Mạnh Kim - Cái giá của sự làm giàu tán tận lương tâm

"<em>Những sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm đã cho
thấy một trạng huống nghiêm trọng về tư duy gian trá và
xuống cấp đạo đức trong xã hội nước ta. Nếu đất nước
chúng ta không có những công dân biết sống tử tế và có
đạo đức làm người thì Trung Quốc còn lâu mới có thể
được xem là một nền kinh tế đáng kính trọng hay một
cường quốc theo đúng nghĩa của nó</em>" – Thủ tướng Ôn
Gia Bảo phát biểu gần đây, trước loạt xì căng đan gây ra
bởi nạn dịch làm giả, làm dối, làm gian, làm ác (đối với)
thực phẩm bị làm độc tiếp tục bùng nổ, như phần tiếp
theo từ "tuyển tập" những mánh khóe làm giàu vô nhân đạo
của dân Trung Quốc…

<h2>"Tuyển tập" những thủ đoạn kinh doanh </h2>

Thật khó có thể hiểu vì đâu mà một bộ phận (không ít)
dân Trung Quốc ham làm giàu đến mức tán tận lương tâm như
vậy, bất chấp khả năng có thể bị tù mọt gông hoặc thậm
chí bị đem đi bắn bỏ! Hai năm sau xì căng đan sữa melamine
gây bàng hoàng (làm chết ít nhất 6 trẻ em và khiến gần
300.000 nạn nhân khác bị bệnh nặng), Reuters (27-4-2011) cho
biết, cảnh sát Trung Quốc mới đây lại tịch thu hơn 26 tấn
bột sữa chứa melamine tại một hãng sản xuất kem ở Trùng
Khánh, mua lại từ một "nhà cung cấp" ở Quảng Tây vào
tháng 3-2011 với giá thấp hơn giá thị trường... Phải nói là
dân Trung Quốc xứng đáng là bậc đại sư phụ trong việc nghĩ
ra đủ trò và thực hiện đủ mánh để làm giàu bằng những
loại "độc phẩm" có một không hai, từ thịt heo… "phát
sáng" (được báo chí Trung Quốc gọi đùa là "thịt lợn
Avatar" bởi nó phát… dạ quang trong bóng tối), bánh mằn
thầu nhuộm, mì sợi "ướp" mực in, đến bánh bao chỉ
nhồi nhân thịt thối… Trong danh sách top 10 xì căng đan thực
phẩm Trung Quốc gần đây nhất, tờ Telegraph (27-4-2011) còn
liệt kê vụ giá đỗ nhiễm sodium nitrite, urea, thuốc kháng sinh
và hormone 6-benzyladenine (giúp tăng trưởng cấp tốc) bị phát
hiện tháng 4-2011 tại Thẩm Dương; vụ bánh bao nhiễm… nhôm
tại Thâm Quyến; đến "dầu ăn" vớt từ hầm cống thải
bên dưới nhà hàng (được một giáo sư Đại học Công nghiệp
Vũ Hán phát hiện)…

Những sự cố liên tiếp và lan rộng như virus đã khiến Chính
phủ Trung Quốc thông qua Luật an toàn vệ sinh thực phẩm năm
2009. Tuy nhiên, luật không nghiêm hoặc không triển khai đến
nơi đến chốn chỉ khiến nó chỉ là thứ trang trí vô tác
dụng. "<em>Các nguyên nhân gây ra những vấn đề vệ sinh
thực phẩm Trung Quốc thì nhiều lắm</em>" – giáo sư Bảo
Thành Thắng (Bao Chengsheng) thuộc Đại học Luật-Chính trị
Thượng Hải ("Thượng Hải chính pháp học viện") nói với
phóng viên AFP – "<em>Mà một trong những yếu tố không thể
không đề cập là hệ thống pháp luật Trung Quốc chưa hoàn
thiện. Vô số qui định không rõ ràng đã gây ra những lỗ
hổng pháp lý…</em>". Đó là chưa kể nạn tham nhũng của
giới chức kiểm soát vệ sinh thực phẩm, như trường hợp
bọn lái thịt lợn hối lộ giới thanh tra để được nhắm
mắt làm ngơ trước thịt heo nhiễm clenbuterol – như được
kể trên Global Times (tờ báo thuộc nhà nước Trung Quốc). Báo
này cho biết, thịt thối xẻ từ xác của khoảng 20-30 triệu
con heo chết vì bệnh đã được tuồn vào thị trường nội
địa Trung Quốc mỗi năm. Trung tuần tháng 4-2011, gần 300 dân
tại thành phố Trường Sa (Hồ Nam) đã phải nhập viện do ngộ
độc "thịt heo tái chế" nhiễm clenbuterol (phụ gia biến
thịt mỡ thành thịt nạc). Chính tại địa phương này, người
ta còn tình cờ phát hiện một "hiện tượng" dị thường
là thịt phát "dạ quang" trong bóng tối (do nhiễm loại vi
khuẩn phát sáng)!

Trong bài viết ngày 6-4-2011, Tân Hoa Xã đã đặt
tít "Ai có thể bảo đảm an toàn cho thịt lợn Trung Quốc
đây?". Yếu tố lỏng lẻo của pháp luật một lần nữa đã
thể hiện trong vụ thịt chứa clenbuterol. Khi sự việc bị phơi
bày, Vạn Long - tổng giám đốc điều hành Song Vị
(Shuanghui-nhà cung cấp thịt lớn nhất Trung Quốc) - chỉ "xin
lỗi", thay vì bồi thường cho nạn nhân hay bị điều tra tội
phạm hình sự cụ thể. Họ Vạn thú nhận rằng đó là "sai
sót" của công ty; và nói thêm, sự việc đã khiến Song Vị
tổn thất hơn 12,1 tỉ tệ, tức khoảng 1,85 tỉ USD. Doanh số
Song Vị năm 2008 đạt đến 35 tỉ tệ, tức chừng 5,34 tỉ USD;
được xếp hạng 166 trong 500 công ty lớn nhất Trung Quốc (Asia
Times, 8-4-2011). Một công ty lớn như vậy còn làm ăn tắc trách
huống hồ những "nhà sản xuất nhỏ"! Cần biết, thịt
lợn là thực phẩm phổ biến nhất Trung Quốc. Mỗi năm, hơn
600 triệu con heo được giết mổ để cung cấp cho thị trường
– theo Vương Tông Lập (Wang Zongli), viên chức thuộc Bộ nông
nghiệp Trung Quốc. Trong khi đó, "phong trào" nuôi lợn bằng
clenbuterol đã phổ biến nhiều năm qua mà chẳng nhà chức trách
địa phương nào để ý và kiểm soát (hoặc biết mà vẫn dung
túng). Cần biết, thịt heo nạc có thể bán cao hơn 1,6 tệ/kg so
với thịt heo mỡ. Trường hợp ngộ độc thịt lợn clenbuterol
khiến hơn 300 người tại Thượng Hải bị nhập viện năm 2006
cho thấy rằng, vụ việc chẳng phải là mới và những trường
hợp gần đây thật ra chỉ là những "tình tiết" được
"cập nhật" thêm mà thôi…

<h2>Tại sao không thể kiểm soát?</h2>

Ít nhất 300 triệu người Trung Quốc bị bệnh do ngộ độc
thực phẩm không an toàn mỗi năm – theo báo cáo của Ngân hàng
phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức y tế thế giới (WHO). Trong
quyển sách nghiên cứu của mình, tác giả Chu Thanh (Zhou Qing)
thậm chí tiết lộ vô số vụ động trời khác: nước tương
chứa tóc nhiễm thạch tín; bánh chiên dòn (snack) chứa hormone
đến mức làm mọc lông mặt trên những bé trai 6 tuổi và
ngực trên các bé gái 7 tuổi; nhiều hóa chất "quái đản"
dùng nuôi lợn để thịt lợn trông "tươi ngon"… Ông Chu cho
biết thêm các bà nội trợ Nga từng "thất kinh hồn vía" khi
phát hiện thủy ngân trên chảo sau khi chiên thịt lợn nhập
từ Trung Quốc! Cũng trong quyển sách của ông Chu, người ta còn
biết rằng nhiều nông trại hải sản Trung Quốc từng đổ
thuốc ngừa thai vào hồ để vật nuôi mập ninh ních! Trong một
vụ tai tiếng từng gây chú ý năm 2001 tại cảng Chu San (tỉnh
Chiết Giang), một số viên chức địa phương cho rằng nhiều
hóa chất độc phát hiện trong tôm nhập vào châu Âu là do
thuốc khử trùng mà một số nữ công nhân dùng rửa vết
thương; trong thực tế, theo ông Chu, dân nuôi hải sản tại
một số tỉnh Trung Quốc đã dùng malachite (gây ung thư) để
ngăn nhiễm nấm trong hồ.

Tại sao không thể kiểm soát tiêu chuẩn an toàn sức khỏe
đối với hàng hóa Trung Quốc? Cách đây hơn ba thập niên, tất
cả nhà sản xuất lớn Trung Quốc đều là công ty nhà nước
và do đó việc kiểm soát được thực hiện tương đối chặt
chẽ. Bây giờ, nhiều công ty vốn từng thuộc nhà nước nay
đã được tư nhân hóa, khiến việc rà soát trở nên lỏng
lẻo. Nạn tham nhũng phổ biến cũng khiến vấn đề kiểm soát
nghiêm túc trở thành chuyện bất khả thi. Chạy theo lợi
nhuận, người ta cạnh tranh sản xuất hàng thật rẻ để bán
được thật nhiều. Thế là để giá thành thật thấp, một
số doanh nghiệp tham lam phải liên tục "sáng kiến đổi
mới" bằng những tiểu xảo ma mãnh, bất chấp sinh mạng và
tổn thất nghiêm trọng cho cộng đồng. Nghư nghiệp hiện là
một trong những lĩnh vực lỏng lẻo nhất Trung Quốc, nơi có
200 triệu nhà nông, những người mong làm giàu cực nhanh bằng
mọi giá. "Kinh nghiệm làm giàu" từ các thủ đoạn vô nhân
đạo cứ vậy mà truyền tai… Cần nhắc lại, ngày 10-7-2007,
Trịnh Tiêu Du – cựu giám đốc Cơ quan quản lý thực-dược
phẩm nhà nước Trung Quốc (SFDA) – đã bị "hổ đầu
trảm" tội nhận hối lộ khoảng 850.000 USD từ 8 công ty
dược phẩm. Thời "Trịnh lão gia" tại chức, SFDA từng bật
đèn xanh cho việc tung ra thị trường nhiều loại thuốc kém
chất lượng trong đó có loại kháng sinh làm chết hơn 10 nạn
nhân. Những vụ trừng phạt tương tự hiển nhiên là tín hiệu
cảnh cáo cho thấy công lý dường như vẫn hiện diện trên
tổng thể tranh tối tranh sáng của một nước đang phát triển.

Cơ quan bảo vệ môi trường nhà nước Trung Quốc (SEPA) hiện
có 300 người làm việc tại tổng hành dinh Bắc Kinh cùng
khoảng 60.000 nhân viên tại các văn phòng trực thuộc rải rác
Trung Quốc. Số nhân lực này có vẻ ấn tượng khi so với
17.500 nhân viên của Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ. Tuy
nhiên, nhân viên SEPA lại phải báo cáo cho chính quyền địa
phương và như vậy khó có thể ngăn được tình trạng hối
lộ để bưng bít, vượt ngoài tầm quan sát trung ương. Thử xem
một ví dụ. Tại Thái Hồ, nguồn nước cho 2,3 triệu cư dân
thành phố Vô Tích, đã bị ô nhiễm nghiêm trọng khi nhiều nhà
máy công nghiệp mọc lên xung quanh vào thập niên 1990. Năm 1999,
chính quyền địa phương cho biết vấn đề ô nhiễm Thái Hồ
đã được khắc phục khi các nhà máy cam kết lắp hệ thống
xử lý nước thải. Tuy nhiên, do chi phí hệ thống xử lý
nước thải tốn kém nên trong thực tế, các nhà máy vẫn tống
nước bẩn vào Thái Hồ. Tình trạng ô nhiễm Thái Hồ đến nay
vẫn nghiêm trọng (đến phim trường Tam Quốc Chí ven Thái Hồ
vào tháng 7-2007, chúng tôi đã chứng kiến tận mắt dòng nước
xanh lởn vởn dầu loang tại một trong những vùng hồ đẹp
nhất thế giới này – MK). Việc kiểm soát thực phẩm cũng
tương tự. SFDA hiện sử dụng 1.700 nhân viên nhưng 80% nhà sản
xuất thực phẩm Trung Quốc (khoảng 350.000 doanh nghiệp) đều
là nhà sản xuất nhỏ với không đến 10 nhân công; và các cơ
sở này hoàn toàn chẳng cần quan tâm gì đến khái niệm tiêu
chuẩn an toàn... Nạn dịch hàng dỏm, hàng kém chất lượng,
hàng (nhiễm) độc… đang bùng nổ còn cho thấy thêm mặt trái
của tốc độ phát triển phi mã Trung Quốc bắt đầu lộ rõ.
"Mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc dựa vào khái niệm
đơn giản là mở rộng sản xuất" – phát biểu của nhà kinh
tế học Trần Tú San (Chen Xiushan) thuộc Đại học Nhân dân
(Bắc Kinh) – "Và mô hình này đang ở giai đoạn nhạy cảm
đỉnh điểm".

<h2>Cái giá của tư duy giàu xổi </h2>

Ảnh hưởng từ những tai tiếng vệ sinh an toàn thực phẩm còn
gây tổn thất cho kinh tế xuất khẩu Trung Quốc. Cần nhớ
rằng, toàn cầu hóa có thể tạo điều kiện thông thương
nhưng mặt khác nó cũng là yếu tố khiến mậu dịch bị ách
tắc tức thì, một khi đổ bể tai tiếng do làm ăn bê bối.
Rất nhiều thị trường thế giới đang hạn chế hoặc cấm
hẳn nhiều mặt hàng "made in China", đặc biệt thực-dược
phẩm. Con số thiệt hại chưa được ghi nhận nhưng hàng trăm
triệu đôla hẳn nhiên là chắc chắn, chỉ ở thời điểm
trước mắt! Một lần bất tín, vạn lần bất tin – người
Trung Quốc đang thấm thía câu nói trên. Nếu ý thức người
dân chưa được nâng cao, việc giáo dục-tuyên truyền chưa
được thực hiện tốt, việc tử hình vài ba anh Trịnh Tiêu Du
nữa cũng sẽ chỉ là giải pháp trấn an mang tính đối phó, cho
một vấn đề lớn đến mức nó không thể chỉ được xử lý
ở phần ngọn!

Việc không thể giáo dục ý thức người dân để nảy sinh
những tai tiếng liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm, đúng như
Thủ tướng Ôn nói, còn cho thấy vấn đề đạo đức con cháu
họ Khổng đang thật sự đáng báo động; và nó cũng cho thấy
yếu tố an ninh xã hội Trung Quốc đáng là đề tài cần quan
tâm. "Phú quý ưng tu trí thân tảo-富 貴 應 須 致 身 早"
(Cần sớm giàu sang để mà phụng sự) – người xưa nói thế;
và "Trí phú quang vinh-致富光荣" (Làm giàu là vinh quang) –
Đặng Tiểu Bình nói vậy. Tuy nhiên, cách người Trung Quốc
đang thực hành những câu nói trên cho thấy thấy họ đang
sống với một tư duy méo mó và một não trạng lệch lạc
đến mức bệnh hoạn! Cho nên trách sao được, khi dân Trung
Quốc thế hệ hiện tại, dù giàu gấp mấy lần so với thế
hệ Đặng Tiểu Bình, vẫn không thể thấy họ hạnh phúc –
một khái niệm bắt đầu được đề cao và nâng lên tầm quan
trọng đến mức nó được xem là tiêu chí phải đạt tới và
được nêu rõ trong Kế hoạch phát triển 5 năm (2011-2015) cũng
như trong báo cáo của Thủ tướng Ôn tại phiên khai mạc kỳ
họp Quốc hội hàng năm ngày 4-3-2011. Trong báo cáo, Thủ tướng
Ôn nói, mục tiêu chính phủ là làm sao để "người dân sống
hạnh phúc hơn với phẩm giá đạo đức cao hơn". Ông Ôn
định nghĩa rằng "hạnh phúc có nghĩa là người dân sống
thoải mái, cảm thấy yên ổn, an toàn và tự tin cho tương
lai". Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, người Trung Quốc đang thấy
rất bất an khi sinh mạng họ lẫn và con cháu họ đang bị đe
dọa nghiêm trọng bởi cơn lốc "trí phú quang vinh" càn quét
với làn phong ba cực độc và cực ác. Sự hoang mang của họ
đã thể hiện cụ thể ở một khảo sát gần đây do Viện
Gallup tổ chức, theo đó, tại Trung Quốc, có đến 94% ý kiến
trả lời rằng họ chẳng thấy hạnh phúc chút nào (xếp hạng
125 thế giới) – như được thuật trên The Guardian (10-3-2011).

Vài năm trước khi chết năm 1976, Chu Ân Lai có lần nói với
một vị khách nước ngoài rằng, những gì được ca tụng và
tô điểm đẹp đẽ mà người ta thấy nhan nhản trên các mặt
báo Trung Quốc, như những "thành tích cụ thể" của không
khí phát triển hừng hực, thật ra chính là những thứ mà Trung
Quốc cần phải tích cực cải tổ mới có thể mong đạt
được như thế (Asia Times 8-4-2011)! Hơn ba thập niên sau, hình
ảnh con đường mà ông Chu viễn kiến dường như vẫn còn xa
mù diệu vợi, để Trung Quốc có thể được công nhận là
"một nền kinh tế đáng kính hay một cường quốc theo đúng
nghĩa của nó"! Và đây mới là một thực tế hãi hùng và
rùng rợn của mặt sau tấm huy chương GDP lấp lánh (như ánh
lân tinh của những tảng "thịt lợn Avatar") mà Trung Quốc
luôn trưng ra để rung đùi tự sướng với cảm giác họ là
"nền kinh tế lớn thứ hai" toàn cầu! Không phải vậy sao?

Mạnh Kim


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8659), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét