Nền tảng của xã hội dân chủ (1)

<h2>Dân Chủ: Thể chế, truyền thống và luật pháp</h2>

Dân chủ không có nghĩa là dựng lên một hệ thống chính
quyền rồi mặc kệ cho nó tự vận hành. Dân chủ là một
dạng văn hóa cần được thường xuyên chăm sóc và gìn giữ,
và nó đòi hỏi những điều kiện sống, những thể chế và
những truyền thống thích hợp để tiếp tục tồn tại. Những
thể chế của dân chủ được thiết lập bằng luật pháp,
trong khi đó các truyền thống dân chủ lại phát triển từ
lịch sử và từ những thói quen văn hóa, và thường khó tạo
dựng hơn.

Một số thể chế và điều kiện của nền dân chủ thường
mâu thuẫn với nhau, và chính nhờ những "xung đột" này mà
nền vân chủ vận hành. Ví dụ, tự do ngôn luận và chính
quyền thường xuyên bất đồng với nhau. Có những xung đột
và lợi ích đối nghịch trong một số quyền dân chủ, ví dụ
như quyền tự do ngôn luận. Một mặt, một nền dân chủ vận
hành tốt phải cho phép người dân được nói cởi mở và trung
thực về bất kỳ điều gì mà không phải sợ hãi. Mặt khác,
xã hội có thể bị tổn thương nếu quyền tự do ngôn luận
bị lợi dụng và sử dụng để kích động bạo lực và thù
hận. Trong trường hợp này, xã hội dân sự sẽ bị tan rã và
nền dân chủ bị đe dọa.

Chúng ta sẽ không bao giờ có lời giải cuối cùng cho những
tình huống khó xử đó, vì đó là bản chất của nền dân
chủ. Thay vào đó, chúng ta phải thường xuyên đàm phán để
tìm ra sự cân bằng thích hợp giữa TỰ DO và TRÁCH NHIỆM
giữa cá nhân với cá nhân, cũng như giữa cá nhân với xã
hội. Để giúp chúng ta trong tiến trình này, chúng ta có những
thể chế, truyền thống và luật pháp của dân chủ.

<h2>Nhà Nước, Tư Nhân và Xã Hội Dân Sự</h2>

Một trong những điều kiện tiên quyết của một nền dân chủ
hoạt động hiệu quả là xã hội phải vận động trên ba
"mức độ": Nhà nước, Tư nhân và Xã hội Dân sự. Điều quan
trọng là ba mức độ này phải được tách bạch nhau và rằng
chúng hỗ trợ lẫn nhau.

Ba mức độ có những nhiệm vụ riêng, có lịch sử riêng, và
mỗi mức độ cung cấp cho cá nhân một sự bảo vệ và cơ
hội phát triển riêng. Mỗi mức độ có những quy luật khác
nhau.

<h3>Nhà Nước</h3>

Những nhà nước đầu tiên hình thành cách đây 4000-5000 năm,
dưới dạng những cộng đồng sống ở những thị xã Trung
Đông. Nhà nước-Quốc gia (Nation State), hiểu theo nghĩa tân
thời của từ này, xuất hiện vào thế kỷ 17 đến thế kỷ 19
tại Châu Âu và Châu Mỹ. Xuyên suốt thế kỷ 20, nhiều nhà
nước quốc gia đã tiếp tục hình thành.

Vai trò của Nhà nước là lập pháp và đảm bảo rằng luật
pháp được tôn trọng. Vì thế, tại các nhà nước lập hiến,
chính nhà nước là người đưa ra những quy định chung về cái
gì là hợp pháp và cái gì là bất hợp pháp, và chính nhà
nước là người duy nhất có quyền sử dụng bạo lực [công an
và quân đội - người dịch], để đảm bảo sự an toàn của
các công dân. Như thế, những hoạt động của nhà nước cấu
thành luật pháp, và nếu ai vi phạm luật pháp nhà nước,
người đó có thể bị đưa ra tòa.

<h3>Tư Nhân</h3>

Tư Nhân bao gồm tất cả những gì xảy ra tại nhà riêng, giữa
gia đình và bạn bè. Một điều quan trọng của nền dân chủ
là tính bất khả xâm phạm của tư gia: Không cơ quan nhà
nước, bạn bè, láng giềng hay người lạ nào có quyền bước
vào nhà người khác mà không xin phép. Cảnh sát chỉ có thể
bước vào nếu họ có những lý do rõ ràng chứng tỏ nghi ngờ
của họ rằng tội ác đang diễn ra trong nhà, và ngay cả khi
đó, họ phải đợi có trát của tòa. Một người bạn hay hàng
xóm, đương nhiên, có thể "đột nhập" vào tư gia, ví dụ trong
trường hợp họ nghi ngờ ai đó đang bị thương hoặc cần sự
giúp đỡ. Trừ các trường hợp đó ra, tư gia là nơi bất khả
xâm phạm.

Nói chung, luật pháp mà nhà nước định ra cũng được áp
dụng trong nhà riêng của mỗi người: Chúng ta không có quyền
giết người, ăn cắp hoặc thực hiện các hành vi trái pháp
luật khác, với lý do "tôi đang ở nhà riêng của tôi".

Tại tư gia, còn có những quy định khác - những quy định
không liên quan đến luật pháp nhà nước: ví dụ như các giá
trị đạo đức, luân lý, thói quen, cũng như sự trông đợi
(ví dụ con trông đợi rằng bố mẹ sẽ là người ra quyết
định trong nhà). Các gia quy, khác với luật pháp nhà nước, là
luật bất thành văn - thường được ngầm hiểu giữa những
người sống chung trong một mái nhà.

Nếu có ai đó phá vỡ gia quy, thì không tòa án nào có thể
bắt tội người đó. Cá nhân sống chung dưới một mái nhà có
thể tranh luận, cãi vã, và / hoặc bỏ đi khỏi nhà, hoặc -
nếu là một người chủ gia đình vốn không quen với việc bị
thách thức - có thể đe dọa đánh hoặc trừng phạt thành viên
gia đình đã phá vỡ gia quy. Cách hành xử sau (đánh hoặc
trừng phạt bằng bạo lực) bị cấm ở các xã hội dân chủ,
và nếu có ai thực sự có hành xâm phạm thể xác của thành
viên trong gia đình mình, đó sẽ trở thành vấn đề được
đưa ra tòa.

<h3>Xã Hội Dân Sự</h3>

Xã Hội Dân Sự là tất cả những gì không thuộc phạm vi của
Nhà Nước cũng như phạm vi Tư Nhân. Nó là không gian công, ví
dụ quảng trường hay đường phố, các câu lạc bộ hay hội
đoàn, nơi làm việc, các sự kiện thể thao, tụ tập tôn giáo
v.v... tất cả những nơi mà chúng ta vẫn thường gặp gỡ nhau,
ngoài tư gia của mình.

Ở trong Xã Hội Dân Sự, một cá nhân phải tuân thủ cả luật
pháp nhà nước, lẫn hàng loạt các giá trị đạo đức và
luân lý mà chúng ta có ở gia đình. Nhưng cũng có khi các giá
trị đạo đức ở xã hội dân sự lại khác với các giá trị
đạo đức mà cá nhân đó có ở nhà riêng.

Trong xã hội dân sự, nói cách khác, chúng ta buộc phải trao
đổi suy nghĩ của mình về đạo đức, luân lý và các giá
trị khác. Điều này, ở một mức độ nào đó, là chức năng
của nghệ thuật và văn hóa: Qua nghệ thuật và văn hóa, chúng
ta kể những câu chuyện về điều chúng ta nghĩ là đúng cũng
như điều chúng ta cho là sai, và cái gì cần được thay đổi
trong xã hội.

Trong những vòng tròn hữu hạn của xã hội dân chủ - như hội
đoàn, các buổi nhóm họp tôn giáo hay những sự kiện khác -
có thể tồn tại những quy định riêng. Nếu ai đó không
đồng ý với những quy định đó, họ có quyền tự do rời
bỏ vòng tròn. Nếu đó là một hội đoàn mang tính dân chủ,
thì cá nhân có thể chọn con đường ở lại và vận động
để thay đổi những quy định mà mình cảm thấy không phù
hợp.

<h3>Luật pháp và Đạo đức</h3>

Luật pháp nhà nước và đạo đức của xã hội dân sự không
phải lúc nào cũng đồng nhất. Có rất ít luật trực tiếp đi
ngược lại đạo đức, nhưng luôn tồn tại những luật pháp
mà một số người trong xã hội nghĩ rằng như thế là vô
đạo đức ví dụ quyền được phá thai.

Điều ngược lại xảy ra thường xuyên hơn, tức là có những
điều mà nhiều người cho rằng vô đạo đức lại không trái
pháp luật. Ngoại tình là một ví dụ. Gia đình và xã hội dân
sự có thể lên án ngoại tình, nhưng chẳng có mấy nền dân
chủ coi ngoại tình là bất hợp pháp, và người vợ (hoặc
chồng) có quyền kiện nửa bên kia ra tòa vì đã phạm tội
ngoại tình. Người vi phạm đạo đức xã hội dân sự có thể
không bị trừng phạt, ngoại trừ trường hợp sự vi phạm đó
cũng là trái với luật pháp nhà nước.

<h2>Tôn Giáo</h2>

Ở xã hội truyền thống, tôn giáo bao trùm cả luật pháp nhà
nước lẫn thái độ của xã hội dân sự. Trong xã hội dân
chủ, nhà nước quy định quyền của các đoàn thể tôn giáo,
nhưng việc cá nhân theo đuổi tôn giáo nào là một vấn đề
cá nhân. Nhà nước không thể can thiệp vào quyền thờ phượng
của các cá nhân, miễn rằng chúng nằm trong giới hạn của
luật dân sự. Chùa chiền, đền miếu, nhà thờ v.v... tồn tại
ở không gian công, và chúng là một phần của xã hội dân sự
như những tổ chức khác. Như thế, chúng phải hoạt động
bằng vai phải lứa với tất cả các tổ chức khác trong xã
hội dân sự.

<h2>Con đường đi tới dân chủ</h2>

Ở rất nhiều xã hội chưa có dân chủ, không có sự phân
biệt giữa Nhà nước, Tư Nhân, Xã hội Dân Sự và Tôn giáo.
Một điều kiện cần thiết để xuất hiện dân chủ là nhà
nước phải nhìn nhận Tư Nhân và Xã Hội Dân Sự như một khu
vực tự trị - và các tổ chức tôn giáo phải từ bỏ quyền
lực chính trị.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7630), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét