Khám phá "đường dây buôn tiền" chi viện miền Nam

Đã có một "đường dây buôn tiền" có một không hai trong
lịch sử của những người cộng sản mà hành tung của họ
còn ly kỳ gấp nhiều lần những phim trinh thám, tồn tại hàng
chục năm giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gay
go, gian khổ nhất. Những người buôn tiền đã âm thầm hoạt
động trên khắp thế giới và trong lòng địch, chuyển hàng
trăm triệu USD vào chiến trường, đổi ra tiền riel Campuchia,
tiền bath Thái Lan, tiền chính quyền Sài Gòn, để nuôi quân,
đánh thắng kẻ thù.

Ban tài chính đặc biệt là hệ thống gồm hai đầu mối chính
hợp thành cơ cấu tài chính thống nhất trong cả nước, gồm
Ban Tài chính đặc biệt, bí số N.2683 ở miền Nam và Quỹ
ngoại tệ đặc biệt, bí số B.29 ở miền Bắc. N.2683 có chân
rết ở Bắc Kinh, Hồng Công, Paris, Phnom Penh… B.29 thuộc Cục
Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, tiền thân của Ngân hàng
Ngoại Thương, hoạt động đơn tuyến, chịu sự chỉ đạo
trực tiếp của Bộ chính trị, có nhiệm vụ quan hệ và tiếp
nhận viện trợ bằng ngoại tệ của nước bạn và các tổ
chức, cá nhân, Việt kiều yêu nước trên thế giới để
chuyển vào miền Nam, từ đó đưa đến những nơi cần thiết.

<h2>Hơn 200 ngân hàng chuyển tiền cho miền Nam đánh Mỹ</h2>

Từ năm 1954 đến năm 1959, nguồn tài chính của Đảng ở miền
Nam chủ yếu là số vàng, tiền Đông Dương do ta để lại khi
lực lượng chủ lực đã tập kết ra Bắc theo hiệp định
Genève; ngoài ra là vàng, tiền ta bí mật gửi vào sau và đặc
biệt là nguồn thu từ các tổ chức kinh tế hoạt động công
khai trong lòng địch. Từ năm 1960 đến năm 1964, sau khi bộ
chính trị ra nghị quyết 15 khẳng định đường lối vũ trang
đánh Mỹ, ban Tài chính đặc biệt xây dựng cơ sở bình phong
tại Phnom Penh, tại Sài Gòn để chuẩn bị tiếp nhận chi viện
từ hậu phương lớn nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Thời gian này, việc chi viện cho miền Nam chủ yếu bằng
phương thức thô sơ: vận chuyển tiền mặt từ miền Bắc vào
bằng đường bộ theo đường dây 559, đường thủy theo
đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và quá cảnh sang Campuchia
bằng đường hàng không. Theo cách này, mỗi khi đưa tiền đi,
ông Hai Hùng (cố Thủ tướng Phạm Hùng) điện gọi ông Thùy
Vũ, phụ trách cơ quan đại diện cho chính phủ Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa tại Phnom Penh về Hà Nội. Cán bộ B.29 mang lệnh
của ông Hai Hùng đến Cục Ngoại hối nhận tiền, rồi chở
về, gói gém dưới dạng hàng mẫu cho Thùy Vũ mang sang Phnom
Penh, giao lại cho người của ông Thăng Long (Mười Phi – tức
Nguyễn Văn Phi ) đưa về miền Nam, mỗi lần mấy triệu USD.
Lại có lần, ông Lê Hoàng, Cục phó Cục ngoại hối, phái viên
của B.29 một mình ôm cặp ngoại giao đựng hơn 3 triệu USD mua
từ Ngân hàng Thụy Sỹ, quá cảnh Matxcova về Hà Nội an toàn.

Chuyển tiền mặt có nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, chỉ
cần một mắt xích trong đường dây bị đứt sẽ gây tổn
thất không nhỏ cho cả hệ thống, chưa kể trên đường đi,
có lần xe của đoàn 559 chở "hàng Z" bị máy bay địch ném
bom, mất hàng triệu USD. Ban Tài chính đặc biệt đã chuyển
hướng, bắt đầu đánh thông đường công khai bằng cách
chuyển một số chủng loại hàng hóa gọn nhẹ, dễ quy đổi ra
tiền mặt.

Năm 1965, ông Ba Châu (Lữ Minh Châu) được cử vào chiến
trường, tổ chức triển khai phương án thanh toán đặc biệt
qua hệ thống ngân hành nước ngoài. Ba Châu đã tốt nghiệp
đại học ngành tài chính – ngân hàng tại Liên Xô năm 1964,
nắm vững nghiệp vụ ngân hàng hiện đại. Đi bộ theo đường
Trường Sơn hơn 2 tháng trời, người đàn ông gày gò, bị cắt
hai phần ba dạ dày đã vào đến chiến trường khu Năm, rồi
sang Campuchia, "lặn luôn trong Việt kiều". Suốt từ đó
đến năm 1975, hơn 10 năm hoạt động trong lòng địch, ông Ba
Châu cùng các đồng chí của mình lập nên một đường dây
buôn tiền độc đáo, có một không hai trong lịch sử.

<img
src="http://bee.net.vn/dataimages/201104/original/images685045_xl_ong_ba_Lu_minh_chau.jpg"
/>
<center><em>Ông Lữ Minh Châu và vợ xuất hiện như một nhân
chứng trong chương trình "Như chưa hề có cuộc chia
tay"</em></center>

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục, trực tiếp là ông
Phạm Văn Xô (Hai Xô), ủy viên Trung ương Đảng, Thường vụ
Trung ương Cục, Chủ tịch hội đồng cung cấp tiền phương
miền Nam, việc phối hợp giữa Hà Nội, Sài Gòn, Phnom Penh và
các đầu mối ở nước ngoài được thiết lập chặt chẽ,
bài bản. B.29 đã huy động hơn 200 cán bộ, nhân viên Ngân hàng
Ngoại thương ở trong nước và nước ngoài, sử dụng một hệ
thống hơn 200 ngân hàng nước ngoài trên khắp thế giới để
thực hiện nghiệp vụ đặc biệt: Chuyển tiền cho miền Nam
đánh Mỹ.

Để thực hiện việc chuyển khoản, ta được một số thương
nhân hỗ trợ, trong đó có Tư Trần An, một thương nhân Hoa
Kiều giàu có. Trần An là đầu mối buôn vàng lớn ở Chợ
Lớn, chuyên nhập vàng từ Hồng Công nên cần có nguồn ngoại
tệ kí gửi tại đó để thanh toán cho những chuyến nhập
vàng. Trước đây ông Trần An làm việc tại Ngân hàng Đông
Dương Sài Gòn, chuyên về thu đổi ngoại tệ nên rất am hiểu
thị trường, lại có hệ thống thông tin, vận chuyển riêng
rất an toàn. Tiền bán vàng của Trần An được chuyển cho Dân
Sanh, người của N.2683 rồi chuyển về chiến khu. Sau đó, ta
chuyển trả tiền cho Trần An theo tài khoản ở Hồng Công theo
quy ước riêng. Ngoài Trần An còn có đảng viên Năm Tấn, giám
đốc công ty Tân Á, một công ty lớn có uy tín trên thương
trương Campuchia và trong giới kinh doanh Hoa kiều. Nói thì đơn
giản vậy nhưng giữ được an toàn bí mật những mối "làm
ăn" này trong hàng chục năm là một kỳ tích không nhỏ và
những thương gia trượng nghĩa như Trần An đã cộng tác với
ta không hẳn chỉ vì lợi.

Tiền chuyển về Sài Gòn được "chế biến" thông qua các
tổ chức bình phong của ta như Công ty Phương Mai, một hãng
buôn lớn do ông Dân Sanh phụ trách. Có lúc ông Dân Sanh đã
dùng cả đoàn xe vận tải 40 chiếc và 2 tàu cận duyên của
hãng để vận chuyển tiền. Ngoài ra còn có hàng loạt kho chứa
bí mật ở khắp nơi.

<h2>Cuộc giải cứu ngoạn mục</h2>

Đầu năm 1970, nhờ Tư Năng, Việt kiều làm việc trong một nhà
in ở Campuchia, ta nắm được tin chính phủ Campuchia chuẩn bị
đổi tiền, cùng với đó là những dấu hiệu về một cuộc
đảo chính lật đổ Quốc trưởng Sihanouk. Nhận định đây mà
màn mở đầu thực hiện âm mưu làm suy yếu lực lượngta khi
địch đánh hơi thấy ta đang nắm giữ một lượng lớn tiền
riel không nhỏ, ta khẩn trương gom tiền riel từ khắp các
chiến trường, chuyển sang công ty Tân Á tại Phnom Penh. Dù
thời gian gấp gáp, công việc thu gom tiền vẫn được tổ
chức rất tốt, trừ tiền ở B3 biên giới Tây Nguyên không
đưa về kịp, mất khoảng 4-5 triệu riel.

Ngày 24/2/1970, Chính Phủ Campuchia ra lệnh đổi tiền. Thông qua
Công ty Tân Á, toàn bộ số tiền của ta đã được đổi,
nhưng ngày 18/3/1970, Lon Nol làm đảo chính lật đổ Quốc
trưởng Sihanouk, mở cuộc tàn sát Việt kiều quy mô lớn chưa
từng có, đập phá Sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một
số lượng tiền riel rất lớn và hàng triệu USD có nguy cơ
mất sạch do còn kẹt lại Tân Á.

Ông Ba Châu đã tổ chức đào hầm ngay tại nhà kho Công ty Tân
Á, chỉ trong hai ngày, toàn bộ số tiền riel và USD đã được
chôn giấu cẩn thận dưới một nên xi măng chịu được xe
tải nặng. Những ngày này, do thiếu tiền, bộ đội ở căn
cứ phải giảm 50% khẩu phần ăn. Mãi đến ngày 11/4/1970, số
tiền trên mới được chất lên 2 xe tải chở mắm bò hóc,
xuyên thủng vòng vây của địch, về tới nơi an toàn. Sau đó,
trải qua nhiều nguy hiểm, Ba Châu về được Sài Gòn, hoạt
động trong lòng địch cho đến ngày giải phóng.

<h2>Đoạn kết</h2>

Sau ngày miền Nam giải phóng Ban Tài chính đặc biệt giải
thể, cán bộ N.2683, B.29 nhận nhiệm vụ khác. Các ông Mười
Phi, Ba Châu và nhiều đồng chí trong "đường dây buôn
tiền" trở thành cán bộ chủ chốt của ngành Tài chính –
Ngân hàng. Các ông đã góp phần phá bỏ sự trì trệ của cơ
chế bao cấp, nhất là trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng,
đưa nền kinh tế đất nước chuyển sang giai đoạn đổi mới.
Đầu tháng 6/1986, ông Lữ Minh Châu được bổ nhiệm làm Bộ
trưởng, Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữa
lúc nền kinh tế lâm vào thảm cảnh do hậu quả của cơ chế
tập trung quan liêu bao cấp kéo dài cộng với sai lầm trong
chính sách giá – lương – tiền, lạm phát lên đến 774.7%.
Bằng tài năng, kinh nghiệm của mình, trên cương vị người
đứng đầu ngành Ngân hàng đất nước, ông Ba Châu đã đề
xuất nhiều biện pháp góp phần đẩy lùi lạm phát. Năm 1987,
tỷ lệ lạm phát còn 223,1%, sang năm 1989 chỉ còn 34,7%.

Vì nhiều lý do, sau hàng chục năm chiến công của "đường
dây buôn tiền" có một không hai mới được chính thức công
nhận. Ngày 28/4/2009, Chủ tịch nước đã quyết định phong
tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tài
chính đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam (Bí số N.2683)
thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phòng B.29 (Quỹ đặc
biệt) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì đã có thành tích
đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
cứu nước. Nhiều người trong đường dây đã không còn sống
đến ngày nay. Thế nhưng chiến công của họ còn mãi trong
lịch sử dân tộc.

<div class="special_quote">Từ năm 1965 đến 1975, Ban Tài chính đặc
biệt đã tiếp nhận và chuyển tiếp vào chiến trường hơn 678
triệu 700 nghìn USD, gồm hơn 262 triệu là tiền viện trợ, hơn
24 triệu là tiền của các tổ chức và cá nhân quốc tế,
Việt kiều yêu nước ủng hộ, 21 triệu là tiền lãi kinh doanh
chuyển đổi và gửi ngoại tệ, gần 7,5 triệu là lãi từ
tiền dự trữ cho chiến trường đến sau ngày giải phóng.</div>

Theo tài liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

____________________________________

<em>Nhân trong bài viết có đề cập đến ông Phạm Văn Xô (Hai
Xô), Dân Luận xin đăng lại một lá thư được cho là của ông
Phạm Văn Xô tố cáo ông Lê Đức Anh vào năm 2005, trước khi
ông Phạm Văn Xô mất:</em>

<h2>Thêm một tiết lộ về Lê Đức Anh của cán bộ cách mạng
lão thành Phạm Văn Xô - Đồng Văn Cống - Nguyễn Văn Thi</h2>

<div class="special_quote"><strong>LTS Thông Luận:</strong> Sau đây là
nguyên văn một thư của ba nhân vật lịch sử của đảng Cộng
Sản Việt Nam. Đó là các ông Hai Xô (95 tuổi), Bảy Cống (87
tuổi) và Năm Thi (85 tuổi). Các vị này nói ra những điều họ
biết về nhân vật Lê Đức Anh, con người có quyền lực
nhất, hầu như quyết định tất cả, tại Việt Nam trong 15 năm
qua sau khi Lê Đức Thọ qua đời.

Giá trị của tài liệu này là ở chỗ nó do những người trong
cuộc, biết rõ về ông Lê Đức Anh và một phần nào đó
quyết định giai đoạn đầu của sự nghiệp của nhân vật
này. Độc giả không khỏi thắc mắc tại sao ông Lê Đức Anh
chỉ được kết nạp vào đảng cộng sản tháng 4-1945 mà ngay
sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9-3-1945 đã là một cấp
chỉ huy khá quan trọng ? Mâu thuẫn này, nếu có thể gọi là
mâu thuẫn vì tình hình lúc đó rất phức tạp, càng nói lên
sự trung thực của những điều họ viết ra, biết sao nói
vậy, không thêm bớt.


Qua những điều họ viết ra thì Lê Đức Anh là một nhân vật
rất thủ đoạn và nhẫn tâm, tuy không phải là người lãnh
đạo tài ba. Nhân vật Lê Đức Anh có rất nhiều bí ẩn. Lên
chức rất nhanh trong giai đoạn đầu, năm 1956 đã là thượng
tá tham mưu phó quân khu Hữu Ngạn (do thiếu tướng Trần Độ
làm chính ủy), được gửi vào miền Nam từ 1960 với quân hàm
đại tá, ông đã bị thất sủng, không được thăng chức trong
suốt 15 năm chiến đấu tại miền Nam với chức vụ tư lệnh
quân khu 9. Sau ngày 30-4-1975, ông bỗng nhiên được Lê Đức
Thọ, con người nắm hầu hết quyền lực trong đảng cộng
sản, đặc biệt chiếu cố, được thăng đột ngột lên trung
tướng không qua cấp thiếu tướng, rồi trở thành đại
tướng, ủy viên bộ chính trị năm 1982. Từ đó ông trở thành
tay mặt của Lê Đức Thọ. Từ đại hội 7, ông trở thành
nhân vật quyền lực nhất Việt Nam, thay thế Lê Đức Thọ.

Lê Đức Anh đã đóng vai trò quyết định trong việc cản trở
tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. có thể nói nếu không có Lê
Đức Anh thì đợt đổi mới bắt đầu từ cuối năm 1986 với
tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã tiếp tục và lịch sử Việt
Nam đã thay đổi. Như vậy Lê Đức Anh đúng là một nhân vật
lịch sử, dù là một nhân vật lịch sử rất tác hại cho
đất nước. Hiện nay Lê Đức Anh dù không còn nắm một chức
vụ chính thức nào, vẫn là người đứng đầu phe chống dân
chủ, đang khống chế đảng cộng sản. Địa vị của Lê Đức
Anh tương tự như Đặng Tiểu Bình tại Trung Quốc trong những
năm cuối đời. Nhưng Lê Đức Anh không có cái tầm nhìn của
Đặng Tiểu Bình.

Từ năm năm qua, Lê Đức Anh là đối tượng của những đả
kích phẫn nộ từ những người dân chủ và những đảng viên
lão thành cao cấp của đảng cộng sản. Lê Đức Anh sẽ còn
kiểm soát được tình hình đến bao giờ ? Điều chắc chắn
là ông đã mất hầu hết uy tín và không còn là một chỗ dựa
cho phe bảo thủ chống dân chủ nữa. Trần Đức Lương, người
được ông chỉ định kế vị sẽ không thể khống chế đảng
cộng sản được nữa sau khi ông qua đời. Phe bảo thủ sẽ
không thể duy trì được và tình hình Việt Nam chắc chắn sẽ
có thay đổi lớn.</div>

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 02 năm 2005

Kính gởi:

- Bộ chính trị
- Ủy ban kiểm tra trung ương đảng
- Ban chấp hành trung ương đảng khóa 9
Đồng kính gởi :
- Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Đ/c Lê Khả Phiêu, nguyên tổng bí thơ
- Đ/c Nguyễn Đức Tâm, nguyên ủy viên bộ chính trị, trưởng
ban tổ chức trung ương

Chúng tôi gồm:

1. Phạm Văn Xô (Hai Xô) sinh năm 1910, vào đảng năm 1930, nguyên
ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Bộ thời kháng chiến chống
Pháp; ủy viên thường vụ Trung ương Cục miền Nam - trưởng
ban kiểm tra trung ương Cục thời chống Mỹ, nguyên ủy viên ban
chấp hành trung ương đảng ; ủy viên ban kiểm tra trung ương
khóa 3, nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh.

2. Đồng Văn Cống (Bảy Cống), trung tướng, sinh năm 1918,
nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 99 Nam Bộ thời kháng chiến
chống Pháp ; tư lệnh quân khu 9, phó tư lệnh quân giải phóng
miền Nam, ủy viên quân ủy Miền thời kháng chiến chống Mỹ ;
tư lệnh quân khu 7, phó tổng thanh tra quân đội sau ngày đất
nước thống nhất, nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Văn Thi (Năm Thi) sinh năm 1920, nguyên ủy viên ban cán
sự đảng, ủy viên tỉnh ủy, ủy viên thường vụ tỉnh ủy
Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) từ năm 1942 đến năm
1946, chi đội trưởng chi đội I, liên trung đoàn trưởng
301-310, tư lệnh đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn (1950), bí thư đảng
bộ nhà tù Côn Đảo (1953) thời kháng chiến chống Pháp ; chủ
nhiệm hậu cần bộ chỉ huy Miền thời chống Mỹ, nghỉ hưu
tại thành phố Hồ Chí Minh.

Có thư báo cáo và kiến nghị lên các cơ quan lãnh đạo cao
nhất của đảng mấy điểm sau đây:

Thời gian qua, nhiều cán bộ lão thành cách mạng và cựu chiến
binh cao tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ
đến gặp chúng tôi hỏi tình hình nội bộ đảng. Họ đưa
chúng tôi xem nhiều tài liệu mà con cháu họ truy cập được
từ Internet. Trong các tài liệu đó, có thư của nhiều tướng
lĩnh và lão thành cách mạng gửi bộ chính trị và trung ương
khóa 9, đặc biệt là thư ngày 3-1-2004 của đại tướng Võ
Nguyên Giáp ; các thư của thượng tướng Nguyễn Nam Khánh,
nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân Đội Nhân Dân
Việt Nam, nguyên ủy viên trung ương đảng các khóa 5, 6, 7; của
đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh, 65 tuổi đảng, nguyên cục
trưởng cục tổ chức Tổng cục chính trị Quân Đội Nhân Dân
Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp, ủy viên trung ương
đảng khóa 3 ; của đồng chí Nguyễn Tài, anh hùng lực lượng
vũ trang nhân dân, nguyên thứ trưởng bộ công an, phó chủ
nhiệm ủy ban pháp luật của quốc hội khóa 8.

Các bức thơ tâm huyết đó đều kiến nghị bộ chính trị
phải sớm đưa ra hội nghị trung ương đảng xem xét và xử lý
một loạt các vụ việc nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong
đảng hàng chục năm qua, trong đó có vụ T4, từng được bộ
chính trị khóa 8 bàn giao lại cho bộ chính trị khóa 9 và
được coi là "một vụ án chính trị siêu nghiêm trọng" nhưng
đến nay vẫn chưa vạch mặt những kẻ cầm đầu để xử lý
một cách triệt để.

Những vụ việc trên, chúng tôi ít nhiều đều có nghe, có
biết. Qua các thư trên, chúng tôi càng hiểu rõ hơn. Nhưng do
phải chờ kết luận của trung ương, chúng tôi không thể giải
thích cho những người đến hỏi.
Nay xin báo cáo và cung cấp một số tư liệu để trung ương có
thêm căn cứ xem xét nguồn gốc các vụ việc nói trên.

Theo chúng tôi thì những vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong hơn
hai chục năm qua, từ vụ Xiêm Riệp (1983), Sáu Sứ (1991), vụ
nâng Cục 2 lên thành Tổng Cục 2 với quyền hạn siêu đảng,
siêu nhà nước, được hợp pháp hóa bằng pháp lệnh tình báo
của quốc hội và nghị định 96/CP của chính phủ, vụ T4
(1997-1999), đến vụ nói xấu, vu khống nhằm lật đổ tổng bí
thư Lê Khả Phiêu trước đại hội 9, v.v., đều có bàn tay
của nhân vật từng hoạt động cách mạng và kháng chiến ở
Nam Bộ mà chúng tôi đều biết rõ. Đó là nguyên cai đồn
điền cao su, nguyên chủ tịch nước, nguyên cố vấn Lê Đức
Anh.

Vì sự trong sạch và vững mạnh của đảng, với ý thức trách
nhiệm của những người cộng sản từng gắn bó với đảng
và hoạt động ở Nam Bộ hơn sáu bảy chục năm qua, chúng tôi
xin báo cáo với đảng một số hiểu biết về Lê Đức Anh như
sau:

<strong>1.</strong> Lê Đức Anh không phải là công nhân cao su như
tự khai trong lý lịch mà là người phụ trách việc chế biến
thực phẩm cho chủ đồn điền và các quan chức Pháp ở Lộc
Ninh (chef des cooperatives) từ đầu thập kỷ 40 của thế kỷ 20,
được anh chị em công nhân cao su đặt cho biệt danh là "cai
lé", do chột mắt vì bệnh đậu mùa. Lê Đức Anh là người
giúp việc thân cận của chủ đồn điền De Lalant (Delalande ?),
một sĩ quan phòng nhì của Pháp. Lương của y cao như lương
của chef de camp.

Năm 1955, sau khi bộ đội Nam Bộ tập kết ra miền Bắc, đồng
chí Trần Văn Trà là tư lệnh kiêm chính ủy, đồng chí Nguyễn
Văn Vịnh là phó chính ủy, đồng chí Đồng Văn Cống làm tham
mưu trưởng, Lê Đức Anh làm tham mưu phó. Thấy Lê Đức Anh
không được vào đảng ủy, đ/c Đồng Văn Cống hỏi thì đ/c
Vịnh trả lời : "Qua lớp chỉnh đảng ở Việt Bắc, lý lịch
của Lê Đức Anh không rõ, nên không giới thiệu".

Trong một lần tâm sự với Lê Đức Anh, đ/c Đồng Văn Cống
hỏi : "Nghe người ta nói cậu là surveillant ?". Lê Đức Anh
không trả lời. Đ/c Đồng Văn Cống hỏi tiếp : "Hay cậu là
2è bureau (phòng nhì) ?". Lúc ấy Lê Đức Anh mới trả lời :
"Tôi làm công chức cho đồn điền".

Đến Đại hội đảng lần 4 năm 1976, đ/c Đồng Văn Cống, Lê
Đức Anh và Nguyễn Chánh Nam Bộ cùng dự đại hội, sinh hoạt
trong đoàn quân sự. Khi xem danh sách giới thiệu vào trung ương
khóa 4, thấy ghi Lê Đức Anh là công nhân cao su, đ/c Đồng Văn
Cống hỏi: "Sao cậu khai là công nhân?". Lê Đức Anh ấp úng
trả lời: "Họ ghi sai, tôi là công chức!".

<strong>2.</strong> Lê Đức Anh không phải là đảng viên từ năm
1938 mà từ tháng 4 năm 1945, khi ban cán sự đảng Thủ Dầu Một
tuyên bố tổ chức y vào đảng và giao nhiệm vụ cho y về gây
dựng cơ sở cách mạng ở đồn điền cao su Lộc Ninh trong một
cuộc họp có 8 người, trong đó có đồng chí Năm Thi tham dự,
vì thấy y tỏ ra hăng hái trong phong trào công nhân cao su ở
Lộc Ninh sau ngày Nhật đảo chánh Pháp. Cuộc họp đó do bí
thơ Văn Công Khai chủ trì bàn việc phối hợp với phe đồng
minh chống phát xít Nhật theo chủ trương chung của mặt trận
Việt Minh.

Do man khai đảng viên từ năm 1938, nên năm 1998, Lê Đức Anh
được tặng huy hiệu 60 năm tuổi đảng, được báo chí,
truyền hình rầm rộ đưa tin trên cả nước!

Đầu năm 2002, để tiếp tục "hợp thức hóa" đảng tịch của
mình, Lê Đức Anh cho công chiếu trên đài truyền hình trung
ương bộ phim tài liệu nhan đề "Đồng chí Lê Đức Anh" vào
tối mùng 4 Tết. Không tìm được "nhân chứng lịch sử" nào
sáng giá hơn, người ta cho xuất hiện một ông anh trong gia
đình để xác nhận "Lê Đức Anh từng đậu Đíp-lôm (bằng
Thành Chung) và vào đảng năm 1938!".

<strong>3.</strong> Lê Đức Anh đã hai lần để sổng toàn quyền
Decoux, thống đốc Nam Kỳ Hoffen và chủ đồn điền De Lalant,
sĩ quan phòng nhì của Pháp.

Trong cuộc đảo chánh Nhật-Pháp ngày 9-3-1945, quân Nhật bắt
được toàn quyền Pháp ở Đông Dương Decoux và thống đốc Nam
Kỳ Hoffen tại Sài Gòn, sau đó giải về giam ở nhà De Lalant,
chủ đồn điền cao su ở Lộc Ninh. Đ/c Năm Thi được giao
nhiệm vụ dẫn một đội vũ trang lên Lộc Ninh tìm cách bắt
sống hoặc tiêu diệt tiểu đội bảo vệ của Nhật, rồi tổ
chức dẫn độ Decoux và đồng bọn lên Buôn Mê Thuột để
đưa ra Bắc chuyển giao cho trung ương. Đ/c Năm Thi đã bàn bạc
với Lê Đức Anh và nhất trí lên kế hoạch phối hợp hành
động. Nhưng đêm hôm sau, y bất ngờ hủy bỏ kế hoạch, viện
cớ sẽ bị quân Nhật kéo lên khủng bố, phá vỡ cơ sở cách
mạng của y!

Tháng 9-1945, khi chỉ huy quân Anh vào Nam vĩ tuyến 16 tiếp nhận
sự đầu hàng của quân Nhật, tướng Gracey đòi Nhật trao
Decoux và đồng bọn cho quân đội Anh. Để ngăn cản việc đó,
tỉnh ủy Thủ Dầu Một chủ trương cắt đường giao thông từ
Lộc Ninh về Sài Gòn, bằng cách đốn cây cản đường từ
Lộc Ninh về Hớn Quản rồi phục kích tiêu diệt lực lượng
áp giải để bắt bọn Decoux, đơn vị của Lê Đức Anh đã
được bổ sung thêm vũ khí để thực hiện nhiệm vụ này. Y
nhận lệnh nhưng đã tránh né, cử người khác làm thay. Tên
này đã lệnh cho tự vệ dỡ cây và mở đường cho bọn Nhật
đưa Decoux, Hoffen và De Lalant về Sài Gòn an toàn!

<strong>4.</strong> Trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống
Pháp ở Nam Bộ, Lê Đức Anh đã bỏ chạy, không tổ chức cho
lực lượng võ trang đánh trả quân Pháp tập kích vào Thuận
Lợi, phá hủy một khối lượng lớn cơ sở vật chất dự
trữ của miền Đông.

Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến, ta chủ
trương di chuyển máy móc thiết bị, vật tư, lương thực của
các đồn điền cao su và các địa phương miền Đông Nam Bộ
về khu vực Thuận Lợi (Phú Riềng cũ) thuộc công ty cao su Dầu
Tiếng là địa bàn ở sâu trong hậu phương ta. Trong khi quân
Pháp tập kích Thuận Lợi, Lê Đức Anh và lực lượng võ trang
thuộc quyền của y đang đóng trên đất Thuận Lợi nhưng đã
không tổ chức chiến đấu đánh trả quân địch mà bỏ chạy
dài về Cổng Xanh, chiến khu Đ. Do đó, Thuận Lợi bị quân
Pháp đốt cháy toàn bộ kho tàng, nhà cửa trong ba ngày đêm
liền. Nghe tin tư lệnh Nguyễn Bình sẽ xử tử mình vì tội
đó, Lê Đức Anh bèn lánh mặt, đưa quân về vùng Bắc Bến
Cát. (Lúc ấy, đ/c Năm Thi là ủy viên thường vụ tỉnh ủy,
chi đội phó, kiêm tham mưu trưởng chi đội I Thủ Dầu Một
nên biết rõ việc này).

<strong>5.</strong> Từ năm 1979 đến 1989, lãnh đạo và chỉ huy
quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu và giúp bạn ở Campuchia,
Lê Đức Anh đã phạm nhiều sai lầm về chính trị và quân
sự.

- Về chính trị: ngoài vụ Xiêm Riệp bắt nguồn từ chủ
trương "đánh địch ngầm" do Lê Đức Thọ và Lê Đức Anh đề
ra, Lê Đức Anh đã có nhiều biểu hiện và hành vi coi thường
bạn, cho kiểm tra nhà ở của một số ủy viên bộ chính trị
đảng nhân dân cách mạng Campuchia, bao biện làm thay, can thiệp
vào công việc nội bộ, bắt bớ đảng viên của bạn khiến
bạn phản ứng và nghi ngờ tình cảm quốc tế trong sáng của
đảng, nhà nước và quân đội ta.

- Về quân sự: đã đánh giá quá thấp kẻ địch, chủ trương
"trong năm 1980, quét sạch quân địch ngoài địa hình mà trọng
điểm là vùng rừng Ô-Ran, đồng thời hoàn thành về cơ bản
nhiệm vụ phá tan âm mưu địch dùng phần tử hai mặt lũng
đoạn đảng và chính quyền của bạn". Đã chỉ đạo chiến
tranh theo kiểu ăn đong, năm này chưa xong thì năm sau, kéo dài
đến mười năm vẫn chưa diệt được đối thủ mà Lê Đức
Anh gọi là "tàn quân" Pôn Pốt!

Từ cuối năm 1979, Lê Đức Anh đề ra chủ trương "khóa chặt
biên giới", "xây dựng tuyến phòng thủ biên giới" với mật
danh K5 bằng cách huy động đông đảo nhân dân các địa
phương nước bạn, từ rừng núi đến đồng bằng lên biên
giới cùng quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội bạn chặt
cây, đào hào, rải chông và căng giây thép gai nhằm ngăn chặn
quân Pôn Pốt từ Thái Lan vào đất Campuchia (!). Mặc dù ta và
bạn đã bỏ ra nhiều công sức và tiền của trong nhiều năm,
nhưng biên giới vẫn không "khóa chặt" được, địch vẫn mở
được hành lang qua biên giới vào nội địa, xây dựng được
nhiều căn cứ dọc biên giới, có nơi vào sâu đến 30, 40
kilômét.

Do chủ trương sai lầm của Lê Đức Anh mà hàng chục vạn cán
bộ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cũng như bộ đội và
nhân dân bạn đã bỏ xác trên tuyến biên giới dài 1.200 km
cũng như trong nội địa do bị địch đánh úp, do mìn và sốt
rét ác tính !

Mặc dù vậy, đến năm 1983, Lê Đức Anh vẫn cho rằng ở
Campuchia chưa có chiến tranh, chỉ mới là những "hoạt động du
kích" của "tàn quân Pôn Pốt". Chúng sẽ bị tàn lụi vào năm
1985 như nghị quyết của ban cán sự và bộ tư lệnh 719 ! Khi
bộ phận tiền phương của cục khoa học quân sự bộ tổng
tham mưu tại Campuchia đề nghị nên có sự đánh giá khách quan
hơn, có sự chỉ huy chiến tranh bài bản hơn trên cơ sở nghiên
cứu tính chất và đặc điểm của cuộc chiến tranh ở
Campuchia để tìm ra quy luật đặc thù của nó, thì Lê Đức Anh
nổi giận, ra lệnh cho cơ quan tiền phương cục khoa học quân
sự gồm 10 đại tá phải rút ngay về nước, trả lại cho bộ
tổng tham mưu với lý do "tinh giản biên chế ở chiến trường
!".

Có những sai lầm khuyết điểm như trên, nhưng Lê Đức Anh
vẫn thăng tiến rất nhanh, từ ủy viên trung ương khóa 4 lọt
vào bộ chính trị khóa 5 rồi tiến lên nắm chức bộ trưởng
bộ quốc phòng, chủ tịch nước !

6. Trong quan hệ gia đình, Lê Đức Anh là người chồng phản
bội : Ra Bắc được mấy năm, Lê Đức Anh nói với đ/c Đồng
Văn Cống là sẽ xin lấy vợ khác, vì bà Bảy Anh trong Nam đã
lấy chồng, lại thuộc thành phần gia đình phản động làm tay
sai cho địch! Đ/c Đồng Văn Cống nói: "Hôm ở Cao Lãnh tôi
thấy chị Bảy khóc rất dữ khi tiễn Anh đi tập kết ; nghe
nói sau đó chị về công tác ở miền Đông, căn cứ vào đâu
mà anh nói Chị đi lấy chồng và theo địch? Tôi không tán
thành".

Nhưng rồi nhờ sự ủng hộ của Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh
vẫn bỏ được vợ cũ, lấy được vợ mới. Trong lúc đó thì
trong hoàn cảnh đấu tranh khốc liệt và gian khổ ở miền Nam,
chị Bảy Anh vẫn một lòng kiên trung chờ đợi và tiếp tục
hoạt động cách mạng, làm ủy viên tỉnh ủy Bình Dương cho
đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng!

Khi biết chuyện này, các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Thị
Định và đồng bào cán bộ miền Nam đều rất bất bình, cho
Lê Đức Anh là một tên vô đạo đức!

Thưa bộ chính trị và ban chấp hành trung ương đảng!

Đây không phải lần đầu tiên các đảng viên Nam Bộ báo cáo
với đảng những hiểu biết nói trên về Lê Đức Anh.

Từ năm 1982, khi được tin Lê Đức Anh vào bộ chính trị khóa
5, đồng chí thiếu tướng Tô Ký và hai đồng chí Bảy Cống
và Năm Thi bàn nhau và đã làm báo cáo gởi ủy ban kiểm tra
trung ương đảng và thường vụ thành ủy thành phố Hồ Chí
Minh, nhưng không có hồi âm !

Cuối năm 1986 đầu năm 1987, khi thấy Lê Đức Anh lại được
bầu vào bộ chính trị rồi làm bộ trưởng bộ quốc phòng sau
hai cái chết bất ngờ của hai đại tướng Hoàng Văn Thái và
Lê Trọng Tấn, đ/c Nguyễn Văn Thi lại viết thơ tay gởi trực
tiếp đến các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Tâm, Lê
Đức Thọ nói rõ lai lịch và những hành động đáng ngờ của
Lê Đức Anh trước và sau cách mạng tháng 8-1945, nhưng 18 năm
qua các khóa trung ương vẫn chưa có trả lời.

Đến Hội nghị trung ương 11B khóa 8 tháng 2 năm 2001, trước
thủ đoạn nói xấu, vu khống quá lộ liễu của Lê Đức Anh
nhằm lật đổ tổng bí thơ Lê Khả Phiêu, đồng chí Hai Xô
đang làm việc ở Hà Nội biết đ/c Năm Thi từng có đơn tố
giác, bèn gọi Năm Thi ra gặp các đồng chí Hai Xô, Nguyễn
Đức Tâm, Mười Hương và ủy ban kiểm tra trung ương để làm
rõ quá khứ của Lê Đức Anh (đ/c Đồng Văn Cống không ra Hà
Nội trực tiếp báo cáo, đã phát biểu vào băng ghi âm gởi ra
ủy ban kiểm tra trung ương vào đầu tháng 3 năm 2001). Trong
cuộc họp đó, đ/c Nguyễn Đức Tâm xác nhận : khi làm trưởng
ban tổ chức trung ương, có nhận được thơ tố giác của đ/c
Năm Thi, đã báo cáo với Lê Đức Thọ nhưng được trả lời
là gác lại, giải quyết sau. Thấy Lê Đức Anh được Lê Đức
Thọ bảo vệ, đ/c Nguyễn Văn Linh đành phải gác qua. Cũng trong
cuộc họp đó, đ/c Hai Xô phát biểu : "Nếu không chặn đứng
được mưu đồ của Lê Đức Anh và đồng bọn, thì tình hình
nội bộ đảng sẽ ngày càng nghiêm trọng!".

Như vậy là hơn hai chục năm qua, qua nhiều lần đại hội
đảng và nhiều khóa trung ương, chúng tôi đã nhiều lần nói
rõ về Lê Đức Anh, nhưng mãi cho đến nay lai lịch, và các
hành vi sai trái của nhân vật này vẫn chưa được xác minh và
xử lý, gây tác hại nghiêm trọng đến sự trong sạch và vững
mạnh, sự đoàn kết và thống nhất của đảng.

Chúng tôi nhất trí với ý kiến của đại tướng Võ Nguyên
Giáp là "ban chấp hành trung ương khóa 9 cần xử lý kiên
quyết, dứt điểm, nghiêm minh những vụ việc tồn đọng nói
trên theo đúng điều lệ của đảng, pháp luật của nhà
nước, và kỷ luật của quân đội, dù người đó là ai, ở
bất kỳ cương vị nào!".

Chúng tôi tán thành ý kiến của các đ/c Võ Nguyên Giáp, Nguyễn
Nam Khánh, Nguyễn Tài v.v. là "không cho phép duy trì mãi một tổ
chức siêu đảng, siêu chính phủ, không thể để Tổng Cục 2
tồn tại với quyền hạn quá rộng như nghị định 96/CP cho
phép, mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ tình báo quân sự trực
thuộc bộ tổng tham mưu như trước đây".

Không cho phép tái diễn những hành vi hãm hại người trung
thực, như người ta từng vu khống, tước quân hàm và định
bắt giam thượng tướng Trần Văn Trà, sau đó phải trả lại
quân hàm mà không công bố ; từng vu khống với ý đồ hãm
hại đại tướng khai quốc công thần Võ Nguyên Giáp!

Chúng tôi cho rằng: không chỉ riêng vụ T4 mà toàn bộ những
vụ việc xảy ra mấy chục năm qua là những mắt xích của
một vụ án chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử 75 năm
của đảng, có quan hệ đến sự tồn vong của đảng và đất
nước.

Đây không phải là "chuyện ngày xưa" của mấy vị cách mạng
lão thành mà các khóa bộ chính trị và trung ương sau này không
thể làm rõ được. Không! Đây là những vấn đề lịch sử
quan trọng cần xác minh để soi sáng những vụ việc ngày nay.
Mảnh đất Lộc Ninh và không ít nhân chứng cùng thời vẫn còn
sống. Chỉ cần có trách nhiệm, có dũng khí và quyết tâm là
làm được! Chúng tôi sẵn sàng có một cuộc đối chất trực
diện nếu có bộ chính trị yêu cầu!

Không thể vin vào lý do : "ổn định nội bộ" mà bỏ qua và che
giấu việc này, vì nhiều tài liệu đã được công bố trên
Internet, nên trong đảng cũng như ngoài đảng, trong nước cũng
như ngoài nước, nhiều người đã biết các vụ việc xảy ra.
Hồ chủ tịch nói: "Một đảng che giấu khuyết điểm sai lầm
của mình là một đảng hỏng!". Bộ chính trị càng bưng bít
thì càng mất uy tín, càng làm giảm lòng tin của đảng viên và
quần chúng đối với trung ương.

Đúng như đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh đã cảnh báo: "Đang có
những làn sóng bất bình ngầm ngày càng lan rộng. Sự yên
lặng hiện nay là sự yên lặng của những quả bom nổ chậm
chưa đến giờ hẹn". Tình hình trong Nam cũng vậy.

Kính mong bộ chính trị và ban chấp hành trung ương lắng nghe
tiếng nói đầy tâm huyết của các tướng lĩnh, các cán bộ
cách mạng lão thành mà quá trình hoạt động và sự đóng góp
cho cách mạng đã chứng minh sự trung thành của họ.

Giải quyết dứt điểm và thành công vụ án chính trị siêu
nghiêm trọng này, kiên quyết loại trừ những phần tử cơ
hội ra khỏi các cơ quan quyền lực của đảng và nhà nước,
chấm dứt các hiện tượng cá nhân lũng đoạn là việc làm
cấp thiết và cực kỳ quan trọng để chuẩn bị cho đại hội
toàn quốc lần thứ 10 của đảng.

Đây cũng là việc làm thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày thành
lập đảng ta!

Xin gởi đến các đồng chí bộ chính trị và trung ương lời
chào trân trọng và rất mong được sớm trả lời!

Xin cám ơn.

Phạm Văn Xô
Địa chỉ : 225-18 Xô Viết nghệ Tinh, quận Bình Thạnh,
TP. Hồ Chí Minh - Điện thoại : 8.991300

Đồng Văn Cống
Địa chỉ : 774-2 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận,
TP. Hồ Chí Minh - Điện thoại : 8.447328

Nguyễn Văn Thi
Địa chỉ : 20B88 Cư xá Nguyễn Trung Trực, đường 3-2, quận 10,
TP. Hồ Chí Minh - Điện thoại : 8.655878

Nguồn: <a
href="http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=print&sid=108">e-Thông
Luận</a>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8571), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét