Xích Tử - Làm ứng cử viên ở Việt Nam sướng thật

Chuẩn bị nước rút cho ngày bầu cử 22.5.2011, các ứng cử
viên chạy sô với các cuộc tiếp xúc cử tri. Thông tin trong
nước tiếp tục đưa dày đặc về hoạt động này, xem đây
là điểm mới trong cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, tên gọi
của quá trình chính trị này vẫn tuỳ nghi, lúc thì gọi là
tiếp xúc cử tri (tên chính thức theo luật, và được ghi trong
kế hoạch của Mặt trận Tổ quốc), lúc khác là "vận động
tranh cử" (chủ yếu trên báo chí). Tường thuật của thông
tấn báo chí về các buổi tiếp xúc, khi có sự tham gia ứng
cử của vị lãnh đạo nào đó tại một đơn vị bầu cử thì
được đánh giá là vận động tranh cử bình đẳng; nếu không
thì không cần sự đánh giá này.

Nhiều ý kiến từ các trang mạng lề trái, trong nước và
nước ngoài cho rằng thể thức, qui trình bầu cử của Việt
Nam vẫn không bảo đảm dân chủ, chẳng giống ai. Thông tấn
chính thống trong nước phản kích rằng đó là dân chủ thực
sự, nhân dân đang náo nức đón chờ và sẽ tưng bừng trong
ngày bầu cử, rằng không thể xuyên tạc tính chất dân chủ
của công cuộc đầu phiếu. Sự tranh luận sẽ dài dài, vì
mỗi bên có cách định nghĩa riêng cho khái niệm dân chủ và
kèm theo định nghĩa đó là một qui trình công việc hiện thực
hoá các thuộc tính của khái niệm. Chỉ có nhận thức, cảm
giác chủ quan của cử tri về tính dân chủ đó thì không
được bàn đến, không được thừa nhận, không được hỏi ý
kiến một cách dân chủ. Tuy nhiên, nếu muốn tránh sốt ruột
bằng một nhận xét có tính chất trọng tài, chỉ cần lấy ý
kiến của các vị lãnh đạo Quốc hội Việt Nam trong một vài
nhiệm kỳ gần đây về một tình trạng Quốc hội ngày càng
dân chủ hơn để làm chứng cứ thì cũng đã rõ: một Quốc
hội được bầu rất dân chủ, nhưng hoạt động thì ngày càng
dân chủ hơn. Sự thừa nhận đó đã bộc lộ một cách diễn
đạt lúng túng, tự mâu thuẫn về dân chủ; người cha trong
câu chuyện con cá gỗ nói với con đó là cá thật, nếu ăn
nhiều sẽ khát nước; song rồi người cha có lúc cũng phải
lỡ lời thừa nhận đó là cá giả. Đi tranh luận tính chân
nguỵ của khái niệm trong trường hợp này sẽ khó có hồi
kết. Ở quê tôi có một người điếc nặng từ cuối cuộc
kháng chiến chống Pháp, về sau cứ gọi lính Việt Nam Cộng
Hoà là bộ đội Việt Minh, đố có ai cãi được. Đó là
điếc thật; còn với cuộc tranh luận về dân chủ ở Việt
Nam, lại là cố ý giả điếc thủ lợi; nan giải hơn nhiều.

Chỉ sung sướng là các vị "ứng cử viên" do hệ thống
chính trị giới thiệu. Trước hết, họ chẳng hề tuyên bố
ứng cử, xin ứng cử nhưng vẫn được gọi là ứng cử viên.
Ai sẽ được như vậy đã có thông tin trước đây mấy tháng,
nhất là gần trước và sau kỳ đại hội đảng các cấp, quân
đỏ cũng như quân xanh. Dù cơ cấu cần/ có thể trúng hay
không, ứng cử viên nội hệ đó cũng thấy oai vì sẽ đường
đường là người của cơ quan quyền lực cao nhất của một
cấp (dù về thực tế, đôi khi cũng thấy khó chịu với sự
mất dạy chính trị ở trường hợp trong một số cuộc lễ
lạc, vị Phó chủ tịch nước lại được giới thiệu và kính
thưa sau một vị uỷ viên Bộ chính trị chỉ giữ cương vị
trong đảng hoặc một cương vị nhà nước thấp hơn vị kia ).

Ứng cử viên nội hệ lại được sử dụng con người, phương
tiện, tài chính trong hệ thống công để vận động tranh cử.
Trong cuộc tranh cử, chẳng phải nhọc lòng tranh luận, đối
thoại gì với người cùng ứng cử với mình; phần ai nấy nói
những nội dung đã chuẩn bị sẵn, chẳng ảnh hưởng, đối
lập gì nhau; tất cả đều vì nước vì dân thôi. Sau mỗi
buổi vận động, nếu sắp xếp được, đơn vị tổ chức
gặp mặt cử tri mời nhậu một trận; đôi khi lại có quà
vườn. Cử tri được mời tiếp xúc thì đã được chọn lọc,
không gai góc gì với các ứng cử viên khả kính mà mọi
chương trình hành động của họ đều hay nên dễ tán thành,
chúc mừng trúng cử và hy vọng sẽ trúng cử. Nếu ứng cử
viên cảm thấy chưa quen lắm với hoạt động tiếp xúc cử
tri, các cơ quan hữu quan sẽ dùng tiền thu thuế của dân để
tổ chức tập huấn kiểu cầm tay chỉ việc, trong đó dạy
cách ăn nói gói mở, đi đứng đúng vị thế và kịch bản;
một lớp như thế đã được tổ chức tại Đồng Nai cho đối
tượng toàn quốc ngay trong tháng 4/2011.

Quả là sung sướng, và dĩ nhiên là bình đẳng và dân chủ. Có
vậy cho nên sau cuộc vận động tranh cử bình đẳng của Tổng
bí thư tại một đơn vị bầu cử tại Hà Nội, 5 ứng cử
viên còn lại đều thống nhất cao để uỷ nhiệm vị ứng cử
viên này phát biểu ý kiến, mà theo tường thuật của VTV1,
đấy là nội dung chỉ đạo, huấn thị các đại biểu Quốc
hội tương lai chứ không phải phát biểu với các đại cử
tri.

Ngày 22.5.2011 chắc sẽ rất tưng bừng; nhân dân Lào cũng vừa
mới tưng bừng đấy thôi.

Xích Tử

<div class="special_quote"><h2>Tạ Phong Tần - Vận động tranh cử...
kín</h2>

... Hôm 5 tháng 5, 2011, đài HTV7 phát chương trình ứng cử viên
Quốc Hội tiếp xúc với cử tri quận 5 (Sài Gòn), hình ảnh
trên ti vi cho thấy hội trường lèo tèo chừng hơn 100 người
ngồi ở hàng ghế phía dưới hội trường.

Anh phát thanh viên đọc thuyết minh có câu (kèm theo hình vài
chị phụ nữ đang đứng đọc bản tin dán danh sách ứng cử
viên ở bức tường bên ngoài) mà nghe xong tôi cho rằng nó
phản ánh đầy đủ tính chất của việc "bất cần được
bầu cũng đậu" của ứng viên: "Cử tri nào không được
vào tiếp xúc thì xem tiểu sử ứng cử viên cũng có thể
quyết định bầu cho ai."

Tôi đặc biệt chú ý đến mấy chữ "không được vào tiếp
xúc" nghe đau như roi quất của anh phát thanh viên.

Than ôi! Hiếp Pháp và luật bầu cử quy định "mọi công dân
đều bình đẳng trước pháp luật," "ứng cử và bầu cử
là quyền của mọi công dân," nhưng qua bản tin thời sự
ngắn ngủi của HTV7 đã cho thấy thực tế một bộ phận lớn
dân quận 5 (Sài Gòn) đã bị tước quyền "tiếp xúc ứng cử
viên" bằng cách "không được vào" hội trường tham dự
buổi tiếp xúc. Vậy có bao nhiêu triệu cử tri cả nước bị
ban tổ chức bầu cử (cũng là nhà cầm quyền Việt Nam) tước
đoạt quyền tiếp xúc, chất vấn ứng cử viên?

Kể ra thì trong nhiệm kỳ bầu cử này, cử tri Việt Nam nên
"tự hào (hển)" khi được "nhà nước ta" "tâng bốc"
lên hàng "Thánh sống." Bằng vào vài câu gọi là "tiểu
sử" ứng cử viên ngắn ngủn chừng 100 chữ mà cử tri có
thể hiểu chính xác được hết bản chất con người của ứng
viên và có ngay quyết định nên bầu người nào thì chỉ có
là "Thánh" mới làm được, chớ không phải người phàm.

Ví dụ: Trong phần tiểu sử "đính kèm" danh sách không hề
kèm theo "tiểu sử" căn biệt thự nguy nga tráng lệ đang gây
nhiều thắc mắc về "nguồn gốc, xuất xứ" tài sản (số
198 đường Cách Mạng Tháng 8, quận Cẩm Lệ, thành phố Ðà
Nẵng) của ứng viên Nguyễn Bá Thanh. Hoặc căn biệt thự đẹp
lộng lẫy (26 Hồ Xuân Hương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng
Nam) nổi lên giữa một tỉnh miền Trung nghèo khó của ứng
viên Nguyễn Ðức Hải.

Nếu cử tri (dân thường "không được vào") muốn chất
vấn ông Nguyễn Bá Thanh, ông Nguyễn Ðức Hải về nguồn gốc
các ngôi biệt thự thì phải làm sao?


Và còn rất nhiều hình ảnh tài sản đồ sộ "không rõ
nguồn gốc, xuất xứ" của cán bộ bự (bị dư luận cho là
bất minh) xuất hiện trên mạng, gây thắc mắc (người ngoài
không thể giải thích được) khi so sánh giá trị tài sản với
đồng lương quan chức cán bộ.

Nếu như ở Mỹ và các nước phương Tây, ứng viên tiếp xúc
với cử tri một lúc hàng ngàn người, cử tri muốn gặp ứng
viên càng nhiều thì ứng viên càng mừng (hy vọng lấy phiếu
từ những cử tri này), tiếp xúc cả ngoài đường phố, quảng
trường, sân vận động... để vận động tranh cử; thì
"vận động tranh cử" ở Việt Nam diễn ra rất "kín
đáo" trong bốn bức tường "cứng rắn," ứng viên không
cần biết đến cái bản mặt của đám cử tri thường dân
cũng có kết quả trúng cử trên 90% như thường. Ðây quả là
"thành quả cách mạng vĩ đại" chỉ có ở Việt Nam!

<a
href="http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?z=157&a=130994&utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed%3A+NguoiVietOnline+%28NG%C6%AF%E1%BB%9CI+VI%E1%BB%86T+Online+%28www.nguoi-viet.com%29%29">Theo
Người Việt</a></div>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8781), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét