Về vấn đề khai thác đất hiếm ở Việt Nam

<div class="special_quote"><em>TS Nguyễn Thanh Giang gửi cho Chủ tịch
bài viết này. Đất hiếm là một lĩnh vực chuyên môn hẹp,
nhưng nghiên cứu về nó cũng khám phá thêm nhiều điều. Chủ
tịch Post lên đây, bà con nào quan tâm đọc cho zui!</em>

<em>Phan Thế Hải</em></div>

Trung Quốc, nước cung ứng đến 97% đất hiếm trên thế giới,
đã giảm bớt xuất khẩu loại khoáng sản này, nhiều quốc
gia, đặc biệt là Nhật Bản, buộc phải tìm những nguồn cung
cấp khác và đây là cơ hội để Việt Nam khai thác tài nguyên
này. Nhưng khai thác đất hiếm cũng chứa đựng rất nhiều nguy
cơ về môi trường, như bài học của Trung Quốc.

Đất hiếm chứa 17 nguyên tố hiếm có hàm lượng thấp trong
vỏ Trái Đất. Đất hiếm được sử dụng trong việc chế
tạo rất nhiều sản phẩm như micro, loa, tai nghe, các thiết bị
âm nhạc, ổ cứng máy tính, trong cáp quang viễn thông, công
nghệ màn hình LED, công nghệ in tiền, công nghệ bán dẫn, siêu
dẫn, v.v..

Trả lời phỏng vấn RFI từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Thanh
Giang, một nhà khoa học đã từng làm việc trong ngành điạ
chất ở Việt Nam trong 34 năm trước khi nghỉ hưu, và đã từng
là người phát hiện khả năng chứa uran ở vùng than Nông Sơn,
cho biết thêm về đất hiếm:

<em>"Các nguyên tố đất hiếm và các kim loại đất hiếm là
tập hợp của 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn
Mendelev, có tên gọi là scandi, yttri và mười bốn trong mười
lăm của nhóm Lantan. Trong đó, yttri xuất phát từ tên làng
Yterby, Thụy Điển, nơi quặng này được phát hiện đầu tiên;
còn scandi là từ bán đảo Scandinavia.</em>

<em>Do các tính năng vật lý và hóa học đặc biệt, suốt bốn
thập kỷ qua, các nguyên liệu đất hiếm đã trở thành đối
tượng nghiên cứu, phát minh tạo ra rất nhiều ứng dụng kỹ
thuật từ macro đến micro và nano cho nhiều ngành công nghiệp
khác nhau: xúc tác hóa học trong ngành lọc dầu, kiểm tra ô
nhiễm trong ngành xe hơi, gốm lót cho các động cơ phản lực,
nam châm vĩnh cửu cho các ứng dụng từ tính… Có nhóm cho kỹ
nghệ huỳnh quang, đặc biệt là cho các màn hình tinh thể
lỏng. Có nhóm cho kỹ thuật nam châm vĩnh cửu trong các thiết
bị điện, điện tử, phương tiện nghe nhìn, các máy vi tính
và các loại đĩa multi-gigabyte hiện nay. Có nhóm để sản xuất
moment từ cực mạnh sử dụng trong kỹ thuật làm lạnh từ
tính. Trong tương lai, nó sẽ còn cần cho sản xuất các thùng
chứa và ống dẫn hydrogen nhiên liệu khi thế giới cạn kiệt
dầu mỏ."</em>

Năm 1992, Đặng Tiểu Bình đã từng tuyên bố rằng: "Trung
Đông có dầu hỏa, thì Trung Quốc có đất hiếm". Sở dĩ
Trung Quốc hiện nay trở thành nguồn cung ứng đến 97% đất
hiếm cho thế giới, đó là vì nhiều nước khác thấy rằng
khai thác khoáng sản này tốn kém, mà lại gây nhiều tác hại
cho môi trường, theo lời ông Nguyễn Thanh Giang:

<em>"Thực ra việc khai thác công nghiệp các quặng đất hiếm
không khởi nguyên từ Trung Quốc. Từ những năm 1950, người ta
đã khai thác monazit sa khoáng trên các bãi biển; nhưng khoáng
vật phosphat đất hiếm này chứa nhiều thorium có tính phóng
xạ, nên từ năm 1965 chuyển sang khai thác carbonat đất hiếm
bastnasit tại các mạch đá vùng núi Pass, bang Colorado, Mỹ.</em>

<em>Về sau, phần do các phí tổn khai thác đất hiếm quá cao,
phần e ngại các tác hại đối với môi trường, các nước
phương Tây, mà cụ thể là Mỹ, đã đình chỉ sản xuất đất
hiếm để dựa vào nguồn cung ứng dồi dào và giá rẻ đến
từ Trung Quốc. Sự ỷ lại đó đã tạo điều kiện cho Trung
Quốc mặc nhiên độc quyền trong lĩnh vực đất hiếm. Cho
đến năm 2009, họ đã nắm tới 97% lượng đất hiếm xuất
khẩu trên toàn thế giới.</em>

<em>Tuy nhiên, thực ra trữ lượng đất hiếm Trung Quốc chỉ
chiếm 1/3 trữ lượng của thế giới. Nhiều mỏ đất hiếm
lớn đang được triển khai ở Úc, Canada và ở Mỹ. Nhiều nơi
khác cũng có các mỏ có trữ lượng lớn như ở Nga, Ấn Độ,
Brazil hay Mông Cổ. Ngày 3/1 vừa rồi, tạp chí trực tuyến Money
Morning của Mỹ đưa tin một công ty khai khoáng của nước này
đã phát hiện mỏ kim loại đất hiếm được cho là lớn nhất
thế giới.</em>

<em>Cho nên Junji Nomura, người chịu trách nhiệm nghiên cứu và
phát triển của hãng Panasonic nói. "Đất hiếm sẽ là một vấn
đề lớn trong hai năm, nhưng trong bốn năm, vấn đề ấy sẽ
qua đi."</em>

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia được đánh giá là
có trữ lượng đất hiếm cao. Cho nên, một số nước như
Nhật Bản đang quay sang Việt Nam để tìm nguồn cung ứng bổ
sung.

Nhân chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái của
thủ tướng Naoto Kan, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông
báo Việt Nam chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác lâu dài
trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến đất hiếm tại
Việt Nam.

Theo tin AFP, hai công ty của Nhật là Toyota Tsusho và Sojitz đang
hợp tác với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)
để chuẩn bị khai thác các mỏ đất hiếm tại đây. Dự án
sẽ bắt đầu ngay sau khi các nhà lãnh đạo hai bên thỏa thuận
xong các điều khoản liên quan. Một công ty khác là Sumitomo cũng
đang thực hiện một cuộc khảo sát tại một mỏ đất hiếm
ở tỉnh Yên Bái, Việt Nam. Công ty này hy vọng Nhật Bản sẽ
được nhận những lô đất hiếm đầu tiên vào năm 2013.

Các dự án của Sumitomo và Toyota Tsusho-Sojitz dự kiến khai thác
ít nhất 7.000 tấn đất hiếm mỗi năm, tương đương với 20%
nhu cầu của Nhật Bản. Vốn đầu tư ban đầu dành cho hai dự
án này vào khoảng 200 triệu đôla.

Còn theo tờ nhật báo The Australian, số ra ngày 4/1 vừa qua, Hàn
Quốc cũng sẽ lao vào tìm kiếm đất hiếm ở bốn quốc gia
gồm Việt Nam, Úc, Kyrgyzstan và Nam Phi trong năm nay.

Thật ra, hiện người ta vẫn chưa biết được đích xác trữ
lượng đất hiếm của Việt Nam là bao nhiêu. Về điểm này,
ông Nguyễn Thanh Giang cho biết:

<em>"Ở Việt Nam, những công trình khảo sát sơ bộ và tìm
kiếm khóang sản cho biết trữ lượng đất hiếm dự đoán
khoảng 10 triệu tấn, gồm đầy đủ các nhóm trong 17 nguyên
tố. Trữ lượng xác định qua thăm dò thì mới được khoảng
một triệu tấn. Mỏ Đông Pao tới nay được xem là lớn nhất
với trên 30 thân quặng lớn nhỏ, nằm trên địa phận xã Bản
Hon, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu."</em>

Mặt khác, một vấn đề khác được đặt ra, đó là khai thác
đất hiếm sẽ mang lại những mối lợi gì cho kinh tế Việt
Nam? Theo ông Nguyễn Thanh Giang:

<em>"Giá bán các kim loại đất hiếm khá cao và ngày càng
tăng. Năm 2003, giá mỗi kg kim loại lanthanium là 25 USD và cerium
là 30 USD. Đất hiếm được chế biến sâu thành sản phẩm
hàng hoá có giá thương mại rất cao. Năm 2008 Europium tinh khiết
99,99% giá khoảng 221.000 USD/kg, Terbium 145.000 USD/kg...</em>

<em>Thập niên 70 thế kỷ trước, Tiệp Khắc, Ba Lan đã từng
khai thác đất hiếm ở Việt Nam. Sau cơn chấn động đất
hiếm do Trung Quốc gây ra, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đàm phán
để xúc tiến kế hoạch thăm dò, khai thác đất hiếm ở Việt
Nam với chính phủ ta. Nhu cầu đất hiếm của Nhật khoảng 7
đến 10 nghìn tấn/năm.</em>

<em>Việt Nam có cả hai dạng mỏ đất hiếm gồm các mạch đá
kiểu Mountain Pass trong nền đá cổ ở Sơn La, Lai Châu, Yên Bái
và trong các dải cát đen ven biển miền Trung.</em>

<em>Việc khai thác đất hiếm ở Việt Nam không gây vấn đề
gay cấn như đối với khai thác bauxite, nhất là đối với
việc khai thác các mạch quặng trong nền đá cổ vì diện tích
các mỏ khai thác sẽ không rộng lớn như đối với bauxite. Vả
chăng, vấn đề gay cấn cơ bản đối với khai thác bauxite lại
nằm ở chỗ: Sao lại đưa Trung Quốc vào Tây Nguyên!</em>

<em>Không nên kỳ vọng nhiều vào việc đóng góp của đất
hiếm vào nền kinh tế Việt Nam, nhưng đấy cũng không phải là
nguồn lợi quá nhỏ. Vả chăng ý nghĩa của nó còn nằm ở
một vài lĩnh vực khác nữa."</em>

Hiện giờ Việt Nam vẫn còn thiếu công nghệ chế biến hiện
đại, mà cũng chưa có đủ vốn đề đầu tư một cách quy mô,
cho nên chỉ có thể hợp tác khai thác với các nước có công
nghệ tiên tiến, để dần dần tiếp thu công nghệ cần thiết
cho việc phát triển ngành công nghiệp đất hiếm.

Khai thác, chế biến đất hiếm có nguy cơ gây ô nhiễm lớn
hơn nhiều so với các loại khoáng sản khác như than đá, dầu
mỏ vì chế biến đất hiếm phải dùng nhiều hóa chất ảnh
hưởng đến môi trường. Ngoài ra, trong quặng đất hiếm có
khoáng chất mang tính phóng xạ với cường độ cao hơn các
loại khoáng sản khác. Tức là khai thác, chế biến đất hiếm
chứa đựng hai nguy cơ ô nhiễm: ô nhiễm của hóa chất và ô
nhiễm phóng xạ từ đất hiếm. Như vậy, vấn đề đặt ra là
phải bảo vệ sức khỏe của công nhân khai thác, sức khoẻ
của người dân trong khu vực mỏ và hoàn nguyên môi trường sau
khai thác.

Ngay cả Trung Quốc nay cũng chuẩn bị ban hành những quy định
mới để chống nạn ô nhiễm môi trường do khai thác đất
hiếm. Theo tờ China Daily, số ra vào đầu tháng Giêng, các công
ty khai thác đất hiếm của Trung Quốc sẽ được lệnh là trong
thời hạn từ 2 đến 3 năm phải tuân thủ các chuẩn mực mới
về ô nhiễm môi trường. Cụ thể theo những quy định sẽ
được ban hành sau ngày Tết Nguyên Đán 3/2, nước thải được
sử dụng trong khai thác đất hiếm không được chứa quá 15 mg
azote ammoniacal/lít so với 25 mg như hiện nay. Các chất phóng xạ
và phosphore cũng không được vượt quá những mức quy định.

Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm thật ra cũng
chính là nhằm tập trung các nhà sản xuất lại, để kiểm
soát tốt hơn các chất thải gây ô nhiễm, như vậy, những nhà
sản xuất nhỏ gây nhiễm nhất sẽ phải đóng cửa. Hàng trăm
nhà máy nhỏ sản xuất đất hiếm ở thành phố Baotou, vùng
Nội Mông, Trung Quốc, cho tới nay vẫn đổ các chất thải này
xuống Hoàng Hà một cách vô tội vạ, bởi vì chưa có những
quy định chặt chẽ về việc này.

Một báo cáo vào năm 2005 đã báo động là việc khai thác đất
hiếm ở Baotou đã khiến con sông này bị ô nhiễm phóng xạ.
Báo cáo viết : "Tại Baotou, nơi mà gần 150 triệu người
sống phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước của Hoàng Hà, toàn
bộ cá đều chết. Nhiều người độ tuổi 30 làm việc gần
các mỏ đất hiếm đã chết vì ung thư, rất có thể là do
nhiễm phóng xạ".

Những gì đã xảy ra qua vụ Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải
đã cho chúng ta thấy là ở Việt Nam, nguy cơ ô nhiễm thường
không được ngăn chận trưóc, đợi đến khi xảy ra rồi mới
xử lý, thì lúc đó tác hại đã lan rộng rồi. Đất hiếm mở
ra những triển vọng mới cho kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đặt
ra những yêu cầu về bảo vệ môi trường và sức khoẻ
người dân. Dung hòa hai điều này là một thách đố lớn đối
với chính phủ Việt Nam.

Đài RFI - 24 Tháng Giêng 2011

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7766), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét