sao một người chưa quen ta tin được ta sẽ đối xử tốt với
họ? Cũng vậy, ngay cả những người đồng hội đồng thuyền
với ta trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay mà ta
cũng không tôn trọng tự do, nhân quyền của họ, thì ai dám tin
rằng ta sẽ tôn trọng những quyền tự nhiên ấy của người
dân khi ta nắm được quyền bính trong tay? Đừng ảo tưởng ta
có thể xây dựng được một thể chế dân chủ khi chính bản
thân ta đây chưa có tinh thần dân chủ! Cẩn thận kẻo ta lại
tranh đấu cho nền dân chủ được xây dựng trên cát!
Thông thường, ai cũng cho ý kiến, tư tưởng hay phương cách
của mình là đúng, thậm chí đúng nhất; và cho những ai suy
nghĩ hay chủ trương khác với mình đều là sai, hay ít nhất là
không đúng bằng. Vì thế, ta thường muốn người khác làm theo
ý ta. Ai theo ý ta, ta thích người ấy. Ai không theo hoặc chống
lại ý ta, ta khó chịu, tức giận, công kích, có khi hại họ
nữa. Nên khi ta mạnh và quyền thế hơn người, nhất là khi
nắm được chính quyền, ta dễ có khuynh hướng bắt mọi
người làm theo ý của ta. Ai chủ trương khác ta, không theo ta
là ta trù dập, bỏ tù hoặc tiêu diệt. Đó là chế độ độc
tài, trong đó "lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng" (dù chẳng
có lý chút nào), và "luật rừng" được áp dụng để cai
trị.
Nói chung, ai cũng cho "cái tôi" của mình, ý kiến của mình
là nhất. Đó là tâm lý hết sức bình thường của tất cả
mọi người. Nhưng đó chính là mầm mống phát sinh những chế
độ độc tài.
Là nạn nhân của độc tài, ta luôn luôn cảm thấy bực bội,
đau khổ, vì cứ phải nghĩ, nói và làm theo ý kẻ mạnh, kẻ
có quyền, chứ không được tự do theo ý mình. Nếu không muốn
đau khổ vì tinh thần độc tài của kẻ khác, ta cũng nên tránh
gây đau khổ cho người khác vì tinh thần độc tài của ta.
Khổng Tử viết: "Đừng làm cho người điều mình không muốn
người làm cho mình". Do đó, ta phải thực tập tinh thần dân
chủ, phải vượt lên khỏi cái tâm lý bình thường nói trên.
Đó cả là một quá trình "lột xác", một nỗ lực vượt
bậc, mà thiết tưởng những ai đang tranh đấu cho tự do dân
chủ cần thiết phải thực hiện. Nếu không, người đang đấu
tranh cho tự do dân chủ hiện nay sẽ trở thành nhà độc tài
trong tương lai khi họ nắm được quyền bính trong tay.
Trải qua bao thế kỷ đau khổ vì thể chế độc tài, nhân
loại dần dần nhận ra thể chế dân chủ tốt đẹp hơn, đem
lại hạnh phúc hơn bội phần. Chế độ dân chủ ấy phải
được xây dựng trên tinh thần dân chủ đa nguyên.
Tinh thần dân chủ đa nguyên dựa trên quan niệm sự vật đa
diện. Trước một sự vật hay một vấn đề, mỗi người có
một cách nhìn đặc thù về vấn đề ấy từ vị thế riêng
biệt của mình. Cách nhìn của người này chắc chắn khác với
cách của những người nhìn từ những vị thế khác. Như thế,
cách nhìn của mỗi người chỉ là một góc cạnh, một phần
nhỏ của cái nhìn toàn diện về sự vật hay vấn đề ấy.
Muốn có cái nhìn toàn diện, phải tổng hợp những cách nhìn
riêng biệt và khác nhau của mọi người. Nghĩa là ý kiến của
mỗi người phải được tôn trọng, lắng nghe và tổng hợp
lại thành ý kiến chung. Đó chính là tinh thần dân chủ đa
nguyên mà những người đang tranh đấu cho tự do dân chủ cần
phải có. Chế độ độc tài sở dĩ không tiến bộ và tốt
bằng chế độ dân chủ, là vì: chỉ cách nhìn của kẻ mạnh,
kẻ cầm quyền mới được chấp nhận, dù nó cũng phiến diện
như bao cách nhìn khác; những cách nhìn khác, dù có trung thực
hay toàn diện hơn, đều bị loại trừ.
Một dân tộc mà mọi người đều có khuynh hướng đặt quá
nặng ý riêng mình, muốn ép buộc người khác nghe theo mình,
khuynh hướng ấy sẽ biến thành tâm thức độc tài của dân
tộc. Tâm thức này sẽ kết tinh thành chế độ độc tài,
không hình thức này cũng hình thức khác. Vì bất kỳ cá nhân
hay tổ chức nào xuất phát từ tâm thức dân tộc ấy, một khi
nắm được quyền lực, sẽ áp dụng ngay tâm thức chung ấy
vào việc sử dụng quyền lực.
Muốn xây dựng một chế độ dân chủ, việc lật đổ chế
độ độc tài đang hiện hành là một việc tối cần thiết,
nhưng làm được điều đó thì mới chỉ thực hiện được
nửa đoạn đường. Phần còn lại là phải hình thành nơi dân
tộc tâm thức dân chủ đa nguyên bằng một cuộc "lột
xác", là thay thế tinh thần độc tài trong tâm thức mỗi cá
nhân bằng tinh thần dân chủ đa nguyên. Sự "lột xác" này
cần được thực hiện từ trong tâm thức mỗi cá nhân để
tinh thần dân chủ được thể hiện ngay từ trong gia đình
đến ngoài xã hội. Chế độ dân chủ sẽ vững bền khi tinh
thần dân chủ đa nguyên trở thành tâm thức chung của dân
tộc.
Tại Hoa Kỳ, ngay cả cha mẹ cũng phải tôn trọng tự do của
con cái, kể cả khi chúng còn nhỏ. Cụ thể là không được
dùng bạo lực như roi vọt để buộc con cái phải tuân theo ý
mình hay lẽ phải của mình, mà phải tìm cách thuyết phục
chúng cách ôn hòa. Điều này gây khá nhiều khó khăn và bất
tiện cho cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Nhưng xét về mặt
hình thành một tâm thức dân chủ đa nguyên cho cả dân tộc,
thì đây là một cách rất khôn ngoan giúp người dân biết tôn
trọng ý kiến và tự do của người khác, mà cụ thể nhất là
con cái mình. Vì ngay cả tự do và ý kiến của con cái mình mà
còn phải tôn trọng, huống gì của người lớn.
Vấn đề nghiêm túc cần đặt ra cho những cá nhân hay tổ
chức đang đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay là: chính bản
thân ta đã thật sự tôn trọng quyền tự do dân chủ của
những người sống chung quanh ta, trong gia đình cũng như ngoài
xã hội chưa?
Kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Việt Nam thứ 17
Washington DC, 11 tháng 5 năm 2011
Nguyễn Chính Kết
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8824), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét