới tổ chức và hoạt động của nó.
Báo chí của chúng ta không hề nghiên cứu ý nghĩa của nó
đối với sự phát triển pháp luật của chúng ta, báo chí
không đưa những tin tức quan trọng, đấy là nói về khía
cạnh pháp luật, mà nếu có nói thì đấy chỉ là các vụ có
tính giật gân mà thôi. Trong khi đó, nếu giới trí thức kiểm
soát và điều chỉnh toà dân sự, tức là loại toà án tương
đối độc lập, thì nó có thể có ảnh hưởng rất lớn trong
việc củng cố và phát triển trật tự pháp lí của chúng ta.
Khi nói về sự bấp bênh của trật tự pháp lí trong lĩnh vực
dân sự thì người ta thường nhắm vào sự khiếm khuyết của
luật pháp trong lĩnh vực vật chất. Quả thật là bộ luật
của chúng ta quá cổ lỗ, hoàn toàn không có luật thương mại,
một số lĩnh vực dân sự khác cũng hầu như không được
điều chính bằng các tiêu chuẩn pháp luật thành văn. Nhưng
như thế thì toà dân sự càng phải có vai trò quan trọng hơn.
Các dân tộc có nhận thức pháp quyền phát triển như người
La Mã hay người Anh trong những điều kiện tương tự đã có
một hệ thống pháp luật bất thành văn rất phát triển, còn
ở nước ta trật tự pháp luật vẫn ở trong tình trạng bấp
bênh như cũ. Dĩ nhiên là chúng ta cũng có luật pháp hình thành
trên các quyết định của toà án, không có nó thì chúng ta
không thể tồn tại được và điều đó bắt nguồn từ sự
kiện là toà án của chúng ta đã hoạt động thường xuyên.
Nhưng không có nước nào mà hoạt động của toà phúc thẩm
tối cao lại bấp bênh và mâu thuẫn như ở ta; không có toà
phúc thẩm nào lại thường xuyên huỷ bỏ quyết định của
mình như là thượng viện của chúng ta. Không nghi ngờ gì rằng
xã hội ta, một xã hội bàng quan với sự ổn định và tính
đúng đắn của trật tự luật pháp trong lĩnh vực dân sự,
chịu phần lớn trách nhiệm trong sự bấp bênh của toà phúc
thẩm tồi cao. Ngay cả các nhà luật học của chúng ta cũng ít
quan tâm đến vấn đề này và vì vậy mà vẫn chưa có qui
định về phương thức hoạt động của toà phúc thẩm. Chúng
ta không có cả cơ quan ngôn luận chuyên trách về vấn đề
này, tờ tuần báo duy nhất là tờ Pháp luật, chuyên về việc
bảo vệ và soạn thảo luật hình thức, thì mới tồn tại
được đúng mười năm.
Sự bàng quan của xã hội đối với trật tự pháp luật trong
lĩnh vực dân sự càng làm người ta kinh ngạc hơn vì nó liên
quan đến những quyền lợi sống còn và sát sườn của xã
hội. Đây là những vấn đế thường nhật, việc điều chỉnh
đời sống vật chất, gia đình và xã hội của chúng ta phụ
thuộc vào việc giải quyết các vấn đề như thế.
Nhận thức pháp quyền của xã hội ta như thế nào thì toà án
của ta như thế ấy. Chỉ có thể tìm được một vài người
từ những toà án thời kì đầu cải cách là tạo ảnh hưởng
tích cực đối với nhận thức pháp quyền của xã hội mà
thôi, còn trong hai chục năm gần đây không có bất cứ một
quan toà nào nổi tiếng và cũng chẳng có người nào chiếm
được cảm tình của xã hội, còn về các hội đồng thẩm
phán thì càng chẳng có gì để nói. "Quan toà" không phải
là danh hiệu đầy vinh dự, chứng tỏ đức tính chí công vô
tư, hào hiệp, chỉ phụng sự pháp luật như ở các nước
khác. Ở nước ta không có toà hình sự vô tư, không thiên vị;
hơn thế nữa, toà hình sự của chúng ta đã trở thành một
loại phương tiện báo thù. Ở đây, dĩ nhiên là các lí do
chính trị đóng vai trò quyết định. Nhưng toà dân sự cũng
còn lâu mới đáp ứng được nhiệm vụ của mình. Sự dốt
nát, thái độ tắc trách của một số quan toà làm người ta
kinh ngạc, đa số chẳng hề quan tâm, chẳng hề suy nghĩ và
không nhận thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của
mình đối với cái công việc đòi hỏi phải suy nghĩ không
ngừng nghỉ như thế. Những người có hiểu biết về toà án
của chúng ta khẳng định rằng những vụ hơi khó khăn và
phức tạp đều không được giải quyết trên cơ sở của
luật pháp mà là do một sự ngẫu nhiên nào đó. Trong trường
hợp tốt nhất thì một quan toà thông minh và được uỷ thác,
trong khi xét xử một vụ nào đó, cũng chỉ đưa ra những bằng
chứng có lợi cho người uỷ thác mà thôi. Nhưng thường thì
ngay cả sự giả vờ đó cũng không phải là điều quyết
định mà quyết định đối với vụ án lại là những tính
toán ở bên ngoài. Dân chúng Nga thường không biết ý nghĩa
của toà án và không tôn trọng nó; điều này thể hiện rất
rõ trong hai thành phần tham gia phiên toà là người làm chứng
và giám định viên. Chúng ta buộc phải công nhận rằng nhiều
người làm chứng và giám định viên hoàn toàn không nhận
thức được nhiệm vụ của mình: giúp tìm ra sự thật. Thái
độ khinh xuất đối với nhiệm vụ này thể hiện rõ trong các
thuật ngữ không thể tưởng tượng nổi, nhưng vẫn rất
thịnh hành, thì dụ như "người đáng tin" hay "kẻ làm
chứng dối trung thực". Từ lâu đã không còn "toà án
nhanh" để xử các vụ án dân sự nữa, các toà án của chúng
ta có nhiều việc đến nỗi các vụ việc phải đi qua tất cả
các cấp, kéo dài đến năm năm. Người ta có thể bảo rằng
toà án có quá nhiều việc và đấy là nguyên nhân chính của
thái độ tắc trách và rập khuôn của quan toà đối với công
việc. Nhưng nếu quan toà được đào tạo tốt và có hiểu
biết, những người làm trong ngành và xã hội quan tâm đến
toà án hơn nữa thì công việc chắc chắn là sẽ diễn ra trôi
chảy hơn, các vụ án sẽ được giải quyết nhanh hơn, dễ hơn
và tốt hơn. Cuối cùng, trong những điều kiện như thế, trật
tự luật pháp sẽ giành được ý nghĩa quyết định và số
lượng các quan toà của chúng ta cũng không thể ở mãi trong
tình trạng không thể chấp nhận được như hiện nay.
Cuộc cải cách toà án năm 1864 đã tạo ra những người tự do
phụng sự luật pháp, đấy là tầng lớp luật sư. Nhưng cũng
phải công nhận rằng dù đã tồn tại hơn bốn mươi năm tầng
lớp luật sư cũng mới đóng góp được quá ít cho sự phát
triển của nhận thức pháp quyền. Chúng ta đã có những trạng
sự biện hộ nổi tiếng trong lĩnh vực chính trị và hình sự;
nhưng nói cho ngay, ở đây ta thường gặp những người cổ suý
tích cực cho thái độ nhân đạo với phạm nhân, nhưng còn đa
số đều là những người đấu tranh cho một lí tưởng chính
trị nào đó, hay có thể nói cho "luật pháp mới" chứ không
phải là "theo luật" theo đúng nghĩa của từ này. Quá say
sưa đấu tranh cho việc hình thành luật mới, họ thường quên
mất luật pháp hình thức và pháp luật nói chung. Cuối cùng,
đôi khi họ còn làm hại cả "luật pháp mới" bởi vì họ
được dẫn đạo bởi các tính toán chính trị chứ không phải
luật pháp. Nhưng giới luật sư còn đóng góp ít hơn cho sự
phát triển trật tự luật pháp dân sự nữa. Ở đây cuộc
đấu tranh vì pháp luật thường dễ bị các tính toán khác
gạt sang một bên và các luật sư nổi tiếng của chúng ta
thường biến thành những kẻ "làm ăn" bình thường nữa.
Đây là bằng chứng chứng tỏ rằng toà án của chúng ta cũng
như nhận thức pháp quyền của chúng ta không những không ủng
hộ cuộc đấu tranh vì luật pháp mà còn có ảnh hưởng theo
hướng ngược lại nữa.
Toà án không thể có vị trí xứng đáng nếu xã hội không
nhận thức được một cách rõ ràng những nhiệm vụ của nó.
Có rất nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng giới trí thức của
chúng ta chưa có nhận thức như thế. Chỉ cần dẫn ra ở đây
các quan điểm được những người đại diện cho nhận thức
pháp quyền của nhân dân phát biểu tại Duma quốc gia thì rõ.
Thí dụ, ông Aleksinski, đại biểu Duma quốc gia khoá II, thuộc
phe cực tả doạ sẽ đưa kẻ thù của nhân dân ra toà và rằng
"đấy sẽ là phiên toà khủng khiếp hơn tất cả mọi phiên
toà". Sau vài buổi họp, ông Shulgin, đại diện cho phe cực
hữu lại biện hộ cho các toà án quân sự tại trận rằng như
thế còn tốt hơn là để "cho nhân dân tự xử" và khẳng
định rằng việc bãi bỏ các toà án quân sự sẽ dẫn tới
"những vụ tự xử khủng khiếp nhất", những người vô
tội sẽ phải gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên việc sử dụng sai
từ "toà án" như thế chứng tỏ rằng quan niệm của các
đại biểu của chúng ta về toà án thể hiện thế giới quan
của thời kì khi mà toà còn "bắt lưu đầy và tịch thu tài
sản".
Không nên chỉ đổ lỗi cho hoàn cảnh chính trị, chính chúng ta
cũng có lỗi trong việc có những toà án kém như thế. Trong
những điều kiện chính trị tương tự, toà án ở các nước
khác dù sao cũng vẫn bảo vệ được pháp luật. Câu ngạn ngữ
"Quan toà ở Berlin" thịnh hành vào cuối thế kỉ XVIII và
nửa đầu thế kỉ XIX khi mà Phổ vẫn còn là nhà nước quân
chủ chuyên chế chứng tỏ điều đó.
Tất cả câu chuyện về trình độ nhận thức pháp quyền thấp
của giới trí thức của chúng ta không phải là để kết tội
hay lên án. Sự thất bại của cuộc cách mạng Nga và sự kiện
trong những năm gần đây đã là bản án đanh thép đối với
giới trí thức rồi. Bây giờ trí thức phải đi vào thế giới
nội tâm, thâm nhập vào nó để làm tươi mới và bồi bổ
thêm cho nó. Trong quá trình lao động như thế, cuối cùng nhận
thức pháp quyền của giới trí thức của chúng ta nhất định
sẽ được đánh thức. Những dòng này được chắp bút với
niềm tin và mong ước cháy bỏng rằng một ngày không xa nhận
thức pháp quyền của giới trí thức của chúng ta sẽ trở
thành lực lượng xây dựng và sáng tạo nên một đời sống
xã hội mới. Trải qua một loạt thử thách đầy cay đắng,
giới trí thức của chúng ta phải đi đến nhận thức rằng
bên cạnh các giá trị tuyệt đối như tự tu dưỡng cá nhân
và đức hạnh thì còn có các giá trị tương đối, giá trị
bình thường nhưng bền vững và không gì phá huỷ được như
trật tự pháp luật nữa.
Ghi chú cho lần xuất bản thứ hai. Nhiều người cho rằng thật
là bất công khi lên án sự yếu kém trong nhận thức pháp
quyền của giới trí thức vì nó không có lỗi mà đấy là
những điều kiện ngoại tại, tức là sự vô luật pháp đang
ngự trị trong đời sống của chúng ta. Không thể phủ nhận
được ảnh hưởng của những điều kiện đó và nó đã
được phản ánh trong bài báo của tôi. Nhưng không được đổ
tất cho hoàn cảnh, không được bình thản mà công nhận rằng
"nhà nước của chúng ta trong một thời gian dài, phải nói là
mấy thế hệ, đã không giáo dục mà lại còn làm cho chúng ta
đổ đốn thêm", rằng "mấy thế hệ người Nga được dạy
dỗ coi thường luật pháp, cho rằng luật pháp chẳng những
bất lực mà còn không cần thiết nữa" (xem V. Maklakov[15]
Luật pháp trong cuộc sống người Nga, Tin tức châu Âu, tháng 5,
năm 1909, trang 273-274). Nếu chúng ta nhận thức được tai hoạ
thì chúng ta không thể ngồi yên, lương tâm của chúng ta không
thể bình thản và chúng ta phải đấu tranh với cái nguyên nhân
đang hủ hoá con người của ta ở chính trong ta. Thật không
xứng đáng là một người có tư duy khi phát biểu: chúng ta đã
bị hủ hoá rồi và nếu người ta không gỡ bỏ cái nguyên
nhân làm băng hoại kia đi thì chúng ta sẽ còn tiếp tục hủ
hoá như thế nữa, mọi người đều phải nói: tôi không
được sa đoạ như thế nữa vì tôi đã nhận thức được
rằng người ta đang làm tôi sa đoạ và tôi biết nguyên nhân
của sự sa đạo đó rồi. Chúng ta cần phải mang hết nghị
lực của tư duy, ý chí và tình cảm để giải phóng nhận
thức của mình khỏi những ảnh hưởng tiêu cực do hoàn cảnh
không thuận lợi gây ra. Đấy là lí do vì sao niệm vụ của
giai đoạn này là đánh thức nhận thức pháp quyền của giới
trí thức Nga và đưa nó vào hành động, đưa nó vào đời
sống.
<strong>Nguồn:</strong> Những cột mốc (Vekhi) – 1909.
Đã đăng trong tập tiểu luận Về trí thức Nga, Nhà xuất bản
trí thức, Trang 73-111, Hà Nội, 2009.
<em>B. A. Kistiakovski (1869-1920) là nhà triết gia, luật học và xã
hội học nổi tiếng, đảng viên Đảng dân chủ lập hiến.
Kiến thức về pháp luật Nga của ông sâu sắc đến mức Max
Weber đã chọn ông làm cố vấn khi viết về các đảng phái
chính trị ở Nga. Bài Trí thức và nhận thức pháp quyền
được đăng trong Những cột mốc, xuất bản lần đầu năm
1909.</em>
______________________________
[1] Adolphe Merkle 1827-1885), luật gia nổi tiếng người Đức.
[2] Struve P. B. (1870-1944), nhà kinh tế học có tài, thời trẻ
từng là lãnh tụ của những người mác-xít. Sau cách mạng
Tháng mười sống lưu vong ở nước ngoài
[3] Starover, tên thật là A. H. Potresov (1869-1943), thuộc phái
"Melshevik".
[4] Xem: Potresov A. N. Tiểu luận về giới trí thức Nga, 1908,
trang 253 và các trang tiếp theo.
[5] Plekhanov G. V. (1856-1918), nhà triết học và nhà hoạt động
nổi tiếng trong phong trào dân chủ-xã hội quốc tế người
Nga.
[6] Lợi ích của nhân dân là trên hết – La Tinh trong nguyên
văn.
[7] Lợi ích của cách mạng là trên hết – La Tinh trong nguyên
văn.
[8] Quốc hội vô hình - tiếng Pháp trong nguyên văn .
[9] Xem: Toàn tập biên Đại hội II Đảng công nhân xã hội dân
chủ Nga, Geneva, 1903, trang 169-170.
[10] Bund là tên viết tắt của Liên đoàn công nhân Do Thái Nga
và Ba Lan, được thành lập năm 1897, năm 1998 tham gia vào Đảng
công nhân dân chủ xã hội Nga.
[11] Novgorodtsev P. Hoạt động lập pháp của Duma quốc gia. Tập
hợp các bài báo. Duma quốc gia I, 1907, tập II, trang 22.
[12] Martov Iu. O. (1873-1923), nhà hoạt động nổi tiếng của phong
trào cách mạng Nga, đảng viên Đảng công nhân xã hội dân
chủ Nga từ năm 1900, từ năm 1903 là lãnh tụ phe "Melshevik",
thành viên ban biên tập tờ Ngọn lửa nhỏ, lưu vong từ năm
1920.
[13] Toàn tập biên Đại hội II Đảng công nhân xã hội dân
chủ Nga, Geneva, 1903, trang 331.
[14] Tài liệt vừa dẫn, trang 333.
[15] Maklakov V (1869-1957), nhà hoạt động chính trị người Nga.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8673), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét