Điển là một dân tộc nhỏ (hiện chỉ có khoảng 9 triệu dân)
và ở một nơi rất lạnh (miền nam Thụy Điển có nhiệt độ
thấp nhất trong mùa hè vào khoảng 12°C-15°C). Nhưng chỉ hai
sự kiện liên quan tới Việt Nam cũng đủ cho thấy Thụy Điển
là một dân tộc nhỏ mà không bé, đất nước rất lạnh mà
tình người ấm nồng. Năm 1969, Thụy Điển đã một mình đi
ngược lại chính sách phong tỏa, cấm vận của cả khối tư
bản để thiết lập quan hệ và trợ giúp cho Việt nam Dân chủ
Cộng hòa – một quốc gia tận tụy trong khối cộng sản.
Nhưng khác với những người "anh lớn", Liên-xô, Trung quốc,
của Việt nam Dân chủ Cộng hòa, Thụy Điển chỉ giúp những
phương tiện hòa bình (bệnh viện dân sự, nhà máy giấy,...)
và vẫn luôn bên cạnh nhân dân Việt nam ngay cả trong những
đêm đối đầu khốc liệt giữa các dàn tên lửa SAM-II của
Liên xô và máy bay B52 của Mỹ. Thế mà nay, trong hoàn cảnh
thời bình, Thụy Điển lại quyết định đóng cửa Đại sứ
quán sau hơn 40 năm hiện diện liên tục tại Hà nội. Lý do nào
đã khiến Thụy Điển có quyết định này? Liệu đó có phải
chỉ là "chuyện nội bộ" của Thụy Điển như câu trả
lời ráo hoảnh của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt nam? Đó
chắc vẫn là câu hỏi còn ngậm ngùi trong lòng nhiều người
dân Việt nam. Hy vọng, bài phát biểu mới đây (07/03/2011) của
bà Bộ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thụy
Điển tại Trường Kinh tế London, sẽ đem lại cho người Việt
chúng ta hiểu thêm về quyết định đóng cửa Đại sứ quán
Thụy Điển tại Hà nội. Xin trân trọng giới thiệu tới quí
vị:</div>
Thưa Giáo sư Mkandawire, thưa các quí bà, quí ông và các bạn,
Tôi cảm thấy vinh hạnh khi được chia sẻ những suy nghĩ của
mình về các vấn đề hợp tác phát triển, nhân quyền và dân
chủ trước một cử tọa hết sức uyên bác ngay tại Trường
Kinh Tế London nổi tiếng về sự xuất sắc trong học thuật và
khắt khe trong nghiên cứu.
Dĩ nhiên, chúng ta sẽ không thể nào nói về mối quan hệ giữa
phát triển, dân chủ và nhân quyền mà lại không nhắc tới
các sự kiện đang gây ra những thảo luận tại Brúc-xen –
nước láng giềng phương Nam của chúng tôi.
Với cương vị là Bộ trưởng về các vấn đề Hợp tác Phát
triển Quốc tế, tôi đã được gặp nhiều nhân vật mà sự
khát khao tự do của họ lớn tới mức đã khiến họ dám
đứng lên đòi hỏi các giá trị dân chủ, nhân quyền ngay cả
trong những thời khắc khó khăn và nguy hiểm cực độ.
Những cuộc nổi dậy của người dân đang diễn ra tại Trung
Đông và Bắc Phi là một chứng thực lớn chưa từng có cho
những khát vọng của nhân dân ở những nơi đó. Khát vọng
phải được tôn trọng về quyền làm người, về tự do và
dân chủ, khát vọng được phát triển, được lớn mạnh hơn
nữa.
<div class="boxright300"><img
src="http://danluan.org/files/u1/image001_7.jpg" width="528" height="361"
alt="image001_7.jpg" /><div class="textholder">Gunilla Carlsson, Bộ
trưởng Bộ Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy
Điển</div></div>
Các cuộc nổi dậy đó đang nhắc lại cho chúng ta rằng nhân
quyền là các quyền có tính phổ quát toàn nhân loại. Tôi
không dám giấu các quí vị rằng đôi khi tôi thấy rất khó
chịu khi nghe người ta ngụ ý là có sự mâu thuẫn giữa dân
chủ và phát triển, hoặc giữa nhân quyền và phát triển.
"Nhưng chắc chắn,", một số người lại sẽ nói với tôi,
"nếu bà phải chọn giữa cơm áo cho gia đình và quyền bầu
cử thì bà sẽ phải chọn cơm áo thôi." Lối lập luận như
thế dĩ nhiên là hoàn toàn vô lý. Vì không có lý do gì để cho
rằng sự sung túc về vật chất và các quyền chính trị buộc
phải loại trừ lẫn nhau vì một cớ nào đó. Tất cả những
chứng cứ đang hiển hiện đều chỉ cho ta thấy điều ngược
lại.
Đó chính xác chỉ là loại lý luận muốn mớm cho chúng ta từ
những nhà lãnh đạo chuyên chế - những kẻ đang cố bấu víu
quyền lực và đang cầu xin chúng ta trợ giúp dưới danh nghĩa
của sự ổn định. "Vâng,", họ sẽ nói với các nhà tài
trợ, "chúng tôi hiện không có dân chủ theo nghĩa như ở
phương Tây nhưng xã hội của chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng cho
điều đó. Các ngài phải cho chúng tôi thêm thời gian để phát
triển chứ. Đầu tiên, chúng tôi phải cho người dân ăn cái
đã."
Kiểu biện hộ thứ hai cho việc tiếp tục cắt xén các quyền
tự do dân sự của người dân là sự ám chỉ việc bảo vệ
các quyền cơ bản của con người chỉ là quan niệm thuần của
"phương Tây" thôi, rất không phù hợp với thực tế khó
khăn của quốc gia đang bị xem xét.
Một điều thường làm tôi kinh ngạc là một số người ngay
ở phương Tây lại tỏ ra sốt sắng chấp nhận cái kiểu lý
luận đó. Họ chính là những người sẽ nói với quí vị
rằng chúng ta nên cẩn thận khi lên tiếng quá mạnh về vấn
đề nhân quyền ở các nước đang phát triển. Cách nhấn mạnh
đó sẽ phản tác dụng, chúng ta nên tránh để không bị xem là
đang lên lớp cho người khác. Và họ còn thường cho rằng vì
quá khứ đô hộ thuộc địa của châu Âu trước đây mà chúng
ta không có đủ uy tín để nói đến vấn đề nhân quyền.
Tôi xin nói rõ hơn về điểm này. Tôi chưa bao giờ gặp bất
kỳ một nhà hoạt động nhân quyền nào ở châu Phi lại thúc
giục tôi nói nhẹ đi về nhân quyền hay nói rằng quyền tự do
ngôn luận hay tự do hội họp là các quan niệm của châu Âu,
hoàn toàn xa lạ đối với châu Phi.
Như vậy, bổn phận đạo đức rõ ràng của chúng ta hiện nay
là phải đứng về phía những người bị bức hại vì quan
điểm chính trị. Không thể nào chấp nhận được những lý
luận sai trái của các chính quyền đang tống giam những con
người dũng cảm chỉ vì họ có những quan điểm chính trị
khác biệt.
Bảo vệ, ủng hộ những giá trị châu Âu đúng nghĩa phải có
nghĩa là đứng về phía những người bị áp bức, chứ không
phải những kẻ áp bức.
Các biến động về dân chủ đang làm thay đổi bối cảnh
chính trị. Sẽ có người cho rằng đó là biểu hiện của sự
chấm dứt ổn định. Thật là một nhầm lẫn ngây thơ. Như
thế thì khác nào coi một chế độ phi dân chủ như chế độ
của tay Đại tá Gaddafi ở Lybia cũng là thể hiện của sự ổn
định tự thân theo một nghĩa nào đó. Những gì mà chúng ta
đang chứng kiến hôm nay là tiến trình hy vọng sẽ mang lại
những điều kiện cần cho sự ổn định thực sự - loại ổn
định chỉ có thể gắn liền với các xã hội tự do.
Chúng ta có bổn phận phải trợ giúp những người đang mạo
hiểm cuộc đời họ vì những giá trị mà chúng ta đang tận
hưởng và đối với chúng ta các giá trị đó đã trở thành
những điều hết sức bình thường. Vì vậy, những gì đang
diễn ra ở Bắc Phi là tiếng kêu cứu mạnh mẽ đòi hỏi các
chính phủ, các nhà tài trợ phải phối hợp với nhau và cùng
nhau cam kết thực sự cho việc thúc đẩy dân chủ, nhân quyền.
Những gì chúng ta đang thấy hôm nay chỉ là kết quả từ sự
quyết đoán của những con người dũng cảm, với sự hỗ trợ
rất hạn chế từ bên ngoài hoặc chả được trợ giúp gì
cả. Ở Tunisia và Ai cập, người dân đã tự loại bỏ được
các chế độ độc tài bằng những cách khá ôn hòa. Thật
đáng khâm phục và kính trọng!
Những diễn biến ở Bắc Phi cũng cho chúng ta thấy việc tiếp
cận được với các công nghệ thông tin và truyền thông hiện
đại và các mạng truyền thông xã hội có thể mở ra cho các
công dân những cơ hội gây ảnh hưởng đối với xã hội và
đòi hỏi các lãnh đạo phải có trách nhiệm hơn. Chúng ta đã
thấy các công cụ của công nghệ thông tin và truyền thông
(CNTTTT) đang đem lại tiềm năng để hiện đại hóa các nỗ
lực phát triển của mình một cách hết sức rõ ràng. Đặc
biệt, các công cụ đó cũng có thể dùng để cổ xúy cho dân
chủ, nhân quyền; để tạo ra các nguồn thông tin độc lập;
để buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm với các
công dân của họ; giúp nối kết giữa người dân với nhau,
cả ở trong nước lẫn ngoài nước; là một phương tiện để
lật tẩy tham nhũng, nhanh chóng và khá an toàn. Đối với tôi,
đó là công nghệ của giải phóng, là biểu tượng của một
thế giới đang thay đổi theo một chiều hướng không thể
đảo ngược.
Số người dùng Internet đã tăng gấp đôi trong khoảng 2005-2010
và vừa vượt qua mốc 2 tỷ người. Tuy nhiên, sự chênh lệch
kỹ thuật số giữa các nước phát triển và các nước đang
phát triển còn khá lớn – 71% so với 21% dân số có thể lên
mạng. Vì vậy, thăm dò, tìm hiểu và đầu tư vào CNTTTT phải
được coi là công cụ cơ bản để gia tăng tính mở và minh
bạch cho thế giới. Các tổ chức dân sự và các nhà hoạt
động nhân quyền đang cần các hệ thống không dây, các hệ
thống mạng bảo đảm tính trung lập và khả năng có thể truy
cập được Internet.
Nhưng, một số quốc gia lại đang hạn chế hay cấm các công
dân của họ được tiếp cận với Internet – đây chính là
các lỗ hổng của Internet. Ở phần lớn các quốc gia kiểu
đó, việc bày tỏ chính kiến qua Internet là một tội hình sự
và sự bức hại những người có tư tưởng cải cách qua
Internet đang ngày càng gia tăng.
Vì vậy, một trong những thách thức chính của chúng ta hôm nay
là phải làm thế nào để có thể đưa các nhà hoạt động
dân chủ lên danh sách cần trợ giúp hàng đầu, phải tìm hiểu
các cách sử dụng các công cụ sáng chế mới thích ứng với
các giai đoạn đầu của quá trình thay đổi và chuyển đổi
sang dân chủ.
Tuy nhiên, các tranh luận trong các quốc gia dân chủ hiện nay
lại chỉ chú tâm đến các vấn đề có tính vĩ mô về ngoại
giao và chính trị. Do đó, chúng ta còn rất nhiều việc phải
làm trong các chương trình trợ giúp dân chủ ở mức độ vi
mô. Lịch sử đang chỉ cho chúng ta thấy rằng phản ứng của
quốc tế một cách kịp thời là yếu tố tối quan trọng để
giúp thuận lợi nghiêng hẳn sang các nhà cải cách dân chủ.
Vì vậy, để bổ khuyết cho sự trợ giúp dân chủ có tính
truyền thống của mình, Chính phủ Thụy Điển đã bắt đầu
một dự án có tên là Sáng kiến Đặc biệt cho Dân chủ hóa
và Tự do Ngôn luận. Dự án này nhằm tạo ra cơ hội để trợ
giúp nhanh hơn các nhà hoạt động nhân quyền và các nhân tố
có lợi cho sự chuyển đổi dân chủ bằng những cách thức
mới và trực tiếp hơn, nhất là để tận dụng các cơ hội
bất ngờ cho sự thay đổi dân chủ.
Cách đây vài tuần tôi đã mời một số nhà nghiên cứu, một
số nhà hoạt động trên Internet và một số doanh gia về CNTTTT
đến Stockholm để thảo luận về việc làm thế nào để CNTTTT
có thể tạo ra được tự do và các cách thức điều chỉnh
để các trợ giúp phát triển của chúng ta phù hợp hơn với
thực tế hiện nay. Tôi sẽ còn gặp lại họ vào thứ Năm này
để bàn sâu hơn về cách thức triển khai các nỗ lực trợ
giúp nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hóa bằng các công cụ
kỹ thuật số và kỹ thuật số hóa mang tính dân chủ sao cho
hiệu quả và hiệu suất nhất có thể.
Đối với riêng tôi thì Dân chủ là sự thay đổi. Nhân quyền
là Tự do. Tôi thực sự mong muốn được nhìn thấy sự thay
đổi vì tự do trong thế giới này.
Thay đổi vì Tự do cũng là cái tên, vào năm ngoái, được
đặt cho chính sách của Thụy Điển đối với dân chủ và
nhân quyền trong quá trình hợp tác phát triển quốc tế.
Trong chính sách đó, chúng tôi nhấn mạnh ba vấn đề sau đây:
một, tầm quan trọng của trợ giúp đối với dân chủ và nhân
quyền để giảm nghèo; hai, sự quan trọng của chủ nghĩa đa
nguyên như điểm khởi đầu cho mọi phát triển kinh tế-xã
hội, và ba là sự minh bạch là một công cụ để dân chủ
hóa.
Dân chủ hóa và tự do là hai mặt cốt yếu của sự phát
triển và phạm trù quyền con người cần phải được gắn
liền với mọi nỗ lực hợp tác phát triển của chúng ta. Cùng
với nguyên tắc nhà nước pháp quyền, sự tôn trọng các
quyền dân sự và chính trị phải được coi là yếu tố quyết
định trong quá trình xây dựng các hệ thống dân chủ có khả
năng vận hành và giảm đói nghèo trên tất cả mọi phương
diện.
Nghèo đói không chỉ là tình trạng thiếu thốn các phương
tiện vật chất. Đó còn là tình trạng thiếu thốn về quyền
lực, cơ hội và an ninh. Đó còn là việc người dân thiếu
ảnh hưởng đối với chính cuộc đời của mình. Tôi muốn
nhấn mạnh lập trường này như một điểm khởi đầu quan
trọng cho những tham vọng của Thụy Điển trong các chương
trình hợp tác phát triển quốc tế trong tương lai nói chung và
trong các hỗ trợ về dân chủ và nhân quyền, nói riêng.
Khi người dân sống trong nghèo đói mà lại bị từ chối
quyền lên tiếng một cách tự do, bị tước bỏ quyền gây
ảnh hưởng hay quyền thay đổi điều kiện sống của mình
hoặc không được quyết định đối với các vấn đề của
cộng đồng, và đất nước mình, đó chính là dấu hiệu của
nghèo đói. Vì vậy, có nhiều tự do hơn và dân chủ hơn, đó
chính là sự giảm nghèo. Đối với chúng tôi, điều đó có
nghĩa rằng chống đói nghèo buộc phải tiến hành đồng thời
hai vấn đề: đưa đến các nguồn lực vật chất và mang lại
các giá trị nhân phẩm, tinh thần cho người dân.
Cách hiểu đa phương diện về đói nghèo này đã được toàn
thể Liên hiệp Châu Âu chia sẻ và được ghi rõ trong Chính
sách Đồng thuận của Liên hiệp Châu Âu về Phát triển từ
năm 2005. Nhưng điều quan trọng nhất là cần phải đảm bảo
chắc chắn cho chính sách đó cũng được thể hiện rõ trong
các chính sách trợ giúp phát triển của Liên hiệp Châu Âu,
hiện nay cũng như tương lai.
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các xã hội dân chủ có khả
năng tốt nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển và tăng
trưởng một cách bền vững. Chúng ta đều biết rằng việc
bảo vệ nguyên tắc thượng tôn pháp luật, sự bình đẳng
trước pháp luật, hay việc giữ gìn các nguyên tắc cơ bản
của kinh tế thị trường như quyền sở hữu, tự do giao dịch,
bảo vệ truyền thông tự do và quyền tự do ngôn luận là
những điều kiện tạo cho kinh tế tăng trưởng. Mọi người
đều phải có quyền được gặp gỡ, hội họp và lập hội
một cách tự do, cũng như phải được an toàn và an ninh để
thực hiện các quyền đó.
Phát triển dân chủ khi phối hợp với sự phát triển xã hội
sẽ là cách phát triển bền vững hơn, trong đó mọi cá nhân,
phụ nữ cũng như đàn ông, đều được thụ hưởng.
Bình đẳng giới là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển
dân chủ trong dài hạn. Phụ nữ và đàn ông, em gái và em trai
phải có quyền và cơ hội ngang nhau trong việc tự quyết định
cuộc đời mình và tạo ảnh hưởng đối với xã hội.
Xã hội không được gạt bỏ bất cứ một giới nào của con
người.
Trợ giúp cho dân chủ và nhân quyền không chỉ là cứu cánh
tự thân mà còn là phương tiện để gia tăng tính hiệu quả
của trợ giúp và tăng cường sức mạnh cho cuộc chiến chống
tham nhũng.
Truyền thông độc lập và tự do, hệ thống chính quyền cởi
mở và minh bạch, các thiết chế khả hoạt và một xã hội
dân sự đa nguyên là những thành phần sống còn để có
được một thể chế dân chủ thực sự. Những thành phần đó
cũng là những hòn đá tảng cho sự hợp tác phát triển trong
thời hiện đại – sự hợp tác đòi hỏi tính trách nhiệm
nghiêm túc.
Tính cởi mở và minh bạch giúp gia tăng cơ hội để các công
dân giám sát tiền thuế của mình và năng lực điều hành của
chính quyền. Chúng ta đều biết rằng tính chịu trách nhiệm
được tăng cường có nghĩa là các bộ máy nhà nước sẽ
phải đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi, nguyện vọng của dân
chúng. Về lâu dài, để phát triển bền vững và thiết thực,
các nền dân chủ phải mang lại sự lãnh đạo đúng đắn và
hiệu quả. Tuy nhiên, các nền dân chủ cũng cần phải thực
hiện các hứa hẹn và ban hành các quyết định, đồng thời
phải làm cho hệ thống chính trị dân chủ vận hành được.
Tôi thấy rất thú vị khi theo dõi sáng kiến gia tăng tính mở
của Chính phủ Anh và ngay tại Liên hợp châu Âu, chúng tôi,
Andrew Mitchell và tôi, cũng đang cố gắng phấn đấu để đạt
được qui chế Minh bạch trong Trợ giúp của Liên hợp châu Âu.
Như quí vị đã thấy, bài nói chuyện của tôi có chủ đề là
"Tại sao nhân quyền và dân chủ lại hệ trọng để thoát
nghèo?". Xin quí vị chú ý là bản Báo cáo Phát triển Con
người tại vùng Ả-rập năm 2002 đã nhận ra được một cách
tiên tri ba lý do chính của tình trạng nghèo khổ ở vùng Trung
Đông và Bắc Phi là: một: thiếu dân chủ, hai: giáo dục yếu
kém, ba: địa vị lệ thuộc của phụ nữ.
Năm 2004, bản báo cáo cũng nhấn mạnh đặc biệt tới mối
liên hệ giữa việc thiếu các quyền tự do và tình trạng kém
phát triển. Điều đó cho thấy rõ các vấn đề cho phát triển
tại Trung Đông và Bắc Phi nằm ngay trong mối liên hệ giữa
dân chủ hóa và phát triển kinh tế.
Cho dù đã có nhiều người được hưởng lợi từ tăng
trưởng kinh tế, nhưng sẽ không thể có phát triển thực sự
nếu nhà nước không đầu tư để người dân được thực
hiện các quyền xã hội và kinh tế như giáo dục, y tế, nước
sạch, nhà ở và cả các quyền dân sự và chính trị.
Để tạo dựng được dân chủ và phát triển thực sự tại
Trung Đông và Bắc Phi, chủ nghĩa đa nguyên phải được thừa
nhận trên mọi phương diện, xã hội, chính trị, tôn giáo,
giữa truyền thống và hiện đại, giữa thế hệ trẻ và già,
giữa các tầng lớp xã hội và giữa các tư tưởng chính trị
khác biệt.
Sau cùng, một bài học quan trọng từ những sự kiện đang
diễn ra hiện nay là vai trò của các mạng truyền thông xã
hội, của các công nghệ mới về thông tin và truyền thông.
Các mạng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, tin nhắn và
blog đang tạo được thêm một không gian trao đổi thường
xuyên cho các công dân, các nhóm người đông đảo của xã
hội.
Các mạng truyền thông xã hội cũng cho thấy xã hội dân sự
được hình thành bởi các cá nhân, đồng thời các công nghệ
thông tin, truyền thông đang mang đến cho họ các công cụ quan
trọng để thực hiện các khát khao dân chủ. Chúng ta cũng
thấy mạng truyền thông xã hội đang đem đến sự quả cảm
và sức huy động cho cả một lục địa trong cuộc đấu tranh
vì dân chủ.
Kinh nghiệm chuyển đổi một cách hòa bình của châu Âu từ
độc tài sang dân chủ cũng đang là nguồn cảm hứng cho các cá
nhân, các phong trào dân chủ ở các nước độc tài khắp thế
giới. Do đó, châu Âu đang gánh vác một trách nhiệm đặc
biệt trong việc góp phần xây dựng dân chủ ở những nơi khác
dựa theo ánh sáng kinh nghiệm của chúng ta. Cụ thể, chúng ta
phải có bổn phận đạo đức để thực hiện trách nhiệm đó
bằng lịch sử của chính mình.
Đó là niềm tin chắc chắn của tôi, rằng phương diện chính
trị trong sự hợp tác phát triển quốc tế phải được chỉ
đạo xuyên suốt bằng bổn phận đạo đức này.
Cách tiếp cận của Thụy Điển không chỉ là theo đuổi một
chương trình nghị sự toàn cầu về dân chủ và nhân quyền mà
còn phải đảm bảo chắc chắn rằng quan điểm phát triển
phải được áp dụng cho các vấn đề đó. Đặt ưu tiên cho
dân chủ trong quá trình hợp tác phát triển nghĩa là phải
thừa nhận bình diện chính trị của sự hợp tác phát triển.
Xin cảm ơn,
Người dịch: Phạm Hồng Sơn.
Nguồn: http://www.sweden.gov.se/sb/d/3214/a/162547
__________________________
<h2>Các chú thích của người dịch:</h2>
[1] Đầu đề này là của người dịch
[2] Công nghệ thông tin và truyền thông, nguyên ngữ tiếng Anh
là Information and communication technology (ICT) thường được dùng
như một thuật ngữ mở rộng của IT (Information technology), bao
gồm công nghệ thông tin (IT, Information technology) cùng với các
phương tiện truyền thông bằng điện thoại, phát thanh và phát
hình, tất cả các loại hình nghe - nhìn và truyền tải, và hệ
thống mạng dựa trên các chức năng kiểm soát và kiểm tra
định lượng.
[3] Nguyên ngữ tiếng Anh là "functioning institutions": một
lần tôi đã dịch là "định chế chức năng", nhưng sau khi
được góp ý và trao đổi cùng ông Mai Thái Lĩnh, tôi sửa lại
thành "thiết chế khả hoạt". Thuật ngữ này (functioning
institutions) nhằm nói đến các cơ cấu, tổ chức chính trị
hoặc phi chính trị nhưng có khả năng vận hành một cách độc
lập và hiệu quả theo đúng tôn chỉ, mục đích đã được
công bố chính thức, khác với các cơ cấu, tổ chức chỉ
được lập ra có tính hình thức và sự hoạt động của nó
lệ thuộc hoàn toàn vào một thế lực nào đó.
[4] Andrew Mitchell là Bộ trưởng Phát triển Quốc tế của Chính
phủ Anh.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8530), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét