Mạnh Kim - Từ vụ Xayaburi, nhìn lại số phận Mê Kông

Vấn đề xây đập ồ ạt từ thượng lưu Mekong (thuộc Trung
Quốc) làm ảnh hưởng nghiêm trọng khu vực hạ lưu đã và
tiếp tục trở thành đề tài nóng hổi vài năm nay. Bất chấp
dư luận phản đối của các quốc gia hạ lưu Mekong, Trung Quốc
vẫn tăng tốc "chiến dịch chặn dòng" nhằm thỏa mãn lợi
ích riêng (nhu cầu điện). Ngày 21-5-2009, Liên Hiệp Quốc một
lần nữa khẳng định Trung Quốc đang là mối đe dọa nghiêm
trọng nhất đối với tương lai Mekong. 8 con đập trên dòng
Mekong (gọi là Lan Thương tại nước này) chảy qua tỉnh Vân
Nam, trong đó có đập Tiểu Loan (Xiowan) cao nhất thế giới
(292m) với tổng dung tích tương đương tất cả hồ chứa
nước Đông Nam Á cộng lại, đang tàn phá cái "thân xác"
vốn đang "rã rời" của hạ lưu Mekong, với mức độ khủng
khiếp tăng dần…

<h2>Trung Quốc "thảm sát" Mekong như thế nào?</h2>

"<em>Kế hoạch cực kỳ tham vọng của Trung Quốc trong việc
xây một thác nước khổng lồ gồm 8 con đập trên thượng lưu
Mekong chảy qua những hẻm núi cao Vân Nam có lẽ là mối đe
dọa lớn duy nhất đối với con sông</em>" – báo cáo LHQ
viết. Báo cáo cũng cho biết ảnh hưởng từ cơn sốt xây đập
"điên rồ" từ Trung Quốc gồm "những thay đổi dòng chảy
và thời gian thủy triều, sự xuống cấp chất lượng nguồn
nước và sự mất mát tính đa dạng sinh học". Với hơn 85.000
con đập (còn tiếp tục xây), Trung Quốc có thể "tự hào"
số một thế giới về công trình đập thủy điện (trước
năm 1949, Trung Quốc chỉ có 22 đập). Từ con đập cao nhất
thế giới, to nhất thế giới, dung tích chứa nhiều nhất thế
giới, đến khả năng sản xuất điện nhiều nhất thế
giới…, tất cả đều có ở Trung Quốc. Trong khi đó, các con
sông thuộc Trung Quốc lại gần như chẳng giúp được gì. Cần
mở ngoặc, dù 1,3 tỉ dân Trung Quốc chiếm đến 1/5 dân số
thế giới nhưng Trung Quốc chỉ được xếp thứ 15 về nguồn
nước ngọt. Hơn nữa, 5 trong 7 con sông chính của Trung Quốc
lại bị ô nhiễm nghiêm trọng đến mức hiện có đến 300
triệu dân Trung Quốc không được tiếp cận nguồn nước
sạch.

Trung Quốc bắt đầu vận hành con đập đầu tiên – Mạn Loan
(Manwan) – xây chắn ngang dòng Mekong vào năm 1992. Con đập thứ
hai và thứ ba – Đại Triều Sơn (Dachaoshan) và Cảnh Hồng
(Jinghong) – hoàn thành năm 2003 và 2008. Tháng 10-2009, Trung Quốc
tuyên bố con đập thứ tư – Tiểu Loan (Xiaowan) – bắt đầu
được đưa nước vào bồn chứa. Đây là con đập nguy hiểm
nhất đối với sinh mạng Mekong. Khi hoàn chỉnh (vận hành
đồng bộ vào năm 2013), Tiểu Loan tạo ra một hồ chứa khổng
lồ với 15 tỉ m3 (trên diện tích hơn 190km2), nhiều hơn gấp 5
lần tổng dung lượng của ba con đập Mạn Loan, Đại Triều
Sơn và Cảnh Hồng gộp lại và cần đến 10 năm mới làm
đầy! Ít người biết rằng người đứng đầu công ty trúng
thầu xây Tiểu Loan cũng như nhiều con đập tại Trung Quốc (Hoa
Năng quốc tế điện lực khống cổ hữu hạn công ty) là Lý
Tiểu Bằng, con trai cả của cựu Thủ tướng Lý Bằng!

Sự can thiệp thô bạo dòng Mekong bởi Tiểu Loan sẽ mang lại
ảnh hưởng nghiêm trọng với 250 triệu người Campuchia, Việt
Nam, Lào và Thái Lan sống ở châu thổ Mekong. Giới môi trường
nhấn mạnh, con đập Tiểu Loan chắc chắn trở thành thủ phạm
tai ác đối với đời sống người dân khắp Đông Nam Á. Ngư
phủ Campuchia chắc chắn bắt được ít cá hơn và nông dân
Việt Nam phải dùng phân hóa học nhiều hơn bởi phù sa bị
chặn lại từ Vân Nam-Trung Quốc; trong khi đó, cư dân khu vực
bờ Mekong tại Thái Lan sẽ đối mặt hạn hán và xâm thực.
Tất cả sẽ "thay đổi toàn bộ sự cân bằng sinh thái của
con sông" – theo Aviva Imhof, giám đốc chiến dịch thuộc tổ
chức Mạng sông ngòi quốc tế (International Rivers Network) –
"Cư dân hạ lưu Mekong phụ thuộc nguồn cá cung cấp 80% protein
cho họ. Chúng tôi đang chứng kiến sự "sụp đổ" tiềm
tàng trong chế độ dinh dưỡng khu vực này nếu ảnh hưởng
của nó tệ như chúng tôi dự báo". Vào mùa khô, thượng lưu
Mekong chiếm hơn 60% dung tích con sông. Một khi nguồn nước này
bị cắt, hạn hán tại hạ lưu chắc chắn xảy ra. Trong khi
đó, vào mùa mưa, sự xả nước đột ngột từ hồ Tiểu Loan
sẽ tạo ra những trận lụt kinh hoàng. Ấy vậy mà Trung Quốc
chưa dừng lại. Năm 2014, Trung Quốc tiếp tục xây thêm một con
đập nữa bên dưới Tiểu Loan, tại Nhu Trác Độ (Vân Nam). Theo
thiết kế, "con quỷ nhập tràng" Nhu Trác Độ không cao bằng
Tiểu Loan nhưng nó chứa nước nhiều hơn, gần 23 tỉ m3 với
khả năng cung cấp 5.000 megawatt điện.

<h2>Mekong bị chặt từng khúc – vấn đề sinh tử của khu
vực</h2>

Cần nhất thiết nhấn mạnh, viễn cảnh đen tối cho cư dân
hạ lưu Mekong như vừa nói không là giả thuyết mơ hồ thiếu
chứng cứ. Trong thực tế, hiện tượng hạn hán hoặc lũ lụt
bất thường tại hạ lưu Mekong đã xảy ra, chủ yếu bởi
những con đập thủy điện – như khẳng định của giới khoa
học được nhắc đi nhắc lại vài năm gần đây. Trong khi đó,
con sốt thủy điện vẫn bùng nổ, với hơn 80 dự án đập
thủy điện ở những giai đoạn khác nhau (có cái chuẩn bị,
cái đang xây) đang hình thành trên dòng Mekong cũng như các nhánh
sông của nó. Trong bài viết trên Japan Focus, hai tác giả Geoffrey
Gunn và Brian McCartan đã đưa ra vô số chứng minh về tình
trạng lụt bất thường (nghiêm trọng nhất trong một thế
kỷ!) bởi sự sử dụng thô bạo dòng Mekong ở thượng nguồn.
Trận lụt kinh hoàng năm 2008 (mực nước cao 13,7m) đã làm
thiệt hại Thái Lan khoảng 220 triệu baht (6,48 triệu USD) và Lào
chừng 100 tỉ kip (11,6 triệu USD). Cuối tháng 3-2004, Ủy hội
Mekong (MRC) công bố dữ liệu cho thấy lượng mưa giảm mạnh
tại 16 địa điểm khắp châu thổ Mekong vào năm 2003. Chính
Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng từ việc khai thác Mekong quá
mức. Năm 2010, trận hạn hán nghiêm trọng trong ít nhất 50 năm
đã làm vô số cánh đồng Nam Trung Quốc trở nên khô cằn và
khiến hàng chục triệu người bị thiếu nước. Tại Thái Lan,
trận hạn hán 2010 gây ảnh hưởng cho ít nhất 14.000 ngôi làng.
Tổng quát, hạn hán đã khiến mực nước Mekong năm 2010 tụt
ở mức thấp nhất trong gần 20 năm qua. Tháng 2-2010, mực nước
Mekong tại Tây Nam Trung Quốc đã ở mức thấp nhất trong 50
năm, với lượng nước chỉ bằng ½ so với bình thường.
Những hiện tượng quái đản này, chẳng phải do "ông
Trời" gây ra, chưa hề xuất hiện trước đây, vào năm 1986
chẳng hạn, khi Trung Quốc bắt đầu xây con đập đầu tiên
trên Mekong...

Việc xây đập đáp ứng cơn khát điện không phải không có
cái họa nhãn tiền cho chính Trung Quốc. Sau trận động đất
kinh hoàng tại Tứ Xuyên vào tháng 5-2008, Ủy ban cải cách và
phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết có đến 391 con đập
thủy điện tại 5 tỉnh Trung Quốc đang trong "tình trạng nguy
hiểm" bởi có thể bị đổ sập do động đất. Trong thực
tế, Trung Quốc không phải chưa từng bị "quả báo". Ngày
12-7-2005, tờ Epoch Times dẫn lời Bộ thủy lợi Trung Quốc cho
biết có đến 30.000 con đập đang trong tình trạng nguy hiểm,
đe dọa 400 thành phố và gần 150 triệu người. Trong cùng bài
báo, tác giả còn cho biết từ năm 1954-2003, có đến 3.484 con
đập Trung Quốc bị sập (trung bình 71 đập/năm)! Không chỉ
hiểm họa sập đập, còn nhiều vấn đề khác. Đầu tháng
4-2007, giáo sư Đại học Bắc Kinh Thịnh Kiệt Dân cùng 12 học
giả đã ký lá thư gửi Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh
rằng con đập khổng lồ Tam Hợp đang đẩy nhanh mức độ ô
nhiễm sông Dương Tử cũng như gây ra hạn hán năm 2006 tại khu
vực Trùng Khánh thuộc Tứ Xuyên bởi nó chặn dòng ra của lưu
vực Tứ Xuyên (Tứ Xuyên Bồn Địa). Trận hạn hán trên là
lần hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua! Vấn đề xây
đập thật ra là đề tài gây tranh cãi với chính những người
trong bộ máy Chính phủ Trung Quốc. Năm 2004, ông Ôn từng cố
ngăn chặn "chiến dịch" xây 13 con đập trên sông Nộ
(Nujiang, dài 2.815km – chảy ngang Vân Nam rồi vào Myanmar, nơi nó
có tên Thanlwin; và Thái Lan, nơi có tên Salawin) nhưng bất thành.

<h2>Những biện bạch xảo ngôn</h2>

Một trong những biện bạch quen thuộc của Trung Quốc là những
con đập trên dòng Mekong chẳng tội tình gì, bởi dòng chảy
từ Trung Quốc chỉ chiếm vỏn vẹn 13,5% dòng chảy Mekong khi nó
chảy ra đến biển. Nói cho dễ hiểu, Trung Quốc cho rằng hầu
hết chiều dài phần thượng lưu Mekong đều uốn khúc ở
những địa giới không thuộc nước mình. Trút tội và đổ
vấy đổ vung là oan cho Trung Quốc quá! Làm gì có chuyện các
con đập Trung Quốc ngốn cạn nước Mekong, và do đó hệ thống
đập thủy điện Trung Quốc trên dòng Mekong chẳng gây tai họa
gì cho các nước hạ lưu, và tất nhiên chẳng ảnh hưởng gì
đến các hiện tượng bất thường như hạn hán hoặc lụt
lội ở "mé dưới" cả. Sao cứ lu loa và nhặng xị lên như
thế!? Tuy nhiên, cái "nỗi oan khiên thấu trời" này đã bị
chính một giáo sư sử lừng lẫy Trung Quốc, ông Tần Huy (Qin
Hui) thuộc Đại học Thanh Hoa, vạch trần trong bài báo gần
đây trên chuyên san Kinh tế quan sát báo (ấn bản tiếng Anh tờ
này có tên Economic Observer). Theo khảo sát thực địa của giáo
sư Tần, 2/3 lượng nước sông tại Luang Prabgang (Lào) đều
đến từ Trung Quốc và do đó không thể nói rằng trận lụt
nghiêm trọng tại Lào năm 2008 không dính dáng đến hệ thống
đập thủy điện Trung Quốc trên dòng Mekong. Giáo sư Tần cho
biết thêm, 70% trữ lượng nước tại lưu vực Mekong đều nằm
ở Trung Quốc (!) và nó sẽ tăng đến 90% khi con đập Nhu Trác
Độ bắt đầu vận hành. Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ, tất
cả nguồn trữ nước của các con đập Trung Quốc đều nằm
trên dòng chính của Mekong, trong khi các nước khác đều xây
đập ở những nhánh phụ Mekong. Còn nữa, ba "khối đá chặn
dòng" gồm Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng (đều cao
hơn 100m) - có trữ lượng là 920 triệu, 940 triệu và 1,4 tỉ m3
theo thứ tự (tổng cộng bằng ba con hồ Côn Minh) - hẳn nhiên
sẽ tác động trực tiếp đến dòng chảy tự nhiên theo mùa
của Mekong…

Rõ ràng là xảo ngôn-điêu ngữ khi nói rằng hệ thống đập
thủy điện Trung Quốc trên dòng Mekong không gây ảnh hưởng
hạ lưu, bởi bản thân Trung Quốc (phải) hiểu rõ hơn ai hết
tác động kinh khủng đến môi trường và xã hội từ việc can
thiệp dòng chảy tự nhiên của hệ thống sông ngòi, ngay tại
nước họ, cho mục đích thủy điện và cả cho yếu tố "an
ninh nước". Theo bài viết trên Quang Minh nhật báo (Guangming
Daily) của tác giả Bằng Vĩnh Phong (Feng Yongfeng), tháng 12-2009,
160.000 cư dân dọc dòng Thanh Giang ở Hà Bắc đã cùng ký đơn
thỉnh nguyện yêu cầu chính quyền địa phương ngưng xây một
nhà máy thủy điện tại tỉnh láng giềng Sơn Tây vì dự án
này có thể làm mất miếng cơm manh áo của những người lam
lũ kiếm ăn trên dòng Thanh Giang (thuộc hệ thống sông Hải
Hà). Trong hai thập niên trước 1965, lưu lượng trung bình hàng
năm của Thanh Giang là 1,96 tỉ m3 nhưng từ 1980-2000, nó chỉ còn
356 triệu m3, bởi phải bị dồn vào các bồn chứa ở thượng
nguồn cho thủy điện. Trong khi đó, Hà Bắc tiếp tục tất
bật với vô số dự án đập thủy điện. Từ năm 1949 đến
nay, hơn 1.000 hồ thủy điện với đủ kích cỡ đã được
xây, cho mục đích "phòng chống lụt lội" cũng như "mang
lại lợi ích nhiều mặt cho kinh tế địa phương". Tổng
cộng, kho nước trữ cho hệ thống thủy điện Hà Bắc chiếm
đến 10 tỉ m3 nước. Không chỉ tích nước cho thủy điện, Hà
Bắc còn trữ nước để cung cấp cho Bắc Kinh, do tỉnh này
nằm trong khuôn khổ chương trình Nam thủy Bắc điều công
trình (dự án chuyển nước tại trục Bắc-Nam), với kế hoạch
luôn cung cấp đủ nước cho Bắc Kinh ở bất kỳ tình trạng
nào. Khi thủ đô thiếu nước, ba hồ trữ chính của Hà Bắc
– Vương Khoái, Cảng Nam và Hoàng Bích Trang – sẽ lập tức
xả vòi đưa nước lên thủ đô. Khi nước tại hồ trữ Mật
Vân (Mật Vân thủy khố) của Bắc Kinh xuống thấp dưới mức
1 tỉ m3, các hồ Hà Bao và Dựng Chu (nằm trên biên giới Hà
Bắc) cũng buộc phải cung ứng tức thì, ngay cả trong trường
hợp các hồ này gần như khô kiệt. Và để bảo đảm an toàn
tối đa cho "an ninh nước" thủ đô, Bắc Kinh không chỉ
"hút" sạch nước Hà Bắc và Sơn Tây mà còn lấy từ sông
Vĩnh Định để cấp cho hồ trữ Quan Thính (4 tỉ m3). Điều
này khiến dòng Vĩnh Định (một nhánh của Hải Hà) ngày càng
cạn khô...

Do hụt nước trầm trọng, hiện tại hầu hết địa phương
Trung Quốc đều cố "giữ" lại nguồn nước trong địa
phận mình trước khi nó "còn sót" chảy qua địa phận
"tỉnh bạn". Một tình trạng bắt đầu phổ biến tại
nhiều địa phương Trung Quốc hiện nay: vài nơi đang nổi khùng
trước dự án nào đó tại địa phương "bạn" có "mưu
đồ nham hiểm" là thay đổi dòng nước để phục vụ lợi
ích riêng mà "chẳng biết chia sẻ" cũng như "chẳng biết
sống tử tế là gì". Chỉ với trường hợp này, đã có thể
thấy yếu tố xung đột nguồn nước giữa các địa phương là
quan trọng như thế nào, nói chi đến cấp độ quốc gia. Và
nói như vậy để Trung Quốc thấy mà có thể "thông cảm"
cũng như hiểu tại sao những nước hạ lưu lên án các chương
trình thủy điện Trung Quốc tại thượng nguồn Mekong. Một
nước lớn, hoặc "đang cố chứng tỏ mình lớn" như Trung
Quốc, cần nên hành xử cho ra tư cách "người lớn", mới
là thể hiện của hạng người không phải thuộc phường tà
đạo xảo biện ma giáo!

Mạnh Kim

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8584), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét