làm vang rền bầu trời cư xá Ngân Hàng. Khói lửa bay ngút
trời. Tiếng động cơ trực thăng, tiếng súng và tiếng kêu
khóc của con người nhào trộn thành một thứ âm thanh khủng
khiếp. Trên kênh Tẻ không còn đến một chiếc xuồng con lảng
vảng, không phải vì thế mà dòng sông êm đềm trôi.
Hôm đó là ngày 26 tháng 4 năm 1975.
Sài Gòn chưa mất nhưng Sài Gòn đang thoi thóp, Sài Gòn đang
nghẹt thở yếu dần, Sài Gòn đang bấn loạn với hàng trăm
người hàng ngàn người cùng xe cộ, và những bước chân vội
vàng rời bỏ Sài Gòn!
Mọi người tìm đường chạy ra khỏi thành phố và trên cầu
Tân Thuận, hướng về Nhà Bè xe kẹt cứng. Tôi ngược dòng
người khi đến giữa cầu thì tiếng máy cạch cạch của hai
con "óc nóc" đang ngự trị và làm chủ bầu trời với
những âm thanh muốn làm vỡ toang màng nhĩ. Tôi đứng trên chỗ
cao nhất của cầu Tân Thuận giương mắt nhìn hai con "quạ
sắt" đang hoành hành bầu trời cư xá Ngân Hàng. Tiếng máy
ầm ầm từ hai chiếc trực thăng lấn át và nhận chìm những
tiếng động cơ xe hơi uể ỏa nằm tê liệt trên cầu.
Hai con "quạ sắt" rà trên khu dừa nước như hai con chim bói
cá đang găm mắt rình mồi. Những cánh chong chóng quay tít tạo
thành một vòng tròn mờ ảo trên đầu. Rặc một tiếng, đuôi
trực thăng đổi chiều đẩy khối sắt nhào về hướng phát ra
mảnh khói xanh, và, xẹt xẹt hai quả rocket từ dưới bụng con
"chim sắt" phóng ra nhắm vào hàng dừa nước trước mặt.
Hai vệt khói trắng chưa kịp tan biến trên nền trời thì
những thân cây dừa nước bắn tung lên khỏi mặt đất và hai
tiếng nổ ầm ầm long trời lở đất. Hai chiếc trực thăng
quay đầu trở lại quần thảo trên bầu trời, tiếng đại
liên cạch cạch nhả ra từ hai con "chim sắt" cày nát khu
dừa nước và những cây bình bát. Tiếng súng vừa dứt thì
xẹt xẹt những quả rocket còn lại dưới bụng tiếp tục
phóng đi, những đường khói trắng được kẻ chi chít lên
nền trời, và liên tục những tiếng nổ chát tai, để lại
những cột khói, lửa. Và mặt nước trên con rạch Dừa sóng
dậy cuồn cuộn. Nhả hết "bầu tâm sự", hai con "chim
sắt" quay đầu bay về hướng cầu chữ Y. Để lại những
ngọn dừa nước, những cây bình bát bên cạnh cư xá Ngân Hàng
bốc cháy.
Bóng người và tiếng súng cũng im đi. Bên tai tôi chỉ còn nghe
tiếng máy ầm ì của đoàn xe nhúc nhích từng ly bò qua cầu
Tân Thuận.
Ngày 26 tháng 4, dưới chân cầu Tân Thuận phía bên kho 11, Khánh
Hội, con đường bị chận lại không cho người vào thành phố.
Tôi mò lên cảng Kho 5 và bến Bạch Đằng nơi có nhiều tàu bè
để tìm đường đi. Nhưng không qua được, tôi quay đầu trở
lại.
Nhà tôi nằm trên Tỉnh Lộ 15. Con đường Tỉnh Lộ 15 từ Sài
Gòn về Nhà Bè bắt đầu từ ngày 24 tháng 4 người và xe cộ
chạy tấp nập. Những chiếc xe Peugeot màu đen bóng chở những
gương mặt xa lạ, lớn bé già cả trai gái với những vali
ngỗn ngang đua nhau về Nhà Bè.
Những ngày dầu sôi lửa bỏng ở Sài Gòn các trường đại
học đóng cửa, tôi thường ghé thăm Lim và nói chuyện ra đi.
Tôi chơi thân với Lim và Lim là em trai của Phương. Nhà Phương
cách nhà tôi hai cái vườn và năm đó Phương học ở đại
học Văn Khoa. Phương và Lim còn có người chị tên Nga, chị Nga
đang theo học Sinh Lý Sinh Hóa ngoài Thủ Đức, mộng vào
trường Y khoa Sài Gòn. Bình nhật tôi thường qua chơi với Lim.
Mỗi lần qua chơi Phương hay bẻn lẻn lúc gặp mặt tôi.
Phương có cái bớp trên má, mà mỗi lần ra nắng cái bớp xanh
lại hiện lên rõ hơn, hay có lẽ cái nắng làm cho da mặt
Phương hồng thêm, cho nên cái bớp xanh nổi bật ra. Đôi mắt
Phương đen long lanh, và nụ cười của Phương càng làm tăng
thêm vẽ đẹp đôi mắt mỗi lần Phương cười nhìn tôi. Nhưng
tâm hồn Phương rất hồn nhiên, những lần gặp mặt đột
ngột Phương chỉ "chào anh" thật nhỏ rồi cuối mặt, chân
đá những hạt bụi bên đường bước đi thật lẹ.
Hôm nay tôi đến tìm Lim. Ông Tri Phương, ba của Lim nói:
-"Cho bác gởi con Phương và Lim cho cháu."
Tôi mở miệng nói "dạ" như cái máy!
Làm như tôi đã rành đường đi nước bước lắm! Nhưng chỉ
trong một thoáng, tôi nhìn Phương và trong đôi mắt hoài nghi
của Phương hình như nàng đang nói: "Anh có biết đường
không mà làm tài lanh đó!"
Hôm đó tôi rất mạnh dạng. Tôi đến nắm tay Phương và nói:
-"Sửa soạn đồ đi, mình xuống Nhà Bè ngay bây giờ."
Nói xong tôi liền rời nhà Phương chạy về lấy túi hành trang
đã có sẳn.
Trên đường về nhà tôi thầm nói: "Ít ra ông Tri Phương còn
có chút mạo hiểm. Chứ có đâu như Mẹ và người anh cả tôi,
lúc nào cũng nói: Mầy chỉ là thằng sinh viên, làm gì mà sợ,
đi cho chết sao."
Tôi vẫn biết mình chỉ là một tên sinh viên cột gà chưa
chặt, nhưng sao tôi vẫn muốn đi. Câu nói: "Các con làm gì
thì làm nhưng đừng bao giờ làm cộng sản" của Cha tôi hồi
còn sinh thời, lúc này thường quanh quẩn trong đầu tôi. Chắc
chắn trong câu nói của Cha tôi có điều gì to lớn lắm nên
đã hằn sâu trong tâm khảm của ông. Nhiều ngày nay tôi năng
nỉ Mẹ và các anh cho tôi đi. Nhiều khi sự chống đối quá
quyết liệt và tôi đã nói:
-"Con chấp nhận cái chết, nếu không thì 20 năm sau con sẽ
trở lại."
Có nghĩa là tôi đã đánh đồng sinh mạng bằng 50 phần trăm
sống và chết, khi quyết định rời bỏ chế độ cộng sản.
Cuối cùng Mẹ tôi đành nói:
-"Thôi, nếu con nói như vậy thì cứ tìm đường đi đi, để
sau này con không trách móc ai."
Những ngày này đâu đâu người ta cũng bàn tán chuyện ra đi
và trên dài phát thanh còn loan báo có những đoàn người ra
đến biển thì bị bắn chết hoặc bị bắt trở về ngồi tù.
Những lời đồn làm hoang mang nhiều người và gây ra sợ sệt.
Vì vậy mà Mẹ tôi, người anh cả và người Cậu cứ nghĩ
rằng: "Đất nước hết chiến tranh, chính quyền sẽ giúp cho
dân làm ăn giàu mạnh, chứ có ai bắt bớ hành hạ, tù tội
đâu mà đi vào chỗ chết." Cho nên không hưởng ứng chuyện
ra đi. Nhưng không bao lâu sau ngày "giải phóng" Cậu và anh
tôi đã vỡ mộng!
Tôi lấy túi hành trang, vỏn vẹn chỉ có bộ sách Toán Lý Hóa,
cuốn Giải Tích, cuốn tự điển Anh-Việt Việt-Anh của Lê Bá
Kông, một cây sáo trúc và khoảng mười gói mì ăn liền. Trong
nhà lúc này vắng tanh, chỉ có Mẹ và đứa em gái út lẩn
quẩn nhìn ra đường. Tôi ôm Mẹ hun lên trán một cái và nói:
-"Con đi nhe Mẹ."
Chỉ bấy nhiêu thôi rồi tôi đến xoa đầu đứa em gái:
-"Ở nhà ngoan, anh đi."
Mẹ tôi buồn, nhìn tôi và chỉ nói được mấy tiếng:
-"Con đi thật sao!"
Rồi đưa mắt nhìn theo.
Tôi đi bộ trở lại nhà Phương. Phương và Lim đã sửa sọan
xong hành lý, mỗi người gọn gàng chỉ một vali nhỏ, tôi
không biết đựng những gì trong đó. Phương nói với tôi:
-"Chị Nga cũng đi luôn nhe anh."
Tôi trả lời gọn:
-"Ừ, đi luôn."
Chúng tôi rời nhà Phương xuống Nhà Bè. Hỏi thăm và tìm hết
mọi nơi nhưng tuyệt nhiên không thấy dấu vết gì về những
chiếc tàu thủy đậu ngòai sông Nhà Bè để bốc người đi!
Thất vọng, ảo nảo. Chúng tôi quanh trở về. Tôi nói với
Phương:
-"Hết đường rồi, cảng Sài Gòn và bến Bạch Đằng thì
bị cô lập, sông Nhà Bè cũng không có tàu bè nào đậu đó.
Chắc anh không giúp được gì đâu, thôi chắc mình nằm đây
chờ trận."
Phương cũng buồn nhìn tôi ra về. Thì ra mấy ngày nay tin dưới
Nhà Bè có những chiếc tàu thủy cập bến chờ bốc người đi
chỉ là lời đồn, và cũng vì những lời đồn đó mà mấy
ngày nay Tỉnh Lộ 15 người xuống Nhà Bè nườm nượp!
Mấy ngày này tôi nao ức được đi nhưng không biết đi bằng
cách nào, và tôi thường ra bờ sông Sài Gòn ngồi nhìn.
Tôi nhớ là về Tân Thuận ở được vài ba năm thì Cha tôi qua
đời. Sau ngày đưa Cha tôi về quê an táng ở Núi Đồi (Mộ
Ðúc, Quảng Ngãi), Mẹ tôi mua khu đất của ông Tri Phương
ngoài mặt Tỉnh Lộ 15, xây lên căn nhà và anh tôi mở tiệm
sửa xe ở đó. Ngoài những giờ học tôi phụ anh Hạnh sửa xe.
Năm tháng trôi qua, tôi lớn lên ở đó. Sau ngày đỗ Tú Tài
tôi vào đại học Khoa Học Sài Gòn thì Phương cũng vào
trường đại học Văn Khoa. Ông bà Tri Phương làm nghề buôn
bán vật liệu xây cất và đặt tên cửa hiệu Tri Phương. Tôi
biết chữ Phương lấy từ tên của người con gái giữa, chị
của Lim. Ông Tri Phương người quê Long Xuyên, An Giang về lập
nghiệp nơi đây từ đầu thập niên 60. Bà Tri Phương người
xề xòa, hiên lành, những buổi chiều tối bà luôn ra trước
sân đốt vài ba cây nhan vái bốn phương tám hướng. Sau này bà
Tri Phương thường qua chơi trò chuyện với Mẹ tôi.
Những ngày cuối tháng Tư ngồi trên bờ sông Sài Gòn nhìn về
bầu trời Thủ Thiêm lúc nào cũng có khói lửa chiến tranh nghi
ngút.
Trưa 29 tháng 4 tôi ra căn cứ chuyển vận Hải Quân kho 18 ở
Tân Thuận Đông chơi và xem tình hình. Đến cổng kho 18 tôi
thấy nhiều người hôi của đang khuân vát những thùng đồ
từ kho 18 ra. Tôi men theo bờ rào xuống căn cứ chuyển vận. Đi
cùng tôi có người anh bà con, Điện, theo tôi tìm đường đi.
Những ngày này Điện bám sát tôi. Khi đến cổng vào căn cứ
chuyển vận Hải Quân thì những người lính Lôi Hổ, mặt mày
hung tợn, tóc dài quá bờ vai, đầu đội nón tai bèo, ôm súng
lên đạn két két chỉa vào tôi và Điển quát:
-"Trở ra ngay, không tao bắn chết bây giờ."
Nhìn những con mắt sát thủ hằng ngày sống ở rừng sâu,
đối với những người lính Lôi Hổ này: chết là chuyện
thường. Tôi liền cùng Điện quay đầu trở lại. Trên đuờng
trở ra tôi thấy những chiếc xe Peugeot chở đầy người kéo
nhau đi vào căn cứ chuyển vận. Nhưng tôi thì vác túi hành
trang đi ra, lòng buồn dịu vợi!
Trở lại nhà tôi ngồi nhìn dòng xe nối đuôi chạy về Nhà
Bè.
Chiều 29 tháng 4 tôi lên nhà Lim tìm Phương nhưng không thấy
chị em Phương ở nhà. Tôi bước ra khỏi nhà Phương về nhà
cùng Điện trở lại kho 18 xem người ta hôi của. Những ngày
này lúc nào rời nhà trên vai tôi cũng mang túi hành trang với
những cuốn sách. Khi đến kho 18 tôi nhìn xéo về cổng căn cứ
chuyển vận, một điều làm tôi rất ngạc nhiên: Những người
lính gác cổng đã bỏ trống cửa ngõ! Tôi nhìn chung quanh thấy
anh Hát đang đứng nhìn đám người khiên đồ từ kho 18. Anh
Hát là Thiếu Úy bộ binh QLVNCH từ Quảng Trị vừa về. Tôi
kêu anh Hát và Điện lần mò tới cổng vào sân tàu và không
thấy một ai ngăn cản. Ba đứa tôi đi thẳng luôn, và trước
mặt là ba chiếc tàu Hải Quân đổ bộ chứa đầy dân và
những người lính Lôi Hổ. Cảnh người nhôn nháo trèo lên
tàu, la ó ồn ào như bầy ong vỡ tổ. Bên lề đường những
chiếc xe Peugeot không người, cửa mở tung, xe Lambretta, Vespa, và
Honda 67 đỏ chói nằm la liệt đầy đường. Thì ra đây là
những chiếc xe mà mấy ngày nay chạy tấp nập trên Tỉnh Lộ
15. Mọi người vứt bỏ xe cộ bên đường leo lên tàu. Tôi
mạnh dạng bước đến và leo lên tàu rồi anh Hát và Điện
cũng bước lên theo. Thì ra lúc này những người lính gác cổng
đã rút lui lên tàu để cùng đi với gia đình. Trên tàu đông
nghẹt lính Lôi Hổ và gia đình, tôi hoàng toàn xa lạ, nhưng
lòng thầm vui.
Nhìn lên bờ, xa xa tôi thấy bóng dáng của đứa em gái trên
bãi cỏ, tôi liền gọi thật lớn: "Đào." Đứa em tôi chạy
lại. Rồi một lát anh Hai tôi cũng chạy lại bên chiếc tàu há
miệng. Cả hai chỉ đứng trên bờ nhìn ba người tôi trên tàu.
Trong túi hành trang tôi không có gì để uống và lúc đó tôi
thấy khác nước, tôi liền bảo đứa em gái lấy cho tôi ca
nước. Nó chạy đi và thật lẹ sau đó trao cho tôi một canh
nylon đầy nước. Tôi muốn dẫn đứa em đi theo, nhưng nghĩ
tới những nguy hiểm trước mặt và những tin tức từ đài
phát thanh mấy hôm nay, tôi đành làm thinh. Đứa em trao cho tôi
canh nước xong trở lại trên bờ với người anh cả.
Trời lúc đó khỏang 8 giờ tối. Tôi, anh Hát và Điện đang
đứng cùng đoàn người lô nhố trên tàu. Ba chiếc tàu và cả
ngàn người chen lấn trên đó, xì xầm như phiên chợ. Tự
nhiên anh Hát nắm tay tôi và nói:
-"Ở nhà chỉ có tao và mầy là hai người biết chuyện và lo
cho gia đình, bây giờ nếu cả hai cùng đi thì ai lo cho gia đình
đây. Thôi mầy đi đi, tao trở lại."
Vừa nói xong anh Hát liền nhảy xuống tàu trở lại trên bờ
cùng Đào và anh Hai. Tôi không kịp nói lời nào, chỉ biết
nhìn hai anh và đứa em. Tôi đang do dự về lời nói của anh
Hát thì chiếc tàu đã bị chặt đức giây neo, từ từ de ra
dòng sông. Tôi ôm túi hành trang nhìn hai ngươi anh, đứa em, và
con tàu cứ lùi dần ra xa. Lúc đó là 8 giờ 20 phút tối 29
tháng 4, 1975. Chỉ trong vòng 25 phút sau khi tôi bước chân lên
tàu, con tàu chặt neo! Tôi đưa tay lên vãy chào. Trong giây phút
hình ảnh của ba người thân mờ dần trong bọt nước, rồi
mất hẳn. Bóng tối trùm xuống, trong cái chớp mắt tôi nghĩ
đến Phương, nhưng, xa rồi!
Con tàu quay đầu về hướng biển Đông. Và tôi, bắt đầu
cuộc phiêu lưu.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8491), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét