Tố Hữu. Bà chị mình có cuốn tuyển tập Tố Hữu in giấy
trắng bóc, hay lấy ra đọc cho mình nghe. Nghệ thuật ca ngợi
của Tố Hữu quả là tuyệt. Ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ,
ca ngợi Stalin, mình nghe chị đọc (và sau đó tự đọc) cứ mê
tít. Ca ngợi Việt Nam, Liên Xô chưa đủ, bác Lành ca ngợi
đất nước Cuba xa tít. Bài thơ "Từ Cuba" của bác thật
truyền cảm, thật xúc động. Đọc bài thơ này, mình cứ
tưởng tượng Cuba như một xứ sở thần tiên.
"<em>Em ạ Cuba ngọt lịm đường.
Lúa xanh đồng bãi biếc đồi nương.
Cam ngon xoài ngọt vàng nông trại.
Ong lạc đường hoa rộn bốn phương</em>".
Một thời gian dài trôi qua, không hiểu sao đất nước Cuba lại
trở nên nghèo nàn, lạc hậu. Thiên đường Xã hội chủ nghĩa
chẳng thấy, chỉ thấy thiếu lương thực, thiếu năng lượng,
thiếu thông tin. Trong khi các nước lân cận đàng hoàng, tự tin
phát triển theo con đường phi XHCN thì Cuba đàng hoàng, tự tin
nhận viện trợ của nước ngoài. (1)
Thế rồi trước sự thật nghiệt ngã, Đảng cộng sản Cuba
(viết tắt là Đảng) đã nhận ra rằng không thể đi tiếp con
đường XHCN để lên thiên đường. Họ chọn con đường
"<em>quay đầu là bờ</em>". Lãnh tụ vĩ đại Fidel Castro làm
động tác rút lui khỏi chính trường, nhường ngôi cho em là
Raul. Bước tiếp theo, Raul bắt đầu thực hiện một số cải
cách. Và sau kỳ đại hội lần thứ 6 vừa qua, coi như Cuba
chính thức bắt đầu đổi mới (thực chất là đổi cũ –
thực hiện những điều mà người khác đã làm cả trăm năm
nay).
Trước tiên, xin chúc mừng nhân dân Cuba. Cuối cùng, sau hơn 50
năm kiên định đi lên CNXH dưới sự lãnh đạo sáng suốt và
tài tình của Đảng, nay các bạn bắt đầu được hưởng nền
kinh tế thị trường!
Tiếp theo, tôi xin mạnh dạn suy đoán tình hình Kinh tế - Chính
trị - xã hội đất nước Cuba, bắt đầu từ năm 2011.
<center>* * *</center>
Về mặt xã hội, thời gian đầu, đồng chí Raul Castro sẽ hô
hào đổi mới toàn diện. Báo chí đồng loạt đăng những bài
viết có tựa đề "Những việc cần làm ngay" của cây bút
R.C. Văn nghệ sĩ được cởi trói và được yêu cầu tự cởi
trói. Bộ Chính Trị Cuba thông qua Nghị quyết cho phép tự do
sáng tạo. Một loạt các tác phẩm của các tác giả trẻ có ý
chỉ trích xã hội được xuất bản. Báo chí không cần xin
phép Trung Ương khi viết về các mặt tiêu cực của đất
nước. Các vụ tham những, hối lộ bắt đầu được công khai
trên báo chí.
Tuy nhiên, sau đó xu hướng Cởi Mở bị chính quyền cho là quá
đà nên hàng loạt nhà văn bị cách chức, bị đuổi ra khỏi
Đảng, thậm chí còn bị đi tù. Một số tạp chí bị cấm vì
nội dung chỉ trích chính quyền. Hiến pháp được thay đổi
để phù hợp tình thế mới. Trong đó, quy định Đảng là lực
lượng lãnh đạo và chủ nghĩa Mác – Lê, công với tư tưởng
Fidel Castro là định hướng phát triển. Từ việc này mà những
Đảng viên tiến bộ, cấp tiến bị thanh trừng.
Về mặt kinh tế, nông dân đã có động lực mạnh mẽ
để đầu tư công sức vào đồng ruộng. Cuba dần dần có
lương thực đủ để nuôi bản thân và bắt đầu nghĩ đến
xuất khẩu. Đầu tư nước ngoài bắt đầu thấy hiệu quả.
Người dân Cuba bắt đầu khoe nhau lương tháng tính bằng
"đô". Các doanh nghiệp quốc doanh được giao quyền tự
chủ, tự hạch toán kinh tế. Nhịp sống công nghiệp hình thành
từ đây. Chuyện ăn uống không còn là vấn đề lớn, nhà nhà
có tivi để coi. Hoa Kỳ bỏ cấm vận Cuba. Từ kẻ thù số
một, Hoa Kỳ trở thành người bạn, thậm chí người thầy.
Về mặt chính trị, Cuba vẫn kiên định con đường Xã hội
chủ nghĩa. Điều đặc biệt là trước đây, báo chí ca ngợi
nền kinh tế kế hoạch thì bây giờ ca ngợi kinh tế thị
trường. Hồi trước Đảng đỉnh cao trí tuệ đưa đất nước
vào chỗ bi thương khốn cùng thì bây giờ Đảng đã vĩ đại
sửa sai, sáng suốt anh minh cải tổ nền kinh tế. Trong quá
khứ, Fidel làm đúng những gì Mác – Lê dạy thì được ca
ngợi là học trò xuất sắc. Bây giờ Raul làm khác những gì
Mác – Lê dạy thì được khen là linh hoạt sáng tạo. Dân chủ
vẫn là một cái gì đó xa xỉ, chủ tịch Raul tuyên bố "Cuba
không có nhu cầu đa nguyên, đa Đảng". Những bậc sĩ phu
đặt vấn đề xét lại chủ nghĩa Mác – Lênin, đòi chia tay ý
thức hệ bị đàn áp, từ theo dõi, cô lập cho đến bắt giam.
Thời gian tiếp theo, kinh tế tiếp tục phát triển nhưng bộc
lộ sự méo mó đúng như các bậc sĩ phu đã tiên đoán. Nạn
tham ô, hối lộ sinh sôi nảy nở là hậu quả tất yếu của
kinh tế thị trường nhưng mất dân chủ. Các Đảng viên lợi
dụng chức quyền nắm giữ nền kinh tế trong tay. Các tập
đoàn quốc doanh năm sau lỗ nặng hơn năm trước. Khoảng cách
giàu nghèo ngày càng tăng.
Mặt xã hội cũng suy thoái trầm trọng. Người dân
đua nhau làm giàu bằng mọi giá, bất chấp các giá trị nhân
văn căn bản. Từ một dân tộc hiền hòa, lịch sự, con người
Cuba trở nên tàn nhẫn, hung dữ và vô cảm. Các bài học về
lòng căm thù giặc Mỹ, căm thù chế độ ngụy quân, ngụy
quyền (Baxtia) nay được nhân dân Cuba áp dụng bằng cách căm
thù nhau. Mở báo ra là thấy đánh - chém - bắn - cướp - hiếp
- giết!
Giáo dục, giao thông, y tế, nhìn đâu cũng thấy "còn một bộ
phận yếu kém". Y đức, giáo đức (đạo đức nhà giáo), tài
đức (đạo đức tài xế) xuống cấp nghiêm trọng. Nhà nước
không có chính sách đầu tư thích hợp mà chỉ tập trung cho
thủ đô nên dân tứ xứ tụ tập về biến La Habana thành một
cái chợ khổng lồ. Kẹt xe, lụt lội, ô nhiễm, ý thức dân
chúng thấp không còn kiểm soát nổi.
Để giải quyết mâu thuẫn kinh tế - chính trị - xã hội này,
không thể sử dụng những biện pháp chữa cháy. Giải pháp
tận gốc phải là một nhà nước pháp trị tam quyền phân
lập, mở rộng dân chủ. Không mở rộng dân chủ thì hỗn
loạn sẽ gia tăng đến một lúc nào đó thì nhân dân Cuba không
còn chịu nổi dẫn đến sụp đổ. Nhưng càng mở rộng dân
chủ thì quyền lợi của Đảng càng bị thu hẹp. Do đó, một
mặt, hai chữ "dân chủ" bắt đầu được đưa vào cương
lĩnh. Từ "công bằng, dân chủ, văn minh" đến "dân chủ,
công bằng, văn minh". Mặt khác, những tiếng nói trái với ý
chính quyền - nếu ở mức độ nhẹ có thể được bỏ qua -
nhưng một khi ảnh hưởng đến quyền lãnh đạo của Đảng
lập tức bị đàn áp. Ngày càng có nhiều người bị bắt giam
vì tội "tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa
Cuba".
Do vẫn còn cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" nên
các ngành mũi nhọn vẫn nằm trong tay các tập đoàn Nhà Nước.
Các mặt hàng xăng dầu, điện, nước tăng giá vô tội vạ.
Tập đoàn đóng tàu Cubashin lỗ vài ngàn tỷ peso nhưng không ai
bị kỷ luật. Nhà nước thu đất của dân làm dự án với giá
rẻ mạt. Dân oan kéo nhau lên La Habana khiếu kiện thẳng với
Trung Ương gây mất ổn định kéo dài.
v.v và v.v...
Trên dây là một số dự đoán của tôi về tình hình Cuba
trong tương lai gần. Những dự đoán hoàn toàn mang tính cá nhân
và tôi chỉ mong mình sai. Tôi mong chủ tịch Raul sẽ tuyên bố
"Không dân chủ là tự sát!". Tôi mong Hiến pháp Cuba quy
định "các Đảng phái chính trị cạnh tranh lành mạnh, quyền
lựa chọn Đảng lãnh đạo thuộc về nhân dân – thông qua
bầu cử". Tôi mong rằng các tư tưởng triết học được
sàng lọc, lựa chọn tùy tình hình thực tiễn Cuba chứ không
áp đặt một chủ nghĩa nào làm kim chỉ nam cả.
Chỉ có như vậy, mía Cuba mới "ngọt lịm đường".
Nguyễn Đại – tháng 5/2011
(1) Và vẫn kiên định XHCN.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8790), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét