A.S. Makarenko-nhà cải cách giáo dục kiệt xuất - danh nhân văn
hóa thế giới người Nga - trong một lần bàn về tầm quan
trọng của giáo dục đã từng ví von rằng: "<em>nền giáo
dục giống như trái tim, còn những công dân sống và làm việc
trong xã hội giống như những giọt máu, được tim co bóp để
đi nuôi sống cơ thể - tức là xã hội</em>".
Hiển nhiên một cơ thể khỏe mạnh luôn sở hữu một trái tim
khỏe mạnh. Một xã hội, hay rộng ra hơn nữa một quốc gia
muốn trở nên phát triển, trở thành cường quốc thì điều
kiện tiên quyết hàng đầu luôn là một nền giáo dục phát
triển, trong sạch, vững mạnh, nhanh nhạy hội nhập với thế
giới bên ngoài, biết tiếp thu những kiến thức mới, công
nghệ mới nhằm phục vụ cho công việc đào tạo và nuôi
dưỡng nhân tài cho một xã hội tương lai.
Khoa học công nghệ ngày càng phát triển như vũ bão, kéo theo
đó là sự thay đổi tất yếu của nền giáo dục trong mỗi
quốc gia nhằm bắt kịp với tiến trình phát triển của khoa
học công nghệ. Một triết lí giáo dục hôm nay có thể còn
đúng, là chân lí, nhưng đến ngày mai có thể không còn đúng
nữa. Bởi thế, một nền giáo dục được coi là thành công khi
và chỉ khi nền giáo dục đó có đủ can đảm để gạt bỏ
lề lối xưa cũ mang tính tiêu cực không còn phù hợp với xu
thế phát triển của khoa học và công nghệ, đi kèm với đó
là mạnh dạn tiếp thu "gạn đục khơi trong" những cái
mới, cái tiên tiến của những nước đi trước, từ đó rút
ra một bài học, nhằm tạo nên bản sắc giáo dục cho riêng
mình, mà có thể tóm gọn trong một câu nói rất đơn giản
nhưng lại đầy ý nghĩa "hòa nhập nhưng không hòa tan".
<h2>2. Kinh nghiệm của Nhật Bản</h2>
Thật vậy, nếu mở rộng tầm mắt vuợt qua cái màn ngăn cách
về không gian và thời gian chúng ta nhìn sang nước Nhật - xứ
sở của ngọn núi Phú Sĩ hùng vĩ những bộ quần áo Kimono
nổi tiếng, hoa anh đào tươi đẹp, những miếng shushi bé xinh
xinh vô cùng hấp dẫn. Nhưng có lẽ khi nhắc đến hình ảnh
nước Nhật người liên tưởng ngay đến một cường quốc về
khoa học kĩ thuật, xã hội phát triển ở mức cao, nhưng vẫn
bảo tồn, phát triển được nền văn hóa với nhiều phong tục
tập quán truyền thống của mình để trở thành một nét văn
hóa vĩ đại của Châu Á khiến cho giới học giả, nghiên cứu
phương Tây phải ngưỡng mộ.
Đi xa hơn một chút nữa vào thời điểm giữa thế kỉ 19 lúc
đó nứoc Nhật phong kiến dưới sự cầm quyền của chế độ
Mạc phủ Tokagawa, là một quốc gia nghèo nàn và lạc hậu trong
tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội v.v... (có
khi còn kém hơn cả Việt Nam thời Nguyễn). Nhưng may thay, vào
thời điểm đó nước Nhật lại có một vị minh quân, với
cái nhìn vượt thời đại, đã kịp thời nhận thấy rằng,
nếu cứ để sự tụt hậu về kinh tế, xã hội diễn ra mãi
thì chẳng bao lâu một đế chế Nhật hùng cường trong quá
khứ trong phút chốc sẽ trở thành một miếng mồi béo bở cho
các nước thực dân xông vào xâu xé. Nguời đó chính là Minh
Trị Thiên Hoàng, người đã quyết định đưa ra những cải
cách triệt để, trên mọi mặt từ giáo dục, chính trị, quân
sự cho đến kinh tế. Nhưng vấn đề được ông đặt lên hàng
đầu là cải cách giáo dục, bằng việc từ bỏ lối thi cử
khoa bảng, tầm chương chích cú kiểu cũ, thay vào đó là kiến
thức khoa học - kĩ thuật của phương Tây, đưa sinh viên ra
nước ngoài học tập.
Và đúng như triết lí của A.S. Makarenko, những giọt máu chất
lượng cao cứ thế ra đời, tạo nên một thế hệ công dân,
lãnh đạo mới, và kéo theo đó là hệ quả tất yếu của
việc thay đổi cả hệ thống xã hội vốn ì ạch chậm chạp
trong hàng mấy thế kỉ dài đẳng đẵng, chuyển sang một xã
hội năng động, từ đó đưa cả một đất nước vốn dĩ có
một nền nông nghiệp lạc hậu trở thành một cường quốc
về kinh tế-quân sự, mà minh chứng tiêu biểu nhất là chiến
thắng của hạm đội hải quân Nhật Bản trong chiến tranh Nga -
Nhật năm 1905 và sau đó năm 1910 cả vùng Nam Mãn Châu và Triều
Tiên cũng chính thức bị đặt dưới quyền kiểm soát của
Nhật, để rồi hơn 30 năm sau Nhật Bản đã làm cả thế giới
phải kinh hoàng trước sức mạnh quân sự của mình trong thế
chiến thứ 2.
Một cuộc cải cách thật vĩ đại và thần kì!
Cũng phải nhìn nhận rằng để có được một nền giáo dục
khoa học kĩ thuật phát triển nhanh như vậy, thì không thể
chỉ cải cách riêng ngành giáo dục là đủ, mà cần phải
đồng thời cải cách xã hội, chính trị một cách triệt để,
nhằm tạo ra một cơ chế ổn định đồng bộ hỗ trợ lẫn
nhau. Minh Trị Thiên Hoàng nhận thấy rằng: nền chính trị-xã
hội Nhật Bản lúc đó rất lạc hậu, trở ngại lớn nhất là
tầng lớp quý tộc phong kiến ăn bám xã hội. Nếu không cải
cách triệt để hệ thống "ăn bám" này, thì giáo dục cũng
như các ngành khác không thể phát triển được.
Vậy nên ông quyết định ra lệnh bãi bỏ chế độ thái ấp
phong kiến và chế độ bổng lộc đi kèm, thay thế bằng hệ
thống quản lý hành chính theo cấp tỉnh. Thực hiện chế độ
bình đẳng trong xã hội, mọi sự phân biệt đẳng cấp trong
xã hội phong kiến trước kia bị huỷ bỏ. Không những thế
ông còn tạo ra một cơ chế để nhân tài có thể hiến kế
giúp hưng thịnh quốc gia, bất chấp những cải cách đó có
thể ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của mình. Như
thế, ngoài cái uyên bác, minh triết của một nhà cải cách
chiến lược, Minh Trị Thiên Hoàng còn là một người yêu
nước, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của phe nhóm cá
nhân, chấp nhận cải cách để làm cho quốc gia hưng thịnh.
Như thế, Minh Trị Thiên Hoàng đã đặt quyền lợi của tổ
quốc, của quốc gia cao hơn cả những tư lợi ích kỉ thông
thường của một con người bình thường.
<h2>3. Việt Nam đã bỏ lỡ một chuyến tàu</h2>
Quay trở lại với tình hình Việt Nam thời kì đó, dĩ nhiên
cũng giống như Nhật, Việt Nam vào thế kỉ 19 là một nước
nghèo nàn lạc hậu với nền kinh tế nông nghiệp thô sơ, tình
trạng kinh tế - xã hội cũng hết sức bi đát, trong khi đó cái
họa xâm lăng của người Pháp thì lại rõ mồn một hơn bao
giờ hết. Trước tình cảnh đó, một bậc trí thức cũng có
cái nhìn đi trước thời đại là Nguyễn Trường Tộ đã gửi
14 bản điều trần lên triều đình nhà Huế, đề nghị cải
cách tất cả các mặt giáo dục, kinh tế, chính trị, văn hóa,
xã hội v.v... để biến Việt Nam trở thành cường quốc trong
tương lai, và trước nhất là có sức mạnh, để tự lực tự
cường, tránh khỏi cái họa xâm lăng của thực dân Pháp. Tiếc
thay! "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên". Triều đình
Huế lúc đó tham quyền cố vị, ích kỉ chỉ biết nghĩ cho
lợi ích cá nhân, tập đoàn phe nhóm của mình mà chẳng hề
đoái hoài gì tới vận mệnh của sơn hà xã tắc trong cơn nguy
khốn, nên đã xổ toẹt vào những lời vàng ngọc, quý giá,
tâm huyết của Nguyễn Trường Tộ. Xa hơn nữa, xét về một
khía cạnh nào đó, triều đình Huế đã có tội với dân tộc
với tổ tiên, khi đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng để đưa
dân tộc Việt Nam trở thành cường quốc. Để rồi sau đó
nước Việt Nam rơi vào vòng đô hộ của thực dân Pháp hơn 100
năm…
Kể lại lịch sử như thế là để chúng ta cùng nhau "ôn cố
tri tân", rút kinh nghiệm từ những bài học lịch sử để
định hướng cho tương lai âu cũng là lẽ thường tình ở trên
đời. Ắt hẳn ai là người Việt Nam, dù có thể bất đồng
quan điểm về vấn đề này, vấn đề kia, chắc chắn đều có
chung một tâm nguyện, mong sao cho Việt Nam phát triển. Thế
nhưng với quan điểm cá nhân của tôi - một sinh viên hiện
đang sống và học tập ở Việt Nam, thì thực trạng giáo dục
hiện tại của Việt Nam ta đã đến mức báo động. Có lẽ
việc nêu chi tiết những hạn chế tiêu cực ở bài viết này
là thừa, bởi điều đó đã có hàng ngàn, hàng vạn bài báo
nói lên rồi. Rất rõ ràng. Rất chi tiết. Đành rằng, sai thì
sửa, thế nhưng có một hiện trạng đã tiếp diễn hơn 20 năm
nay trong nền giáo dục Việt Nam đó là sai mà... không thấy
sửa, hoặc sửa không triệt để, nửa vời.
Cả xã hội đã quá mệt mỏi với những lời hứa, tuyên bố
của hết đời Vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo này
đến Vị Bộ trưởng khác, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là
"bắt cóc bỏ đĩa". Chương trình giáo dục thì vừa nặng,
lại không phù hợp với thực tế. Sinh viên học thì "bò cả
ra" mà cũng không hết bài, trong khi đó do cách học chay,
thuần lí thuyết, không thực hành nên sau khi học xong là
"chữ thầy trả lại thầy". Chương trình giáo dục chỉ
tập trung đào tạo ra những con robot chỉ biết đọc và chép,
hoàn toàn không có tư duy sáng tạo, không có tính độc lập
trong tư tưởng và suy nghĩ.
Bởi vậy, trong suốt 4 (hoặc 5) năm học đại học, sinh viên
chỉ được trang bị những kiến thức xa rời thực tế, trong
khi đó nhưng kĩ năng quan trọng của một nền khoa học - công
nghệ hiện đại như tư duy logic, phong cách "team-work" (làm
việc nhóm), tự nghiên cứu, nhìn vấn đề trên nhiều khía
cạnh v.v... hoàn toàn không được đào tạo đến nơi đến
chốn. Thế nên đến lúc ra trường, nhà tuyển dụng kêu ca, và
lại phải cất công đào tạo lại, học lại.
Đó không chỉ là một sự phí phạm về thời gian, mà còn là
sự phí phạm về tiền bạc, của cải của xã hội. Ấy là
còn chưa kể những "dòng máu" được tạo ra không có chất
lượng tốt nên đã làm cho cả cả nền kinh tế hoạt động
trì trệ, bởi năng suất, hiệu quả lao động thấp. Điều này
lại kéo theo cả sự tụt hậu đi xuống của nền khoa học,
làm cho Việt Nam vốn đã lạc hậu trì trệ, lại càng trì trệ
lạc hậu hơn.
Nhưng sự trì trệ này đâu chỉ gói gọn trong lĩnh vực khoa
học giáo dục, nó còn tác động đến tất cả các vấn đề
khác mang tầm vĩ mô như kinh tế, quản lí hành chính cho đến
tầm vi mô như là giao thông, xóa đói giảm nghèo v.v… Mà hiển
nhiên, cả xã hội được ví như một cơ thể hoàn thiện, trong
đó đòi hỏi tất cả các bộ phận làm việc phải đều và
ổn định như nhau. Chỉ cần tay, hay chân, chúng ta bị thương,
cũng ngay lập tức sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của
tất cả các bộ phận khác trong cơ thể. Và đó chính là
nguyên nhân hàng đầu làm cho biết bao nhiêu nỗ lực của chính
phủ, các bộ ngành… trong hàng chục năm qua đều không đạt
mục tiêu cao cả như mong muốn.
<h2>4. Xin đơn cử một ví dụ</h2>
Vấn đề tăng học phí chẳng hạn, ai cũng biết rằng với
mức ngân sách hiện tại mà chính phủ đầu tư dành cho giáo
dục là không đủ. Mà muốn phát triển giáo dục thì vấn đề
"đầu tiên" là không thể thiếu. Bởi vậy, Bộ Giáo dục
và Đào tạo mới ra quyết định tăng học phí (có thể là
800.000 đồng/tháng). Nhưng nhìn vào mức thu nhập hiện tại
của nhân dân, cộng thêm tỉ lệ lạm phát hai con số, giá cả
tăng vùn vụt như hiện tại, nếu áp dụng mức học phí này
thì chắc chắn rất nhiều sinh viên sẽ phải bỏ học bởi
không có đủ tiền để trang trải học phí. Mà nếu không có
tiền nâng cấp cho hệ thống giáo dục thì giáo dục lại ngày
càng tụt hậu.
Rõ ràng, cải cách giáo dục đã động chạm và có liên quan
đến rất nhiều các ngành khác trong xã hội. Trong khi đó sự
lãng phí trong ngân sách giáo dục lại rất lớn - nguyên nhân do
sự yếu kém trong quản lí. Đó là cái vỏng luẩn quẩn của
giáo dục Việt Nam, không biết đến khi nào mới giải quyết
nổi. Hết đề án này nọ, dự án thế này thế kia của Bộ
đề ra những vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo vấn đề.
Tình hình giáo dục vẫn trì trệ, ngày càng xảy ra nhiều tiêu
cực, Bộ trưởng vẫn lên hứa trước Quốc hội đều đều,
và nhân dân cũng quá quen với những lời hứa này.
Chúng ta có thể thông cảm với ngài Bộ trưởng, bởi lỗi
không phải do ngài. Bởi như lịch sử - thực tế đã chứng
minh: để tiến hành cải cách giáo dục có hiệu quả, thì
không thể chỉ cải cách riêng ngành giáo dục là đủ, mà
phải cải cách cả hệ thống chính trị - xã hội đi kèm. Tất
cả các quốc gia phát triển, văn minh trên thế giới đều có
một nền giáo dục tiên tiến, và tuyệt nhiên không có bất
cứ một quốc gia nào nghèo nàn, kém văn minh lại có một nền
giáo dục phát triển cả. Đó là một thực tế, mà chúng ta
không thể dùng lý luận nào đó để phủ nhận.
Nhìn sang các nước phát triển ngay trong khu vực Đông Nam Á như
Thái Lan, Singapore, chúng ta bị bỏ xa quá rồi. Thời gian thì
trôi vùn vụt, có ai chờ chúng ta đâu. Trong khi đó thi tụt
hậu không còn là nguy cơ mà đã là một thực tế nhãn tiền.
Bởi thế hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải có một sự thay
đổi tư duy trong vấn đề hoạch định chính sách cải cách
giáo dục. Chúng ta không cần những chính sách cải cách giáo
dục nửa vời mang tính "bắt cóc bỏ đĩa", mà là một
chính sách cải cách toàn diện trên tất cả các mặt xã hội,
kinh tế, văn hóa, lấy giáo dục làm trọng tâm. Muốn làm
đuợc như thế thì cần phải có sự quyết tâm từ những bậc
lãnh đạo cao nhất, cũng như sự nhất trí đồng lòng của
tất cả các bộ ngành (chứ không chi riêng của ngành giáo
dục), thậm chí là cả toàn thể xã hội nữa, từ đó mới có
cơ hội để cùng nhau bàn bạc tìm ra, một kế sách hợp lí cho
ngành giáo dục.
<h2>5. Tạm kết</h2>
Cách đây hơn 200 năm chúng ta đã một lần bỏ lỡ mất chuyến
tầu song hành với các cường quốc khác trên thế giới. Hy
vọng, giờ đây chúng ta không phải lỡ tầu thêm một lần
nữa.
Thanh Nam
Xuân Mậu Tí
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7604), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét