Gò Cỏ May - Hòa giải, hòa hợp bắt đầu từ đâu?

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/sub01/ap_20110515082811753.jpg"
width="500" height="333" alt="ap_20110515082811753.jpg" /></center>
<center><em>Bên dòng sông Rhein ở Nordheit Westfallen-1993
</em></center>

Tôi không có hy vọng, trong một entry ngắn mà lại lý giải
thấu đáo một vấn đề bức thiết, thiên nan vạn nạn với
người Việt mình như vậy. Đọc loạt bài nhân dịp 30.04 năm
nay, có một ý kiến khiến tôi rất tâm đắc: "<em><strong>hòa
giải nằm ở chính mình trước</strong></em>"! (*)

Từ cái mạch suy tư ấy đã dẫn tôi trở lại với câu chuyện
cách đây chừng ngót hai mươi năm. Khi mới tới Đức, nghe nói
có ngôi chùa của người Việt vừa khánh thành to lắm, liền
tới vãng cảnh chùa. Trong khi đang ngồi xem cuốn Việt Nam danh
lam cổ tự của nhà nghiên cứu Võ Văn Tường do nhà xuất bản
KHXH Hà Nội vừa phát hành, tình cờ tôi có cuộc tiếp xúc
ngắn ở thư viện chùa Viên Giác Hannover với một vị trụ trì
nổi tiếng ở hải ngoại, Thượng toạ TNĐ. Biết tôi có chút
nghề mọn về phim tài liệu, thầy ngỏ ý muốn nhờ tôi quay
giúp một số hình ảnh về sinh hoạt phật sự của người
Việt ở xứ người. Tôi cũng chưa dám nhận lời, vì mình có
máy móc phương tiện gì đâu? Năm sau nhân mượn được chiếc
máy quay S-VHS của anh bạn lao động ở DDR (Đông Đức cũ), tôi
mới báo tin với qúi thầy rằng, dịp Đại lễ Phật Đản 2538
(1994) kỳ này, nhân tiện đi chẩy hội chùa, tôi sẽ quay cho
chùa một số tư liệu như qúi thầy đã đề xuất. Nghe tin
này, thầy TNĐ vui lắm, lễ Phật Đản năm đó, mặc dù chùa
đông đặc Phật tử và tha nhân từ khắp Âu châu về dự,
thiếu chỗ ở mà qúi thầy vẫn giành cho hai anh em chúng tôi
một căn phòng nho nhỏ riêng biệt ở trên gác xép để máy
móc, đèn đóm trong mấy ngày Đại lễ. Sau Phật Đản tới lễ
Vu Lan và Tết Nguyên đán, hai anh em chúng tôi lại được thầy
nhờ quay tiếp. Năm sau, khi Đức Dalai Lama tới thăm, thầy tiếp
tục kêu hai anh em chúng tôi tới hộ giúp.

Cứ tưởng quay xong trả băng cho thầy là hết trách nhiệm. Ai
ngờ thầy lại tín nhiệm bảo, các anh làm sao có thể rút
ngắn mấy chục tiếng băng này thành một hai cuốn băng để
phát hành cho bà con phật tử khắp nơi được coi thuận tiện
thì qúi biết chừng nào? Nghe qúi thầy nói thế, anh bạn Đông
Đức của tôi thì hăng hái lắm vì anh cũng muốn nhân cơ hội
này để học hỏi thêm. Còn tôi thì đổ mồ hôi hột. Kinh
nghiệm làm mấy chục phim tài liệu trước đây đã mách bảo,
để làm được như một bộ phim tài liệu đúng nghiã, qủa
thật không đơn giản chút nào. Nhất là trong hoàn cảnh cụ
thể của chúng tôi, còn qúa thiếu thốn về mọi mặt. Tôi
vừa có ý ngãng ra, vừa thăm dò qúi thầy rằng: Để làm
được như ý thì trước tiên cần phải có một kịch bản
khả thi. Kèm thêm phải có cố vấn chuyên môn am hiểu nhiệt
tình giúp sức thì may ra phim mới thành công được?!

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/sub01/ap_20110515082742706.jpg"
width="500" height="333" alt="ap_20110515082742706.jpg" /></center>
<center><em>GCM và qúi Thầy Viên Giác ở phòng khách tăng-Chùa VG
Hannover-1994</em></center>

Thầy trụ trì bàn rằng, kịch bản thì tôi sẽ chịu trách
nhiệm. Phật sự nhiều không có dư giả thời gian, tôi sẽ
tranh thủ đọc nội dung vào trong các băng Cassette, khi hoàn
chỉnh sẽ cho đánh máy và chuyển đến để các anh nghiên
cứu. Còn cố vấn, tôi sẽ nói với anh VCT ở Hamburg bố trí
thời gian cộng tác với các anh. Cứ nghĩ thầy nói khơi khơi,
hóa ra chỉ vài tháng sau, chúng tôi đã nhận được gần chục
trang "Đề cương kịch bản văn học" do thầy gửi tới.
Càng đọc cái đề cương kịch bản văn học ấy, chúng tôi
càng thấy ngỡ ngàng bởi có nhiều tình tiết ly kỳ đầy ấn
tượng. Đang trong tâm trạng "chân giò choãi ra", tôi lại
bị cuốn hút để chuyển thể thành kịch bản điện ảnh ...
rồi lao lực với nó hàng năm trời... và làm nên hai tập phim
mang tên "Chùa Viên Giác" (mỗi tập dài khoảng 60 phút) với
số lượng đã phát hành tới hàng ngàn ấn bản. Cùng hai cuốn
băng phóng sự (tiếng Đức và tiếng Việt) về Đức Dalai Lama
thăm chùa nữa. Chúng tôi làm những việc đó chỉ là phát tâm
tự giác chứ không nhận tiền công. Chả cần khoe với ai, chỉ
mình thầy Viên Giác ghi nhận là đủ. Những chuyện có tính
"bếp núc" trong mấy năm làm băng (đã quên lãng) đó. Nay
thấy mọi người vẫn trăn trở với sáu chữ "hoà giài, hòa
hợp dân tộc" thì tự dưng những kỷ niệm vui buồn dạo đó
lại hiện về. Xin chép ra đây vài chuyện nho nhỏ. Để những
ai quan tâm tới đề tài này cùng chiêm nghiệm!

<h2>Chuyện lá cờ quốc gia</h2>

Thực tình, ngay từ thời ở VN, mặc dù làm phim tài liệu
chuyên nghiệp, tôi chả mấy quan tâm với mấy thứ chính trị
chính em đau đầu. Nên ra hải ngoại tôi cũng chả để ý đến
mấy thứ lùm xùm về cờ quạt quốc gia hay cộng sản cho lắm.
Vào nhà một số bà con thuyền nhân, trước đây tôi hay thấy
nhiều nhà hay có lá cờ vàng 3 sọc đỏ nho nhỏ cắm trên giá
sách hay nóc tủ nơi để tivi. Có nhà còn có cả treo cả hình
bản đồ Việt Nam bằng sơn mài... có cờ vàng 3 sọc gắn chìm
ở vị trí trung tâm nữa. Khi về chùa Viên Giác, tôi cũng thấy
cả lá cờ này cùng với cờ ngũ sắc Phật giáo và cờ tam
sắc đen-đỏ-vàng của Đức được cắm chung trên bàn nơi ông
hội trưởng Hội Phật tử ngồi làm việc ở văn phòng chùa.
Như đã thưa, vì không cho đó là chuyện gì to tát với tôi,
nên khi quay các sinh hoạt ở văn phòng chùa dạo đó, tôi chỉ
chú tâm tới các nhân vật đang hiện hữu chứ không chú ý
mấy tới những chi tiết xung quanh. Phim dựng xong, gửi qúi
thầy duyệt hình, sửa, bổ sung thật cẩn thận vài lần, xong
mới cho đọc thuyết minh và hoà âm. Duyệt hoà âm đâu vào
đấy, phim mới phát hành ra nhiều bản. Từ phạm vị hẹp, ra
rộng. Đa số bà con đón nhận bộ phim với lời khen ngợi
động viên. Nhưng cũng có ý kiến không hài lòng khi săm soi
thấy không có lá cờ vàng ba sọc đỏ hiện diện trên phim.
Họ liền qui trách nhiệm cho anh em chúng tôi, những người
"ăn cơm quốc gia, nhưng thờ ma cộng sản" như lời một ông
đánh máy (quá khích) làm việc ở văn phòng chùa phẫn nộ khi
giáp mặt chúng tôi. Ông cáo buộc tôi đã cố tình loại bỏ
lá cờ ba sọc trên cái bàn ông Hội trưởng (?). Lời ông ta gay
gắt nặng nề trước đám đông bà con thập phương tới hành
hương. Bức xúc qúa tôi vặn lại ông: "<em>ai quốc gia, ai
cộng sản ở đất nước tự do này?</em>". Ông sửng cồ:
"<em>cơm hàng ngày các anh ăn... là của nước Đức. Mà Đức
là đồng minh với VNCH, thì cơm nước Đức cũng là cơm quốc
gia đấy thôi?... anh không thờ ma Việt cộng sao khi làm phim anh
lại cắt bỏ lá cờ vàng 3 sọc đỏ biểu tượng của chánh
nghiã quốc gia... anh thử nhìn xem... từ ngày có chùa tới
giờ... lá cờ tự do đó vẫn cắm ở đó, nay nó biến mất
bởi tay ai?</em>"

Thấy ông ta mặt đỏ tía tai, phùng mang trợn mắt như muốn lao
vào người đối thoại cắn xé cho hả giận, tôi đành rút êm.
Khi lễ lạt xong xuôi, tôi đem câu chuyện không vui này ướm
hỏi quý Thầy. Thì nhận được lời giải thích: "<em>phim này
thuần tuý là sinh hoạt tôn giáo, nếu đưa yếu tố chính trị
vào thì không có lợi cho phật sự, nên chính tôi đã lặng lẽ
cho cất tạm mấy thứ đó trong lúc các anh đang mải làm
việc... Mục tiêu của tôi về bộ phim không chỉ phát hành phim
ở hải ngoại, còn muốn phim này được gửi về trong nước
cho các phật tử bên nhà xem nữa, nếu vướng mấy thứ
"trướng ngại" đó thì không lợi lạc chút nào. Xin các anh
thông cảm cho, bác đó là người tốt. Gốc là người công
giáo nhưng về chùa làm phật sự từ những ngày đầu tới
Đức. Bản thân bác từng bị ngược đãi, phải vượt biên.
Thân nhân của bác ta mất hết trong thảm hoạ trên biển, nên
mới sinh ra hận thù như vậy...</em>"

Thảo nào, những lần trước đây về chùa ông ta có cư xử
với tôi dữ dằn thế bao giờ đâu? Cần nhờ đánh máy từ
chương trình, đề cương hay lời bình này nọ, ông đều rất
nhiệt tình và giúp tôi một cách chu toàn. Nay chỉ thấy thiếu
biểu tượng quốc gia (lá cờ 3 sọc mà ông tôn thờ) trong có
vài giây trên phim mà ông nỡ cư xử với chúng tôi như vậy?
Cứ nghĩ tới gương mặt giận dữ và những mạ lỵ không
tiếc lời của ông hôm đó, tôi không còn hứng thú tham dự
bữa cơm (chay) trang trọng dự kiến cho buổi ra mắt bộ phim mà
thầy dự định tổ chức nữa. Khiến qúi thầy rất buồn.
Nhưng biết làm sao. Vì tôi cũng không muốn vì tôi mà qúi thầy
phải khó xử với những người cộng sự thân sơ của chùa.

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/sub01/ap_20110515082801130.jpg"
width="500" height="333" alt="ap_20110515082801130.jpg" /></center>
<center><em>Một buổi quay phim ở vườn Thượng Uyển Herrenhausen
- Hannover - 1996</em></center>

Từ khi nghe tin qúi thầy quyết định nghỉ không còn trụ trì
nữa để tập trung vào viết sách, tôi cũng không còn thấy
hứng khởi để về trẩy hội chùa như xưa nữa. Giận ông
đánh máy ư? Không bao giờ. Vì chắc chắn phải có một nhóm
cực đoan dấu mặt đứng sau ông đánh máy đó. Nên tốt nhất
"kính nhi viễn chi" là hơn.

<h2>Làm mật vụ cho cộng sản?</h2>

Đó là đận sau khi Đức Dalai Lama thăm chùa Viên Giác được
ít ngày, khi về chùa để giao băng nhờ quý thầy duyệt, tôi
thấy Thầy Viên Giác không được vui. Tôi gặng hỏi thì thầy
nói: "<em>Gần đây ở chùa dấy lên dư luận xầm xì to nhỏ
rằng thầy trụ trì mất cảnh giác, cho phép một anh bị tình
nghi "đặc tình" của Đại sứ quán VN ở Bonn được ra vào
tự do nơi ngài (Dalai Lama) dùng cơm và nghỉ trưa trong buổi
ngài tới thuyết pháp ở chùa. Ai cũng biết để bảo vệ ngài
có tới hàng trăm an ninh Đức tới chùa làm nhiệm vụ cả
trước trong và sau buổi tiếp tân ngài. Thế mà lại liều lĩnh
cấp một thẻ bài cho một người như anh - đang có "vấn
đề" như vậy?</em>"

Theo lời thầy, tôi tìm gặp anh H (là một người khá năng nổ
trong hết thảy các công việc phật sự hàng năm của chùa) thì
anh H cho biết, do anh T là bác sỹ răng (nha sỹ) ở thành phố G.
phản ảnh về chùa rằng, có một ông bệnh nhân (của ông T)
người bản xứ phục vụ trong ngành an ninh tình báo Đức kể
rằng, thấy gương mặt cái người Việt vào quay ngài Dalai Lama
hôm 18.06 vừa qua giống người do sứ quán Việt cộng ở Bonn
phái đi thu thập tài liệu cho ĐSQ, nhằm theo dõi và trả thù
những ai đã có các hành động chống đối chế độ. Nghe
thấy vậy tôi xuýt phì cười vì sao lại có những người giàu
trí tưởng tượng và làm chuyện gắp lửa bỏ tay người một
cách vô căn cứ như vậy? Tôi nói với anh H, anh có thể cho tôi
được gặp và đối chất với ông nha sỹ đó được không?
Anh H hẹn sẽ trao đổi lại và trả lời sau… Nhưng từ đó
tới bây giờ, tôi không hỏi lại. Mà cũng chẳng thấy ai nhắc
lại chuyện hoang đường này nữa. Nay đọc bài của Kami
("Thư ngỏ gửi bạn ở Hải ngoại nhân ngày 30-4") thì tôi
lại sực nhớ câu chuyện khôi hài này.

<h2>Thói xấu của người Việt</h2>

Qua tiếp cận với nhiều thành phần người Việt khác nhau trong
qúa trình làm bộ phim cho chùa tôi còn phát hiện ra một thói
rất xấu của một số người Việt là đố kỵ, ghen ghét khi
cảm thấy có ai đó hơn mình. Dẫn chứng có 2 chi tiết nhỏ sau
đây.

Chi tiết thứ nhất, thấy hai anh em tôi về chùa quay phim các
sinh hoạt lễ lạt như trên thì có một anh P thợ vườn sửa
tivi (người Việt Đông Âu) cũng cày cục mua bằng được một
chiếc máy quay S-VHS giống y chang máy của anh bạn tôi. Rồi
nhờ người tâm phúc tiến cử anh ta với thầy trụ trì để
khoe rằng anh ta có máy mới và có thừa khả năng để làm phim
cho chùa. Với lợi thế anh ta ở ngay Hannover nên bất cứ lúc
nào muốn, thầy kêu, anh ta sẵn sàng đáp ứng, khỏi phải
diệu vợi lo xăng xe cho chúng tôi ở xa chùa tới mấy trăm km?
Thấy anh ta nhiệt tình thế, quý thầy cũng không nỡ chối từ.
Thầy bàn với hai chúng tôi, cho anh ta tham gia trong nhóm và giao
cho anh ta ghi những tư liệu khi chúng tôi bận việc? Tôi tán
thành ngay. Buổi quay hôm Dalai Lama là buổi mở màn của sự
hợp tác, mà anh ta đã giở quẻ ngay lúc nước sôi lửa bỏng,
khi anh ta cứ khăng khăng một mình một kiểu chứ không chịu
sự phân công phối hợp chung với những anh em mà tôi huy động
tới cùng cộng tác làm việc. Một mình anh ta thủ hai tay hai
máy (một S-VHS, máy to; một máy Hi-8, máy nhỏ), đi lại nghênh
ngang trước ống kính của "đồng nghiệp" rất chi là
chướng. Ý định không cần che dấu của anh P là, không có
chúng tôi, một mình anh ta cũng có thể làm được phim tặng
chùa mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào. Dĩ nhiên
với những anh "điếc không sợ súng" như thế thì thất
bại là không còn gì để bàn.

Chi tiết thứ hai: Trước khi Thầy trụ trì nhờ chúng tôi làm
băng, đã có một nhóm những anh năng nổ kiểu "quần chúng
tự phát" (thuộc nhóm người Việt tới Đức trước khi vỡ
tường Berlin) kéo tới chùa để làm công qủa từ ngay những
ngày đặt viên gạch đầu tiên xây móng chùa. Họ thành lập
được cả một "Ban điện ảnh Chùa Viên Giác" (BĐA...) và
đã quay ngót trăm cuốn băng VHS và Hi-8 với mấy trăm tiếng
"băng tư liệu". Nhưng chất lượng thì qúa khiêm tốn, nên
cái BĐA… đó đã tự tiêu vong mà không ra đời được một
cuốn phim (đúng nghiã) nào trước khi tôi có mặt lần đầu
tiên ở chùa. Năm đó (1994), khi thấy hai anh em lạ hoắc, giọng
đặc Bắc kỳ tới quay phim biểu diễn văn nghệ lễ hội mừng
Phật Đản và Vu Lan ở chùa thì họ đã không động viên giúp
đỡ thì chớ lại còn kích bác và xúi một số thanh niên quá
khích la ó, chen lấn, làm rung chân máy, không cho phép chúng tôi
làm nhiệm vụ một cách xuôi xẻ. Đặc biệt trước đó, buổi
chiều có người còn khích bác để ca sỹ Thái Châu (nhóm
trưởng tới từ Hoa kỳ)… tới đập cửa phá đám buổi
phỏng vấn 2 ca sỹ Ái Vân và Kiều Hưng ở phòng đọc thư
viện, lấy lý do "trong hợp đồng làm việc giữa chùa với
hai ca sỹ ra đi từ miền Bắc này, không có tiết mục phỏng
vấn… nên không ai được phép "làm ảnh hưởng tới sức
khoẻ", để đảm bảo tuyệt đối chất lượng chương trình
diễn buổi tối…"


<center><img src="http://danluan.org/files/u1/sub01/ap_20110515082751345.jpg"
width="500" height="333" alt="ap_20110515082751345.jpg" /></center>
<center><em>Phỏng vấn 2 CS Kiều Hưng và Ái Vân ở Thư viện
chùa VG-Hannover-1995</em></center>

Là một người từng làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật,
tôi nhận thấy, để phát tâm làm một việc tốt, dù cỏn con
nhất như cái phim tài liệu chúng tôi đã làm, chưa chắc đã
nhận được thiện cảm của một số người "ném đá dấu
tay" ngay nơi chốn cửa thiền môn từ bi hỷ xả như vậy thì
mong gì những việc to tát mà không có người phá đám vì đố
kỵ hẹp hòi?

<h2>Hoà giải bắt đầu từ chính mình</h2>

Trong bất cứ cuộc dâu bể nào, tránh sao khỏi những mất mát,
thù hận. Nếu bên thắng cuộc mà không biết giành thế chủ
động tha thứ để hàn gắn những bất hạnh của qúa khứ mà
chỉ muốn lấy oán trả oán thì bao giờ mới làm lành được
những đổ vỡ thương đau?

Anh trai tôi, là bộ đội miền Bắc đã bị một viên bi của
máy bay Mỹ chui vào hộp sọ đúng ngày hôm nay (15.05.1972) tại
một bệnh viện ở núi rừng Trường Sơn khi anh tôi bị sốt
rét phải vào viện điều trị. Để 4 ngày sau, 19.05 anh tôi
trút hơi thở cuối cùng. Đã tròn 39 năm anh tôi nằm xuống…
mà tôi như vẫn thấy hình ảnh của mẹ tôi nấc nghẹn khóc
người con trai mà bà hết mực thương yêu. Ai hỏi tôi có thù
kẻ đã giết anh mình không? Sao lại không, thù quá đi chứ!
Nhưng hận thù mãi như thế phỏng có ích gì, khi anh tôi không
bao giờ có thể sống lại để lau khô được cơ man nào nước
mắt hằng đêm của mẹ tôi? Cũng như ông S, người đánh máy
ở văn phòng chùa VG ở thượng dẫn đã thù hận những người
cộng sản tới tận xương tủy khi ông phải chịu cảnh tù
tội (?) bởi những người thắng trận. Lại khiến bao người
thân và cả vợ con ông bị chết thảm ở biển Đông trên
đuờng đi tìm tự do. Nhưng ông hận thù mãi những người CS
miền Bắc cũng có lấy lại sự sống cho người thân?

"<em>Tôi đặt ngược câu hỏi lại là nếu người miền Nam
thắng cuộc thì người miền Nam viết sử như thế nào về
người miền Bắc? Có tắm máu, có độ lượng, có thù hằn ai
không? Tôi nghĩ là sẽ có, tệ hại hơn hay không thì chưa
biết.</em>" Đó chính là ý kiến của nhà văn chế độ VNCH
trước 1975 - ông Nguyễn Qúi Đức, khi trả lời phỏng vấn
một tờ báo nhân ngày 30.04 năm nay. Ông Đức tâm sự tiếp:
"<em>Mỗi năm không biết bao nhiêu chương trình trên các đài
truyền hình nói về các trận chiến này, trận chiến kia. Các
chương trình vẫn đều nói cùng một giọng điệu, vẫn một
kiểu nói rằng con người miền Nam là con người xấu xa, tàn
ác… Tại sao người trong nước là người thắng cuộc,
thường dễ tha thứ cho người ta hơn, tại sao không làm được
điều ấy?</em>".

Rồi nhà văn đề nghị: "<em>Tôi chỉ mong nhà nước tự tin
hơn, can đảm hơn để chấp nhận mọi thứ. Bây giờ Việt
kiều về đây giúp tài chính, kỹ thuật. Nhưng cùng lúc đó
ông ấy lại mang về những niềm tin, ý tưởng về dân chủ
của cái xã hội khác. Đất nước có đủ niềm tin cho người
ta có tiếng nói hay không? Do đó rất dễ hiểu là những
người Việt kiều hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là những
người không được nhà nước tin tưởng nhiều lắm. Như tôi
đây, khi trở về nước tôi đâu có xin visa làm báo chí
được. Do đó vấn đề ở đây là: mình yêu đất nước nhưng
đất nước có yêu mình không"?</em>

Đến đây tôi chợt nhớ đến một bài học "Hai con dê" từ
lớp vỡ lòng, chả con nào chịu nhường con nào qua cầu
trước. Để cuối cùng cả hai con cùng lăn tùm xuống sông bị
lũ cuốn. Liên hệ tới hai phía trong ngoài của người Việt
mình, có biết nhường nhau hay cùng chịu cảnh bị diệt vong
như hai con dê?

"Hòa giải nằm ở chính mình trước". Lời nhà văn quốc gia
"tự diễn biến" để về sống chung với chế độ cựu
thù, dù thể chế ấy vẫn chưa đủ cản đảm "chấp nhận
mọi thứ…". Đó cũng chính là thông điệp "hoà giải hoà
hợp" hôm nay, cho mỗi chúng ta nhìn lại chính bản thân mình.

Gocomay

____________________________

(*) "Chúng ta đã chậm mất hai thế hệ để hòa giải" -
http://bayvut.com.au/nh%E1%BB%8Bp-s%E1%BB%91ng/nh%C3%A0-v%C4%83n-nguy%E1%BB%85n-qu%C3%AD-%C4%91%E1%BB%A9c-%E2%80%9Cch%C3%BAng-ta-%C4%91%C3%A3-ch%E1%BA%ADm-m%E1%BA%A5t-hai-th%E1%BA%BF-h%E1%BB%87-%C4%91%E1%BB%83-h%C3%B2a-gi%E1%BA%A3i%E2%80%9D

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8823), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét