Vĩnh Sính - Từ động đất và sóng thần, suy ngẫm về đặc trưng của văn hoá Nhật Bản

<div class="special_quote">Thế giới trong những ngày này cũng đang
sửng sốt khâm phục, ngưỡng mộ thái độ khắc phục tai
biến của người Nhật Bản. Nhằm vượt qua muôn vàn khó khăn
do thảm hoạ địa chấn gây ra, người Nhật tỏ ra luôn luôn
bình tĩnh, trọng kỷ luật trong mọi tình huống, biết tôn
trọng người khác, tuyệt nhiên không có chuyện lược đoạt
cướp bóc, luôn luôn giữ danh dự cá nhân và tập thể (...) Sau
đây chúng ta thử tìm hiểu vì sao nước Nhật lại có thể làm
những chuyện kỳ vĩ như thế.</div>

<h2>Tai nạn động đất khủng khiếp ở Tôhoku và Kantô: Suy
ngẫm về đặc trưng của văn hoá Nhật Bản</h2>

Trận động đất kinh hồn hôm 11 tháng 3, 9 độ Richter, tiếp
đó là tsunami,[i] thường cao ít nhất là 3 mét và có khi lên cao
đến 38 mét, đã tấn công vùng Tôhoku (Đông-Bắc) và Kantô ở
Nhật Bản. Kantô gồm thủ đô Tokyo và vùng xung quanh, tức là 6
tỉnh Ibaraki, Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba, và Kanagawa. Thế là trong
khoảnh khắc Nhật Bản đang phải gánh chịu 3 khổ đau trong
cùng một lần: động đất, tsunami, và hiểm hoạ hạt nhân do
các lò phát điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima — cách Tokyo 250
kilomet về phía Đông Bắc. Hiện nay, vấn đề các lò phát
điện hạt nhân chưa giải quyết xong, một số rau ở vùng
Kantô và một hồ trữ nước ở Chiba do gió, mây, và mưa bị
nhiễm xạ.

Thủ tướng Kan Naoto của Nhật đã tuyên bố: "<em>Nhật đang
phải hứng chịu thảm họa lớn nhất sau Chiến tranh Thế giới
thứ II</em>". Sự thật đây là trận động đất lớn nhất
kể từ ngày Nhật Bản có máy đo địa chấn vào thời Minh
Trị.

<center>* * *</center>

Thế giới trong những ngày này cũng đang sửng sốt khâm phục,
ngưỡng mộ thái độ khắc phục tai biến của người Nhật
Bản. Nhằm vượt qua muôn vàn khó khăn do thảm hoạ địa chấn
gây ra, người Nhật tỏ ra luôn luôn bình tĩnh, trọng kỷ luật
trong mọi tình huống, biết tôn trọng người khác, tuyệt nhiên
không có chuyện lược đoạt cướp bóc, luôn luôn giữ danh dự
cá nhân và tập thể. Chính vì vậy, tờ The Wall Street Journal
trong phần xã luận đã viết: "<em>Sau trận động đất kinh
hoàng 300 năm mới có một lần, người Nhật đã giữ được
bình tĩnh giữa tình trạng loạn lạc, thực hiện nhiệm vụ
cứu nạn khổng lồ và nhận được sự ngưỡng mộ của cả
thế giới</em>".[ii]

Thị trường tài chánh quốc tế chắc hiểu tinh thần người
Nhật trong khổ đau nên đã tăng giá đồng yen. Chúng ta còn
nhớ trong trận động đất Hanshin-Awaji (vùng Kobe) vào năm 1995,
đồng yen không ngờ tăng giá 20 %, hoặc sau Thế chiến thứ II
người Nhật Bản đã làm nên kỳ tích là khắc phục bao gian
khổ và khó khăn để trên căn bản phục hồi đất nước 10
năm sau đó từ đống tro tàn.

Vào hôm 12 tháng 3, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn đại diện cho
lập trường chính thức của Trung Quốc, cho biết: "<em>Một
người Nhật đã liều bỏ mình để cứu 20 công nhân đang
thực tập đến từ Đại Liên, Trung Quốc</em>". Người Nhật
đó là Satô Mitsuru, giám đốc công ty thủy sản Satô Suisan. Khi
động đất xảy ra 11 tháng 3, đoàn công nhân thực tập 20
người đang ở thành phố Onagawa, thuộc tỉnh Aomori ở phía
Đông Bắc đảo Honshu. Vì hoàn toàn không có kinh nghiệm về
động đất, đoàn thực tập kéo nhau đã về cư xá của họ
để lánh nạn. Ông Satô Mitsuru mới dẫn họ lên một đền
Thần đạo trên chỗ cao ráo hơn. Sắp đặt cho những người
này có chỗ tị nạn an toàn xong, ông Satô trở lui về cư xá
để lo chuyện khác. Vừa lúc ấy, tsunami đánh vào vùng đó;
ông Satô đã bị sóng cuốn đi mất. Một công nhân thực tập
khóc tức tưởi, kể lại cho phóng viên Tân Hoa Xã: "<em>Từ
trên đồi chính mắt tôi nhìn xuống thấy rõ sóng nước cuốn
lôi ông đi</em>". Anh kể tiếp với điều kiện giấu tên:
"<em>Nếu không có sự giúp đỡ của người dân trong vùng,
chắc chắn chúng tôi đã bị sóng nước cuốn đi hết
rồi</em>".

Câu chuyện cảm động này được đăng lên ở Tân Kinh Báo
(Bắc Kinh) với đầu đề là "Cảm động". Báo Asahi Shimbun
ở Nhật Bản đã bình luận: "Tình thương quả thật là vô
bờ bến!"[iii]

Sau đây chúng ta thử tìm hiểu vì sao nước Nhật lại có thể
làm những chuyện kỳ vĩ như thế.

<center>* * *</center>

Trước khi làn sóng Tây xâm ồ ạt đánh vào bờ các nước ven
Thái Bình Dương khoảng giữa thế kỷ XIX, Trung Hoa là trung tâm
của Đông Á. Với tư cách là nước ở giữa, thể hiện cho
tinh hoa của một nền văn hoá rực rỡ lâu đời. Trung Hoa xem
các nước nằm trên ngoại vi của mình là "<em>man di mọi
rợ</em>". Vì văn minh Trung Hoa là khuôn thước và mẫu mực
của các nước Đông Á, không mấy khi Trung Hoa bận tâm để ý
đến những nét đặc thù của các nước láng giềng.

Bàn về mối giao lưu văn hoá một chiều, có đi không lại,
của Trung Quốc và Nhật Bả̉n trước thập niên 1960 — tức
là trước khi Nhật Bản bước đầu trở thành một cường
quốc kinh tế — nhà Trung Quốc học nổi tiếng Yoshikawa Kôjirô
đã đưa ra nhận xét: "<em>Trung Quốc và Nhật Bản là hai
nước có vị trí địa lý nằm gần nhau. ...Nhật Bản luôn
luôn ý thức Trung Quốc là người hàng xóm và kính nể nền
văn hoá của Trung Quốc... Ngược lại, năm thì mười hoạ Trung
Quốc mới ý thức rằng Nhật Bản là nước láng giềng. Ngay
sự tồn tại của nước Nhật cũng không được nhắc đến
một cách liên tục trong tư liệu lịch sử của Trung Quốc,
huống hồ là văn hoá Nhật Bản thì Trung Quốc chẳng mảy may
quan tâm đến. Nói một cách khác, đối với người Nhật, trong
quá khứ Trung Quốc luôn luôn là nước láng giềng; còn Trung
Quốc thì không nhất thiết nhìn Nhật Bản như vậy</em>".[iv]
Nói rộng ra, không chỉ riêng gì với văn hoá Nhật Bản, mà
đối với văn hoá của tất cả các nước xung quanh, thái độ
của Trung Quốc nói chung là lúc nào cũng thờ ơ, hờ hững.
Đối với Trung Quốc, văn hoá Trung Hoa — với trọng điểm là
Nho giáo và chữ Hán — là tiêu chuẩn duy nhất để đo lường
trình độ văn minh của các nước lân bang.

Điểm khác biệt quan trọng giữa Nhật Bản và Việt Nam trong
quan hệ đối với Trung Hoa là vị trí địa lý: Nhật Bản nằm
cách rời đại lục Trung Hoa bởi một eo biển khá rộng
(khoảng 700 cây số) và có nhiều sóng lớn. Khoảng từ Kyushu
đến bán đảo Triều Tiên, ở gần Nhật nhất, cũng gần 180
cây số, tức gấp ba lần eo biển Dover giữa Anh và Pháp. Thứ
nữa, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nhật Bản không
trực tiếp và có tầm mức sâu rộng như ở Việt Nam hoặc bán
đảo Triều Tiên — liền sông liền núi với Trung Quốc.

Cũng nhờ sự cách ly địa lý nói trên mà vừa 'đủ gần'
để Nhật có thể tiếp thu văn hoá Trung Hoa trước thời cận
đại, nhưng cũng vừa 'đủ xa' để khỏi bị xâm lấn. Bởi
vậy, mối quan hệ từ những tiếp xúc ban đầu cho đến thế
kỷ XIX chỉ giới hạn trên lãnh vực văn hóa. Khi nhìn lịch
sử tiếp thu văn hóa Trung Hoa của Nhật Bản, ta có cảm tưởng
gần như Nhật Bản có thể điều chỉnh mức độ tiếp thu văn
hóa Trung Hoa tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của mình.

Nói chung thì văn hoá của dân tộc nào cũng có những nét độc
đáo; nhưng trong trường hợp Nhật Bản, nét đặc trưng văn
hoá rõ rệt và đồng nhất có thể kiểm chứng qua lịch sử
hay quan sát qua những sinh hoạt hiện tại. Những nét đặc
trưng đó là:

<ul><li><strong>Nhấn mạnh sự hoà hợp (harmony):</strong> Trong
'Hiến pháp mười bảy điều' (Jûshichijô no kenpô; chữ
'hiến pháp' phải hiểu theo nghĩa xưa, tức là 'điều
lệ') của Thái tử Shôtoku ( 574 sau CN-622), điều trước tiên
là 'hoà'. Thái tử viết: 'Dĩ hoà vi quý' (Lấy sự hoà
thuận làm trọng). Chữ 'hoà' vì đối với người Nhật quá
quan trọng, đã trở thành một tiếng mang cùng nghĩa với Nhật
Bản. Ví dụ, khi người ta nói 'Ei-Wa Jiten' , tức 'Anh-Hoà
Từ điển' thì có nghĩa là 'Anh-Nhật Từ điển', hay theo
tiếng Việt là 'Từ điển Anh Nhật'.

Trong một hãng hay một công ty, văn phòng quan trọng nhất không
phải là tài chánh, kinh doanh hay kế toán, mà chính là Jinji-ka
(Nhân sự - Khoa), tức là 'Phòng Nhân sự', hay Personnel
Department — tức phòng lo việc bổ nhiệm, thuyên chuyển, giữ
hồ sơ, lý lịch của nhân viên đồng thời lo việc liên lạc
hay giao tế. Lý do là vì người Nhật xem 'hoà' là tối
thiết yếu.</li>

<li><strong>Tính hiếu kỳ và nhạy cảm đối với văn hoá nước
ngoài:</strong> [v] Mặc dầu rất nhạy cảm đối với văn hoá
nước ngoài, người Nhật Bản rất ý thức về tài sản văn
hoá của họ — một nền văn hoá đã được trang trọng tích
luỹ và bồi dưỡng qua các triều đại. Người Nhật không
ngừng theo dõi những diễn tiến trên thế giới bên ngoài, cân
nhắc và đánh giá ảnh hưởng của các trào lưu và xu hướng
chính đối với Nhật Bản. Một điều đáng chú ý là khi họ
biết trào lưu nào đang thắng thế thì họ có khuynh hướng
chấp nhận, nghiên cứu, học hỏi, không để mất thời cơ. Ví
dụ, vào hậu bán thế kỷ IX, nhận thấy Tây phương là trung
tâm của khoa học tiên tiến, Nhật Bản vừa gởi sinh viên sang
Âu Mỹ du học, vừa mời các chuyên gia nước ngoài đến Nhật
để giúp họ canh tân. Tinh thần thực dụng, óc hiếu kỳ và
nhạy cảm, và luôn luôn cầu tiến là những động lực thúc
đẩy họ bắt kịp các nước tiên tiến.</li>

<li><strong>Suy nghĩ và làm việc tập thể
(group-orientation):</strong> [vi] Tập thể đóng vai trò quan trọng
trong đời sống người Nhật. Tập thể có thể là công ty,
trường học, hay hội đoàn, v.v. Một biểu tượng rõ ràng
nhất của khuynh hướng này là cách xưng hô watashitachi hoặc
wareware (chúng tôi), thay vì watashi (tôi) khi họ tiếp xúc với
người lạ. Trước khi bắt đầu câu chuyện với người lạ,
người Nhật thường trình danh thiếp để giới thiệu tên họ
của mình và cơ quan mình trực thuộc. Khi giao thiệp với
người Nhật việc trao đổi danh thiếp mang một ý nghĩa quan
trọng, bởi lẽ không trình danh thiếp có thể hiểu là buổi
gặp gỡ không chính thức cho lắm. Vì tập thể mang một ý
nghĩa quan trọng trong đời sống của người Nhật nên một
trong những việc cấm kỵ nhất là làm mất danh dự của tập
thể.

Trong công việc người Nhật thường gác cái 'tôi' lại để
đề cao cái chung, tìm sự hoà mình với những thành viên khác
trong một tập thể. Trong các buổi họp hành, người Nhật
thường ít cãi cọ hay dùng những ngôn từ có thể làm mất
lòng người khác. Các tập thể (công ty, trường học, hội
đoàn kinh tế hay chính trị, v.v.) có thể cạnh tranh với nhau
gay gắt, nhưng tùy theo hoàn cảnh và trường hợp có thể liên
kết với nhau để đạt mục đích chung. Thí dụ điển hình là
hai công ty Nhật Bản có thể cạnh tranh với nhau trong nước
Nhật, nhưng khi ra nước ngoài hai công ty đó có thể bắt tay
nhau để cạnh tranh lại với một công ty thứ ba ngoại
quốc.</li>

<li><strong>Suy nghĩ và làm việc có mục tiêu nhất định
(goal-orientation):</strong> Một đặc điểm trong lịch sử Trung
Quốc (và Việt Nam) là khi triều đại này thay thế triều đại
khác thường có hai quá trình 'phá' và 'lập', tức là
trước khi thiết lập hay xây dựng một chế độ mới, phải
phá huỷ chế độ cũ trước đã. Ở Nhật thì khác. Ví dụ
vào cuối thế kỷ XII, khi giai cấp vũ sĩ (bushi hay samurai) nắm
được quyền bính thì họ cũng không triệt bỏ chế độ thiên
hoàng. Trong gần 700 năm giai cấp vũ sĩ nắm quyền kể từ 1185,
tức là từ lúc giai cấp này bắt đầu xây dựng chính quyền
bakufu (mạc-phủ, tức chính quyền quân sự mà người cầm
đầu là shôgun, tức tướng quân) đầu tiên ở Kamakura, cho
đến lúc Tokugawa bakufu bị lật đổ năm 1868, triều đình thiên
hoàng vẫn không bị phế bỏ. Đồng thời, khi quyền bính
được phục hồi cho chính phủ thiên hoàng, những người trong
dòng họ tướng quân Tokugawa cũng không bị giết chóc, trừng
phạt, hay đày ải; ngược lại được cấp bổng lộc và có
thể đóng góp phần mình trong công cuộc xây dựng thời Minh
Trị.</li>

<li><strong>Tôn trọng thứ bậc (hierarchy):</strong> Ý thức tôn
trọng thứ bậc chắc hẳn đã có từ xưa trong đời sống của
người Nhật Bản. Bằng chứng là sử liệu Trung Quốc sớm
nhất vào cuối thế kỷ thứ III sau CN, dựa trên sự quan sát
của các sứ thần đã đến thăm viếng nước Nhật, cũng có
nói rằng ở đất nước này khi cấp trên đi qua thì dân chúng
quỳ xuống ở hai bên vệ đường.

Ngày nay, ý thức tôn trọng thứ bậc vẫn được biểu hiện
trong đời sống hàng ngày. Ví dụ, trong phòng họp người có
chức vụ thấp nhất sẽ ngồi gần cửa ra vào, người có
chức vụ càng cao càng ngồi gần phía bên trong. Thả hoặc trong
các buổi tiệc tùng, ăn uống đột xuất ở nhà hàng, v.v.
không ai bảo ai, tất cả đều biết chỗ mình có thể ngồi mà
không đi ngược lại trật tự thứ bậc. Trong cách ăn nói cũng
vậy, đối với người có chức vụ cao thì dùng ngôn ngữ kính
trọng (keigo), khi nói về mình hay những người trong gia đình
mình thì dùng ngôn ngữ khiêm tốn (kensongo).</li></ul>

<center>* * *</center>

Ngày 26 tháng 3, trên tivi đài NHK của Nhật, có buổi tốt
nghiệp tại một trường trung học ở tỉnh Miyagi, một vùng
bị địa chấn và tsunami. Một em 15 tuổi đứng lên đọc diễn
từ, em nói: "<em>Chúng tôi không oán Trời (Watashitachi wa Ten o
uramazu). Chúng tôi tự nguyện cùng chung sức với bè bạn để
vượt qua những khó khăn. Đó là cách chúng ta mang lại ý nghĩa
cho những người đã bỏ mình trong trận địa chấn và tsunami
này</em>".

Nghe đến đó tôi giật mình. Em học sinh 15 tuổi mà ăn nói
đàng hoàng và chững chạc quá ! Đã biết giáo dục Nhật Bản
rất tiến, nhưng tôi nào ngờ trong giờ phút khó khăn này em
nói đến những ý tưởng đẹp tuyệt trần: "<em>Chúng tôi
không oán Trời</em>" và "<em>đó là cách chúng ta mang lại ý
nghĩa cho những người đã bỏ mình trong trận địa chấn và
tsunami này</em>". Tự dưng tôi cảm thấy ấm lòng, bất giác
nước mắt trào ra lúc nào tôi chẳng hay.

Nghĩ lại từ đầu, ông Satô Mitsuru đã bị tsunami cuốn đi
mất bởi mãi lo cứu đoàn công nhân thực tập Trung Quốc.
Chắc hẳn tinh thần trách nhiệm và danh dự tập thể đã thúc
giục ông. Thật là cao cả!

<em>Viết xong ngày 30 tháng 3 năm 2011</em>

VĨNH SÍNH
Giáo sư Danh dự (Professor Emeritus),
Phân khoa Lịch sử và Cổ điển học
(Department of History and Classics),
Đại học Alberta, Canada.

NGUỒN: bản đầy đủ do tác giả gửi

[i] Thay vì 'sóng thần' nên gọi là 'tsunami' mới hợp lý
và đúng. Danh từ tsunami từ thập niên 1960 đã được
quốc-tế-hoá (vì Nhật Bản có quá nhiều tsunami nên đã
được quốc-tế-hoá) chứ không còn là một tiếng Nhật đơn
thuần. Vậy mà ta vẫn dùng sóng thần, chuyện lạ đời không
thể tưởng. Nghe phảng phất như kamikaze (Thần phong, tức
'gió thần') khiến chúng ta, một cách vô ý thức, đi thụt
lùi trên đường hội nhập. Tsunami mặc dầu có chữ Hán, nhưng
là từ do người Nhật tự đặt ra. Tự điển Kôjien (Quảng
từ uyển) của Nhật Bản định nghĩa tsunami như sau: "Do địa
chấn, đáy biển bị hổng, cát đất cũng bị lún xuống, thêm
vào đó núi lửa dưới đáy biển phun, sinh ra những làn sóng
cao trên mặt nước. Gần bờ biển sóng dâng cao lên, gây lắm
thiệt hại trong vịnh" (Tokyo: Shinchôsha, 1993, trang 1724). Tiếng
Anh và tiếng Pháp dĩ nhiên đều gọi là tsunami.

[ii] Ngày 23 tháng 3 năm 2011.

[iii] Câu chuyện này được Mochizuki Minoru kể lại trên mạng
NBR Japan Discussion Forum (Diễn đàn NBR Thảo luận về Nhật
Bản), ngày 18 tháng 3 năm 2011.

[iv] Yoshikawa Kôjirô, "Chûgoku no rinjin toshite no Nihon" (Nhật
Bản, người láng giềng của Trung Quốc), trong Zuihitsu shû (Tập
tùy bút) (Tokyo: Chikuma Shobô, 1957), trang 62.

[v] Chúng tôi cám ơn cố học giả Tsurumi Kazuko đã đối đãi
hết lòng đối với chúng tôi từ khi gặp ở Toronto, Cadada, năm
1973, cho đến lần cuối cùng ở Kyoto năm 1998. Tsurumi Kazuko
đặc biệt nhấn mạnh tính hiếu kỳ của người Nhật trong
những trước tác. Tuy nhiên lối giải thích trong bài này là
của chúng tôi. Tsurumi Shunsuke, em ruột của Tsurumi Kazuko, là
một triết gia lỗi lạc. Chúng tôi thành thật mang ơn hai học
giả rất nhiều.

[vi] Trong các phần 'Suy nghĩ và làm việc tập thể', 'Suy
nghĩ và làm việc có mục tiêu nhất định', và 'Tôn trọng
thứ bậc', chúng tôi đã tham khảo những bài thuyết trình
sắc bén và độc đáo của Katô Shûichi ở Đại học Alberta
trong hai tuần lễ vào mùa Thu năm 1983. Chúng tôi đồng thời
cũng tham khảo sách Nihon bunka no kakure kata (Những mô hình ẩn
giấu của văn hóa Nhật Bản) do Takeda Kiyoko biên tập, với sự
cộng tác của Katô Shûichi, Kinoshita Junji và Maruyama Masao (Tokyo:
Iwanami Shoten, 1984).

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8452), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét