Xích Tử - Biện chứng vô vọng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ chính trị ký
ban hành Chỉ thị 03 về việc tiếp tục thực hiện cuộc vận
động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,
chống chủ nghĩa cá nhân.

Như vậy, cùng với việc chủ trì hội nghị tuyên giáo rồi ban
hành chỉ thị về việc tổ chức học tập quán triệt nghị
quyết đại hội 11, sự chuẩn bị cho những quyết tâm có tính
chất cơ bản trong bản thiết kế lãnh đạo chính trị tư
tưởng của nhiệm kỳ 11 đã khởi động.

Qua đó, người ta thấy những bổn cũ của nhiệm kỳ trước
được soạn lại gần như nguyên văn về những nội dung cơ
bản; chỉ một vài sửa đổi nhỏ về văn phong và bố cục
văn bản phù hợp với một Tổng bí thư chuyên nghiệp về công
tác đảng, có đào tạo về lý luận chính trị và kinh nghiệm
trong hoạt động tuyên giáo.

Tất cả những cái ấy, ngẫm cho cùng, chỉ là sản phẩm của
các bộ não nằm trong một cơ chế bị buộc phải bảo thủ
một cách phi trí tuệ. Bất chấp sự phản ứng, dè bỉu của
dư luận, sự góp ý rất thẳng thắn, xây dựng của các vị
lãnh đạo cựu trào về tính hiệu quả của những hoạt động
tuyên truyền có tính chất bề nổi, đã trở nên nhàm chán, xơ
cứng và chỉ tổ tốn tiền của một cách lãng phí, nhiệm kỳ
mới cũng không thoát nổi vết xe của các nhiệm kỳ trước.
Đó là sản phẩm của một lịch sử, một văn hoá, một cơ
chế chính trị. Trong lịch sử, văn hoá, cơ chế ấy, truyền
thống đạo đức nhân loại và dân tộc được kế thừa, các
tiêu chuẩn gọi là đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng
đã dày công nửa thế kỷ cùng hệ thống luật pháp đương
đại không còn và không đủ mạnh về chức năng, cách vận
hành để xây dựng và điều chỉnh con người, đến độ từ
mong muốn và cam kết không có con sâu nào, rồi có một con sâu
đã đến thành một bầy sâu; cái xấu, cái ác, sự xuống
cấp, băng hoại, méo mó của nhân cách đã trở nên phổ biến
và nếu phân tích về cấu trúc xã hội, về biện chứng lịch
sử thì đã trở nên có hệ thống, trong đó nghiêm trọng nhất
lại là diễn ra trong các bộ phận, yếu tố, thiết chế có
chức năng và thẩm quyền điều chỉnh toàn xã hội. Để sửa
chữa, khắc phục, các công cụ thích hợp với một xã hội
hiện đại, với yêu cầu về tính pháp trị, pháp quyền cao
không được chú ý, không dám chú ý một cách đầy đủ;
đảng chỉ khu khu trong những kiểu điều chỉnh xã hội có màu
sắc đức trị giả cầy. Nguyên nhân của tình trạng ấy
trước hết, như trên, là lịch sử, văn hoá, cơ chế, với
những đặc trưng đã được lỡ tạo ra qua mấy mươi năm làm
cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội với
sự tự phụ không dám bỏ đi về tính văn minh tột cùng của
nó. Do vậy, cứ đến hẹn lại lên, nhiệm kỳ tiếp nối
nhiệm kỳ, không có gì đổi mới, không ai dám đổi mới bằng
cách bỏ đi một cách triệt để vài cái cũ. Vì mỗi biểu
hiện cá nhân hoặc một nhóm nào đó như vậy sẽ là phủ
nhận quá khứ, không kế thừa cách mạng, là dấu hiệu của
sự nhượng bộ, đầu hàng những ý kiến phản biện, đối
lập, mà ranh giới giữa những cái này với cái gọi là diễn
biến hoà bình, thù địch thì khó phân biệt, hoặc bị cố
tình làm cho khó phân biệt để duy trì xu hướng bảo thủ nói
trên.

Cứ vậy, mỗi một ban lãnh đạo mới, bị buộc phải hoặc
tự nguyện kéo theo cái đuôi cũ, cố tạo ra sự trẻ hoá chút
ít và nói nhiều về tương lai, về tầm nhìn, cũng chỉ quanh
quẩn với sự an toàn của nhiệm kỳ qua những chủ trương,
phương pháp lãnh đạo cũ. Các cá nhân trong nhóm lãnh đạo
sàng sàng với nhau về lý lịch, tuổi tác, trình độ, bản
lĩnh, và các liên kết nhóm lợi ích có được, chỉ nhìn nhau
thủ hoà, ngậm miệng ăn tiền, tung ra những chính sách, thủ
thuật lãnh đạo vừa lòng các cụ già, không phá bĩnh hiện
tại; còn tương lai thì tuỳ vào mức độ trung thành và sức
mạnh cùng phương pháp, kỹ thuật sử dụng các công cụ bạo
lực, tuỳ vào diễn biến quốc tế. Bên cạnh sự an toàn cá
nhân, an toàn chế độ trong tư duy nhiệm kỳ, các chính sách,
thủ thuật đó cũng còn tác dụng hoãn binh chi kế cho những
toan tính lợi lộc từ nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa mà tuỳ theo cách, thế liên kết nhóm khác
nhau, mỗi vị lãnh đạo cao nhất đều phải chuẩn bị cho
riêng mình, ngành mình, hệ thống quyền lực của nhóm mình
(đơn cử như việc học tập đạo đức Hồ Chí Minh, cũng có
lợi ích cho nhóm cán bộ tuyên giáo các cấp đấy chứ). Một
kế hoạch tá túc ở nước ngoài với khoản tiền gửi ngân
hành kếch sù có thể phải nghĩ đến, sao không ? Lịch sử,
văn hoá, cơ chế đó không thể tạo được bất cứ một
M.Gorbachev, một L.Walesa hay một V. Havel nào, nhìn từ nhiều
phía vận động chính trị.

Kết quả là nhân dân cứ phải hứng chịu, cả sự tốn tiền
cũng như nhọc công học tập quán triệt các loại. Sự mệt
mỏi, nhàm chán với tình cảnh này là luôn luôn mới và có
thật; vì vậy nó là biện chứng của đời sống xã hội. Và
vì tính biện chứng trong đời sống của đối tượng bị cai
trị nên các chủ trương, chính sách, phương pháp lãnh đạo,
cai trị nói trên, tuy là cũ, nhưng nó cũng hoàn toàn biện
chứng khi chúng được công bố lại và áp dụng với hoàn
cảnh mới. Một bên, tuy đã bước vào cái mới, nhưng không
dám bỏ cái cũ; một bên, luôn đòi hỏi cái mới, nhưng vẫn
phải bị sống với cái cũ; đó là biện chứng vô vọng của
một tình cảnh tinh thần, tình cảnh chính trị xã hội của
một đất nước, một dân tộc có số phận nghiệt ngã, một
dân tộc bị khủng bố, bóc lột, lừa mị và tự biến thành
trẻ con bởi chính mình, không còn điều kiện để hình thành
bất cứ cuộc đấu tranh nào để thay đổi số phận theo đúng
nghĩa của cuộc tiến hoá xã hội.

Sự vô vọng đó được đặt trong một bối cảnh tổng hợp
hơn: quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội bị tiếp tục
cưỡng chế cho đất nước. Trong đó, có một nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với việc khai
thác tối đa tài nguyên, tăng trưởng GDP vô điều kiện, kêu
gọi đầu tư nước ngoài tối đa, liên kết chặt chẽ giữa
các nhà chính trị gọi là vô sản với tư bản tư nhân, đô
thị hoá và công nghiệp hoá hướng xuất khẩu không kiểm soát
được; một nền công quyền mà cải cách, đổi mới, chống
tham nhũng chỉ là con bệnh thủ dâm kinh niên; một nền giáo
dục nhồi sọ về chính trị, dối trá về giá trị, thiếu kỹ
năng sống nhưng lại hư đốn về đạo đức; một nền văn
hoá giải trí được úp mở cho phép thương mại hoá và để
xả xú páp áp lực xã hội bằng hoa hậu, sex, các loại thể
dục thể thao, các ngôi sao lộ hàng, các teen đưa clip sex lên
mạng…, một nền văn hoá tinh thần với các thứ chùa chiền
giả hiệu có mục đích đầu cơ đủ thứ và liên kết sâu
với chính trị, tệ mê tín, xin lộc, xin ấn, tin đồn về chó
hai đầu, chuối trăm buồng, hiện tượng học sinh lên chùa
cầu may kết hợp tư vấn tuyển sinh v.v…và v.v…Trong hoàn
cảnh ấy, cứ bắt nhau học tập những cái như Chỉ thị 03,
ngoài tác dụng khẳng định, nhắc nhớ sự tồn tại của
đảng, phỏng có tích sự gì. Chưa nói, đã mấy chục năm cứ
ra rả cái gọi là chống chủ nghĩa cá nhân mà không biết đó
chỉ là đánh nhau với cối xay gió. Tên gọi của đối tượng
phải chống đó chẳng biểu lộ một sự thông tuệ nào về
triết học, chẳng thuyết phục được trong những phương pháp
xã hội học, đạo đức học. Chủ nghĩa cá nhân là gì, sao
lại chống nó, hay cái mà ta, do kém về triết học, đã nâng
lên mức được gọi là chủ nghĩa ấy chỉ đơn giản là
những hành vi vị kỷ, ích kỷ, vụ lợi cá nhân ? Nếu vậy
thì khó chống lắm, chưa nói là xoá được, vì hiện nay nó
đã được bảo chứng bằng luật pháp, các hệ thống quyền
lực có tính mafia và bằng sự dối trá cũng rất hệ thống.
Còn cái individualism kia thì chẳng tội tình gì để bị chống
cả; nhân loại đã phấn đấu cho sự khẳng định nó và nó
cũng đã đóng vai trò tích cực trong lịch sử phát triển của
nhận thức luận, bản thể luận và trong tổ chức đời sống
xã hội đấy chứ ? Chính cái việc cá nhân bị / phải bảo
thủ bới sự khống chế của cách làm việc, cách lãnh đạo
tập thể, không dám nghĩ , làm cái gì mới cả mới là có tội
vì nó làm mất thành quả của nhân loại đấu tranh cho quyền
tự do chính đáng của cá nhân.

Xích Tử


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8814), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét