Vi Nhân – Tôi là người Việt Nam

Tôi là người Việt Nam!

Tôi là người Việt Nam!

Tôi là người Việt Nam!

Lặp đi lặp lại câu này ba bốn lần trong đầu và tôi cảm
thấy đau lòng. Đau đứt ruột.

Tôi vừa xem xong Thúy Nga Paris by Night 99, chủ đề "Tôi là
người Việt Nam". Rất nhiều người Việt Nam thành đạt trong
mọi lãnh vực, chính trị, khoa học, kinh tế, tôn giáo, v.v…
trên khắp thế giới Mỹ, Úc, Gia Nã Đại, Âu Châu được
tuyên dương trong chương trình này. Những cá nhân đó với
những thành tựu liệt kê xem ra đáng khâm phục. Họ đã
vượt qua bao khó khăn cực nhọc trong tiến trình di cư hội
nhập và sinh sống ở xứ người để có ngày hôm nay. Sức
phấn đấu, trí sáng tạo, lòng tự tin, tính kiên nhẫn, tinh
thần tự lực cánh sinh đã giúp họ đạt những thành quả
vượt bực. Đó là những tấm gương sáng chói về thành công
đường đời trên phương diện cá nhân.

Tôi là người Việt Nam. Nhưng sao lời khoa trương "tự hào
dân tộc" hoặc hãnh diện là người Việt Nam này cũng làm
tôi cảm thấy ngượng ngùng khi ngắm nhìn các thành tích của
các cá nhân đó trong chương trình này. Có lẽ tôi lại thêm
một chút gì xấu hổ thì đúng hơn khi "thấy người sang bắc
quàng làm họ". Vì những thành đạt của họ đâu ăn nhập
gì đến cá nhân tôi! Tôi cũng chưa nhìn thấy những thành công
với kích cỡ này đã mang lại ảnh hưởng tích cực gì cho dân
tộc Việt Nam.

Ngược lại, ở xứ người này "một người làm quan cả họ
được nhờ" thì cũng chẳng phải là một điều gì hay ho cho
lắm. Hoa Kỳ, Úc, Gia Nã Đại, Pháp, Anh, Đức có chắc hãnh
diện vì có những gương công dân di dân gốc Việt sáng chói
đem lại thịnh vượng cho đất nước của họ? Hay lại trở
thành oan khiên của diễn luận và huyền thoại "tấm gương
dân thiểu số" (model minority), và là tấm bia gián tiếp dẫn
đến những vụ giết người vì phân biệt ghen ghét (hate crime)?
Chất xám của những người di dân đến các nước này có
điều kiện để phát huy, và giúp tài năng họ nẩy nở tạo ra
những thành tựu xuất chúng thì cũng là tất nhiên, nhưng dựa
vào đó mà ôm lấy làm tự hào dân tộc Việt Nam ư?

Tôi là người Việt Nam. Rất nhiều lời kêu gọi "Tràng pháo
tay cho mẹ Việt Nam", "Yêu tổ quốc, dân tộc Việt Nam"
trong chương trình này. Quả là những lời kêu gọi tình tự
ngọt ngào đứt ruột! Khúc ruột ngàn dặm này chẳng đã từng
bị cắt vất bao năm, sình chướng ở xứ người. Người Việt
nào chẳng yêu mẹ Việt Nam. Nhưng thôi, đừng bắt mẹ Việt
Nam phải hy sinh mãi mãi. Đừng bắt chị, bắt em bán thân đợ
nợ. Đừng bắt trẻ, bắt già học giáo điều thối rữa.
Chúng đã cắt da xẻ thịt mẹ đem cho kẻ "lạ". Chúng từng
thế chấp mẹ cả trăm năm ở rừng đầu nguồn. Chúng không
ngừng đào bới lưng còng mẹ, rút tủy tài nguyên. Chúng còn
đè lưng cưỡi cổ anh em con, mẹ Việt Nam ạ. Tất cả cho kẻ
"lạ"! Còn anh em thì sống chết mặc bay. Chúng lại hành
hung, khủng bố, giam cầm người con nào muốn bảo vệ mẹ. Mẹ
là mẹ của tất cả các con chứ đâu phải riêng gì của
chúng! Chúng lại bảo các con cần đóng góp nuôi dưỡng mẹ.
Và cũng chính chúng trâng tráo hàng ngày rút máu mẹ bán trước
đã. Các con càng thương mẹ bao nhiêu, thì chúng càng bòn rút
mẹ bấy nhiêu. Chúng giết mẹ rồi. Con sói lang lấy chăn phủ
người, lấy khăn che mặt.Nhưng chúng con dù là cô bé quàng
khăn đỏ ngây thơ cũng biết mẹ là mẹ. Mẹ đâu có mắt lồi
hung dữ, mẹ đâu có răng nanh nhọn hoắt, còn hôi mùi thịt,
còn tanh mùi máu. Chúng bảo "Trung với Đảng!" Không! Một
trăm lần không, một ngàn lần không. Đảng không là tổ quốc!
Đảng chẳng bao giờ là tổ quốc.

Tôi là người Việt Nam.Những câu ca dao, tục ngữ "lá lành
đùm lá rách", "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác
giống nhưng chung một giàn" lan chảy trong huyết quản, nằm
lòng từ thuở cắp sách tới trường qua các bài học đức
dục. Ai mà không yêu tổ quốc, dân tộc. Tuy nhiên, lòng yêu
tổ quốc không thể để bị bán tráo cho một chủ thuyết lai
căn vô nhân bản.

Tình đồng hương, đồng bào, nhân loại hiện nay đang được
khai hoa, rộ trái qua các tổ chức thiện nguyện và bất vụ
lợi. Hoạt động của khá nhiều đoàn thể này tạo một cơ
cấu, một thuật loại tổ chức sinh hoạt tạo thuận lợi cho
các đóng góp giúp đỡ từ mọi người. Họ làm với mục tiêu
chuyên biệt và tập trung trong một lãnh vực. Thật đáng quý,
đáng trọng biết bao. Mục tiêu của các tổ chức thiện
nguyện này nhằm nâng đỡ người nghèo khổ, hoạn nạn, bất
hạnh. Đó là cơ chế giảm, bù trong xã hội với nhiều hố
cách biệt. Giảm đói, giảm nghèo; bù thiệt thòi, thiếu thốn.
Tuy nhiên, các tổ chức thiện nguyện và bất vụ lợi thật ra
chỉ là một cơ chế phụ trong một quốc gia, nhà nước. Vì
sao?

An sinh xã hội trước hết phải phát xuất từ chính sách của
quốc gia và trách nhiệm của nhà cầm quyền đương thời.
Quốc sách "cơm no, áo ấm" cho toàn dân bao giờ cũng phải
thật sự là điều nằm lòng trong tiềm thức và chủ tâm của
người lãnh đạo. Chứ không phải trên đầu môi, chót lưỡi
của cái loa tuyên truyền thuộc một nhà nước "xã hội chủ
nghĩa" nhưng chẳng màng gì đến phúc lợi xã hội. Giáo dục
công cộng đã bị lụn tàn và giờ đây lại đẻ ra vô số
khoản "lệ phí" đòi hỏi từ cha mẹ học sinh. Y tế công
cộng thì trở chiều bệnh hoạn một khi giới "lương y như
từ mẫu" lúc nào cũng hạnh hoẹ "đầu tiên" (tiền đâu?)
trong từng khâu, từng phòng.

Tôi là người Việt Nam. Bản thân tôi cũng đã đóng góp gián
tiếp, trực tiếp ở các tổ chức thiện nguyện địa phương
cũng như các hội xuyên quốc gia về đến Việt Nam. Điều này
không mấy phiền khó. Thật dễ để đóng góp tài chánh cho tổ
chức thiện nguyện, và cũng không lắm nhọc khi bỏ chút công
sức tham gia quyên tiền, hoặc trực tiếp đến tận nơi giúp
đỡ người hoạn nạn. Các tổ chức thiện nguyện luôn tạo
điều kiện dễ dàng cho mọi người đóng góp—gián tiếp
hoặc trực tiếp. Kiểu nào cũng có cả. Ai cũng có thể cảm
thấy tâm hồn mình yên ổn trong nghĩa cử nhỏ đó. Làm việc
phước đạo hạnh thì được phước. Chúa Giê-su đã phán,
Phật đã dạy thế kia mà.

Ở các nước phương Tây và Bắc Mỹ, cơ chế vô vụ lợi này
đã được sản sinh đi song song với dòng tư hữu hóa các hoạt
động công ích cho phúc lợi của người dân. Chính quyền tự
động hết phải lo nhiệm vụ gánh vác phúc lợi xã hội và
để cho cả hai khối "tân bảo thủ" (neo-conservative) và
"tân tự do" (neo-liberal) đảm nhiệm việc xã hội nhưng đi
theo luật thị trường. Chưa kể hết là những tệ nạn cấp
mới của thành phần tự xưng thiện nguyện tốt bụng vô vụ
lợi để che giấu những động cơ hám danh, thủ lợi đằng sau
tấm màn sân khấu vì trò chơi chính trị của tranh giành ngân
quỹ. Tệ nạn này được gọi chung là "hội chứng tập đoàn
kỹ nghệ vô vụ lợi" (the non-profit industrial complex) giống
như tệ nạn "hội chứng tập đoàn kỹ nghệ nhà tù" (the
prison industrial complex) từ thế kỷ trước vẫn đang tiếp
diễn.

Ca dao Việt Nam có câu "dù xây chín bậc phù đồ, không bằng
làm phước cứu cho một người". Công việc thiện nguyện
thật ra có tính chất xoa dịu tạm thời vết thương cấp bách,
giảm bù những thiếu sót của xã hội mà thôi. Y thể như một
nhà phát chẩn ở đâu đó đến cho những người nghèo đói
tạm qua bữa, qua ngày. Xã hội nào mà người đứng xếp hàng
trước nơi phát chẩn càng ngày càng dài và khi nhu cầu phát
chẩn càng ngày càng tăng thì cái phước huệ đóng góp đó
cần phải được suy nghĩ lại. Nhắm mắt làm phước thì dễ,
nhưng mở mắt để nhìn bất công tạo đau khổ khốn cùng thì
khó. Sao không ai chất vấn nguyên do gì số người đó càng
ngày càng tăng trong khi cũng một số không ít người nhà sang
cửa rộng, đô thị cao lớn, xe bóng loáng, tiệc tùng hoành
tráng, áo xiêm lộng lẫy?

Đang còn biết bao những người "rơm" ngủ rừng ngủ bụi
xứ người, những người lao động không tên tuổi chết vùi
trên đất khách, những em thơ làm nô lệ tình dục khi chưa
biết mộng mơ. Cơ chế nhà nước thế nào thì kết quả cho con
dân của xã hội thế đó. Giàu nghèo là chuyện đương nhiên,
nhưng làm gì mà một bên thì giàu nứt vách đổ tường, và
còn lại thì nghèo rớt mồng tơi phải là một câu hỏi lớn.

Những tên trưởng giả mới này là ai? Là con ông cháu cha, là
con cháu các cụ.[1] Họ cũng xếnh xáng để "tên tuổi" nằm
đầu bảng đóng góp thiện nguyện, nhưng trước đó thì họ
đã vơ vét vào riêng, để rồi chỉ thí "cô hồn" chút ít
hầu đánh bóng tín chỉ đạo đức của mình.

Những người nô lệ mới này là ai? Là nông dân mất ruộng,
là công nhân mất việc, là ngư dân mất thuyền. Như trong
chuyện ngụ ngôn về người ở cuối nguồn, chúng ta phải hỏi
xem "Chuyện gì xảy ra ở đầu nguồn? Nguyên do nào mà các
thi thể trôi dạt từ thượng nguồn xuống hạ lưu?" Khi hiểu
và giải quyết được nguyên nhân từ thượng nguồn thì không
còn vấn đề xẩy ra dưới cuối nguồn.

Tôi là người Việt Nam. Một đất nước bị đô hộ ngàn năm
giặc Tàu, làm thuộc địa thực dân Pháp trăm năm, làm công
cụ và lệ thuộc Mỹ, Nga, Tàu nhiều thập niên kéo dài cho
đến hiện tại. Đã có một thời, toàn dân đã đứng lên
trong phong trào giải thực với tinh thần dân tộc để giành
lại độc lập. Nhưng vô số những người yêu nước đó, cha
ông chúng tôi, đã bị bán đứng, bị thủ tiêu, bị kết án,
bị đấu tố, bị kềm kẹp. Họ bị kẻ lừa bịp treo đầu
dê bán thịt chó. Chúng đã treo bảng "Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà" nhưng bán ép chủ nghĩa "cộng sản" độc tài
Stalinist, Maoist vô thần, bất nhân. Nay chúng lại treo bảng
"Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"
nhưng món hàng thực chất là độc tài đảng trị, tư bản bè
phái, đặc quyền, đặc lợi cho thiểu số cầm quyền và
những kẻ quỳ lụy ăn theo.

Tôi là người Việt Nam. Chúng tôi được mang kèm thêm tên
"tị nạn cộng sản". Bây giờ chúng tôi lại "được"
dán mác "khúc ruột ngàn dặm", "kiều bào", "Việt kiều
yêu nước". Họ bảo chúng tôi thiếu thông tin, thiếu hiểu
biết. Họ bảo chúng tôi đừng mặc cảm nữa. Tại sao mặc
cảm? Mặc cảm gì? Mặc cảm phe chiến bại ư? Mặc cảm bọn
"phản quốc" bỏ nước ra đi ư? Làm gì có! Chúng tôi chẳng
có mặc cảm, và luôn tự hào đã dám bỏ tất cả, chấp nhận
tù đày và hiểm nguy trên biển cả sống vất vưởng để đi
tìm tự do. Một tự do mà chính quyền nhà nước cộng sản đã
tước đoạt, không cho phép. Tự do ngôn luận, tự do hội họp,
tự do tín ngưỡng, tự do đảng phái, tự do báo chí, tự do
công đoàn. Chúng tôi không chấp nhận thứ tự do trong cũi, tự
do đi lề bên phải, tự do làm con vẹt theo "chỉ đạo" của
Đảng Cộng sản trong một nhà tù lớn.

Họ ve vãn bảo muốn hoà hợp, hoà giải với chúng tôi. Dân
tộc, đồng bào, anh em của chúng tôi thì chẳng có gì để sinh
ra phải hoà giải với nhau vì chúng tôi tự nhiên thương yêu
nhau. Riêng với Đảng CSVN, chúng tôi cũng có thể sẵn lòng
gạt bỏ mọi chuyện trong quá khứ để tiến tới tương lai.
Nhưng chúng tôi không thể quên dĩ vãng này.Vì chúng tôi cần
phải nhớ, phải mở mắt để thấy và kiểm định những
việc đang xảy ra trong hiện tại và diễn tiến vào tương lai.
Khi Đảng CSVN còn độc tôn lãnh đạo, cố bám chặt đặc
lợi, đem đặc quyền cho bè nhóm thì những lời kêu gọi hoà
hợp, hoà giải thật ra chỉ là một trò bịp. Tôi không thể
nhắm mắt tự hào mình là người Việt Nam như thể trò bịp
ấy không hề xẩy ra.

Tôi là người Việt Nam. Tôi sẽ hãnh diện là người Việt Nam
với tự hào dân tộc khi đất nước dân tộc tôi thay đổi và
phát triển theo chiều cấp tiến xã hội – mọi người được
cơm no áo ấm, các trẻ em có tuổi thơ mơ mộng trong hệ thống
giáo dục phổ thông miễn phí, những nông dân có ruộng để
cày cấy, những công nhân được công đoàn lao động và luật
pháp bảo vệ, các văn nghệ sĩ được tự do sáng tác và xuất
bản, người khuyết tật, già nua được an sinh xã hội và y
tế công cộng chăm lo, và trên hết mọi công dân được tự do
bình đẳng dưới một nhà nước dân chủ pháp trị trong tinh
thần dân tộc, nhân bản.

© 2010 Vi Nhân

© 2010 talawas


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Vietnam's New Money (BILL HAYTON | JANUARY 21, 2010, Foreign Policy


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8670), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét