Tăng giá điện là cần thiết và hợp lý?

Kể từ đầu tháng ba tới đây, giá điện tại Việt Nam chính
thức tăng 15,28%. Đồng thời Tổng công ty điện lực Việt Nam
cho biết sẽ cắt giảm điện do tình hình khô hạn nghiêm
trọng.

Người dân trong nước hết sức quan ngại vì những quyết
định đó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống và sản
xuất.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc tăng giá điện giá điện
là "cần thiết" và "hợp lý".

Đỗ Hiếu hỏi chuyện bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế,
nguyên cố vấn văn phòng thủ tướng Việt Nam, về thông tin
liên quan.

<strong>Mức độ hợp lý?</strong>

<strong>Đỗ Hiếu</strong>: Thưa bà, đài Tiếng Nói Việt Nam vừa
đưa tin, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc tăng giá
điện để phù hợp với thị trường và có thêm nguồn vốn
đầu tư cho ngành điện, bà có thể giải thích thêm về nhận
định này?

<strong>Bà Phạm Chi Lan</strong>: Họ chỉ đưa một phần trong
lời bình luận của tôi, tôi cho là việc tăng giá điện lần
này là cần thiết và có mức độ hợp lý nhất định, do nhu
cầu tăng giá cho sát với điều kiện thực tế của thị
trường, tuy nhiên tôi cũng cho rằng tăng giá không thôi vẫn
chưa đủ. Theo tôi mức độ tăng giá thì chính phủ đã cân
nhắc, để việc tăng giá điện không ảnh hưởng quá lớn
đến chi phí của các doanh nghiệp, đến kinh tế vĩ mô, lạm
phát, đến đời sống người dân.

Cái tính hợp lý là ở mức độ đó, xét tới việc các Bộ
đề nghị tăng giá điện tới mức 18%, chính phủ chỉ cho phép
tăng 15%, thì đó là đã có sự cân nhắc nhất định của
chính phủ, chứ tôi không nói mức tăng đó là hợp lý hoàn
toàn. Thứ hai, tôi cho là tăng giá điện cũng chưa đủ để
giải quyết vấn đề điện ở Việt Nam.

<strong>Đỗ Hiếu</strong>: Vì sao và cần có những điều kiện
hay yếu tố nào khác, ngoài việc tăng giá điện?

<strong>Bà Phạm Chi Lan</strong>: Bởi vì, điện muốn phát triển
thành một thị trường thật sự, thì phải tạo được cạnh
tranh, phải kiểm soát được hoạt động của Tổng Công ty cung
cấp điện. Trong điều kiện chưa có được doanh nghiệp cạnh
tranh thì càng phải tăng cường sự kiểm soát đối với nhà
sản xuất và cung cấp điện độc quyền hiện nay, bởi vì
nếu không kiểm soát được tốt thì bản thân các nhà cung
cấp điện độc quyền, vẫn cứ luôn luôn báo cáo với nhà
nước là với giá điện thấp không giúp cho họ để đầu
tư, không thu hút thêm các nhà đầu tư khác vào, không đảm
bảo chi phí cho họ, họ không thể chịu mãi lỗ, hoặc đề
nghị nhà nước phải bù lỗ cho họ, hay đề nghị phải tăng
giá điện để bù đắp lỗ của họ, vì vậy việc kiểm soát
đối với độc quyền là vô cùng quan trọng.

Cùng với biện pháp tăng giá điện hiện nay, tôi cho là khiá
cạnh kiểm soát độc quyền, kiểm soát chi phí giá thành của
ngành điện, kể cả chi phí về quản lý, về nhân sự quá
lớn, vì đối với các dự án về đầu tư, không phải dự án
nào cũng đạt được chất lượng cần thiết.

Có những dự án chỉ sau khi hoàn thành vài tháng đã hư hỏng,
phải sửa chữa, nên chi phí lại cứ tăng tiếp lên. Theo cách
đó thì sẽ không bao giờ có đủ tiền để đầu tư cho ngành
điện nếu như không tiết giảm được. Điện của Việt Nam
thì tỷ lệ thất thoát vẫn còn cao, so với các nước khác
chung quanh.

Khi nói về tăng giá điện, tôi có nêu hai khiá cạnh, một mặt
là sự tăng giá hiện nay, nó cũng cần thiết trong điều kiện
thực tế là giá điện ở Việt Nam có mức thấp nhất định
và yêu cầu của ngành điện và các Bộ liên quan là đề nghị
mức rất cao, nên một khi chính phủ quyết định như vậy, thì
có tính hợp lý nhất định, sau khi đã xem xét đến các yếu
tố khác, và không cho tăng giá cao quá. Như tôi vừa nêu là
phải sớm kiểm soát độc quyền và tạo thị trường điện
cạnh tranh, nếu không có các doanh nghiệp khác cùng cạnh tranh
để cung cấp điện cho người tiêu dùng thì ngành điện vẫn
độc quyền, nên sẽ còn có những rủi ro cho kinh tế, cho xã
hội.

<strong>Đỗ Hiếu</strong>: Xin cám ơn bà về những lời giải
thích cặn kẽ vừa rồi, làm sáng tỏ hai cụm từ "cần
thiết" và "hợp lý", khi Việt Nam tăng giá điện…

<strong>Bà Phạm Chi Lan</strong>: Chỉ đem cắt của tôi một câu
thì vế đó sẽ hoàn toàn khác.

<strong>Thế độc quyền của EVN</strong>

<strong>Đỗ Hiếu</strong>: Thưa bà, các chuyên gia kinh tế và
năng lượng thường cho rằng, vì giá điện ở Việt Nam thấp
so với các nước khác trong khu vực, nên giới đầu tư nước
ngoài không mạnh dạn đến khai thác các dự án sản xuất và
cung cấp điện và do đó dù có tăng giá, EVN cũng sẽ cắt
giảm điện từ tháng ba tới, ý kiến của bà ra sao?

<strong>Bà Phạm Chi Lan</strong>: Theo tôi thì về việc thiếu
điện hiện nay, và các nhà đầu tư chưa sẵn sàng kinh doanh
vào ngành điện, tôi cho rằng lý do nói là giá điện thấp
chỉ một phần thôi, quả thật là nếu so sánh giá điện của
Việt Nam với vài nước chung quanh, thì tương đối thấp hơn,
vì vậy có một số nhà đầu tư vào những lãnh vực cần rất
nhiều điện, như ngành thép chẳng hạn, theo họ tính toán,
với giá điện thấp thì họ có lời, nhưng khi cấp phép cho
đầu tư thì những người cấp phép không tính tới nhu cầu
sử dụng điện và khả năng cung ứng điện của Việt Nam.

Mặt khác, tôi vẫn lập luận là nếu so sánh giá cả, phải so
sánh trong bối cảnh kinh tế của từng nước, giá điện ở
Việt Nam thấp, không có nghĩa là người tiêu dùng Việt Nam
được hưởng lợi hoàn toàn, vì kinh tế Việt Nam còn ở mức
độ phát triển thấp hơn so với các nước khác, thu nhập của
người thấp hơn rất nhiều so với nước khác. Đừng nghĩ
rằng giá điện thấp, người dân Việt sung sướng hơn, được
hưởng những điều kiện tốt hơn.

Mặt khác, giá điện thấp ở Việt Nam lại đi đôi với thiếu
điện, kèm với chất lượng, dịch vụ cung cấp điện chưa
tốt, đấy cũng là một điều cần phải so sánh. Tình trạng
cúp điện gây nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất, cũng như
các công ty cung ứng dịch vụ và kể cả người tiêu dùng.

Ngành điện vẫn cho rằng vì không được có giá cao nên không
thu hút được đầu tư thì cũng không hẳn như vậy. Trước
đây cũng có những người muốn đầu tư vào lãnh vực phát
điện, nhưng vì ở Việt Nam, người độc quyền mua điện là
EVN, cho nên trong nhiều cuộc thương thảo với EVN, các nhà cung
cấp điện không thương thảo được hợp đồng, thật sự
đảm bảo được lợi ích của cả hai bên, vì vậy họ không
muốn tham gia.

<strong>Đỗ Hiếu</strong>: Bà có nhắc đến "thế độc
quyền" của Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, điều này có
ảnh hưởng gì đến chuyện tăng giá điện không?

<strong>Bà Phạm Chi Lan</strong>: Ngay cả có tăng giá lên mà nếu
không phá các thế độc quyền của EVN và không tạo những môi
trường thuận lợi khác thì chưa chắc người ta đã đầu tư
vào ngành điện.
Ảnh hưởng của tăng giá điện

<strong>Đỗ Hiếu</strong>: VN Express nói là do tác động trực
tiếp của quyết định tăng giá điện từ đầu tháng ba này,
chỉ số giá tiêu dùng tăng ít nhất 0,38%, kéo theo sự leo thang
của các mặt hàng nhu yếu, người dân lao động sẽ chật vật
hơn, theo bà thì nhà nước có phương cách gì giúp cho họ
không?

<strong>Bà Phạm Chi Lan</strong>: Rõ ràng là khi giá điện tăng
thì nó sẽ ảnh hưởng chung đến mặt bằng giá cả ở Việt
Nam, cái tính toán giá tiêu dùng tăng ba mươi mấy phần trăm,
đó là tác động trực tiếp của giá điện thôi, thế còn tác
động vòng hai và các vòng khác, sẽ ảnh hưởng dây chuyền
đến các giải pháp khác, thúc đẩy vật giá tăng chừng gấp
đôi, tức là hơn 0,70%.

Đối với những người thu nhập thấp thì rõ ràng tăng giá
điện trở thành gánh nặng cho họ. Nhà nước có cách thức
để bù giá cho họ theo những tính toán của ngành điện. Khi
giá điện tăng như vậy, những người sử dụng dưới 50 chữ
điện một tháng, có thể phải trả thêm mỗi tháng chừng năm
ngàn đồng, nhà nước sẽ cố gắng bù cho họ phần đó. Đó
chỉ mới là sự bù cho phần tăng giá điện thôi, hệ quả
của nó với việc tăng giá tất cả những thứ khác lên, thì
ai là người bù đắp cho thành phần có thu nhập thấp. Tôi
nghĩ là biện pháp căn cơ vẫn là các công việc khác nữa mà
chính phủ phải làm để kiểm soát lạm phát, không để cho
mức giá tăng quá cao, tăng cường hệ thống an sinh xã hội.

Theo tôi, những biện pháp cần thiết khác là cắt giảm đầu
tư công, cắt giảm đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước,
tiến hành mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, làm minh bạch
hoạt động của họ, đảm bảo hoạt động có hiệu quả cao
hơn, bớt đi những phần lỗ mà bền kinh tế phải gánh chịu,
đó là những cách thiết thực làm mặt bằng giá ở Việt Nam
đỡ cao, đỡ khó khăn cho những người tiêu dùng.

Đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, là lực lượng tạo
ra nhiều việc làm nhất, nhưng cũng có thể gặp khó khăn do
chuyện giá cả tăng lên như thế này, nhà nước cần có biện
pháp hỗ trợ cho họ, tạo thuận lợi cho kinh doanh của họ, có
vậy họ mới giữ được việc làm cho những lao động đang
làm cho họ, thì mới giữ được sự bình ổn xã hội.

<strong>Đỗ Hiếu</strong>: Xin cám ơn chuyên gia kinh tế Phạm Chi
Lan.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7916), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét