Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền - Việt Nam: Người Thượng bị đàn áp nghiêm trọng

<em><strong>Ép buộc từ bỏ tôn giáo, sách nhiễu, bạo hành và
bắt giữ</strong></em>

(New York, ngày 30 tháng Ba năm 2011) – Chính quyền Việt Nam đã
gia tăng đàn áp giáo dân người dân tộc thiểu số bản địa
vùng Tây Nguyên, những người lên tiếng đòi quyền tự do tôn
giáo và quyền sở hữu đất đai, theo một báo cáo của Tổ
chức Theo dõi Nhân quyền mới công bố ngày hôm nay.

Bản báo cáo dài 45 trang, "<a
href="http://www.hrw.org/node/97652">Người Thượng Cơ đốc giáo ở
Việt Nam: Hồ sơ nghiên cứu một trường hợp đàn áp tôn
giáo,</a>" nêu chi tiết những vụ việc đàn áp mới nhất
của chính quyền đối với những người dân tộc bản địa
Tây Nguyên, được gọi chung là người Thượng. Báo cáo ghi
nhận những vụ công an truy bắt giữ những người Thượng
đang còn trốn tránh. Hồ sơ này cũng liệt kê chi tiết cách
thức chính quyền giải tán những buổi người dân tụ họp
làm lễ ở nhà thờ tại gia, dàn dựng và ép buộc người dân
tham gia lễ từ bỏ tín ngưỡng, và phong tỏa biên giới để
ngăn chặn những người dân tị nạn chạy trốn sang Campuchia.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận lực lượng an ninh chuyên
trách (PA43) triển khai các chuyên án, phối hợp với công an
tỉnh để bắt giữ và thẩm vấn những người họ nhận diện
là các nhà hoạt động chính trị hay có vai trò lãnh đạo các
nhà thờ tại gia không đăng ký. Hơn 70 người Thượng đã bị
bắt và tạm giữ, tính riêng trong năm 2010, và hơn 250 người
được ghi nhận đã bị giam giữ với các tội danh an ninh quốc
gia.

"<em>Ở Việt Nam, người Thượng phải đối mặt với sự
đàn áp nghiêm trọng, nhất là những người đi lễ tại các
nhà thờ tại gia độc lập, vì chính quyền không dung thứ cho
những hoạt động tôn giáo ngoài tầm kiểm soát của
mình,</em>" ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á
của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. "<em>Chính quyền
Việt Nam đã và đang gia tăng sức ép lên các nhóm tôn giáo
của người Thượng với cáo buộc rằng họ dùng tôn giáo để
kích động gây rối.</em>"

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận những trường hợp lạm
quyền ở Tây Nguyên, nơi các tổ chức nhân quyền độc lập
quốc tế không tiếp cận được, qua những cuộc phỏng vấn
người Thượng đã trốn khỏi Việt Nam và tin bài trên báo chí
do nhà nước kiểm soát ở Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền,
một người Thượng tả lại mình bị đối xử như thế nào
trong T-20, trại giam tỉnh Gia Lai, sau khi bị bắt vì tham gia
biểu tình kêu gọi quyền tự do tôn giáo và sở hữu đất
đai:

<div class="special_quote"><em>Họ thẩm vấn tôi bất kể giờ
giấc, ngay cả giữa đêm khuya. Công an uống rượu say, đánh
thức tôi dậy, hỏi cung và đánh tôi. Khi đưa ra ngoài thẩm
vấn, họ còng tay tôi. Còng tay như trói, xiết rất chặt. Mỗi
lần thẩm vấn họ đều tra điện. Họ dí điện vào đầu
gối, nói là mày dùng chân để đi biểu tình.</em></div>

Bị kết án tù năm năm vì "phá hoại đoàn kết dân tộc,"
hiện ông bị mất một phần thính lực vì bị đập vào hai tai
liên tiếp nhiều lần:

<div class="special_quote"><em>Họ đứng đối diên với tôi và hô
"Một, hai, ba!" rồi dùng cả hai tay đánh vỗ vào hai tai tôi
cùng một lúc. Họ làm như thế ba lần liên tiếp, lần cuối
cùng ép rất mạnh vào cả hai tai. Máu tai máu mũi tôi trào ra.
Tôi gần như bị phát điên, rất đau đớn và hoảng loạn,
căng thẳng vì kiểu đánh tăng dần cường độ như
vậy.</em></div>

Chính quyền gọi những người Thượng tham gia các nhà thờ
tại gia không đăng ký, nằm ngoài sự kiểm soát của Hội
thánh Tin lành Việt Nam – miền Nam chính thức, là "Tin lành
Dega," vốn bị chính quyền coi là vỏ bọc của một phong trào
người Thượng đòi độc lập chứ không phải một nhóm tôn
giáo hợp thức. Luật pháp Việt Nam đòi hỏi tất cả các nhóm
tôn giáo phải đăng ký với chính quyền và hoạt động dưới
các tổ chức tôn giáo được chính quyền chấp thuận.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay
lập tức chấm dứt việc đàn áp người Thượng một cách có
hệ thống, cho phép các hội nhóm tôn giáo độc lập được
tự do tiến hành các hoạt động tôn giáo, và thả hết những
người Thượng bị giam giữ vì các hoạt động tôn giáo hoặc
chính trị ôn hòa. Vì Việt Nam đã vi phạm tự do tôn giáo, Tổ
chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa quốc
gia này trở lại danh sách Các Quốc gia Cần Quan tâm đặc biệt
(CPC) cho đến khi Việt Nam cải thiện thành tích của mình về
tự do tôn giáo.

Qua nguồn tin trên báo chí chính thức của Việt Nam, Tổ chức
Theo dõi Nhân quyền ghi nhận thủ tục ép buộc từ bỏ tín
ngưỡng gây tranh cãi. Cán bộ chính quyền ép hàng trăm người
Thượng Công giáo và Tin Lành tuyên bố bỏ đạo tại các buổi
kiểm điểm trước dân, vi phạm các quyền tôn giáo và lương
tri được quốc tế bảo vệ. Những người không nghe theo và
đòi quyền tín ngưỡng độc lập phải đối mặt với nguy cơ
bị đánh đập, bắt giữ và xử tù. Tòa án các tỉnh thường
tổ chức các "phiên tòa lưu động" xét xử những người
bị truy tố với các tội danh an ninh quốc gia trước hàng trăm
người, nhấn mạnh thông điệp răn đe đừng theo các hội nhóm
tôn giáo không được công nhận.

"<em>Tự do tôn giáo không có nghĩa là tự do theo các tôn giáo
được nhà nước phê duyệt mà thôi,</em>" ông Robertson nói.
"<em>Việt Nam cần ngay lập tức công nhận các hội nhóm tôn
giáo độc lập và để cho họ thực hành tín ngưỡng của
mình.</em>"

Trong khi người Thượng Tin Lành đã bị đàn áp từ nhiều năm
nay, người Thượng theo Thiên Chúa giáo gần đây mới trở
thành một mục tiêu, nhất là dòng Công giáo "Hà Mòn", khởi
phát từ Kon Tum vào năm 1999. Trong năm 2010, quan chức chính
quyền cáo buộc những người Thượng lưu vong ở Hoa Kỳ đang
lợi dụng dòng đạo nhiều tín đồ này để phá hoại khối
đoàn kết dân tộc. Trong vài tháng gần đây, các buổi lễ
cưỡng ép tín đồ Hà Mòn bỏ đạo và kiểm điểm trước dân
được tổ chức ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. Tại
những buổi lễ này, tín đồ bị buộc thú nhận lỗi lầm và
ký cam kết từ bỏ cái gọi là "tà đạo."

"<em>Những người dân Tây Nguyên có nhu cầu thờ phượng tại
các nhà thờ tại gia độc lập đối mặt với nguy cơ bị hạ
nhục trước đông người, bị bạo hành, bắt giữ, thậm chí
bị xử tù,</em>" ông Robertson nói.

Hơn 250 người Thượng hiện đang thụ án trong tù hay tạm giam
chờ xét xử bị truy tố với các tội danh về an ninh quốc gia,
như "<em>phá hoại đoàn kết dân tộc.</em>" Rất nhiều cựu
tù nhân chính trị người Thượng và những người từng bị
tạm giam cho biết họ bị đánh đập hoặc tra tấn tàn nhẫn
tại đồn công an hay trại tạm giam trước khi xét xử. Kể từ
năm 2001, ít nhất 25 người Thượng đã chết ở trong tù, trại
giam hay trụ sở công an sau khi bị đánh hoặc mắc bệnh khi
đang giam giữ, hoặc ngay sau khi nhà tù trả về gia đình trước
thời hạn hoặc đưa đến bệnh viện.

Ví dụ về việc ép buộc từ bỏ tín ngưỡng và sách nhiễu
các nhà hoạt động ôn hòa tại các buổi kiểm điểm trước
dân ở Tây Nguyên trong vài tháng gần đây, do báo chí nhà
nước Việt Nam đăng tải gồm có:

<ul><li>Trong tháng Mười một, năm 2010, Gia Lai, báo của Đảng
Cộng sản Việt Nam tỉnh Gia Lai, đưa tin về những hoạt động
đang tiếp diễn để "Đấu tranh loại trừ Tin lành Dega" ở
các huyện Ia Grai và Đức Cơ trong tỉnh Gia Lai, nơi bộ đội
biên phòng tham gia triệt phá những "nhóm phản động" Tin
Lành Dega ở vùng biên giới và đưa họ ra kiểm điểm trước
dân.</li>
<li>Tháng Mười năm 2010, báo Gia Lai đưa tin 567 hộ dân ở
huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai có dính líu tới Tin Lành Dega đã
"từ bỏ" đạo, với việc ông trưởng bản hàng ngày tới
vận động để 15 hộ dân trong làng cuối cùng cam kết bỏ
đạo.</li>
<li>Trong tháng Chín năm 2010, báo Công An Nhân Dân đưa tin công an
phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều lễ
kiểm điểm trước dân ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Trong
một buổi lễ vào ngày 29 tháng Chín, 50 người từ bốn buôn
làng trong huyện Đức Cơ, Gia Lai bị gọi lên đứng trước
tập thể dân trong xã để công khai tự kiểm điểm vì đã
"gây rối an ninh trật tự" trong một vụ náo loạn tại nông
trường cao su vào ngày 25 tháng Tám năm 2010. Sau khi thú nhận
lỗi lầm, bài báo cho biết, họ cam kết từ bỏ Tin Lành Dega
và các nhóm "phản động" khác. </li>
<li>Ngày 12 tháng Bảy năm 2010, báo Gia Lai đưa tin 97 hộ dân,
gồm 297 người, trong hai làng Tok và làng Roh ở huyện Chư Sê,
tỉnh Gia Lai, "tự nguyện" từ bỏ đạo Tin Lành Dega.</li>
<li>Ngày 6 tháng Sáu năm 2010, trong chương trình của buổi lễ
chính thức phát động "phong trào quần chúng bảo vệ an ninh
tổ quốc" ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, hai người
đàn ông bị đưa ra trước cử tọa để thú nhận đã ủng
hộ Tin Lành Dega và các nhóm "phản động" khác, theo Đắk
Nông, báo của Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đắk Nông.
</li></ul>

Kể từ năm 2001, hàng ngàn người Thượng ở Việt Nam đã
chạy sang Campuchia để tránh sự đàn áp khốc liệt của chính
quyền. Tại đó, hầu hết đã được công nhận là người tị
nạn và đi định cư ở Hoa Kỳ, Thụy Điển, Phần Lan và
Canada.

Vào tháng Mười Hai năm 2010, chính quyền Campuchia yêu cầu Cao
ủy Tị nạn Liên hiệp Quốc (UNHCR) đóng cửa trung tâm tị
nạn dành cho người Thượng ở Phnom Penh. Sau khi trung tâm này
bị đóng cửa vào ngày 15 tháng Hai năm 2011, những người
Thượng muốn trốn tránh đàn áp ở Việt Nam càng có ít lựa
chọn hơn.

"<em>Những người Thượng sẽ còn tiếp tục trốn chạy khỏi
Việt Nam chừng nào chính quyền còn vi phạm các quyền cơ bản
của họ một cách có hệ thống,</em>" ông Robertson phát biểu.
"<em>Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt việc đàn áp này
ngay lập tức.</em>"

__________________


Xem báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, "Người
Thượng Cơ đốc giáo ở Việt Nam - Hồ sơ Nghiên cứu một
Trường hợp Đàn áp Tôn giáo," tại:

http://www.hrw.org/node/97652

Để biết thêm báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về
người Thượng, xem:

- Thông cáo báo chí tháng Hai 2011, Cam-pu-chia, Cần bảo đảm
Quyền tị nạn của người Thượng:
http://www.hrw.org/en/news/2011/02/14/cam-pu-chia-c-n-b-o-m-quy-n-t-n-n-c-ng-i-th-ng

- Báo cáo tháng Sáu 2006, "Không nơi ẩn lánh: Những đe dọa
tiếp diễn với người Thượng bản địa ở Tây Nguyên, Việt
Nam": http://www.hrw.org/en/reports/2006/06/13/no-sanctuary-0; và
http://www.hrw.org/en/news/2006/06/13/vi-t-nam-ng-i-t-y-nguy-n-b-ng-c-i-v-t-n-gi-o-v-ch-nh-tr

- Báo cáo tháng Tư 2002, "Người Thượng bị đàn áp: Mâu
thuẫn về đất đai và tôn giáo ở Tây Nguyên":
http://www.hrw.org/en/reports/2002/04/23/repression-montagnards

Để biết thêm báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về
Việt Nam, xem:

http://www.hrw.org/en/asia/vietnam; và
http://www.hrw.org/en/languages?filter0=vi

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên lạc với:

Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di
động)

Ở Washington D.C., Sophie Richardson (tiếng Anh, tiếng Hoa phổ
thông): +1-202-612-4341; hoặc +1-917-721-7473 (di động)

Ở London, Brad Adams (tiếng Anh): +44-20-7713-2767; hoặc
+44-7908-728-333 (di động)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8342), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét