chứng minh tính chất ưu việt của các chế độ dân chủ:
<ol><li>Nó giúp ngăn chận chính phủ trở thành độc tài và tàn
bạo.</li>
<li>Nó bảo đảm cho mọi công dân một số quyền căn bản vốn
không hề có và không thể có trong các chế độ phi dân
chủ.</li>
<li> Nó cung cấp nhiều tự do cá nhân cho các công dân hơn hẳn
mọi chế độ khác.</li>
<li>Nó giúp mọi người bảo vệ được những quyền lợi căn
bản của họ.</li>
<li>Chỉ có chế độ dân chủ mới cung cấp cơ hội tối đa cho
người dân thực hiện quyền tự quyết, nghĩa là được sống
dưới những luật pháp do họ lựa chọn.</li>
<li>Chỉ có chế độ dân chủ mới cung cấp cơ hội tối đa
để mọi người thực hiện được những trách nhiệm đạo lý
của mình.</li>
<li>Chế độ dân chủ giúp con người được phát triển một
cách hoàn chỉnh hơn hẳn mọi chế độ khác.</li>
<li>Chỉ có chế độ dân chủ mới giúp nâng cao sự bình đẳng
chính trị của mọi công dân.</li>
<li>Các chế độ dân chủ đại biểu (representative democracy)
hiện đại không hề gây chiến với nhau.</li>
<li>Các quốc gia dân chủ có khuynh hướng giàu có hơn hẳn các
quốc gia phi dân chủ.</li></ol>
Nói một cách tóm tắt, tính chất ưu việt của dân chủ nằm
ở bốn điểm chính: bảo vệ nhân quyền, nhân đạo, hòa bình
và thịnh vượng.
Chuyện dân chủ đi liền với nhân quyền – mà trọng tâm là
tự do và bình đẳng – là điều dễ hiểu và dễ thấy: chúng
hầu như có quan hệ nhân quả ngay từ đầu. Chính vì nhận
thức được tự do và bình đẳng là những thứ quyền căn
bản của con người nên một số lý thuyết gia và chính trị
gia tiên phong mới nảy ra sáng kiến thiết lập các chế độ
dân chủ để, trước hết, bảo vệ và phát huy những thứ
quyền họ xem là căn bản ấy. Ngược lại, khi tự do và bình
đẳng được tôn trọng, chế độ dân chủ lại càng được
củng cố và bền vững, bất chấp mọi biến động chính trị,
kể cả việc thay đổi chính phủ một cách bất ngờ.
Nhưng nhân quyền không chỉ giới hạn ở tự do và bình đẳng.
Trong lãnh vực nhân quyền còn một khía cạnh khác: quyền phát
triển một cách toàn diện. "<em>Trong khi bình đẳng và tự do
là những lý tưởng thiết yếu của dân chủ (theo de Tocqueville,
1835), ngày nay, việc bảo đảm cho các công dân những cơ hội
tốt nhất để bộc lộ tài năng và năng lực của họ dường
như là điều thiết yếu đối việc hiện thực hóa các lý
tưởng ấy.</em>" (2) Các chế độ độc tài, với mục đích
tuyên truyền, thường đầu tư thật nhiều công sức và tiền
bạc vào việc luyện một số "gà nòi" để biểu dương
trong các cuộc thi quốc tế, từ thi học sinh giỏi đến thi
thể thao; còn quần chúng thì, nói chung, hoàn toàn bị bỏ mặc.
Chế độ dân chủ, ngược lại, tìm cách tạo cơ hội đồng
đều, từ cơ hội giáo dục đến cơ hội lao động và kể cả
cơ hội tham gia vào sinh hoạt chính trị dưới hình thức này
hoặc hình thức khác, cho mọi người.
Chuyện dân chủ ngăn chận họa độc tài và tàn bạo cũng dễ
thấy và dễ hiểu. Trong suốt thế kỷ 20, tất cả các vụ
giết người tập thể lớn, kể cả nạn diệt chủng, chỉ
xuất hiện dưới các chế độ độc tài: từ chế độ phát
xít của Hitler đến chế độ cộng sản, đặc biệt dưới
quyền của Stalin ở Nga, Mao Trạch Đông ở Trung Quốc và Pol Pot
ở Campuchia. Mỗi bạo chúa vừa nêu đều giết chết cả hàng
triệu người, thậm chí, hàng chục triệu người. Ở đây,
cần lưu ý một điểm: không phải các chế độ tự do hoàn
toàn vô tội. Lịch sử từng ghi nhận một số tội ác đẫm
máu do nhiều quốc gia tự do và phát triển gây ra ở các thuộc
địa của họ, đặc biệt từ cuối thế kỷ 19 đến đầu
thế kỷ 20. Tuy nhiên, nói vậy, cũng cần lưu ý đến một
điểm khác: dù những tội ác ấy có tàn bạo đến mấy thì
chúng cũng trở thành cực kỳ nhỏ nhoi so với các tội ác do
các chế độ độc tài gây nên. Không có một nhà nước thực
dân hiện đại nào tàn sát vài triệu hay, thậm chí, chỉ vài
trăm ngàn người như các nhà nước độc tài. Tuyệt đối
không.
Mối quan hệ giữa dân chủ và thịnh vượng phức tạp và gây
nhiều tranh cãi hơn. Tuy nhiên, có một vấn đề hầu như không
ai không thừa nhận: trong khi không phải nước giàu có nào cũng
dân chủ (như Trung Quốc hoặc các quốc gia Hồi giáo có nhiều
dầu lửa ở Trung Đông), mọi quốc gia dân chủ thực sự đều
giàu có. Ví dụ rõ rệt nhất là ở các quốc gia hoặc khu vực
bị chia cắt trước đây hoặc hiện nay: Tây Âu giàu có gấp
bội Đông Âu; Tây Đức vượt hẳn Đông Đức về mọi mặt,
đặc biệt về kinh tế, và Nam Triều Tiên hiện nay được coi
là một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới trong
khi Bắc Triều Tiên vẫn chìm ngập trong nghèo khổ với hàng
triệu người lúc nào cũng đối diện với nguy cơ chết đói
hoặc ít nhất, suy dinh dưỡng trầm trọng.
Mối quan hệ giữa dân chủ và hòa bình thú vị hơn. Và cũng
rõ ràng hơn. Trong cuốn Về Dân Chủ, Dahl nêu lên một chi tiết
rất có ý nghĩa: từ năm 1945 đến 1989 trên thế giới có tổng
cộng 34 cuộc chiến tranh liên quốc gia, trong đó, không có
cuộc chiến tranh nào giữa các nước thực sự dân chủ với
nhau cả (tr. 57) (3). Không những không có chiến tranh, họ cũng
không hề chuẩn bị hay có dấu hiệu gì chứng tỏ họ sắp
sửa có chiến tranh với nhau. Tuyệt đối không.
Chiến tranh có tầm thế giới trong thế kỷ 20 chỉ xảy ra trong
hai trường hợp: một, giữa các quốc gia độc tài với nhau
(trường hợp này chiếm phần lớn các cuộc chiến tranh, kể
cả chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia cũng như giữa Việt
Nam và Trung Quốc vào cuối thập niên 1970); và hai, giữa
một/nhiều quốc gia dân chủ và một/nhiều quốc gia độc tài
(như thời đế quốc và trong hai cuộc chiến tranh thế giới).
Chính vì vậy, Dahl mới kết luận: thế giới càng dân chủ
càng hứa hẹn sẽ hòa bình hơn.
_______________
<h2>Chú thích:</h2>
[1] Robert A. Dahl (1998), On Democracy, New Haven: Yale University Press.
[2] Gian Vittorio Caprara, "Will Democracy Win?", Journal of Social
Issues, vol. 64, N. 3, 2008, tr. 639.
[3] Tôi nhấn mạnh chữ "dân chủ thực sự" để phân biệt
với một số quốc gia có nền dân chủ mới mẻ và hạn chế
thỉnh thoảng lại gây chiến với nhau, chẳng hạn, chiến tranh
giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1947-49 và năm 1971, giữa Israel và
Lebanon trong hai năm 1978 và 1982, giữa Croatia và Yugoslavia từ 1991
đến 1992, giữa Ecuador và Peru năm 1995, v.v...
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8627), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét