Xích Tử - Thời không nghị quyết

Thế là đảng lại khởi động chương trình quán triệt nghị
quyết Đại hội XI.

Các phương tiện thông tin nhà nước trung ương trong những ngày
qua đã có những tin, phóng sự đề cập đến chương trình
này, với nhận xét được bật đèn xanh là chậm so với yêu
cầu kế hoạch. VTV1 tối 16/4/2001 cho rằng, khác với các kỳ
đại hội trước, sau đại hội XI 2 ngày, Ban Tuyên giáo đã
tổ chức hội nghị đầu tiên về việc thông báo nhanh nghị
quyết và các kết quả Đại hội cũng như định hướng chung
cho hoạt động học tập, quán triệt nghị quyết, song cho đến
giữa tháng 4, công việc này vẫn giẫm chân tại chỗ.

Sở dĩ có sự phàn nàn đó là vì ngay cả Tổng bí thư cũng
đã sốt ruột. Trong chuyến làm việc tại Tây Nguyên, tại
cuộc làm việc với lãnh đạo của huyện Chư Sê và sau đó là
của tỉnh Gia Lai ngày 16/4/2011, ngoài những "ý kiến chỉ
đạo" khác, ông Trọng đã dành thời gian nhiều cho việc chỉ
đạo công tác học tập quán triệt nghị quyết XI, phải
"tạo nên một cuộc vận động chính trị lớn" trong năm,
"thống nhất nhận thức, ý chí và hành động", "không bàn
ra", "ai không tán thành thì không bố trí làm việc, làm cán
bộ nữa", "thôi đi", "đường lối cán bộ phải phục
vụ đường lối chính trị"…

Tại cuộc họp của Ban Tuyên giáo trung ương 20-22/4/2011 (có dự
kiến là đến 24/4 nhưng rút bớt), ông Trọng lại phát biểu
nguyên xi lại những lời ở Tây Nguyên nhưng với giọng điệu
gay gắt hơn và có thêm ý rằng nghị quyết đã được cơ quan
cao nhất của đảng thông qua, bây giờ chỉ còn học tập, quán
triệt và đưa vào cuộc sống (có lẽ trước đó nghị quyết
đứng ngoài cuộc sống!).

Như vậy, việc triển khai nghị quyết có vấn đề về nhận
thức ở một số cán bộ ở cấp nào đó, cả về văn bản,
nội dung nghị quyết lẫn cách thức "đưa vào cuộc sống".
Sự chậm trễ dường như bộc lộ một dấu hiệu hữu khuynh
trong hệ thống. Và đảng đã vào cuộc thúc giục, trước hết
bằng một cuộc họp lớn có phạm vi toàn quốc của Ban Tuyên
giáo.

Đó là chuyện vĩ mô. Còn đối với cấp cơ sở thì chắc nay
mai lại phải sắp xếp thời gian để ngồi học tập quán
triệt. Cả nhân dân nữa, tuy ngoài đảng nhưng cũng phải tán
thành, nếu không có thể không được bố trí làm dân.

Sự cần thiết và hiệu quả của công cuộc này thì ai cũng
biết và biết rất lâu rồi. Hoạt động học tập quán triệt
vừa có tính chất nhồi sọ, vừa là hình thức thị uy của
đảng với xã hội, vừa tạo công ăn việc làm và thu nhập cho
hệ thống tuyên giáo (báo cáo viên, các cơ sở in ấn, vận
chuyển ấn phẩm, các chi phí tổ chức các lớp học, việc tổ
chức các đoàn công tác đi kiểm tra từ cấp trên xuộng cấp
dưới…). Còn người học, và kể cả người dạy, xong việc
rồi thì đâu lại vào đấy. Cứ thử kiểm tra một ông chủ
tịch một tỉnh xem nhớ được bao nhiêu đoạn văn trong nghị
quyết thì sẽ biết.

Và thực sự thì cả một cuộc vận động rộng lớn như thế
cũng chỉ là chuyện mợ nói về mợ, song không mợ thì chợ
vẫn đông. Đảng cộng sản Liên Xô thời Staline từ đại hội
XVIII đến đại hội XIX là 13 năm; đảng cộng sản Cuba từ
đại hội V đến đại hội VI là 14 năm, nghĩa là trong chừng
ấy thời gian, không có nghị quyết lớn nào để học, và cũng
không biết người ta có tổ chức học tập quán triệt như ở
Việt Nam không nữa. Nhìn sang một số nước "tư bản" như
Bỉ, cả năm người ta không có chính phủ, nhân dân vẫn sống
thuận hoà, kinh tế, an ninh trật tự ổn định, phát triển
bình thường; một số cam kết viện trợ cho Việt Nam vẫn
được thực hiện đầy đủ. Đến một lúc, có lẽ nhân dân
thấy buồn vì không có chính phủ nên phải tổ chức biểu
tình đòi hỏi phải lập lại tổ chức này.

Chuyện đó cũng có thể thấy ở Việt Nam từ 19/1/2011 đến
nay: hơn 3 tháng đất nước tồn tại, hoạt động, có thể cả
khó khăn phát sinh và một vài lĩnh vực phát triển nữa, trong
hoàn cảnh không có nghị quyết. Ban chấp hành trung ương khoá X
đã giải tán; nghị quyết X hết hiệu lực xét về nguyên
tắc. Thế nhưng mọi việc vẫn cứ bình thường. Hay vì do
không có nghị quyết mà chỉ số giá tiêu dùng tăng vượt so
với 35 tháng qua; lạm phát tháng 3 đã hơn 17% và một số doanh
nghiệp nhà nước lớn lỗ hàng nghìn tỉ đồng? Cái đó cũng
khó chứng minh so sánh được nếu sắp đến nghị quyết
được tổ chức học tập đến từng cơ quan, thôn xóm. Chỉ
biết và nhớ lại cái vẻ mặt rất đau khổ của nguyên Thủ
tướng Phan Văn Khải khi phát biểu trước Quốc hội cuối năm
2000 đại ý rằng trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, tất
cả cán bộ đều phải lo giải quyết những vấn đề quốc
kế dân sinh, nhưng phải dành thời gian để học tập quán
triệt nghị quyết Đại hội IX. Giá như cứ sống thời không
nghị quyết.

Xích Tử


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8617), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét